Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Đời Lá của Trần Minh Lê

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận 
bài thơ Đời Lá của  Trần Minh Lê
Tôi biết đến tác giả Trần Minh Lê thời gian gần đây và đã đọc rất nhiều tác phẩm của anh. Đề tài được anh viết hầu như là thơ tình….
Thật bất ngờ hôm nay tôi gặp bài thơ Đời Lá dẫu đã coi tên tác giả…mà vẫn phải xem lại. Một bài thơ khác hoàn toàn với một Trần Minh Lê. Từ tình thơ, ý thơ, câu chữ hoàn toàn thay đổi. Thơ mênh mang ý, hồn phiêu du theo câu chữ và chuyên chở một khối tình nặng trĩu. Bố cục chặt chẽ xuyên suốt toàn bài là sợi dây tình cảm kéo người đọc cuốn theo:
Đời Lá
Lá nhìn vào khoảng trống rộng mênh mang
Nơi chất chứa bao buồn vui sướng khổ
Lá gần trọn một đời hoa cây cỏ
Chỉ còn sót chút sắc vàng chiều nay
Mà đảo chao giữa trời đất vần xoay
Dốc nhân gian chạm chân ngày vào tối
Định mệnh đời càn khôn ai dời đổi
Vẫn reo gió thèm vương nắng dư dôi
Đời lá trải mưa nắng bao mùa trôi
Đủ gánh đời với mầm xanh thành lá
Thời gian đắp vận đổi rời chẳng lạ
Run trên cành mà cười với chồi non
Trọn kiếp rồi giờ ngồi đếm héo hon
Trong nắng đời chiều nay đang vụn nát
Mảng nối tình trong lòng ta phiêu dạt
Thương lá vàng đang khắc khoải hồn đau
Trong lòng ta héo hắt nỗi khổ sầu
Hồn se sắt hận đơn côi xanh nụ
Lá vàng ơi chiều rời đừng ủ rũ
Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia 

Viết cho mẹ -(Trần Minh Lê)
Tôi đã đọc được ở đâu đó đại ý là: muốn hiểu một tác phẩm trước hết phải hiểu về tác giả, cùng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó…với Đời Lá tôi chưa biết gì về tác giả, nhưng thông qua những lời sẻ chia của bạn bè anh. Tôi được biết tác giả đã bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời…rớt xuống vực đôi lần rồi lại tự tìm cách trèo lên… sau những lần va đập đến xác xơ ấy, tác giả hiện đã ổn định và có lẽ là đang “đơn côi xanh nụ”.
Thế rồi khoảng hơn một tuần nay, người mẹ già đã “chót cành chiếc lá vàng đu” bỗng nhiên bị bệnh hiểm nghèo…Tác giả vào bệnh viện nuôi mẹ…tình mẫu tử thiêng liêng, là khởi nguồn cho tiếng nấc nghẹn trong tim, bật lên thành những câu thơ tràn đầy tình cảm. Nhưng theo một nhịp thơ trầm trầm khắc khoải…
Lá nhìn vào khoảng trống rộng mênh mang
Nơi chất chứa bao buồn vui sướng khổ
Lá gần trọn một đời hoa cây cỏ
Chỉ còn sót chút sắc vàng chiều nay

Thật cảm động khi tác giả mượn hình ảnh chiếc lá để thay cho đại từ nhân xưng Mẹ. Vâng đời Lá đã gần trọn vòng đời dẫu là kiếp cỏ cây… Cuộc đời của lá đã trải qua “bao buồn vui sướng khổ”.. ”Chỉ còn một chút sắc vàng…” nhìn một “khoảng trống”. Mà khoảng trống này lại “rộng đến mênh mang”…Lá nhìn gì? Lá muốn tìm gì? Trong khoảng trống ấy! tác giả liệu có giúp được gì cho Lá hay không?
Mà đảo chao giữa trời đất vần xoay
Dốc nhân gian chạm chân ngày vào tối
Định mệnh đời càn khôn ai dời đổi
Vẫn reo gió thèm vương nắng dư dội

Vậy đấy! cả một đời lam lũ, tảo tần. Cho đến lúc chỉ còn chút sắc vàng mà vẫn phải “đảo chao giữa trời đất vần xoay”.
Vẫn biết để đến được chân “dốc nhân gian”..hay là khoảnh khắc giao thoa giữa chiều và tối. Đã là cả một chặng dài vất vả mà con đường ấy không thể biết trước, không thể rời đổi. Tất cả đã được định đoạt bởi Số trời đã định.
Nhưng vẫn “thèm vương nắng dư dôi”. Một khổ thơ mang tính triết lý của nhà Phật. Mang mang nỗi niềm như khát khao, như cam phận và rất thơ rất tình qua những từ như “chao đảo”, chạm. dời đổi, thèm, dư dôi…khiến cho khổ thơ cũng muốn chao đảo theo nỗi niềm tác giả…
Sau khi không đành, nhưng vẫn phải cam phận…bởi biết chẳng thể dời đổi. Tác giả có lẽ đã ngồi nhìn mẹ già héo hắt rất lâu anh mới có thể cảm nhận được…

Đời lá trải mưa nắng bao mùa trôi
Đủ gánh đời với mầm xanh thành lá
Thời gian đắp vận đổi rời chẳng lạ
Run trên cành mà cười với chồi non

Với tuổi đời của Lá xấp xỉ tám mươi. Biết bao nhiêu vất vả, khổ cực của thời cuộc… Đời Lá đã kinh qua hai cuộc chiến tranh ác liệt. Những năm toàn quốc kháng chiến “tất cả cho tiền tuyến” vậy hậu phương còn lại những gì?
Rồi những năm thời bao cấp khốn khổ thiếu ăn thiếu mặc…khó khổ chung với cái khó khổ của cả dân tộc. làm sao đời lá sung sướng được..
Đôi vai gầy guộc nằm thiêm thiếp trên giường bệnh kia , một thời dọc ngang, lặn lội, gánh vác, nuôi một bầy mầm non từ lúc cựa mình tách vỏ nay thành lá xanh. Trong đó có tác giả của chúng ta.
Lá biết, tác giả biết và có lẽ cũng nhiều người biết và đành chịu “Mẹ già như chuối chín cây…” nhưng sao đọc câu thơ “Thời gian đắp vận đổi dời chẳng lạ” vẫn cứ xót xa, vẫn cứ mặn đắng trong lòng.
Đặc biệt là câu thơ “Run trên cành mà cười với chồi non”. Một hình ảnh cảm động vô cùng, nghệ thuật thơ ca có lẽ trong hoàn cảnh này chưa có câu thơ nào hay hơn thế mà tôi từng được đọc. Hình ảnh chiếc lá vàng lay lắt trước gió vẫn lạc quan nở nụ cười nhìn những chiếc lá xanh, lá non, mầm cây vừa nhú…
Một sự ví von tuyệt vời, khi hình ảnh chiếc Lá Vàng ấy, cũng chính là những người phụ nữ như mẹ của tác giả và biết bao bà mẹ Việt Nam khác…”cha mẹ thương con biển trời lai láng…” Bản chất của người phụ nữ Á đông là như vậy. Cả cuộc đời chỉ biết hy sinh cho chồng cho con và cho cháu…
Để rồi:
Trọn kiếp rồi giờ ngồi đếm héo hon
Trong nắng đời chiều nay đang vụn nát
Mảng nối tình trong lòng ta phiêu dạt
Thương lá vàng đang khắc khoải hồn đau
Đâu chỉ tác giả với “mảng tình nối…”Đâu chỉ có ruột rà thân thích của Lá mới “Thương Lá vàng đang khắc khoải lòng đau”. Hàng trăm bạn bè với những lời cầu nguyện sẻ chia với tác giả là minh chứng cho điều ấy…Trong khi đời của Lá đang trôi về cuối chiều… và có nguy cơ “vụn nát”. Thì chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau của những người con phải chứng kiến….
Trong lòng ta héo hắt nỗi khổ sầu
Hồn se sắt hận đơn côi xanh nụ
Lá vàng ơi chiều rời đừng ủ rũ
Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia –

Khổ kết cũng chính là cái nấc của tiếng khóc trong lòng bật lên.
Tác giả ơi !“Đơn côi xanh nụ”cũng là do “dốc nhân gian” đã định đoạt cơ mà...
Thật xót xa khi nghe từ trong sâu thẳm đáy lòng người con cất lên tiếng kêu bi thương “Lá vàng ơi! chiều rời đừng ủ rũ./ Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia”.
Tới đây tác giả đã trả lại danh phận cho Đời Lá rằng:
Viết cho mẹ
Phải chăng dẫu trong lòng "héo hắt nỗi khổ sầu". Và hận cuộc đời đã để cho con phải ở thế "đơn côi xanh nụ"...Nhưng phía trước kia đường đời còn dài rộng để con đi...Con phải gắng gượng thôi. Phải vượt qua thôi. Phải chăng ở cặp câu kết còn muốn nhắn nhủ với mẹ rằng...Lớp lớp con cháu của mẹ như "những mầm cây còn đón nắng..." Lá vàng trước gió lắt lay hôm nay cũng là điểm tựa cho những mầm non nối tiếp, hết thế hệ này đến thế hệ khác...
Sau tiếng nấc bi thương ấy! cùng với tất cả tấm lòng của những người con như tác giả Trần Minh Lê và rất nhiều người thân và bạn bè chia sẻ.
Ở Đời Lá tác giả rất thành công về bút pháp trong thơ. Không một chữ yêu, chỉ một chữ thương bên những cụm từ như: Lá nhìn… Đời chao đảo…Còn sót chút sắc vàng….Trải nắng mưa…Lá gánh đời…Lá run… Đừng ủ rũ, thêm vài từ héo hắt, se sắt …khổ đau, đặc biệt là hai từ vụn nát.
Khiến người đọc như tôi và có lẽ sẽ có thêm nhiều bạn đọc khác nữa có cảm nhận:bài thơ là một khối yêu thương gắn kết bởi tình mẫu tử thiêng liêng. Ai cũng thấy, ai cũng có và ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng viết được một Đời Lá như tác giả Trần Minh Lê.
Cầu mong sao điềm lành sẽ đến thêm một ngày là có thêm một tia hy vọng … Tôi xin mượn mấy lời thơ chia sẻ của tác giả Hồ Ngọc Dũng để kết cho bài viết của mình:
Gió lay lắt Lá chưa về cội
Dẫu đã vàng nhưng cuống còn xanh
Đời người lắm lúc mong manh
Qua cơn thập tử vẫn lành đó thôi.
Sài Gòn 8/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Theo http://huynhxuanson.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...