Mùa xuân và tình yêu trong
“Một năm khởi đầu bằng mùa
xuân, đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ”. Tự nhiên như thế, tuổi trẻ thường được
dùng bằng một khái niệm đầy chất thơ - tuổi xuân. Mùa xuân gắn với tuổi trẻ, gắn
với thơ, với tình yêu... có lẽ cũng là vậy. Thơ tình gắn với mùa xuân chiếm một
số lượng không hề nhỏ. Thơ tình là những “cây đàn muôn điệu” chạm vào từng ngõ
ngách tâm hồn con người, hòa cùng với mùa xuân, trở thành những khúc tình ca trẻ
mãi với cuộc đời....
Nói đến mùa Xuân là nói đến
mùa ấm áp, khí hậu trong lành, bầu trời luôn sáng sủa và quang đãng với “ trời
xanh, mây trắng, nắng hồng”...Những hình ảnh xuân non mơn mởn trong cảm nhận của
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đi vào thơ, vào lòng người thật nhẹ nhàng, sâu
lắng:
“Ngày xuân con én đưa
thoi
Thiều quang chín chục đã
ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một
vài bông hoa...”
(Truyện Kiều)
Mùa xuân là mùa của tình
yêu. Thế nên Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong ngày hội
Đạp thanh của tiết thanh minh này. Để rồi, trong cảnh thanh dịu, tinh khôi của
mùa xuân ấy, đôi trai tài gái sắc từ lần gặp gỡ đầu tiên đã “Tình trong như
đã...” để lại cho đời một thiên tình sử bất hủ.
Không cần biết xuân từ đâu tới,
không phải mất tiền mua, vạn vật trên trái đất cứ tự nhiên được tận hưởng mùa
xuân với muôn hoa đua nở, không khí trong lành, ấm cúng. Cũng chính vì thế mà
ai cũng mong đợi mùa xuân. Nhà thơ Nguyễn Bính đã cảm nhận mùa xuân bằng những dòng
thơ thật hồn nhiên, sôi nổi, trong sáng:
“Từng đàn con trẻ chạy xum
xoe
Mưa tạnh trời quang nắng
mới hoe
Lá nõn cành non ai
tráng bạc ?
Gió về từng trận gió
bay đi.”
Mùa xuân đến, trẻ con “chạy
xum xoe” với niềm vui con trẻ, được vui chơi, được mẹ cho áo mới, được ăn
ngon... còn với những chàng trai, cô gái, những con người sở hữu tuổi thanh
xuân, sở hữu và làm nên tình yêu- thứ tình cảm trung tâm của vũ trụ, họ nghĩ gì,
chờ đợi gì ở mùa xuân?
Tình xuân của Nguyễn Bính Bắt
đầu là cái thắt lưng xanh của một cô gái vừa ra khỏi lũy tre làng. Đó là tứ
thơ mộc mạc, gần gũi mà không phải thi sĩ nào cũng phát hiện ra:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh
minh
Tôi đợi người yêu đến tự
tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận
thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng
xanh
(Mùa xuân xanh)
Một màu xanh bát ngát, mênh
mông tràn ngập cả không gian. Trời xanh sắc mây, mặt đất xanh màu xanh của lá
cây, của đồng lúa mạ...Màu xanh quấn quít, nhiều tầng, nhiều lớp. Nhìn phương
nào ta cũng bắt gặp một màu xanh bát ngát đến vô tận. Thế mà chàng trai vẫn nhận
ra cái thắt lưng xanh của cô gái. Điều đó đủ thấy chàng đã chờ đợi,
tìm kiếm cô gái ấy như thế nào. Cái thắt lưng nhỏ bé không hề bị trộn lẫn vào
màu xanh mênh mông kia. Vì sao thế? Vì đó là tình yêu!
Mùa xuân ở phía Bắc mang nét
đặc trưng riêng. Còn ở phía Nam thì bốn mùa không phân biệt rõ, mà ta chỉ thấy
hai mùa mưa nắng tiếp nhau. Mùa xuân bắt đầu là nắng. Có lẽ nhìn ánh nắng vàng
chan hòa ấy mà Hàn Mặc Tử mới tưởng tượng ra là Mùa xuân chín:
Trong làn nắng ửng: khói mơ
tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm
vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân
sang.
(Mùa xuân chín)
Trong cái khung cảnh mùa
xuân tràn đầy lãng mạn và quyến rũ với “làn khói ửng” quyện vào “ mái nhà
tranh lấm tấm vàng”, xuất hiện “bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Thi sĩ
đã nghe, đã cảm nhận tiếng hát của họ bằng tất cả tâm hồn:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng
núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới
trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
(Mùa xuân chín)
Ở đây có sự hoà hợp giữa mùa
xuân, tuổi trẻ, tình yêu. Các cô thôn nữ tươi trẻ đang say sưa hát những bài
hát về tình yêu trong một không gian mùa xuân thật thoáng đãng, đầy nhựa sống.
Giữa sắc xuân lồng lồng, ấm áp, lòng người lâng lâng khoan khoái, nhiều thi
nhân đã bộc lộ tình yêu một cách lãng mạn, đầy xuân, đầy tình tứ. Hãy
nghe nhà thơ J.Leiba nói về tình yêu giữa mùa xuân:
Mồng một vui xuân hai chúng
ta
Em muời ba tuổi tính
còn thơ
Em anh còn cãi nhau
như trẻ
Em dỗi, anh nhìn dạ ngẩn ngơ
Xuân này xuân trước cách bao
rồi
Nhớ buổi xuân nào tiếc phút
vui
Ngày nay nhớ lại buổi vô
tình
Anh lặng yêu em, em nhớ
anh...”
(Năm qua)
Mùa xuân là mùa đem đến cho
vạn vật thêm nhựa sống, cây cối đâm chồi nảy lộc; cũng là mùa cho những đôi lứa
giao duyên, mùa của sức sống, tuổi trẻ, tình yêu. Xuân Diệu, ông hoàng thơ
tình, với trái tim yêu nhiệt tình, say sưa đã nhìn thấy sự bâng khuâng, rung động
của cô thiếu nữ giữa sắc xuân:
"Thiếu nữ bâng khuâng đợi
một người
Chưa từng hẹn đến giữa xuân
tươi
Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy
Thiếu nữ làm duyên đứng mỉm
cười"
(Nụ cười xuân)
Thi sĩ đón chào mùa xuân
trong một khu vườn tràn ngập hương sắc, trong trẻo mà thi vị. Sự vui tươi êm ái
của mùa xuân cũng chính là sự vui tươi êm ái của lòng người:
"Ai có biết mùa xuân
lên nặng lắm
Trên cành hồng và trong những
trái tim"
(Mời yêu )
Với Xuân Diệu, thì mùa xuân
thường gắn tuổi trẻ và tình yêu. Xuân Diệu viết:
“Của ong bướm này đây tuần
tháng mật
Này đây hoa của đồng nội
xanh rì
Này đây lá của cành tơ
phơ phất
Của yến anh này đây
khúc tình si...”
(Vội vàng)
Nhà thơ đã nắm bắt được những
nét đặc trưng rất có hồn của mùa xuân. Mùa xuân là mùa của ong bướm, cỏ cây,
hoa lá..., mùa xuân là mùa của sức sống. Sức sống của mùa xuân cũng chính là sức
sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu không chỉ gắn với tuổi
trẻ mà còn gắn với tình yêu lứa đôi. Xuân Diệu là người yêu vồ vập, sôi nổi, đắm
đuối, cuồng nhiệt. Chỉ có nhà thơ mới biết được “tuần tháng mật” của ong bướm;
chỉ có nhà thơ mới nghe được “khúc tình si” của yến anh và cũng chỉ có nhà thơ
mới cảm nhận được “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nhà thơ muốn tận
hưởng vẻ đẹp của mùa xuân, tận hưởng hết mình tình yêu và tuổi trẻ:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió
lượn
Ta muốn say cánh bướm với
tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái
hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm,
cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời
tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn
vào ngươi!
(Vội vàng)
Với Xuân Diệu, một con người
luôn khát khao cháy bỏng đi đến tận cùng với tình yêu và cuộc sống thì ôm,
riết, say,... chưa đủ mà còn phải “cắn” thì mới “đã đầy”, mới “no nê”, bởi với
ông, đó là phần đẹp nhất, “ngon nhất” của thiên nhiên và cuộc sống.
Đến hẹn lại lên, theo nhịp
tuần hoàn của vũ trụ, hết đông về lại đón xuân sang. Còn trời đất là còn xuân,
còn cuộc sống thì còn tình yêu. Tình yêu và mùa xuân chính là nhựa sống, là hoa
thơm tô điểm cho đời, là cảm hứng bất tận để tâm hồn thi sĩ vút thành thơ. Vũ
trụ tuần hoàn, đời người tiếp nối, xuân, tình yêu và thơ sẽ mãi mãi là đề tài
quen thuộc mà không hề nhàm chán. Cảm ơn vũ trụ đã mang mùa xuân đến cho cuộc đời
thêm thắm, cho tình yêu thêm đẹp và cho thi sĩ thêm nhiều ý thơ bay vút tận trời
xanh, trải dài theo năm tháng...
Dương Thủy, 1/2014
Đỗ Thị Hải
Nguồn lethuy.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét