Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Để thơ ca có một hình thức mang tính tất yếu

Để thơ ca có một hình thức mang tính tất yếu
1. Từ những năm cuối thế kỷ XX, bước sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thơ ca đang vặn mình tiến hành một cuộc lên đường mới. Cuộc lên đường này, có sự góp mặt cùng lúc ba thế hệ: thế hệ thời chống Mỹ, thế hệ hậu chiến, và thế hệ đương đại mà ta quen gọi: 8X trở đi.
Phải can đảm mà nói, sứ mệnh đổi mới thơ ca không còn thuộc về những người của hai thế hệ trước nữa - những người mà chính họ cũng đã từng góp phần đổi mới thơ ca trong những năm mà họ đang còn trẻ. Họ sẽ tiếp tục làm đầy đặn, phong phú hơn những gì mà họ đã đi, đã có. Đổi mới thơ ca dứt khoát phải thuộc về lớp trẻ, đương đại, hôm nay. Dĩ nhiên cần một mở ngoặc: không một cuộc cách tân nào lại được sinh ra từ mảnh đất trống không, mà thực chất họ đã được thâu nhận trực tiếp/ gián tiếp nguồn dưỡng chất từ những kinh nghiệm nghệ thuật của các thế hệ đi trước – điều mà một số người trẻ có khi vờ hoặc cố tình quên (cũng chỉ tại lỗi… “khi người ta trẻ” mà thôi!).
2. Vậy các cây bút trẻ hôm nay họ đã làm được những gì? Phải nói rằng để đánh giá về họ cho kặn kẽ, thấu đáo không phải là việc làm dễ dàng. Theo tôi nghĩ, có thể nhìn trên hai cấp độ: 1) những nỗ lực tìm kiếm, biểu đạt mới; và 2) những bài thơ hay, tiêu biểu minh chứng cho những nỗ lực cách tân  đó. Bởi như Hoài Thanh đã có lần phát biểu chí lý: “…đã dở thì không tiêu biểu gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay” (1). Điều đó có nghĩa là chỉ những cái hay mới nói lên được một điều gì đó. Bây giờ muốn khẳng định những thành tựu cách tân thơ ca của một phong trào hay một tác giả nào đó, nếu không chứng minh được bằng  những tác phẩm thành công cụ thể, thì sự khẳng định ấy chắc chắn thiếu sức thuyết phục.
Với cấp độ thứ nhất, tôi thấy rằng hiện nay các cây bút trẻ đang có những nhiệt tình đổi mới, có ý thức làm khác so với những gì trước đó đã có. Đó là một thái độ ứng xử nghệ thuật rất đáng trân trọng. Nhiều người đã nói đến những đổi mới về nguồn cảm xúc, dẫn đến cách cảm thụ, cách lý giải về thế giới đa dạng, phức tạp, và như vậy kéo theo sự thay đổi về hình thức thơ như kết cấu, ngôn từ, giọng điệu…Như chúng ta biết, mọi sự đổi mới nghệ thuật, suy cho cùng phải đưa ra được một hình thức mới. Đương nhiên, hình thức này phải là kết quả của một thứ nội dung bên trong có sức mạnh quyết định, thôi thúc, tựa như chú gà con thúc vỏ quả trứng vỡ vụn để chào đời, chứ không phải là thứ hình thức tự chế tùy ý rồi nhét nội dung vào. Nói theo cách nói của thi pháp học, đó là hình thức mang tính nội dung.
Nếu nhìn vào thơ trẻ hiện nay trên phương diện hình thức như vậy, có thể khái quát thành mấy loại dưới đây:
- Thứ nhất, xu hướng thơ vẫn nương theo hình thức thơ tự do truyền thống, và chủ trương làm mới ở nội dung. Các tác giả này không cố ý đưa ra một hình thức thơ hoàn toàn mới, hoàn toàn phá cách so với thể thơ tự do như đã từng có, mà vẫn giữ sự thoải mái phóng túng về số câu trong bài, số chữ trong câu, thủ tiêu vần, ham diễn giải, sử dụng nhiều liên từ, quan hệ từ (và, thì, là, mà, vì thế/ cho nên, tuy/ nhưng, nếu/ thì…), ý thơ sáng sủa, khúc chiết.
Ở xu hướng này cũng khá đa dạng trong cách tìm tòi biểu hiện. Có thể thấy mấy nhánh sau: (i) trung thành với dòng nhiệt lượng cảm xúc theo cách trút xả. Nếu như Hoài Thanh cho rằng, thơ chỉ có thể bắt đầu từ sự thành thực, thì đến một số cây bút trẻ hôm nay đi theo con đường trung thành tuyệt đối với cảm xúc, trút xả cảm xúc, để cho cảm xúc trào vọt ra đầu ngòi bút; có thể gọi đó là thơ của cảm xúc cực hạn. Tiêu biểu của nhánh này là Vi Thùy Linh. 
Cùng đường hướng với nhánh này còn có khá nhiều các cây bút khác. Thơ của họ tuy vẫn chủ yếu tựa vào cảm xúc, nhưng đã có chủ trương tiết chế cảm xúc, xen vào đó là những suy tư, chiêm nghiệm, tăng cường chất nghĩ hoặc chất ảo như Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Lê Thiếu Nhơn, Trần Lê Sơn Ý, Đinh Thị Như Thúy, Trang Thanh…Vi Thùy Linh của tập Đồng Tử mới đây cũng đã bắt đầu có chất chiêm nghiệm lắng lọc điềm tĩnh.
Một khi đã đi theo hướng này, do cảm xúc điều hành từ đầu đến cuối, nên  luôn tiềm tàng một nguy cơ: bài thơ rất dễ bị nhiều/ thừa lời, bộn chữ, thiếu cô đúc. Và như vậy thì sẽ khó có thể có nhiều chất gợi, mông lung, uẩn súc, “ý tại ngôn ngoại”. Khoảng trống của hư không như một đặc điểm mỹ học phương Đông, và cũng là một ưu thế của nghệ thuật phương Đông bị bỏ qua, không được chú ý, hoặc không được biết đến.
(ii) Thơ của “chất văn xuôi” thường ngày. Đây là cách định danh của nhà thơ Hoàng Hưng về trường hợp thơ Phan Thị Vàng Anh qua tập Gửi VB (2). Ở loại thơ này, các cây bút đã săn tìm, đọc ra trong muôn vàn những sinh hoạt hàng ngày với thế giới công việc và thế giới tiện nghi, đồ vật những ý nghĩa sâu sa của đời sống con người. Có thể tìm thấy ít nhiều hơi hướng này trong Căn phòng và bóng tối của Lê Mỹ Ý vừa ra mới đây. Đi theo hướng này, Phan Thị Vàng Anh đã có được những thành công nhất định. Do có một cách tiếp cận, cảm thụ thế giới độc đáo, nên như một tự nhiên, ngòi bút này tìm đến một hình thức thơ tự do, nhiều chỗ gần văn xuôi, theo cách truyền thống quen thuộc, nhưng lại không bị cũ. Không bị vướng víu bởi những cách thức làm mới bề mặt văn bản thơ, trong một số bài thành công của cây bút này đã đạt được phẩm chất tự nhiên, mà phẩm chất tự nhiên của thơ bao giờ cũng được coi là một giá trị không thể phủ nhận được.
- Thứ hai, một số cây bút chủ động tìm tòi cách tân hình thức văn bản thơ. Tạm chưa bàn đến chất lượng của những sự tìm tòi này, mà hãy thử xem  một số kiểu loại tìm tòi, thể nghiệm:
(i) Nhánh biểu đạt theo hình thức phân mảnh: trên một dòng thơ, các cụm từ, ngữ bị xé lẻ ra, đứng cách quãng bằng những khoảng cách dài ngắn khác nhau. Biểu hiện của cách tìm kiếm này là những Trần Tiến Dũng, Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Bacardi, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, một chút ở Nguyễn Vĩnh Tiến. Dĩ nhiên, mật độ sử dụng cách thức biểu đạt này không đều nhau giữa các tác giả và trong cùng một tác giả. Nhưng theo cách biểu đạt này, họ không phải là những người đầu tiên, mà là nhà thơ Dương Tường (xem một số bài thơ được ông viết từ những năm 80 thế kỷ XX trong Thơ Dương Tường- NXB Hải Phòng, 2005)
(ii) Hướng biểu đạt theo hình thức sắp đặt. Những ngòi bút đi theo hướng này kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ với nghệ thuật thị giác. Một số cây bút kết hợp tranh, ảnh nền, ảnh kèm, mầu nền trên diện tích bề mặt văn bản thơ; hoặc bố trí các bài thơ theo một định dạng hình học nào đó; hoặc phóng đại một số chữ, một số câu to hơn so với con chữ đại trà trên bề mặt văn bản thơ. Có thể kể ra một số cây bút thể nghiệm theo hướng này như: Nguyễn Thúy Hằng, Lê Ngân Hằng, một ít trong Ly Hoàng Ly. Hoặc một cách khác, khá độc chiêu, là trường hợp Từ Huy với tập Chữ cái, ở đó mỗi bài thơ được bố trí thành hình một chữ cái theo mẫu tự Latin. 
Cũng lại phải nói điều này, hầu hết những cách thức đó (trừ định dạng chữ cái), nhà thơ Dương Tường cũng đóng vài trò “đầu têu”: phóng đại chữ, định dạng hình học, mô hình công thức khoa học tự nhiên… trên bề mặt văn bản thơ. Thế mới biết, quyền uy của nhà thơ này, nghĩa là khả năng “áp đặt”, tạo ảnh hưởng lên thế hệ trẻ thật rõ rệt mà không phải ai cũng làm được.
3. Cách tân thơ là…một nghề gay lắm! Bao nhiêu nhà thơ của chúng ta đã làm thơ và cách tân trong những năm nửa cuối thế kỷ XX, nào những “thơ dòng chữ” của Trần Dần, thơ “bóng chữ” của Lê Đạt,  thơ “âm bồi” của Dương Tường, “thơ vụt hiện” của Hoàng Hưng, và một số nỗ lực theo hướng thơ “dòng ý thức” của Đặng Đình Hưng. Phải thừa nhận rằng, trong số các tìm tòi của họ tuy cũng đã có một số bài thơ hay, nhưng số lượng bài được gọi là hay thực sự quả không nhiều. Nếu lấy tiêu chuẩn lạ và hay để nhìn vào thì thấy có tình trạng cái lạ lấn át cái hay.
Ngày hôm nay, các cây bút thơ trẻ mang lòng nhiệt tình đổi mới thơ ca là một thái độ tích cực và đáng trân trọng. Họ đang ở những bước đi đầu tiên, có tính thể nghiệm, tiến hành làm khác trước và làm mới. Tuy nhiên, họ chưa có được những bài thơ hay như là thế hệ mà họ noi theo kể trên đã đạt được. Chỉ một Chợt thu 2 (3)của Dương Tường, hoặc một Ngày về của Hoàng Hưng thì bao nhiêu khổ não thậm chí điêu đứng cho đổi mới thơ ca tưởng cũng đã được đền bù.
Trong cách tân nghệ thuật, lập thuyết vốn đã cực khó, song chỉ dừng lại lập thuyết không thôi sẽ ít có ý nghĩa. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được minh chứng bằng các tác phẩm thành công. 
Đối với thơ trẻ hôm nay, có khá nhiều vấn đề cần trao đổi, nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào vấn đề: những hình thức biểu đạt trên kia đã đạt được tính tất yếu so với nội dung (ý tưởng, ý nghĩa) của bài thơ chưa? Tại sao lại đặt vấn đề này? Các lý thuyết gia về mỹ học và văn học có uy tín từ xưa tới nay, không ai không thừa nhận rằng, một bài thơ hay phải là một chỉnh thể nghệ thuật sống động có sự thống nhất máu thịt giữa nội dung và hình thức. Điều này đã được nói quá nhiều đến nỗi mỗi khi nhắc đến rất dễ bị cho là cũ kỹ, nhưng không phải ai cũng ý thức được về nó. Bởi nội dung và hình thức của một tác phẩm nghệ thuật cụ thể bao giờ cũng  chỉ thuộc về nhau và là duy nhất, nghĩa là hình thức ấy là hình thức của nội dung ấy và chỉ của nội dung ấy mà thôi, chứ không thể đem hình thức của bài thơ này để chứa đựng nội dung của bài thơ khác, và ngược lại. Xuất phát từ nguyên lý đó, nhìn vào các tìm kiếm hình thức thơ ca ở từng tác phẩm cụ thể, phải luôn đối diện với một câu hỏi: hình thức này đã phải là hình thức mang tính tất yếu, nghĩa là hình thức của nội dung ấy và là duy nhất hay chưa? Trên một tinh thần như vậy, thấy gì khi nhìn vào một số cách tìm tòi hình thức của thơ trẻ hôm nay?
Trước nhất bàn về hướng biểu đạt phân mảnh. Phân mảnh (fragment) là một thuật ngữ của lý thuyết hậu hiện đại khi thì nhằm để chỉ cách cảm thụ về thế giới trong tính rời rạc, vỡ vụn, thiếu tính liên kết, phi trung tâm; khi thì chỉ cách biểu đạt trên bề mặt văn bản ngôn từ những mảnh đoạn văn bản cũng rời rạc, vỡ vụn, dài ngắn, to nhỏ không đều nhau, không theo quy luật định trước bắt buộc nào. Như trên kia đã nói, một số các cây bút đã thể nghiệm cách biểu đạt phân mảnh, trong một số bài thơ mà tôi khảo sát ở Dự báo phi thời tiết, và ở một số bài thơ lẻ của Trần Tiến Dũng, Nguyễn Vĩnh Tiến, một số không nhiều các bài thơ của Dương Tường, chưa thấy có bài nào thành công. Lý do chưa thành công có lẽ chủ yếu nằm ở chỗ: đó là một loại thơ không chủ nhịp, phi nhịp điệu; các đơn vị âm thanh nhỏ nhất (tương đương với âm tiết) không được tổ chức lại để tạo nhịp điệu, các đơn vị từ hoặc cụm từ (ngữ) bị cắt vụn, không nương theo nhịp (ấy là chưa kể đến một vấn đề phức tạp hơn và cũng rất đáng bàn là mối quan hệ tương hợp và tương tác giữa ngữ âm và ngữ nghĩa của thơ). Mà theo tôi, thơ phi nhịp điệu sẽ khó có thể gọi là thơ. Nó gần với cách chơi, cách nghịch ngợm chữ nghĩa hơn là tìm tòi nghiêm túc. Đại đa số các bài thơ này, nếu làm một động tác xô các cụm chữ lại cho liền nhau như cách thông thường, thì những ý niệm mà câu thơ gợi lên lại hiện ra rõ hơn, khả dĩ hơn. Vả lại, với cách tổ chức bề mặt câu thơ, bài thơ theo cách này, người đọc bị vướng víu về mặt thị giác, nên khó cảm thụ. Trước khi đến được câu kết cuối cùng thì niềm hứng thú đọc (nếu có ít nhiều) cũng đã bị tiêu tan hết. Vậy rất khó có thể nói rằng hình thức biểu đạt này đã phải là tất yếu. Đến đây, có thể ai đó phản biện rằng, thơ tôi không nhằm “biểu nghĩa”, mà là “năng nghĩa” (chữ dùng của Dương Tường) thì sao? Vấn đề đặt ra là anh liệu có đủ tài để cấp cho các chữ (con âm) ấy một năng lượng, một sự sốngđể có khả năng năng nghĩa hay không? Tôi chưa nhìn ra phẩm chất này. Hãy cứ thành thật với câu hỏi này thử xem.
Về hướng biểu đạt văn bản thơ theo hình thức sắp đặt. Cách tìm tòi này đã có đôi ba trường hợp khả dĩ. Một ví dụ từ Dương Tường. Trong bài Tâm thức(4) với một chú dẫn rất dài dưới nhan đề, để trong ngoặc đơn (viết sau trận bom B.52 mở đầu đợt tập kích chiến lược vào Hà Nội mùa Giáng sinh 1972) là hai câu thơ, mỗi câu gồm hai chữ được bố trí như sau:
trong im
im trong
Với bài thơ này, việc phóng đại chữ cái o như trên, có thể gợi cho chúng ta nghĩ đến hình thù những vòng khói bom, những vòng tang, những quả bom, những cái đầu, những tiếng kêu, những cái miệng, những khoảng trống rợn ngợp…Đây là cách sắp đặt có khả năng gợi nghĩa. Nếu giả dụ đem thu nhỏ chữ o lại như bình thường thì những khả năng nghĩa như trên sẽ bị thu hẹp lại hoặc bị triệt tiêu. Và như vậy, có thể gọi đó là một minh chứng cho cái gọi là hình thức có tính tất yếu, nghĩa là nó duy nhất tương hợp với các khả năng nghĩa mà nó gợi ra. 
Cách phóng to chữ cái (trong âm tiết) của Dương Tường ngày nào, hôm nay được một số cây bút tiến hành phóng to luôn cả một câu thơ, một dòng thơ nào đó trong bài, nhằm cái ý nhấn mạnh, gây chú ý, gây ấn tượng thị giác và ấn tượng nghĩa cho người đọc. Lê Ngân Hằng trong tập Orient- trên những vòm cây (NXB Hội nhà văn, 2006) phối hợp với họa sĩ Lê Thiết Cương trình bày các bài thơ theo cách này. Có thể nói, cách sắp đặt như vậy cũng có khả năng lôi kéo sự chú ý của người đọc, nhưng nó vẫn nghiêng về phía mỹ thuật hơn là gợi nghĩa, sản nghĩa. Nó có thể phát huy ít nhiều cho tâm lý tiếp nhận mỗi khi thực hiện hành vi đọc thơ, chứ không phát huy được trong trường hợp nghe thơ chẳng hạn. Giả dụ, nếu trả các câu thơ được phóng to về với kích cỡ thông thường như các dòng thơ đại trà thì khả năng biểu nghĩa, gợi nghĩa hầu như vẫn không đổi. Vì thế, nó cũng chưa thể gọi là hình thức mang tính tất yếu được.
Hướng biểu đạt văn bản thơ theo định dạng hình học cũng đã có từ khá lâu trong nền thơ ca hiện đại thế giới, vào những năm 60 của thế kỷ XIX ở phương Tây, với những tác giả như Mallarmé, Apollinaire, Cunnings (5).  Nó đã từng là những ví dụ mà một thời lý thuyết thơ của ta bài xích, cho đó là những biểu hiện của thứ văn học suy đồi phương Tây. Ngày hôm nay, việc quy chụp như thế không còn chỗ đứng nữa. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, nó vẫn nghiêng về cách chơi thơ, mặc dù cũng có những cuộc chơi gây được chú ý vì nó lạ mắt, lạ vị. Trong thơ Dương Tường cũng có những bài như a-mơ-ri-cơ (6), nói về con đường chéo ở một khu phố Mỹ, ông bố trí bài thơ theo hình xiên chéo. Vẫn cứ là một cách chơi vui vui hơn là tham gia góp phần gợi/biểu nghĩa như câu chữ bài thơ đã tự đủ.
Trường hợp tập thơ Chữ cái của Từ Huy cũng có cái lạ lạ riêng. Mỗi văn bản bài thơ được trình bày theo một chữ cái Latin. Có đôi bài, người đọc có thể tìm thấy những liên hệ có chủ ý giữa ý tưởng của bài thơ với khuôn hình chữ cái như bài chữ T, Ô, S chẳng hạn. Còn lại các bài khác rất khó thấy có một liên hệ tất yếu nào. Người ta có thể hoàn toàn lấy các câu thơ từ bài chữ A để lắp vào các bài chữ K hay chữ H gì đó thì cũng không hề hấn gì. Đi theo cách này, có thể một cây bút nào đó thử nghiệm làm một tập thơ theo các con dấu của chữ hoặc dấu câu (huyền, sắc, hỏi ngã, nặng, không; chấm, phẩy, chấm phẩy, chấm lửng, ngoặc đơn, ngoặc kép…). Biết đâu, nếu thực tài có thể cũng có thành công. Cái khó là làm thế nào để mỗi bài thơ phải được là thơ trước đã, trước khi nó được kết hợp với những thứ thứ yếu khác.
Tất cả những tìm tòi kể trên, ở những phần thành công nhất, mặc dù thật ít ỏi, nhưng cũng góp phần làm cho đời sống thi ca được vận động, cọ xát, va chạm, không chịu bằng lòng với những gì đã có, theo hướng cách tân, trở thành kích thích tố cho sự đổi mới thơ ca. 
4. Các lý thuyết gia truyền thống từ Heghen đến Bielinxki đều nhấn mạnh vào mối quan hệ máu thịt tất yếu của nội dung và hình thức. Các nhà kinh điển Mác- Anghen cũng phát biểu rất thấu đáo về vấn đề này. Họ bàn bạc không chỉ như một nhận thức luận triết học mà còn như một chân lý của mỹ học, của nghệ thuật.
Sau này, phái Hình thức Nga (những năm 20 của thế kỷ XX), ban đầu cũng quyết liệt khẳng định tính tự trị của hình thức, nhưng ở những năm cuối của phong trào, các đại diện ưu tú nhất của trường phái này lại trở lại khẳng định mối liên hệ giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, giữa ngôn từ, tính nghệ thuật với trục lịch sử văn hóa – xã hội (7).
Ngày hôm nay, theo tôi nghĩ, không nên có kiêng kị, cấm đoán gì hết. Những sự tìm tòi thể nghiệm của các bậc đàn anh, và bây giờ của các cây bút trẻ rất đáng trân trọng và cần được tiếp tục. Cái quan trọng là mọi tìm kiếm hình thức phải cố gắng đẩy lên thành những hình thức mang tính tất yếu, chứ không phải là hình thức chỉ là hình thức, tách rời nội dung, hoặc hình thức đẻ non. Để đạt được phẩm chất gắn bó hữu cơ giữa nội dung và hình thức trong một tác phẩm, mỗi người làm thơ cần đầu tư rất nhiều, phải khổ công về nó chứ không thể là chuyện chơi chơi mà có được.
Hãy mang đến cho thơ một hình thức tất yếu. Liệu có thể xem đây là thông điệp chia sẻ cùng những cây bút thơ trẻ ngày hôm nay?.
(1) Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (Hoài Thanh- Hoài Chân), tái bản, NXBVH, 1988, tr.371
(2) Nhà thơ Hoàng Hưng trong bài “Thơ-văn xuôi của ngày thường trong Gửi VB” có định danh cho lối thơ của Phan Thị Vàng Anh ngay từ nhan đề, và ông khẳng định thêm: “Tóm lại, đóng góp của Gửi VB cho thơ chính là ở những bài thơ – văn xuôi của ngày thường, với sự chân thật, giản dị, tự nhiên, nhẹ nhàng, có tâm trạng, có chiều sâu” (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 10.2007)
(3) Chợt thu 2
Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
 Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
(in trong Thơ Dương Tường, NXB Hải Phòng, 2005)
(4) Thơ Dương Tường, Sđd
(5) Xem thêm trong Thơ, v.v…và v.v… (NXB Văn nghệ, California, 1996), Chương XV- Sẽ không bao giờ có Nguyễn Du, tr.261-262. Ông có trích bài thơ Em đi qua đời tôi của tác giả Ngu Yên được viết theo lối thơ hình họa. Ông cũng cho rằng: “Dù sao, thơ hình họa hay thơ cụ thể, ngay trên phạm vi cả thế giới, cũng có ít bài hay. Lý do đơn giản: nó khó làm, nó đòi hỏi một sáng kiến mới lạ hoàn toàn, nó loại trừ triệt để những sự bắt chước hay sao phỏng”.
(6) Thơ Dương Tường, Sđd                                                   
(7) Trong công trình tổng thuật (đầy cảm hứng lý giải, cắt nghĩa): Trường phái hình thức Nga (NXB ĐHQGTPHCM, 2007) rất có giá trị của PGS.TS Huỳnh Như Phương, khi bàn về một trong những đại biểu xuất sắc cuối cùng của trường phái hình thức Nga - Tynianov, tác giả đã chỉ ra rằng, nhà nghiên cứu này có cái nhìn “mềm dẻo” hơn về phương diện hình thức (thủ pháp, ngôn từ) của tác phẩm văn học, và đã chú trọng tới mối liên hệ giữa văn học, văn hóa, và ứng xử xã hội. (Sđd, tr.173) .
M.Bakhtin cũng đã bàn về vấn đề này: “Không hiểu được hình thức mới của cái nhìn thì cũng không hiểu đúng được những gì trong cuộc sống lần đầu tiên được nhìn thấy và được phát hiện bởi hình thức đó. Hình thức nghệ thuật hiểu cho đúng thì không tạo dựng hình thức cho nội dung có sẵn, và đã tìm được, mà là hình thức được phát hiện và cho thấy lần đầu tiên một nội dung nào đó” (Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục, 1993, tr.7). 
 Những ngày đông rét trước tết Mậu Tý 2008
 Văn Giá
Theo http://www.thotre.com/

                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khi nhà văn xuống mỏ Nhà văn đi thực  Khi nhà văn xuống mỏ – Ký của Y Ban Cập nhật ngày: 7 Thá  tế là một trong những hoạt động thường n...