Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Tình yêu trong chiến tranh của tác giả Bùi Thị Sơn

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ 
Tình yêu trong chiến tranh của tác giả Bùi Thị Sơn

Tháng Bảy thơ về đề tài Chiến Tranh và Tri Ân tràn lên khắp các trang thơ xuất phát từ những tâm hồn yêu thơ. Nào đâu chỉ có những vần thơ  nhắc nhớ về chiến trận với bom đạn tàn khốc. Đâu phải chỉ có thơ  lên án tội ác chiến tranh gây cảnh tang tóc mất mát đau thương cho người dân trên cả nước,dù ít dù nhiều đều phải  gánh chịu hậu quả…
Một mảng đề tài không thể thiếu trong những năm gian khổ ấy, là Tình Yêu. Vâng Tình Yêu lúc nào cũng là đề tài nóng nhất cho nhà thơ khi cầm bút. Người trong cuộc viết cho nhau, người ngoài cuộc viết cho người trong cuộc cùng thế hệ. Đặc biệt hôm nay tôi gặp và rất muốn đồng hành với cảm xúc của người ngoài cuộc viết về những người trong cuộc yêu nhau, nhưng khác thế hệ. Bài thơ của tác giả Bùi Thị Sơn có tựađề:
Tình Yêu Trong Chiến Tranh
Tình yêu trong chiến tranh
mong manh
lặng lẽ như trăng rằm
long lanh…

Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ
Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ 
(Bùi Thị Sơn)
Lời mở cho bài thơ phải chăng tác giả muốn khẳng định “Tình yêu trong chiến tranh” khác với tình yêu trong hoà bình ư? Từ xa xưa tới nay câu hỏi thế nào là tình yêu chẳng ai định nghĩa đúng trong mọi trường hợp… Mỗi trái tim có nhịp rung động theo tần số khác nhau, chẳng ai giống ai. Nhưng trong chiến tranh tình yêu “mong manh” thì có lẽ đúng trong mọi trường hợp. Người đi tham gia chiến đấu. Người ở lại hậu phương, một lá thư tâm tình gửi cho nhau cũng là báu vật hiếm hoi. Người đi mang theo lời hẹn thề để sống chiến đấu…Người ở lại chờ đợi với một niềm tin trong mỏi mòn..không biết ngày sum họp. Người đi kẻ ở họ yêu nhau như vậy trong thời ly loạn. Còn những cuộc tình nảy sinh tại chiến trường đến với các chàng trai cố gái xông pha lửa đạn thì lại khác. Người con trai biết trái tim mình rừng rực lửa đấy, nhưng có khi ngay cả ngỏ lời cũng không…Vì biết ngày mai ra sao dưới mưa bom bão đạn…Còn phía người nữ nhi đang  tham gia phần việc mà  thanh niên thời nay phần đông có lẽ chỉ nghe cũng đã thấy sợ. Tôi chỉ biết những công việc mà họ đã làm qua sách vở và những lời ca là động lực để sống để chiến đấu của các anh các chị một thời “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường? em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu. em đi bắc những nhịp cầu nối những con đường tổ quốc yêu thương. Cho xe thẳng tới chiến trường. Cô gái miền quê ra đi cứu nước. mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” (Cô Gái Mở Đường- Xuân Giao). Chứ tôi chưa hề được học được nghe về tâm tư tình cảm của họ khi bên nhau phải nén lòng. Kìm hãm tiếng yêu, mà hình ảnh tác giả miêu tả có lẽ rất đúng tâm lý và rất thực ở thời điểm ấy:
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ

Hai động từ kép “nuốt lịm” và “bấu víu” rồi “vờ ngủ” cho thấy sự chịu đựng và kìm nén tình cảm không hề dễ dàng chút nào. Trong khi ở ngay cánh võng bên cạnh là một anh lính trẻ cũng đang có khao khát rất đàn ông rất thật:
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…

Có lẽ tôi và rất nhiều bạn đọc sống và yêu trong thời bình yên hôm nay. Rất khó hiểu hết tại sao  “Phút rạo rực” của người đàn ông lại được tác giả ví nó “nhọn hoắt như chiếc dằm”. Ác nghiệt ở chỗ cái dằm ấy lại “găm chặt trong lòng anh lính trẻ”. Chiếc dằm nhọn hoắt ấy  lại chính là phút rạo rực của người đàn ông ư? Vậy thì tại sao lại bị “găm chặt trong lòng” mà không bùng phát ra? Mang thắc mắc ấy đi tìm và tôi được biết vào lúc chiến tranh ác liệt ấy họ không được biểu hiện tình yêu ủy mỵ, làm nhụt chí chiến đấu. Thư từ gửi trao cho nhau cũng chỉ được nói chuyện đánh giặc. Làm gì có chuyện âu yếm “vuốt ve một niềm mơ ..” dẫu có thật khẽ thì cũng không được! bởi kỷ luật sắt của mệnh lệnh. Nên anh lính trẻ “không dám vượt một tầm với rất gần”. Còn “phút rạo rực” ai lại không có, đâu chỉ riêng người lính trẻ ấy! Nhưng "phút rạo rực" đến để rồi phải kìm nén, chôn vùi đi trong nhức buốt trái tim thì có lẽ chỉ có trong thời chiến mà thôi!
Một thời tôi đã nghe và đã thích những lời ca:
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
(Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây- Hoàng Hiệp)
Và cũng đã tin rằng “cái gạt nước” trước tấm kính xe ấy có thể “xua đi nỗi nhớ” trong lòng người đang yêu. Còn phía nữ nhi thì đơn giản hơn chỉ cần “cái nhành cây “ thôi là “gạt nỗi riêng tư” đi được. Tôi đã thật là ngây thơ và có phần mù quáng trong niềm tin vào sự rung động của trái tim yêu! Cho đến lúc mà đọc được lời thơ cũng như những lời chia sẻ sau:
“cả tiểu đội ngây người đứng ngắm
đây rừng phơi quần áo của chị em
17 năm -mài miệt sách đèn
đâu ai đã dám cầm tay bạn gái


nếu xem phim RỪNG LẠNH em sẽ hiểu về nỗi khát yêu của lính - đói rét ,bom đạn ,kể cả cái chết họ cũng không sợ -cái họ sợ là nỗi cô đơn -cô đơn đến mất lý chí ,đến phát rồ phát dại -trần truồng chạy trong rừng gào gọi tình yêu
cũng không biết bao nhiêu người ngã xuống có trở thành thiên sứ không khi mà họ còn trinh trắng ?’ (Hải Minh)
Hay như:
Đọc, hiểu, thương và cảm phục những CON NGƯỜI chân chính trong cuộc chiến tranh vệ quốc đau thương và oanh liệt!
Bạn chị viết thư từ chiến trường Trị - Thiên về, có đoạn: "T ơi! Sáu tháng nay chúng tớ ở rừng, tuyệt nhiên không có bóng dáng con gái. Nói chuyện với nhau, chúng tớ chỉ thèm được nhìn thấy đôi bím tóc và chiếc quần phíp
thôi!" Tội chưa?! (Hoamai1)
Và đây là lời chia sẻ của một bạn đọc khác nữa:
“Giai thoại chiến tranh và người lính kể đến bao giờ mới hết. Tình yêu khát khao, rạo rực, cháy bỏng con tim của người chiến sĩ. Nhưng họ không dám thổ lộ tình yêu, bởi họ sợ hôm nay là vậy nhưng ngày mai sẽ ra sao chỉ làm khổ cho nhau. Đớn đau vì một mối tình. Đành lặng yên, tinh nguyên sự trắng trong của mối tình lùi sâu vào ký ức và đẹp theo thời gian... (Đức Thắng)
Những khao khát rất thật, rất đời như thế nhưng họ cả một thế hệ đã phải nín nhịn, phải kìm nén vì chiến tranh. Vâng tôi cũng đồng ý rằng còn nhiều lắm kể bao giờ mới hết được. Thôi kể ra được bao nhiêu những uẩn ức trong lòng họ đã phải chịu đựng và kìm nén, thì có lẽ cũng an ủi được phần nào. Vì sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các cô gái, chàng trai năm xưa cũng có người biết đến, dẫu muộn còn hơn không!
Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh đã vào khổ kết với những vần thơ nặng trĩu tâm tư người trong cuộc may mắn trở về, tâm tư tác giả, tâm tư tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa:
Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ

Tính từ 30/5/1975 cho tới nay ngót bốn mươi năm. Từngđoàn cựu chiến binh quanh năm tìm về chiến trường xưa. Người mong muốn đi tìm đồng đội hoặc thân nhân ngã xuống những năm bom đạn. Có không ít người lính già tìm lại chiến trường xưa thăm người trong mộng của mình. Gọi là trong mộng, bởi ngày ấy có yêu đến mấy cũng lặng im kìm nén vì đại cuộc vì nhiệm vụ… Một trong số đó là “Người lính tóc bạc phơ” của tác giả Bùi Thị Sơn. Anh về “thăm mộ cũ”  sau “bốn mươi năm” còn gặp lại, dẫu chỉ là nấm mộ cũ có lẽ anh còn là “người may mắn” bởi dẫu cho “thương người con gái” ấy “trắng trong mãi một giấc mơ” và đã “hóa người thiên cổ” nhưng còn nấm mộ là còn hơn biết bao nhiêu những: “Trắng trong mãi một giấc mơ”, còn đang phải nằm đâu đó, cô đơn, lạnh lẽo, giữa rừng già, ven lộ hay bên bờ suối! mà người “Không dám vượt một tầm với rất gần” xưa, cũng còn đang nằm đâu đó hoặc không biết họ ở đâu mà đến thăm như “người lính tóc bạc phơ” hôm nay.
Vẫn biết chiến tranh là hy sinh, là mất mát không chỉ tình riêng mà cả chính mạng sống của những người tham gia chiến đấu. Sự hy sinh thầm lặng của những đôi lứa yêu nhau, chờ đợi nhau. Rồi những người vợ chờ chồng trong mòn mỏi, những đôi lứa được gần nhau, yêu nhau  mà không dám bày tỏ cũng là sự mất mát vì chiến tranh, do chiến tranh, mà có lẽ  không bao giờ, và có điều gì bù đắp lại được.
Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn, với những câu thơ mộc mạc giàu hình tượng, nặng tình thơ và ý thơ dạt dào. Đã nói lên được phần nào những hy sinh thầm lặng ấy. Sự dũng cảm vượt qua được “phút rạo rực” của người lính trẻ có khi còn khó khăn hơn việc cầm súng lao lên giữa mưa bom bão đạn.
Cám ơn Tác giả Bùi Thị Sơn đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn về sự mất mát trong chiến tranh, mà xưa nay tôi chưa lưu tâm tìm hiểu. Có thể với cá nhân tôi cùng những suy nghĩ trong bài viết này, chưa hẳn đúng trong mọi trường hợp. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành tặng cho những “người lính tóc bạc phơ” hôm nay tìm về với những “Trắng trong mãi một giấc mơ”nơi chiến trường năm xưa. Cùng dành tặng cho những người lính mà một thời trai trẻ đã “không dám vượt một tầm với rất gần”. Nhưng nay chưa có điều kiện hoặc không biết "người ấy" đang ở nơi đâu, để mà tìm đến, mong một lần hội ngộ dẫu có phải âm dương cách trở...
Quy Nhơn 26/7/2014

Huỳnh Xuân Sơn
Theo http://buithison.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...