Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại nhìn từ cảm thức và lối viết

Tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại 
nhìn từ cảm thức và lối viết
1. Đôi nét phác họa dòng “văn học nữ tính” trong văn học Việt Nam đương đại 
Sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam sau thời kì Đổi mới cùng với nỗ lực không ngừng tạo nên sự bình đẳng giới đã không những giải phóng người phụ nữ thoát khỏi sự áp chế của văn hóa nam quyền và sự kiềm tỏa của các thiết chế văn hóa xã hội cũ xưa; mà còn mở ra nhiều cơ hội cho họ tự chủ/tự quyết số phận của mình. Từ vai trò mặc định là một vị “nội tướng” quẩn quanh nơi xó bếp, người đàn bà dần dần bước ra ngoài xã hội, tham gia nhiều hoạt động và khẳng định được vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. 
Ở phương diện đời sống văn học, ý thức về giới đã ăn sâu vào tâm thức sáng tạo, từ ý hướng chọn đề tài, chủ đề, xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm, đến kiến tạo hệ thi pháp, tìm kiếm phương thức tự sự nhằm xác lập cá tính, phong cách nữ giới. Chính điều này đã góp phần làm nên âm hưởng nữ quyền và xác lập dòng “văn học nữ tính” trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại<1>. Thực tiễn đã cho thấy, một khi nền văn học “lấy nữ tính làm chủ thể ngôn từ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mĩ” <2> trên tinh thần nhân văn hiện đại, thì khi đó dòng văn học này mới có cơ sở/cơ hội tồn tại, phát lộ/phát triển.
Trên thực tế, ở Việt Nam, khoảng hơn 30 năm trở lại đây chứng kiến sự bung nở mạnh mẽ của dòng “văn học nữ tính” trên nhiều phương diện: đội ngũ sáng tác (bao gồm cả lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu - phê bình, dịch thuật), chất lượng tác phẩm, hiệu ứng dư luận, sự thừa nhận của các đồng nghiệp nam, vị trí quan trọng trong các hoạt động nghề nghiệp, số lượng giải thưởng giành được hàng năm… Riêng trong lĩnh vực sáng tác, không khó để nhận diện hàng loạt những gương mặt tiêu biểu làm nên diện mạo của văn học Việt Nam sau Đổi mới: Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Đoàn Lê, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Lý Lan, Dương Thu Hương, Trang Hạ, Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của dòng “văn học nữ tính” ở Việt Nam được khơi nguồn và cộng hưởng từ nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh: (1) tinh thần “đổi mới”, “dân chủ” tạo điều kiện cho nữ giới phát huy năng lực, tự do cất tiếng nói, khẳng định giá trị tồn tại độc lập của mình; (2) sự giao lưu văn hóa đa phương với thế giới bên ngoài mở mang cho nữ giới những kinh nghiệm, hiểu biết, qua đó tạo nên sự thay đổi lớn trong nhận thức, tư duy về giới; (3) bản thân nữ giới luôn có ý thức nâng cao trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, tự chủ về kinh tế, độc lập trong suy nghĩ, từ đó từng bước nắm trong tay quyền tự quyết số mệnh của mình; (4) sự thức tỉnh của cái tôi - chủ thể sáng tạo, nữ giới luôn tự ý thức về mình, vượt lên cái tôi thường nhật để khẳng định nhân vị; (5) cấu trúc bộ não, nhịp sinh học cũng như sự nhạy cảm bản năng cùng những mối quan tâm, trăn trở của nữ giới có nhiều điểm gặp gỡ với nhịp sống hiện đại và thực tiễn vận động, phát triển, đổi mới của nền văn học nước nhà. Chính sự cộng hưởng, tương tác của các yếu tố trên đã truyền được cảm hứng cho những khát khao của người nghệ sĩ thăng hoa thành sinh thể nghệ thuật mang chiều sâu văn hóa, giá trị nhân văn hiện đại.
2. “Thế giới bé mọn” nhìn từ cảm thức đời tư - thế sự - nhân văn
Tinh thần dân chủ xã hội mở rộng, người phụ nữ ngày càng có ý thức đầy đủ hơn về cá nhân của mình. Họ muốn là một nhân cách, một nhân vị độc lập, không bị chế định trong luật lệ, quy ước cộng đồng; được phát huy tận độ những “năng lực người”, được quyền tự định đoạt cuộc sống của mình. Cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm của các nhà văn nữ được khơi dậy từ chính sự trải nghiệm giới tính cùng những suy tư, trăn trở về thân phận con người. Không xa vời, to tát, không ảo tưởng, phù phiếm, phạm vi hiện thực mà các cây bút nữ hướng tới là những vấn đề gần gũi với bản thân, những câu chuyện rất đời, rất người gắn với “thế giới nhỏ mọn”, có khi tủn mủn, nhỏ nhặt. Hơi ấm nữ tính được toát ra, “bảo lưu” và thăng hoa trọn vẹn trong hệ đề tài, chủ đề vĩnh hằng mang “hậu tố nữ” rõ nét: thiên tính Mẫu, niềm kiêu hãnh giới, tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, khát vọng tự do, giải phóng bản thể/bản năng, nỗi đau thân phận đàn bà… 
Những khát vọng nhân bản mang tầm phổ quát này đã đem lại sức ám ảnh cũng như sự quyến rũ khôn nguôi trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ đương đại. Trong các sáng tác đó, câu chuyện trung tâm là thế giới đàn bà, hình tượng trung tâm là các nhân vật nữ với những tính cách đa diện, những trạng huống tâm lí phức tạp, những mối quan hệ đời tư đan xen cùng số phận và tấn bi kịch nghiệt ngã: cuộc sống riêng tư, đời thường, “bi kịch nhỏ” (Mỹ Tiệp - Gia đình bé mọn, Hạ - Blogger, Mai và Liên - Paris 11 tháng 8, An Mi - Và khi tro bụi…); sự trỗi dậy mạnh mẽ của đời sống tính dục, bản năng (Pát - Paris 11 tháng 8, Từ, Xuân - Xuân Từ Chiều, Mỹ Tiệp - Gia đình bé mọn, Không Bé - Tiểu thuyết đàn bà); bị chấn thương vì hệ lụy chiến tranh (Thoa - Tiểu thuyết đàn bà, An Mi - Và khi tro bụi…), bởi định kiến, áp chế của cộng đồng và sự ấu trĩ của lịch sử (Mỹ Tiệp - Gia đình bé mọn), do xung đột văn hóa, cuộc sống hoang hoải xa xứ (Không Bé - Tiểu thuyết đàn bà, Liên, Mai, Pát - Paris 11 tháng 8, “tôi” - Chinatown, Vy - Vân Vy…); khát vọng tự do, yêu thương và lầm lạc của kiếp nhân sinh (Nhuệ Anh, Ngạn La - Giàn thiêu, Bạch Dung, Bạch Vân - Đàn đáy); nghị lực phi thường và sức sống bất diệt (Mai - Cánh chim kiêu hãnh)... 
Với những trải nghiệm cá nhân, sáng tác của các nhà văn nữ chất chứa khát vọng, nỗi niềm và bi kịch của nhiều thế hệ đàn bà trong một đất nước đã phải trải qua quá nhiều biến động khắc nghiệt. Ở đó in dấu cả nét rạng rỡ hạnh phúc lẫn nỗi tăm tối giày vò; sự trong trẻo, thuần khiết đan bện những đau đớn, lầm lạc của kiếp người. Nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi đối với người đọc đó là những gương mặt đàn bà, dù có những đường nét, tính cách khác nhau nhưng họ lại có những điểm chung: luôn lạc lõng, bơ vơ, bất hạnh, bị bủa vây bởi những giới hạn thường tình, loay hoay đi tìm thứ hạnh phúc nhỏ nhoi đáng ra thuộc về mình. Những bi kịch, éo le, những nghịch lí, đắng đót được trưng ra để kiếm tìm sự sẻ chia, đồng cảm. Càng bị vùi dập trong bất hạnh, đau khổ thì niềm kiêu hãnh về giới, thiên tính Nữ càng trỗi dậy mãnh liệt. Và quan trọng hơn, với những người đàn bà, đó là nơi họ thể hiện bản lĩnh sống, khẳng định niềm tin yêu, biết trân trọng, giữ gìn tình yêu và nuôi dưỡng, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Họ sắm vai Chúa trời tự cứu rỗi cho linh hồn và tự giải phóng thể xác mình, đem lại tự do làm người cho mình như đúng bản ngã được sinh ra, như mình vốn có. Thiên tính Nữ, biểu tượng của sự bao dung, vị tha, tái sinh, che chở cứ ngời lên trên mỗi con chữ được viết ra từ chính nỗi đau và niềm kiêu hãnh của nữ giới; mang đến cho đời sống văn học những dư vị ngọt ngào, lắng đọng của thứ triết học - văn hóa nhân bản.
3. Chiến tranh và lịch sử nhìn từ cảm thức nhận thức lại trên nguyên tắc đối thoại
Chiến tranh, lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là khi có một độ lùi nhất định về thời gian và con người có nhu cầu nhận thức, định giá và diễn giải lại. Không ít cây bút nữ công khai nhận thức lại chiến tranh, thụ hưởng và diễn giải lại lịch sử và đối thoại với các điển phạm nghệ thuật bằng cái nhìn riêng của cá nhân giới nữ. 
Viết về chiến tranh và hậu chiến, các nhà văn nữ không có tham vọng phục dựng lại bức tranh hoành tráng mang tinh thần sử thi của cuộc chiến. Phạm trù cái hùng, cái lí tưởng nhường chỗ cho cái bi, cái nghịch lí; cái đời thường/tầm thường, nhỏ bé được thay thế cho cái cao cả, lớn lao; phương diện đời tư, cá nhân được đẩy lên hàng đầu choán chỗ phương diện cộng đồng, dân tộc, giai cấp. Nỗi đau thân phận đàn bà trong và sau cuộc chiến trở thành nỗi ám ảnh, sự day dứt khôn nguôi trong các sáng tác của Lý Lan (Tiểu thuyết đàn bà), Dạ Ngân (Gia đình bé mọn), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi), Bích Ngân (Thế giới xô lệch)... Trải dài trên những trang văn là những cuộc đời nối dài những cuộc đời, những bất hạnh xếp chồng những bất hạnh. Những gương mặt đàn bà từ bà Tổ mọi, bà Ngoại, Thoa, Liễu, đến chị Đen, Không Bé (Tiểu thuyết đàn bà), Mỹ Tiệp (Gia đình bé mọn), An Mi (Và khi tro bụi)… dù tính cách khác nhau, nhưng lại giống nhau ở cùng bi kịch: làm đàn bà trong một đất nước chiến tranh. Cả cuộc đời họ phải chịu thử thách, phải chờ đợi (để rồi bị bỏ rơi), phải tha hương sầu xứ và cuối cùng hứng chịu bất hạnh từ những di chứng về thể xác, những chấn thương về tinh thần vĩnh viễn. 
Khi có một độ lùi nhất định về thời gian, con người luôn có nhu cầu nhận thức, luận giải và đối thoại với các vấn đề chiến tranh và những hệ lụy của nó. Không chỉ là chiến thắng, vinh quang, cái giá phải trả để được tự do, độc lập quả thật không gì có thể đo đếm được. Chiến tranh là li tán, “mất nơi ở”, là sự tha hương, bơ vơ, người thất lạc người trong mọi miền đất nước, thậm chí thất lạc nhau dưới một mái nhà. Điểm nhìn nội cảm thường đặt vào hình tượng trung tâm nữ giới và các nhân tố khác bị quy chiếu bởi nhân vật này. Chiến tranh là một biến cố khác thường, nó không phải chấm dứt khi tiếng súng ngừng nổ mà hệ lụy của nó vẫn còn dai dẳng, nhất là đối với những người phụ nữ. Cái nhìn hướng nội từ tâm cuộc chiến khiến cho những tác phẩm của các nhà văn nữ mang một tinh thần nhân bản sâu sắc. Những khát vọng tình yêu, hạnh phúc, thân phận đàn bà, những trải nghiệm giới tính, số phận tình dục nữ giới trong chiến tranh được nhiều tác giả miêu tả chân thực, sinh động và đầy sức ám gợi. 
Các nhà văn nữ còn mạnh dạn soi rọi tinh thần dân chủ vào lịch sử để xây dựng một cái nhìn/cách nhìn mới, một lối diễn giải khác, qua đó thể hiện một thái độ hưởng thụ, một tâm thế đối thoại với lịch sử. Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Trần Thu Hằng (Đàn đáy), Đỗ Bích Thúy (Cánh chim kiêu hãnh) đã dũng cảm vượt qua những giới hạn mặc định của giới nữ, công khai luận giải lịch sử từ giác độ cá nhân. Sáng tạo và diễn giải lịch sử giờ đây không chỉ là đặc quyền (bao hàm cả đặc lợi) của đàn ông, mà đó còn là sứ mệnh thiêng liêng của đàn bà, những phận người vốn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong cơn biến thiên của lịch sử từ ngàn đời nay. 
Các tác giả mạnh dạn bày tỏ sự thức nhận của cá nhân trước những chân lý tưởng chừng như xác tín, nghi ngờ những định kiến, giải thiêng những thần tượng, thụ hưởng lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại và đặc biệt là đề xuất những giá trị mới bằng kinh nghiệm/trải nghiệm giới của mình. Các sáng tác về đề tài lịch sử của nhà văn nữ không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, soi rọi từ góc nhìn đời tư bình dị, truy tìm và giải mã đời sống văn hoá, tâm linh; mà còn trình hiện, luận giải về số phận và bi kịch cá nhân con người. Trong bức tranh hiện thực lịch sử ấy vang lên những thông điệp về tình yêu, hạnh phúc gia đình và khát vọng tự do (Giàn thiêu - Võ Thị Hảo); sự trường tồn bất tử của ý chí, nghị lực, sức sống trước bạo lực và cường quyền (Cánh chim kiêu hãnh - Đỗ Bích Thúy); những nỗi đau thế thái nhân tình, yêu thương và lầm lạc của kiếp người (Đàn đáy - Trần Thu Hằng). Tiếng nói cá nhân trở thành trung tâm trong tư duy tự sự về lịch sử và âm hưởng nữ quyền tạo sắc thái giọng điệu rất riêng.
Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, văn học không chỉ là tiếng nói chung của cộng đồng, thời đại, càng không phải là tiếng nói thống trị của nam giới, mà ở đó thể hiện tiếng nói bình đẳng của nữ giới trong mọi vấn đề. Trên lãnh địa sáng tạo văn học, người đàn bà viết văn hiện lên như một vị chúa tể tạo ra thế giới riêng của mình. Họ tự tin công khai bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình và dám chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, những diễn giải mà họ trao gửi cho người đọc.
4. “Lối viết thân thể” - con đường giải phóng bản ngã nữ giới 
Các nhà văn nữ bày tỏ thái độ chống lại sự lệ thuộc vào thế giới đàn ông, vượt thoát khỏi không gian văn hóa nam quyền. Họ dám sống và viết theo tiếng gọi của trò chơi, của giấc mơ, của dục tính nguyên sơ. Những vấn đề vốn trước đây là vùng đất cấm, nay được các nhà văn nữ không ngần ngại xông vào, nhất là đề tài tình dục.  
Dục tính tồn tại hiển nhiên trong mỗi người là yếu tố quan trọng làm nên bản thể. Nó cho con người những giây phút sống đích thực là mình với những rung động và thăng hoa cảm xúc. Với các nhà văn nữ, tình dục là một phương diện thể hiện rõ nhất sự tự do bản ngã và khát vọng tự giải thoát khỏi các mã diễn ngôn, mã văn hóa do nam giới đặt ra và duy trì. Ở đó dần lộ diện “lối viết bằng thân thể”, phô diễn những khoái lạc dục vọng, không giấu giếm ngay cả chuyện thủ dâm, ngoại tình, ham muốn tính dục đồng giới (những thứ vốn được cho là phi chuẩn mực, phi “tự nhiên”). Họ đã dùng ngôn ngữ thể xác như một nhịp mạnh, một điểm nhấn táo bạo để biểu hiện dòng chảy của tư tưởng và cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên, nhà nữ quyền Pháp Hélène Cixous, kêu gọi phụ nữ đặt thân thể của họ dưới ngòi bút của mình<3>.
Khai thác vấn đề bản năng tính dục như là cách thức để nhà văn nữ khám phá sự đa chiều, đa diện về con người, đồng thời giải phóng người đàn bà khỏi những định chế văn hóa xã hội hẹp hòi. Nhiều nhà văn nữ trong giai đoạn này đã miêu tả các nhân vật nữ bằng vẻ đẹp thân thể, gợi tình, giàu nữ tính. Thuận (Vân Vy), Võ Thị Xuân Hà (Tường thành), Y Ban (Xuân Từ Chiều)… đã không ngần ngại sử dụng chất liệu như đôi vú, lưng, eo, làn da, mông, đùi… để kiến tạo nên ngôn ngữ của thân xác. Những lớp ngôn từ ngồn ngộn diễn tả thân thể trở thành điểm hẹn hội ngộ của vẻ đẹp nguyên thuỷ độc đáo trong mã diễn ngôn tự sự. Sâu xa hơn, đó còn là một cuộc đối thoại về giới nhằm tái khẳng định quyền năng của phái nữ. Những hình ảnh có tính gợi về thân thể không mang đến cảm giác nhục thể, khiêu gợi mà biểu hiện cho một tính cách, một số phận, một bi kịch của người đàn bà. Nhìn lại tiến trình vận động cũng như những giới hạn vô hình của xã hội đối với người viết nữ về đề tài tính dục, vấn đề này có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong quan niệm về “thân”<4>.
Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp thân thể người phụ nữ, các nhà văn nữ trong nỗ lực nhận diện về con người một cách thành thực, trần trụi, không tô vẽ; con người như chính sự tồn tại phức tạp trong đời sống đã mạnh dạn đi sâu khám phá những khoái cảm tính dục. Khao khát dục tình đã cho phép nhiều tác giả thám hiểm về con người trong khía cạnh tự nhiên, bản năng và nhân bản nhất của nó. Quan trọng hơn nữa, qua đời sống tính dục thầm kín, riêng tư này các cây bút nữ dường như muốn lên tiếng đòi giải phóng người phụ nữ khỏi những diễn ngôn nam quyền về tính dục. Những cảm giác tuổi dậy thì, sự trải nghiệm “lần đầu tiên” gắn với sự kiện mất trinh tiết, nỗi đau đàn bà trong những lần phá thai, ẩn ức tình dục đồng giới, hành vi thủ dâm… được Phạm Thị Hoài (Thiên sứ), Dạ Ngân (Gia đình bé mọn), Võ Thị Xuân Hà (Tường thành), Phong Điệp (Blogger), Đoàn Lê (Tiền định), Thuận (Paris 11 tháng 8, Chinatown, T mất tích)… miêu tả tinh tế, ám ảnh, sâu sắc gắn với cái nhìn đầy nhân văn về giới. 
Một khi tình dục được xem là thiên tính luôn hiện hữu và đợi chờ được đánh thức thì những rung động trước sắc dục trở thành một khía cạnh của đời sống nhân sinh có tầm phổ quát. Điều đó giải thích vì sao tình dục không còn là phạm trù cái tục để giới nữ phải né tránh. Thậm chí nó trở thành niềm kiêu hãnh giới khi các nhà văn xây dựng nên những hình tượng nhân vật nữ có khả năng tình dục mạnh mẽ và phía bên kia là những người đàn ông bất lực, yếu ớt, nhu nhược (Gia đình bé mọn - Dạ Ngân, Blogger - Phong Điệp, Tiền định - Đoàn Lê, Paris 11 tháng 8 - Thuận...). 
Bằng lối viết chạm đến điều cấm kị, những người phụ nữ đã tự cởi trói, tự chứng tỏ rằng trong lĩnh vực nhạy cảm này, không nên phân biệt đàn ông hay đàn bà, thậm chí họ còn khẳng định sự vượt trội của giới mình trong việc thể hiện đề tài này so với những đồng nghiệp nam. Các cây bút nữ đã thật sự thành công khi len lỏi vào những ngóc ngách của tầng sâu vô thức để quan sát, nắm bắt những biến thái xúc cảm tế vi cùng những ẩn ức bản năng của người phụ nữ. Qua các nhân vật nữ, các nhà văn đã thẳng thắn, mạnh bạo nói lên tiếng nói bình quyền, tiếng nói đòi giải phóng cái tôi cá nhân cho những người thuộc giới họ. Quan niệm về tình dục như một thiên tính, con người như là một sản phẩm của tự nhiên đã giúp cho nhà văn có cái nhìn chân thực hơn, “người” hơn và theo đó, cách đánh giá cũng độ lượng hơn, giàu tính nhân bản hơn.
Các nhà văn nữ và những “đứa con tinh thần” của họ là một minh chứng cho quyền được nói, được bình đẳng tự do trên trang viết, quyền được công khai bộc lộ chính kiến cá nhân, mở ra một thế giới tự do, tự trị, thế giới mà người đàn bà hiện diện như một nữ vương ngự trị trong vương quốc của sáng tạo. Chính những sáng tác của họ góp phần mang đến cho văn đàn tiếng nói mới mẻ, tiếng nói của “kẻ khác”, của “thiểu số”, vốn trước đây bị đẩy ra bên lề, nay đàng hoàng, tự tin, kiêu hãnh tiệm tiến về phía trung tâm của đời sống văn học.
1 Xem thêm Nguyễn Đăng Điệp, “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn.
2 Xem thêm Lưu Tư Khiêm, “Văn học nữ tính”, Phan Trọng Hậu lược dịch, Báo Văn nghệ số 42, ngày 14.1.2006.
3 Xem thêm Raman Selden, “Phê bình nữ quyền”, Tạp chí Sông Hương số 278, 4- 2012, Hồ Thị Dương Liễu dịch, Nguyễn Tiến Văn hiệu đính.
4 Xem thêm Trần Văn Toàn (2009), “Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỉ XX đến 1945)”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Văn Hùng
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...