Bích Khê - Đường xưa lối cũ
Nằm bên cạnh dòng sông Thạch
Hãn, làng Bích Khê từ lâu được biết đến như một làng cổ trên đất Quảng Trị, một
nơi chốn được xem là địa linh nhân kiệt nổi danh. Làng quê hiền hòa giữa vùng đồng
bằng Triệu Phong qua mấy trăm năm tuổi vẫn luôn bâng khuâng gợi cội nhớ nguồn.
Nói đến Bích Khê là nói đến
một vùng quê con người trung hậu, can đảm, hiếu học, tài hoa. Tổ tiên dân làng
này theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đây lập nghiệp từ thuở ban sơ năm 1558. Ba
họ chính đầu tiên khai lập làng Bích Khê là họ Lê, họ Đỗ và họ Hoàng vẫn tồn tại,
sinh sống cho đến ngày nay tạo nên gốc rễ của một thôn trang tên tuổi. Người
Bích Khê dù làm ruộng hay thợ thủ công, dù chân lấm tay bùn, chơi đàn theo nghiệp
tổ hay miệt mài đèn sách vẫn luôn gắng gỏi, làm hết sức mình để bồi đắp cho đời
như phù sa dòng Thạch Hãn.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà
ông Đỗ Văn Thiện, một nghệ nhân cổ nhạc đã ngoài tám mươi tuổi. Nghề nhạc Bích
Khê lưu truyền đã được gần mười đời, được mọi người gần xa biết đến. Âm nhạc
truyền thống đã thấm đẫm làng quê này trong những dịp lễ hội, phương việc của
bà con. Những nghệ nhân cha truyền con nối, mỗi người một vẻ. Sau những lúc
hành nghề, họ ngồi lại với nhau ôn luyện từng bản nhạc để rèn luyện tay nghề
ngày thêm thành thục. Nhìn họ tập luyện cũng như biểu diễn say sưa, người xem
có thể cảm nhận lòng yêu nghề, tâm huyết của các nghệ nhân. Họ diễn xướng không
chỉ bằng bàn tay điêu luyện, đôi tai nghề nghiệp mà còn bằng cả tấm lòng giữ lại
những gì tinh túy của cha ông. Điều đó đã làm nên một bản sắc độc đáo của một
Bích Khê văn nghệ, tài hoa. Điều đáng nói là trong cuộc sống hiện đại hôm nay,
nghề nhạc cổ truyền từ chiếc nôi này vẫn luôn được gìn giữ, thăng hoa vì thoải
mái hành nghề, sống được nhờ nghề. Ông Đỗ Văn Thiện hào hứng kể về nghiệp tổ
lưu truyền cho đến ngày nay được cháu con gìn giữ làm rạng danh tổ tiên, làng mạc.
Nhưng nói gì thì nói không
thể không nhắc đến họ Hoàng Bích Khê. Họ tộc này quả thực đã đóng góp nhiều cho
quê hương đất nước. Ngày xưa họ này nổi danh khoa bảng, học hành giỏi giang, đỗ
đạt làm quan đến chức thượng thư cũng vào hàng khanh tướng. Như trường hợp gia
tộc ông Hoàng Hữu Xứng. Sau này những tên tuổi lừng danh trong văn học nghệ thuật
như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay trong giới doanh
nghiệp như doanh nhân Hoàng Kiều đã vang vọng bốn phương được bao người nhắc nhớ.
Ông Hoàng An, trưởng tộc họ Hoàng Bích Khê tâm sự : “Cho dù con cháu mỗi người
mỗi nghề nhưng luôn biết nhớ về tổ tiên, nhớ về bề trên trong mọi sinh hoạt của
họ tộc. Đó là điều quý giá được lưu truyền từ xưa đến nay”.
Chính họ trong cuộc sống
hàng ngày, trong những câu chuyện của bà con lối xóm vẫn được người dân làng
Bích Khê trân trọng và tôn vinh đúng mực, tự hào về một vẻ đẹp văn hóa của làng
quê. Ông Đỗ Xuân Hiệu, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi Bích Khê thay mặt
dân làng ghi nhận Hoàng tộc Bích Khê là một dòng dõi có truyền thống học hành,
làm được nhiều điều có ích cho làng, cho nước. Đó là cống hiến đáng kể của họ
Hoàng Bích Khê từ ngày xưa cho đến ngày nay.
Họ Hoàng như đã nói có tiếng
khoa cử. Ông Hoàng Hữu Bính từng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp dưới triều vua Thành
Thái năm 1889. Đang làm quan tuần phủ, chán ghét giặc Pháp nghênh ngang, ông từ
quan về làm việc ở Quốc Tử Giám. Được một thời gian thì cũng bỏ về làng sống chờ
đợi thời cơ kháng Pháp. Bích Khê lúc ấy được coi là vườn đào tụ nghĩa tập hợp
những người chống giặc ngoại xâm. Không may ông bị bệnh rồi mất tại quê nhà.
Con ông Hoàng Hữu Xứng học hành đỗ đạt làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, giám
khảo các kỳ thi hương, thi hội. Trải qua những lận đận quan trường khi vận nước
rối ren, ông vẫn được nhìn nhận là một ông quan mẫn cán, thanh liêm, nặng lòng
với dân với nước. Ông để lại cho đời sau cuốn sách quan trọng về bản đồ đất nước:
“Đại Nam quốc cương giới vựng biên” do ông đứng ra tổ chức biên soạn và Nghĩa
Trũng Đàn, một nghĩa cử sáng ngời sau hơn cả trăm năm.
Nghĩa Trũng Đàn
mới vừa nhắc đến là một nghĩa trang đặc biệt do ông Hoàng Hữu Xứng và gia đình
tự bỏ tiền mua đất rồi quy tập những thi hài không nơi nương tựa, trong đó có
nhiều nghĩa sĩ Tây Sơn chống giặc Mãn Thanh vị quốc vong thân. Đó là nơi yên
nghỉ của hàng ngàn linh hồn phiêu dạt tại làng Thạch Hãn gần Thành Cổ Quảng Trị.
Việc nghĩa này thật đáng trân trọng xiết bao. Qua hơn một thế kỷ binh đao tao
loạn, nghĩa trang này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, được bà
con Bích Khê đến khói hương, tưởng vọng những người thiên cổ. Những dịp lễ tết,
những ngày đại sự Nghĩa Trũng Đàn đã đón những khách gần xa, để cho tâm nguyện
vị tha bừng sáng, lan tỏa một tinh thần, đạo lý Việt Nam: thương người như thể
thương thân trong tình nghĩa đồng bào. Còn đây văn bia do hậu duệ Hoàng Phủ Ngọc
Tường phụng soạn ngợi ca tấm lòng của tiền nhân đối với người đã về với cát bụi
trôi sông lạc chợ. Những tấm lòng nhân như thế dù khởi thủy từ xưa vẫn sẽ còn lại
mãi mãi với muôn sau.
Đạo nghĩa mà làng Bích Khê
dày công tô bồi và trong đó họ Hoàng cũng góp phần bao đời vun đắp hiển hiện
trong những nhà thờ họ, thờ chi của họ này. Trước một ngôi nhà thờ Hoàng tộc
Bích Khê có hai câu đối nhắc nhở con cháu và mọi người về lẽ sống: “Tri túc tâm
thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”, tạm dịch: Biết đủ tâm sẽ vui vẻ, không cầu cạnh,
phẩm giá mình tự cao. Thật đáng để đời nay suy ngẫm.
Ông Hoàng Hữu Cương hậu duệ
Hoàng tộc làng Bích Khê tâm đắc với chuyện họ Hoàng dù khi còn hàn vi hay thành
đạt luôn lấy đạo đức làm đầu. Đó chính là vốn quý của dòng họ qua mấy trăm năm.
Dạo quanh làng sẽ thấy dấu ấn
của Hoàng tộc Bích Khê. Hầu như vẫn còn nhiều hình ảnh và tư liệu được lưu giữ ở
những nơi thờ phụng trang nghiêm. Người đến đây sẽ có dịp hiểu thêm về một dòng
tộc từ xưa đến nay nổi danh trong thiên hạ. Hầu như đời nào từ cổ chí kim họ
này cũng có người thành đạt và quan trọng hơn là có đóng góp cho quê hương đất
nước. Qua hàng trăm năm thế gian biến cải, dòng họ này vẫn giữ được phong độ của
mình góp nhân tài vật lực vào công cuộc hộ quốc an dân. Dù làm ruộng hay làm
quan, dù ở làng hay xa xứ ai nấy đều giữ được gia phong, tự hào về truyền thống
dòng họ của mình ngõ hầu nuôi chí lập thân, lập nghiệp. Đây chính là điểm đặc sắc
của Hoàng tộc Bích Khê.
Về Bích Khê không thể không
đến thăm nhà lưu niệm bà Hoàng Thị Ái, một bậc tiền bối cách mạng, suốt đời tận
hiến cho Tổ quốc, nhân dân được đồng bào, trong đó có các Tổng Bí thư Đảng như
Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu dành cho nhiều tình cảm đặc biệt. Ngày bà tạ thế, dù được
mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch tận thủ đô Hà Nội thì con cháu họ Hoàng và dân
làng Bích Khê vẫn nghiêng mình tưởng nhớ một người con tận trung chí hiếu của
quê hương Quảng Trị. Sự tưởng niệm những người yêu nước như Hoàng Thị Ái, Hoàng
Hữu Chấp sẽ vĩnh hằng ở làng quê Việt Nam như Bích Khê và không chỉ Bích Khê.
Trong lịch sử âm nhạc hiện đại
Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929 mất năm 2001 là một chân dung nổi
tiếng được hàng triệu khán giả hâm mộ nhớ đến bởi những bài hát mang âm hưởng
dân gian, chất chứa tình quê, hồn quê lai láng như: “Đường xưa lối cũ”, “Trăng
rụng xuống cầu”, “Rước tình về với quê hương”, “Duyên quê”, “Túp lều lý tưởng”…
những ca khúc trở thành tiếng lòng người Việt qua mấy thế hệ. Khi về ngôi nhà
thơ ấu kỷ niệm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sẽ thấu hiểu hơn về nơi chôn nhau cắt rốn
của một tài năng âm nhạc. Ngôi nhà hương hỏa tọa lạc ở làng hòa mình giữa thiên
nhiên thôn dã chốn quê đã nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ. Này đây trong khu
vườn với hoa trái chân quê ở miệt làng đồng bằng trù phú, với cảnh vật an lành
như muốn níu chân người thăm viếng. Một mái nhà tranh đơn sơ với những đồ vật lấm
láp chân quê của người nông phu thức khuya dậy sớm bạn cùng đồng ruộng quây quần
bên nhau trong một không gian đầy ắp quê hương.
Chính nơi chốn này đã sinh hạ và dưỡng dục một nghệ sĩ đồng quê đích thực của dân tộc Việt Nam. Những bài hát của ông vẫn vang lên sau lũy tre làng, bên những hàng cau cho dù người sáng tác đã từ lâu đi vào miền thương nhớ. Họ, sau những bận rộn bên cánh đồng làng vào mùa thu hoạch lại gặp nhau trong những ngôi nhà của làng mạc Việt Nam mà hát cho nhau nghe những điều máu thịt mà người nhạc sĩ đã từng gởi gắm. Đó chính là hạnh phúc giản dị mà lớn lao của một đời nghệ sĩ. Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị đã khẳng định rằng Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ đa tài, riêng với những đóng góp trong lĩnh vực ca khúc được phát triển từ chất liệu dân ca. Nhạc của ông luôn tràn ngập hình ảnh quê hương như gạo trắng, nước trong, trăng thanh, gió mát... thể hiện một tình yêu làng quê sâu nặng và da diết. Điều đó đã khiến ông trở thành một tên tuổi sáng chói trong lịch sử âm nhạc thế kỷ XX.
Chính nơi chốn này đã sinh hạ và dưỡng dục một nghệ sĩ đồng quê đích thực của dân tộc Việt Nam. Những bài hát của ông vẫn vang lên sau lũy tre làng, bên những hàng cau cho dù người sáng tác đã từ lâu đi vào miền thương nhớ. Họ, sau những bận rộn bên cánh đồng làng vào mùa thu hoạch lại gặp nhau trong những ngôi nhà của làng mạc Việt Nam mà hát cho nhau nghe những điều máu thịt mà người nhạc sĩ đã từng gởi gắm. Đó chính là hạnh phúc giản dị mà lớn lao của một đời nghệ sĩ. Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị đã khẳng định rằng Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ đa tài, riêng với những đóng góp trong lĩnh vực ca khúc được phát triển từ chất liệu dân ca. Nhạc của ông luôn tràn ngập hình ảnh quê hương như gạo trắng, nước trong, trăng thanh, gió mát... thể hiện một tình yêu làng quê sâu nặng và da diết. Điều đó đã khiến ông trở thành một tên tuổi sáng chói trong lịch sử âm nhạc thế kỷ XX.
Có một trí thức văn nghệ, một
nhà văn hóa hiện đại gốc rễ làng Bích Khê thành danh trong cả nước, đó chính là
nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 nay đã vào tuổi tám mươi. Ông bằng
tài, tâm và tình của mình đã viết nên những tác phẩm xứng đáng để đời. Những
bài thơ của ông thường bảng lảng khói sương u hoài và chất chứa tâm sự mang đến
cho đời một ám ảnh phù dung. Chính ông, bằng văn chương đã chạm khắc nỗi buồn
không phải như một thú tiêu khiển mà như sứ mệnh cao cả của nhà văn. Nỗi buồn
chân thực của con người trong kiếp nhân sinh qua trang viết của ông đã có một vị
trí xứng đáng như nó cần phải thế. Với thể ký, ông xứng đáng kế tục nhà văn lớn
Nguyễn Tuân. Ký của ông uyên bác và tài hoa, cảm xúc tự đáy lòng tuôn trào từ một
tâm hồn cả nghĩ. Ký của ông viết về nhiều miền quê, trong đó có Quảng Trị đã
dành nhiều tâm huyết của người sáng tác. Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm của
mình chắc sẽ được nhớ đến dài lâu giữa cuộc đời vốn thường đa đoan, trắc trở.
Ông là tấm gương chống đỡ bạo bệnh, vẫn sáng tác ngay cả khi bị liệt nửa người
được đồng nghiệp và bạn đọc cả nước khâm phục nghị lực làm việc của nhà văn.
Một trong những bút ký vào
hàng tuyệt phẩm của ông được đưa vào giảng dạy cho học trò cả nước, đó là tác
phẩm nổi tiếng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” viết về sông Hương xứ Huế. Đây là
một áng văn thể hiện rõ nét sự đa cảm, uyên bác, tài hoa của nhà văn. Bằng tình
yêu quê hương đất nước, tác giả đã truyền cảm xúc của mình đến với nhiều độc giả,
đến nhiều lớp học trò qua năm tháng học đường. Chắc chắn trong hành trang tâm hồn
mai này của các em sẽ còn đọng lại những tác phẩm như “Ai đã đặt tên cho dòng
sông”. Để từ đó bồi đắp tình yêu Tổ quốc Việt Nam trong mỗi con người. Văn
chương như thế đâu phải để thù tạc, tiêu dao mà gánh vác tâm hồn của nhiều thế
hệ. Đó là văn chương chuyên chú vào đất nước, vào con người luôn rung động
trong huyết quản của những ai đã từng đọc một lần. Cô giáo dạy văn Nguyễn Thị
Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà xúc động nói rằng mình đã đọc, đã dạy
thiên bút ký này rất nhiều lần, nhưng vẫn luôn có cảm xúc sâu xa với vẻ đẹp văn
chương Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và cô đã truyền ngọn lửa tình yêu văn chương của
mình đến với học sinh bằng tất cả sự ngưỡng mộ đối với một văn tài đất Việt.
Qua gần năm trăm năm, làng
Bích Khê dường như vẫn thế dù cho biết bao biến thiên vật đổi sao dời. Người
quê vẫn sống nhân hậu, vẫn tìm đến nhau trong tình cảm tối lửa tắt đèn. Qua bao
nhiêu gian khó, bà con lại được sống trong cảnh thanh bình, no ấm, yên vui từng
mơ ước. Một làng quê tưởng rất đỗi bình thường, giản dị mà chứa đựng biết bao
điều cần ghi tạc, sinh thành giáo hóa nên những người con làm rạng danh quê
hương xứ sở. Nhưng dù cho làm gì, đi đâu, về đâu người Bích Khê vẫn luôn hướng
về cội nguồn để nhắc nhau không quên, không bao giờ được quên cội nguồn, vẫn nhớ
mãi đường xưa lối cũ.
Phạm Xuân Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét