"Mưa nguồn chớp bể". Thứ "nước
trời" tích tụ từ những đám mây đen nặng trĩu, những áng mây được hình
thành từ hơi nước bốc lên phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nguồn cội của chúng.
Từ trước đến nay, dải đất hình chữ S gắn với
nghiệp nhà nông. Thế nên mưa không chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường,
còn là bạn đồng hành thân thiết của những mùa vàng no ấm.
Phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nắng nóng
gió lào, hơi thở biển khô hanh làm mặt đất se lại, vết nứt lỗ chỗ như người bị
nẻ mùa đông. Những vạch ô như bàn cờ, như trận đồ bát quái của trời đất, những
cánh đồng hạn oằn mình mong hạt nước. Cảm giác nơi này khát mưa vì nắng. Nhiệt
độ như cái lò nung lớn, và mọi người phải trốn trong hộp diêm - mái nhà bé tẹo,
nhờ làn gió tự tạo xua đi nóng nực kéo về.
Đối ngược với bên ấy, bên này dãy Trường Sơn
họ hàng nhà mưa bắt đầu mở vũ hội của mình.
Ban đầu là những cơn mưa chớp nhoáng, đến rồi
đi chỉ trong tích tắc. " Có cơn mưa nào lạ thế? Thoáng mưa rồi lại tạnh
ngay, em chạy về em hỏi mẹ, mẹ bảo: mưa bóng mây".
Những cơn mưa tháng bảy ào qua, nhẹ và mát
trong như bàn tay thiếu nữ độ xuân thì. Chúng chỉ đùa chơi trong không gian
phút chốc. Chỉ đủ làm xanh nõn búp chồi, tô màu tươi mới lên cây trái. Cảnh vật
sau mưa bừng lên màu sự sống. Còn chúng thì vội vã rủ nhau chạy nhảy trên tàng
lá, mơn man hát lời tình ca tí tách.
Giọt mưa nô giỡn tạt qua má hồng cô gái mộng
mơ vừa tan lớp về, nhẹ hôn lên tóc em bé đáng yêu chạy nhảy ngoài sân. Mưa rủ nắng
cùng chơi, tạo ra chiếc cầu vồng bảy sắc. Chao ơi là đẹp! Mưa dễ thương quá!
Tháng 7 về... Mưa Tây Bắc như được mùa trẩy hội,
nô nức, rộn ràng, nghe chừng vui vẻ lắm! Chả thế mà cô ca sĩ nào từng hát một
giai điệu rất nhộn :" Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, lá xanh trên cành thành
lá biếc, giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, tròn xoe chiếc ô trên đầu".
Mưa ngâu- "nhà độc tài" chiếm hữu
mùa tháng 7. Mưa kiêu hãnh vì mình có xuất xứ từ câu chuyện tình đẹp tuyện giữa
nàng Ả Chức và chàng Ngưu xa cách một dải sông Ngân...
Giọt mưa tự mãn quá! Nó lớn dần lên, và sinh
ra độc ác. Mưa cười khanh khách, nhảy nhót trên các mái nhà, lấy đi những khoảng
trống khô thoáng. Mưa cười ngặt nghẽo, dùng mũi châm buốt lạnh xuyên thấu vào
da người tím tái. Mưa rủ rê nhau họp thành bè lũ kéo xuống đường phá phách. Những
con đường trong ngày đổi mới đẹp đẽ, sáng sủa là thế, vậy mà nó làm ngập trong
màn nước đục ngầu; mưa nhấn chìm những vật cản trở lối đi, mưa chạy băng băng
cùng với gió tạo cảnh khiếp hãi. Mưa vào hùa cùng mạch nước ngầm, các sông, hồ,
ao, suối để gây nên bao thảm họa kinh hoàng.
Mùa nắng chạy trốn đâu mất. Chẳng kịp thương
những cánh áo mỏng manh gặp mưa lạnh giữa đường, chẳng kịp thương lá hoa tơi tả
trong mùa lũ, chẳng kịp thương những chiếc xe nửa chừng tắt máy, chẳng kịp
thương những con đường bị đất đá theo mưa cuốn xuống, hòa vào sông... Cảnh vật
như một gương mặt đẹp bị lĩnh nhát sẹo làm biến dạng, mất đi vẻ tươi tắn vốn
có. Và làm tôi không quên màn mưa trút xuống phố hôm đó, hình như có một bản nhỏ
- xứ quê xa của tôi - bị lũ ống tràn đến gây thảm họa xóa sạch vết dấu sự sống…
Chạnh lòng!
Mưa xứ Huế "xối xả", "trắng trời",
còn mưa Tây Bắc "ảm đạm màu bùn non". Biết bao giờ mưa ngoan ngoãn
nghe theo bàn tay cải tạo của con người? Và trở thành những giọt mưa có ích, chứ
đừng "để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu".
Phùng Hải Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét