Đã bao lần nhớ nhau, ta lang
thang tìm nhau ở góc phố này, bờ đê nọ. Thú vị và bồi hồi nữa, là tìm đọc nhau,
mà ngẫm nghĩ, có khi là cũng không gọi điện và viết thư cho nhau nữa, cứ gậm nhấm
một mình… Lang thang cùng những trang viết ấy, tôi nhặt được mấy dòng của nhà
thơ Nguyễn Trác, thấy ý chung không hẳn mới với mình, nhưng cách diễn đạt của
ông thì hơi khác với số đông. Ông viết:
“Càng ngày thấy làm thơ viết
văn càng khó. Cái khó đầu tiên là ta đã có đủ một tình yêu nồng ấm và bền bỉ
dành cho nó không. Thứ hai, khi viết có trung thực được với chính mình, khi sống
có cảm nhận và hiểu được bản chất đời sống quanh mình?
Tài năng là trời cho, sự nổi
tiếng có khi là duyên số nhưng những nỗ lực lao động là bắt nguồn từ ý chí cá
nhân.Thế mà nay sao thấy nhiều người dễ dàng quá.”
Xưa nhiều thi nhân văn gia
đã từng nghĩ như Nguyễn Trác, gần đây, các vị như Ma Văn Kháng, Vương Trí Nhàn…
cũng ý na ná như vậy. Nhưng cái lối diễn đạt có đầu tiên rồi sang thứ hai, rõ
ràng, thứ tự, gợi vẻ ngăn nắp của cả một quá trình có chiêm nghiệm, cân nhắc là
dấu hiệu của Nguyễn Trác rồi. Đã thế, kết thúc mấy lời “tự bạch” trong Nhà văn
Việt Nam hiện đại, in lần thứ IV, năm 2010 bởi NXB Hội Nhà văn này (tr. 746),
ông lại có một câu ngỡ như “lạc đề”: “Thế mà nay sao thấy nhiều người dễ dàng
quá.”
Ai đó không biết hết chuyện
này chuyện kia, không hiểu rõ hiện tượng C với thực trạng D, như tôi, như anh,
như chị, thì cũng là thường, chứ sao? Nhưng xin nhớ lại: Nguyễn Trác vốn là người
tuổi hai mươi đã từng ở chiến trường sau dăm năm dạy học, rồi hoạt động văn nghệ
ở một vùng cam go, có nhiều cây bút đặc sắc là Quảng Nam-Đã Nẵng thời bao cấp
nghiệt ngã, kế đó, học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa II) xong, lại quay về Đà
Nẵng , cho đến đầu năm 1988 mới chuyển hẳn ra Hà Nội, làm biên tập sách, rồi tạp
chí, đứng vị trí Tổng biên tập. Nhắc qua thế, để có thể nói rằng Nguyễn Trác
lăn lộn với cuộc sống, tiếp xúc với bạn văn thơ rất nhiều, rất nhiều rồi, mà
ông vẫn ngạc nhiên “sao thấy nhiều người dễ dàng quá.”
Sự “chưa hiểu được” một góc
sự đời, một ít người viết của ông Tổng biên tập tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn
này khiến ta cũng nên tìm hiểu về ông hơn, rồi biết đâu, lại biết thêm hiểu
thêm nhiều chuyện khác nữa ấy chứ.
Tìm hiểu một ý của nhà thơ,
chi bằng cứ đọc thơ của ông. Người ta vẫn nói thơ của đấng bậc hay thơ của sự
ngẫu hứng thôn làng, đều có chỗ giống nhau, là bức kí họa diện mạo, tính hạnh của
người làm ra nó mà thôi, ta là ta nhất, người ấy là người ấy đấy, qua trang thơ
của ông ta, bà ta mà.
Trở lại hai đoạn tự bộc bạch
ngắn của Nguyễn Trác ở trên, ta thấy dấu vết của một thầy dạy Toán ở ông, ấy là
cách diễn đạt mấy ý nghĩ về nghề văn của ông, có thứ nhất, rồi có thứ hai…
Thầy giáo Toán mà làm thơ,
thành nhà thơ, như Vương Trọng, Đặng Hấn, Lê Quốc Hán… và Nguyễn Trác, cũng đã
thành một nhóm, với đặc điểm riêng, là cấu trúc bài thơ của các ông thường rất
ngay ngắn. Mở đầu có vẻ như bâng quơ chợt thấy chợt cảm thì lia bút mà ra…; kết
thúc có vẻ mở, để ai muốn nghĩ gì tiếp đó thì nghĩ, nhưng thật ra, tác giả đã gợi,
đã dẫn người đọc hết cả rồi! Người đọc có tin hay không tin, có ồ à lên hay
chưa, cũng còn có thể, nhưng cái gọi là có thể này là rất hẹp. Không tin, bạn
thử đọc thêm, đọc tiếp mấy ông này mà xem. Này là cấu trúc, cấu tứ của thơ Nguyễn
Trác, ở một bài dài - bài Một ngày thành phố, mở đầu:
Ngày đi làm/Vòng một lượt Hồ
Gươm…
Đây Hồ Gươm/Huyền thoại sáu
trăm năm…
Những ông già sớm sớm chạy
đua với thời gian trên đồng hồ Bưu điện/Cô gái tan ca chải lại mái đầu/Áo bạt
hoa lộc vừng trái tim mười tám tuổi/Hòa vào bình minh những chú chim câu…
Bên lịch sử người già /Có lịch
sử tơ non hiểu hiện và: Đây Hồ Gươm/Những con đường thân thiện/Chàng trai quê
ra bán rong đồ nhựa/Mang tất cả sự tương phản thời mình vào tháp cổ trú mưa…
rồi kết thúc: Ngọn gió nhắc
người anh hùng Lê Lợi/Khi ngang qua bầu trời/Đây Đông Đô đây Thăng Long đây Hà
Nội…/Đây một ngày thành phố lên ngôi.
Ở một bài khác-“ Phố đê”- có
độ dài vừa phải, xin chép cả ra đây:
Quán bún ốc khiêm nhường/ Một
góc lặng im trưa /Người xích lô già rít xong điếu thuốc lào bạc trắng/Ngủ ngồi
trong tiếng sấm mưa
Âm nhạc cũ và phố/Con đường
lồi lõm hạ và thu
Những ngôi nhà thấp hơn cát
bụi /Cùng nỗi buồn Âu Cơ
Ở bên trong nét quê mùa bỗ
bã Em chút gì như của tuổi thơ/Và ẩn dưới con đê bị biến
thành phố xá /Có chuyện tình từ Tản Viên xưa ?
Cả hai bài trên, đều theo lối
tả và kể bình thường. Khi tả và kể nhà thơ đã đưa được vào thơ nhiều chi tiết sống
động qua sự chọn lựa kĩ của lối tư duy toán học hơn là sự chọn lựa của ngẫu sự
“thấy gì kể nấy, thấy gì tả nấy”. Lối tư duy không lan man này được cái kết của
bài chở được chiều sâu của ngẫm ngợi, nên đã vừa gợi cho liên tưởng có cơ được
lan tỏa, vừa “định hướng” rất rõ, rằng con đê ngày nào, giờ đang biến thành phố
xá, thì vẫn ấp ủ trong nó tâm tình của xa xưa. Đổi mới là tự nhiên, đương
nhiên, mà trong cái tất nhiên vẫn thấp thoáng nguồn mạch, hồn cốt tiên tổ đấy!
Chất ông giáo của Nguyễn Trác trong thơ hiện ra, cũng là từ lối cấu trúc tròn
vành rõ ý ở mỗi bài thế này. Lâu nay đọc thơ Nguyễn Trác, ta nhập vào các không
gian tình cảnh- nỗi niềm mà ông đã dựng và dẫn gợi ta đi. Ta được gặp lại tâm sự
của chính mình mà bồi hồi, mà thú vị với ông, nên đã quên đi tìm cái đặc sắc
nghệ thuật mà ông đã dụng công nên đạt được. Theo tôi, cái đặc sắc nghệ thuật đầu
tiên của Nguyễn Trác mà hôm nay ta cần và có thể ghi nhận là ở cái lối cấu trúc
-cấu tứ thơ như thế này.
Nghe nói Nguyễn Trác ít nhập
hòa tự nhiên chỗ đông người, thế mà cũng có trưa , người ta mời uống rượu, chắc
là vì nể bạn, và ham vui, ông đã đến. Chả biết bữa ấy, men rượu đã làm ông
thăng hoa đến đâu, chứ cái men đời thì hẳn đã ngấm vào thật đậm. Ông viết ra tự
nhiên, nhẹ nhàng mà đầy ý tứ:
Rượu Minh Mạng mà không Minh
Mạng /Đời hư hư thực thực trên bàn/ Kìa một đám múa lân trên phố
/Múa từ mùa thu trước chưa tan
Đừng khen nhà thơ tinh ý khi
nhìn nhận cô gái - thì ông nhà thơ nào mà mắt mũi chả tinh- Nguyễn Trác có tinh
nhạy hơn một tí, thì cũng là do bản tính ông hay lặng lẽ quan sát, lắng nghe mà
thôi. Ở đây, ta biết là Nguyễn Trác bề ngoài trầm lặng thế, mà thật ra, có tâm
hồn rất trẻ, ngay khi đã ngoài 60, 70, và đặc biệt, ông cũng rất hóm hỉnh, rất
già dặn. Đang kể chuyện rượu lại “lẫn” sang chuyện đời, vừa ngắm đám múa lân
trước mặt, đã “lơ mơ” mà bảo là Múa từ mùa thu trước chưa tan! Cái ông Nguyễn
Trác này dễ là hậu duệ trực tuyến của Cụ Tam nguyên Yên Đổ chứ chả chơi.
Tôi không định nói là Nguyễn
Trác đã viết lâu, đâu như từ trước năm 1973 khi còn dạy học ngoài Bắc. Các bài
thơ thể nghiệm trước ấy quả đã có hiệu quả nghệ thuật, khiến năm 1973, mới vào
chiến trường, đụng với bom đạn, đói rét và cả nỗi nhớ nhà quay quắt, ông đã viết
ngay được những bài thơ mới, hòa nhập và khởi phát với dàn thơ chiến sĩ . Âm hưởng
thơ Nguyễn Trác năm đầu ra trận ở Gửi một người bạn võng gợi ta nhớ Phạm Tiến
Duật:
Chúng ta nằm trong cây lá
Trường Sơn/ Mái tăng kề mái tăng che sương rừng nặng hạt/Qua một ngày hành quân
anh bất ngờ lại hát/ Khúc hát về Mai sau.
Ở một bài khác, như bài A
cui đi đánh giặc, Nguyễn Trác lại làm bạn đọc liên tưởng đến Nguyễn Khoa Điềm với
bài thơ về bé A cay:
Thương anh tiếng chày cũng
hóa tiếng chim /Cối có hơi cha thóc có mùi sữa mẹ /Em giã cho anh hạt gạo trắng
mềm /Hạt tấm bay lên đậu vào trên ngực
Hương gạo đầy tim em…
Con gà trống lông đuôi bảy sắc/Cái
chân cao đầy gang/Cái cựa dài gần tấc
Nó đang đứng trên cầu thang
nhà Rông gáy mừng anh đi đánh giặc/
Ơ tiếng con gà cái bụng em
ưng.
Ngày đánh giặc ở Đông hay
Tây Trường Sơn, vùng cát Quảng Đà hay tít tận vùng lầy Tây Nam Bộ, chúng ta đã
quen hợp đồng theo tiếng súng. Anh em văn nghệ sĩ lúc đó viết ra cứ để trong
ba-lô, có mấy ai được gặp giao liên, có sẵn điện đài mà chuyển về cứ, chuyển ra
Bắc để in ấn . Những Phạm Tiến Duật với Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân với Chim
Trắng, Viễn Phương và Nguyễn Duy…rồi rất đông rất nhiều là bao nhiêu nữa: Trần
Mạnh Hảo, Ngô Thế Oanh, Trần Phương Trà, Ngân Vịnh, Văn Lê, Nguyễn Trác … các
anh các chị đã tự lắng nghe trong tâm trí mình, trong bước đi của giao liên và
chiến sĩ mỗi ngày, mà tự viết, tự hợp đồng đấy thôi! Người ta nói có một dàn đồng
ca thơ của thời đại chống Mỹ cứu nước là nghĩa như vậy.
Nhiều người chỉ viết về chiến
trận mà đã nên danh như Phạm Tiến Duật, Nam Hà, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn
Duy…
Riêng Nguyễn Trác, sau chiến
tranh, ông chuyển khá nhanh sang đề tài khác. Sự chuyển đổi cảm hứng và nội
dung sáng tác này ở ông hẳn là có lí do chung và riêng. Sự chuyển hướng này ở
Nguyễn Trác là sự chuyển đổi phù hợp, và đáng nói là nó không hề đứt gãy so với
chặng sáng tác trước của ông. Ông vẫn viết về đồng đội và chiến trường đấy
thôi, nhưng đã bằng một cái nhìn khác:
Kìa con suối em thường xuống
tắm/ Con suối ôm tròn cơ thể thanh tân
Em đừng chết cho suối đừng cạn
nước/Rau thục rau môn đừng phải đắng lòng
Chim vẫn kêu sau vạt đồi hoa
thắm /Em có còn nhớ tiếng chim không
(Chim vẫn kêu sau vạt đồi
sương muối)
Đấy là viết về một sự thực
phũ phàng, một kỉ niệm buồn đau vô cùng, mà tác giả lại cứ kêu và hỏi: Em đừng
chết… Em còn nhớ không… Sự thẫn thờ này rồi sẽ theo Nguyễn Trác rất lâu, như theo
mãi mà ủ lại, mà lên men trong thơ của ông, dù ông viết về đời thường hôm qua
và ngổn ngang tình cảnh cùng thế sự hôm nay.
Trong thời đoạn chuyển hóa
này Nguyễn Trác có một bài đáng chú ý là bài Vết đạn trên thành cổ, thành ở đây
là thành Hà Nội, bài thơ kết thúc thế này:
Một khí tiết Hoàng Diệu/
Sao cứu nổi thành tan/
Sao cứu nổi thành tan/
Mấy trăm người lính Nguyễn
/Đã trở thành hồn oan
Đặt tay lên vết đạn/Thấy tay
còn nóng ran
Tôi biết mình mãi mãi/Không
thể là vô can
Nguyễn Trác đã sáng tác hàng
trăm bài thơ, xuất bản riêng sáu tập, số bài làm theo lối ngũ ngôn như bài này
rất ít. Đây là ngẫu nhiên hay là ý thức của ông ? Chỉ biết là với bài thơ có nhạc
điệu này, mới đọc thấy nhẹ nhàng, nhưng ta hãy đọc chậm, để cho âm điệu của nó
ngân vang lên một lần, vài lần, rồi tự nó như ngân mãi, thì đúng là ta cũng
nóng ran người rồi! Cái ý không thể là vô can mà tác giả buông ra quả thực rất
ám ảnh.
Đọc các bài thơ gợi nhắc kỉ
niệm…kể chuyện đã qua của Nguyễn Trác nữa, như: Tôi đã buồn bã nói với em, Nhớ
một miền đất cũ, Một khúc ca cho Mỵ Châu… ta dễ nhận ra nhạc điệu của chúng có
biến hóa, mà giọng điệu thơ thì vẫn là một, ổn định. Đây là một đoạn trong bài
Một khúc ca cho Mỵ Châu:
Hôm nay tôi hát về em /Bằng
cánh vạc sương đêm/
Bằng bánh chưng bánh dày mẹ
nấu/Bằng mưa dây bão giật trên đồng/
Những lứa đôi xa cách
Tôi hát về em /Bằng cung tên
đạn đá / Những viên đá nặng đắng cay/
Của sự hòa trộn giữa hoa hồng
và chính trị /Giữa vầng trăng và thói ích kỉ /
Giữa giọt nước trời và một
dòng sông
Tôi hát về em /Bằng máu đỏ
cha ông
Hình như khi viết những dòng
này, tác giả đã mê mải lắm, ông đã để mặc cho cảm xúc cùng ý nghĩ được tự do
tuôn trào; lúc đó chưa chắc nhà thơ đã ý thức được thật đầy đủ cái vần điệu, nhạc
điệu với ngôn từ hình ảnh mà mình buông trải ra sẽ được đón nhận ra sao. Còn
người đọc, thì nhờ vào nhạc điệu của đoạn thơ, mà đã được thâm nhập, giao hòa với
ý tình của tác giả hơn. Nhiều đoạn thơ và một số bài thơ của Nguyễn Trác, do có
cấu trúc gọn ghẽ như đã nói ở trên, lại có thêm được tính nhạc, nên đã tạo ra
được sự ngân vang trong tâm trí người đọc là thế.
Tôi muốn nói nhiều hơn về sự
đối thoại của Nguyễn Trác bằng thơ với cuộc sống mấy chục năm gần đây.
Trong một bài viết in trên
báo Văn nghệ số ra ngày 5.3.2016 (Đối thoại về một dòng văn xuôi giàu chất đối
thoại) tôi có dịp cho rằng đối thoại là một phẩm tính nổi trội làm nên đặc điểm
của văn xuôi Việt Nam trong khoảng 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhân
bàn về thơ Nguyễn Trác mà đọc rộng đọc thêm đến thơ của nhiều người khác nữa,
tôi muốn nói rằng thơ muôn đời này vẫn lấy sự bộc bạch, độc thoại làm xuất phát
điểm (xưa gọi là ngôn chí); nhưng trong xu thế chung của thời đổi mới ở ta, thơ
cũng rất giàu chất đối thoại. Nói quá lên một tí, thì với một số loại thơ (như
thơ trào phúng, châm biếm) và với nhiều nhà thơ thời nay, viết để đối thoại với
nhân sinh, thời cuộc cùng bao sự việc, bao vấn đề, bao tình huống tư tưởng,
tình cảm… cũng là một nguyên cớ sục sôi, làm nên một kết cấu ý -lời công phu,
có sức lan tỏa (như thơ và trường ca về biển đảo Việt Nam những ngày này, với
sáng tác của Hoàng Trần Cương, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Việt Chiến… chẳng hạn.).Vậy
chất đối thoại trong thơ Nguyễn Trác ra sao?
Đã có lúc người ta nghĩ rằng
viết về lịch sử, về quá khứ, là đối thoại với lịch sử và quá khứ, viết về một
nhành cây, một bông hoa, một gợn sóng… đang hiện hữu, là mình đang đối thoại với
nhành cây, bông hoa, gợn sóng…ấy. Nói qua, cho xong, thì thế cũng được. Nhưng để
ý kĩ hơn, ta sẽ thấy là viết/làm thơ, mà nặng về tả, thì chất đối thoại không
rõ lắm, còn làm thơ về những cái vô hình vô lượng, và cả những cái cụ thể như vừa
gợi ở trên, mà chỉ nhằm trực tiếp bày tỏ những cảm xúc, suy tư của mình, thì quả
thật, chất đối thoại lại đậm đà hơn, trường đối thoại rộng và cao sâu hơn. Thơ
Chế Lan Viên thuộc dạng này. Nguyễn Trác có bài làm ta nhớ đến Chế Lan Viên,
như bài Hoa mua ở Côn Sơn:
Hoa mua tím từ thời Nguyễn
Trãi Đến bây giờ còn tím với ngàn sau
Ơi cô gái cài hoa lên tóc
mình đi hội /Có biết màu tím ấy từng đau
Và Nguyễn Trác có nhiều hơn
lời đối thoại với bạn yêu thơ, người đọc thơ là cái cách ông kể chuyện và tả cảnh
với các chi tiết chọn lọc rất kĩ như nhà thơ Đoàn Văn Cừ thuở viết Phiên chợ Tết
dạo nào, như Tống Ngọc Hân viết truyện ngắn về vùng cao bây giờ. Ai lên Sa Pa ở
gần đỉnh Hoàng Liên Sơn cũng nhớ chuyện này cảnh nọ, riêng Nguyễn Trác thì nhớ
và cảm:
Chú bé Dao /Vừa đi vừa bốc
bim bim /Áo thổ cẩm quần Gin /Mũ Càn Long giầy vải
Em mười tám tuổi /Nhỏ như
con gái xuôi mười lăm /Năm ngoái trai bản “cướp” về làm vợ /Năm nay tay đã bế bồng
Sa Pa/Bất chợt tiếng khèn
/Thảng thốt hồn chiều /Hoa trạng nguyên đỏ thắm
Nguyễn Trác có nhiều bài thơ
kể chuyện mình từng trải, chuyện mình đang thấy. Khi kể và tả như thế, ông đã tỏ
ra có dụng ý và khả năng của một họa sĩ, một nghệ sĩ theo trường phái sắp đặt.
Cảnh mà các ông kể lại, xếp đặt ra, đã ngụ ý được nhiều, tác giả chẳng phải thốt
lên ôi, a, xuýt xoa hay trầm trồ, thương xót với cảm thán gì nữa. Làm thơ được
như thế là điềm tĩnh lắm, rất có chủ kiến và kiên gan, không sợ người đọc hiểu
chệch hiểu sai sự xếp đặt, kể và tả của mình. Sự chuyển hóa lối viết, để tạo ra
một cách đối thoại của mình với bạn đọc này của Nguyễn Trác là khá rõ, nhất là
khi ta đối chiếu các bài ông viết những năm ở chiến trường hay đang sống và
sáng tác ở Quảng- Đà (như Những câu thơ chưa viết, Người nhạc sĩ hủi ở I- ta-
pê, Bài hát ngày xưa…) với các sáng tác ở chặng sau (như Vết đạn trên thành cổ,
Mộng mị ở Hàng Châu, Cà phê võng với miền Tây, Trong tĩnh lặng Lào Cai…)
Đối thoại là một khát vọng.
Càng đắm đuối với văn chương, người ta càng hiểu một cách rõ ràng, cụ thể và
sâu sắc cái số kiếp văn nhân thi gia là cô độc và cô đơn thế nào, và chắc vì thế
mà những con người này càng có nhu cầu kêu lên một tiếng, để xem xem, để nghe
ra là ở ngoài kia, ở sau kia có ai biết và hiểu cho mình không, người xưa từng
bảo thế. Cụ Nguyễn Tiên Điền thể hiện khát vọng của mình trong Truyện Kiều và
nhiều sáng tác thơ chữ Nôm, thơ chữ Hán thật là kì tài, bao nhiêu văn thi gia
nước Việt cũng đã có ý theo Cụ, phỏng được bao nhiêu? Tôi biết là Nguyễn Trác
có đọc và học Cụ Tố Như, học cả Chế Lan Viên và nhiều nhà khác nữa. Thế nên ông
đã lựa cho mình một cách đối thoại với lịch sử, với hiện tại theo lối cách như
vừa nêu trên. Tìm viết theo cái cách đối thoại này, tôi thấy ở ông có vài điểm
đáng chú ý nữa là:
Số bài Nguyễn Trác viết về
những con người cụ thể chiếm tỉ lệ khá cao, mà đó, lại thường là nghệ nhân (làm
gốm, khảm ngọc trai…), là các họa sĩ, các bạn sáng tác (Ngô Thế Oanh, Trần Quốc
Thực, Trịnh Thanh Sơn, Phùng Cung…), là cô vũ nữ trong bức tượng Trà Kiệu, chú
bé bán thuốc lá trên tàu khuya, cô gái áo phông đỏ rực ngồi trầm tư trên một
chiếc xe ngựa ở Vinh…
Đi nhiều, trải lắm, ai mà kể
cho hết được những người mình đã gặp, đã chuyện trò, dù chỉ trong một chuyến đi
dăm mười ngày ? Thế mà sao Nguyễn Trác lại hay kể và vịnh, ngẫm nghĩ và trình
ra những cảm nhận của mình về những người này? Tại sao họ lại là những tiêu điểm,
những nguyên cớ để dẫn dắt cho ý nghĩ của nhà thơ được nảy nở và kết tủa?
Bất chợt mà nhớ ra tôi thấy:
Trong bài Chiều Chu Đậu viết về ông già vẽ gốm có mấy câu: Ông già ngồi như lửa/Ngồi
bệt trên đất bằng/Đất cho ông hơi ấm/Trời cho thêm nét trăng…,hay ở bài Với một
họa sĩ trẻ Kinh Bắc: Anh không chịu đựng nổi những gì bằng phẳng nữa/Anh không
chịu đựng nổi/ Sự tan biến của màu/Trên lối mòn quen thuộc...và những dòng này
nữa:
Không thể có thực đâu /Dáng
uốn cong kia của đôi tay vũ nữ
Không có thực /Cả đôi chân
kia nữa /Cả tấm thân mang hình ngọn lửa
Cũng mơ hồ phi lí đến ngây
thơ…
Nhưng không thực em làm sao
sống nổi/Giữa bao nhiêu thiện, ác trên đời
Giữa bao nhiêu hão huyền lịch
sử/ Bao thăng trầm được mất buồn vui…
thì ta ngẫm ra rằng ở đây,
Nguyễn Trác không chỉ viết về một con người cụ thể, thấy cái ông già ngồi bệt
mà như lửa kia, cái chàng họa sĩ trẻ không chịu đựng nổi những bằng phẳng kia,
và cả cô vũ nữ Trà Kiệu thực thế mà kì bí ấy, là một phần của chính tác giả đấy,
lại cũng là mấy bạn văn nghệ (như Lê Huy Quang luôn kêu gọi phải khác)…Nhưng
không thực/Em làm sao sống nổi/Giữa bao nhiêu thiện, ác trên đời/Giữa bao nhiêu
hão huyền lịch sử/Bao thăng trầm được mất buồn vui…(Cho phép tôi chép lại mấy
câu này), đó là đối thoại rõ ràng của ông với thời cuộc bây giờ, và cả với muôn
sau nữa.
Thơ không thể dấu mình. Mà sao
phải dấu? Thời chiến tranh chúng ta đã hào hứng thật lòng với những câu: Ôi Tổ
Quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta như vợ như chồng/Ôi Tổ Quốc, nếu cần, ta
chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông… (Chế Lan Viên), dạo mới hòa bình người
Việt ở ngoài Bắc đọc với nhau: Ôi đâu phải qua đêm dài lạnh cóng/Mặt trời lên
là hết bóng mù sương/Ôi đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng/Cuộc đời ta bỗng chốc
hóa thiên đường…(Tố Hữu). Những câu thơ đã vượt qua, vượt lên trên số phận nhà
thơ. Nguyễn Trác bản tính trầm lắng, ông không viết được những dòng thơ hào sảng
kiêu dũng như ai, ông nhỏ nhẹ và như có gì nhẩn nha. Thì mỗi cây mỗi hoa mà. Bạn
thơ ta nhiều người cứ nhận mình là cỏ kia kìa, có mềm mỏng và nhún nhường
không? Nhưng đừng tưởng nhé, bị nắng nóng cát bụi vùi dập, bị úng ngập, sình lầy,
ngỡ đã tiệt tuyệt, thế mà một sớm xuân kia, cỏ bời bời ngút ngát đấy thôi. Thơ
Nguyễn Trác là nhành, là cụm hoa cỏ đấy chăng?
Trong nền thơ đương đại có
nhiều trưởng thành, có lắm hương sắc mới lạ ở ta, Nguyễn Trác thuộc nhóm tác giả
vừa tự tin vừa ngơ ngác mà “chầm chậm tới mình” như nhà thơ Trúc Thông nói: Cái
ngơ ngác của Nguyễn Trác có thể là thật thế, cũng có thể là ông “giả vờ” thì phải.
Ông Nhớ một miền đất cũ1 , Ở cuối dòng sông2 thủa nào, trong cái Đêm
yên tĩnh lạ lùng3 / ông còn biết là Ngoài Hồ Tây cơn mưa đã tạnh/ Những vệt
sáng lấp lánh của một đàn đom đóm vụt qua, và còn kết được là:
Mọi ồn ào hình thức đã xa
/Cuộc sống tìm về cội nguồn của nó
Và ếch nhái vẫn như muôn thuở/
Gọi nhau mà không thấy mặt nhau/
Đó là một câu kết bất ngờ! Ếch
nhái nào lại Gọi nhau mà không thấy mặt nhau thế ?! Tôi không tin là các nhà
thơ ta như Nguyễn Trác lại ngẩn ngơ. Có những cách đối thoại trực diện, trực tiếp.
Và cũng đã và đương có nhiều lối đối thoại với thời thế như Nguyễn Trác và các
nhà thơ ta vẫn làm. Hóa ra, được giãi bày không e dè hay là giãi bày có chừng mực,
ý tứ, cũng đều là cần và có thể cả. Thơ ấy mà.
Trò chuyện với một người cụ
thể, “vịnh” về một bạn thơ cụ thể cũng là một mảng thơ Nguyễn Trác. Ở mảng thơ
này, cũng như ở các bài thơ viết về những nơi ông đã đến đất nước ta và cả những
vùng thành quách phố thị xa xa bên Trung Hoa hay châu Âu, ta thấy hiện lên khá
rõ cái tư thế trầm ngâm, cái vẻ mặt bần thần, cái tâm trạng đầy xáo trộn và băn
khoăn của tác giả. Có thể, đó cũng là nhận biết của tôi, của anh, của chị khi đọc
thơ của nhiều người, đọc cả phóng sự và bút kí của các tác giả không chuyên
(như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa xã hội). Còn đây là các xót xa của
riêng Nguyễn Trác khi nói về thế hệ của mình- Những đứa trẻ sinh ra/trong những
năm 40,41,45…/đất nước hai triệu người chết đói/mây đen bay trên thế kỉ dữ dằn…/chúng
tôi lớn lên/cùng bom đạn Trường Sơn…/ mười chín đôi mươi trời xanh góa bụa/mười
chín đôi mươi bàn ghế xuống đường/mười chín đôi mươi già như Lịch sử… và bây giờ:
Xin hãy để chúng tôi /Được
đôi lúc giận hờn phẫn chí /Một tí thôi cho đỡ nao lòng.
Dù chúng tôi biết rất rõ rằng
/Cả thái độ chán chườngLẫn hoài nghi cuộc sống/ Có lẽ đều không hợp với Tương
lai
Không ai có quyền vòi vĩnh gì
quá khứ
Nhưng hãy để chúng tôi/ Được
một lần gục đầu vào Quá khứ /Như được gục đầu vào lòng mẹ ngày xưa /và khóc.
Biết đâu, đã có người đồng cảm
đồng ý với ông và một số nhà thơ khác khi họ viết như vậy, mà vẫn băn khoăn, rằng
Nguyễn Trác - như đã nói ở trên, vốn là người ít lời, điềm tĩnh và nhũn nhặn cơ
mà. Thì vẫn nhỏ nhẹ và nhũn nhặn đấy thôi. Năm 1989, viết mấy dòng trên, Nguyễn
Trác đã từng trải nhiều rồi, đã 44 tuổi chứ còn trẻ nữa đâu. Đọc thêm các bài,
như Biển bị che khuất rồi (1997), Rồi bụi tre trong vườn bị chặt (1998), Nỗi buồn
đô thị (1999)… chẳng hạn, ta sẽ hiểu ra lời xin thật nhẹ nhàng mà xót xa của
ông. Lại đọc tiếp các bài viết về đồng đội hồi còn chiến tranh, như Chim vẫn
kêu sau vạt đồi sương muối, Người trên đường ,… và mấy câu này: Người ấy đọc
lên một ý nghĩ bất ngờ /Một ý nghĩ thật là khủng khiếp /Người ấy lại mong chiến
tranh, dù biết /Vết thương người buổi ấy, chưa khô/
Người ấy hỏi rằng sao những
tháng năm xưa /Giữa Trường Sơn sống lẫn cùng cây cỏ/ Sống lẫn cùng muông thú/ Chúng ta giàu có thế yêu thương trong bài Phản đề gửi một bạn
thơ Đà Nẵng (chính là người ấy)… ta sẽ biết được căn nguyên những trăn trở
trong thơ Nguyễn Trác. Và đây, cũng là một biểu hiện nổi bật của gương mặt -
tâm hồn -thơ của ông.
Nguyễn Trác chịu ảnh hưởng của
ai? Đọc thơ của ông và lắng nghe ông nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ đều đều, lại
quan sát ông ở nơi nọ nơi kia -là người có cương vị hẳn hoi, mà thấy ông vẫn
như có gì e dè, nhường nhịn, tôi đồ rằng ông đã chịu ảnh hưởng từ rất nhiều văn
thi gia bè bạn lớp trước và lớp sau. Trong đó có người giông giống ông như Ngô
Thế Oanh, Trần Quốc Thực…, có người bề ngoài rất khác ông như Trịnh Thanh Sơn
hay ông là một mảnh của Hoàng Trung Thông đây?…Tôi cũng biết là ông có một người
thầy, người Bạn Lớn là cuộc đời này, là Quá khứ và Lịch sử, là những đêm yên
tĩnh và cả những cầu Long Biên với chợ Đồng Xuân, là bờ bãi sông Hồng và rừng
núi Bắc Trung Bộ…nữa.
Thế mà nay Nguyễn Trác đã
vào tuổi 70. Da trắng, tóc hoa râm, nụ cười rạng rỡ dễ thân gần, mà gương mặt
thì đã có lúc đang vui lại thoáng chút bần thần nữa, nhất là khi nhắc chuyện đã
qua.
Nguyễn Trác là một trong những
nhà thơ hay làm mình ngẫm ngợi chuyện đời chuyện thơ, chuyện thế sự bây giờ và
chuyện đương đến, sẽ đến mà ông hay viết hoa là Tương lai. Trong lứa nhà thơ
trưởng thành những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng có một số nhà thơ thường gây
xáo động trong tôi nữa, như Bằng Việt. Lúc này tôi chợt nhớ đến Bằng Việt với ý
thơ: Nhưng không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế/ Giọt nước soi trên tay
không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu…
Nguyễn Trác là giọt nước, là
một khoảng trong xanh của hồ, của sông… mà ta có thể nhận ra biển khơi đấy chứ,
phải không?.
6.6.2016
Nguyên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét