Trách nhiệm và khát khao
sáng tạo
Văn chương, tôi đã bước vào
và tôi đang thấy
Viết cho độc giả hay viết
cho mình? Đấy là câu hỏi mà không ít người viết tự vấn bản thân. Riêng tôi, tôi
viết cho tôi, cho nhận thức của tôi, rồi mới đến cho người đọc. Những trang viết
đi ra từ ẩn ức của cá nhân. Tôi giải bài toán ẩn ức của tôi chứ không phải bài
toán viết thế này thì sách bán được bao nhiêu, viết thế kia sẽ bao nhiều người
đọc. Có lẽ, đấy là cái khó của văn chương và cũng là hấp lực của văn chương.
Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Minh
Châu từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Vậy
thì, với người viết, đi đến tận cùng bản thân mình, sẽ gặp quê hương đất nước ở
đấy.
1. Tôi thích cách nghĩ của nhà
văn Nguyễn Bình Phương, rằng: “Xét cho cùng, bản chất văn học là kí ức chứ
không phải là đoán định tương lai. Nói cách khác, văn học là cái còn đọng lại
trong con mắt nhắm.” Theo đó, viết văn, đích thị là cuộc trở về bến cũ trong
tâm hồn mỗi người một cách tinh túy nhất. Tất nhiên, những pha lội ngược dòng
quăng lưới vào kí ức, gần và xa này, thành hay bại, được nhiều hay ít, còn tùy
mỗi người.
Tôi đến với văn chương vô
cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê, thích nghịch đất bờ ao, chơi khăng, đánh
đáo, nhảy dây, trốn tìm. Ngoài ra, tôi nghịch thêm với chữ. Sau mỗi cuốn sách
được xuất bản, tôi càng nhận ra: Chữ nghĩa ấy, văn chương ấy, cánh cửa bước vào
thì rộng, thì không quá khó. Vui chơi thoáng chốc thôi, thì nhẹ nhàng lắm, giản
đơn lắm. Nhưng để đi tiếp, đi đường dài, để sống chết dấn bước, thật không dễ
dàng gì. Hoang mang. Thậm chí có thời đoạn bế tắc. Đi vào “cái còn đọng lại
trong con mắt nhắm” nhiều lúc như người nhắm mắt đi trên xa lộ, hồi hộp và run
rẩy. Nhưng, chính sự còn hoang mang và run rẩy mới khiến tôi viết tiếp được.
Khi đã hết hoang mang và run rẩy, chắc tôi sẽ toàn tâm cho việc khác chứ không
phải viết văn.
2. Người viết, bao giờ cũng có
thế hệ của mình.
Vẫn biết viết là chuyện sáng
tạo của mỗi cá nhân. Nhưng cá nhân không thể và không nên tách mình khỏi thế hệ.
Thế hệ là bệ đỡ của mỗi cá nhân. Đồng thời cá nhân quần tụ làm nên thế hệ. Cá
nhân lớn dẫn dắt cả thế hệ. Chúng ta đã có thế hệ văn học trước 1945, thế hệ
văn học kháng chiến chống Pháp, thế hệ văn học kháng chiến chống Mĩ, thế hệ văn
học miền Nam trước 1975, thế hệ văn học hậu chiến, văn học sau đổi mới. Hay
theo cách tính đương đại hơn, cứ 10 năm một, với thế hệ 5x, 6x, 7x, 8x, 9x. Hội
nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX này là diễn đàn của
thế hệ 8x và 9x.
Nhìn lên phía trước, gần
chúng tôi nhất là thế hệ 7x, đã định hình đội ngũ, xác quyết đường văn với những
nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích
Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần,
Phan Hồn Nhiên, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Gia Thế, Trần Thiện Khanh… Còn thế hệ 8x,
9x? Dường như mới nhấp nhô ra ràng, vẫn đang ở khúc lần mò tìm đường đi cho
mình. Chúng tôi có Trịnh Sơn, Đinh Phương, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê
Vũ Trường Giang, Du Nguyên, Lữ Thị Mai, Cao Nguyệt Nguyên, Minh Moon, Hồ Huy
Sơn, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Dương Quỳnh, Hoàng Công Danh, Mai Anh Tuấn, Đoàn
Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh v.v…
Các tác giả 8x, 9x ra sách
ào ào. Có người “dắt lưng” đến năm, mười đầu sách. Chẳng biết thế hệ trước nhìn
xuống chúng tôi thế nào. Cá nhân tôi thấy tất cả mới là khởi động. Văn chương
ngày nay, dễ đấy mà khó đấy. Dễ trong việc công bố tác phẩm, dễ trong việc tìm
đường đến với người đọc. Nhưng cùng với nó là khó. Khó bởi sự nhiễu của truyền
thông thái quá dẫn đến vàng thau lẫn lộn. Khó bởi lối sống công nghiệp, ồn ào
trôi đi hằng ngày. Mà văn chương đích thực thì không thể vội, không thể là món
ăn nhanh, trước đây là vậy, và bây giờ vẫn vậy.
Tất nhiên, có một số người
viết trẻ đang hồ hỡi và lầm tưởng khi xem thứ văn - ăn - nhanh của mình là văn
học. Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả
bestseller, là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê
phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz. Chưa
bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh
người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Có thể chỉ sau một cuốn
sách tản mạn, ghi chép cảm xúc vụn vặt. Có thể chỉ sau vài ngày hội sách. Tất
nhiên, ai cũng hiểu, cái gì đến nhanh cũng có thể sẽ qua nhanh. Mọi sự ồn ào đều
mang trong mình những hạt mầm của tĩnh mịch cô liêu. Dẫu nhìn ở góc độ phát triển,
đấy là tự nhiên, là cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ
ràng, lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết
phục.
Phê bình trẻ và nhịp điệu đời
sống hôm nay
HÀ THỊ
VINH TÂM, Nghệ
An
- Mặt làm được của
giới phê bình trẻ
Chúng ta có thể thấy thế hệ
phê bình trẻ ở nước ta thường xuyên năng động và nhạy bén khi tiếp nhận các hệ
lý thuyết mới như: Hậu hiện đại, nữ quyền luận, liên văn bản, hậu thực dân, môi
trường luận, tân lịch sử, phân tâm học, hiện tượng luận, mỹ học tiếp nhận.
Cũng nhờ ảnh hưởng của lí
thuyết tiếp nhận nên giới phê bình trẻ có những cách đọc khác nhau, những cách
lí giải khác nhau trên cùng một tác phẩm. Họ hiểu “tác phẩm văn học như một quá
trình”, họ hẳn nhiên thừa nhận “không ai là người phán xử cuối cùng”.
Nhờ mạng xã hội, các cây bút
phê bình trẻ tăng cường tính thời sự cho văn bản phê bình văn học, thể hiện sự
phản ứng nhanh của người đọc trước các hiện tượng, tác phẩm văn học mới.
Một điểm đáng lưu ý nữa là
các nhà phê bình trẻ hôm nay đã quan tâm nhiều hơn đến tính nghệ thuật của văn
chương bên cạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm. Từ đó, họ tránh khỏi lối
mòn của khuynh hướng xã hội học dung tục.
- Mặt chưa làm được của
giới phê bình trẻ
Thực tế công tác lý luận phê
bình hiện nay còn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Người viết phê bình trẻ ở
nước ta gần đây còn quá ít ỏi, khiêm tốn so với các thế hệ trước.
Mặc dù các bạn trẻ hôm nay
được học hành tử tế, đi nhiều nơi, có nhiều cơ hội để nắm bắt thông tin ở đủ mọi
lĩnh vực và trên phạm vi toàn thế giới nhưng ở họ lại thiếu khả năng dung
nạp, tích lũy, mức độ đồng điệu, chuyển hóa và năng lực thẩm thấu những tri
thức sách vở cũng như kinh nghiệm đời sống. Thêm vào đó là những lý do: Thời
gian cầm bút viết phê bình chưa lâu nên kinh nghiệm viết chưa nhiều; còn chịu sự
câu thúc của bát cơm manh áo; tâm lý nóng vội “ăn xổi ở thì” muốn viết là được
in ngay trên các mặt báo,... Một số bài viết tỏ ra điệu đàng, sính ngoại, thậm
chí khoe chữ, làm ra vẻ... Ở một số cây bút trẻ trong khi chuộng văn học nước
ngoài thì lại tỏ ra ít mặn mà với thực tế sáng tác trong nước. Đối tượng mà những
tác giả phê bình trẻ hướng đến chưa bao quát, đa phần thiên về những tác giả,
tác phẩm có tên tuổi, đang gây sự chú ý còn những gương mặt sáng tác trẻ chưa
được những người viết phê bình trẻ quan tâm, phát hiện, giới thiệu.
So với mặt bằng chung của
người đọc bình dân, những tác phẩm phê bình của giới phê bình trẻ thường vượt
quá tầm đón nhận của độc giả bình thường.
Hơn thế nữa, các nhà phê
bình trẻ vẫn chưa có chỗ đứng và vị thế nhất định trên các diễn đàn văn học khi
trong giới chuyên môn chưa chú trọng không khí đối thoại và dân chủ.
Văn học trẻ Tây Nguyên dòng
chảy chậm
NGÔ
THANH VÂN - GIA LAI
Đa số người viết trẻ ở Tây
Nguyên không phải là người dân tộc thiểu số, kèm với việc không am hiểu sâu về
phong tục tập quán của các đồng bào sinh sống nơi đây. Có lẽ vì vậy, trong tác
phẩm của họ thiếu hẳn hơi thở của màu sắc bản địa. Đây là một phần thiếu sót
trong bức tranh văn học Tây Nguyên.
Điểm danh các tác giả trẻ
trên 5 tỉnh Tây Nguyên để biết thêm về số lượng người trẻ đam mê văn chương
trên vùng đất này:
Thế hệ 7x: Đặng Minh Sáng,
Hoàng Việt, Nguyễn Phúc Đoan, Đinh Su Giăng (Kon Tum); Miên Di, Hoàng
Thanh Hương, Vũ Thu Huế (Gia Lai); Nguyễn Văn Thiện (Đak Lak); Nguyễn Minh Hạnh,
Trần Hoàng Vũ Nguyên (Lâm Đồng), Võ Thủy (Đak Nông).
Thế hệ 8x: Niê Thanh Mai, H
Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’ Phila Niê, H’Wêra Nguyễn Anh Đào (Đak Lak), Y Việt Sa,
Phạm Doãn Thị Mãi, Hồng Thủy Tiên (Kon Tum), Đào An Duyên, Lê Vi Thủy, Lê Kim
Sơn, Tạ Ngọc Điệp, Trương Thị Chung, Trần Hồng Vân và tôi (Gia Lai), Cát
Miên, Lê Miên Ca, Lê Hòa (Lâm Đồng), Nguyễn Kiên Nhẫn (Đak Nông).
Với sự góp mặt của hơn ba
mươi cây bút rải rác 5 tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là một niềm hy vọng cho văn học
ở vùng đất này. Tôi tôn trọng cách họ đến và sống với văn chương. Mỗi cây mỗi
hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có những công việc riêng, việc tìm đến văn chương
để giải tỏa hay dấn thân tùy ở quan điểm của mỗi người. Nhưng nên mừng vì có một
sự gặp gỡ giao thoa nhau của hơn ba mươi tác giả, cụ thể là các tác giả trẻ. Họ
trẻ về tuổi nghề thì nên động viên khích lệ. Bởi có vinh quang nào không xây dựng
từ những tận cùng khổ đau. Gạo có trắng cũng vì qua xay giã dần sàng. Vì vậy,
dòng chảy chậm này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Nó vẫn âm thầm miệt mài xuôi về biển
lớn. Bạn mặc áo hoa, dòng chảy chậm sẽ mặc áo màu. Màu nào không cần quan tâm.
Điều đáng quý là ngoài cuộc sống cơm áo gạo tiền với những cuồng quay, các bạn
trẻ đã lặng lẽ chọn cho mình thêm con đường chữ nghĩa. Đây cũng chính là cách tự
giáo dục mình để giữ cho tâm sáng lòng trong. Hay cũng là một cách hướng thiện
cho xã hội.
“Hữu xạ tự nhiên hương” là
điều người cầm bút nào cũng hiểu và nên hiểu. Chẳng tuyên ngôn nào thuyết phục
bằng chính sản phẩm của tư duy, của sáng tạo. Chuẩn về hay cũng rất vô chừng.
Văn chương là cảm. Mà cảm ở mỗi người cũng rất khác nhau. Nên anh cứ viết. Chưa
luận bàn đến hay dở. Bởi, tác phẩm tự thân. Nếu tác phẩm có giá trị thì sau khi
rời cơ thể mẹ, nó sẽ có một đời sống riêng. Gạt bỏ những chiêu trò lăng xê,
P.R, đánh bóng, sau những ồn ào hào nhoáng về hình thức, tác phẩm giá trị sẽ ở
lại với cuộc đời, với con người. Còn không, thì tại thời điểm đó, nó cũng đã
hoàn thành xong vai trò và chức năng giải trí của mình. Cũng như con người, đến
rồi đi khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ, và bổn phận của mình trước cuộc đời.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn,
dòng chảy vẫn trôi, văn học vẫn cứ nhịp nhàng đi tới. Ở nhánh sông rẽ về Tây
Nguyên, con nước vẫn lặng lẽ âm thầm. Chưa có tác giả tạo nên tiếng vang mạnh mẽ,
điều này không đồng nghĩ với việc không còn ai chọn con đường khổ ải với chữ
nghĩa làm cái tâm của cuộc đời mình. Lửa rơm bao giờ cũng cháy phừng soi tỏ mặt
người nhưng lại rất nhanh tàn. Chúng tôi, những người cầm bút ở Tây Nguyên chỉ
muốn làm hòn than âm ỉ cháy. Và tôi luôn nghĩ “không thành công cũng thành
nhân”câu nói của Nguyễn Thái Học sẽ là động lực giúp tôi còn bền tâm với ngòi
bút của mình.
Thơ và suy nghĩ về thơ trẻ
THY
LAN
Cách tân thơ đòi hỏi từ hai
phía người sáng tác và nhu cầu người thưởng ngoạn. Nhất là trong thời đại các
kênh giải trí vô cùng đa dạng, thơ cần sự bứt phá, đổi mới trong khi vẫn phải
gìn giữ bản sắc vốn có - Bản sắc truyền đời của thơ. Đã có không ít người tự bằng
lòng, tự ru ngủ chính mình mà quên đi “sự trì trệ”, vốn không phải là đặc tính
của thi ca. Trong thẳm sâu mỗi tâm hồn người dân đất Việt đều có truyền thống
yêu thơ, coi thơ như một ngôn ngữ để giao tiếp, để giải bày, để truyền cảm xúc,
để lưu giữ nét đẹp, nét văn hóa của một dân tộc.
Cái làm nên sự hấp dẫn cho
thơ là cảm xúc được cô đọng thông qua ngôn ngữ chắt lọc. Sức hấp dẫn của thơ
còn bởi tính cá thể của nhà thơ được đặt lên hàng đầu, thành điều kiện “cần” của
việc làm thơ. Thơ Thanh Hóa nói chung, thơ trẻ nói riêng không tách rời quy luật
vận động khắt khe ấy. Còn những nhà thơ trẻ thì sao? Trẻ là yếu tố góp phần làm
thay đổi diện mạo văn học. Trẻ gắn liền với sự sung sức, sự phát hiện, bung phá
thậm chí là gầm gào, mất trật tự, hay là sự vượt thoát đầy táo tợn. “Họ ra đời
trong sự bầm dập, éo le mà họ trải qua. Nhưng họ phản ánh được linh hồn Việt
Nam thời nay và mở được đường biên thi ca hòa vào với thế giới”. Đó là Trần Tuấn,
Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Lữ Thị Mai, Nguyễn Tiến Triều, Tú Anh, Hồng Thủy
Tiên, Hoàng Chiến Thắng, Đoàn Văn Mật…
Xu hướng phát triển của thơ
trẻ:
Xu hướng một là phát triển
thể thơ cũ nhưng biên độ cảm xúcđược mở rộng, đưa thơ đến gần hơn với đời sống
Cần có cách nói khác, cách
diễn đạt khác khi mà trình độ dân trí, khả năng am tường thơ đã ngày một nâng
cao.Ý và lời phải mới trên nền thể thơ cũ. Điều kiện sống còn của thơ là phải
làm cho thơ bắt nhịp với cuộc sống sục sôi đang diễn tiến hàng ngày đáp ứng
nguyện vọng của người thưởng thức mới.
Phát triển thơ chủ yếu theo
xu hướng kế thừa thể thơ cũ, có ý thức làm mới bằng ý và từ ngữ, ở Thanh Hóa lớp
trẻ có Phạm Tú Anh. Sinh ra trên mảnh đất Ngọc Lạc - Thanh Hóa, Tú Anh là cây
bút trẻ và hiếm đại diện cho tiếng nói của đồng bào dân tộc miền núi. Thơ Tú
Anh có một cái gì đó mộc mạc, đằm thắm, vừa riêng của bản Mường nhưng vừa chung
rất Việt.
Xu hướng thứ hai thơ đương đại
cách tân cả nội dung và hình thức thơ.
Thơ tự do là hình thức được
sử dụng nhiều nhất vì nó phù hợp với cuộc sống phóng khoáng hôm nay.
Lữ Thị Mai phát triển thơ chủ
yếu thiên về xu hướng thứ hai, đây là cây bút được bạn đọc chú ý.
Cô biết tâm sự những điều thầm
kín nhất, mà không làm mất đi sự tinh tế vốn có, “thú giải phóng năng lượng”
mang yếu tố bản năng ai cũng biết, mà ai cũng “giả vờ coi như chưa bao giờ biết”:
“Cũng đã đôi lần len lén/ Bắt chước con mèo vuốt vụng bóng đêm/Ngón ngón mỡ
màng”. Câu thơ mơ hồ đầy ẩn ý. Ẩn ý xuất phát từ tình ý.
Cũng ở xu hướng này còn có
Mai Hương. Cũng ở chủ đề tình yêu, Mai Hương tỏ ra già dặn hơn trong suy nghĩ,
có gì đó như chiêm nghiệm, như nếm trải hơn nên có được sự sắc sảo. Còn ở Nguyễn
Hải, cây bút được đào tạo từ Trường viết văn Nguyễn Du có cách viết nhiều khi
thiên về cảm xúc mà ít quan tâm đến tứ. Thơ Hải lãng mạn và nhiều suy tưởng,
nhiều chiêm nghiệm. Cái cần nhất ở Hải là làm sao để luôn làm chủ mạch cảm xúc,
tránh sự dàn trải.
Qua một số bài thơ của một số
tác giả trẻ Thanh Hóa có thể nhận thấy xu hướng thứ hai được họ lựa chọn nhiều
hơn. Phải chăng, nó phù hợp hơn với tốc độ tiếp nhận thẩm mỹ của đời sống hiện
đại.
Bên cạnh đó một dòng thơ hiện
đại mang đầy nỗi bất an và niềm hoài nghi thường trực về thế giới con người vẫn
đang âm ỉ trong dòng chảy văn học. Cái được của dòng thơ này là sự trỗi dậy của
cá nhân vô cùng mạnh mẽ với tất cả sự thành thực. Ở một dịp khác tôi sẽ đi sâu
hơn về xu hướng này.
Lạ hóa là thủ pháp “số đông”
của thơ ca đương đại. Tuy vậy, phải nói thêm rằng lạ hóa để làm mới thơ ca
không có nghĩa là khuyến khích thứ thơ kỳ quặc, “lập dị”, “đánh đố”, thô tục
hay phô dục. Lạ hóa mà vẫn tinh tế, gợi mà sâu lắng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định:
“Có cái mới nhưng không hay. Đạt đến cái hay thì luôn luôn mới.”
Cuộc vượt thoát của những
người trẻ
LÊ VŨ TRƯỜNG
GIANG
Chúng ta là những người viết
trẻ, có những bạn ở đây đã thành danh, có sự nghiệp, thuơng hiệu; có những bạn
viết đang chập chững vào nghề. Nhưng dù là ai đi chăng nữa chúng ta cần nhận thức
rằng không thể có được những điều chúng ta muốn ngay lập tức, ví như bạn muốn rằng
tên tuổi của bạn được mọi người biết đến, bạn là một nhà văn lớn trong tương
lai. Hãy tin rằng, cứ tiếp tục hình dung giấc mơ của bạn, tin tưởng vào nó, sống
như thể nó đã là của bạn thì chẳng bao lâu sau, trước khi bạn nhận thức được, sự
nghiệp sẽ xuất hiện ngay trước mắt bạn.…
Trên hành trình của mình, một
bản đồ chỉ đường cho chúng ta cần phải lập ngay bây giờ, là chiến lược phát triển,
chiến lược viết. Dù không hoàn thành tất cả mọi ước mơ, kế hoạch nhưng trong nỗ
lực làm việc và khả năng cho phép của chúng ta, thì đó cũng là một thành công
chấp nhận. Tuy nhiên, hành tranh của một nghiệp viết, không dừng lại ở ước mơ,
chúng ta phải chuẩn bị cho mình những “bảo bối viết” cần thiết. Các nhà văn tiền
bối đã chỉ cho chúng tôi kim chỉ nam của sự sáng tạo trong bốn chữ: “Đi - học
- đọc - Viết”. Đi khắp nơi, đi tất cả, đi nơi mình thích, đi lúc nào có thể đi,
đi một mình, như Đại văn hào Voltaire: “Niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc
đời là sự cô độc bận rộn” vì được đi. Trong số những bạn văn chúng tôi biết,
Văn Thành Lê là một người chịu khó đi, hầu như có cơ hội anh đều tự “điền dã” đến
những nơi danh lam, thắng cảnh, địa chỉ văn hóa để lấy tư liệu, cảm hứng, nguồn
dữ liệu vô biên của sự viết. Học những gì có thể học, bất kỳ lĩnh vực nào, học
các bạn trẻ, những nhà văn lớn, học những ai có thể học. Điều này nhiều bạn văn
đã đi rất xa như Hoàng Công Danh, Vũ Văn Song Toàn, Trịnh Sơn, Nguyễn Thị Kim
Hòa… Đọc gần đọc xa, đông tây kim cổ, trong nước, nước ngoài, văn học, ngoài
văn học, đọc để kiến văn mở rộng, đọc sâu, đọc sát, đọc chuyên, đọc triệt. Đinh
Phương, Phan Tuấn Anh… là những người mê sách, chơi sách mà chúng tôi biết và sự
đọc của họ đáng để chúng ta học hỏi. Và cuối cùng mới là sự viết khi sự hoài
thai đã đến độ viên mãng sau những hành trình trên. Nguyễn Kim Hòa là minh chứng
cho sự đam mê viết, khó nhọc viết và những những thiệt thòi về sức khỏe không
ngăn cản được chị. Nguyễn Văn Học, Văn Thành Lê, Meggie Phạm, Vũ Thị Huyền
Trang… là những cây bút trẻ sức viết dồi dào. Sự tìm tòi lối viết, chúng ta còn
có thể thấy trong những trang văn của Lê Minh Phong, Đinh Phương, Nhật Phi, Nhụy
Nguyên, Trịnh Sơn… Nhiều bạn văn khác chứng minh thành quả trên giá sách, được
các giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như Anh Khang, Hamlet Trương, Hồng Sakura…
Con đường sáng tạo lắm chông
gai và cũng đầy hương mật. Chữ nghĩa dễ làm con người ta si mê bao nhiêu thì
“con quỷ” kiêu mạn lớn thêm bấy nhiêu. Chúng ta rất dễ bỏ rơi những đứa con
tinh thần của mình, là hồn cốt, da thịt của chúng ta, thay vào đó là chạy theo
những tấm thẻ màu mè, tạm bợ. Gốc sáng tạo được quyết định bởi độ trong trẻo của
tâm. …Tài năng có thể giúp chúng ta vươn lên đỉnh thành công một cách nhanh
chóng, nhưng nó không thực sự giúp người ta nhớ đến bạn cũng như giúp bạn giữ
được thành công của mình bằng “văn cách” đạo đức của bạn.…
Những người viết trẻ chúng
ta cần thiết góp mặt mình trong những “tự sự về đất nước” thay vì những mục
đích nào khác. Chính chúng ta góp phần trưng dẫn và phát huy Việt tính trong
dòng chảy Toàn cầu hóa. … Nhà phê bình trẻ Đoàn Huyền đã nói về thực tế này “…quán
tính và áp lực mạnh nhất của văn học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn là
ám ảnh về hiện thực và quán tính phản ánh hiện thực trên những khuôn nền cũ”.
Và tác giả cũng chỉ ra thứ “tinh thần phản hiện thực - phản hiện thực truyền thống
của văn học Việt Nam. Tinh thần phản hiện thực muốn tách rời khung hiện thực
trước mắt và mở rộng “biên độ” của hiện thực được phản ánh. Đó cũng là lối đi mới
cho văn chương mà những người viết trẻ chúng ta nên chú tâm. Những “khung cửa hẹp”
khác đã mở ra và ngày càng rộng thêm, như thành tựu của dòng văn học hiện thực
huyền ảo, văn học hậu hiện đại hay những kiểu lục bát cách tân, thơ Tân hình thức
và vô số sự tự do khác trong văn học… đã cho chúng ta thấy sự tiếp biến, phát
triển và là vận hội để bàn tiệc văn học thêm đa sắc màu.…
Nghiệp viết suy cho cùng là
cái duyên phú, là sự phân công của xã hội để giữ lại hồn cốt, tâm lý, thể tính
của thời đại chúng ta đang sống. Chúng ta may mắn sống trong hòa bình, nhiều cơ
hội, thuận lợi được mở ra cho văn chương. Ngoài kia, “những chân trời không có
người bay” vẫn đương chờ chúng ta gặt mây và hái nắng.
Những khó khăn đối với người
viết văn xuôi trẻ DTTS
ở Cao Bằng trong nhịp sống
hiện đại
NÔNG QUỐC
LẬP
Theo nghiên cứu của nhà văn
Hữu Tiến thì “ở Cao Bằng khoảng 80% các tác giả viết văn xuôi là người dân tộc
Tày. Những người viết chủ yếu lấy Tiếng Việt làm ngôn ngữ biểu đạt cho các sáng
tác của mình. Song Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, vì vậy người viết cần
phải vượt qua cửa ải ngôn ngữ mới nghĩ đến việc sáng tác. Về lĩnh vực ngôn ngữ
nếu các tác giả người Kinh cố gắng một thì các tác giả là người dân tộc phải cố
gắng mười”.
Sáng tạo tác phẩm là việc
đánh vật với những con chữ, sáng tạo ngôn ngữ, một việc nhọc nhằn đầy vất vả
gian truân. Hồi học đại học, tôi đã sáng tác những tác phẩm đầu tay, trước khi
cầm bản thảo viết tay, đạp xe đạp đưa đến tòa soạn một số tờ báo tôi đã đưa cho
bạn bè đọc. Bạn tôi nói “ông viết khá, nhưng ông cần viết dựa trên tư duy và
suy nghĩ của dân tộc ông. Ông không nên viết bằng tư duy người Kinh, ông sẽ
không thành công”.
Tự mở lối đi cho riêng mình,
con đường lắm chông gai. Đến nay tôi đã ra được một số đầu sách, một số tác phẩm
được in trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương, nhưng mỗi khi đọc lại
tôi đều chưa thấy hài lòng với chính mình. Nhiều khi thấy nản lòng không muốn
tiếp tục sáng tạo, bởi những nguyên nhân:
Thứ nhất, khi hoàn thành tác
phẩm, chỉnh sửa xong gửi in ở các tờ báo, tạp chí văn nghệ ở Trung ương, các
tác giả ở xa không có điều kiện trao đổi trực tiếp với các nhà văn làm công tác
biên tập ở tòa soạn, không biết “đứa con tinh thần” của mình có những khiếm
khuyết nào cần phải chỉnh sửa ra sao để có thể cho ra mắt độc giả? Về tác phẩm
in trên các báo, tạp chí chuyên sâu về văn nghệ như báo Văn nghệ, tạp chí Văn
nghệ quân đội, Văn nghệ công an… theo cảm quan của tôi thì tác phẩm của các tác
giả dân tộc thiểu số tần suất xuất hiện có phần lép vế rất nhiều so với các tác
giả là người Kinh. Có thể việc không quen biết, việc ở xa không có điều kiện
trao đổi, gặp gỡ trực tiếp với người biên tập ảnh hưởng đến việc in ấn tác phẩm
chăng? Hay tác phẩm viết chưa đạt chất lượng để có thể in? Nếu được trao đổi trực
tiếp, tác giả tự chỉnh sửa, viết lại theo một hướng mới để tác phẩm mang tầm
vóc mới, có thể chuyển tải trên mặt báo.
Thứ hai, đối với việc in
sách, ngày nay việc in sách thuận lợi hơn trước rất nhiều. Có đủ tác phẩm là có
thể ra sách, in bằng tiền túi, bằng tiền tài trợ hằng năm của hội địa phương,
Trung ương. Song sách in ra chất đống ở góc nhà, sách chủ yếu để biếu thư viện,
tặng các bạn thơ văn là chính. Những nhà văn sinh sống và sáng tác ở Cao Bằng
khi ra tập truyện ngắn, tiểu thuyết… gần như không bán được sách. Các tác giả
đã thành danh sách in ra còn không bán được, những người viết trẻ như chúng
tôi, bản thân sinh sống ở miền biên giới xa xôi, dù có bản thảo có thể in sách
nhưng với cái tên xa lạ thì liệu có nhà xuất bản, nhà sách nào dám bỏ tiền ra để
in ấn tác phẩm? Vậy là các tác giả in sách bằng nguồn tài trợ hằng năm của hội
địa phương, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam… Những cuốn sách được tặng,
tác giả chỉ mong người được tặng dành chút ít thời gian để đọc, nhưng không phải
ai được tặng cũng dành thời gian đọc. Nhìn những quyển sách còn nguyên trên
giá, hoặc những quyển sách được tặng bị đem nhóm bếp mà người viết ra nó vô
tình nhìn thấy, biết được không khỏi xót xa. Việc quảng bá, tổ chức buổi lễ ra
mắt, ký tặng tác phẩm đối với tác giả dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh lẻ là một
chuyện mơ ước, xa vời. Tác giả không thể tự tổ chức bởi người viết văn không có
kinh phí để thực hiện.
Thứ ba công việc sáng tạo là
việc âm thầm lặng lẽ, vất vả, nhọc nhằn không ai biết và dễ cảm thông. Bản thân
tôi là người sinh sống ở làng quê, huyện biên giới xa xôi, hội văn nghệ địa
phương quan tâm, tạo điều kiện cho đi dự trại sáng tác, in ấn tác phẩm trên tạp
chí. Nhưng tạp chí in với số lượng khiêm tốn, phát hành khá hạn hẹp nên không
có nhiều người biết đến. Ở làng bản tôi đang sống không có người nào biết tôi
đang tập tẹ viết văn, họ càng không hiểu khái niệm nhà văn là như thế nào. Cán
bộ lãnh đạo xã chỉ quan tâm đến chuyện thu nhập, chuyện cơ cấu cán bộ, chẳng cần
quan tâm đến sách báo, văn chương. Họ chỉ quan tâm đến tiền bạc, không cần quan
tâm đến chuyện đời sống văn hóa, khi họ nghe được khái niệm đứt gãy văn hóa dẫn
đến chuyện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống thì tỏ ra rất đỗi ngạc
nhiên, xa lạ, xem nó đang ở đâu đó rất xa còn lâu mới đến với họ. Báo chí cấp
phát về địa phương họ còn để chất đống không đọc thì làm sao họ bỏ tiền ra mua
tác phẩm văn chương? Tờ tạp chí của tỉnh được gửi về các xã, nhưng chẳng mấy
người quan tâm để ý. May mắn có người nhòm ngó tới, lôi ra nhưng họ chỉ lướt
qua chứ không đọc vì… không có thời gian và quá dài. Trong khi đó họ lại có thời
gian lướt web, vào mạng xem phim trực tuyến!
Không chỉ có cán bộ cơ sở
không quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật trong tỉnh mà ngay cả một số cán
bộ đang công tác ở các sở ngành cũng không biết đến đời sống văn học nghệ thuật
ở địa phương mình. Một số người còn hỏi “nhà văn họ làm những công việc gì?”,
hay Hội văn học nghệ thuật nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Văn hóa, thể
thao và du lịch… Xem ra cái gọi là “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”
không được quan tâm coi trọng. Vật chất quyết định ý thức, văn hóa dường như
luôn đi sau kinh tế, bị kinh tế chi phối.
Cũng cần phải nói thêm rằng
việc quan tâm, bồi dưỡng nhằm tìm ra những người trẻ có năng khiếu văn chương,
gợi mở, cho con đường văn chương của họ cũng chưa được hội văn nghệ địa phương
quan tâm đúng mức, khiến cho người viết cảm thấy lẻ loi trên con đường lắm
chông gai, trắc trở. Nhiều năm qua ở hội địa phương chúng tôi không mở được các
trại sáng tác nào dành cho những người có khiếu văn học nghệ thuật dành cho tuổi
teen, những người viết trẻ. Những người trẻ tuổi họ có cái nhìn mới mẻ, trong
sáng về nhịp sống hiện đại. Chúng tôi đã được đọc những trang viết của một số
em học sinh giỏi văn, những trang viết của các em chưa thể gọi là tác phẩm văn
chương, nhưng nếu được những nhà văn có kinh nghiệm góp ý, gợi mở vấn đề nhất định
họ có thể viết tốt hơn.
Thơ trẻ Việt Nam - Nhìn từ
những cách tân theo hệ hình hậu hiện đại
PHAN TUẤN
ANH
Nhằm xác lập một căn cước
thơ trẻ, tôi nghĩ cần đặt ra hai tiêu chí cơ bản định nghĩa khái niệm. Thứ nhất,
thơ trẻ phải là thơ do những người trẻ tuổi làm ra, và độ tuổi của họ chỉ được
phép xấp xỉ tối đa trên dưới 30 tuổi. Thứ hai, thơ trẻ phải bao gồm một nội hàm
về mặt “chất lượng thơ”, tức là phải bao hàm trong nó một sự cách tân tư duy
thơ so với những thế hệ trước. Theo nghĩa ấy, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay,
bộ phận thơ trẻ có nhiều đóng góp nhất là viết theo hướng cách tân hậu hiện đại
(postmodern), dù hướng cách tân này không phải là duy nhất và những hướng viết
theo các khuynh hướng, tư trào khác không hẳn là không còn giá trị. Một cách
khái quát nhất, tôi chia thơ trẻ ra thành ba hướng cách tân tiêu biểu theo hệ
hình hậu hiện đại.
Thơ như là trò chơi ngôn ngữ
Đọc lại thơ trẻ đương đại
ngày nay, có thể thấy những tác giả xem sự viết không còn mang đặc tính thiêng
liêng, chức năng xã hội nghiêm túc kiểu “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” nữa,
mà nhấn mạnh đó một trò chơi thuần túy của ngôn ngữ. Cái hài, sự bông đùa, nghịch
ngợm được lên ngôi. Thơ trẻ hiện nay cất giọng vui, bông đùa “lần đầu tiên đi
xe ga - thấy rằng nó cũng khá là vu vi - lần cuối cùng đi xe gì - thế mà cũng hỏi
hì hì - xe tang” (Nguyễn Thế Hoàng Linh). Sự chuyển giọng thơ một cách triệt để
này có những cội nguồn sâu xa từ việc đổi mới quan điểm mỹ học theo hướng hậu
hiện đại. Chúng ta thấy thơ viết theo hệ hình hiện đại của Trần Dần, Lê Đạt,
Dương Tường, Đặng Đình Hưng có những nét rất gần với thơ hậu hiện đại, (…). Tuy
nhiên, thơ hiện đại hầu hết không vui, không bông đùa, không dễ hiểu, không
mang bản tính trò chơi, thậm chí nhiều khi nó còn tỏ ra hàn lâm, khó hiểu và
thách thức những giới hạn của sự đọc.
Thơ trẻ ngày nay viết về những
thứ tưởng chừng như rất bình thường, thậm chí tầm thường, vụn vặt của đời sống
thường nhật, nhưng ẩn đằng sau nó là thân phận con người trong một quỹ đạo sống
mới (thời bình), môi trường mới (môi trường mạng internet) và những quan hệ xã
hội mới (quan hệ ảo trên mạng xã hội). Khuynh hướng sáng tạo thơ theo mỹ cảm
trò chơi ngôn ngữ hiện nay có thể vấp phải nhiều phản tiếp nhận, hoặc có thể tạo
ra những cú shock mỹ học cho bạn đọc phổ thông (và có thể cả bạn đọc chuyên
nghiệp).
Thơ như là sự phì đại ngôn ngữ
Thơ trẻ hậu hiện đại ngày
nay còn chứng kiến một khuynh hướng khác, sự “phì đại”/thậm phồn (hyper) về mặt
ngôn ngữ (cái biểu đạt). Mỹ học thơ cổ điển nhấn mạnh đến đặc trưng “ý tại ngôn
ngoại”, ít lời nhiều ý. Tuy nhiên, những nhà lập thuyết hậu hiện đại đưa ra
quan niệm nền văn hóa của chúng ta đang sống vốn được xây dựng trên những vật
ngụy tạo/giả tượng (simulacra) - tức là những nghệ phẩm được nền công nghiệp
nghe nhìn tạo ra như những vật copy không có bản gốc. Chính từ nền tảng triết -
mỹ này, văn học hậu hiện đại chứng kiến một khuynh hướng bành trướng ngôn từ khủng
khiếp, đúng theo quan điểm về sự phì đại ngôn ngữ.
Thơ trẻ đương đại ngày nay
chứng kiến nhiều người quay trở lại với trường ca, dĩ nhiên trường ca hậu hiện
đại khác với trường ca của văn học kháng chiến giai đoạn (1945 - 1975). … Giọng
điệu trường ca hậu hiện đại là bi đát, đi sâu vào những bi kịch tâm hồn, chấn
thương tâm lý, sự rạn vỡ bản thể bề sâu bên trong. Lê Hưng Tiến có lẽ là người
chuyên chú với trường ca nhất trong thế hệ những nhà thơ đầu thế kỷ XXI. Thi phẩm
với cái tên khá “kì cục” của anh là Ễn lên đêm xứng đáng là một trường
ca của “cái khác”, nơi chứng kiến sự phì đại của ngôn ngữ.
Một nhà thơ trẻ khác không
viết trường ca, nhưng có dụng ý giãn nới những thi phẩm của mình lên dung lượng
của những trường ca đó là Trịnh Sơn. Đọc kĩ lại tập thơ đầu tay của anh là Thơ ,
chúng ta có thể thấy trong tập thơ có ít nhất ba bài (Tuổi trẻ, Scarlett áo
xanh và Đứa bé) mang cấu trúc đa tầng bậc, được chia thành nhiều
chương và có độ dài vượt quá khuôn khổ một bài thơ thông thường để xâm lấn thể
loại để trở thành trường ca (...) Tất cả sự đồ sộ về độ dài (mười mấy trang) và
dung lượng miêu tả (nhiều thân phận xuyên suốt gần hết cả cuộc đời) đã biến thơ
Trịnh Sơn thành bản tường trình chân dung tinh thần con người hậu hiện đại Việt
Nam.
Thơ bước sang cuộc phiêu lưu
mới mẻ của những kẻ “lắm lời”, “dài dòng” đầy dụng ý/công nghệ thuật.
Thơ như là sự cực hạn ngôn
ngữ
Đối lập lại với khuynh hướng
phì đại về mặt ngôn ngữ là khuynh hướng cực hạn/thiểu tố (minimalism) trong văn
học hậu hiện đại. Đứng trước những chấn thương tinh thần sau hai cuộc đại thế
chiến như bom hạt nhân thả tại Hiroshima, Nagasaki, Holocaust (thảm họa diệt chủng
người Do Thái), chiến tranh lạnh, các cuộc đối kháng thế hệ những năm thập niên
60 thế kỷ XX tại châu Âu, một nền văn chương “của sự im lặng” ra đời. …
Thơ trẻ Việt Nam đương đại
trong cuộc chuyển mình theo hệ hình hậu hiện đại, nhiều người hướng ngòi bút
theo lối cực hạn. Những bài thơ của họ có dung lượng cực ngắn, chỉ hai câu hoặc
bốn câu với vài chục âm tiết, nhiều nhà phê bình gọi đây là thể thơ mini. Nhưng
thơ mini chỉ đề cập đến mặt hình thức, dung lượng từ của bài thơ. Thơ cực hạn
thực ra còn hạn chế tối đa sự diễn giải nội tâm nhân vật trữ tình, từ chối việc
miêu tả hiện thực bên ngoài, không bày tỏ tình cảm một cách tường minh. Mỗi bài
thơ như một chấm phá, một gợi ý, đề dẫn, vẫy gọi người đọc lấp đầy vào chỗ trống.
Nhà thơ trẻ điển hình nhất và cũng có nhiều thành tựu nhất trong xu hướng cách
tân này có lẽ là Nhụy Nguyên.
Ở một góc độ chiết trung
hơn, thơ Nguyễn Lãm Thắng trong tập Đầu non cuối bãi vừa kết hợp
hướng triết luận vô ngã với hướng chơi chữ, tạo thành một phong cách mà tôi gọi
là “tân cổ điển” trong thơ mini. Ví dụ: “Cuộc đời là một chuyến đi - Về nơi huyệt
mộ, có chi mô nờ” <Nghĩ>. Nhưng không phải với một giọng điệu kinh kệ
nghiêm trang như Nhụy Nguyên, Nguyễn Lãm Thắng bông đùa, suồng sã, thế tục hóa
với cụm từ “có chi mô nờ” - vốn là một đơn vị ngôn ngữ ngoại lai với thơ ca, thứ
khẩu ngữ của đời sống thường nhật. Thơ hậu hiện đại nói chung tuyệt đối không
bi lụy, không khóc than về thế giới, cho dù nó nhận ra tính bi đát của thế giới
ấy.
Ba khuynh hướng cách tân thơ
(hậu hiện đại) hiện nay có thể chưa đủ màu sắc để có thể vẽ lên một cách trọn vẹn
bức tranh thơ trẻ của Việt Nam đương đại. Nhưng rất có thể trong ngày mai, trước
sự thử thách khắc nghiệt của thời gian sẽ làm phôi pha những chi tiết thừa, những
màu sắc nhạt, bức tranh thi giới tương lai của đất nước sẽ được khắc họa, tô đậm
bởi những những gì dự cảm, phôi thai, thể nghiệm hôm nay của những thi nhân trẻ
nằm trong các khuynh hướng nói trên.
Nguồn Văn nghệ số
40/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét