Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Tản mạn về hành trình thi ca

Tản mạn về hành trình thi ca
Hành trình thi ca là cuộc hành hương trên trang giấy của các nhà thơ để đi tìm chân lý, để đến với cái đẹp. Nếu chúng ta so sánh thơ ca như một thứ tôn giáo thì có thể gọi mỗi nhà thơ là một giáo chủ.
Các giáo chủ thơ ca là người sáng tạo ra  tín đồ chữ. Các giáo chủ thơ ca xới tung mọi trật tự xã  hội, quy luật ngôn ngữ  của cộng đồng dân tộc  để chế tác ra một trật tự và quy luật mới của tâm hồn và trái tim. Như vậy hành trình thi ca giữ vai trò gì trong hành trình của nhân loại hướng  về tương  lai? Các nhà thơ hay các giáo chủ thơ ca đứng ở đâu và giữ nhiệm vụ gì giữa dòng người miên man đi tìm tình yêu và hạnh phúc?
Thơ ca đang chịu áp lực nặng  nề của các phương tiện thông tin kỹ thuật và đời sống hiện tại. Càng ngày số lượng người làm thơ càng đông và sự bất bình thường về số lượng đã phần nào khẳng định thơ ca đang bị đại chúng hóa, mất dần tính chuyên nghiệp của nó. Sự khủng khoảng thừa về thông tin  dẫn đến việc các  giác quan của con người bị  tê liệt, tình cảm và  ý chí bị nhụt cùn  cộng với việc chất thơ bị phá hủy cả  ở thiên nhiên và  trong tâm hồn đã làm nảy sinh những bài thơ nhạt nhẽo, vô bổ và những nhà thơ sáng tác bằng trái tim lạnh lẽo, băng giá. Sự thừa mứa của thơ tình và những  bài thơ lổn ngổn chất hiện thực chỉ chạm đến bề mặt của  đời sống đăng nhan nhản trên mặt báo và các tập thơ chỉ góp phần làm xơ cứng thêm cảm xúc người đọc. Tai hại hơn nữa nó còn  làm suy giảm hệ thống... miễn-dịch-phê-bình (tạm gọi là khả năng đề kháng với sự tầm thường và  nhạt nhẽo trong nghệ thuật). Mối quan hệ của nhà thơ và thơ ca với người đọc đang được mở rộng về biên độ nhưng lại bị rút ngắn về chiều sâu một cách thảm  hại. Mọi ngả đường đều mở rộng chờ đón bước chân của nhà thơ nhưng cánh cửa trái tim người đọc thì đang khép chặt. Liệu thi ca sẽ đi  đến đâu ngoài phạm vi các nhà thơ đọc và tán tụng lẫn nhau? Chừng nào thơ ca chưa đụng chạm đến sự bí  ẩn và vô  tận của vô  thức thì nó  vẫn chỉ quẩn  quanh với những trách nhiệm  xã hội chung chung và vẫn trùng khớp với chức năng của các ngành nghệ thuật khác.
Giá trị của nhà thơ không chỉ là phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc đời và sự vật mà  còn ở chỗ họ làm phong phú thêm cho cuộc đời và sự vật bằng  cách nhìn, bằng cảm xúc riêng biệt, độc đáo của mình. Gia tài của nhà thơ  không có gì  khác ngoài thời  gian và sự cô đơn. Tôi không tin có một nhà thơ tài năng lại đam mê quyền lực và sự sang giàu. Nhà thơ đích thực là người biết khước từ mọi quyền hành, chức vụ của xã  hội để chọn một  thứ quyền hành sáng tạo, là giáo chủ của những con chữ - đó là thứ quyền hành vô song và độc  tôn... Quyền hành của nhà thơ  là làm thanh  lọc tâm hồn mình và người đọc  bằng cách chế tác ra một thứ  ngôn ngữ độc đáo chứ không có quyền làm nhiễm độc tư tưởng và tình cảm của mình và mọi người bằng thứ ngôn ngữ  hũ nút, bệnh hoạn, cẩu thả... Nhà thơ có thể viết những câu thơ do cảm hứng bộc phát từ tiềm thức nhưng anh ta lại phải sống suốt đời với những cảm xúc ấy nếu muốn nó sống trong lòng người đọc. Thơ bất tử nỗi buồn và niềm vui của con người là như vậy.
Nền thơ  ca của chúng ta khá phong  phú về số  lượng mà lại nhợt nhạt về cá tính  sáng tạo nên khi xuất hiện trên  thi đàn một cây bút với giọng điệu ngang tàng phá bĩnh cũng đủ gây  nên sự chú ý và lúng túng trong cách đánh giá của các nhà phê bình. Có cây bút thơ nổi tiếng chỉ vì sự phá  phách với đầy rẫy khẩu ngữ, ngôn ngữ vỉa hè hơn là những suy ngẫm về cuộc đời, thế  sự và sự sáng tạo về ngôn ngữ.  Sự nhiễu loạn của phê  bình đã làm cho cán  cân giá trị đích  thực của thơ ca bị chông chênh. Có  những nhà phê bình đeo vỏ gươm chân lý nhưng lại rút lưỡi gươm đao phủ. Họ tán tụng thứ thơ ve vuốt cái tôi thị  dân lơ láo nhưng lại thẳng tay với những bài thơ  đụng chạm với nỗi đau nhân thế. Có lẽ đã  đến lúc chúng ta cần cảnh giác với thói  lưu manh và cà khịa để phá bĩnh, thoả mãn sự ích kỷ...
Mưu cầu danh lợi rút ngắn tuổi  thọ của tác phẩm và sự nghiệp nhà thơ một  cách ghê gớm. Đã có bao nhiêu nhà thơ mà đứa con tinh thần và sự nghiệp của họ chết ngỏm trước cả người sinh ra nó? Nhà thơ không phải là danh hiệu bất di bất dịch dành cho những người bước chân vào lĩnh  vực thơ ca. Nàng thơ khó tính sẽ sẵn sàng từ bỏ những người  không thắng  được sức ì cảm xúc,  trí tuệ. Sự phế truất của độc giả dù xảy ra âm thầm nhưng vẫn mang lại hiệu quả, đó là việc họ sẽ loại ra ký ức những  nhà thơ và những  bài thơ không còn xứng đáng để  nhớ. Thơ Việt  Nam hiện đại  thật quá ít những nhà thơ mà sau khi chết tác phẩm của họ mới được phát hiện, công bố với số lượng  và chất lượng  thật đáng nể  (thật ra phải viết rằng quá hiếm  hoi). Kể cả sức sáng tạo và  sức làm việc lâu bền cũng  vậy. Chỉ đếm trên  đầu ngón tay những  nhà thơ dám vượt lên chính mình bất chấp mọi rào  cản của đời sống và xã hội... Có phải thơ ca là thứ của cải tinh thần sang trọng làm sáng giá tâm hồn nhưng  lại gây ra lắm lụy phiền  và bi kịch cho những người dính đến nó? Dù  giải thích thế nào đi nữa điều cơ bản vẫn nằm ở nhân cách và tài  năng của các nhà thơ. Điều này không một điều kiện xã hội nào có thể thay thế được...
Sự tha hóa của nhà thơ xảy ra  khi có sự thỏa hiệp với sự dễ dãi, tầm thường hay bất cứ thứ quyền lực nào dù chỉ là vô hình lởn vởn trên ngòi bút. Khi nhà thơ chối bỏ quyền lực của mình đối với con chữ cũng là lúc  mối quan hệ giữa nhà thơ với  bạn đọc và cộng đồng bị phá vỡ. Chỗ đứng của nhà thơ không ở đâu khác ngoài trái tim của người đọc. Nhà thơ là người giữ vai trò  đi tìm lại những gì đã mất để làm giàu thêm ký ức, trí tuệ của con người nên khi nhà thơ bỏ quên thiên chức của mình là họ đã thủ tiêu sáng tạo, tự đánh mất chính mình. Sự nhiệt tình và quên mình của nhà thơ trong những hoạt động xã hội chỉ bộc lộ sức sáng tạo của nhà thơ đã bị cạn kiệt và may mắn lắm thì họ cũng chỉ  trở thành nhà chính khách lỗi  thời hoặc nhà đạo đức nghiệp dư mà thôi...
Thơ ca đóng  vai trò thức tỉnh con  người nhưng với bọn người  vô long tâm thì thơ ca  bất lực và không phải vì thế mà thơ ca thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của nó. Thơ ca thấm vào từng ngõ ngách tâm hồn, từng tế bào của đời sống với sự tác động tinh vi, chậm chạp và khó có thể nhìn thấy hoặc đo lường được. Thế giới càng văn minh con người càng làm chủ và chiếm lĩnh tự nhiên, thế mà xem ra con người vẫn còn bất lực với những hành vi man rợ và  mất nhân tính của một bộ phận không nhỏ trong tổng thể loài người.
Hành trình thi ca đang đồng hành  với cuộc hành hương đi tìm chân lý của nhân loại. Vai trò của thi ca có lẽ chẳng có gì khác ngoài việc thức tỉnh lương tri của con người. Muốn được như vậy mỗi nhà thơ phải là nơi hội tụ của lương tri  và những phẩm chất cao quý của con người hiện đại.
Võ Tấn Cường
Theo http://www.thotre.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...