Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Thơ văn xuôi với những cảm nhận riêng

Thơ văn xuôi với những cảm nhận riêng
Từ nhiều năm nay tôi đã dành sự đầu tư suy nghĩ về thơ văn xuôi. Đương nhiên, thể loại thơ văn xuôi đã được nói tới ở Việt Nam và trên thế giới. Trong bài viết nhỏ này tôi chỉ trình bày một vài điều từ cảm nghiệm của cá nhân tôi về thơ văn xuôi.
Có lẽ không phải ngay ban đầu mà phải mất mươi năm kể từ khi tôi quan tâm đến thơ văn xuôi, tôi mới nhận ra rằng thơ văn xuôi là một thể thức không thể khác đối với sự ra đời của nó. Nó không phải là sự biến dạng hoặc thay thế thơ truyền thống, thơmới (tạm gọi thể thức thơ của các nhà thơ phong trào thơ mới ở Việt Nam giai đoạn 30 - 45 thế kỷ XX), thơ tự do. Mỗi thể thức thơ này đều xuất hiện như một nhu cầu nội tại, không thể khác.
Sự xuất hiện về thể thức của mỗi loại thơ là do sự thúc đẩy trong dòng chảy biến chuyển không ngừng của truyền thống thơ ca cũng như nghệ thuật nói chung của nhân loại; và sự xuất hiện của mỗi thể thức nghệ thuật mới theo thời gian chúng được lan truyền nhân rộng và phủ khắp các quốc gia. Có một nguyên nhân nữa mang tính quyết định là sự ra đời của các thể thức thơ mới còn là sự thẩm thấu của các yếu tố thời đại, ban đầu là những áp lực về mặt xã hội (trong đó có yếu tố của kinh tế, chính trị, văn hoá và đạo đức) - lâu dần chúng chuyển hoá và biến hiện thành nhu cầu về đổi mới hình thức nghệ thuật để đáp ứng với nguồn năng lượng mới đòi được giải toả và thăng hoa trong các cá thể văn nghệ sỹ. Nói vậy nghe ra có vẻ phức tạp, nhưng rút gọn lại thì việc xuất hiện thể thức thơ văn xuôi, là nhu cầu tự thân của thời đại, nó giống như sự xuất hiện những hình thái nghệ thuật khác trong dòng chảy của lịch sử phát triển nghệ thuật. Sự xuất hiện thơ văn xuôi là một đặc trưng khá tiêu biểu của thơ hiện đại, và của nghệ thuật nói chung.
Thế kỷ XX là thế kỷ đột khởi nhiều phát minh vĩ đại chấn động về tư tưởng và khoa học, là thế kỷ phải dầm qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất với quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử loài người. Sự xuất hiện thơ văn xuôi cùng một loạt các loại hình nghệ thuật và trào lưu tư tưởng khác là đòi hỏi không khác được của thời đại. Người nghệ sĩ là địa điểm để phát khởi các đòi hỏi đó của thời đại.
Thơ văn xuôi xuất hiện như là một thể thức lưỡng tính, có nghĩa nó phải trước hết là thơ, sau phải mang hình thức của văn xuôi, đến độ nếu nhìn bề ngoài rất khó phân biệt rằng đó là một bài thơ theo quan niệm truyền thống. Hai yếu tố này phải là một, hợp nhất, hoà quyện trong một thể thống nhất mang tính lý tưởng mới tạo ra thơ văn xuôi. Do vậy, chỉ từ yêu cầu này tôi dám quả quyết rằng quá nhiều nhà thơ của chúng ta, dù bắt chết cũng không thể hoàn thành được một bài thơ văn xuôi đúng nghĩa của nó. Điều này không thể xem thường.
Một bài thơ văn xuôi được khởi lên từ khi xuất hiện ý tưởng cho tới lúc bài thơ hoàn thành phải chờ đợi một quãng thời gian khá dài, cái cảm xúc này luôn luôn thường trực và được đặt lệnh với chế độ chờ nạp năng lượng. Chỉ khi nào nguồn năng lượng được báo đủ, bài thơ khi đó mới bắt đầu từ từ lộ dần. Xác suất những bài thơ văn xuôi có nguy cơ đổ vỡ ngay từ đầu, tức là ngay khi nhà thơ động bút để sáng tác, là rất nhiều. Nó rất dễ bị vỡ vụn tan tành ngay tức khắc, ngay từ những dòng thơ đầu tiên, nếu nguồn năng lượng còn non; và không còn cái cơ hội để cảm xúc, ý tưởng ban đầu của bài thơ đó trở lại - Đó là đặc trưng khác biệt thơ văn xuôi với các thể thơ khác.
Giống như những công trình kiến trúc phải chịu trọng tải quá lớn, vấn đề thiết kế kết cấu móng xem ra lại là yếu tố quyết định hết thảy. Thơ văn xuôi cũng vậy, nó là thể thức thơ ra đời để chuyển tải một nguồn năng lượng lớn với “trọng lượng” lớn, vì vậy chỉ có thể thức thơ này mới chịu nổi sức ép của trọng lực, các thể thức thơ khác không đủ sức chuyển tải nguồn năng lượng và không thể chịu được sức ép của trọng lượng quá kích, nó sẽ làm cho vỡ vụn bài thơ ngay tức khắc.
Xin được lưu ý, việc tôi diễn đạt về thơ văn xuôi không hề có ý quá đề cao thơ văn xuôi mà hạ thấp các thể thơ khác - tôi chỉ muốn nói rằng đây là thể thơ được xuất hiện do nhu cầu của một thời đại, chứ không phải do ý muốn chủ quan làm khác của cá nhân nhà thơ. Đó là thể thơ ứng với thời đại quá nhiều thông tin phát ra cùng một lúc, quá nhiều năng lượng được giải toả và tiêu hao trong cùng một thời khắc, quá nhiều sự biến động diễn ra dồn dập và kéo dài không có dấu hiệu sẽ dừng lại. Vỏ não của con người bị hàng ngàn những sóng điện và thông tin bắn phá, cơ thể của chúng ta không ngừng bị những sóng điện do chúng ta tạo ra đã xuyên thủng chúng ta. Thơ văn xuôi xuất hiện là để san sẻ một phần cái áp lực của thời đại mà mỗi cá nhân đang phải gánh chịu. Thực ra cái áp lực xã hội thì thời nào chẳng có, nhưng với thời hiện đại cái áp lực đến từ nhiều phía trùng điệp cùng một lúc bắn vào một điểm, đó là mỗi cá nhân con người hiện đại. Tôi tin rằng với loại hình thơ, thì sau thơ văn xuôi chắc sẽ phải xuất hiện những thể thức thơ khác nữa, với cái kết cấu mới mẻ để đủ sức chịu đựng trọng lượng càng ngày càng tăng cường của tầng tầng áp lực thời đại mới.
Tác phẩm thơ văn xuôi được hình thành bắt đầu từ việc cảm xúc và ý tưởng cùng khởi lên một lúc trong một cảm quan rộng lớn. Nhịp điệu của thơ văn xuôi được hình thành bởi những sợi cực mảnh nhưng với độ rung vang cực nhạy, nó được chìm lẫn trong ngôn ngữ với những cảm xúc và ý tưởng hoà quyện. Cái nhịp điệu với độ rung đặc biệt này, nó làm cho thơ văn xuôi không thể lẫn với văn xuôi và đương nhiên nó khác biệt hẳn các thể thơ ra đời trước nó. Nhịp điệu của thơ văn xuôi tạo ra tiết tấu với chất nhạc có sức âm vang và lôi cuốn đặc biệt. Đó là nhịp điệu và âm nhạc của sự chuyển động của dòng cảm xúc và ý tưởng, như tiếng nước những dòng sông men theo vách đứng của những ngọn núi, nó có thể tĩnh lặng tuyệt đối, có thể gầm thét sôi réo tuỳ thuộc vào thế núi, tức là tuỳ thuộc vào thế của cảm xúc và ý tưởng của bài thơ.
Nhịp điệu và âm nhạc của thơ văn xuôi không phơi lộ và bóc tách ra bề mặt của ngôn ngữ như các thể thơ trước đó. Nhịp điệu và âm nhạc của thơ văn xuôi nhập làm một với cảm xúc và ý tưởng - Đặc trưng này đã tạo nên sự phức điệu về tính âm nhạc và nhịp điệu của thơ văn xuôi - Nhịp điệu và âm nhạc của thơ văn xuôi chính là thể khí đẩy những dòng huyết của cảm xúc và ý tưởng vận hành trong bài thơ. Không là sự rung động tạo ra bởi âm nhạc và nhịp điệu với mục đích nhằm tác động trở lại ý tưởng và khơi dậy cảm xúc của bài thơ như các thể thơ khác - vai trò của âm nhạc và nhịp điệu của các thể thơ này là đặc biệt và duy nhất hoà phối tạo nên chỉnh thể của bài thơ - âm nhạc và nhịp điệu ở đây giống như phần da thịt, còn ý tưởng thì giống như phần xương cốt của cơ thể bài thơ - chúng cùng tạo nên sự sống nhưng chúng có vai trò riêng, và ở phương diện nào đó chúng có sự độc lập với nhau. Còn ở thơ văn xuôi thì khí(tức nhịp điệu) dừng, tức huyết (cảm xúc và ý tưởng) đọng, toàn bộ cơ thể không hoạt động nữa. Vai trò của nhịp điệu, tiết tấu của âm nhạc trong thơ văn xuôi có sự khác biệt đặc biệt như vậy. Nhịp điệu hỏng tức là bài thơ văn xuôi bị gãy, dù cho ý tưởng có cao siêu đến đâu chăng nữa cũng không cứu vãn nổi sự tồn tại của bài thơ văn xuôi - Khi đó nó biểu hiện cái kết quả của các yếu tố cảm xúc và ý tưởng của bài thơ chưa đủ độ, chưa nạp đủ nguồn năng lượng để bài thơ bật mở. Đây là điều kiện tiên quyết, không thể không lưu ý.                                             
Quán tính của thói quen là trở ngại lớn nhất đối với công việc sáng tạo của nhà thơ - nó giống như quán tính của phong tục tập quán. Nếu thực sự là một thời đại mới thì phong tục tập quán phải đổi khác, nó chỉ giữ lại những gì tinh tuý nhất tựa như một thứ gen di truyền của truyền thống. Thơ văn xuôi là một hiện thực bác bỏ quán tính của thói quen. Nếu quán tính của thói quen vẫn còn, có nghĩa là tác phẩm thơ văn xuôi không có cơ hội để xuất hiện.
Mọi kỹ thuật, kỹ xảo bất lực trước thơ văn xuôi, bởi thơ văn xuôi vận hành cần tới một nguồn năng lượng lớn của cảm xúc và ý tưởng khởi lên cùng vào một thời điểm, ngôn ngữ và nhịp điệu là cái hiện ra sau chót không thể khác, mang tính ấn định từ một nguồn năng lượng được phóng ra và hiện hình từ cảm xúc, ý tưởng. Thơ ca đích thực không bao giờ cần đến yếu tố trợ  giúp. Chỉ có chính bản thân nó - như một người vượt biển đơn độc, hoặc là qua bờ bên kia, hoặc là bị nhấn chìm dưới đáy đại dương bao la - Bản thân nó chính là nguồn năng lượng của cảm xúc và ý tưởng, phải đảm bảo độ tràn đầy để tạo ra sự đột khởi làm nên bài thơ.
Một nghệ sỹ sáng tác tác phẩm thơ văn xuôi, trong anh ta không bao giờ xuất hiện cái gọi là kỹ thuật như người ta thường thấy. Bởi kỹ thuật chỉ có thể trợ giúp những tác phẩm vừa vừa, những tài năng vừa vừa. Còn đối với những nghệ sỹ đích thực thì kỹ thuật tạo ra anh ta, chính nó sẽ giết chết anh ta ở chặng đường tiếp theo. Mọi sự trợ giúp đều giết chết nghệ sỹ và huỷ hoại những tác phẩm lớn. Đó lại là điều kiện tiên quyết nữa.
Cái để khởi hứng của một sáng tác thơ văn xuôi đến từ cảm quan có tính khách quan, cảm quan thời đại là dòng chảy chủ lực trong hứng khởi của nhà thơ. Cái cảm quan thời đại này nó biến hoá khôn lường, muôn màu muôn vẻ trong cảm xúc của nhà thơ, và không có cách gì để có thể phân biệt được cảm xúc đến trước hay là ý tưởng đến trước tạo nên hứng khởi của nhà thơ. Cái tôi của nhà thơ luôn bồng bềnh trong cái khách thể, trôi dạt trong cái vũ trụ mênh mông cô quạnh chợt nhận ra có một kiếp người, chợt nhận ra cái sứ mệnh mà mỗi cá nhân phải gánh là số phận của chính ta với những sợi dây ràng rịt của truyền thống và hiện đại, niềm vui, nỗi buồn và khát vọng cuốn lên như những ngọn gió lớn. Thiên nhiên, cũng như những cảnh tượng của xã hội hiện đại là đối tượng không thể thiếu vắng trong cảm xúc của thơ văn xuôi. Thiên nhiên như là những biểu tượng có sức hút mãnh liệt đối với cảm hứng của nhà thơ - nó là nguồn sinh khí làm hồi lại cái nguyên khí mà đời sống hiện đại đã tách rời khỏi nó. Sứ mệnh của thơ văn xuôi là trả lại những gì đối với con người mà đời sống hiện đại đã vứt bỏ hoặc lãng quên.
Đời sống trải nghiệm của nhà thơ là một cái gì đó như một yếu tố không thể thiếu, chúng được ngấm vào từng mao mạch li ti trong toàn bộ cơ thể của bài thơ. Đời sống trải nghiệm chính là cái tinh chất của thời đại được giữ lại từ hàng ngàn những tia xạ của thời đại xuyên thấu nhà thơ qua thời gian năm tháng đời người. Những suy tư và cảm xúc xuất phát từ đời sống trải nghiệm của nhà thơ giống như thứ hổ phách quý hiếm được tiết ra và tụ lại nằm sâu dưới gốc cây thông ngàn vạn tuổi. Nếu không có sự toả ra từ đời sống trải nghiệm của nhà thơ, bài thơ văn xuôi sẽ thiếu vắng cái phong vị ý vị nhất mà thể thơ này có được. Đương nhiên, đời sống trải nghiệm của nhà thơ đều cần thiết đối với sáng tác của các thể thơ khác; nhưng nó được phát huy một cách hiệu quả nhất là đối với thơ văn xuôi, còn đối với thể thơ khác nhiều khi nó làm phương hại tới bài thơ ở sự xơ cứng, rất khó khắc phục.
Cách tân trong nghệ thuật cũng như các cuộc cách tân đổi mới khác trên các lĩnh vực của xã hội, luôn luôn gặp những trở ngại và thách thức to lớn. Trở ngại này trước nhất thuộc về những thói quen của số đông, sau nữa là thách thức mang tính đối địch của những nhóm người vì sự cách tân đổi mới mà vi phạm và làm tổn hại tới quyền lợi của họ, làm như họ là những người duy nhất sở hữu thời đại đó với một quyền lực vĩnh cửu. Hai trở ngại và thách thức này đổ dồn đến một lúc và dồn sức tấn công vào nơi sẽ bùng phát sự cách tân đổi mới. Cuộc đấu tranh này xảy ra như một sự tất yếu, không có sự cách tân đổi mới trên bất cứ lĩnh vực nào của loài người có thể tránh khỏi. Nhưng sự cách tân đổi mới vẫn luôn diễn ra, bởi đó là đòi hỏi của sự thôi thúc tiến trình phát triển của nền văn minh. Theo kinh nghiệm đã diễn ra trong lịch sử cho thấy, sự cách tân đổi mới luôn thuộc về thế hệ trẻ, một thế hệ làm chủ một thời đại mới - Và, rõ ràng sự cách tân đổi mới đã trao sứ mệnh cho thế hệ trẻ phải mang vác; bởi thói quen của họ sẽ được hình thành trong tương lai, và quyền lợi của họ cũng đang chờ đợi ở phía trước, ở một thời đại mới. Việc xuất hiện của thơ văn xuôi như là một đại biểu của thơ hiện đại cũng nằm trong cái  dòng chảy chứa đựng những mâu thuẫn và xung đột của một cuộc cách tân đổi mới trong thi ca - cũng như các cuộc cách tân đổi mới trên các lĩnh vực của xã hội loài người trong tiến trình vận hành đẩy nền văn minh ngày một lên cao nhằm điều hoà những lợi ích của con người mà họ đã phải hi sinh cho nền văn minh đó.
Viết đến đây, tôi chợt nhận ra một điều rằng dù gắng sức để làm sáng tỏ cái đặc trưng của thơ văn xuôi khác biệt với các thể thơ ra đời trước nó, nhưng hình như cố gắng này chưa đạt được mấy yêu cầu như mong muốn và cơ hồ sức thuyết phục chưa có được bao nhiêu. Dẫu rằng, để làm sáng tỏ cái cảm nhận về một thể thơ mới như thơ văn xuôi, không bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng, hơn lúc nào hết như lúc này, tôi thấy tôi không thể đầu hàng trước cái công việc mà tôi đã bày ra một cách dở dang. Tôi tạm dừng tại đây trong sự không yên lòng, và nhất định sẽ trở lại vấn đề có phần hiểm hóc và nan giải này trong một thời gian gần nhất.
Dương Kiều Minh
Nguồn: lethieunhon.com
Theo http://www.thotre.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...