Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Liêu trai chí dị - Nơi ma tốt, người xấu

Liêu trai chí dị - Nơi ma tốt, người xấu
Liêu trai chí dị (Những chuyện quái dị chép ở căn nhà tạm), là tập Đoản thiên tiểu thuyết (truyện ngắn) gồm 431 thiên, ra đời vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17) của Bồ Tùng Linh (1). Bộ truyện này được coi là một kì thư, là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại.
Trong 2 từ Liêu Trai thì từ "Trai" là chính từ, còn từ "Liêu" chỉ là bổ túc từ. Từ "Trai" có rất nhiều nghĩa nhưng nghĩa "phòng học" là được nhiều người đồng tình nhất. Từ "Liêu" có nghĩa là "sơ sài" , "tạm bợ". Vậy Liêu Trai có nghĩa là phòng học (cũng có thể là phòng đọc sách ngày xưa) sơ sài tạm bợ. Thật ra trước đó Liêu trai chí dị có tên là "Quỷ Hồ Truyện". Nhưng có lời đồn rằng trong lúc ông đi thi Hương, quỷ hồ cứ quanh quẩn ngoài lều khiến ông sợ hãi nên đổi tên thành Liêu Trai Chí Dị. 
Đề tài chủ yếu của Liêu trai chí dị do tác giả sưu tầm trong dân gian, hoặc rút từ truyện chí quái đời Lục triều (2) và các truyện truyền kỳ đời nhà Đường rồi gia công sáng tạo thêm. Hầu hết các truyện nói về thần tiên ma quái, hồ li lang sói, hổ báo khỉ vượn, voi rắn độc trùng cho tới cây cỏ hoa lá, khói mây gạch đá, v.v…. Nhưng không chỉ vậy, xuyên suốt các tác phẩm là những câu chuyện về người và việc trong cuộc sống đời thường. Tất cả những đề tài trên được tác giả xử lý khéo léo, ít nhiều ngầm ý chỉ trích nền chính trị tàn bạo của triều đình Mãn Thanh đương thời, phê phán thói hư tật xấu của bọn nho sĩ, thể hiện những tư tưởng dân chủ trong vấn đề hôn nhân và tình yêu.
Lời “Đề từ” của Liêu trai chí dị là một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt: 
Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,/Đậu bằng qua giá, vũ như ty./Liệu ưng yểm tác nhân gian ngữ/ Ái thính thu phần quỷ xướng thi. (Ngư Dương Lão Nhân đề) (3)
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch).
Bồ Tùng Linh đã họa vần lời Đề từ của Ngư Dương Lão Nhân như sau:
“Chí dị” thư thành, cộng tiếu chi,/Bố bào tiêu sác, mấn như ty./Thập niên phả đắc Hoàng Châu ý/Lãnh vũ hàn đăng, dạ thoại thì.
Dịch thơ:
“Chí dị” làm xong, cất tiếng cười,
Tóc mai trắng nõn, áo bào tơi.
Mười năm mới hiểu lời Tô Tử, (4)
Mưa lạnh, đèn tàn, kể láo chơi!
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch).
Thông thường, “Đề từ” nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm. Lời “Đề từ” ở đây là của nhà thơ Vương Sĩ trinh, hẳn là một “thi hữu” của họ Bồ cho nên đó vừa là “hướng người đọc” vừa là “bình luận” về Liêu trai chí dị của Vương Ngư Dương: Đó là chuyện ma quỷ, Hồ li (cho nên lúc đầu đặt tên cho tác phẩm là Quỷ Hồ truyện) nhưng đích thực là “Chuyện đời”. Vương Ngư Dương còn dùng lại câu nói của nhà thơ Tô Đông Pha “Cô vọng ngôn chi” như là muốn lôi kéo thêm “Đồng minh” cho Bồ Tùng Linh trong việc chọn phương cách “Nói láo” này là rất cao tay! Và trong bài họa thơ, họ Bồ nói “Mười năm mới hiểu lời Tô Tử” thì quả là thủ pháp nghệ thuật “Nói láo” này không hề đơn giản, không dễ thực hiện mà cũng không dễ hiểu ngay được. Có lẽ, sau này, người ta đã mượn cái tích “Nói láo” này để nói về cái nghề Nhà báo: tưởng như là nói láo mà chính là nói thực!
Có thể chia Liêu trai chí dị thành 3 loại đề tài chính:
1/ Đả kích chế độ chính trị tàn bạo, vạch mặt bọn tham quan, cường hào ác bá. 
2/ Phơi bày những tệ lậu của chế độ khoa cử, đả kích việc dùng văn bát cổ để chọn nhân tài. 
3/ Nguyện vọng xóa bỏ những trói buộc của chế độ hôn nhân phong kiến, dành lấy quyền tự do yêu đương của nam nữ thanh niên.
Loại thứ nhất gồm những truyện vạch trần một cách sắc bén chế độ chính trị đen tối, hủ bại đương thời, đả kích bọn tham quan ô lại, bọn thổ hào thân sĩ độc ác, không từ một tội ác nào, đồng thời đồng tình với cảnh ngộ thống khổ của những người dân lương thiện bị áp bức. Như chuyện Xúc chức, Tịch Phương Bình, Hướng Cảo v.v…
Tấn bi kịch xảy ra trong gia đình Thành Danh trong truyện Xúc chức (Dế mèn) mang một ý nghĩa điển hình nhất định. Nhà vua rất thích chọi dế, hàng năm bắt dân tìm dâng lên. Bọn quan lại địa phương xun xoe xu nịnh, nhân cơ hội này tha hồ dọa dẫm hạch sách dân. Đó là nguyên nhân trực tiếp gây nên tấn bi kịch trong gia đình Thành Danh. Thành Danh là người thật thà, an phận thủ thường, đến nỗi khuynh gia bại sản rồi mà vẫn không cách nào thỏa mãn được yêu cầu tham bạo trên. Trầy trật mãi mới được một bà đồng mách bảo cách, anh bắt được con dế mèn rất khỏe, nhưng lại bị đứa con lên chín tuổi của anh vô ý làm chết mất. Trong khi Thành Danh đang lo lắng, giận dữ, chợt phát hiện ra con mình đã tự tử vì sợ hãi. Ở đây, thoắt hiện lên một bức tranh thê lương, bi thảm, phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị phong kiến bức hại nhân dân. Về sau, con của Thành Danh sống lại, nhưng linh hồn lại biến thành một chú dế mèn dũng cảm, đấu hay.
Thành Danh mang con dế tiến vào hoàng cung, nhờ đó mới thoát được cái số phận bất hạnh của mình. Tình tiết này phản ánh một cách rất hay cuộc sống khủng khiếp trong xã hội phong kiến, nó thể hiện sâu sắc sự bức hại cả về thể xác lẫn tinh thần đối với người dân đã đến nỗi không còn cách nào hơn là đành biến thành những vật kì dị làm thú vui tiêu khiển cho bọn người ăn bám mặt đầy bụng bự.
Trong truyện Xức chức, Bồ Tùng Linh chĩa mũi nhọn trực tiếp vào nhà vua - kẻ thống trị tối cao của xã hội phong kiến. Còn trong truyện Tịch Phương Bình, thì ông lại mổ xẻ phân tích bản chất xấu xa của toàn thể bộ máy quan liêu trong xã hội này. Ở  dưới âm ti địa phủ, từ Diêm vương cho đến cai ngục, thảy đều cùng một duộc với bọn địa chủ ác bá xấu xa, cấu kết với nhau làm điều gian ác, giết hại nhân dân, tha hồ chà đạp lên những người dân lành vô tội. Không có công lí, cũng không có chính nghĩa. Đồng tiền chi phối tất cả. Lời buộc tội của thần Nhị Lang ở Quán Khẩu rất đúng: “Ánh sáng đồng tiền bao trùm mặt đất, cho nên điện Diêm vương tối tăm. Hơi đồng tanh tưởi ngất trời, làm cho trong thành không ngày tháng nào không có những vụ chết oan”. Kì thực, đó chẳng phải là tả trần gian hay sao?
Tịch Phương Bình trong truyện Tịch Phương Bình và Hướng Cảo trong truyện Hướng Cảolà hai nhân vật phục thù. Tịch Phương Bình kiên cường bất khuất. Để trả thù cho cha, hồn anh ta xuống âm ti, kiện đòi minh oan. Anh ta bất chấp mọi hình phạt tàn bạo như đánh đập, lăn giường lửa, cưa xác, cũng chẳng thèm nghe lời mê hoặc “sẽ được giàu có ngàn vàng, sống lâu trăm tuổi”, thề chưa đạt mục đích chưa thôi. Anh ta kiên quyết đấu tranh tới cùng, rốt cuộc, được thiên thần phù hộ, kẻ thù bị xử tội, cha anh ta được cứu sống. Hình tượng Tịch Phương Bình nói lên tiếng thét phản kháng của những người dân bị áp bức, còn truyện Hướng Cảo, thực chất, còn phản ánh rõ hơn nguyện vọng đòi trả thù của nhân dân bị áp bức. Có thể nói, nếu không có nhiều người bị lăng nhục, bị giày xéo dưới thế lực phong kiến thống trị lớn mạnh đương thời, và mang khát vọng được trả thù mãnh liệt đến thế, thì tác giả khó có thể hư cấu nên tình tiết Hướng Cảo biến thành hổ để báo thù. Cho nên cuối truyện, Bồ Tùng Linh đã phẫn nộ thét lên: “Nhưng những chuyện trong thiên hạ làm cho người ta căm giận thì nhiều lắm, mà kẻ bị oan thường chỉ là người, chứ không được tạm thời làm cọp. Đáng buồn thay!”.
Bọn cường hào ác bá và bọn tham quan ô lại cùng nhau đè đầu cưỡi cổ nhân dân, ỷ vào tiền tài quyền thế, làm đủ điều độc ác. Trong bộ Liêu trai chí dị cũng có khá nhiều truyện đánh thẳng vào những tội ác đẫm máu ghê người của chúng. Truyện Hồng Ngọc tả tên ngự sử họ Tống về hưu “ở nơi rừng vắng, thả sức ra oai” làm càn, cướp vợ giết cha Phùng Tương Như. Hắn lại đút lót nha môn, khiến Phùng Tương Như hết cách kêu oan. Truyện Thạch thanh hư tả một tên ác bá cướp viên đá linh thiêng của Hình Vân Phi, “giao phó cho tên đầy tớ lực lưỡng quất ngựa cút thẳng”. Sau đó, lại có một vị thượng thư nọ muốn chiếm viên đá của Hình Vân Phi vừa mới lấy lại được, nên đã “âm mưu bày đặt chuyện vu cáo hãm hại họ Hình.Hình bị bắt, phải cầm cố điền sản”, “vợ Hình bàn vụng với con, đem dâng viên đá cho quan thượng thư”, Hình mới được tha về. Truyện Đậu Thị tả một tên địa chủ lừa gạt cô gái nông dân, lúc đầu chung chạ sau lại bỏ, bức nàng phải chết. Trong những chuyện này, tác giả đều phơi bày bộ mặt cực kì gian ác của giai cấp bóc lột, chúng ăn cướp không từ một thủ đoạn nào, khiến cho những người dân lương thiện nghèo hèn rơi vào tình cảnh bi thảm tột bực – đây chính là bức tranh thu nhỏ của hiện thực xã hội.
Loại thứ hai trong Liêu trai chí dị là những truyện phơi trần và đả kích tội ác và tệ lậu của chế độ “khoa cử” dùng văn bát cổ để chọn nhân tài: Tì văn lang, Vương Tử An,v.v… Khi viết về đề tài “khoa cử”, hầu hết các nhà văn đều là “người trong cuộc” cho nên bao giờ cũng “chân thực” hơn hiện thực cuộc đời và được “mổ xẻ”, “phơi bày” đến từng chân tơ kẽ tóc! Tuy nhiên, với tất cả những cái gọi là bất cập, thối nát, xấu xa của chế độ “Khoa cử”, nhà văn cũng chỉ “giẫm chân, đấm ngực kêu trời” mà thôi! Và rồi, muốn nói gì thì nói, lại phải lao vào chế độ “Khoa cử” đó để tìm kiếm một chút công danh với đời! Đó chính là cái “bi kịch muôn đời” của tầng lớp Nho sĩ dưới chế đô Phong kiến từ ngàn xưa!
Loại truyện thứ ba trong Liêu trai chí dị là “chuyện ái tình”: phản ánh sự bất hợp lý của chế độ hôn nhân phong kiến, nói lên nguyện vọng và hành động của nam nữ thanh niên về một tình yêu tự do, say đắm…: A Bảo, Anh Ninh, Hương Ngọc, v.v…Như lẽ thường, “đề tài” tình yêu bao giờ cũng là nơi nhà và giành nhiều tâm huyết nhất, “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất. Ở Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh đã rất thành công khi đi vào loại đề tài vĩnh cửu này. Vấn đề này sẽ được nói kỹ trong phần dưới đây khi nói về hình tượng nhân vật chàng thư sinh với những mối tình giai nhân tài tử đầy bi kịch mà cũng đầy chất thơ!
Những đặc sắc nghệ thuật của Liêu trai chí dị
Nhìn khái quát những đặc sắc nghệ thuật của Liêu trai chí dị ta có thể nhận thấy mấy điểm nổi bật sau: 
Liêu trai chí dị có kết cấu theo thể loại Truyện ngắn với lời văn điêu luyện, hình thức ngắn gọn nhưng chứa đựng một nội dung hiện thực lớn.
Với khuôn khổ hạn hẹp của thể loại truyện ngắn, khi miêu tả nhân vật, tác giả không như họa sĩ truyền thần vẽ tỉ mỉ từng chi tiết mà theo lối vẽ rồng điểm nhãn, nắm lấy những chi tiết có tính chất đặc trưng mà khắc họa.
Liêu trai chí dị chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái đời Ngụy Tấn và truyện truyền kỳ đời Đường nhưng cách viết thì có nhiều chỗ cách tân, sáng tạo: chú ý những tình tiết éo le thú vị và luôn thay đổi cách viết để hấp dẫn người đọc.
Với việc sử dụng bút pháp truyện ngắn truyền kỳ, Tác giả của Liêu trai chí dị không vẽ lên trước mắt ta bức tranh thật của cái xã hội ông đang sống, mà thay vào đó là một bức tranh khác hẳn. Ông nói đến chốn “Bồng lai tiên cảnh”, ở đó chỉ có người tiên, có đạo sĩ sinh sống. Ông nói đến “địa ngục”, nơi ngự trị của thành hoàng, Diêm vương và quỷ sứ. Còn ở cõi trần thì bóng đêm mờ ảo mới là bối cảnh, môi trường hoạt động quen thuộc của các nhân vật Liêu trai chí dị, vì nhân vật ở đây phần lớn lại là ma, là Hồ ly (5). Suốt đời làm một nhà nho hăm hở đi thi để lập chút công danh với đời, Bồ Tùng Linh không thể quên lời dạy của Khổng Tử(*): “Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Kính trọng quỷ thần nhưng hãy tránh xa – Luận ngữ: Ung dã). Chưa hết, Ngài còn dạy: “Tử bất ngữ quái lực loạn thần” (Không bao giờ nói đến những việc quái dị, bạo loạn, quỷ thần – Luận ngữ: Thuật nhi). Tại sao Bồ Tùng Linh lại trái lời của Khổng Tử? Trả lời được câu hỏi này ta sẽ thấy được ý đồ nghệ thuật của Bồ Tùng Linh.
Lời đáp chính là ở hình tượng nhân vật chàng thư sinh, đóng vai trò như một nhân vật trung tâm nổi bật, dẫn dắt người đọc đi vào cái thế giới kỳ ảo, ma quái của tác phẩm. Nhân vật chàng thư sinh này vừa là đối tượng miêu tả của Bồ Tùng Linh vừa là nhân vật trữ tình của tác giả. Đây chính là điểm khác biệt giữa Bồ Tùng Linh và văn học dân gian: trong truyện dân gian, nhân vật học trò không bao giờ là nhân vật dẫn chuyện và luôn đối lập với ma quỷ, luôn được thần tiên “cứu trợ”; còn nhân vật chàng thư sinh của Bồ Tùng Linh thì sống giữa quỷ thần và luôn “giao động con lắc” giữa hai cực ma quỷ và thần tiên. Chính là điều này đã giúp tác giả thể hiện đúng bản chất của hiện thực cuộc sống: đời sống hiện thực bao giờ cũng tồn tại trong sự phức tạp và đa dạng, mà phức tạp nhất chính là ở nơi giáp ranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa Ánh sáng và Bóng tối. Có những con người mà định mệnh đã an bài ở địa vị làm người, thậm chí làm Thần Thánh, Tiên Phật, thì nó lại có phẩm chất của “ma quỷ” (do tha hóa, biến chất). Và cũng có những con quỷ, con ma đang trong thân phận loài quỷ ma nhưng lại mang tư cách chân chính của “con người” (do đã dày công tu luyện hàng trăm, hàng ngàn năm với khao khát mãnh liệt là được làm “Người”). Có thể nói, với nhãn quan như một cái “Kính chiếu yêu”, Bồ Tùng Linh đã chỉ ra một cách tài tình, sắc sảo những hiện tượng rất “người” này. Cái thế giới của Liêu trai chídị, vì thế nó thực hơn cái hiện thực đang tồn tại, cái thế giới mà ma thì tốt, người thì xấu! Hơn thế, Bồ Tùng Linh còn cho người đọc thấy rõ trong một con người, đâu là cái phần đích thực là “người”, đâu là cái phần chỉ có thể là “quỷ ma”. Chính vì vậy, thế giới do Bồ Tùng Linh sáng tạo ra sống động và “thực” hơn rất nhiều cái thế giới lâu nay người đời vẫn quan niệm: Thiện và Ác, Chính và Tà luôn sóng đôi và bao giờ Thiện cũng thắng Ác, Chính nhất định thắng Tà. Thực ra, cái “thế giới song song” đó là “chủ nghĩa không tưởng”, nó không có thực và đó chính là “kẽ hở đạo đức” để những kẻ “ngụy quân tử” tồn tại, tạo nên thói đạo đức giả tràn lan trong hiện thực đời sống! Điều đó cắt nghĩa vì sao Bồ Tùng Linh chỉ  “nói láo chơi” mà hoàn toàn chinh phục người đọc, mà đã đưa những “đoản thiên tiểu thuyết” của mình lên đỉnh cao mẫu mực của nghệ thuật văn chương!
Khi nói đến hình tượng nhân vật chàng thư sinh trong Liêu trai chí dị, điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc và cũng là phần nội dung chiếm phần lớn của tác phẩm là mối quan hệ giai nhân tài tử, tức đề tài Tình yêu – thuộc đề tài thứ ba khi ta phân nội dung Liêu trai chí dị ra thành ba loại đề tài như đã nói ở trên. Chàng thư sinh luôn ôm mộng làm quan và lấy việc dùi mài kinh sử làm cách sống duy nhất. Nhưng rồi cuộc đời lều chõng ngày càng trở nên đơn điệu, tẻ nhạt và hơn thế là tù túng, là sống mòn… nên chàng thư sinh lao vào “Tình trường” hết mình, cuồng nhiệt, đắm say, bất chấp mọi rào cản, khi gặp giai nhân tuyệt sắc! Lúc đó, chàng thư sinh mới được sống thực với tính cách con người tài tử, đa tình của mình. Các thiên truyện giai nhân tài tử chiếm số lượng rất lớn trong Liêu trai chí dị đã đem lại cho người đọc một cảm xúc thẩm mỹ trong trẻo, một cái nhìn trẻ trung, tươi mới đối với cuộc sống, và tạo được một trạng thái cân bằng về tình cảm, khi đã phải đối mặt với thế giới ma quỷ của Bồ Tùng Linh. Như là tác giả muốn gửi vào đây tất cả niềm tin con người mà quãng đời thư sinh ông đã từng có và sâu kín trong tâm tư, ông vẫn luôn luôn khao khát. Vì thế, những nhân vật giai nhân tài tử được ông dồn tâm huyết sáng tạo đều là những hình tượng có tính chất “lý tưởng hóa”, dễ khơi gợi nên xúc cảm thẩm mỹ cao đẹp nơi người đọc : họ chất chứa một sức sống bên trong là tình yêu nồng cháy (Liên Hương, Cô Bảo, Hương Ngọc, Trúc Thanh), có cá tính khác thường và rất mạnh mẽ (Anh Ninh, Gái Hiệp, Cô gái họ Mai, Thanh Mai, Thanh Nga, A Tú); họ là kết tinh của cái đẹp rực rỡ, tỏa sáng từ trong ra ngoài (Thanh Phượng, Ngũ Thu Nguyệt, Cô Tân thứ mười bốn, Vương Quế Am); họ khao khát sống có ý nghĩa và luôn vươn tới sự hoàn thiện chính mình (Cô gái họ Mai, Liên Hương, Cô Tư họ Hồ, Nhiếp Tiểu Thuyết, Tiểu Tạ).
Đề tài Tình yêu với mô-típ giai nhân tài tử, trai tài gái sắc vốn đã có từ lâu. Bồ Tùng Linh có sự cách tân, sáng tạo nào không? Đó là đòi hỏi tất yếu, là lẽ sống còn. Và có thể nói, Bồ Tùng Linh đã đạt được thành tựu rực rỡ. Hàng trăm nhân vật trai tài gái sắc, giai nhân tài tử của ông trong Liêu trai chí dị, qua sự phán xét khắc nghiệt của thời gian, đến nay vẫn lung linh tỏa sáng như vừa mới xuất hiện. Có vẻ như mỗi lần tiếp xúc với nhân vật trong truyện của Bồ Tùng Linh, người đọc như phát hiện thêm điều gì mới mẻ, như là ngọc càng mài càng sáng! Bí quyết là ở đâu? Chính là ở khả năng cá tính hóa nhân vật đến cao độ. Nhân vật của Liêu trai chí dị dù phải đối mặt với bất kỳ hiểm nguy nào thì họ cũng tìm cách thoát hiểm để tồn tại và tỏa sáng.  Đó chính là sự cách tân của Bồ Tùng Linh. Và, chính vào lúc nhân vật “tỏa sáng” đó, tính cách của nó đã được đẩy tới “cực đại”! Và nếu đem cái thời điểm “cực đại” đó so sánh với sự “kìm nén” vì bị “chèn ép” hàng ngày thì quả đó là sự “phá rào”, “vượt khung”…(hay đại loại như thế) khó mà “thuận mắt” trong một xã hội có tầng tầng lớp lớp những “qui tắc”, “khuôn phép” như xã hội phong kiến! Điều đó giải thích vì sao nhân vật của Liêu trai chí dị trong quan hệ xã hội thì có tính phản kháng mạnh mẽ, trong tình yêu thì có tính nhục cảm sục sôi!
Có một điều lạ lùng là mỗi lần tôi thuận tay rút cuốn Liêu trai chí dị trên giá sách ra đọc thì khi vừa đặt cuốn sách xuống bàn, bên tai lại văng vẳng tiếng ma đang đọc:
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
Chú thích:
 (1) Bồ Tùng Linh (1640-1715), tự là Liêu Tiên và Kiếm Thần, cũng có người gọi ông là Liễu Tuyền cư sĩ, là một văn sĩ người Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh. Ông được biết đến nhiều với tác phẩm Liêu trai chí dị.
Bồ Tùng Linh sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở huyện Truy Xuyên (nay là huyện Truy Bác, Sơn Đông). Ông có thể có tổ tiên là người Mông Cổ. Năm 19 tuổi, ông đỗ tú tài trong khoa thi, nhưng phải mãi đến năm 71 tuổi ông mới đỗ cống sinh. Thân phụ của Bồ Tùng Linh là Bồ Bàn vì lận đận nơi khoa trường, nên đã từ bỏ nghiệp nho theo nghiệp thương gia. Sinh con đầu lòng là Triệu Kỳ nhưng chẳng may chết yểu. Đến tuổi trung niên thì coi như ông đã tuyệt tự. Nên ông đóng cửa chuyên tâm đọc sách và làm từ thiện. Nhưng kỳ lạ thay lúc đó ông lại có bốn người con lần lượt là: Triệu Chuyên, Bá Linh, Tùng Linh và Hạc Linh. Bồ Tùng Linh là con dòng thứ.
Ông dành hầu hết thời gian trong việc dạy học tư, và sưu tầm những câu chuyện mà sau này được viết trong tác phẩm Liêu trai chí dị, bao gồm 16 quyển chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ, vị chi 448 tập về những truyện kỳ quái mà ông sưu tập được. Đây cũng được coi là một đỉnh cao trong thể loại truyện ngắn cổ điển Trung Quốc.
Về tiểu thuyết, có bộ 16 quyển Liêu trai văn tập. Về thơ cũng có bộ Liêu trai thi tập bao gồm 6 quyển với hơn 1.000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tạp kịch.
Hiện nay có hai bản in được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam: 1.Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh, hai tập (Nguyễn Huệ Chi tuyển chọn và hiệu đính),  NXB Văn học, Hà Nội, 1989. 2.Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh, 5 tập (Nguyễn Huệ Chi  tuyển chọn và hiệu đính), NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
(2) Lục triều: Sau khi Đông Ngô (229-280) diệt vong, 38 năm sau, năm 318, đến lượt nhà Tấn của con cháu Tư Mã Viêm phải chạy về Giang Nam lánh nạn Ngũ Hồ (2*) lấn chiếm phương Bắc, gọi là nhà Đông Tấn.
Sau đó liên tiếp 4 triều đại nữa là Lưu Tống, Nam Tề, Lương và Trần cùng cai trị Giang Nam, đều đóng đô ở Kiến Nghiệp, gọi là Nam Triều trong thời Nam Bắc Triều. Sử gọi các triều đại từ Đông Ngô đến Trần (229 - 589) ở Giang Nam là Lục triều (còn gọi là Ngụy Tấn), và Đông Ngô chính là triều đại đầu tiên.
(2*) Ngũ Hồ: Thập lục quốc là một tập hợp gồm nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 sau sự rút lui của Nhà Tấn (265-420) về miền nam Trung Quốc và trước khi Bắc Triều được thành lập.
Nguồn gốc thuật ngữ này do Thôi Hồng đưa ra trong văn bản hiện đã mất Thập lục quốc Xuân Thu (cuốn biên niên sử của giai đoạn Thập Lục Quốc) và giới hạn trong mười sáu quốc gia ở thời kỳ này, gồm: Hán Triệu, Hậu Triệu, Thành Hán, Tiền Lương, Hậu Lương, Bắc Lương, Tây Lương, Nam Lương, Tiền Yên, Hậu Yên, Bắc Yên, Nam Yên, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Tần và Hạ. Thuật ngữ này đã được mở rộng ra cho tất cả các quốc gia tồn tại trong giai đoạn 304 đến 439. Tất cả các nước này đều không tồn tại được trong toàn bộ giai đoạn này.
Giai đoạn này còn gọi là "Ngũ Hồ loạn Hoa"(2**) (năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa). Tuy nhiên Ngũ Hồ chỉ tính 5 dân tộc: Hung Nô (Lưu Uyên - Hán Triệu), Yết (Thạch Lặc - Hậu Triệu), Tiên Ti (Mộ Dung - các nước Yên, trừ Bắc Yên), Chi (hay tộc Để, có Phù Kiên nước Tiền Tần), Khương (Diêu Tràng - nước Hậu Tần) mà không tính tới tộc Tung (2***) lập ra nước Thành Hán. Một thuật ngữ ít được sử dụng hơn là Giai đoạn thập lục quốcmiêu tả thời kỳ hỗn loạn này từ năm 304 đến 439.
Hầu như mọi vị vua của các quốc gia trên đều có nguồn gốc từ dân tộc Ngũ Hồ và đều xưng đế và vương (vua). Người Hán Trung Quốc làm chủ bốn nước: Bắc Yên, Tây Lương, Hậu Lương và nước Ngụy (Nhiễm Nguỵ). Sáu vị vua nước Tiền Lương vẫn giữ tước hiệu danh nghĩa của Nhà Tấn. Bắc Ngụy (với tiền thân là nước Đại) không được coi là một trong thập lục quốc dù cũng được thành lập trong giai đoạn này, vì về sau nó phát triển thành quốc gia lớn mạnh, thống nhất làm chủ cả trung nguyên, trở thành Bắc triều trong thời Nam Bắc triều. Sự xâm nhập của các dân tộc Hồ vào Trung Hoa thực ra đã bắt đầu từ lâu. Ngay từ cuối thời Đông Hán tới Tam Quốc, do nội chiến liên miên, dân số giảm sút, giai cấp thống trị cần bổ sung nhân lực cho chiến tranh nên cho các ngoại tộc vào trong Vạn Lý Trường Thành. Các địa chủ người Hán thường mộ họ làm tá điền, làm lính và cướp bán cho người khác làm nô lệ.
Người Hung Nô: Từ cuối thời Tây Hán, Hung Nô có nội loạn. Một thiền vu là Hô Hàn Tà mang 5.000 nhà vào hàng nhà Hán. Tới thời Đông Hán, chúa Nam Hung Nô cũng hàng Hán, được dời đến ở Thiểm Tây và bắc Sơn Tây. Tới thời Tam Quốc, dân Hung Nô đã đông đúc, thế lực lớn 
dần. Tào Tháo bèn phân tán người Hung Nô thành 5 bộ, cho ở 5 huyện thuộc Sơn Tây hiện nay là: Huyền Thị (huyện Cao Bình), Bồ Tử (huyện Bồ), Tần Hưng (huyện Xin Xen), Đại Lăng (huyện Văn Thuỷ), Kỳ huyện (huyện Kỳ). Mỗi bộ đặt một quan cầm đầu gọi là suý, sau đổi làm đô úy và chọn một người Hán làm chức Tư mã để cai quản chung. Trong 5 bộ đó, bộ nhỏ có khoảng 3000 nhà, bộ lớn khoảng 10.000 nhà. Người Yết: Đây là một bộ lạc nhỏ của người Hung Nô, từ Trung Á dời đến miền Vũ Hương ở đông nam Sơn Tây (huyện Tẩm) và chịu sự lãnh đạo của các quý tộc Hung Nô tại đây.Người Tiên Ty: Là một chủng tộc Đông Hồ. Cuối thời Đông Hán, sau khi người bắc Hung Nô dời về phía Tây thì người Tiên Ty lấn gần hết đất cũ của Hung Nô. Tới giữa thế kỷ 2, người Tiên ty khống chế một vùng rộng lớn từ khu vực Liêu Hà tới hành lang phía tây sông Hoàng Hà, giáp U Xum và có một bộ phận đã vào bên trong Vạn Lý trường thành. Thị tộc Tiên Ty có 4 họ: Mộ Dung, Đoàn, Thác Bạt, Vũ Văn. Người Chi (hay Đê): Là chủng tộc ở miền đông Cam Túc, trước đây thời nhà Chu gọi là Tây Nhung. Sau này một bộ phận rời đến Thiểm Tây. Người Chi có 5 họ: Du Mi (huyện Kinh Dương - Thiểm Tây), Nghiên, Hưng Quốc, Lâm Vi, Lược Dương. Thời Tam Quốc, người Chi vào Trung nguyên rất nhiều. 
Người Khương: Cũng là một chủng tộc Tây Nhung, ở rải rác miền Cam Túc, Thanh Hải và Thiểm Tây. Thời Hán, người Khương luôn đánh nhau với người Hán. Người Khương có tới 150 thị tộc.
(2**) Ngũ Hồ loạn Hoa: Hiện tượng lịch sử này với những sự kiện đặc biệt như “Chiêu Quân cống Hồ”(2**1) đã hình thành nên một dòng thơ Biên tái khá đặc sắc. Trong các tác phẩm Đường thi, dòng thơ Biên tái là một trong những chủ đề được nhiều tác giả khai thác và có những thành công không nhỏ. Chủ đề Biên tái có hai nội dung lớn: thứ nhất là mang tâm trạng hừng hực ý chí yêu nước, quyết lập công nơi vùng biên ải; thứ hai là mang tâm trạng buồn xa quê hương, nhớ nhung nơi quê nhà hoặc đau xót khi nhìn vật xưa cảnh cũ.
Tiêu biểu trong dòng thơ Biên tái này phải kể đến các bài: Lũng tây hành của Trần Đào, Quan san nguyệt, Tư biên của Lý Bạch; Cổ ý của Lý Kỳ; Cô nhạn của Thôi Đồ; Lương Châu từ của Vương Hàn, Tái thượng khúc, Tái hạ khúc của Vương Xương Linh; Xuất táicủa Vương Chi Hoán... Bài Lương Châu từ của Vương Hàn được độc giả Việt Nam lưu truyền rất rộng rãi: 
Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi. 
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi!
Bản dịch mới nhất của Đăng Lan có một chi tiết khác trước: chữ quân  ở câu thơ thứ ba không phải là “chư vị” (chỉ nam nhi quân tử) như vẫn thường được hiểu trước đây mà có nghĩa là “nàng” (chỉ người con gái):
Bồ đào rượu ngọc chén pha lê,
Trên ngựa đã nghe dục tiếng tì,
Bãi cát say nằm nàng chớ giễu,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
(Xem: Lương Châu Từ - Một Cách Nhìn Mới: Đăng Lan - Vanchuongviet.org, ngày 2-8-2010).
(2**1) Chiêu Quân: là một trong Tứ đại mĩ nhân (2**2) của lịch sử Trung Quốc. Với sắc đẹp được ví là "lạc nhạn" (làm cho chim sa), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biến của thi ca, nghệ thuật. Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình. Sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô.
Kể từ thế kỉ 3 trở đi thì câu chuyện về Chiêu Quân (Chiêu Quân cống Hồ) đã được phóng tác nên như là hình tượng của một nhân vật nữ đầy bi thương trong nhiều tác phẩm thơ ca hay kịch, chẳng hạn như của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Quách Mậu Thiến, Mã Trí Viễn, Tào Ngu, Quác Mạt Nhược, Tiễn Bá Tán…
(2**2) Tứ đại mỹ nhân đó là: 1/ "lạc nhạn" (chim nhạn sa xuống đất): Vương Chiêu Quân(thời Tây Hán), 2/ "trầm ngư" (cá chìm sâu dưới nước): Tây Thi (thời Xuân Thu), 3/"bế nguyệt" (mặt trăng phải giấu mình): Điêu Thuyền (thời Tam Quốc) và 4/"tu hoa" (khiến hoa phải xấu hổ): Dương Quý Phi (thời nhà Đường)..
(2***)Người Tung: Dân tộc Tung vốn ở đất Ba Thục cổ, vùng Ba Tây, Giang Cừ (huyện Thượng Khê, huyện Cừ tỉnh Tứ Xuyên). Người Tung có 5 họ: Ba, Phàm, Thẩm, Tướng, Trịnh. Họ Ba làm vua, các họ kia làm tôi. Cuối thời Đông Hán, một bộ phận người Tung rời vào Hán Trung. Tào Tháo phân tán đến đất Lược Dương cho ở lẫn với người Chi. Cuối thời Tây Tấn, lưu dân trở về Ba Thục cùng tù trưởng Lý Đặc.
(3) Vương Sĩ Trinh: Vương Sĩ Trinh (1634-1711), nguyên tên Sĩ Chân, tự Tử Chân, Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, biệt hiệu Ngư Tiên Sơn nhân, Ngư Dương Sơn Nhân, Ngư Dương Lão nhân; người đất Tân Thành, sống cùng thời với Bồ Tùng Linh, đậu Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư, là nhà thơ nổi tiếng về phong cách trữ tình, hoa lệ.
(4) Tô Thức: Tô Thức (1037–1101), tự Tử Chiêm, Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà thơ lón Trung Quốc thời Nhà Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường, Tống. Đó là : Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên (đời Đường), Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt và Tăng Củng (đời Tống).
Tương truyền, khi Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, lúc tiếp khách, thường bảo họ kể những chuyện khôi hài, phóng đãng, không cần giữ lễ. Ai không nói được thì ông ép nói chuyện ma quỷ. Lại có người nói không có ma quỷ thì ông bảo: “Cứ nói láo đi!” (Cô vọng ngôn chi).Trong bài thơ Đề từ, Vương Ngư Dương đã sử dụng câu nói này.
(*) Khổng Tử (551 – 479 TCN): là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Triết học của ông nhấn mạnh trên cá nhân và cai trị bằng đạo đức, sự chính xác của những mối quan hệ xã hội, sự công bằng và sự trung thực. 
Luận Ngữ là một quyển sách trong bốn sách gọi là Tứ Thư  (gồm có Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh tử và Trung Dung). Luận Ngữ được viết từ đời Tiền Hán tới đời Hậu Hán, và là một chủ đề học vấn chủ yếu trong thi triều đình Trung Hoa Khoa bảng (hay là "Khoa Cử"). Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời dưới dạng những “mẩu chuyện cách ngôn ngắn”, được biên soạn nhiều năm sau khi Khổng Tử qua đời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau.
(5) Hồ Ly: Trong truyền thuyết Trung Quốc, hồ ly tinh là tên gọi của cáo thành tinh.
Trong các loài vật, thì loài cáo là loài có thể nói là thông minh nhất sau con người.
Theo truyền thuyết, chúng có thể tu hành luyện đạo; tu một trăm năm thì 3 cái đuôi sẽ mọc ra và được gọi là "Yêu Hồ", tu luyện đến 1000 năm thì chuyển sang loài Lục vĩ ma hồ (Cáo ma 6 đuôi), và cứ như vậy; khi đến được cảnh giới là 9 đuôi (Cửu vĩ thiên hồ) thì thế gian đích thị vô thượng cảnh giới; không ai rõ đích xác phải bao năm mới đạt được đến cảnh giới. Mỗi chiếc đuôi là một mạng của chúng. Muốn giết chết một con Hồ ly thì phải chặt hết đuôi của chúng trước.
Tất cả các Hồ ly thường là cáo cái và không có khả năng thụ thai và sinh đẻ với mọi loại đàn ông. Các Hồ ly con sinh ra được là do Hồ ly mẹ đã uống thuốc tiên ngàn năm. Hồ ly rất sợ số 7 nhưng chúng lại rất ưa số 8. Hồ ly cái khi hóa thành người thường vô cùng xinh đẹp, thông minh, có sức quyến rũ kì lạ. Các Hồ ly cái thường sử dụng ưu điểm đó để hớp hồn đàn ông và sau đó sẽ tìm cách để hút máu của họ cho đến chết, thậm chí có khi còn ăn thịt họ nữa.
Hồ ly vốn là cáo nên chúng cũng có nhiều đặc tính giống cáo, đó là chúng rất thích ăn thịt gà. Tuy nhiên màu lông của Hồ ly thì khác hẳn so với cáo thường. Tuỳ theo số năm tu luyện mà chúng đổi màu theo đó. Tương truyền, lông của Cửu vĩ hồ thường có màu đỏ tươi như máu. Hồ ly thường sống trong các hang động lạnh vì chúng ưa lạnh. Mỗi khi ra khỏi hang động chúng đều thay đổi hình dạng. Chỉ khi chết chúng mới trở lại y nguyên hình dạng của một con cáo. Các lão Hồ ly (Hồ ly già, thường là đã sống được khoảng ngàn năm tuổi) có khả năng tiên đoán rất chính xác. Hồ ly cũng có tổ chức bầy đàn. Thủ lĩnh tối cao nhất của Hồ ly thường được gọi là "Hồ cung chủ". Chức vị đó được truyền từ đời này sang đời khác, thường là truyền cho đứa con mà "Hồ cung chủ" đó yêu thương nhất hoặc tài giỏi nhất.
Có tương truyền rằng Đắc Kỷ, mỹ nhân thời Trụ Vương là một "Hồ cung chủ" của Hồ ly thời đó.
Sài Gòn, tháng 8-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...