Sông Ô Lâu chảy qua làng tôi
là đoạn cuối trước khi đổ ra Cửa Lác để hòa vào phá “mẹ” Tam Giang.
“Lớn lên từ sông - úp mặt
vào sông”, câu thơ của người bạn học bây giờ là thi sĩ đất phương Nam chất chứa
tâm trạng của những đứa trẻ quê lớn lên cùng sông quê. Trên đoạn sông này có địa
danh Cút Bồ Ngược gắn liền với câu ca “sợ phá Tam Giang” chính là sợ cái Cút
này. Cũng chẳng ai giải thích được vì sao đoạn sông Ô Lâu này lại có cái tên lạ
thế. Tương truyền ngày trước thuyền bè qua đây đều phải khấn vái Hà bá cầu mong
yên bình... Những ngày thơ dại mỗi lần ra bờ sông chơi, tôi thấy Cút Bồ Ngược
cũng bình thường khi mà mấy thằng bạn chăn trâu của tôi cưỡi trâu bơi qua bơi lại
như chơi.
Từ nhà tôi đến sông Ô Lâu phải
đi qua một đoạn đường chừng hơn một cây số. Đó là con đường qua những bờ ruộng,
bến đò và đến bợc rào. Cứ cách một đoạn sông không biết từ bao giờ dân làng tôi
đào một con hói và tạo thành một cái bến đò: bến Đa, bến Bù, bến Đình, bến Ông
Minh, bến Chợ, bến Đồng Dạ. Trong các bến này, bến Chợ và bến Đồng Dạ là những
bến đò xuôi ngược những chuyến đò người dân quê tôi buôn bán đi về các chợ lớn ở
Huế, Mỹ Chánh, Ưu Điềm... Các bến còn lại chủ yếu là nơi ra vô của những chiếc
ghe nhỏ đánh cá, chỉ tấp nập khi ngày mùa tới khi những chiếc ghe vàng ươm màu
lúa chín mới gặt từ cánh đồng bên kia sông về nhà.
Những cánh đồng bên kia sông
Ô Lâu, người làng gọi là cồn. Thật thú vị khi cũng là những cánh đồng lúa thôi
nhưng dân làng lại có nhiều tên gọi khác nhau; những thửa ruộng nhỏ ven đường
làng được gọi là trưa má, ruộng ở bên này sông là ruộng nội điền, ruộng bên kia
sông là cồn. Mà ở bên cồn mỗi cánh đồng lại có những tên riêng: Cồn Đùng, Cồn Nẩy,
Ruộng ông Cổ Câu, Hai mươi mậu, Hói Mít, Hói Chu... Đó là những cánh đồng lúa rộng
mênh mông, phì nhiêu, chim cò tha hồ sải cánh. Tuổi thơ của tôi vui thú nhất vẫn
là những lần lên ghe qua sông theo ba mạ đi cày, cấy, tát nước rồi cắt lúa ở ruộng
cồn.
Thuở nhỏ, lũ con nít xóm tôi
hay rủ nhau: “Ra bợc rào câu cá tụi bây ơi!”. Mỗi lần ra bờ sông thích nhất vẫn
là những âm thanh rào rạt của những con sóng nhỏ vỗ vào mấy rặng cây cổ thụ ven
sông. Dòng sông những ngày hè trong mát và vô tư chảy ngây ngất theo trí tưởng
tượng non nớt của trẻ thơ. Cũng trong cái nhìn con trẻ, tôi đã nghĩ oan cho
dòng sông. Đó là những trận lụt to ngập đường, tràn sân và vô nhà. Những cư dân
sông nước co ro trên những chiếc đò tấp vô xóm mình. Lúc đó đứa trẻ thơ tôi cứ
đinh ninh rằng: chính dòng Ô Lâu là tác nhân gây nên cơn lụt, nếu nước sông
không dâng lên thì làm sao nên cơn lụt mỗi năm được... Ý nghĩ đó cứ theo tôi lớn
lên qua tháng năm đến khi học bài địa lý biết về chuyện phá rừng gây nên lũ lụt
thì sông Ô Lâu mới được “giải oan”.
Sông Ô Lâu đánh dấu điểm đầu
đổ qua làng tôi bằng xóm vạn. Đó là một xóm nhỏ chỉ lưa thưa mấy nhà chồ ven
sông và chung quanh là những con đò nhỏ - cũng là “nhà” của những ngư dân trên
sông. Người đứng đầu xóm vạn là ông Đỗ Chồm. Đó là một người đàn ông nhỏ thó,
đen sạm, có bộ râu dài đến ngực và rất có uy. Con cháu của ông Chồm chiếm đến
ba phần tư dân cư xóm vạn (con thì mười mấy đứa, còn cháu thì đến mấy chục). Có
mấy đứa con ông đặt tên theo các loài cây như Ổi, Xoài, Chuối, Xụy (thị)… Nhớ mỗi
lần xã tổ chức đá banh, đội banh xóm vạn được gọi là “Đội vận chuyển” toàn là
con cháu của ông Chồm cả… Trước mỗi trận đấu ở sân banh Đồng Dạ, ông Chồm mặc bộ
đồ bà ba trắng che dù đi trước, tiếp đó thêm mấy cụ già và theo sau là đội banh
và bầu đàn thê tử. Đội banh của xóm vạn đá không hay nhưng chơi bóng rất nhiệt
tình và đặc biệt là không chơi xấu vì nghe đâu ông Chồm đã có lệnh đứa mô chơi
xấu sẽ bị phạt… Có những buổi chiều theo ba đi làm đồng bên kia sông Ô Lâu trở
về thấy nhà ông Chồm đang họp gia đình. Ông ngồi xếp bằng trên nhà chồ, tay cầm
ly rượu mắt trâu làm từng hớp một xong vuốt râu giáo huấn từng lời, con cháu ngồi
xung quanh và ngồi cả ở những chiếc đò hai bên nhà chồ chăm chú nghe ông nói…
Nhìn ông Chồm lúc đó oai phong cứ như một già làng vùng cao. Sau buổi họp là
dòng sông Ô Lâu rộn ràng hẳn lên khi con cháu ông Chồm bắt đầu một buổi làm nghề
với những tiếng gõ mạn thuyền đánh cá: “lòng còng, lòng còng - cá nhảy vô
tròng”. Lớp tôi có thằng Thành là cháu nội ông Chồm. Năm lớp 8, một buổi sáng
mưa gió, cả lớp đang im phăng phắc nghe cô giáo giảng bài thì có mấy người ở
xóm vạn chạy tới xin cho thằng Thành nghỉ học để đi hỏi vợ. Thằng Thành lúc đầu
một hai không chịu đi nhưng khi nghe tới câu “ôn nội kêu mi phải lấy vợ” thì hắn
mới ngoan ngoãn ra khỏi lớp. Sau buổi đó, thằng Thành đi học thêm mấy buổi nữa
rồi nghỉ học luôn vì ốt dột… Thành lấy vợ sớm nhưng vắn số, mất cách đây chừng
5 năm, trong lúc bạn bè cùng lớp con cái còn nhỏ, có đứa chưa lập gia đình thì
hắn đã có cháu ngoại…
Xóm vạn bây chừ đã khác xưa,
nhà cửa mọc lên san sát; cũng chẳng còn ai lấy đò làm nhà như ngày trước. Bây
chừ mỗi lần qua cầu Hòa Xuân, nhìn về xóm vạn tôi cứ nhớ lại cái cảnh ông Chồm
ngồi xếp bằng, nhấp từng cút rượu để bảo ban con cháu. Nghe nói cháu chắt của
ông Chồm chừ tỏa đi khắp nơi, có đứa làm đến giám đốc doanh nghiệp ở miền Nam.
Chắc đứa cháu này cũng thừa hưởng được cái uy của ông nội mình…
Trước khi hòa mình vào phá mẹ
Tam Giang, sông Ô Lâu lắng đọng phù sa đoạn cửa sông qua làng tôi nên hến sinh
sản nhiều vô kể. Nhớ lần đầu ăn tô cơm hến Huế tôi cứ thắc mắc với đứa bạn:
“Con ni ngoài làng tau không kêu là hến mà là con hàu”; thằng bạn người Huế phá
lên cười: “Thì hến cũng như hàu có khác chi”. Ở Huế thì không khác nhưng ngoài
làng tôi lại phân biệt rõ ràng, con hàu nhỏ hơn, vỏ mỏng màu trắng vàng, con hến
to hơn vỏ dày hơn màu nâu sậm và to hơn con trìa vỏ cũng dày và nâu như con hến.
Chúng đều là những loài sống ở đáy sông, phá.
Khi chưa có những phương tiện
khai thác hủy diệt được gọi là giã cào làm cạn kiệt nhiều loài thủy sản như bây
chừ, mùa này, chỉ cần lội xuống mép sông Ô Lâu là đạp được hến dưới chân. Mấy
người biết bơi giỏi thì chỉ cần nhảy xuống sông, ngụp lặn mò một thoáng là đã
có một rá hến đầy mang lên chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Chợ Đại Lược quê tôi người
bán hến ngồi cả dãy dài, người ta bán bằng lon, bằng rổ, bằng bao tải và tất
nhiên là giá rất rẻ. Hến từ chợ tỏa đi khắp các làng xung quanh thành một món
ăn dân dã mà ngon miệng… Có lần đi ngang qua cầu Hòa Xuân bắc qua sông Ô Lâu,
chợt gặp một phụ nữ đang quẩy một gánh hến đầy qua cầu, tôi dừng lại hỏi mua.
Người phụ nữ nở nụ cười thật tươi gọi tên tôi và đon đả đưa luôn cả bì hến nói
cứ lấy vô Huế mà ăn. Tôi dúi tờ bạc vô tay nhưng một hai o không chịu lấy. Đi một
đoạn, lục lọi trí nhớ mới nhớ ra được đó là người bạn nữ học cùng lớp năm xưa,
hình như lớp 2, 3 chi đó thì bạn nghỉ học... Một đồng nghiệp của tôi đã làm
phim tài liệu “Đời hến” về mảnh đất Cồn Hến trên sông Hương và món cơm hến trứ
danh xứ Huế. Hình ảnh những chiếc đò lặng lẽ tìm hến trên sông Hương và cả cảnh
mấy phụ nữ hai đầu quang gánh ra khỏi nhà khi trời chưa sáng để kịp bán cơm hến
buổi sáng mai ở một góc phố nào đó thấy thật gần gũi, thân quen… Sông Ô Lâu quê
tôi cũng có những “đời hến” còn lặng lẽ hơn, nghèo hơn, tội hơn. Những “đời hến”
lặn lội hôm sớm với những sản vật của sông để lo cái ăn cho gia đình mà chưa một
lần son phấn, hội hè như o bạn xóm vạn đò đã tặng tôi bì hến của dòng sông quê
ngày nào…
Có nhiều kỷ niệm về dòng sông
quê đi xa rồi mới nhớ. Là tiếng gõ mạn thuyền đánh cá nửa đêm khuya khoắt, âm
thanh cứ như dội vào lòng người, là những chiếc thuyền buồm chiều lộng gió chừ
đã thành xa vắng… Sông Ô Lâu quê tôi là một dòng chảy nhỏ, êm đềm, đứng bên ni
bờ có thể thấy rõ bên tê bờ; một người biết bơi giỏi có thể bơi một vòng qua lại
như chơi và chuyến đò qua sông chỉ cần mấy nhịp chèo là cập bến đợi… Sông quê
là những bến đò quạnh vắng, những con thuyền đánh cá, những mùa nước lụt; là
con cá, con tôm, con hến làm thức ăn cho những người dân quê. Sông còn là người
bạn lớn của người dân quê luôn tràn trề ngọt ngào con nước, chan chứa phù sa bồi
bãi ruộng đồng… Khi những chùm hoa lộc vừng rụng tơi bời bên bến sông là đến
mùa rong. Bây chừ chẳng còn mấy ai để ý đến mùa rong làm chi nữa, nhưng ngày
trước cây rong nó quan trọng với nhà nông vô cùng.
Nông dân làng tôi có hai nguồn
thu nhập chính là làm ruộng và nuôi heo. Con heo cũng là đầu cơ nghiệp. Nuôi
heo ngày trước không như bây giờ có sẵn thức ăn gia súc bán đầy ở chợ mà phải
tìm cái ăn cho con heo. Là cây chuối sau vườn, là mấy vồng rau khoai lang, là
bèo hoa dâu, rau chót mọc khắp ở những cánh đồng… Chuối thì chỉ ít cây quanh vườn,
khoai thì đến mùa không được cắt ngọn sợ không ra củ, bèo thì không thể vớt khi
lúa đã làm đòng, rau chưa, rau chót thì chỉ khi xong mùa gặt mới có; may mà
sông đã đến mùa rong trong niềm vui lấp lánh của người nông dân. Lặn rong không
phải là công việc dễ dàng. Phải là những người biết lặn giỏi, biết chỗ nông sâu
của sông mới lặn được rong. Bởi có những khúc sông rong nhiều nhưng đáy sâu, nước
chảy xiết cần phải biết tránh. Ở quê tôi, những ngư dân xóm vạn chài cũng là những
người chuyên nghề lặn rong. Mùa rong, từ sáng sớm, mấy nhà xóm vạn chài chèo đò
đi lặn rong. Người lặn với con nước mấy tiếng đồng hồ mới được một đò rong mang
về. Đến trưa, họ cập đò về bến, từ các xóm người dân trong làng nhanh chân đi
mua rong. Thoáng chốc một đò rong đầy đã được bán hết. Giá rong cũng phải
chăng, người bán rong chỉ lấy công làm lãi phụ thêm phần đi chợ cùng mớ tôm con
cá hàng ngày. Tôi còn nhớ có hai loại rong là rong chèo và rong đốt; rong chèo
thì giá đắt hơn vì những chú ỉn rất thích ăn… Con sông quê không chỉ cho con
tôm con cá mà còn nuôi rong rêu dưới đáy phù sa một thời là “cứu cánh” cho cuộc
sống người dân quê nghèo khó. Không biết người làng đi xa có ai còn nhớ những
mùa rong đã xa…
Mới đây về làng, anh Hoàng
Trai nói với tôi: “Cái bến đò Đồng Dạ tấp nập mỗi ngày hồi trước chừ không mấy
ai đặt chân đến nữa em ơi. Mấy đứa nhỏ sau ni liệu còn biết về nơi thông thương
một thời nổi tiếng của làng mình?”. Làng tôi chia thành 4 ngụ dân cư là Nhất
Đông, Nhì Đông, Nhì Tây, Nhất Tây đặt theo vị trí địa lý hướng mặt trời mọc và
lặn. Ngoài 4 ngụ, làng còn có xóm Chợ và xóm Đồng Dạ. Không như những cánh đồng
khác có thể trồng lúa, Đồng Dạ là một đồng cát khá lớn tiếp giáp với sông Ô
Lâu, nằm cạnh con khe Ngòi Viết. Có lẽ trong một trận lũ lụt lớn nào đó năm xửa
năm xưa, con khe Ngòi Viết đã ầm ầm cuộn cát từ động cao vùi lấp cánh đồng này
và từ đó nó trở thành Đồng Dạ. Đó là một bãi cát rộng mênh mông lau cỏ mọc um
tùm. Những năm đầu hòa bình, người dân trong làng đã khai hoang Đồng Dạ để trồng
khoai sắn, nhưng kể cả hai loại cây lương thực dễ tính này cũng không mấy ưa
cái khô cằn, bạc màu của Đồng Dạ… Khi tôi lớn lên thì Đồng Dạ có hai điểm nổi
tiếng cả làng ai cũng biết đó là sân banh Đồng Dạ và bến đò Đồng Dạ. Hồi trước
cạnh sân banh xóm Đồng Dạ chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, nay thì nhà cửa đã san
sát mọc lên ngay trên sân banh xưa. Ông anh là người gắn bó với sân banh Đồng Dạ
bởi anh là tiền đạo của đội bóng xã một thời, chơi bóng rất kỹ thuật nhất là những
pha bay người móc bóng biểu diễn. Sau đó anh đi bộ đội biên giới Đông Bắc và bến
đò Đồng Dạ là nơi chứng kiến cảnh người thân trong làng tiễn những người con
lên đường bảo vệ đất nước. Rời quân ngũ trở về làng anh lại khoác áo ra sân
nhưng phong độ không còn như trước nên anh thôi làm cầu thủ.
Cái bến đò Đồng Dạ cũng là một
bãi cát rộng chứ không phải “trên bến dưới thuyền” chi cả. Tầm chín giờ sáng,
khi chợ Đại Lược đã vãn; mấy o, mấy mệ bắt đầu gánh những sản phẩm từ chợ từ
rau củ đến cá tôm ra bến đò. Đường từ chợ ra đến bến đò chừng hơn một cây số và
là đường cát lầy nên chỉ có gánh gồng chứ không thể dùng xe vận chuyển được.
Tôi nhớ có những người làm nghề gánh thuê, nhớ nhất là ông Câm khỏe hơn người,
gánh cả tạ mà vẫn chạy băng băng. Khách đi đò cũng đông, bởi chuyến đò Huế - Đại
Lược là chuyến đò chung của các làng từ Thanh Hương, Vĩnh Xương, Kế Môn và Đại
Lược… Tất nhiên, trước khi lên đò, khách ghé chợ Đại Lược làm tô bún mụ Xuân,
cháo lòng o Gái hay mấy dĩa bánh đúc mụ Xích lót bụng bởi đò đến Huế cũng tầm 3
giờ chiều. Những chuyến đò thường được gọi theo tên chủ đò là đò ông Lan, đò mụ
Thuận, đò ông Quyệt, đò ông Hồng. Tôi vẫn thích đi đò ông Hồng nhất bởi ông là
người làng và mấy đứa con gái của ông ai cũng dễ thương. Cách đây mấy tháng, ngồi
cà phê với bé Hiền cô con gái xinh nhất của ông Hồng từ Mỹ về Huế chơi và nhắc
lại chuyện đi đò năm nao. “Chiếc đò là tài sản lớn nhất của gia đình em. Cái bến
đò Đồng Dạ đã đón những bước chân của em từ ngày còn nhỏ xíu. Khi mô đò cập bến
Đông Ba là em ba chân bốn cẳng chạy vô chợ ăn hàng. Chao ơi từ bún, bánh lọc,
bánh ít, bánh canh… chừ thỉnh thoảng em vẫn nằm mơ những món ăn ở chợ…”. Còn
tôi thì nhớ mãi cảnh bến đò những ngày cuối năm cũ. Không như những ngày thường,
bắt đầu từ sau hai mươi tết bến đò bắt đầu tấp nập hơn khi những người dân làng
đi làm ăn xa trở về. Cái làng quê bình lặng một ngày như mỗi ngày sớm sớm chiều
chiều chăm lo ruộng đồng bỗng sinh động hẳn khi có những người vừa quen vừa lạ
trở về...
Phi Tân
Nguồn Tạp chí Sông Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét