Nhà thơ đa tình lãng mạn Hàn Mặc Tử đã cô
độc rời thế gian hơn 70 năm nhưng vẫn còn đọng lai nhiều xao xuyến
trong lòng người yêu thơ qua vài thế hệ. Biết bao người đọc, người
viết nhận định đánh giá về thơ và những mối tình đắng cay da diết
của nhà thơ tài hoa bạc mệnh nầy.
Hầu hết đồng cảm để lệ lòng tươm chảy
theo thơ và cuộc đời bi thương của thiên tài xuất chúng Hàn Mặc Tử.
Mỗi người ca ngợi mỗi kiểu về thiên chất của thi sĩ họ Hàn. Đa số
xúc động khi đọc lời kêu rên thống thiết của ông vọng đến tai ai đó,
gửi vào trời đất nào, bung ra vũ trụ bao la hoặc ngậm ngùi tự sự
với số phận tật nguyền:
“Trời hỡi làm sao khi khát
đói, - Gió trăng có sẵn làm sao ăn?…/ Trời hỡi bao giờ tôi
chết đi?.../ Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!...”.
Người ta không thích lắm những ai bi lụy
đến yếm thế kể cả khu vực văn thơ. Đặc biệt sao ai cũng xót thương
không hối tiếc, phê bình không khinh khi những tiếng kêu than rát ruột
tới trời của Hàn Mặc Tử! Dòng văn của một “linh nhân” vắn số do
“định mệnh tàn khốc” đã tạo ra những tiếng thơ lòng réo rắt làm
rẫy rụa người đời. Người ta có thiên vị đôi chút với Hàn Mặc Tử? - Nếu có, không trái lẽ công bằng mà vì nhà thơ đau thật mới rên, quằn
quại thể xác lẫn tâm hồn mới gào thét. Người yêu thơ không phải bác
sĩ quen nhờn với nỗi đau và cái chết, vô cảm vô tâm trước lời than
tiếng thở của bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí. Mà nghe sao diễm lệ, thanh
thoát đến lạ lùng…
Ngoài Trăng, Hàn Mặc Tử còn ôm ấp một mối
tình nồng ấm với Xuân. Cuộc sống ngắn ngủi không cho phép thi nhân ở
mãi bên hai “nàng”. Nhưng chắc ông đã mang hương hồn ấy vào cõi mộng
vĩnh hằng tiếp nối sứ mệnh yêu thương.
Ta đọc lại những đoạn thơ xuân chứa chan
màu “huyết lệ” dưới ngọn “bút thần” mà sinh thời cố thi nhân Hàn
Mặc Tử đã “ói thơ theo đường sữa”:
Có thể lần yêu đầu, Hàn Mặc Tử ngất ngây
trước những quyến rũ vô cùng khi nhìn người đẹp trong xuân:
“Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm, - Chỉ có
áo xuân trắng trẻo thay!... Xuân ấm đầu tiên giữa cõi đời, - Mùi thơm
ngây dại sóng con ngươi…( Xuân đầu tiên).
Hàn Mặc Tử xao xuyến bồi hồi khi nhìn nụ
cười luôn nở trên môi các nàng sơn nữ vùng quê khi mùa xuân về:
“Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự, -
Tôi đều nhận thấy trên môi em…” (Gái quê).
Những cô gái non tơ ngồi giặt lụa dưới sông
xuân làm say lòng các chàng trai phiêu lãng:
“Xuân em hơ hớ như đào non, - Chàng đã
thương thương muốn kết hôn. Từ ấy xuân em càng chín ửng, - Ngày ngày
giặt lụa bến sông con…” (Mất duyên).
Xuân đi, cô em mõi mòn trông đợi, từ hạ sang
thu, chờ đông tàn xuân trở lại để thỏa dạ nhớ nhung. Nhưng mãi không
thấy lương duyên, nàng cảm giác muộn màng cho số phận bèo bọt xênh
xang:
“Những lượt thu về em nhớ xuân, -
Trên đôi má nõn lại phai dần… Nhưng xuân em chín từ năm ngoái, - Há
phải vì em áo nối quàng. (Xuân muộn).
Anh mãi đi, em như nhạn lạc hồn nơi làng
bản dù khi xuân hiện diện:
“ Hoa đào vắng mùi hương, - Lòng em
xuân hờ hững…” (Nhớ nhung).
Hàn Mặc Tử có khi tâm sự bằng cuộc “thương
vay” cho tình duyên bẽ bàng ngang trái của các nàng. Tâm sự ấy có
thể cùng là nỗi chua cay của ông? Và bây giờ Hàn Mặc Tử trở nên “tai
nạn” cho cuộc chia cách. Ông thẩn thơ trông chờ người yêu biền biệt xa
mù dưới ánh trăng thề hay giữa lòng xuân chín rộ. Hàn Mặc Tử than:
“Trong khi nhìn mây nước, - Lòng xuân
cũng não nề”. (Tình quê).
Vì Hàn Mặc Tử có những mối tình quê thắm
thiết và mỗi khi hoa xuân rợp bóng ông ngùi ngùi nhớ lại:
“Từ gió xuân đi gió lại về, - Anh
thường gởi gắm mối tình quê… Độ ấy xuân về em lớn lên, - Thấy anh em
đã biết làm duyên… (Âm thầm).
Mùa xuân là quà tặng tâm hồn thi nhân. Hàn
Mặc Tử nghe ẩn khuất trong khói mơ tan, trong nắng hồng ửng rạng như
đốt chín tình xuân, tiễn biệt cô gái về bên chồng mà nghe đau. Và
rồi Hàn Mặc Tử nhớ cố hương, ở đó có những thôn nữ gánh thóc trong
xuân:
“Sột soạt gió trêu tà áo biếc, - Trên
giàn thiên lý bóng xuân sang… Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, - Có kẻ
theo chồng bỏ cuộc chơi… Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
- Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng… (Mùa xuân chín).
Có lúc Hàn muốn bay bỗng giữa lòng xuân
để quên đi thân phận nhọc nhằn:
“Xuân đây rồi lan tràn như bóng nắng, - Ta
nên hay cho khỏi vướng sầu u…” (Lời chim phụ họa).
Hàn Mặc Tử xem xuân rất thiêng liêng mầu
nhiệm, nó đẹp lung linh dưới niềm tin những ngôi sao sáng ngời trong
vũ trụ bao la:
“Bằng tràng hạt bằng sương mai chiếu
rạng, - Một đêm xuân là rất đổi anh linh?” (Ave Maria).
Hàn Mặc Tử tiên đoán, khi nhân gian chiêm
ngưỡng nàng xuân lộng lẫy trở về thì linh hồn ông cũng chờn vờn đón
đợi nơi thế giới “vô thủy vô chung”, một cuộc hẹn hò, một cuộc đeo
đuổi như ngày nào ông lãng mạn đi tìm bóng dáng tiên nga:
“May không chết lạnh trước lầu mĩ nhân, - Ta
đi tìm mộng tầm xuân…” (Lang
thang).
Hàn Mặc Tử làm thơ bằng hứng khởi đa
chiều: cảm xúc, cảm giác, xúc giác cả ảo giác… Hồn bay lung và tim
dạt dào cảnh mộng “hợp cẩn giao bôi”, ngất ngư trong biển đời, lướt
mướt cùng hoa lệ xuân thưa:
“Rồi muôn xuân đã như chiều thổn thức, -
Đều run lên như thể tấm hồn mơ…” (Đàn ngọc).
Nhìn xác cô gái thơm trinh, Hàn Mặc Tử
lãng mạn tới mức yêu cả cái xác tinh khôi ấy, ông nghe chừng hồn
phách lạc loài của cô gái “nhập” thân, một hiện tượng rất ư nguy
hiểm và tồi tệ với người thường! Nhưng đối với nhà thơ đa
tình lãng mạn là thuộc tính nên xem đó là nỗi niềm xót
thương giữa người còn lại trên cõi đời và kẻ vĩnh viễn ra đi, có
chăng chỉ là sự hóa giải tình yêu cho đôi kiếp. Cái khí xuân và tuổi
xuân của nàng chết ta nghe trong thơ Hàn một hạnh phúc
rất ghê rợn, bẽ bàng, trái lẽ:
“Xác cô thơm quá, thơm như ngọc, - Cả một
mùa xuân đã hiện hình… Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy, - Như chực xuân
về thố lộ ra…” (Cô gái đồng trinh).
Nỗi lòng trắc ẩn với nhân thế và tư thân
bàng bạc trong kịch bản “Duyên kỳ ngộ”. Hàn Mặc Tử làm nên những câu
thơ chết giãy lòng người, ngây ngất vì xuân:
“Xuân vô cùng đến ngàn năm ân phước… Ôi
chao! Mê toàn thân như khoái cảm, - Như đêm xuân uống phải rượu huỳnh
tương… Anh van em cho anh quì san sát, - Cho mùi xuân ngân ngấn tâm hồn
anh… Mùa xuân em sẽ rất nhiều hoa bướm, - Bởi thơ anh tô thắm đẹp trăm
chiều…”.
Trong “Quần tiên hội”, Hàn Mặc Tử bỏ lửng
cuộc tình thơ, chưa hoàn tất “sứ mạng” giao duyên giữa trời đất, tiên
nương cùng loài người thế tục nhưng vẫn có những câu thơ xuân rất đỗi
ngọt ngào âm hưởng:
“Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn, - Ngát
hương đưa trong gió sớm chơi vơi… Để em nước da cô thắm dậy, - Và đôi
môi biểu lộ hết xuân tình…”.
Tiết xuân làm vơi bớt nỗi đau thân thế
và tâm hồn những mảnh đời cô liêu bất hạnh. Ở tận cùng đáy vực,
người ta vẫn thấy xuân mơn mởn dễ yêu. Những vết hồng mủ máu tanh
tóe hôi nồng có lẽ cũng giảm đi cường độ đau tê khi xuân về để thi
sĩ xấu số nghe mình lành lặn mà yêu, mà tha thiết diễm kiều, mà “khạc
hồn ra cửa miệng” mang theo những hương hoa tươi sắc tạc vòng vương
miện tặng xuân thương:
“Mây trời không phủ đồi cao nữa, - Vì cả
trời xuân tắm nắng tươi. - Lá xuân sột soạt trong làn nắng,- Ta
ngỡ, em ơi vạt áo hường. Thứ áo ngày xuân em mới mặc,- Lòng ta
rộn rã nỗi yêu thương” (Nắng tươi).
Hàn mặc Tử xem xuân rất nhiệm mầu: Cơn đau
giảm tải, nỗi buồn vơi tan…Trong mọi tình cảnh, khi có nàng xuân hiện
diện thì cái xấu không lành đều trở nên say đắm:
“Buồn đau say ngắm áo xuân ai…” (Buồn
ở đâu).
Và còn nhiều tiếng xuân của
Hàn Mặc Tử ăn sâu vào hơi thở, dòng sông, dòng suối… mơn man động đậy
không tháng ngày…
Ai cũng có thể muốn khóc khi đứng trước
mộ phần Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng – Tiên Sa. Đó cũng đậm chất
lạ lùng giữa hương hồn Hàn Mặc Tử với nhân gian.
Thơ Hàn Mặc Tử không tan biến vào khói mây,
nó vương vướng với trần ai những tưởng vọng. Cuộc đời cô liêu, kiêu
bạc, ngắn ngủn của ông làm thành dòng văn siêu nhiên thanh thoát…
Ở cõi “mộng mị phân thân”, biết đâu Hàn
Mặc Tử đã hóa kiếp thành “linh vật thiên năng tuyệt bích” và là
“thánh thi” cho tình yêu mộng mị, liêu trai, trữ tình…?
Văn học thời hoàng kim những năm 30 còn
đọng lại bóng dáng ngập ngừng mà sôi nổi của làng Thơ Mới. Một số
nhà thơ nặng lòng ái quốc không có điều kiện xả thân, đau đáu nỗi
niềm, nghe mất đi cả hồn thiêng sông núi. Họ viết ra những câu thơ như
xát muối vào hồn đoàn quân xâm lược và bọn bản địa vong quốc. Một
số “nổi loạn” cách nầy cách khác. Hàn Mặc Tử cộm lên “chức
sắc” Thơ Mới, cổ vũ trường phái “Điên-Loạn”. Trong cõi sống thiên địa
nhân hòa, nhà thơ cùi hủi góp cùng non nước những tơ lòng bất tận
phá bỏ rào cản, tập quán thơ văn cố hữu nghìn đời của cha ông thời
phong kiến bị trị xa xưa (thơ cũ phải “khuôn vàng thước ngọc”, mài vẽ
sáo khúc, tự tình khuôn hậu…).
Cho nên dù chỉ thể hiện cái buồn đau tê
tái, cái đoạn trường dâu bể, cái chia ly sầu muộn, cái duyên phận bẽ
bàng, cái tả tơi hồn xác, cái “trời hỡi, trời ơi, trời à”… Hàn Mặc
Tử và số nhà thơ điêu linh, điêu tàn, điêu đứng… ấy đã góp phần làm
cho thơ văn nước nhà sáng hơn trong cái quạnh quẽ cô liêu, mịt mờ
những đêm trường nô lệ….Và gây cho người yêu thơ cảm giác mát rượu
lúc xuân về, không phải chỉ ta mà đồng cảm có nơi trên trái đất. (Có
chỗ dịch thơ ông ra tiếng nước người).
Hơn 70 năm, thơ Hàn Mặc Tử không cũ, không
“bùi nhùi” trong đống “phế liệu” chữ nghĩa tang thương mà nó lóng
lánh những sắc thể huyền thi. Vẫn còn nhiều đóa hoa thơm quanh năm
suốt tháng đặt lên mộ phần thi sĩ tài danh nầy, giống nhân cách “nữ
thần tình ái” bên trời nào!
Mùa Trăng hay mùa Xuân đều là mùa để Hàn
Mặc Tử sáng lên ngòi viết và ngọn lửa lòng. Ông đã ôm trọn hồn thơ,
hồn Mộng Cầm, hồn Mai Đình… vào lòng đá lạnh thâm sâu, mang cái “hài
cốt ân tình” chuyển dịch từ “nơi an nghỉ cuối cùng nầy” sang nơi “an
nghỉ cuối cùng khác”! Và có lẽ họ đã gặp lại nhau trong cõi vĩnh
hằng?
Ở đó có còn cuộc “chuyển tiếp tình yêu”,
tình xuân nào không? Nơi đó hồn thơ Hàn Mặc Tử còn đau ướt hay đã chết
đi theo kiếp chết của mình?
Ta nghĩ, chỉ có cõi đời ô trược đau thương
mới tạo ra, làm nên thi vị châu báu ban vào lòng Hàn Mặc Tử những
tinh hoa để cảm thụ thơ, nơi “vô thủy vô chung”, nơi “hoang tưởng vô
thường”… không thể còn những đoản tình thơ tuyệt tác để Hàn Mặc Tử
gởi thông điệp trả về đời lập thành ơn nghĩa với gió, trăng, hơi thở
điếng đau và mùa xuân?…
Tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử từ những năm còn
rất trẻ dưới lứa tuổi đôi mươi. Ngày ấy tôi thầm chia sẻ nỗi đau tận
cùng trái tim nhân thế của ông, trái tim thanh xuân không đủ máu – không
hồng vì bận bịu sớt chia vùng lỡ loét “ngoại biên” thân thể. - Nhưng
chỉ trong mơ và thơ… thẩn. Vì khi tôi sinh ra ông đã vĩnh viễn rời xa
thế giới nầy “về nước Chúa” hơn thập kỷ!
Tôi mơ được một lần đến viếng mộ Hàn Mặc
Tử để nghe ở đó cái cô liêu đọng lại, cái tâm sáng dội lên từ cõi
“tha ma” yên ắng, dật dờ những vần điệu uyển ảo và cái tiết xuân lai
láng bồi hồi nơi những quả đồi trùng điệp gió réo mây trêu… Thực
hiện ước mơ ấy đã là mơ mộng một thời…
Một ngày tháng 6 năm 2010, tôi rõ ràng được
đến viếng mộ phần Hàn Mặc Tử. Thời gian nuôi nấng ước mơ ấy phải
nửa thế kỷ làm người – gấp đôi cái tuổi Hàn Mặc Tử “hưởng dương”- !
Mộ mới Hàn Mặc Tử nằm ở Ghềnh Ráng – Tiên
Sa, thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) miền duyên hải Trung phần Tổ
quốc. Ở đó có con đường mang tên Hàn Mặc Tử nằm trên dốc Mộng Cầm
tại đồi Thi Nhân.
Cảnh trí bao quanh mộ phần Hàn Mặc Tử rất
đẹp, nên thơ. Có một tảng đá dựng ghi tên “cúng cơm” ông: “Trí”
và câu thư pháp đầy triết lý nghĩa nhân nghìn đời: “Cuộc đời rất
đẹp nếu chúng ta biết sống bằng một trái tim yêu thương”.
Tôi cảm giác nơi đó “bốn mùa xuân cả
bốn” và nằng nặng lâng lâng khối tình Trăng, Xuân trong thơ ông.
Phần mộ nầy là điểm cải táng sau cùng (tính đến thời điểm nầy, biết đâu
ông sẽ về một “nơi an nghỉ cuối cùng” nào nữa!) của Hàn Mặc Tử.
Ngày đầu tiên “về với Chúa”, một cuộc
vĩnh biệt đầy sơ sài: người ta chôn ông ở Qui Hòa – Qui Nhơn, hồn xác
được lấy đi từ trại phong hủi nơi đó. Giờ phút tiễn đưa nhà thơ đến
mộ cát, lần đầu, chỉ có vị Linh mục cùng vài người làm nhiệm vụ
an táng. Không có Mộng Cầm, không có Mai Đình, không có người thân yêu
nhất, chỉ có chiếc “Thập tự giá” làm bằng cây dựng lên, đỡ linh hồn
nhà thơ tài hoa lạnh lẽo không ngã quị ở cõi tiếp sau?!
Thời ấy, người ta quá hờ hững, lơ là với
thân phận một tài năng trăm năm của nền văn học nước nhà. Người ta xem
bệnh tình Hàn Mặc Tử là loại nan y lây lan nhờm tởm như bây giờ
nhiều người xa lánh căn bệnh thế kỷ bất trị!
Tôi bớt đi sự rúng động con tim so với hồi
đầu tiếp xúc với thơ Hàn Mặc Tử. Dù quí ông, tôi không còn nhiều
“năng lượng” để trân trọng hơn một linh hồn, một con người “lạnh” mang
trái tim yêu thương hực lửa, ấm nồng và đắm say dằn vật lúc sống đã
gởi trọn cho tình yêu đầy trớ trêu nghịch cảnh, mãi mãi nằm đó. Vì
tiếc rằng tôi không đến sớm hơn, sớm vào cái tuổi hoa niên đẹp nhất
đời người như ông thuở yêu tha thiết Mộng Cầm, Mai Đình…
Tôi nghe lòng mình cần gởi gắm chút biệt
ly cho mây khói miền Trung – nơi hồn thơ và hồn thiêng Hàn Mặc Tử lưu
danh qua vài câu thơ cảm tác:
Hàn
Mặc Tử ơi!
Hồn
tôi bỗng dưng bay bỗng
Nghe
như có núi lửa phun trào
Và
từng đĩa đá bay ngang…
Tôi
róc rách giữa đại ngàn: Trăng - Xuân…yến nguyệt
Phiêu
du như cõi mộng thuở nào
Hàn
vững chảy phiêu diêu đồi cuối mộ
Để
thơ tình lơ lửng kiếp nhân gian!...
Bài mang nhiều chữ “xuân” nhất của
Hàn Mặc Tử có lẽ là “Sầu xuân” (12 câu chứa đến 14 từ “xuân”). Hàn
Mặc Tử nói lên bản chất của nhiều vấn đề liên lụy đến xuân:
Đêm xuân lạnh, bóng xuân tàn,
Hoa xuân mơn trớn can tràng thuyền quyên.
Trời xuân vắng vẻ hương nguyền,
Sông xuân lặng lẽ con thuyền xa xa.
Xuân đi
đi khắp sơn hà,
Tuổi xuân chất mái tóc da đổi màu.
Ngày xuân như gió thoảng mau,
Tình xuân một khối ai sầu hơn ai?
Mưa xuân như nhắc chuyện đời,
Rượu xuân như gợi những lời nước non.
Thề xuân dù chẳng vuông tròn,
Khóa buồng xuân lại vẫn còn sầu xuân.
Cũng là một người yêu Trăng, yêu Xuân, tôi viết
như thái độ xin nghiêng mình trước những mảnh tình xuân chứa chan huyền
cảm của thi sĩ bệnh tật đau thương Hàn Mặc Tử…
Thành Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét