Vị thế Phan Khôi trong phong
trào Thơ mới
Qua thời gian, tên tuổi nhà
văn hóa Phan Khôi (1887-5.VIII.1959), còn có các bút danh Chương Dân, Thông
Reo, Ngọa Du Nhân, Tú Sơn... ngày càng trở nên sáng rõ hơn trên các tư cách nhà
văn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo, nhà khảo cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, văn học,
ngôn ngữ v.v… Ở đây chúng tôi tập trung xem xét vị thế Phan Khôi trong phong
trào Thơ mới trên hai tư cách: nhà thơ khơi mở phong trào Thơ mới, đồng thời là
nhà phê bình cũng như đối tượng được phê bình, trao đổi. Nói khác đi, Phan Khôi
là hiện tượng “kép”, có cả hoạt động sáng tác và phê bình, vừa mở đường vừa là
chứng nhân, vừa khai phá vừa thúc đẩy, vừa là người anh hùng vừa đi ca ngợi người
anh hùng, để lại những dấu ấn sắc nét trên dặm dài lịch sử phong trào Thơ mới
1932-1945. Điều cần chú ý thêm, chúng tôi chủ ý nhận diện chân dung và xác định
vị thế Phan Khôi qua thực tại TThơ mới giai đoạn 1932-1945, tức là trong đúng
môi trường, không khí, cảnh quan thơ mới; truy tìm nguồn tư liệu trong đúng bối
cảnh phong trào thơ mới, tìm hiểu tiếng nói của người trong cuộc, “người đương
thời Thơ mới bàn về thơ mới”(1)…
1. Sau những thử nghiệm và cố
gắng thoát xác Đường luật, đổi mới thơ của Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê
Khánh Đồng... phải đến Phan Khôi mới thực sự lát được những viên gạch đầu tiên
cho phong trào thơ mới. Trong bài viết Một lối “thơ mới” trình chánh giữa
làng thơ in lần đầu trên báo Đông Tây ở Hà Nội(2), ngay sau đó
in lại trên báo Phụ nữ tân văn (PNTV) ở Sài Gòn(3), Phan Khôi đã
vừa giới thiệu, quảng cáo và khẳng định sự ra đời một lối thơ mới. Vì tầm quan
trọng của tác phẩm này nên chúng tôi in lại toàn văn, lấy bản in trên báo Đông
Tây làm bản trục và có chú thích, khảo dị những chữ sai khác so với bản in
trên Phụ nữ tân văn.
“Mới đây, tôi có được gặp
ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc
chi từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn
Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã
dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như
hồi đó là hơn [1].
Lời khuyên của ông Phạm đó,
dầu là lời nói dởn đi nữa, với tôi, tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau
khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh, không dám vội vàng tỏ ra
mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về
tinh thần, lại còn khó hơn Chánh phủ thay đổi cái chế độ giáo dục hay chế độ nấu
rượu nữa, không phải việc chơi đâu mà hấp tấp.
Duy có vì nghe lời ông đó mà
tôi nhớ sực [2] lại sự
làm thơ. Thật, cái động cơ viết bài này là chính ở mấy lời của ông [3].
Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại
cái thái độ ngâm thơ hồi trước; trong đó tỏ ra rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay
là đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế,
gần mười năm nay, tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.
Trước kia tôi dầu không có
tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít
ra trong một năm, tôi cũng có được dăm bảy [4] bài, hoặc
bằng chữ Hán, hoặc bằng Nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều
là dăm bảy [5] bài nghe
được. Vậy mà gần mười năm nay, mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, kể [6] cũng như
là không có.
Xin thú thật với mấy ông thợ
thơ. Không có, không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại
tôi làm không được!
Vậy thì hiện nay, đừng nói
tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu cho tôi nhận đi nữa, mà tôi
không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao? Đó, chính cái vấn đề
ở đó rồi.
Lâu nay, mỗi khi có hứng,
tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác
nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch,
ông Tô choáng [7] trong đầu
tôi rồi. Thơ Nôm ư? thì cụ Tiên Điền, Bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi,
làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc
đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra,
thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra
mình cứ loanh quanh lẫn quẫn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là [8] dễ tức!
Duy Tân đi! Cải Lương đi!
Bài ấy của tôi đã đăng trong Đông
Pháp thời báo, năm 1928, được nhiều người hoan nghênh, kể cũng đáng cho là một
ngôi sao chổi giữa trời thơ! Cho đến ngày nay, tôi đọc lại vẫn còn nhìn là
được, nhưng thích thì tôi không thích [9].
