Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Mùa xuân trong thơ Đường

Mùa xuân trong thơ Đường
Thơ Đường ( ) hay còn gọi Đường thi là toàn bộ tác phẩm thuộc loại hình thơ ca được sáng tác trong suốt thời nhà Đường - Trung Quốc, từ đầu thế kỷ VII đến đầu thế kỷ X (618 - 907). Thơ Đường được lưu giữ trong cuốn Toàn Đường thi với khoảng gần 49 ngàn bài của hàng ngàn nhà thơ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau. “Đi theo tiến trình của lịch sử với sự phát triển và suy tàn của các triều đại, thơ Đường cũng trải qua nhiều thời kỳ với nhiều thăng trầm.... Thơ Đường tỏa sáng rực rỡ một thời, là biểu tượng huy hoàng của ngôn ngữ nhân loại đạt đến độ thăng hoa. Đã hơn một ngàn năm, nhiều bài thơ vẫn mãi còn vang vọng, trở thành mẫu mực trong thơ ca với những hình ảnh, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, trau chuốt, mỹ lệ… Đặc biệt là tính chất súc tích, cô đọng “ý tại ngôn ngoại”, có những bài thơ đã đạt tới sự “thần diệu tài hoa” trong sáng tạo ngôn ngữ”. Trong số đó, thơ viết về mùa xuân chiếm số lượng lớn và đặc biệt lay động lòng người.
        

西    
 
ĐÀO HOA KHÊ 
(Trương Húc)
Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,
Thạch ky tây bạn vấn ngư thuyền:
Đào hoa tận nhật tùy lưu thuỷ,
Động tại thanh khê hà xứ biên? 
SUỐI HOA ĐÀO
Thấp thoáng cầu treo cách khói đồng,
Bờ tây ghềnh đá hỏi ngư ông:
Hoa đào trôi mãi theo dòng nước,
Động ở bên nào mé suối trong? 
(Bản dịch của Khương Hữu Dụng)
Ngay câu thơ đầu, người đọc đã gặp phải các danh từ: “cầu treo”, “khói đồng” trong trạng thái hư ảo được diễn đạt bằng tính từ “thấp thoáng” nên bất chợt hòa mình vào không gian xuân thiên nhiên cổ kính, đường thi và thơ mộng. Nàng xuân e ấp, kiều diễm mang đến cho nhân gian sự ngỡ ngàng trong hân hoan, vui sướng... Mùa xuân về từ bao giờ mà ban phát cho nhân gian bao điều kỳ diệu! Những cánh hoa đào màu hồng phấn khoan thai trôi theo dòng nước lững lờ giữa bốn bề cây lá xanh tươi, núi non hùng vỹ tạo nên bức tranh mùa xuân thanh tân, quý phái lạ thường. 
        



 
XUÂN HIỂU 
(Mạnh Hạo Nhiên)
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu? 
BUỔI SỚM MÙA XUÂN
Giấc xuân, sáng chẳng biết,
Khắp nơi chim ríu rít.
Đêm nghe tiếng gió mưa,
Hoa rụng nhiều hay ít? 
(Bản dịch của Tương Như)
Con người và tạo hóa như ngủ vùi trong giấc xuân êm đềm và được đánh thức bằng chính âm thanh của mùa xuân. Mạnh Hạo Nhiên cho chúng ta thấy sự diệu kỳ của bút pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Mùa xuân được cảm nhận bằng sự kết hợp hài hòa giữa thính giác, xúc giác và linh giác. Tiếng chim là dấu hiệu của một ngày mới, là yếu tố động duy nhất trong bài thơ nhưng chỉ có nó mới có khả năng diễn đạt một cách tinh tế nhất cái tĩnh của không gian buổi sáng mùa xuân bình lặng và yên ả đến mức có thể nghe được cả tiếng những cánh hoa rụng xuống mặt đất đẫm hơi sương. Tiếng chim làm rung động tâm hồn thi nhân đang bình lặng như mặt hồ thu trong, là mạch nguồn cảm hứng để tác giả sáng tạo nên Xuân hiểu. Mùa xuân trong thơ Mạnh Hạo Nhiên có màu sắc, có đường nét, có hình ảnh và mùi hương nhưng điều đặc biệt là chủ yếu được cảm nhận bằng linh giác, bằng tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. Cả bài thơ không hề có một thán từ (từ biểu hiện tình cảm) nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu cái đẹp đến mức một cơn gió, một trận mưa xuân cũng làm cho tác giả nhói đau cho số phận của cái đẹp trong thiên nhiên và trong cuộc đời con người.
     
滿



GIANG BẠN ĐỘC BỘ TẦM HOA
(Đỗ Phủ)
Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê,
Thiên đóa vạn đóa áp chi đê.
Lưu liên hí điệp thời thời vũ,
Tự tại kiều oanh kháp kháp đề. 
MỘT MÌNH DẠO CHƠI TÌM HOA VEN SÔNG
Cạnh nhà cô Tứ hoa đầy lối,
Ngàn đóa muôn bông ép trữu cành.
Lưu luyến quẩn quanh vờn lũ bướm,
Ung dung thánh thót hót hoàng anh.
(Bản dịch của N.K.P) 
Mùa xuân trong thơ Đỗ Phủ hoàn toàn mang tính ước lệ, tượng trưng vì theo kết luận của các nhà nghiên cứu thì cô Hoàng Tứ hoàn toàn không có thật. “Ngàn đóa muôn bông ép trữu cành” trong vườn cô Hoàng Tứ nhưng không biết nó là hoa gì, màu gì… Điều này khiến cho Giang bạn độc bộ tầm hoa của Đỗ Phủ càng trở nên đa nghĩa và thể hiện rõ ràng hơn đặc điểm “ý tại ngôn ngoại” trong thơ Đường. Cái đẹp của mùa xuân trong thơ ông không phải là cái đẹp cụ thể đã được quy định sẵn bằng màu sắc, đường nét, hình ảnh, âm thanh… mà nhà thơ miêu tả. Đây là cái đẹp vô cùng kỳ ảo hoàn toàn phụ thuộc vào mỹ cảm, khả năng tưởng tượng và trình độ nghệ thuật của độ̣c giả nên mùa xuân càng mang tính gợi mở. 
Thiên nhiên xuân được tác giả tiếp cận từ xa đến gần, từ khái quát, đến cụ thể. Đỗ Phủ như một hoạ sĩ tài hoa đang say đắm tạo nên một bức tranh xuân tràn trề nhựa sống. Hoa trong bài thơ này không phải là những nụ hoa còn e ấp đợi gió xuân về mà tất cả đã bung nở “mãn khai”, nở đầy lối đi, bông nọ đua chen với bông kia, khiến cho cành hoa thêm trĩu nặng bên đàn bướm dập dờn bay. Ta không chỉ ngây ngất vì phát hiện “thi trung hữu họa” mà còn thấy “thi trung hữu nhạc”. Tác giả sử dụng dồn dập các từ láy: “lưu liên”, “tự tại”, “thời thời”, “kháp kháp” nhằm mục đích vừa tạo âm, tăng tiết tấu vừa làm rõ ý cho thơ. “Đỗ Phủ đã vận dụng rất tài tình việc điệp song thanh và tượng thanh. “Lưu liên”, “tự tại” là hai từ song thanh như một chuỗi ngọc, âm điệu uyển chuyển, “kháp kháp” là từ tượng thanh hình dung tiếng kêu của con chim kiều oanh, cho người ta tưởng tượng thính giác của cảnh, “thời thời”, “kháp kháp” là điệp từ cho hai câu trên, dưới đối nhau khiến ý của từ càng mạnh hơn, sinh động hơn, càng biểu đạt được tình yêu hoa, yêu bướm của thi nhân, và biểu đạt ý vui mừng bừng tỉnh khi nghe tiếng chim oanh kêu” 1.
        





XUÂN TỨ 
(Lý Bạch)
Yên thảo như bích ty,
Tần tang đê lục chi;
Đương quân hoài quy nhật,
Thị thiếp đoạn trường thì.
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi? 

CẢM NGHĨ MÙA XUÂN
Cỏ Yên biêng biếc tơ xanh
Dâu Tần sắc lục buông cành sởn sơ
Lúc chàng mong nhớ ngày về
Là khi lòng thiếp não nề nát tan
Gió xuân sao quá sỗ sàng
Không quen mà nhập cánh màn phòng ta. 
                
(Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương)
Mùa xuân mang đến cho đất trời, cây cỏ sức sống diệu kỳ, mùa xuân có khả năng hồi sinh mãnh liệt. Mùa xuân cũng thổi bùng khát khao đoàn viên, khát khao hạnh phúc của con người. Với Xuân tứ, Lý Bạch đã tạo ra hai mùa xuân trong một bài thơ. Mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời đã về rạo rực trên khắp nơi nơi, từ nước Tần cho đến nước Yên. Nó làm cho những người yêu thương nhau nhưng phải sống xa nhau càng thêm khát khao, mong ngóng mùa xuân của đời người. Xuân của đất trời đã về nhưng xuân của đời ta thì còn xa thẳm nơi đâu, điều đó làm cho “chàng mong ngóng ngày về” còn “lòng thiếp não nề nát tan”. Thiếp muốn quên đi sự hiện diện của mùa xuân vì đôi ta cứ mãi biền biệt nơi xa nhưng mùa xuân cứ hiện hữu, cứ tươi đẹp lạ thường. Đặc biệt là “Gió xuân sao quá sỗ sàng/ Không quen mà nhập cánh màn phòng ta”.
            



婿  
KHUÊ OÁN 
(Vương Xương Linh)
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu. 
NỖI OAN CỦA NGƯỜI PHÒNG KHUÊ
Trẻ trung nàng biết chi sầu,
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương.
Nhác trông vẻ liễu bên đường,
“Phong hầu” nghĩ dại xui chàng kiếm chi.
(Bản dịch của Tản Đà)
Đây là bài thơ có sự tương giao kỳ lạ, sự hài hòa vi diệu giữa cảnh xuân và con người. Con người trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời, tràn đầy sức sống và niềm tin lại sống trong mùa xuân tươi thắm, thanh tân. Bi kịch tinh thần của người thiếu phụ cũng bắt nguồn từ sự hòa hợp, tương đồng ấy. Mùa xuân tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và tuổi trẻ, khi ngắm mùa xuân, người thiếu phụ bất chợt nhận ra mình đã và đang phải sống trong lẻ loi, cô quạnh với cảnh phòng khuê chiếc bóng. Sự vui vẻ, hồn nhiên đã nhanh chóng tan biến như màn sương mờ ảo dưới ánh nắng mặt trời. Nàng chợt nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống là hạnh phúc sum vầy bên người mình yêu mến, bao vinh hoa, bổng lộc chỉ là hư vô cớ sao ta cứ phải phiêu bạt đi tìm mà bỏ quên giá trị đích thực của cuộc sống. Với biện pháp miêu tả thiên nhiên mùa xuân kết hợp với phân tích tâm lí nhân vật một cách tinh tế, Vương Xương Linh đã khéo léo dùng tâm trạng của thiếu phụ để tố cáo chiến tranh gieo đau thương, chia lìa cho biết bao gia đình yên ấm.
       



西
XUÂN OÁN 
(Kim Sương Tự)
Đả khởi hoàng oanh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thì kinh thiếp mộng,
Bất đắc đáo Liêu Tê
(Tây)
OÁN XUÂN
Đánh đuổi cái oanh vàng đi,
Đừng cho nó hót tỉ ti trên cành.
Chim kêu giấc mộng tan tành,
Chẳng cho thiếp tới được thành Liêu Tây.
(Bản dịch của Hài Văn)
Mùa xuân đã trở thành sự thôi thúc khủng khiếp trong lòng người cô phụ. Xuân đến làm lòng người đau nhói khi cứ phải biền biệt xa nhau, càng đi xa về hai phía sự cô đơn, buồn đau càng nhiều. Xuân làm nỗi khát khao tình yêu đôi lứa, hơi ấm sum họp gia đình bùng lên thiêu đốt hồn người, khiến cho người thiếu phụ muốn từ bỏ hoàn toàn trạng thái tâm thức, tìm đến tiềm thức để được gặp chàng ở thành Liêu Tây. Tiếng oanh vàng của thực tại cứ vang lên tỉ tê làm “giấc mộng tan tành” khiến nỗi oán hận mùa xuân bùng lên đến mức người thiếu phụ phải thốt lên: “Đánh đuổi cái oanh vàng đi/ Đừng cho nó hót tỉ ti trên cành”. Mùa xuân mang đến cho con người sức mạnh để đấu tranh chống lại sự cô đơn, xa cách, bền bỉ đợi ngày đoàn viên, hạnh phúc.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mới chỉ khảo sát mùa xuân ở một số bài thơ Đường tiêu biểu trong số hàng ngàn bài viết về mùa xuân. Tuy vậy, chúng ta cũng nhận thấy mặc dù mùa xuân được thể hiện bằng bút pháp chấm phá trên nguyên tắc “vẽ mây nảy trăng, vẽ rồng điểm mắt” với những công thức ước lệ, tượng trưng nhưng mùa xuân trong thơ Đường vô cùng tươi đẹp, thanh tân và tràn ngập sức sống với màu sắc, thanh âm, đường nét và cả hương xuân hết sức phong phú, lung linh, kỳ thú. Mùa xuân trong thơ Đường là biểu tượng của tình yêu, tuổi trẻ, khát khao hạnh phúc, sum vầy nên nó cũng có khả năng thôi thúc con người tìm về với những giá trị đích thực của cuộc sống một cách mạnh mẽ. Mùa xuân còn trở thành động lực thôi thúc trong lòng những người biết nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống và khát khao tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình nhưng chờ đợi đến héo hon trong cô quạnh mà vẫn chưa có được. Mùa xuân trong thơ Đường mang đến cho chúng ta cảm giác thư thái, sâu lắng, bình yên nhưng cũng nhiều day dứt về nhân sinh. Nó giúp ta biết nâng niu, trân trọng hạnh phúc và những điều tốt đẹp mà mình đang có. Nó cũng nhắc ta hãy làm tất cả những gì có thể cho những người mình yêu thương được sống trong yêu thương, bình an, hạnh phúc…
1. Lê Thị Hải, Giới thiệu về bài thơ “Giang bạn độc bộ tầm hoa” của Đỗ Phủ, Webside: Thơ Đường đất Việt. 
Nguyễn Thanh Tuấn - Trần Thị Phương Thúy
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...