Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Lý luận và đổi mới văn chương

Lý luận và đổi mới văn chương
Hơn hai chục năm đổi mới, nền kinh tế nước ta có những bước phát triển vượt bậc, đã đạt được những thành tựu nổi trội. Cùng với sự phát triển kinh tế, sự thay đổi của cơ sở hạ tầng đã kéo theo sự thay đổi nhiều mặt của kiến trúc thượng tầng, của nhiều ngành nghệ thuật, trong đó có văn chương.
Hơn hai chục năm văn chương đổi mới thật vô cùng phong phú và đa dạng. Số lượng các tác phẩm văn thơ nhiều vô kể, và số người tham gia sáng tác cũng vô cùng đông đảo. Đã hình thành một thị trường văn chương đa sắc đa hương. Tuy đứng ở từng góc độ có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau, nhưng mọi người đều thừa nhận chưa bao giờ người đọc nước nhà được phục vụ như hiện nay.
Bên cạnh mặt hàng cao cấp là mặt hàng bình dân, bên cạnh tác phẩm viết theo phong cách cổ điển là những tác phẩm bung phá về hình thức, bên cạnh tác phẩm có bút pháp nghiêm chỉnh là những tác phẩm có bút pháp lạ, thậm chí lạ đến ngỡ ngàng… Từ đó, đã dẫn đến những đánh giá khác nhau, đôi khi trái ngược nhau mà nổ ra tranh luận với nhiều cấp độ, từ bàn bạc trao đổi đến tranh luận, luận chiến.
Thành tựu ở một mức độ nào đó thì ai cũng khẳng định, nhưng tác phẩm đỉnh cao như mọi người mong đợi thì vẫn chưa có. Thì thế mới gọi là văn chương đang trong quá trình đổi mới, như một dòng sông mùa lũ cứ cuộn chảy, mang trong mình nó có cả phù sa màu mỡ lẫn chất thải độc hại công nghiệp, cả những quặng đá tầm thường lẫn những sa thạch đặc biệt quý giá.
Đời sống văn chương thì phong phú như vậy, nhưng công tác lý luận phê bình văn chương, tuy là người trong cuộc các nhà lý luận phê bình cũng phải thừa nhận rằng nó còn rất èo ọt và bợt bạt. Lý luận phê bình chưa làm nổi việc tổng kết để đánh giá và hướng dẫn dư luận, chưa có tác động đáng kể nào vào dòng chảy văn chương.
Có người còn cực đoan cho rằng, thành tựu lớn nhất của công tác lý luận phê bình văn chương những năm gần đây là dịch được một vài tác phẩm lý luận văn chương nước ngoài, mà các tác phẩm này lại không được các nhà văn đón đọc.
Thực ra thì lý luận phê bình văn chương của ta cũng đang trong thời kỳ đổi mới, đang vận động và phát triển. Tuy chưa có được những tiếng nói có uy tín, có trọng lượng như các trọng tài được các nhà văn và bạn đọc vì nể, lắng nghe; nhưng trong một chừng mực nào đó cũng làm các nhà văn và bạn đọc phải chú ý, phải suy ngẫm.
Nếu chúng ta cho rằng, hơn hai mươi năm văn chương đổi mới chỉ là giai đoạn đầu để tích tụ thì lý luận phê bình văn chương thời kỳ này mới bám theo đời sống văn chương để mà nắm bắt để mà tìm hiểu thì cũng là chuyện bình thường.
"Không có thực tiễn cách mạng thì không có lý luận cách mạng". V.I. Lênin đã từng chỉ ra điều đó. Vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng giai đoạn tiếp theo của đời sống văn chương, công tác lý luận phê bình sẽ có những bước phát triển mới có thể song hành với các sáng tác văn chương.
Để rồi từng bước, lý luận phê bình có thể làm chủ đời sống văn chương, đưa ra những nhận định đúng đắn, những đánh giá chuẩn xác, những kiến giải mà đời sống văn chương đòi hỏi.
Thực ra, công tác lý luận phê bình văn chương hai chục năm qua cũng được các cấp lãnh đạo văn học nghệ thuật chú ý. Từ việc thành lập Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương, đến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tăng cường công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật.
Ở Hội Nhà văn Việt Nam thì bên cạnh Hội đồng Thơ, Hội đồng Văn xuôi là Hội đồng Lý luận phê bình với số lượng thành viên không ít hơn các hội đồng sáng tác, hàng năm tổ chức bình xét, giới thiệu giải thưởng, hai năm tổ chức một hội nghị lý luận phê bình có tầm cỡ mà các hội đồng sáng tác đâu có được.
Đội ngũ các nhà lý luận phê bình văn chương cũng không ngừng phát triển, mỗi năm cũng có vài ba cây bút lý luận phê bình trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tỉ lệ các nhà lý luận phê bình trong Hội Nhà văn Việt Namcũng gần mười phần trăm, tức là cứ hơn chục nhà văn thì có một nhà lý luận phê bình. Tỉ lệ này khá lớn.
Nhưng văn học nghệ thuật có quy luật khách quan của nó. Chỉ riêng mình Hoài Thanh với sự trợ giúp của Hoài Chân đã tổng kết, đánh giá được cả phong trào Thơ mới ngay khi Thơ mới đang vận động và phát triển, mà đến nay những đánh giá này vẫn còn nguyên giá trị.
Thế mà, ngày nay đội ngũ lý luận phê bình văn chương đông đảo, mỗi người đều có nhiều tập sách, thậm chí một số người có hàng chục tập sách dày nhưng công việc lý luận phê bình vẫn lẹt đẹt ở phía sau sáng tác. Đây là một thách đố mà các nhà lý luận phê bình có tự trọng, có bản lĩnh không thể không tìm câu trả lời.
Mọi cuộc hội thảo, hội nghị rồi cũng qua đi, điều còn lại là những bài viết, những tác phẩm. Nhưng để có được những bài viết, những tác phẩm phê bình có giá trị, thì cũng giống như các nhà văn nhà thơ, các nhà lý luận phê bình văn chương phải luôn trăn trở và đắm mình trong dòng chảy của sáng tác để tìm cho được bản chất của đời sống văn chương, đặng từ đó có thể đưa ra những câu trả lời mà đời sống văn chương đòi hỏi.
Nguyễn Quỳnh Thư
Theo http://www.thotre.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...