Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Cảm nghĩ khi đọc tập thơ Hồn điên của Mai Hoài Thu

Cảm nghĩ khi đọc tập thơ 
Hồn điên của Mai Hoài Thu
Bỗng nhiên hôm nay trong hộp thư của tôi có mail của Mai Hoài Thu. Từ lâu tôi mải mê thơ phú với các bạn trẻ nhất là các cô nữ thi sĩ, ca nhạc sĩ trên Facebook nên tạm thời quên bẵng đi mất Mai Hoài Thu.
Mở mail ra xem thì ra là một tập thơ khoảng 133 bài thơ, Thu bảo em sẽ cho in nhưng muốn anh viết lời cảm tưởng. Tưởng chuyện gì chứ thơ Mai Hoài Thu thì tôi đã quen biết từ khá lâu. Chính tôi đã cảm tác, chuyển thể hay hoạ lại gần như tất cả rồi.
Tại sao vậy? Vì đọc thơ Thu như tôi cảm thấy có duyên nợ thơ phú từ tiền kiếp hay sao ấy, chính bởi cái tâm hồn chân thành dàn dụa nước mắt rất si tình lãng mạng của Thu mà tôi không tìm thấy ở một nhà thơ nữ nào là người Việt Nam cổ kim cả.
Tập bản thảo này thấy vắng bóng hẳn thơ đường? kể cũng phải vì đây là: „Hồn Điên „.
Tại sao lại là: „ Hồn Điên „? Dễ chừng cô nàng tự nhận mình dở điên dở khùng chăng? Không phải như vậy trong thơ ca một một ý nghĩa khác, trường phái thơ điên này đã có từ thời tiền chiến mà các ông Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Đinh Hùng gọi là thơ loạn.
Xin các bạn hiểu cho họ chẳng phải phản loạn, phản động, hay điên khùng gì đâu mà trong trạng thái vô thức một khi lý trí không kiểm soát được thì hồn bật ra thơ như ở Phương Tây người ta gọi là trường phái  siêu thực.
Trước hết ta cần tìm hiểu qua sơ qua đôi về dòng thơ „Siêu Thực “
Trào lưu thơ ca xuất hiện vào khoảng sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Pháp do Brơtông (A. Breton) và Xupô (P. Soupault) đề xướng với sự tham dự của Aragông (L. Aragon) và Êlua (P. Éluard). Quan điểm và thi pháp của họ chống lại sự sùng bái các trào lưu văn học hiện thực và lãng mạn thế kỉ 19, đưa ra một phương pháp sáng tác mà họ gọi là „lối viết tự động“ (écriture automatique), tức là ghi lại những ảo giác tự phát theo „trạng thái của những người bị thôi miên“… nói tóm lại, là theo chủ quan của người nghệ sĩ thoát ly mọi liên hệ với thực tại xã hội, với hiện thực đời sống hàng ngày và những vấn đề tâm lý, đạo lý của xã hội.
Tất cả những hiện tượng xung quanh ta như hoàng hôn, mây, gió, nước, lưả, hoa cỏ, cây lá v. v… được người thi sĩ mộng mơ trong một trạng thái vô thức nưả vời vượt ra ngoài tầm kiểm soát cuả lý trí hiện sinh nhưng hợp với quy luật cuả tâm thức vô hình ta gọi là siêu thực.
Xuân Diệu viết:“ Bưã nay mặt trời đi ngủ sớm…“ Mặt trời mà cũng biết đi ngủ sớm, sao mà giống như một con người vậy. Siêu thực là ở chỗ ấy, lấy mặt trời để chỉ một người đàn ông, lấy mặt trăng để chỉ cô thiếu nữ, lấy bông hoa để chỉ khuân mặt thiếu nữ. Như Hoà Đàm lấy hoàng hôn làm hình ảnh cuả một người tình xa xăm…
Các cụ nhà ta xưa nay có lối tả chân, tả người rất cụ thể ví dụ như Nguyễn Du tả Từ Hải
„…Vai năm tấc rộng lưng mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào…“
Nhưng Cụ cũng hay dùng những hình ảnh siêu thực:
„…Dưới cầu nước chảy trong veo
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha….“
Trong thơ văn Việt Nam lối viết tượng trưng, siêu thực rất nhiều chứ bây giờ ta còn hỏi nhau siêu thực là gì? Còn tìm hiểu về văn học Pháp nữa?
Cũng có tài liệu giải thích siêu thực là sự định hướng đến một hiện thực cao hơn hiện thực tầm thường “siêu thực phản kháng lại sự trì trệ của xã hội” hoặc “Siêu thực – nỗi sợ hãi của con người xuất phát từ tiềm thức”. Nó “là khuynh hướng bắt nguồn từ Chủ nghĩa tượng trưng và Phân tâm học (Prơt) đặt phi lý tính lên trên lý tính. Theo chủ trương, khuynh hướng này nhằm giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội. Thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên không bị gò bó bởi lý trí, logich, luân lý, mỹ học, kinh tế, tôn giáo… Sáng tác của những thi sĩ siêu thực ghi chép lại tất cả những trạng thái, tâm lý luôn chuyển biến trong tiềm thức (dạng ký ức), không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai.
Thực ra trường phái siêu thực tổ tiên ta người Việt Nam cũng đã sáng tác rất nhiều trong các tác phẩm văn học như Bích Câu Kỳ Ngộ, Truyện Bà Âu Cơ đẻ ra cái bọc có trăm trứng nở ra trăm người con, hay ca dao truyền khẩu:
„Mai bạc lạnh quen nhiều tháng trước
Cúc vàng thơm đổi mấy phen hoa…“
Tập thơ này Mai Hoài Thu Viết khoảng 40 bài thể 8 chữ, 33 bài thể 7 chữ theo lối tứ tuyệt không có phép đối gọi là thơ mới, 32 bài lục bát. Số còn lại là thơ tự do và 5 chữ.
Bây giờ tôi sẽ cùng các bạn điểm lướt qua một vài bài.Vì tập thơ gọi là: „ Hồn Điên „ thì tôi điểm bài „ Tình Điên „ trước tiên.
Mai Hoài Thu viết bài „Tình Điên „ Bài thơ này được phổ thành nhạc và đang được người ta hát. Về âm nhạc thì xin miễn bàn, tôi chỉ muốn viết đôi điều về nội dung của bài thơ. Mai Hoài Thu viết bài thơ này vào năm 2008 ở lứa tuổi là một người thiếu phụ, sau khi trải qua nhiều thăng trầm chìm nổi đắng cay của cuộc đời.Tôi chưa hề gặp Mai Hoài Thu mà chỉ biết cô trên ảnh chụp là một người thiếu phụ còn trẻ có khuân mặt khả ái, đôi mắt huyền trong sáng dễ thương và phải nói là rất đáng yêu. Một người như vậy đáng lý ra thì nàng phải sống rất hạnh phúc mới phải, nhưng ông trời ăn ở bạc bẽo bất công cho số phận nghiệt ngã của một bậc nữ lưu hồng nhan, để cho nàng than thở về một mối tình điên…
Tình điên không có nghiã là mối tình cuả người điên. Ngày xưa Hàn Mạc Tử anh cũng gọi dòng thơ của anh viết lúc cuối đời là dòng thơ điên. Nhưng tôi đọc kỹ: thì chẳng thấy điên chút bào cả. Thơ cuả anh giàu trí tuệ và trí tưởng tượng, phải nói là siêu thăng vô cùng.
Bây giờ chúng ta hãy thả hồn mơ mộng cùng với cô Mai Hoài Thu để thưởng lãm cái thi vị
của thơ mà cô gọi là „Tình Điên“. Điên thật, điên giả hay là một cảm giác siêu thăng cuả những giác quan và trí tưởng tượng đến một cảnh giới giưã say và tỉnh khó mà phân biệt nổi: Ta đang ở chỗ nào đây trong cái thế giới cuả thực tại hay là ảo mộng?
Trăng khuya soải bóng bên thềm là khi ánh trăng với mới le lói chớm bờ thềm thì nàng đã thấy như có người nào đó nằm sóng soài ở đó là ảo ảnh của một cô gái hay là một chàng trai nào đó? Nếu là cô gái chắc hẳn là nàng Hằng Nga vì chán cảnh cô đơn gối lẻ ở nơi cung Quảng mà đích thân xuống hạ giới để tỉ tỉ, muội muội với Thu đây? Nếu cái bóng đó là một chàng trai thì đích thực phải là người tình năm nảo năm nao của Thu giờ quay trở lại với nàng và nằm đợi Thu ở cái chõng tre đầu hè, bờ môi  ủa nàng sẽ run run mềm mại và muốn ôm hôn chàng rồi…
„Trăng khuya soải bóng bên thềm
Ngỡ rằng bóng dáng…môi mềm run run…
Tìm đâu nỗi nhớ khôn cùng,
Gió khuya xao động muôn trùng cách xa…“
Thật là lãng mạng vô cùng trong cảnh gió khuya sao động muôn trùng cách xa… Cái bóng trăng huyền ảo chập chờn hư hư thực đó, tìm lại lối xưa trong một nỗi nhớ da diết khôn cùng và nàng cũng tự hỏi không  biết có phải chàng đã về đấy không hay là tỉ tỉ Hàng Nga ở trên cung Quảng xuống thăm muội đây?
Chúng ta hãy cùng theo tâm hồn nữ thi sĩ lần theo cái bóng trăng đó để tìm lại người mà mình yêu dấu năm nào…
Lần theo từng hạt sương xa
Chỉ còn ta lại mình ta với mình
Tương tư ôm ấp bóng hình
Đời vàng héo uá ngây tình mê say.“
Trong cảnh màn đêm tĩnh mịch chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ chỉ thấy một người con gái xõa tóc bước đi như mây như gió là lướt theo từng hạt sương, nếu người yếu bóng viá mà nhìn thấy cảnh này cũng đủ hết hồn rồi mà co rúm tứ túc lại. Nhưng đây là thơ, tâm hồn cô Thu đã có phút giây lià khỏi xác để đi tìm người yêu mà khi tỉnh lại nàng gọi là tình điên thật cũng chẳng ngoa chút nào? Chờ khi thần trí đã trở lại nàng biết rằng chỉ vì sầu nhớ quá mức mà thành tương tư ảo ảnh mà thôi. Và nàng tự than vãn cuộc đời mình cứ thu này qua thu khác lá vàng cứ thi nhau héo uá nhưng tình vẫn chưa hết ngây ngất mê say….
Quả là một người con gái yêu hết mình, cho đến khi chiều tàn xế bóng thật là cảm động lắm thay.
“Tháng ngày tóc bạc đâu hay
Rượu nồng chuốc lấy men cay phũ phàng…
Đêm nằm tỉnh giấc bàng hoàng
Đời như một cõi màu tang muộn phiền…“
Đọc đến đây chính chúng ta đã bàng hoàng tỉnh lại chính cô Thu đã dẫn chúng ta vào giấc mộng, lúc đầu ta cứ ngỡ là một đêm trăng sáng nào đó ở trạng thái nửa tỉnh nửa mơ mà cô Thu đã xuất thần ra thơ với cảnh trí huyền bí. Nhưng đên đây té ra chỉ là một giấc mơ mà nữ thi sĩ gọi là tình điên. Say mê trong giấc mộng tình đến mức tóc bạc đâu hay để rồi nàng cảm thấy đời như một cõi màu tang muộn phiền. Có thể chỉ là một chút thất vọng bi quan về tương lai mà thôi chứ ngoài đời Thu đâu có tóc bạc?
Tôi nhìn trong ảnh thấy cô vẫn còn trẻ trung lắm, tóc mun đen nhánh tin là tóc thật chứ không phải là tóc nhuộm. Thế mới biết nghệ thuật của thơ lục bát đa sầu, đa cảm vô cùng. Ai dám bảo thơ lục bát là ê a ề à như một số người lầm tưởng. Nếu như làm thơ không thả có hồn mình vào trong đó mà cứ theo đường lối nghệ thuật vị nhân sinh thì thơ lục bát đúng là những bài vè ê a ề à thật. Nhưng thơ lục bát viết về tình yêu về những cảm giác siêu thăng cuả linh hồn là những giá trị văn hoá tinh thần của người Việt Nam chúng ta, rất đáng được trân trọng và phát triển.
“Trách mình nghiệp chướng oan khiên!
Cớ sao ôm cuộc tình điên não nề?
Kiếp đời rong ruổi đê mê
Mịt mù mây phủ, bốn bề vây quanh.“
Đọc 4 câu này thì chúng ta  biết rõ nữ sĩ là một Phật tử nên nàng tin vào nghiệp chướng oan khiên. Thiết tưởng chúng ta cũng nên xem qua vài nét tổng quan về vũ trụ quan và nhân sinh quan cuả người Phật giáo. Câu hỏi đặt ra: Con người từ đâu tới? Sanh ra để làm gì? Sống đây rồi sau khi chết thì đi về đâu?
Một số tôn giáo cho rằng vũ trụ và con người do một “ tạo vật chủ“ dựng nên. Bà La Môn giáo nhận con người từ đấng Phạm Thiên sanh ra, khi chết lại trở về Phạm Thiên. Thiên Chuá giáo cũng đồng quan điểm với Bà La Môn giáo cho rằng con người do Đức Chuá Trời sanh ra và khi cuộc đời ở thế gian chấm hết lại trở về trời dự tiệc với Chuá và các thiên thần…
Đạo Phật không đặt sự sáng tạo con người vào một vị thần linh vạn năng nào, vì theo Phật vũ trụ vạn vật hữu diễn vô thỉ vô chung. Mọi sanh khởi đều ở trong định luật nhân duyên theo cái vòng tuần hoàn chìm nổi luân hồi: thành, trụ, hoại, diệt theo lịch trình của luật nhân quả. Nhân sanh ra quả, rồi quả lại làm nhân. Nhân duyên
của kiếp này là tiền định của kiếp trước. Cho nên cô Thu chỉ còn biết trách cho tiền định của kiếp trước mà thôi: “ Trách mình nghiệp chướng oan khiên, cớ sao ôm cuộc tình điên não nề?“ .Nàng tự biết rằng cứ vẩn vơ ôm mãi một mối tình vô vọng này thì đời nàng khổ lắm, những mối tình mới thì nàng không tin tưởng ai. Nên mới có cảnh: „Kiếp đời rong ruổi đê mê, mịt mù mây phủ bốn bề vây quanh“ Có thể còn biết bao nhiêu người đàn ông khác dở trò ong bướm tán tỉnh cô để lại dẫn cô vào vòng đê mê oan trái như những đám mây mù sương phủ cho một tương lai không chắc chắn, cho một cuộc tình cảm gá tạm, nhạt nhẽo vô vị trên đường đời…?
“Còn đâu tháng lạ ngày xanh
Tình điên cứ mãi hoành hành cõi tâm
Trải qua bao cuộc thăng trầm,
Tình điên mãi cứ… lặng thầm… tình điên!“
Người ta thường nói: tâm viên ý mã. Cái tâm của con người nó cứ lăng xăng như khỉ leo dây, suy nghĩ thì vùn vụt  nay chỗ này  rồi lại chỗ kia bốn ngưạ đuổi không kịp. Người có tí nho học thì bảo là: tứ mã nan truy . Cho nên các vị đại sư tu tập ngồi thiền để giữ cái tâm cuả mình lắng đọng, không bị  cái căn thức trần ai quấy nhiễu là vậy.
Cái gốc cuả khổ đau là ái dục. Diệt bỏ ái dục là diệt tận gốc của sự khổ đau.
Mai Hoài Thu không phải là ni cô, nên cái tâm cái mộng ái tình nó làm nàng khổ sở là như vậy đấy. Biết làm sao được cha mẹ đã sinh ra nàng là một con người đa cảm. Cũng may là nàng còn biết làm thơ để giải thoát cái tâm xao động của mình để trở về thế giới bình an và nàng đã thừa nhận đó là một mối tình điên? Mai Hoài Thu còn  theo học ngành tâm lý học nên cô hiểu rất rõ  phương pháp điều trị  bệnh nhân về  Psychotherapie và Physotherapeuten đâu ch ỉ thuần túy chỉ là một nữ thi sĩ? Thường ở đời ai dám nói ra cái nổi đau, nỗi khổ, nỗi buồn của mình cho người khác nghe là mình đã tự giải toả bế tắc và mình sẽ tự khoẻ mạnh lại rồi. Tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng chính là một sự đòi hỏi giải thoát tâm linh. Một dân tộc chỉ có những tâm hồn lành mạnh thật sự khi có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Cấm đoán tự do phát biểu chính kiến, quyền tìm luật sư bào chưã là thủ đoạn hủy diệt tâm hồn con người.
Anh đi rồi! Một tiếng kêu não nùng thảm thiết xé ruột xé gan. Kẻ ở người đi chia tay biền biệt…Thật buồn vô cùng, nàng vội chạy về để tiễn người mình yêu đi sang một thế giới hư vô mông lung đầy bí ẩn 
Nói về cái chết ai cũng sợ, nhưng thực ra chết có đáng sợ không? Ngày xưa Tử Cống đã có lần hỏi Thầy Khổng Tử:
“Người chết còn có biết gì không? hay không biết gì nưã cả thưa Thầy?
Khổng Tử nói: Ta mà nói hẳn rằng: Người chết có biết, thì ta sợ những con cháu hiếu thảo liều chết để theo cha mẹ ông bà. Ta mà nói hẳn rằng: Người chết không biết gì thì ta lại e ngại những đưá con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ ông bà nó mà không chôn. Nhà ngươi muốn biết: người chết biết hay không biết gì cả, chết là hết thì hãy thong thả, đợi đến lúc chết thì khắc biết. Sự biết ấy tưởng cũng không muộn gì cho lắm.?
Abert Einstein là một nhà khoa học người Do Thái, được coi là người thông minh nhất cuả thế kỷ 20 ông cũng không dám khẳng định chết là hết. Nhưng có thế giới bên kia không thì ông cũng không dám nói. Ông chỉ chứng nhận một điều theo quan điểm cuả riêng ông: Thuyết luân hồi quả báo của nhà Phật rất phù hợp với sự phát triển của khoa học hiện đại trong những thế kỷ tương lai.
“Em về đây, anh sớm vội ra đi,
Trời Đà Lạt muà thu buồn lạnh giá,
Hai hàng thông xanh oẳn mình nghiêng ngả
Gió lộng bên đồi. mây xám vây quanh…“
Tôi cũng  đã từng  tâm sự về muà thu cũng có những suy tưởng như Thu. Muà thu buồn của những cảnh chia ly. Với người còn sống đã buồn, với kẻ đã chết thì càng buồn thảm biết chừng nào?
Muà thu là mùa của mất mát chia ly. Nhìn cảnh muà thu, sao mà ngao ngán vô cùng, mỗi khi chạnh lòng nhớ đến một người con gái mà mình yêu thích. Bây giờ đã là cuối tháng 8 đầu tháng 9 tôi mới sực nhớ cũng có bài thơ mượn cảnh thu, để mà tả nỗi lòng mình. Nếu trong một sự tình cờ nào đó, nàng có lên mạng đọc bài thơ này cũng là may mắn cho tôi. Dù sao trong cõi trần gian này, nàng cũng có đôi mắt tinh đời và biết được tôi là một kẻ si tình đàng hoàng tử tế .Tuy chúng ta không thành vợ chồng nhưng tình nghĩa và tri thức thì để lại ngàn thu u sầu. Nếu thành vợ chồng thì có thể, anh lại không làm nổi cho em một bài thơ nào cả. Thôi nó cũng là cái giá của cõi đời vô thường em ạ . Đúng như một bậc đàn anh thi sĩ đã từng viết: “ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề „. Ông ta qủa là một người rất tâm lý và từng trải vô cùng. Nhớ đến em và cả hai chúng ta đều biết suy tư mà tôn trọng cho tình cảm trái tim của nhau. Anh luôn cầu chúc em hạnh phúc vui vẻ trẻ trung mãi mãi!
„…Mấy chục năm rồi thu laị thu
Trời còn ảm đạm đến bao giờ
Như ai nhớ cánh phong lan ấy
Thương cả muà thu lạnh bốn muà
Cứ tưởng lâu rồi thu lại quên
Cánh hoa yêu dấu của trần gian
Nào ngờ năm tháng còn lưu lại
Một chút hương lòng thu chẳng tan
Nếu bảo muà thu héo cánh hoa
Cho lòng thêm nặng nỗi tương tư
Thương ai khao khát người tri kỷ
Thêm một muà thu thêm khổ đau
Một bước xa đi một lỡ làng
Đường trần xanh thẳm áng mây trông
Thương ai lầm lũi trong mưa gió
Hận để ngàn thu một nỗi buồn…“
Lu Hà
Đúng là người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ? Khác với Lu Hà thì Mai Hoài Thu chạy về với chàng bên một nấm mộ còn chưa xanh màu cỏ, chỉ  để thắp một nén hương cho chàng, cầu độ cho linh hồn chàng được siêu thăng niết bàn, tắm nước cam lồ thơm ngát hương sen, hoặc sớm đầu thai trở lại làm người tử tế và đừng đi nhầm đường lạc lối  xuống chín tầng điạ ngục. Nỗi lòng của nàng: nghiã tử là nghĩa tận cũng làm rung động đến hàng thông phải oẳn mình nghiêng ngả. Có phải chăng vì gió lộng bên đồi mây xám vây quanh hay còn một lý do tâm linh điện từ trường của thế giới hữu hình đã ảnh hưởng cảnh quanh âm dương nơi vắng vẻ hoang vu…?
“Những con đường dài, quán cũ vắng tanh…
Đêm thánh lễ, tiếng dương cầm vọng lại
Vuốt mặt tìm anh, lòng đau tê tái…
Anh đi rồi, ai dạo khúc tình say?
Rất có thể nàng là một Phật tử thuần hành, còn chàng là một tín hữu Ki Tô giáo? Cho nên mới có cảnh không biết mộ chàng ở đâu? Nơi  nghĩa điạ cuả những người công giáo hay bị đảng ém nhẹm vào một só xỉnh nào đó trong khu rừng hoang? Chàng là ai vẫn còn là một dấu hỏi mà nữ thi sĩ Mai Hoài Thu vẫn chưa cho chúng ta biết. Phải chăng là một chiến binh cộng hoà năm xưa bị chết trận hay sau khi ra tù cải tạo chàng đã qua đời…? Đêm thánh lễ tiếng dương cầm vọng lại… Một sự hồi tưởng của ký ức trên con đường dài hun hút, quán vắng teo, người thưa thớt….phải chăng họ đã từng hưá hôn, hay kết hôn ở nhà thờ…?
“Giọt lệ buồn nhỏ xuống mắt môi cay
Em thơ thẩn lang thang chiều hoang vắng,
Ngày tháng cô đơn, tình sầu câm lặng
Bước một mình nghe nằng nặng đôi chân…“
Tình cảnh này có khác chi Hữu Loan chạy về thăm mộ cô Ninh người vợ mới cưới đâu?
Tôi, Lu Hà cũng đã chuyển thể thơ tự do cuả Hữu Loan sang thể song thất lục bát, xin được trích dẫn vài đoạn để chúng ta cùng tham khảo và chia sẻ cùng với nữ thi sĩ Mai Hoài Thu:
„.. Tôi xin phép về làng thăm mộ
Mẹ tôi ngồi lã chã thương đau
Chiếc bình hoa cưới ngày xưa
Muội tàn bám lạnh tối chiều âm u.
Thương mái tóc vẫn chưa tròn búi
Vội ra đi sầu tủi hoàng hôn
Ái ân chưa trọn trăng tuần
Để anh côi cút tấm thân phong trần.
Vẫn chưa thuả lời trăn ý trối
Dặn dò nhau lần cuối em ơi!
Ngày xưa đồi tím sương rơi!
Áo em cũng tím lòng tôi nghẹn ngào.
Tôi nhớ lại canh khuya vắng vẻ
Một mình em vá áo cho chồng
Miệt mài trọn cả đêm trường
Bát cơm miếng nước tình thương dạt dào….“
Một người đàn ông đêm hôm chạy về thăm mộ vợ và cảnh một một thiếu phụ thân gái dặm trường xa xôi cách trở từ phương xa trở về tìm mộ người yêu sao mà thương tâm giống nhau thế nhỉ?
Hữu Loan may mắn hơn còn biết mộ vợ ở đâu? Nhưng còn nàng? Em thơ thẩn lang thang chiều hoang vắng, không có ai đi cùng? Quả thật là một người phụ nữ can đảm vô cùng. Vì tình yêu thương đã xoá tan nổi sợ hãi mà nàng chỉ cảm thấy cô đơn mà thôi…Một mối tình sầu đã chôn vùi vào dĩ vãng, mà vẫn còn đè nặng lên đôi chân và tương lai của nàng…? Bước một mình nghe nặng nặng đôi chân, hay là từ một cảm giác mệt mỏi chán chường u uất và nhưng có bóng ai lẽo đẽo theo sau níu chân nàng lại….? Thật là âm u rùng rợn vô cùng nhưng nàng vẫn bước đi như có sức thôi miên cuả một ma lực từ trường nào đó…?
“Ôi, cuộc đời chẳng tìm thấy muà xuân
Cuộc tình gian truân, em xin chấp nhận,
Hạnh phúc là đâu, một đời tìm kiếm?
Ân tình mong manh nhạt nhoà bọt biển…“
Họ chia tay nhau mỗi người mỗi ngả, nhưng phải chăng cuộc đời nàng vẫn chưa tìm được người yêu lý tưởng nào như chàng, tình cảm ân ái như chàng…? Muà xuân hạnh phúc vẫn chưa đến với nàng, chỉ có có chút ân tình với ai đó rồi cũng tan đi như một đám bọt biển. Cái chút ân tình mà nàng gọi là mong manh là cuả chàng ngày xưa hay là cuả ai đây? Thơ hay phải bao hàm nhiều ý tứ thì thơ mới hay. Nếu nói toạc móng heo ra thì còn gì cái ý vị cuả thơ nưã…? Thơ là tâm trạng, cảm xúc cuả tác giả và là đưá con tinh thần khi sáng tác.  Nhưng khi tung ra ngoài đời, khi được đăng báo hay phổ thành nhạc thì nó là đưá con chung, mỗi người cảm nhận thơ với những cảm xúc tư duy khác nhau. Tôi viết bình luận cũng chỉ nêu ra những giả thiết để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, suy luận mà thưởng thức cái hay, cái ý vị cuả thơ Mai Hoài Thu.
“Yêu thật nhiều rồi chuốc lấy thương đau
Anh bây giờ, yên giấc dưới mồ sâu
Em ngồi nơi đây, ngàn thương trăm nhớ…
Đường tình đôi ta âm dương cách trở, “
Sau khi chia tay với chàng thì nàng yêu những ai? Và cuối cùng có thể chỉ chuốc lấy thương đau, chưa nói là những tổn thất sai lầm bất hạnh. Quanh đi quẩn lại vẫn không ai có  có được tình yêu như chàng dành cho em và nàng hối hận thì chàng đã vĩnh viễn an nghỉ dưới huyệt sâu? Đường tình đôi ta chỉ còn âm dương cách trở. Tâm trạng này chúng ta vẫn thường đọc thấy rất nhiều trong thơ Mai Hoài Thu kể về những đêm ảo mộng chiêm bao… Thật là buồn cho cuộc đời cuả một bậc nữ lưu hồng nhan bạc mệnh.
“Một thuở yêu người chẳng được gần nhau
Dòng nước lững lờ biết chảy về đâu?
Em khấn nguyện cùng anh bên mộ vắng
Đọc thơ tình uống rượu ngắm saó băng,
Yêu nhau mà chẳng được gần nhau? Ai ngăn cách chia ly họ? Phải chăng chàng phải đi tù cải tạo, chàng là một chiến binh của quân đội miền Nam cộng hoà? Hay vì một lý do riêng tư nào đó. Thật khổ cho nàng như dòng nước sông Hương lững lờ chẳng biết chảy về đâu? Tấm lòng thương yêu của nàng vượt hàng nghìn cây số chạy về tìm mộ chàng cũng vất vả có kém gì Hữu Loan đâu?
Chỉ để thắp cho chàng một nén hương thầm khấn nguyện cùng chàng bên mộ vắng. Nàng khấn nguyện những gì? thì ai mà biết được. Chắc chắn cũng có câu em chờ anh ở kiếp sau vậy?
Bài thơ kết thúc bằng hai câu, gần như là tuyệt mệnh.
„Hồn nghẹn ngào thổn thức với gió trăng
Mắt đẫm lệ khổ đau cùng năm tháng…“
Trên bình diện về thơ mà nói, theo tôi là hai câu kết hay nhất. Làm thơ nhiều người không chú ý lắm về câu kết nên đọc xong bài thơ không để lại trong lòng ta một cái dư âm gì cả. Ít ra thì câu kết luận cũng để lại một nỗi sầu hay nỗi buồn man mác như nghệ thuật làm thơ của cụ Tản Đà trong bài “ Thăm Mả Cũ Bên Đường“. Cụ dùng chữ“ trăng mờ soi“ là chữ hay nhất cho câu kết.
„Hãy uống đi những giọt sầu tê tái,
Uống tràn đầy no cứng buồng tim,“
Ở trên đời này, phải chăng người đàn bà được sinh ra chỉ để chịu nhiều đau khổ và thiệt thòi? Nhưng cái đau khổ thiệt thòi lớn nhất vẫn là tình yêu đầu đời. Nhưng thế nào là tình yêu đầu đời? Có phải là cái hôn run rẩy rụt rè cháy bỏng đầu tiên? Hay là khi  nàng đã mất đi cái tiết trinh cuả mình cho một người con trai nào đó?
Xin thưa không phải là như vậy. Cái quan niệm tình yêu đầu đời đâu có thể đơn giản là như vậy? Tình yêu đầu đời là mối tình thiêng liêng đầu tiên mà lần đầu trong đời mà người ta cảm thấy bồi hồi xao xuyến nhớ nhung, rung cảm, tuyệt vời thật. Người đàn ông đó đã xuất hiện trong đời nàng có thể là lần đầu tiên khi nàng có quan hệ ân ái với đàn ông và cũng có thể là mãi sau này nàng mới gặp được, khi trải qua biết bao đau thương giông tố phũ phàng và nàng đã gặp đúng ý trung nhân. Nếu người con gái ngây thơ khờ dại nào đó mà gặp phải anh chàng Sở Khanh lưu manh như kiểu Mã Giám Sinh lấy đi cái tiết trinh cuả nàng Kiều thì đâu phải là tình yêu đầu đời? Nếu như Kiều không gặp Kim Trọng thì Từ tướng công mới chính là tình yêu đầu đời cuả nàng.
Có phải chăng là ngay từ buổi ban đầu sau khi làm ra bầu trời và trái đất Chuá đã taọ dựng ra chàng Adam trước nàng Eva? Chúa chờ cho chàng Adam ngủ say, rồi mới rút đi một cái sương sườn để tạo ra nàng Eva mà để suốt đời người đàn cứ phải phụ thuộc vào người đàn ông? Trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng. Chính chuyên đây không phải là chuyên chính theo ngôn ngữ đấu tranh giai cấp. Chính chuyên là chỉ người con gái đoan trang tiết hạnh, biết yêu thương hết mình, đúng người và giữ trọn phẩm giá của mình.
Trời ơi khi nàng đã dành tất cả, hiến dâng trái tim yêu thương củamình cho chàng, nàng tin tưởng chàng và cuối cùng là nàng bị chính người đó phũ phàng phụ bạc thì đau xót biết chừng nào, đau khổ biết chừng nào? Hãy uống đi những giọt sầu tê tái. Uống không phải cho căng bọng, để đi tiểu liên tục mà uống tràn đầy no cứng buồng tim như thế mới đau, mới khổ kia chứ?
Buồng tim cháy bỏng yêu thương, tha thiết xưa kia không còn nữa và bây giờ nàng tự dày vò hủy hoại buồng tim cho nó tràn đầy no cứng đi. Trái tim mà đã bị tràn đầy xơ cứng là hiện tượng nhồi máu cơ tim rồi. Còn nghiã bóng nàng muốn ví von là tình yêu trong trái tim nàng đã chết. Nàng đi uống rượu để đưa ma cho tình yêu cuả nàng vào nghiã điạ . Hy vọng là sau trận rượu này nàng sẽ quên đi đau khổ và hồi sinh trở lại để đón chờ một muà xuân yêu thương khác lộng lẫy hơn, huy hoàng hơn…?
Còn đàn ông thì sao? Đời thằng đàn ông nó như cái nơm cá, nó úp con cá này không được thì nó úp con cá khác. Mà thằng  đàn ông nó càng mừng càng hãnh diện khi nó mất đi cái tiết trinh của nó cho một người đàn bà nào đó. Nó coi đó như là một sự từng trải, một chiến tích cuả người anh hùng trong thế giới đàn bà. Người quân tử đa tình thì thiên về những tình cảm ân ái tâm linh siêu đẳng được thêu dệt bằng mộng mơ hay văn thơ. Còn ngữ đàn ông lưu manh Sở Khanh mặt dày thì nó chẳng cần văn thơ hay tâm linh cái quái gì, nếu không chinh phục trái tim người đàn bà bằng tài năng văn học thì nó chinh phục bằng tiền. Gọi là ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Theo tôi tình yêu có đẳng cấp tâm linh thứ hạng hẳn hoi hay ta gọi một cách nôm na nồi nào úp vung ấy.
Cái vung tròn muốn úp cái nồi méo, nhưng chắc gì cái nồi méo nó chịu mà nó muốn cái vung cũng phải méo như nó thì nó mới ưng, mới yêu, mới chịu…
Cho nên những chàng công tử hào hoa văn thao võ lược cũng đừng buồn mà cưa cẩm mãi một cô gái xinh đẹp đến bã bọt mép ra nhưng không đổ. Chưa hẳn là chàng bất tài kém cỏi mà chỉ  vì chàng không gặp đúng đối tượng biết thưởng thức cái hay cái độc đáo khác người cuả chàng? Có thể chàng còn phiến diện khi con ma dục tính đã hớp đi lý trí minh bạch cuả chàng? Chàng chỉ nhìn vào cái diện mạo bên ngoài mà quên mất đi cái chất tâm hồn cuả người con gái đó có hợp với mình không? Tôi nghe nói, khối thằng đàn ông nó bảo: Ồ cô ca sĩ kia đẹp quá, là đệ nhất hoa khôi giá cho nó ngủ một đêm rồi có lăn ra chết tươi ngay nó cũng cam lòng…Thứ hạng đàn ông này thì tốt hơn đừng có bàn chuyện về tình yêu với nó. Loại này thì làm sao mà hiểu được tình yêu kia chứ!
„Ta vật vờ quấy động cả tâm linh,
Ly lệ đắng, nát tan lòng băng giá…“
Khi người ta thất tình hay gọi là mất mát tình yêu thì cả hai giới đàn ông và đàn bà thường tìm đến rượu để giải sầu. Như tôi cũng đã một lần thất tình, nhưng tôi lại không biết uống rựợu, tôi đau khổ chán nản vô cùng và tôi đi lang thang tiều tụy trên đường phố, không biết là đi đâu? Và cuối cùng tôi vô tình leo lên một toa tàu, suốt cả chặng đường dài có một người con gái trẻ cứ nhìn tôi tủm tỉm cười hoài…Linh cảm cho tôi biết là tôi đã gặp đúng người cùng đẳng cấp, cái vung của tôi đã úp trúng nồi rồi… Cô gái này hiền hậu, thông minh thánh thiện quá, tôi rất thích cô ta….
Người con gái đa tình đa cảm thì lại khác, trái tim của nàng non nớt mềm yếu hơn người đàn ông. Ta vật vờ khuấy động cả tâm linh, nàng đau đớn đến mức như một hồn ma vật vờ khuấy động cả tâm linh. Khi người ta chết đi thì hồn ma thoát ra khỏi thân xác: sống là thể phách thác là tinh anh. Thế hồn là cái gì mà thiêng liêng vậy? Cái đó còn phụ thuộc theo giải thích cuả từng tôn giáo nhưng thường là có ba hồn: sinh hồn, giác linh và tâm linh. Chúng ta thường nghe nói đàn ông có 7 viá còn người đàn bà có 9 viá. Hồn viá cuả người đàn bà nhiều hơn cũng vì lẽ đó mà khi mất mát về tình yêu thường đau khổ sở hơn người đàn ông chăng? „Ly lệ đắng, tan nát lòng băng giá“ Chao ôi ! Thật thương cảm vô cùng nàng đã khóc cho đến giọt nước mắt cuối cùng vào một cốc lệ tràn ly.  Thường người ta khi khóc, những giọt đầu còn mặn như muối và những giọt cuối cùng có vị đắng cuả gan mật. Những giọt nước mắt cay đắng đó làm cho lòng nàng tan nát cả khi đã thành băng giá. Một cục băng trong lòng người con gái, đố ai làm cho nó rưã ra? Phải chăng chính là những giọt nước mắt cay đắng đau đớn cuả nàng..?
„Hãy uống đi những giọt sầu tê tái…
Cung nguyệt lạnh, phím tơ chùng vọng lại,
Lảo đảo hôn mê khúc nhạc nhỏ lệ,
Một lần trăm năm bội ước lời thề…“
Thật kinh khủng vô cùng cho tâm trạng đớn đau cuả một người đàn bà. Nỗi ấm ức, giận hờn, tủi thân đến mức sầu tê tái, vầng trăng lạnh lại, dây đàn phải  rãn ra và chùng lai. Hồn nàng đã như thoát khỏi thân xác lảo đảo trong khúc nhạc tơ chùng… Nàng oán trách người tình bội bạc đã ước hẹn lời thề tóc bạc răng long, còn đâu nưã mà thệ hải minh sơn…
„Hãy uống đi chén rượu tình tê tái…
Những hệ luỵ, những tiếng đời thị phi,
Ta uống say cho quên hết xuân thì,
Giờ còn chi, khi cuộc tình chia ly…!?“
Và nàng cứ mềm môi uống mãi, uống cho cho tan nát bi thương. Còn gì nưã là những hậu quả để lại cho nàng và những lời bàn tán thị phi cuả thiên hạ cứ nhẫn tâm xiá vô, bình luận vớ vẩn đơm đặt thêm cho sự mất mát thiệt thòi cuả nàng…“Uống say cho hết xuân thì, giờ còn chi cuộc tình chia ly… !“ Sự tuyệt vọng đến mức nàng muốn tự tử ư? Có thể lắm nàng muốn phá đời. Nó đã tan nát rồi thì hãy cho nó tan nát luôn một thể…?
„Hãy uống đi cho lòng đầy thổn thức,
Thương một thời say đắm tình ơi,
Ta dại khờ cho mộng ước lên ngôi,
Trao niềm tin thắm nồng không nuối tiếc…“
Như vậy lòng nàng vẩn chưa chết hẳn, tình yêu cuả nàng vẫn còn thoi thóp thở. Nàng vẫn còn một chút hy vọng mỏng manh? “ Hãy uống đi cho lòng đầy thổn thức“. Tuởng rằng: lòng nàng đã rắn lại như một cục băng mà vẫn còn thổn thức ư? Nàng nuối tiếc cho một cuộc tình theo nàng là rất đẹp, rất say đắm vì nàng đã chót yêu…? Ngày xưa nàng cứ tưởng rằng mình là hoàng hậu  ngự trị trong ngai vàng tình yêu cuả chàng mà nàng đã trút hết tất cả đời con gái và tình yêu cho chàng…
„Hãy uống đi chén rượu tình dang dở…
Những dại khờ, những đam mê cuồng vọng,
Ngày ngày trôi qua…xót xa dừng lại!
Một thời cuồng si…đã lỡ… còn chi…!?“
Và cuối cùng sau một cơn đau khổ, vật vã đến tột cùng cuả thể xác và tâm linh nàng đã dần dần trở lại trạng thái bình thường.Đáng khen nàng là một cô gái rất thông minh, tình yêu say đắm mù quáng và thực tại phũ phàng đã thức tỉnh nàng. Một nỗi buồn man mát cho cuộc tình dang dở, dại khờ và những đam mê cuồng vọng cũng phải cho qua vào dĩ vãng. Ngày ngày sẽ trôi đi với bốn muà xuân hạ thu đông, một thời dại dột cuồng si vì căn số không may cuả mình đã lỡ rồi còn chi? Giá cũng với một tình yêu say đắm cuồng nhiệt như vậy mà nàng gặp một bậc tài trai cũng thông minh đa cảm lãng mạng như nàng nhỉ thì hay biết bao nhiêu?
Ta ru đời …Hay ta ru em?
Bài thơ này theo tôi là Mai Hoài Thu viết theo thể thơ mới, cách gieo vần có nguồn gốc từ thơ đường luật và thơ tứ tuyệt. Cứ một khổ là 4 câu chia làm 5 cung đoạn toàn bài là 20 câu tất cả. Thơ viết như vậy là đủ không dài lê thê và cũng không ngắn tiện cho việc phổ nhạc thành một bài hát trữ tình hay. Đặc điểm của lối viết này rất dễ khêu gợi tình cảm, cũng du dương trầm bổng chẳng kém gì thơ lục bát. Tất nhiên thể thơ này làm khó hơn thơ 8 chữ, 5 chữ và thơ tự do. Vì thơ tự do không giới hạn số chữ trong câu và luật lệ hà khắc của thơ.
Tôi đọc qua một lựợt và đặt bút viết luôn lời bình bắt đầu từ cái tiêu đề:“ Ta ru đời… hay ta ru em?“. Tác giả là một người nữ lại viết ta ru đời? Đời của ai, cuả chính tác giả, cuả một cô gái nào đó hay cuả một chàng trai? Theo tôi tác giả đã tự hoá thân thành đối tượng mà mình đã từng yêu để tự an ủi hát ru cho chính cuộc đời mình. Bây giờ chúng ta hãy từ từ thả tâm hồn mình để cùng hoà quyện với Mai Hoài Thu nhé.
„Ta ru đời… hay ta ru em…
Những tháng năm trăn trở muộn… phiền“. Thì đúng rồi Mai Hoài Thu, nàng đang thổn thức khóc cho số phận bạc bẽo cuả mình với những tháng năm trăn trở muộn phiền. Có thể đây là cảnh ngộ như biết bao tài năng, hồng nhan bạc mệnh khác mà ta thường nghe, thường đọc trong những trang thiên cổ hận tình ai oán ngàn thu… Nhưng cũng may cho cô nàng vẫn còn sống cho đến ngày nay, vẫn vui tuơi trong ý nhạc lời thơ vẫn trẻ trung xinh tươi để là một Mai Hoài Thu. Chỉ cần nghe đọc cái tên thôi người ta đã thấy lâng lâng cuả một hoài niệm xa xăm, cuả muà thu bảng lảng mây hồng, lá vàng bay, cuả những cánh hoa đào, hoa mai rơi lả tả trước muà gió đông rồi. Mai Hoài Thu cũng chẳng cần lấy bút danh bút hiệu làm gì? Phải chăng ý trời đã xui khiến cha mẹ đặt cho cái tên Mai Hoài Thu từ thuở mới sinh ra?
„Môi mặn đắng giọt lệ sầu tê lạnh,
Mùa Thu về lá rụng buồn thêm…?“.
Thật thương cảm vô cùng, nước mắt lã chã rơi mặn đắng và tê lạnh, tê lạnh toàn thân và cả trong trái tim cuả nàng. Không những thế, trời còn gọi muà Thu về để dội cơn buồn lên thân hình mảnh mai liễu yếu đào tơ cuả nàng. Từng chiếc lá rơi là từng nỗi buồn chồng chất dày thêm cho hết cả muà Thu và sang cả muà Đông, chắc chắn còn sầu khổ hơn nưã với cái giá lạnh căm căm, gió thổi, mưa rơi, tuyết rụng…
„Ta ru đời… hay ta ru ta…
Thả đam mê trói chặt một đời,
Cuốn thương đau theo giòng nghiệt ngã,
Vẫn âm thầm mưa nắng lẽ loi…“
Cái đam mê của tình ái đã trói chặt đời nàng và đã làm nàng mất tự do, mất thăng bằng và nàng vẫn chưa thể nào bình tĩnh lại, như ngồi trên một con thuyền bồng bềnh tròng trành giưã biển khơi bao la khổ tận. Cái ảo ảnh cuả quá khứ nghiệt ngã như con ma ám ảnh đời nàng. Bởi vì nàng quá chân thành, quá thánh thiện mà trở thành thiệt thòi để rồi phải sống trong cô đơn âm thầm theo bốn muà mưa nắng.
Cảm giác này tôi cũng đã viết trong 4 câu thơ cuả bài Giọt Thương Lệ Cuối Cùng:
„Xét laị cho cùng vẫn thấy vui
Khen cho cơn bão chốn mù khơi
Mừng ai có hưởng mùi say sóng
Mới biết rằng ta ở cõi đời…“
Lu Hà
Đời một người sống cũng nên nếm trải mùi vị cuả đau khổ, vấp ngã, cay đắng, ngậm ngùi, xót xa thì mới thực là một đời người. Nhưng cũng đừng vị thế mà chán nản, tự kết thúc chấm dứt hết tất cả bằng một liều thuốc ngủ. Hãy có gan chịu đựng đau khổ và ngẩng cao đầu lên mà sống. Hãy tự nhủ lòng mình: trong đau thương hãy đừng rơi nước mắt, trong đắng cay hãy giữ trọn nụ cười. Hãy đi học thêm, hãy tham gia mọi hoạt động văn hoá nghệ thuật, từ thiện để có ích cho đời…. Hãy vững gót để được sống làm người, hay tự hủy hoại thành thân tàn ma dại chỉ vì một chút tình yêu cũ kỹ đã mất đi rồi? Nếu một người sống cứ trơ trơ ra đó, vô cảm, tàn nhẫn không biết đau khổ dằn vặt là gì? Mà chỉ chỉ chăm chăm lấy quyền lực, tiền bạc, chém giết, cướp đoạt làm lẽ sống thì đâu phải là con người?. Sống như vậy có khác chi bầy dã thú và kết thúc bằng một tiếng trống đưa ma, chẳng ai biết đó là đâu? Sự đau khổ cuả người con gái được mô tả nó bằng thơ cho chúng ta đọc thật là trân quý biết bao nhiêu. Tâm linh, sinh khí cuả chúng ta chắc rằng sẽ cảm nhận được như một luồng từ trường điện phóng ra để chia sẻ an ủi với nàng và vực nàng dậy vui sống với chúng ta…Rồi đây một muà xuân tươi đẹp sẽ đến với nàng, như nàng đã gieo nhân lành thì gặt quả ngọt vậy…!
„Ta ru người… hồn ta cuồng quay…
Môi em thơm mộng ước bao ngày,“
Nàng đã tự thoát thai hoá thân thành người khác để tự thấy chính hồn mình nghiêng ngả cuồng cay. Nàng không quên được nụ hôn môi em thơm với bao mộng ước. Nói đến tình yêu người ta thường đề cập đến nụ hôn và trái tim. Nụ hôn thật là thần thánh, thiêng liêng vô cùng, nụ hôn cuả tình yêu chân thành khác hẳn với nụ hôn trí trá vờ vịt cuả người đời. Về cái hôn tôi không muốn bình luận nhiều chỉ xin phép được trích dẫn 2 đoạn thơ cuả chính tôi viết ra, để thấy được phần nào ý nghiã của nụ hôn khi người ta yêu nhau thật sự chân thành:
Cái Hôn
„Ra thế cái hôn quý thế ư?
Mà người quân tử vẫn sầu tư
Băn khoăn cho đến già đời nửa
Chỉ để nói rằng anh vẫn yêu
Yêu em mà laị chẳng hôn em
Mắc nợ cho nhau chỉ một lần
Em biết em thương mà phải chịu
Cõi trời lồng lộng gió quan san…“
Khổ thế đấy, mất đi một cái hôn mà cả nưả già đời vẫn còn băn khoăn trăn trở. Nhưng nếu có cái hôn đó thì cuộc đời tôi có thể sẽ không bao giờ ước mơ để trở thành thi sĩ. Căn mệnh mà trời đã xếp đặt là như vậy đấy. Ta hãy vui lên mà chấp nhận với thực tại vui với những gì mà mình đã có, trân trọng những kỷ niệm thuộc về dĩ vãng yêu thương.
„Đêm mật ngọt bao lần tình tự,
Ái ân nồng… mộng chín còn say…“
Tình yêu đã dâng lên tột đỉnh, ái ân đã dồn xuống tận cùng để người con gái vẫn còn lưu luyến nhớ tiếc thật là một cô gái đa cảm si tình vô cùng. Rồi bỗng dưng nàng trở nên hụt hẫng chơi vơi trong một khoảng không gian mênh mông vô tận, cuả con số không. Nàng tự biết phận mình không may mắn về tình ái có thể nàng còn hy vọng về tiền bạc để lấy lại sự cân bằng? Người ta thường nói: đen bạc đỏ tình và ngược lại cũng là đỏ bạc đen tình. Nếu cả tình và bạc đều đen cả thì nàng sẽ sống rất khổ sở. Bới cớ sao? Bởi vì bản tính cuả nàng sinh ra là chỉ để yêu thương, chân thành. Con người nàng là nhân hậu, thánh thiện và cái hệ lụy tiếp theo cũng khó mà tránh khỏi. Vậy chỉ còn cầu xin đức Chuá, trời Phật hãy thương nàng mà bảo vệ phù trợ cho nàng trong cõi đời gian lận bể khổ, trầm luân, tệ bạc, ác nghiệt, giả tạm này…
„Ta ru em một đời bão nổi,
Gió vỗ về ru ngủ một đời trăng,
Biển vẫn say…sóng cồn cào réo gọi…
Mây vẫn hờn … nước vẫn lang thang…“
Trải qua một cuộc giông bão khốc liệt cuả ái tình, thì tất nhiên sẽ biển lặng sóng sẽ êm và chỉ còn nghe luồng gió nhẹ vi vu thổi một đời trăng. Chúng ta cũng đã biết trên mặt trăng có nàng Hằng Nga một mình trong cung Quảng quanh năm cô đơn lạnh lẽo. Tuy bên ngoài vẫn có chú Cuội làm phục dịch gánh nước bổ củi cho nàng. Chú Cuội không phải là Thái Giám, nhưng từ hàng nghìn năm nay có truyền thuyết nào nói chú Cuội dan díu với Hằng Nga đâu? „Gió vỗ về ru ngủ một đời trăng…“ Trời ơi! Thì ra nàng ở vậy cho suốt cả cuộc đời và không thèm yêu ai nưã, nàng chán ngấy tình yêu lắm rồi và nàng đã mất lòng tin về con người…?
„Biển vẫn say… sóng cồn cào gọi…“ Thật đáng thương cho nàng, nàng vẫn còn say với biển như người ta thường nói: thuyền tình bể ái. Như vậy những cơn sóng tình vẫn trỗi dậy cồn cào gọi dậy trong lòng nàng, nhưng mây vẫn hờn với thăng trầm cuả quá khứ và nước vẫn chảy lang thang như đưa con thuyền tình không lái trên mặt biển mênh mông vô định, không phương hướng và chả biết neo đậu vào bến bờ nào đây…?
Ta ru mình…tình si còn ngoan,
Vẫn đắng cay…ôm ấp tình hờ…
Vẫn cô đơn… trăm nghìn nuối tiếc,
Một kiếp người chua xót với lệ khô….“
Nàng tự an ủi mình vì chút tình si thoi thóp gá tạm này chăng? Nàng không tin lắm mà phải cay đắng ôm ấp nó, vờ vĩnh tạm bợ qua ngày…Nàng biết đó chỉ là một mối tình hờ mà nàng đã vô tình lượm được, nhặt được trên con đường hành hương về cõi thiên đàng…Kết cục nàng luôn cảm thấy cô đơn và nghĩ rằng không ai hiểu nàng thương nàng thật sự như mối tình nàng đã hụt hẫng trong quá khứ và vẫn là một kiếp người chua xót với lệ khô…?
Tìm em?
Bài thơ Mai Hoài Thu viết theo thể thơ 5 chữ  trong một câu, chia làm 4 cung đoạn và được phổ thành nhạc. Đọc bài thơ này tôi thấy nó rất thánh thoát nhẹ nhàng như thơ đọc trong kinh thư vậy:
“Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu…“
Lời thơ nhẹ nhàng yểu điệu bay bướm như chính tâm hồn của cô. Thu đã xuất thần để an ủi một người đàn ông nào đó đã từng nhiều đêm lao tâm khổ trí nhớ đến cô…? Ta một đời rong ruổi nhưng em vẫn mãi như ở chốn hư không. Phải chăng em đã hết duyên trần, một lòng từ tâm theo Phật, tứ đại giai không, em tu tại gia cho đến suốt đời….? Mặc dù biết chàng muốn yêu em, muốn gần em nhưng em vẫn mãi mãi chỉ là cái bong bóng lửng lơ trước mắt mà thôi…Muốn tìm em thì cũng chỉ tìm em trong cõi hư không…?. Em đã chán cảnh trần ai, chàng còn say niềm trần tục. Nàng thương chàng nhưng biết làm sao được…? Hay phải chăng chàng có lòng thành nhưng sức hấp dẫn cuả chàng không đủ làm một cái nam châm mạnh của ái dục, aí tình…?
Chàng chỉ còn biết dằn vặt tự trách cho sự bất lực cuả mình, có lòng nhưng vẫn không chinh phục được trái tim cuả một cô gái?
„Ta một đời rong ruổi
Tìm em chốn hư không
Ta nước mắt lưng tròng
Tìm em trong thánh thiện….“
Cho nên theo tôi, tại sao trong thơ Mai Hoài Thu đã mô tả rất kỹ nỗi sầu khổ cuả ngưòi con trai nhưng chàng chỉ tìm thấy em trong chánh điện cuả sự ngưỡng vọng tôn thờ. Một tình yêu có tính biểu tuợng, tượng trưng như nữ thần Vệ Nữ mà thôi. Nếu như có một tiếng sét ái tình thì sao? Chắc ngai vàng, bệ thờ kiên cố cuả nữ thần Vệ Nữ sẽ sụp đổ và nàng sẽ ngã vào lòng chàng chứ không thể ba ba ruà ruà mãi cái lễ giáo Á Đông cuả Khổng Tử được: nam nữ thọ thọ bất thân. Lu Hà đã từng bình luận về cái gọi là tiếng xét ái tình:
„Con người ta sinh ra là một giống hiếu sinh đa cảm. Tất cả trẻ con khi lọt lòng mẹ cơ bản về tâm hồn ngây thơ giống nhau, nếu không mang theo một chứng bệnh bẩm sinh gì. Sự di truyền nòi giống huyết mạch là một điều đáng kể, nhưng tâm hồn trẻ thơ ví như tờ giấy trắng. Nếu ta cố ý nhuộm đen hoặc vẽ lên tâm hồn đó một con ác điểu thì lớn lên nó thành màu đen tăm tối, hoặc hung ác như loài ác điểu. Nếu ta tốn công gìn giữ nó, bảo vệ nó trong trắng hồn nhiên, đừng để nó sớm đau thương tổn thất gì và vẽ dần lên tâm hồn đó một con chim bồ câu trắng thì lớn lên nó sẽ trở thành hoà bình và lương hảo. Tình yêu cũng vậy, đưá trẻ sinh ra trong ôm ấp của vòng tay người mẹ, bẩm sinh đã mang sẵn một hạt giống di truyền và được thêm người mẹ chăm sóc như măng non, cây sẽ mau lớn khoẻ mạnh, xanh màu tươi tốt.  Tôi tin, tất cả mọi thiên tài sinh ra đều có một người mẹ trẻ, hoặc một ngươì chị tốt.. Nếu như  có một tiếng xét ái tình thì sao? Nghĩa là sự rung cảm cuả người nam và nữ đã cùng cộng hưởng một khi họ muốn phải có nhau dù chỉ là một lần ôm hôn nhau thôi cũng đủ, họ đến với nhau như một thứ ma lực của nam châm… Nếu không có nó thì cuộc đời này trở nên vô nghiã…“
“ Em về nơi chánh điện
Ta vẫn cứ hoài mong
Ôi! Cuộc tình giông bão
Làm vỡ tan mộng ước…“
Thật khổ cho chàng. Lòng nàng đã quyết giai không tứ đại rồi mà chàng vẫn cứ hoài mong khắc khoải đợi chờ, bao nhiêu trăn trở nhớ mong chỉ là dã tràng xe cát biển đông… Hay giưã họ có những chuyện sảy ra mà không thể nào hàn gắn được? Người con gái thương người con trai nhưng không thể nào yêu chàng được. Khi nàng hỏi: Em yêu anh vì cái gì? Khi nàng chưa tìm được câu trả lời mà chỉ tìm được một câu trả lời duy nhất: chả có cái quái gì cả, ngoài sự khao khát khổ sở cuả anh mà thôi, anh muốn gần em mà chẳng được…
“ Em – người tình thuở trước
Ta- đau khổ một đời
Uống hết cả tình em
Cho tim ta dịu vợi…“
Em đối với Ta. Em là người tình thuở trước. Là cái thuở nào vậy? Từ kiếp trước hay từ thời còn để chỏm, hay từ thuở học sinh khi mà trí tuệ, tình cảm, tính cách chưa hoàn thiện đấy đủ… Để rồi sau này gặp nhau chàng vẫn thương nhớ đến nàng nhưng nàng lại cảm thấy giưã hai người có một cái gì đó xa cách vời vợi, nàng không thấy có sinh khí rung cảm khi gần chàng…? Cho nên chàng chỉ còn biết mơ mộng tự thêu dệt tình yêu cuả chàng cho trái tim dịu vợi bớt đi. Nàng! một cô gái rất thông minh hiểu được tâm trạng cuả chàng nên mới viết ra được như vậy, bài thơ này đúng ra là một sự giãi bày và an uỉi cho tâm linh cuả chàng trai khốn khổ nào đó mà thôi…
„Ôi! Cuộc tình bến đợi
Ta mất cả linh hồn..
Ta một đời khốn đốn
Tìm em mắt lệ tuôn…“
Cái hay cuả bài thơ này là ở chỗ đó. Cô gái không hề có tình yêu với chàng trai. Nhưng nàng vẫn có tấm lòng nhân ái, thánh thiện tự viết bài thơ này để mô tả tâm trạng cuả người con trai,  của người đàn ông nào đó rất đúng sự thật mà ta thuờng gặp trong cõi đời này vậy. Một tình yêu đơn phuơng cũng đáng trân trọng, vì nó là trái tim cuả con người vậy!
Đêm… một tiếng thở dài não nuột buông ra từ miệng một cô gái còn rất trẻ. Đêm của nàng không phải là những đêm cuả vũ nhạc, dạ hội sập xình với những điệu nhảy cuồng loạn, điên dại, những khói thuốc cuồn cuộn, những bộ mặt xanh xao hốc hác thâm quầng của những chàng trai quá độ ăn chơi, hay những khuân mặt son phấn nhợt nhạt của những cô gái lỡ thì quá lưá…
Đêm cuả thác loạn xì ke, thuốc lắc, rượu mạnh để quên đời, phá đời… Những linh hồn tàn tạ đang dìu nhau về điạ ngục cuả trần gian, nơi mà không bao giờ có ánh sáng mặt trời . Đêm cuả nàng là một màn đêm của trần gian tĩnh mịch với những ảo giác chìêm bao cuả một tâm hồn thi sĩ.
„Ðêm, nghe tiếng thở dài,
Tiếng côn trùng rên rỉ,
Em nghe lời tình tự của gió đêm,
Hồn chìm sâu vào cõi mơ…“
Nàng mơ? Nàng mơ thấy những gì? Chúng ta hãy từ từ theo dõi hơi thở của nàng hoà quện cùng với lời tình tự cuả gió đêm cho suốt cả canh trường để tìm hiểu cái thế giới huyền ảo thần tiên hay ma quái mà nàng đã thêu dệt được bằng thơ….?
Chúng ta lắng nghe xem tiếng gió đã thì thào những gì với Mai Hoài Thu cho suốt cả canh khuya:
„Bờ môi khô cằn cỗi,
Trong lòng nỗi nhớ xót xa,
Bổng thèm hơi thở thiết tha.
Ðêm, giòng sông buồn lặng lẽ cuốn trôi,
Mây lững lờ, hờ hững,buông lơi,
Nghe trong tim nỗi đau vụn vỡ,
Bóng trăng khuya khuất nẻo xa mờ…“
Bờ môi khô cằn cỗi chỉ vì nỗi nhớ xót xa thì nỗi nhớ này nó da diết âm ỉ quá, trong một thời gian quá dài để đến cô nàng chịu sa sút về thần sắc. Người ta thường nói tâm làm chủ cuả thần linh. tâm suy thì thần nhược có thể thi sĩ như cảm thấy mình như đang đi trên một xa mạc cơn khát nước, khát tình khô cháy cổ họng nàng nhưng ảo ảnh phiá trước chỉ là một dòng sông buồn bã, mây trời ảm đạm lững lờ. Nàng càng dấn bước trên sa mạc cuả cô đơn thì chỉ còn nghe trong tim mình nỗi đau rạn vỡ cuả con tim. Bóng trăng khuya cứ chầm chậm trôi về một hướng khuất nẻo xa mờ…
Suốt cả canh trường chúng ta đang chiêm bao cùng với cô, đến một lúc nào nào chúng ta cũng sẽ bừng tỉnh và để cho lòng mình bình tâm yên tĩnh lại. Sự buồn bã thổn thức cũng có giới hạn sức chiụ đựng cuả một sinh sinh trần thế bé nhỏ.
„Rồi đêm sẽ không còn nữa,
Không còn nữa tiếng cười nhẹ trong đêm,
Không còn nữa những nụ hôn sâu thấm ướt môi mềm,
Ðêm phủ xuống một linh hồn quạnh quẽ.
Ðêm, em nằm nghe sỏi đá khóc thầm nhớ nhung,
Và đêm, nước mắt sẽ khô cạn dần…“
Cái đêm cuả Thu thật buồn bã vô cùng cho cả đến sỏi đá cũng phải mủi lòng mà tan ra thành nước mắt với cô, và khóc mãi cho đến khi cạn dần để cái cảm giác bờ môi khô, sa mạc là một sự thật cuả tâm linh và trí tưởng tượng.
„Dấu ân tình chỉ còn chút mỏng manh,
Phút mặn nồng ân ái cũng tan nhanh,
Em ngất lịm trong vòng tay hư ảo,
Bóng anh yêu khuất nẻo xa mờ.
Em gọi tên anh một trời nhung nhớ,
Vọng lại mình một nỗi bơ vơ….“
Bài thơ này viết theo lối nưả mới nửa tự do cô cũng chú ý đến cách gieo vần ở các chữ cuối cùng liền nhau hoặc cách nhau như các chữ: manh- nhanh, ảo- nhớ, mờ- vơ.
Thơ viết theo kiểu này dễ bày tỏ tâm trạng thực cuả mình, không bị miễn cưỡng nhiều về vần điệu luật lệ hà khắc cuả thơ, rất tiện cho các nhạc sĩ phổ nhạc vào thơ.
Bây giờ chúng ta bàn tiếp về nội dung của 6 câu kết, theo tôi là rất buồn trong suốt cả bài thơ và tác giả đã trở lại thực tại bình tĩnh lại trong cơn mơ mộng hoang tưởng cuả màn đêm và sa mạc âm u. Chút ân tình chỉ còn lại mong manh, phút mặn nồng ân ái cũng tan nhanh để rồi ngày mai dậy nàng lại phải vật vã vất vả trong cuộc sống mưu sinh bình thường, đồng lương, hoá đơn, giấy đòi nọ của ngân hàng v.v..
Bóng anh yêu đã khuất nẻo xa mờ, nàng lại cô đơn một mình trong dòng đời vội vã bươn bả…
Điệu hò:
Ơ….à…….
Sông Hương nước chảy về mô…
Núi Ngự…. núi Ngự ngàn năm đứng chờ đợi ai…….
À….ơ…….
Còn chi mô, còn chi mô, bao ngày tháng, bao ngày tháng…….
Xa vời…….
Mưa phùn mùa đông, nhớ Huế người ơi,
Một người xa quê sầu dâng lên môi,
Biết ai còn thương, ai còn ngóng đợi,
Một người lỡ bước ngậm ngùi nơi đây…
Nhớ Huế mùa trăng, mùa trăng Vỹ Dạ,
Bên ni xa cách, xa cách đôi bờ,
Tìm nơi mô, thùy dương rũ bóng,
Tìm nơi mô, giòng Hương Giang lững lờ…
Huế, Huế ơi ! Chiều ni mưa lạnh,
Lòng thèm nghe hai tiếng: „Mạ ơi!“
Ôi ! quê hương nghìn trùng cách biệt,
Còn chi mô, bao ngày tháng xa vời…
Nhớ Huế xưa, từng con phố nhỏ,
Cầu Trường Tiền, áo tím ngẩn ngơ,
Chút trầm hương Thiên Mụ bây chừ,
Chuông chùa xưa còn vang giữa hồn ni …
Ơi, Huế ơi ! người đi rơi lệ,
Cả hồn ni nhớ Huế tái tê,
Cả hồn ni mưa mù giăng kín,
Huế, Huế ơi ! mòn mỏi ngày về…
Mai Hoài Thu viết bài thơ này theo thể tự do lúc thì tám chữ, lúc thì 7 chữ trong một câu nhưng cô vẫn giữ lại cách gieo vần ở những chữ cuối cùng theo nguyên tắc bằng trắc có nguồn gốc từ thơ đường và thơ tứ tuyệt. Nên lời thơ khi hát lên thấy du dương trầm bổng theo điệu hò cuả các cô gái Huế. Về mặt âm nhạc tôi không muốn bàn nhiều mà chỉ xin phép bàn về nghệ thuật và nội dung cuả bài thơ.
Đây rõ ràng là tâm trạng cuả Mai Hoài Thu cũng như hàng triệu đồng bào ở hải ngoại nhớ thương về quê cha đất tổ. Mai Hoài Thu nhớ cố đô Huế cổ xưa, với biết bao kỷ niệm êm đềm của tuổi nữ sinh, không biết cô có  phải là nữ sinh trường Đồng Khánh hay không? Nhưng nghe hơi thở cuả thơ thấy rằng tình cảm cuả cô có rất nhiều ưu tư. ưu ái với sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền.
Thiết tưởng chúng ta cũng nên bàn về ý nghiã cuả hai chữ Tổ quốc và phải hiểu thế nào cho đúng? Nhiều người Việt Nam ngày nay hiểu  ý nghĩa  hai chữ Tổ quốc còn lờ mờ lắm. Họ đã dần dần quên đi khái niệm Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà do tổ tiên, cha ông bao đời để lại. Họ quên đi Tổ quốc là quê hương họ mạc gần gũi mến yêu thiết tha, là cội nguồn của nhớ nhung. Khi đưá con đi xa lâu ngày, thường muốn quay trở về. Hy vọng được đón nhận một sự đùm bọc, yêu thương, một sự động viên khích lệ và bảo vệ của quê hương. Tổ quốc cần phải được phục hồi lại khái niệm và giá trị nhân bản: Tổ quốc là mảnh đất nghìn năm mà ở đó một giống người như chúng ta ngày nay đã sinh sôi phát triển, cùng  chung tiếng nói, vóc dáng, thói quen truyền thống và  chung một nền văn hoá đặc thù Việt Nam riêng biệt mà chỉ người việt nam mới có. Văn hoá cuả ta không thể nào nhầm lẫn với Tàu, Thái Lan, hay Nhật Bản được.
.Huế! Chỉ một tiếng thôi đã gieo vào lòng người với biết bao sầu mộng, thương nhớ, xót xa. Màu tím Huế, bún bò Huế, Tôn nữ công tằng, sông Hương, núi Ngự, điệu hò mái đẩy … Sông Hương nước chảy về mô, để cho núi Ngự ngẩn ngơ sớm chiều.
Hãy nghe Lu Hà trong bài thơ“ Hoài Mộng Cố Đô“  viết về Huế. Mặc dù anh chưa bao giờ đến thăm kinh thành Huế:
„… Huế cuả ai ơi! Huế hẹn hò
Như tà áo trắng tuổi còn mơ
Bạch Đằng bến Ngự mùi hương khói
Màu áo xanh lam chí học trò
Không hiểu vì sao đã bấy lâu
Mà người thơ ấy vẫn thờ ơ
Mải mê kinh kệ hằng khuya sớm
Vui với gần xa chốn cưả chuà…
Đã bấy lâu nay ta vẫn mong
Đàn xưa réo rắt tiếng tơ đồng
Bá Nha gảy khúc người xa xứ
Như nước sông Hương dậy sóng lòng…“
Còn tâm trạng cuả  nữ thi sĩ Mai Hoài Thu sau bao nhiêu năm tháng xa cách Huế. Qua những vần thơ não ruột não gan chúng ta biết cô còn để lại Huế với biết bao nhiêu kỷ niệm đắng cay, giận hờn trách móc về Huế. Mưa phùn, mưa tầm tã, mưa rả rích đã được Nguyễn Bính mô tả trong thơ cuả anh. Muà đông mà mưa phùn thì lạnh lẽo buồn biết chừng nào để cho người xa quê nhớ lại mà sầu dâng lên môi. Nàng nhớ Huế và chẳng biết nưã sau một cuộc thăng trầm bể dâu dưới sự thống trị cuả cộng sản những người thân cuả nàng ai còn ai mất. Tâm tính người quen liệu đã đổi thay và có thể không còn được như ngày xưa nưã. Ai còn thương, ai còn nhớ đến nàng hay nàng còn thương còn nhớ đến ai? Có thể người yêu hay bạn bè chí thiết ngày xưa. Có ai mong đợi ngày nàng trở về Huế không…?  Một sự hoài nghi về tình cảm Huế đã bạc bẽo và nhiều đổi thay…?
Mưa phùn muà đông, nhớ Huế ơi,
Một người xa quê sầu dâng lên môi,
Biết ai còn thương ai còn ngóng đợi,
Một người lỡ bước ngậm ngùi nơi đây…
Một người lỡ bước ngậm ngùi nơi đây? Người đó là ai? Phải chăng chính cô đã có một cuộc tình dang dở…mà phải ngậm ngùi ra đi phiêu bạt ở nơi đất khách quê người?
“ Nhớ Huế muà trăng, muà trăng Vĩ Dạ
Bên ni xa cách, xa cách đôi bờ,
Tìm nơi mô, thùy dương rũ bóng,
Tìm nơi mô, giòng Hương Giang lững lờ…
Nhớ Huế không chỉ cỏ cây sông nước. Huế còn là quê hương cuả một thiên tài bất hạnh với bài thơ nổi tiếng: “Sao Anh Không Về Thăm Thôn Vĩ Dạ “ cuả Hàn Mạc Từ.  Họ Hàn giàu trí tưởng tượng và yêu trăng như Thái Lý Bạch ngày xưa, vì trăng mà nhảy xuống sông để ôm trăng, thật là thi sĩ đến thế là cùng.
Nhưng than ôi tình yêu Huế năm tháng cũng phôi phai. Phải chăng Huế đã mất dần vẻ đẹp duyên dáng thuở nào. Bây giờ làm sao mà tìm lại được dáng hình xưa, chẳng biết đi mô không còn hàng thùy dương rủ bóng êm đêm khi hoàng hôn xuống mà chỉ thấy thuỳ dương rũ bóng phờ phạc héo hon. Còn tìm ai nưã khi giòng Hương Giang nước chảy lững lờ…Tất cả đều ghẻ lạnh héo hon là lỗi tại ai? Phải chăng chính bàn tay hủy hoại tàn bạo cuả người cộng sản đã làm cho Huế buồn tẻ dở dang bạc màu lá uá….?
Cô lại bùi ngùi thảng thốt kêu lên hai tiếng mạ ơi! Ôi quê hương nghìn trùng cách biệt. Mẹ ơi! Má ơi! Mạ ơi! là đồng âm lơ lớ cuả ba miền Trung Nam Bắc. Công cha như núi thái sơn, nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Công lao cuả người cha nuôi con cao như nuí, nhưng núi cao vẫn còn đo được, cao như đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn vẫn có người trèo lên được, nhưng lòng mẹ thương con thì ngàn thu vĩnh cửu, mạch nước nguồn chảy mãi không ai có thể đong đếm được. Vậy khi người ta gặp sự nguy hiểm hay đau khổ tận cùng, nếu cần sự che trở, bao che ai cũng kêu lên hai tiếng Mẹ ơi! Là tiếng kêu chung cuả cả loài người yêu thương vậy?
“Nhớ Huế xưa, từng con phố nhỏ
Cầu Trường Tiền áo tím ngẩn ngơ “
Cố đô thành nội Huế, với những con phố nhỏ nhà cưả san sát là đặc trưng cuả nếp sống quây quần, có thể ngày xưa tập trung cuả các thành viên trong hoàng tộc. Cầu Trường Tiền áo tím ngẩn ngơ cuả các cô nữ sinh trường Đồng Khánh. Cũng là kỷ niệm thơ mộng đẹp nhất thời con gái cuả Mai Hoài Thu?
Đọc bốn câu kết thật buồn quá, thi sĩ không cho chúng ta được biết một tia hy vọng tương lai cuả cô đô Huế nói riêng và Tổ quốc quê hương toàn cõi Việt Nam nói chung. Lỗi tại ai đây đã phủ lên Huế một màu bi thương tang tóc…?
Ơi, Huế ơi! người đi rơi lệ
Cả hồn ni nhớ Huế tái tê
Cả hồn ni mưa mù giăng kín
Huế, Huế ! mòn mỏi ngày về…
Thật là một bài thơ buồn viết về quê hương xứ sở. Có thấm buồn thì mới nhớ thương, có nhớ thương thì mỗi người chúng ta có ý thức hơn nưã để chống lại bạo quyền cộng sản, bảo vệ quê hương yêu dấu cuả chúng ta. Nhớ Huế, nhớ Hà Nội, nhớ Sài Gòn là trái tim và nỗi niềm cuả những người con xa Tổ quốc
Tôi nghe bài „Thổn Thức“ thơ cuả nữ thi sĩ Mai Hoài Thu, được nhạc sĩ Khê Kinh Kha phổ thành nhạc, cô ca sĩ Bảo Yến hát bài này. Từ nhạc điệu du dương, sầu cảm cuả bài hát đã làm cho tôi xúc động và tôi xin phép nói lên những cảm nghĩ cuả mình về bài thơ này.
Khi viết bài thơ này Mai Hoài Thu khoảng chừng 26 tuổi, đêm nằm một mình ở nơi xứ lạnh đất khách quê người và nàng đã nhớ về Việt Nam, nhớ lại người mà nàng đã từng yêu dấu. Người đó còn ở cõi đời này hãy đã ra đi về cõi vĩnh hằng thì chúng ta cũng không thể nào biết được. Chỉ biết rằng nàng rất thổn thức, sầu khổ, nhớ thương. Một tình yêu trong ảo mộng não nùng.
“Xích lại gần em chút nưã anh
Để em khỏi sợ gió rung cành
Anh ơi! Em lạnh hồn tê lạnh,
Thổn thức lòng em lệ ướt nhanh…“
Thật là khổ cho Thu, đây không chỉ là thơ mà còn chính là cuộc đời thực cuả cô. Một định mệnh phũ phàng mà tôi cho là nhân duyên tiền kiếp để lại?
Người ta bảo: Cuộc đời là một phương trình vô định nhiều ẩn số. Nghiệm số chính mà ta hằng mong đợi thì lại không có được mà chỉ nhận được toàn nghiệm số ngoại lai.Tình yêu cũng vậy .Mấy khi ta được toại nguyện mong muốn, vì cả hai người cùng rất thích nhau, ăn ý với nhau cả tài lẫn sắc nhưng vì hoàn cảnh không thuận lợi mà phải chia ly. Tâm hồn trí tuệ dễ hoà cảm, trái tim dễ reo vang theo nhịp đập cộng hưởng cuả tần số cảm xúc mà cũng phải bất lực trước định mệnh phũ phàng. Người ta hỏi tình yêu có đẳng cấp không? Theo tôi tình yêu có đẳng cấp, nhưng quan niệm về đẳng cấp của tôi trong tình yêu khác với mọi người. Tôi không muốn nói về vị trí xã hội, vai vế giai cấp như kiểu phân loại theo tài sản, mà tôi muốn nói về sự di truyền tâm linh về những cảm giác siêu đẳng và hạ đẳng. Một người có bằng cấp cao, có vị trí xã hội cao cũng chưa hẳn thuộc về đẳng cấp cao của những cảm giác siêu linh tâm hồn..
Nàng công chuá Tiên Dung yêu chàng Chử Đồng Tử, một anh chàng nghèo khổ mồ côi cha mẹ và đen trùi trũi. Nhưng lại là một chàng trai khoẻ mạnh có sức hấp dẫn cuồn cuộn cuả ái dục và rất chân thành và Chử Đồng Tử rất tinh ý và rất thông minh. Nàng Hỗ Tam Nương yêu anh chàng Vương Ngụy Hổ lùn tịt kém mình nưả cái đầu nhưng chàng ta là một con người khôi hài, thích bông đuà, là con báo cuả rừng xanh. Tôn Phu Nhân em gái Tôn Quyền mới có 18 tuổi yêu ông Lưu Bị đã vào tuổi ngũ thập nhi tri thiên mệnh, một người có quý tướng nghe nói có cánh tay dài quá gối. Người bình thường thì nghĩ họ là những cặp uyên ương khập khễnh, nhưng đứng trên quan niệm của tài sắc tương đồng thì họ lại có cùng một đẳng cấp tâm linh rất cao, cái đó thuộc về sự huyền bí duy tâm. Kẻ phàm phu sẽ không bao giờ hiểu nổi…?
Taị sao có những quý phu nhân là vợ cuả những đại gia giàu có, vợ của những quan chức cao cũng sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm sự ôm ấp an ủi cuả người tình trong mộng mà mình đã một lần gặp trong đời?
Đàn ông thích đàn bà trẻ đẹp và hiểu được anh ta nghĩ gì và muốn gì? Nếu có vì sắc đẹp mà yêu nhau trước sau người đàn ông đó cũng sẽ chán và bỏ ra đi, vì hoa rồi cũng sẽ có lúc tàn, người rồi cũng có lúc già. Nếu nhưng đẳng cấp tâm linh cả hai không tương đương nhau. Cái đìều quan trọng phải có tình yêu thương và chiụ ơn nhau..Sòng phẳng ra thì họ cả hai đều phải thông minh cả và rất thích nhau tình cảm tự nguyện phải từ hai phiá. Cho nên theo tôi tình yêu có đẳng cấp, có thể do di truyền nòi giống hoặc tiền kiếp họ có duyên nợ với nhau. Nên bất kỳ gặp nhau ở đâu họ đã thích nhau ngay.Tình yêu thì có, nhưng định mệnh phũ phàng lại không cho họ sống bên nhau.Ta thường nói họ có duyên nhưng không có phận. Những loại người nhạy cảm như vậy thì duyên tình cuả họ phải tính từng sát na.Thời gian không chờ ai cả, chỉ chần chừ hoặc lưỡng lự giây lát sẽ mất đi cơ hội ngàn năm mà trời đã có nhã ý xếp đặt cho họ.
Để giải mã cho những nghiệm số của cuộc đời vô định, các thi sĩ đã làm thơ để tìm lại cho mình một nghiệm số chính cuả bài toán tình yêu.Tôi thường hay tâm sự với các bạn về hai dòng thơ tình tự do và dòng thơ tình trong cái cũi chó cuả người cộng sản. Cho nên đòi hỏi các bạn đọc phải có sự phân biệt đâu là những tâm hồn cuả những thi sĩ chính danh đúng với ý nghiã cuả chữ thi sĩ . Bản chất thơ là tiếng nói của trái tim, cửa sổ của t âm hồn .Thơ không cần không cần bằng cấp, điạ vị, tiền bạc.
Mai Hoài Thu là một nữ thi sĩ và nàng đã cho chúng ta biết cái cô đơn cuả người đàn bà đa cảm chịu ảnh hưởng cuả nền giáo dục Phương Đông nó khổ hạnh như thế nào dù chỉ là trong giấc mộng:“
Xích lại gần em chút nưã anh, dù chỉ là cái bóng mờ ảo vô hình cuả trí tưởng tượng nàng cũng cần có một sự bảo vệ , che chở cho nàng khỏi sợ những cơn gió lạnh làm lá rung cành.. Tâm hồn nàng tê lạnh mà thổn thức ra những gọt nước mắt chưá chan. Cái cảm giác này ta dể có thể cảm nhận được qua giọng hát nức nở cuả cô ca sĩ Bảo Yến.
“Anh hãy ôm em siết chặt em,
Ngất ngây…ôi, gió đã buông rèm,
Cho tim ấm lại, lòng khơi dậy,
Hãy uống tình say bớt nỗi thèm…“
Một cô gái 26 tuổi đời viết những dòng này sao mà thương tâm bi ai vậy? Nàng không lấy chồng, nàng cứ trằn trọc tương tư mãi với cái bóng cái hình, ở đời lại có người chung tình đa cảm một cách kỳ lạ như vậy ư?
Trong lĩnh vực thơ tình viết như vậy là rất thực với cuộc đời.
Thơ tình là một mảng đề tài mà người ta thích đọc nhất. Có người vì tình mà làm thơ, có người vì hư danh, vì thơ mà làm tình ngay giữa trái tim mình….Cả hai loại người này đều ham thích thơ cả. Vì động cơ khác nhau nên cách trình diễn biểu lộ cũng khác nhau. Cũng như có ngươì làm thơ để bày tỏ giải thoát tâm trạng tinh thần, những yêu thương, xót xa, ân hận, hoài vọng, cay đắng căm giận mà mình phải gánh chiụ. Ngược lại cũng có người mượn thơ mượn chữ nghiã để viết ra những vần rối rắm vô duyên tắc tỵ của tâm hồn mà cứ tưởng cao siêu huyền bí để loè bịp thiên hạ, hoặc mượn thơ để tô son trát phấn cho một tình yêu thú tính hoặc một lý tưởng yêu thương bệnh hoạn nào đó. Có người ôm bình hoa ngày cưới khóc nức nở bên nấm mồ người vợ trẻ sớm quá cố của mình. Có người ôm tấm ảnh của một tên độc tài khát máu và chảy ra những giọt nước mắt cá sấu để vờ vĩnh đẹp lòng thượng cấp…?
Tình yêu phải thật thà, thơ tình cũng phải thật thà. Không thể viết ra những đìều mà mình chưa hề cảm thấy trong trái tim mình. Một thi sĩ thời tiền chiến cuả dòng thơ mới đã viết: „ tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề“. Làm thơ tình người ta hay nhắc đến những mối tình dang dở nửa chừng. Hữu Loan nhớ vợ khóc vợ một mối tình dang dở, mỗi ngày khóc một tí , mỗi ngày thêm một đoạn thơ.Bài thơ theo thể thơ mới hoàn toàn tự do cuả Hữu Loan rất hay , vì cảm xúc cuả Hữu Loan đã chân thực đến tận của đau thương. Bài thơ này tôi nghĩ rằng Hữu Loan không thể viết luôn một mạch được, vì đau thương cảm xúc mô tả trong thơ không thể dồn dập trong một khoảnh khắc mà có được. Hữu Loan nhớ vợ, nửa đêm, gà gáy, trên thao trường, chặt cây, hành quân lúc nào cũng có thể nhớ được và viết dần ra từng đoạn. Hữu Loan chỉ có một người vợ, và cũng chỉ có một „Đồi Tím Hoa Sim“ tuyệt hay. Đó là cái cơ duyên cuả tâm hồn và văn học nghệ thuật. Đã là thơ tình chúng ta nên nghiên cứu nhiều về tài năng cuả Tản Đà, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử và Hồ Dzech…. Tôi rất cám ơn các bậc tiền bối đã làm thơ rất hay để tôi học tập.
Em đã lấy chồng, tôi cầu chúc em hạnh phúc. Nhớ thương em, bộ óc trái tim tôi xưa kia đã từng in dấu bóng hình em và nay tôi có thể mô tả lại những gì mà tôi đã nhớ nhung và nghĩ tốt về em, để lại những kỷ niệm đẹp thoáng qua trên quán trọ trần gian này, còn nỗi buồn thì vương vấn đến tận bây giờ mà thành bài thơ…“
„…Giấc mộng Vu Thần sương khói tan
Ngẩn ngơ lưu luyến thuở tìm xuân
Bao nhiêu thương nhớ còn chi nưã
Gió núi trăng ngàn sao nỡ quên….
Rằng có rằng không khó nói sao
Ngại ngùng ai bảo giấc chiêm bao
Xót xa năm tháng hoài hương sắc
Lỡ để cho nhau những tủi sầu
Khắc khoải tìm ai như Đỗ Quyên
Thương hồn Thục Đế khóc đòi xuân
Giá như sống lại thời xưa ấy
Ai sẽ yêu ai gấp vạn lần…?
Trong màn đêm tĩnh mịch, chỉ có một mình với cái bóng của ngọn đèn hay nhắm mắt chỉ thấy một màu đen thăm thẳm mênh mông cuả cõi hư vô, linh hồn nàng đang ở một góc nào đó trên giải Ngân Hà mà thầm thì với người yêu của mình:
“Anh hãy nói rằng, anh nhớ em,
Nhớ em như rượu nhớ hương men
Vòng tay ôm hết tình em ấm
Đừng bỏ em một mình trong bóng đêm…“
Nhớ em như rượu nhớ hương men, thì nỗi nhớ này không gì có thể so sánh bằng. Rượu ngon thì phải có men kích thích cái say, cái nồng, cái cay, cái ngọt cuả rượu. Bài thơ này mà ngày xưa các cụ đọc được thì không biết các các sẽ hành tội Mai Hoài Thu đến mức nào đây? Bởi vì từ hàng nghìn năm các cụ nhà ta vẫn sĩ diện ta đây con nhà gia giáo theo cái lễ giáo, phép tắc cuả thày Khổng Mạnh, đạo mạo quân tử chỉ  chăm lo việc dùi mài kinh sử lo; những chuyện tày trời, việc lớn như: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Ai làm thơ nói về chuyện ân ái nam nữ thì các cụ vội cho là dâm đãng, các cụ đã lên mặt mắng mỏ rồi. Nên hàng nghìn năm ta không có thơ tình. Họạ chăng hiếm hoi mới có người lớt phớt đụng đến lãnh vực cấm này như cụ Nguyễn Trãi, bà Hồ Xuân Hương, cụ Nguyễn Du… mà thôi.
“Anh hãy cùng em, phút đắm say,
Rồi mai, xa cách lệ chua cay
Và em về lại phương trời vắng
Tâm sự cùng ai giữa tháng ngày…“
Cái cảm xúc giác quan đã đến đỉnh điểm cuả lạc thú trần ai. Thật là có người tưởng tượng đến thế là cùng, tất cả sẽ dồn hết cho đêm nay để rồi ngày mai nàng lại trở về với cuộc sống đắt đỏ, vội vã, tất tưởng, lo toan ở nơi đất khách quê người. Chính thời đìểm làm ra bài thơ này nàng đã ở nơi đất khách quê người và giấc mộng thành thơ đã đưa nàng về quê hương bản quán để tình tự với ngưòi mà nàng yêu d ấu. Khi trở lại  nơi sứ sở, lạnh lẽo, phương xa thì nàng còn biết tâm sự cùng ai nưã. Cuộc đời nàng sẽ không thể tìm thấy một tình yêu nưã chăng? Phải chăng trái tim nàng đã chết rồi, chết trong đau khổ và yêu đương.
Tôi không nói chuyện với người
Lòng tôi băng giá một thời đã qua…
Trải qua một cuộc bể dâu
Mỗi người mỗi ngả sớm giang đầu nỉ non
Còn đâu là trái tim son…
Sau một hồi thổn thức vật vã nữ thi sĩ trẻ cuả chúng ta đã dần dần hồi tỉnh và nàng nói đến nơi nàng đang sống ở đâu. Nàng đã có ý thức về không gian, thời gian và than thở cho một mối tình vô vọng. Phải chăng là định mệnh từ kiếp trước cứ dai dẳng ám ảnh nàng:
“Đêm lạnh quê người em nhớ anh
Sương Thu lạnh lẽo suốt năm canh,
Anh ơi! Mưa khóc hay em khóc?
Mà chút hồn này lệ cuốn quanh…
Anh ơi! Năm tháng đầy hiu quạnh
Em đem thương nhó vào vô vọng
Chôn kín tình ta giưã muộn màng…
Chôn kín tình ta giưã muộn màng…“
„B ài Thơ T ình Dang Dở „ Mai Hoài Thu viết bài thơ này vào ngày 18.4.2003 tại San Jose, khi cô nàng tuổi đời còn rất trẻ. Chắc hẳn là nhớ một anh chàng nào đó còn ở Việt Nam hay chỉ là một một cảm xúc bất chợt, một quá khứ dĩ vãng xa xăm về một mối tình dang dở vì một hoàn cảnh nào đó nào mà phải chia ly và hai người vẫn còn nhớ đến nhau?
Đây là thể thơ tự do, cũng giống như Hữu Loan viết bài Màu Tím Hoa Sim tuyệt hay bằng thể thơ tự do. Theo tôi thơ tự do chỉ nên viết vào những hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt như bố chết, mẹ chết, vợ con chết hay những mối tình dở dang quá bi thảm thì viết thơ mới hay.
Còn bình thường ra làm thơ vẫn phải theo một nguyên tắc gieo vần, tôn trọng những quy phạm cuả luật bằng trắc thì mới gọi là thơ. Làm thơ tất nhiên phải khổ luyện chứ không thể dễ dãi được. Mai Hoài Thu cũng đã rất khổ luyện trong nghệ thuật thủ pháp làm thơ
đường nưã nhưng trong  không thấy có nhiều ở tập Hồn Điên này.
Như tôi đã nói Hữu Loan cả đời chỉ có bài Màu Tím Hoa Sim là cực hay, còn những bài khác chỉ đạt ở mức trung bình, ta có thể cho là không đến nỗi dở.Tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ như vậy? Hữu Loan có phải là một thiên tài làm thơ không? Theo tôi Hữu Loan không phải là một thiên tài. Nếu ai đó vì quá hâm mộ Hữu Loan với bài Màu Tím Hoa Sim thì đừng có giận tôi nhé. Nhưng Tản Đà, Hồ Dzech, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử thì tôi cho là thiên tài. Hữu Loan chỉ có một người thích làm thơ và có người vợ chết đuối trên sông, tình cảm quá thương tâm vì mới cưới nhau chưa đầy một tháng thì nàng đã vĩnh biệt cuộc đời khi búi tóc chưa đầy nắm tay, khi hai người anh ở chiến trường Đông Bắc nhận tin em gái chết trước tin em đi lấy chồng…. Với một hoàn cảnh bi thương, cực điểm như vậy đã ám ảnh Hữu Loan suốt cả một chặng đường hành quân và chàng cứ thui thủi khóc một mình mà viết ra từng đoạn, từng đoạn…. Chứng tỏ nước mắt và sự đau khổ đã đưa linh hồn Hữu Loan siêu thăng đến cực điểm và Hữu Loan may mắn lạc vào cảnh giới cuả thơ bằng thơ bằng thứ ngôn ngữ rất bình dân nhà quê; nhưng cũng đủ làm tan nát trái tim người đọc.
Thiên tài làm thơ thì không bao giờ viết như vậy, thường là xuất khẩu thành thơ, ứng biến lanh lợi nhanh như chảo chớp không chỉ thơ mà cả việc đời phản ứng cũng nhanh. Chứ ai đó đừng cho nhà thơ là lờ đờ, lúc nào cũng mơ mơ màng màng ở trên cung trăng đâu. Tất nhiên cũng có người luôn mơ màng nhưng không phải là nhà thơ.
“Em viết cho anh
bài thơ tình viễn xứ,
Chiều vào xuân
Em cứ ngỡ muà Đông.“
Đúng vậy cô nàng thi sĩ trẻ này ở San Jose thì là viễn xứ rồi. Chắc là mới định cư đây? Cuộc sống mới chỉ bắt đầu với hoàn cảnh mới, môi trường mới thì nàng đã nhớ chàng đến nẫu ruột, nẫu gan mất đi cả cảm giác về thời gian. Chiều vào xuân em cứ ngỡ muà Đông, muà xuân ấm áp cho thiên hạ nhưng lòng nàng lại lạnh lẽo băng giá vô cùng. Cũng có thể San Jose lúc này vẫn có tuyết rơi, mưa ngâu, gió muà …Dù sao chăng nưã thì nàng cũng vì nỗi nhớ mà mất đi cảm giác về không gian và thời gian. Không thèm xem lịch, nhìn đồng hồ… Tâm hồn nàng chao đảo xao động về một nỗi sầu mênh mang. Tất nhiên nàng không khóc nức nở như Hữu Loan, vì chàng vẫn còn sống, hay chàng ra đi về thế giới bên kia từ lâu rồi? Nên suốt cả bài thơ lúc thì là một nỗi buồn man mát không oán trách giận hờn, lúc thì sùi sụt, xót xa…
Tâm trạng cuả Mai Hoài Thu nhớ nhung quê hương và người tình ở Việt Nam tôi đã ghi nhận lại bằng bài thơ hoạ lại ( Nỗi Lòng Thiếu Phụ). Xin trích ra đây hai đoạn:
„…Nếu phải kiếp này chẳng được nhau
Nợ tình sương đọng lệ ngàn thu
Trăng treo đầu ngõ buồn không tỏ
Thiếu phụ năm canh khóc tủi sầu
Cũng bởi sinh ra chẳng gặp thời
Quê hương rời bỏ lệ từng rơi!
Tha hương đất khách tìm nơi chốn
Ngọn sóng bạc đầu dạt biển khơi….“
Và đây chúng ta hãy nghe tiếp lòng nàng còn thổn thức những gì?
“Cơn gió rít
Thổi vào tim lạnh buốt,
Giọt nắng hồng
Rớt nhẹ xuống hồn đau…“
Chắc thời tiết lúc này, như Thu đã nói là mới vào Xuân; nhưng muà Đông vẫn chưa chết hẳn, muà đông vẫn còn thoi thóp, giãy chết với những cơn gió rít thổi xoáy vào trái tim Thu. Nó đau và buốt lắm chứ như trăm ngàn mũi kim châm đâm vào trái tim run rẩy cuả nàng vào những năm tháng đầu ở nơi đất khách quê người. Không những thế lại còn những giọt nắng hồng hiếm hoi cuả cuối muà Đông đầu muà Xuân không được Thu ngưả mặt lên trời hân hoan đón nhận, mà nàng lại hững hờ để cho rớt nhẹ xuống linh hồn bơ vơ thơ thẩn cuả mình..
“Đêm xuân qua
trở giấc đón anh về
Ôm gối mộng tìm về nỗi nhớ.“
Trong giấc mộng nàng đã tìm gặp lại người thương, trở giấc đón anh về? Đọc đến đây ta bàng hoàng tự hỏi: Người yêu cuả nàng còn sống hay đã lià bỏ trần gian từ lâu rồi? Tại sao lại có một mối tình dang dở tuyệt vọng bi ai như vậy? Phải chăng chàng là một hồn ma chập chờn trong giấc ngủ cuả nàng…? Và cứ ngày qua tháng lại nàng chỉ còn chờ màn đêm buông phủ để tìm gặp lại chàng “ Bao giấc mơ, em vẫn trông chờ…“
“Uống mật ngọt
hương men tình say đắm
Chợt bàng hoàng
Tỉnh giấc với thương đau!“
Một tình yêu say đắm bằng trí tưởng tượng cuả hồn thơ đã đạt đến cảnh giới cuả sự siêu thăng. Khi tỉnh dậy thì hụt hẫng bàng hoàng ngơ ngác với thương đau.Tâm trạng sầu khổ bi ai này cuả Mai Hoài Thu cững được tôi ghi nhận bằng bài thơ tôi hoạ lại (Nụ Hoa Đầu Đời). Xin trích dẫn lại mấy đoạn:
…Buồn lạnh lẽo trời cao mây cuốn
Lững lờ trôi vương vấn bao la
Bỗng thèm hơi thở thiết tha
Sông hà lạnh ngắt ta bà khổ đau
Con tim nấc âu sầu thứ lữ
Rặng núi xưa khuất nẻo sương mờ…
Nhìn theo chỉ thấy mịt mù
Quê hương mưa gió thuận hoà bình an ?
Mộng hoang tưởng sóng yên biển lặng
Hận trùng dương cay đắng trời ơi !
Con thuyền vượt biển xa khơi…
Hồn về tìm lại một thời yêu thương
Thơm ngát mãi tình nồng say đắm
Mịn màng làn,da thắm anh yêu
Giật mình tỉnh mộng bơ vơ
Đầm đià gối lả bơ phờ xa xôi
Còn đâu nưã nụ cười thuở đó
Giưã đêm trăng rỏ lệ tình sầu
Nụ hôn đọng giọt sương thu
Lối mòn sỏi đá chân cầu nỉ non…“
Chúng ta hãy để tâm hồn mình nhập cảm cùng Thu vào giấc mộng tình trường để thấy tâm hồn Thu xao xác biết chừng nào?
“Tim rạn vỡ
nát tan từng mảnh vụn
Giọt lệ tình ướt nhuộm cả màn đêm.“
Đọc đến đây chúng ta tự hỏi: Tại sao nói về tình yêu, đau thương mất mát, tổn thất, buồn bực, căm giận …những trạng thái tình cảm thì loài người chúng ta cứ mang trái tim ra mà than vãn trách móc nhỉ ?
Trái tim làm nhiệm vụ cuả cái bơm cứ co bóp mãi để đẩy máu đi nuôi từng tế bào, sau một vòng tuần hoàn máu lại trở về tim. Người khoẻ mạnh hồn nhiên thì tim đập bình thường. Khi hai cơ thể đàn ông đàn bà ép sát lại gần nhau thì trái tim đập thình thịch với nỗi niềm rung cảm sung sướng ngây ngất. Khi đứng trước quân thù, hay căm giận ai hừng hực thì trái tim cũng đập mạnh nhưng không phải ngây ngất nưã mà tim đang sôi sục như cái nồi áp xuất muốn nổ tung muốn phát điên, phát khùng lên đây…Chức phận cuả tim quả thật thiêng liêng cao quý trân trọng vô cùng và ta đừng nên để nó sôi sục căm hờn mãi như kiểu căm thù giai cấp cuả người cộng sản chỉ có hại cho tim, cho tâm hồn và chỉ tổ giảm thọ mà thôi.Tim quả thực hơn hẳn cái dạ dầy chưá mùi vị khó chịu, hay gan mật toàn vị đắng. Có khi tim còn hơn cả bộ óc nếu toàn là những mưu mô xảo trá lường gạt mà thôi. Để xứng đáng với trái tim loài người chúng ta cần có một bộ óc hoàn hảo, biết yêu chiều và bảo vệ trái tim, biết làm thơ, viết văn, viết nhạc, hội hoạ hay những sáng tạo có ích cho đời như khoa học kỹ thuật chẳng hạn. chứ đừng có ba ba ruà mê hoặc mãi về một thứ chủ nghiã vớ vẩn ma quái ở tận đâu đâu…
Trái tim trân trọng như vậy, chỉ vì đau khổ nhớ nhung mà nàng cảm thấy như rạn vỡ nát tan từng mảnh vụn, giọt lệ thương cảm vì trái tim tan nát ướt nhuộm cả màn đêm thì thật thê thảm biết chừng nào…?
“Thân run rẩy
sức hao mòn chống chọi…
Em viết cho anh
bài thơ tình cách biệt
Chốn quê người
buồn vời vợi nhớ thương.“
Một cảm giác thân run rẩy, trong khi chỉ có một mình thôi chẳng có ai đe doạ về sự sống chết cuả mình cả. Rồi nưã là sức đã hao mòn chống chọi…Tấm thân bồ liễu cuả nàng phải chịu đựng quá mức căng thẳng, mất mát, Stress mà còn phải chống chọi với bao nhiêu thứ bà rằn để mà tồn tại. Chống chọi với đau thương, thời tiết và cả những với thế giới xung quanh nưã, ai là bạn ai là thù, ai thương mình, ai vô lý ghét bỏ mình…? Một cảm giác cô đơn chống trải bao la choáng ngợp tâm hồn nàng: Em viết cho anh bài thơ tình cách biệt, chốn quê người vời vợi nhớ thương. Bài thơ tình này gửi cho ai đọc đây? Cho người ở thế giới bên kia. ở cõi âm hay bài thơ này cho chính nàng và cho chúng ta đọc đây…?
“Em vẫn lang thang
chân bước độc hành
Mòn mỏi tìm anh
trông chờ ngày tháng…“
Đọc đến đây với một tâm hồn mẫn cảm thì ai mà chả rơi nước mắt? Nàng vẫn lang thang trong chốn bụi hồng trần mòn mỏi tìm chàng…? Nếu chàng ở thế giới bên kia thì bao giờ Thu mới tìm lại được chàng? Hay Thu hy vọng sẽ có một người giống chàng yêu thương Thu như một mối tình đầu? Thật là bi lụy vô cùng!
„Em kiệt sức
chân không còn đứng vững
Em mỏi mệt bơi
Bơi ngược dòng đời.“
Nàng đã kiệt sức ngụp lặn trong thuyền tình bể ái, trôi nổi trong cõi luân hồi và nàng muốn bơi ngược dòng đời, bơi ngược thời gian để về với cái thời trẻ trung tóc kết đuôi sam, búi chưa tròn bó. Tâm trạng này cuả Mai Hoài Thu cũng được tôi ghi nhận lại qua bài thơ hoạ lại ( Hồn Về ). Xin trích mấy câu để chúng ta cùng tham khảo nghien cứu về tâm lý con gái hay giới phu nữ nói chung:
„…Âm dương đôi ngả sương bay
Bờ môi khoé mắt những ngày xôn xao
Lang thang hồn ở chốn nao
Mang theo sầu tủi nghẹn ngào bóng tên
Não nùng gió gọi từng đêm
Lòng còn thổn thức ưu phiền quanh năm…“
“Em cố bơi
bơi theo dòng nước ngược
có lẽ nào
Anh lại buông xuôi?
Bài thơ đã mô tả rất rõ, biết rằng bợi ngược lại thời gian để sống với nhũng kỷ niệm dĩ vãng. Nhưng anh là người em yêu, em thương, em nhớ và anh cũng chẳng giúp gì được cho em. Bản thân anh lúc này có thể chỉ là một âm hồn yếu ớt không biết phiêu bạt ngả nào, có biết tìm về trần gian để mà đẫu thai không? Tôi nghĩ rất có thể Thu đã viết bài thơ này cho một người đã ra đi vĩnh viễn từ thế giới bên kia…? Nên nàng mới hỏi: có lẽ nào anh lại buông xuôi?
“Em viết cho anh
bài thơ tình dang dở
Nưả cuộc đời vương vấn xót xa…
Nửa đời sau
Muộn màng nhung nhớ,
Cả cuộc đời,
ôm nỗi nhớ thương…“
Bài thơ này đọc lên rất thương cảm, tôi không thấy sự giận hờn trách móc với người mình yêu, mà chỉ thấy Thu than vãn nhớ nhung, xót xa, sầu cảm mà thôi. Rất có thể viết cho một người tình đã khuất bóng tà dương…?.
23/3/2013
Lu Hà
Theo https://binhtholuanvan.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...