Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Nha Trang ngày về: Dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này

Nha Trang ngày về: Dã tràng ơi 
sao lấp cho vơi sầu này!?
Sinh ra và lớn lên ở một miền biển gần Nha Trang nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với thành phố này. Từ lúc biết nghêu ngao bản ‘Nha Trang Ngày Về’ của nhạc sỹ Phạm Duy, dường như những lần đến và đi Nha Trang mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc hơn!.
Nha Trang ngày về - Phạm Duy - Ngọc Lan
Xin hân hạnh chia sẻ với bạn yêu nhạc một bài viết khá hay về ‘Nha Trang Ngày Về’ trên trang iloveNgocLan.com. Nhân đây cũng xin nói thêm một chi tiết thú vị là ca sỹ quá cố Ngọc Lan là một đứa con của thành phố biển Nha Trang.
Nguồn: http://ilovengoclan.com/?p=3533
Phi trường Cam Ranh hiện ra hanh hao trong một màu ánh bạc. Tìm lại biển trời Nha Trang, nước mắt tôi buồn vui chợt trào.
Tôi yêu Nha Trang, luôn tìm về Nha Trang mỗi khi có thể, cũng chỉ vì từ lâu, tôi đã quá mê bài hát “Nha Trang ngày về” của NS Phạm Duy – một câu chuyện tình buồn dang dỡ. Thành phố này tự bao giờ, đã ngấm vào máu thịt tôi như là quê hương ruột thịt. Nơi đó, đã ghi dấu một mối tình tan vỡ. Nơi đó, tôi có người bạn “bản xứ” hồn hậu mến khách. Và cũng từ nơi đó, một tiếng hát thần sầu mà tôi luôn mang theo bên mình trong những chuyến đi xa, đã cất tiếng khóc chào đời. Và tiếng hát ấy khi hát về biển thì đã rất buồn rồi, nhưng mà đến khi nghe cô gửi sầu qua “Nha Trang ngày về” thì thấy càng buồn hơn, như cùng cảm nhận với cô về một cuộc tình bất thành gắn liền vùng biển trời Nha Trang với bao nỗi buồn cô quạnh.
“Nha Trang ngày về. “
Chiều qua phố. Con đường Trần Phú nhộn nhịp mừng rỡ gặp lại dấu chân người quen. Cây thông bên phố năm xưa nay đã già. Đằng xa kia, những tảng đá lớn nhỏ đủ hình hài bình thản nằm trên thảm cỏ mượt mà. Phiến đá có hình mái vòm em tựa vai làm dáng vẫn nằm đây yêu kiều. Lúc sáng, trên chuyến bay, giở đến tập ảnh mới thấy đã có nhiều nơi mình đến, mình đi, nhưng sao ảnh của tụi mình chụp chung ít quá, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Mà tấm nào cũng tối tăm như đất. Thế mới lạ chứ. Quán café GMC tiếng nhạc xập xình nhộn nhịp bao nam thanh nữ tú. Phía trước là Hòn Chồng bạc màu nằm chơ vơ giữa thâm sâu bí hiểm. Nhà Thờ Núi vẫn nằm uy nghi giữa lòng phố. Phía bên kia, quán hải sản bình dân đường Ngô Sỹ Liên nườm nượp khách với món gỏi cá mai chấm mắm nêm ngon đến nỗi ăn trừ cơm cũng được nữa là. Góc vỉa hè ngã tư Quang Trung là quán nem nướng thơm phức mà ai đã lỡ ghé một lần rồi thì sẽ ôm mối tương tư. Quán bún sứa Nguyên Chí Thanh nước ngọt sắc mà chổ ngồi chật chội, vừa hít hà vừa phải luôn tay thấm mồ hôi mẹ mồ hồi con nhễ nhại… Còn biết bao con đường nữa, biết bao con đường làm tôi nhớ đến em. Những con đường mình nắm tay một lần cùng nhau rong ruỗi.
“Mình tôi trên bãi khuya”
Biển đêm. Đen. Lạnh. Xa khơi là những chùm ánh sáng đèn màu lung linh của Hòn Ngọc Việt tráng lệ. Một vài vì sao lẻ loi đơn độc lơ lững trên bầu trời. Vẫn duy trì một thói quen riêng tư, tôi miệt mài đi trong biển đêm Nha Trang với chiếc Ipod trong tay, lòng bồi hồi chìm đắm trong bản nhạc phối nhanh dồn dập mở đầu bằng câu hát “Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya…” Tiếng hát chất chứa buồn của Ngọc Lan khiến tôi bất giác nhăn mặt đau đớn vì cả một trời tiếc nhớ hiện về đổ sụp trong tôi. Lần đó, cũng nơi đây, tôi đã kể em nghe về người ca sĩ có tên Ngọc Lan với hình ảnh bất hủ – cầm trên tay chiếc đèn dầu le lói chân bước mông lung “trên bãi đêm khóc người tình”. Và từ sau đêm đó, “Nha Trang ngày về” của Ngọc Lan đã trở thành nhạc chuông điện thoại của riêng hai tụi mình.
Đêm lặng. Đêm qua nhanh như gió lùa qua kẽ tay. Bản nhạc đã nghe đi nghe lại đến không biết bao lần. Nhạc thì buồn. Còn tôi thì cô đơn. Cảm giác như cái gì đó vừa rơi trong bóng tối trái tim tôi. Một tiếng vỡ như thủy tinh. Tôi nghe đau trong tim mình. Đã lâu rồi, tôi không đau như thế này. Cái đau dịu ngọt… . Tôi mãi miết đi trong biển đêm dưới ánh trăng võ vàng, nhặt tìm những mảnh kí ức chắp nối. Tiếng mời chào ân cần của chị bán hàng rong. Tiếng rì rầm của những đôi tình nhân ngồi tâm sự trên bãi khuya. Giờ đây chỉ còn mình tôi tìm về chốn xưa để “xây lại mộng mơ năm nào”.
Đừng mộng mơ nữa, tôi ơi! Cũng năm xưa nơi biển này, tôi đã nguyện cùng em tìm về đây xây tổ ấm mai sau. Cật lực làm việc và dành dụm. Một bức tranh tình yêu được phát hoạ với đầy đủ cung bậc sắc màu của bình yên, hạnh phúc và cả chênh vênh… Nào ngờ bức tranh “lầu vàng” ấy giờ đã thành “bãi hoang”… Em hỏi tôi “vì sao lại chọn nơi đây sinh sống, thành phố mình cũng có biển đẹp ngút ngàn đấy thôi?” Tôi cười thầm giữ bí mật đó cho riêng mình “tại vì biển quê mình tuy đẹp thật, nhưng lại không có nổi một bài hát nào hay và một chuyện tình nào buồn đến như vậy” .
Giờ mình đã xa nhau. Trong tôi là vực thẳm toang hoác. Tôi đã cố sống sót. Đã cố chấp nhận “Ân tình trong lúc đôi mươi. Bao giờ cũng vẫn mau phai” dù trái tim chật chội đau đớn, dù đã “cố nuôi tình tôi” bằng trái tim em lạnh lẽo. Trái tim của tuổi đôi mươi…
Bài hát lặp lại lần nữa, như một lời kinh đêm. Kinh nguyện cầu, cho tâm hồn được bình yên, cho tình yêu đã bị sóng vùi chôn theo dấu dã tràng. Ngày mai, xa Nha Trang rồi. Biết có còn gặp lại. Những kỷ niệm ghi dấu, những mộng mơ năm nào đã khắc chạm trong tâm khảm rồi cũng đành xếp lại trả về ngăn kéo của quá khứ thôi.
Nhưng trời biển ơi! Sầu này, liệu dã tràng có lấp nỗi không?.
Theo http://www.dongnhacxua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...