Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Cảnh rừng lạc lối hồn say

Cảnh rừng lạc lối hồn say
Cảnh Rừng …
Rừng thưa cảnh sắc đẹp ai ngờ
Cõng hạc bay về tuyết ngẩn ngơ
Dạo cảnh phù vân đầy khói lãng
Vườn liêu tựa áng đỉnh lam mờ
Bao mùa cỏ úa chờ sau bãi
Những buổi tàn thu đợi trước bờ
Mặc thủy hồ nghiêng tình ngõ ái
Trăng vằng vặc ý ngẫm đề thơ …
13.05.2016 Giang Hoa
Hồn Say…
họa thơ Giang Hoa: Cánh Rừng…
Nửa bước phôi pha mới chẳng ngờ
Gió mây nhạn trắng lẽ nào ngơ
Thiên thai thác nước hồn thu thảo
Đỉnh giáp đào nguyên mộng khói mờ
Lữ khách vin cành sương ngắm cảnh
Thuyền quyên vén váy lội qua bờ
Tần ngần chi nữa dòng lai láng
Réo rắt cung đàn vọng tiếng thơ…
13.5.2016 Lu Hà
Nữ sĩ Giang Hoa tức cảnh sinh tình làm bài thơ Cảnh Rừng… Thì đã có ngay Hà thi nhân họa liền thành bài Hồn Say….
Thi sĩ Tản Đà ngày xưa có bài Tống Biệt cũng tả cảnh thiên thai này. Tâm trạng như Giang Hoa và Lu Hà vậy.
„Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi“
Mấy nét chấm phá, Tản Đà đã vẽ nên cảnh thiên thai kỳ bí huyền ảo. Hay nhất là câu kết: Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi… Tuy cụ Tản Đà đã vĩnh biệt
chúng ta nửa già thế kỷ nay, nhưng linh hồn thi nhân vẫn vẩn vơ, vơ vẩn thơ thẩn cùng bóng trăng chơi….!
Giang Hoa:
„Rừng thưa cảnh sắc đẹp ai ngờ
Cõng hạc bay về tuyết ngẩn ngơ“
Lu Hà:
„Nửa bước phôi pha mới chẳng ngờ
Gió mây nhạn trắng lẽ nào ngơ“
Nửa bước phôi pha mới chẳng ngờ có khác chi Lưu Thần Nguyễn Triệu ngày xưa vào núi hái thuốc tiên chữa bệnh cứu người đi lạc đường vừa mệt vừa khát vách núi cheo leo vực thẳm khôn cùng trong lúc mơ màng thì cửa động mở…Chỉ nửa bước chân thôi hai chàng đã lạc vào một thế giới khác lạ với trần gian. Hai chàng đã gặp tiên lấy vợ tiên sống ở đó chừng nửa năm thì đòi về quê huơng cố quận. Khi trở về làng cũ thì cánh bạn bè cùng trang lứa đã chết hết cả rồi. Nửa năm ở với tiên bằng gần một thế kỷ của chúng ta. Hai chàng thành người xa lạ muốn quay trở lại cõi thiên thai thì cửa động đóng rồi …
Cụ Tản Đà tả cảnh hai chàng Lưu Nguyễn về quê rồi lại chán cảnh đời muốn trở lại với tiên thật là buồn thảm:
„…Xa chẳng mấy, đến bên đường cái
Về đến làng không một ai quen
Bấy đời con cháu lớn lên
Chỉ nghe cụ hái thuốc tiên không về
Buồn lúc ấy không quê không quán
Nỗi bơ vơ chán nản cõi đời
Thiên Thai trở lại tìm ai
Thôi thời cửa động đã cài then hoa “
Giang Hoa cũng say sưa trước phong cảnh núi rừng hùng vĩ non nước sơn thủy hữu tình như nàng công chúa bạch tuyết cưỡi hạc bay về vui vầy cùng đàn nhạn trắng, suối nước trong xanh cá lội lờ đờ …
Giang Hoa:
„Dạo cảnh phù vân đầy khói lãng
Vườn liêu tựa áng đỉnh lam mờ“
Lu Hà:
„Thiên thai thác nước hồn thu thảo
Đỉnh giáp đào nguyên mộng khói mờ “
Giang Hoa dùng chữ phù vân chỉ những áng mây mờ mờ ảo ảo có đấy rồi lại tan biến đi một cảnh tượng không bền vững như những làn khói lãng hay khói loãng trong không trung làm cho lòng người xao xuyến mơ màng trong một cảnh giới huyền với thác nước sủi bọt trắng xóa đưa ta nhập vào linh hồn của vạn kiếp phôi pha…. Vườn liêu có lẽ là ngôn ngữ người miền Nam gọi khu rừng nguyên thủy Bạc Liêu? Giống như trong thơ văn thi nhân hay gọi vườn thanh. Tại hạ nghĩ là vườn cây xanh dưới ánh trăng thanh chứ không hẳn phải là vườn cây ở tỉnh Thanh Hóa. Thiên thai thác nước hồn thu thảo trong cảnh vật này là một thiên thai vĩnh cửu khác với với cảnh tàn lụi đổi thay của kinh thành Thăng Long mà bà huyện Thanh Quan mô tả chỉ còn là một dấu ấn bụi mờ:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương“
Cũng là hồn thu thảo nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Thác nước thì không bao giờ thay đổi, một kinh thành có thể hưng phế tàn lụi thành những hình ảnh hoài niệm xót xa…
Thi sĩ Lu Hà đã mô tả hiện tượng hơi nước này bằng bài họa thơ lão sĩ quá cố Hà Thượng Nhân:
Mở Ngõ Phù Vân
hoạ thơ Cụ Hà Thượng Nhân
Cánh cưả phong trần khép cánh xuân
Hồn bay theo gió mộng thần tiên
Người đi kẻ ở sầu ly biệt
Qua ngõ phù vân lòng vẫn nguyên
Thiên thai bồng đảo nhé đừng quên
Người ở dương trần nấp bóng hiên
Rớm lệ nhớ thương tình cổ lụy
Cung Nga hỏi lại sổ duyên tiền
Quán trọ trần gian nỗi cảm phiền
Tình xưa ta hẹn chốn lâm tuyền
Phù vân cưả ngõ ai đành mở
Sương cỏ ngậm ngùi thôi Tú Uyên….
8.11.2009 Lu Hà
Đỉnh Giáp chỉ đỉnh núi Vu Sơn có thần nữ ở.Tích xưa, vua nước Sở đến chơi đền Cao Đường, mộng thấy người đàn bà đẹp tự xưng là thần nữ núi Vu Giáp xin đến hầu chăn gối.
Cụ Nguyễn Du đã viết trong Kiều:
„Bâng khuâng đỉnh giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng…“
Giang Hoa:
„Bao mùa cỏ úa chờ sau bãi
Những buổi tàn thu đợi trước bờ“
Lu Hà:
„Lữ khách vin cành sương ngắm cảnh
Thuyền quyên vén váy lội qua bờ“
Giang Hoa và Lu Hà đã dìu nhau dạo chơi phong cảnh sơn thủy hữu tình là thiên thai ổ chốn bồng liêu vườn liêu rồi trở về thực tại nơi hạ giới xưa nay chỉ có con người ở thiếu hẳn bóng tiên nên không tránh hỏi sinh trưởng hoại diệt của thiên nhiên, tự nhiên máy trời theo 4 mùa xuân hạ thu đông, mùa nào hoa qủa ấy, cảnh sắc cũng thay đổi thần bí cỏ úa thu tàn sau bãi trước bờ….Nhưng đẹp hơn cả vẫn lã tao nhân thi khách đứng vịn cành sương ngó cô thuyền quyên mán mường thổ nùng dao thái vén váy để lộ đôi chân trần trắng nõn nà lội qua con suối nhỏ có khác chi bến Trữ La nàng Tây Thi gặp chàng Phạm Lãi?
Còn nữa hãy xem cảnh giai nhân mặc khách tình tự ái ân dưới vầng trăng diễm lệ.
Giang Hoa:
Mặc thủy hồ nghiêng tình ngõ ái
Trăng vằng vặc ý ngẫm đề thơ …
Lu Hà:
Tần ngần chi nữa dòng lai láng
Réo rắt cung đàn vọng tiếng thơ…
Câu thơ trở nên kiêu sa thanh nhã khi Giang Hoa đảo chữ thủy mặc thành mặc thủy. Theo tiếng Tàu thủy tức là nước còn mặc là mực. Tô Đông Pha không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Tống mà ông còn giỏi viết thư pháp và vẽ tranh thủy mặc bằng mực đen trên nền lụa trắng hay giấy trắng.
Trong thơ có nhạc họa một bức tranh thủy mặc cung đàn réo rắt mà Lu Hà và Giang Hoa khéo bảo nhau người xướng kẻ tùy dưới ánh trăng vằng vặc thấm đậm hồn thơ nghiêng tình ngỏ ý ân ái dịu dàng ngọc nhả châu tuôn thật là lai láng.
14/5/2016
Lu Hà
Theo https://binhtholuanvan.wordpress.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...