Đại phàm thơ là để tả cảnh tự
tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải qui cho chơn. Lối thơ cũ của ta,
ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có
phóng ra, theo lối thất cổ, như bài Dân Quạ đình công đây [10],
cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó phải mất cái chơn đi,
không mất hết, cũng mất già nửa phần.
Tôi nhìn thấy trong thơ ta
có một đều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là
hay, chứ nếu [11] lột
tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu. Như bài Dân Quạ đình
công đó, chỉ nhờ có đem việc đình công là một việc mới ra mà tả, việc ấy lại
là hiệp với… người đời nay, thành thử người ta ưa, chớ coi kỹ thì nó cũ quá,
thiệt tình chẳng phải hay gì [12].
Bởi vậy tôi rắp toan bày ra
một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được,
song có thể cử cái đại ý của lối Thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong
tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm
luật gì hết. Ấy là như:
TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa, một
đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian
nhà nhỏ,
hai cái đầu xanh, kề nhau
than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương
nhau thì vẫn nặng,
mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
“Để đến nỗi tình trước phụ
sau, chi cho
bằng sớm liệu mà buông
nhau!”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao
chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
“Thương được chừng nào hay
chừng nấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi
ta phải vậy!
“Ta là nhân ngãi, đâu có phải
vợ chồng mà tính việc thủy chung?”…
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ
đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng
quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc
đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi!
Đó là bài thơ tôi làm
trước đây vài tháng mà tôi kêu là một lối Thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự,
nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới!
mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra mà
trình chánh giữa làng thơ.
Chẳng phải tôi là người thứ
nhất làm ra việc này [13].
Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất
bại.
Tôi dại gì lại đi theo cái dấu
xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một
nơi [14] đế
đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm
chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa; nhưng tôi tin rằng sau này
có người sẽ làm như tôi mà thành công”.
Qua bài tự luận này có thể
thấy tài năng thơ ca của Phan Khôi phát xuất từ chính tính cách cùng những
chiêm nghiệm của ông về cuộc đời và chính đời sống văn học. Một mặt, ông chỉ
đích danh nhiều người làm thơ đương thời chỉ là “thợ thơ” và thừa nhận mình
không còn rung cảm với lối thơ xưa cũ ấy nữa: “Xin thú thật với mấy ông thợ
thơ. Không có, không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại
tôi làm không được!”; mặt khác, trực giác mách bảo ông phải đổi mới lối cảm lối
nghĩ: “Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không
phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết”… Mặc dù còn nhiều băn khoăn, thậm chí
chưa thật vững tin vào thành công của thơ mình nhưng Phan Khôi lại đầy nhiệt
thành tin tưởng vào chiều hướng cái mới do ông mở đường và xu thế phát triển tất
yếu của phong trào thơ mới.
Đương nhiên ngay sau khi
Phan Khôi khơi nguồn Thơ mới đã gặp nhiều ý kiến phản đối nên đã phải lên tiếng
tự bảo vệ, bào chữa và đối thoại lại qua bài viết Về lối Thơ mới sau bài
Tình già: vừa mở ra đã có người lo cột lại:
“Làng thơ bên Pháp lâu nay
có nảy ra một lối Thơ mới kêu là "thi tự do" (vers libre). Nó đã
không niêm, không luật, không hạn chữ, cũng không có vần nữa. Bên Tàu chừng hơn
10 năm nay cũng có lối Thơ mới ấy rất thịnh hành.
Lối thi tự do của họ đó, tôi
phản đối. Bỏ luật, bỏ niêm, không bắt hạn chữ thì tôi chịu; nhưng bỏ vần đi thì
tôi không chịu. Tôi nói: Thơ khác với văn là chỉ nhờ có vần. Làm như họ thì chỉ
là một bài văn xuôi (prose) rồi đem viết riêng ra mỗi câu một hàng chớ không phải
là thơ (vers). Theo cái nguyên tắc ấy tôi mới thành lập lối Thơ mới của tôi, tức
như bài Tình già. Bài này, không niêm, không luật, không hạn chữ, nhưng mà
phải có vần, ấy là tôi làm nó ra theo như cái nguyên tắc tôi đã lập…
… Một việc cải cách rất nhỏ,
cải cách về lối làm thơ, mà người ta còn lôi kéo nhùng nhằng như vậy, huống chi
là việc cải cách về tư tưởng, về chế độ gia đình xã hội; ông Nguyễn Khắc Hiếu
ông cho rằng "cái nạn Phan Khôi" cũng phải!...
… Tôi xin các ông đi, đừng
có làm như Thượng Minh nữa. Lối Thơ mới ấy của tôi, có đứng được thì để, không
đứng được thì bỏ đi, chớ đừng có điều đình, tôi đã "bất điều đình"
mà!...
… Bài này có trọn tính chất
quảng cáo, không có gì là hay; nhưng tôi lục trình ra đây cho biết cái lối Thơ
mới ấy đặt thế nào cũng được, không phải một thể như bài Tình già mà
thôi (4)…
2. Trong suốt thời Thơ mới,
Phan Khôi còn có nhiều lần phát biểu, trao đổi, luận bình về thơ ca đương thời.
Trên thực tế, vừa khi Nam Trân trình làng những bài thơ in báo ban đầu thì ông
đã được xếp hạng "thi nhân". Nhà khảo cứu và phê bình cựu trào Ngọa Du
Nhân Phan Khôi đã trân trọng giới thiệu với nhiều hy vọng và tiếc nuối về sự ra
mắt của Nam Trân trong bài Thơ của Nam Trân: "Đầu năm 1935, báo Tràng
An ra đời; năm bảy kỳ đầu tiên đó người ta thấy những bài thơ dưới ký tên
Nam Trân. Nhiều bạn làng văn ở Huế tin rằng Nam Trân sẽ từ nay nổi tiếng như
phao trên thi đàn và thơ của Nam Trân sẽ được gặp luôn luôn trên tờ báo mới ấy.
Không ngờ, trải qua một thời gian chẳng phải vắn vỏi gì mà cái điều sở nguyện của
người ta vẫn chưa thấy toại; rồi thơ Nam Trân từ đó cũng tuyệt tích trên báo Tràng
An"(5)...
Tuyển dẫn bốn bài (Trước
chùa Thiên Mụ; Huế, mưa dầm; Huế, mùa hạ; Huế, mùa hạ II), Ngọa Du Nhân trịnh
trọng khẳng định: "Tôi dám chắc bạn đọc khi vồ lấy bốn bài nầy ở đây được
rồi, cứ ngâm đi ngâm lại mà không thấy chán. Liền đó, bạn phải nhận cho tác giả
của nó là một thi nhân số một số hai ở hiện thời, liệt vào với bọn Thế Lữ, Huy
Thông, Lưu Trọng Lư, không đến làm cho mình phải thẹn, vẫn biết rằng tài điệu
riêng mỗi người mỗi lối, cảm hứng mỗi người đi mỗi đường"... Nhân đây xin
thưa rằng, nhan đề các bài thơ trên được Ngọa Du Nhân dẫn nguyên theo báo Tràng
An mà sau này Nam Trân đưa vào tập Huế, Đẹp và Thơ có cải dạng một
vài chữ.
Lấy dẫn chứng từ bốn bài thơ
trên, Ngọa Du Nhân đã từ điểm nhìn ngôn từ nghệ thuật mà đi sâu bình phẩm:
"Bài Trước chùa Thiên Mụ là rập theo điệu bài thơ Đằng
Vương các của Vương Bột, nhưng cái hay không phải toàn ở điệu. Nó hay ở một
bài thơ mà như một bức họa. Ông nào vẽ giỏi, thử theo từng câu mà vẽ ra xem, khắc
thấy trước mắt một cảnh đẹp thiên nhiên... Nam Trân hạ những chữ trong bài thơ
của mình, bằng một cách táo tợn mà ngộ nghĩnh. Như chữ "đẩm" trong
câu "Tiếng hát ông ngư đẩm bóng cây", chữ "sừng" trong câu
"Đồi thấp sừng trăng dỏi dỏi soi", chữ "đánh đổ" trong câu
"Đánh đổ giấc ngủ ngày", chữ "trỏn trẻn" trong câu "Mặt
trăng vàng trỏn trẻn" đều là những chữ có vẻ khác thường, ít ai hạ được
như thế... Không dám mếch lòng thi sĩ khác, nhưng tôi phải nói thật rằng tôi
không ưa thơ họ bằng thơ Nam Trân. Luận thơ, tôi trọng nhất ở chữ
"chân". Có phải không, hoặc tả cảnh, hoặc ngôn tình, trong thơ Nam
Trân cũng dễ tìm thấy chữ "chân" hơn thơ của người nào? Ai đã qua Huế
một năm, phải chịu những bài Mùa hạ, Mưa dầm là không cãi được lấy
nửa lời"...
Đề cao thơ Nam Trân nhưng Ngọa
Du Nhân cũng công bằng và thẳng thắn chỉ ra những bài, những câu theo ông là
chưa đạt: "Tôi khen Nam Trân hạ chữ ngộ nghĩnh, không phải là tôi không thấy
ông ta dùng chữ còn chỗ sống sượng đâu. Như câu "Như luồng khói nhẹ lên
lên mãi", câu thì hay, mà phải chữ nhẹ để vào đó có hơi ngớ ngẩn.
Phải có thứ khói nào nặng thì mới nói như thế được chớ? Tôi muốn đổi lại là
"Nhẹ như luồng khói..." mà tôi cho là dễ nghe hơn. Nam Trân lại có một
chỗ trong thơ ông ta làm cho tôi không đồng ý được nữa, là cách bỏ vận. Không vận
thì thôi, chớ đã có, tôi nói, phải gieo cho đúng. Nam Trân thì:
Xao xác đồng chiêm uống giọt sương,
Sương pha màu sữa dưới trăng mờ.
Lều tranh xám xịt bâu sườn
núi,
Sau dãy rào tre khúc rậm, sưa.
Ấy là bốn câu đầu của bài Cảnh
quê. Tôi phải lấy làm lạ sao đã nhả ra được những câu thơ như thế mà lại không
chịu săn sóc đến vận một chút để được an toàn hơn!"...
Rồi Ngọa Du Nhân Phan Khôi bộc
lộ rõ tính cách của mình khi bày tỏ thái độ trước câu chuyện thơ và đời Nam
Trân: "Dù thế nào, trên con đường thơ mai sau, tôi có hy vọng ở Nam Trân lắm
lắm. Một thi nhân đáng biểu dương như thế ai nỡ để cho mai một đi trong hoạn
trường là chỗ để mai một cái thiên tài của người ta!"...
Khi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
(1889-1939) qua đời, Phan Khôi viết bài Tôi với Tản Đà thi sĩ đầy
nghĩa tình, thẳng thắn, chân thực. Ông kể về những năm tháng sơ giao đầy ấn tượng,
thiên về một phía Phan Khôi hướng về Tản Đà:
“Vừa rồi Tản Đà thi sĩ về chầu
Trời (nói thế cho oai và cũng cho có sách, nghĩa là dùng điển ở thơ ông)! Nghe
tin, tôi cảm động lắm. Muốn tỏ tình đối với ông, tôi nghĩ nên có câu đối phúng
hoặc hùn vào các báo một số tiền quyên giúp gia đình. Rút cục, hai thứ đều
không có, vì lâu nay tôi không đặt câu đối nữa và cũng nghèo như ông vậy. Tôi
quyên bằng cái cách tỏ tình bằng "cây nhà lá vườn", mà mãi đến hôm
nay tôi mới nhớ ra: Viết một bài trên báo kể sự quan hệ giữa ông và tôi từ trước,
là một cách tiện đủ về mọi phương diện!
Tôi biết ông Nguyễn Khắc Hiếu
từ năm 1918, khi tôi bắt đầu ở Hà Nội viết cho tạp chí Nam phong. Một đêm
mùa xuân lạnh ngắt, tôi đương nằm đọc sách ở cái gác của nhà báo ấy ở Hàng
Bông, tức là ngụ sở của ông Nguyễn Bá Trác bấy giờ. Bỗng có khách vào. Ông Trác
giới thiệu cùng tôi: Đây, ông Nguyễn Khắc Hiếu. Tôi như có điện chạy trong người,
ghê rợn, vùng đứng dậy!
Thật thế. Cái tên Nguyễn Khắc
Hiếu bấy giờ không phải vừa, đối với tôi lại càng long trọng lắm. Tôi nghe mà
rùng rợn lên, có thế thật.
Số là sự trứ tác bằng quốc
ngữ hồi đó còn ít lắm, ít lắm nữa là về mặt sáng tạo. Thế mà trước kia đọc Đông
Dương tạp chí tôi đã thấy những bài như Cái chứa trong bụng người của
ông; lần ấy đến Hà Nội lại vừa gặp Giấc mộng con của ông xuất bản,
tôi không thể nào không phục ông là tay đại tài. Tôi phê bình riêng trong trí
thế này: "Anh Quỳnh anh Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây; chứ
đến thằng cha này hắn viết ra tư tưởng của hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo!"…
Thế mà chưa mấy! Đến vận văn
của ông còn làm cho tôi như muốn nằm rạp xuống đất, không dám ngước mặt lên nữa
kia! Tôi thường hay lấy giọng để ngâm những câu "Ngoảnh trông lên anh đếch
thấy có ra gì" hay là "Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục" mà
ngợp người đi. Vì trong khi ấy, tôi thấy Nguyễn Khắc Hiếu như ở trên cao rồi mà
mình cũng lại như theo hắn mà ở trên cao nữa. Mình đáng lẽ nằm rạp xuống đất mà
nay ở trên cao, làm sao chẳng ngợp.
Đêm ấy ba chúng tôi nói chuyện
với nhau lâu. Thì ra tôi thấy ông Hiếu vui tính, hay cười và nhũn nhặn lắm.
Sáng ngày ra, tôi liền khoe với ông Dương Bá Trạc: "Đêm qua tôi có gặp ông
Tản Đà rồi!". Tôi lấy sự gặp được ông Hiếu làm hân hạnh, thật tình!
Trong thời kỳ đó tôi còn gặp
ông một vài lần nữa, nhưng không có gì đáng ghi nhớ. Một điều tôi thấy chắc, là
ông chẳng hề để tôi vào mắt ông. Đã thế thì mình cũng chẳng mong gặp người ta
làm chi. Kế hai năm sau tôi ở Sài Gòn, rồi lại ở Hải Phòng, hình như tôi cũng
đã quên ông ấy nữa”(6)…
Rồi những kỷ niệm một thời
bè bạn, khi cả hai ông mới ngoài ba mươi tuổi, cùng làm báo và cùng tếu táo, nhiều
tài ba và cũng thật nhiều sự kiêu ngạo, tự tin và tự tín:
“Năm 1921, tôi trở lại Hà Nội
mới bắt đầu cùng ông chơi thân. Kể ra tôi lúc ấy "hay rượu" lắm, uống
nhiều mà không say, lại sính thơ, đến nỗi viết ra cuốn Nam âm thi thoại,
nhờ hai cái đó mới bén với Tản Đà thi sĩ được.
Lần thứ nhất tôi uống với Tản
Đà tại một quán ở hàng chả cá. Từ chín giờ sáng đến một giờ chiều, nói hết chuyện
ấy sang chuyện khác, uống hết chai ấy sang chai khác, rồi hai chúng tôi thấy
tâm đầu ý hiệp lắm, dần dần trở nên đôi bạn thiết.
Năm ấy Hữu thanh tạp
chí ra đời, Tản Đà làm chủ bút. Ông muốn tôi có chân trong toà soạn lắm,
nhưng bị có người ngăn cản phải thôi. Tuy vậy, trong mấy tháng đó hai chúng tôi
cứ vài ngày lại hội riêng để uống rượu và đàm luận cùng nhau, và tôi cũng có viết
bài cho tạp chí ấy.
Chỗ chúng tôi hội là cái gác
ở phố bờ sông, gần cột đèn; đến sau là cái gác của nhà báo Hữu thanh; cũng
có mấy lần ở nhà cô đào Hàng Giấy.
Cái lối đánh chén của ông Hiếu
kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với
ông. Ông đem hoả lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn; có khi mãn một tiệc ăn, người
nhà phải thay than trong hoả lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa
ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú. Có lần ở tại cái gác Hữu
thanh, ông viết giấy mời tôi đến lúc mười giờ đêm, rồi uống mãi cho đến hai giờ
sáng. Lần khác ở nhà cô đào Lân, ông và tôi, và một người bạn của ông nữa, chừng
như ông Tú Tô thì phải, uống từ mười một giờ đến năm giờ sáng mới về.
Có bữa chén ấy không thể nào
quên được trong đời tôi. Ông cùng người bạn đến trước, chiếm một cái phòng nhỏ
mà rất lịch sự ở trong cùng. Đoạn ông bắt cô Lân phải ăn mặc đàn ông ra đón tôi
ở cửa. Cô Lân bấy giờ có tiếng lắm ở Hàng Giấy, cũng gọi bằng Thuỵ Khanh, lại
có cô em tên là Đức. Tuy vậy, hôm ấy ông Hiếu ép cô Lân phải mặc trai ngồi uống
rượu nói chuyện với chúng tôi như bốn người đàn ông, chứ không cho cô Đức dự
vào. Đến khi người bạn ra về trước, trong tiệc mới xoay lại làm hai cặp. Tôi
còn nhớ trong lúc đó Thuỵ Khanh có một câu đối thách chúng tôi: "Đức bất
cô, tất hữu lân". Nhưng Tản Đà cùng tôi nhìn nhau không đối được! Sau bất
đắc dĩ tôi phải xin Thuỵ Khanh bớt cho ba chữ ra "Đức hữu lân"; rồi
tôi đối lại: "Dân hưng hiếu" (Dân là một chữ trong bút tự của tôi).
Ông Hiếu làm chủ bút Hữu
thanh đâu chừng nửa năm là ông từ chức. Sự ông từ chức, tôi cũng cho là phải,
dù tôi, tôi cũng không làm được, huống là ông ấy!
Từ khi ông Hiếu không ở Hà Nội
nữa thì ông và tôi cũng xa nhau, xa cả mắt lẫn lòng. Tôi nghiệm ra ông với tôi
không làm bạn lâu được, không phải tại gì, mà tại tính cách hai người không giống
nhau; thật có như Nguyễn Du nói: "Trong khi chắp cánh liền cành - Mà lòng
rẻ rúng đã đành một bên" đó vậy!
Lần đầu hết uống trong quán
chả cá, say rồi, tôi rủ ông đi chơi, mà ông thì đòi về đi nghỉ. Bấy giờ tôi cậy
thân và cũng có chán rồi, nên nói một cách như nộ nạt: "Uống say để rồi
làm gì, chứ để đi nghỉ thì uống say làm chi?". Ông gượng cười rồi cùng đi
về nhà trọ tôi ở Hàng Đào, ông ngủ trên gác cho đến chiều, còn tôi đánh tổ tôm ở
nhà dưới.
Khi sắp làm chủ bút Hữu
thanh, ông mở cuộc diễn thuyết, tức là cuộc diễn thuyết về "Đời đáng chán
hay không đáng chán". Hôm sau diễn thuyết thì hôm trước có một người trong
nhóm Hữu thanh dặn tôi rằng giữa lúc diễn thuyết, hễ nghe vỗ tay thì
cũng vỗ tay. Tôi lấy làm quái; tôi mắng người ấy đã đành mà cũng nhân đó ngờ đến
ông Hiếu nữa; một người quân tử sao lại có sự toạ tập với nhau như thế? Đến sau
tôi xét ra ông Hiếu bị lợi dụng, những sự sắp đặt ấy toàn ở người khác, chứ
không ở ông; nhưng cái cảm tình tôi đối với ông đã vì đó lợt lạt một vài phần rồi.
Bấy giờ báo còn bị kiểm duyệt.
Bài thứ nhất tôi viết cho Hữu thanh là bài Nghĩa làm dân được
ông khen lắm, nhưng bị kiểm duyệt xoá bỏ, không được đăng. Một hôm, giữa bữa rượu,
ông nói cùng tôi rằng: "Đó, anh coi, tôi viết bao nhiêu bài không sao, còn
anh mới viết một bài đã bị xoá, đủ biết ai có tài đáng làm chủ bút hơn".
Tôi vẫn biết ông nói chơi, nhưng nói chơi bằng một câu chẳng có ý cao thượng tý
nào, làm cho tôi không thích.
Lần khác sau bữa rượu, ông hỏi
tôi: "Anh ở một mình như thế thì... làm thế nào?". Tôi nói: "Tôi
theo phác xia chủ nghĩa. Tôi coi sự nam nữ là một sự cần cũng như phác xia. Hễ
tôi cần phác xia là cứ đến nhà xia". Thế rồi hai chúng tôi cùng đến một
nhà ở phố Gia Ngư. Mỗi người làm việc của mình xong, bỗng có một nhân vật Đại
Pháp đến làm lôi thôi, tôi toan dùng võ lực đối phó. Ông nhất định cản tôi, bắt
phải về. Về nhà, ông giảng cho tôi nghe, cái cử chỉ vừa rồi của tôi là cái cử
chỉ võ phu, không nên có! Nhưng tôi không chịu, cãi lại rằng: "Đã đến thế
rồi, còn sợ gì là võ phu nữa?". Thì ra đối với đạo đức, hai bên có quan niệm
khác nhau: ông Tản Đà thì đi chơi đĩ được, nhưng không nên đánh lộn; còn tôi,
đã đi chơi đĩ được, thì đánh lộn cũng không từ!
Vì hai cái thái độ không thể
dung nhau ấy làm cho hai chúng tôi khi biệt nhau rồi là thôi, không hề có thư từ
cho nhau cả. Mãi đến sau, khi ông Hiếu vào Sài Gòn thì tôi chưa có ở đó. Kịp
lúc tôi ở Sài Gòn, có gặp ông ở Bắc vào một bận, thì hai người vẫn tay bắt mặt
mừng như xưa, mà tâm tình đã thấy có chỗ cách biệt với nhau rất xa. Đó rồi ông
về, lên án đòi chém Phan Khôi trong An Nam tạp chí.
Tôi biết ông Tản Đà là người
thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học. Ông tự cho ông như thế là đến
nơi rồi, không còn tiến bộ gì nữa; bởi vậy ông thấy đời không được rõ. Biết như
thế nên tôi đã thật tình nhịn thua ông đi, ông đòi chém tôi mà tôi chẳng hề cãi
lại nửa lời”...
Đến đoạn kết, Phan Khôi đi
sâu lý giải về tình bạn, tình người, tỏ bày sự kính trọng, tâm đắc và hoài niệm
bậc tài danh kém mình hai tuổi đã sớm về cõi hạc:
Lần uống rượu ở quán chả cá,
chúng tôi thảo luận về cách ở đời của chúng tôi nên làm sao. Ông Hiếu và tôi đều
rập nhau nói: "Chúng ta nên gắng làm đại trượng phu!". Rồi mỗi đứa đọc
đoạn này trong sách Mạnh Tử: "Cư thiên hạ chi quảng cư; lập thiên hạ chi
chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo; đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc
hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất;
thử chi vị đại trượng phu", mà cười phá lên và uống cạn chén mình. Trong
khoảnh khắc ấy, chúng tôi thấy chúng tôi hào hoa vô cùng, phong nhã vô cùng, vĩ
đại vô cùng thì làm sao chẳng trở nên một đôi bạn đồng tâm cho được? Mà bây giờ
đây, tuy một mất một còn, hai chúng tôi cũng vẫn cứ hiệp nhau ở chỗ ấy chứ sao?
Ông Tản Đà ơi! Đại trượng
phu!...
Chúng ta có là đại trượng
phu không, ông Tản Đà?”...
Trong tư cách nhà phê bình,
Phan Khôi cũng có những quan niệm, cách tiếp nhận và cảm thụ riêng, thậm chí
không theo kịp bước tiến của Thơ mới qua hiện tượng thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử và
vấn đề hình thức câu thơ. Trên thực tế, Phan Khôi phản biện lại những tiếng nói
qui chụp, khẳng định rằng mình chỉ phê những bài thơ, câu thơ cụ thể chứ không
phê phán toàn bộ thơ mới. Với nhan đề Một tai nạn của văn học đặt
trong mục “Chuyện hàng ngày”, Phan Khôi dẫn giải:
“Nền văn học Việt Nam mới gầy
dựng lên vài chục năm nay, đến nay bỗng dưng gặp một tai nạn lớn. (lược
vài đoạn không quan hệ) Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết
văn không nghĩa. (lại lược một câu)
Phàm văn, khoan cầu hay đã,
trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở.
Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa
hay không, họ không cần. Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà
có lẽ họ gọi là hay đó.
Một tập thơ xuất bản đã lâu,
nhan là Tinh huyết, tác giả là Bích Khê, mà đến ngày nay tôi mới đem ra chỉ
trích cũng hơi muộn. (lại lược một câu).
Một bài đề là Hoàng hoa trong
có những câu như vầy:
Lam nhung ô! Màu lưng chừng
trời,
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi
nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy,
Chim yên eo mình nương xương
cây.
“Lam nhung” là gì? “Xanh
nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả. (lược
bỏ nhiều câu ở dưới vì đều thế cả)
Không hơi đâu mà kể cho hết
cái vô nghĩa của họ… Họ điên chăng? Nếu thế, chỉ có người điên mới hiểu mà thôi.
Coi như trên đó, Thông Reo
có hề công kích Thơ mới không? Nếu Thông Reo có công kích Thơ mới thì tôi cũng
xin nhận là tôi - Phan Khôi - có công kích Thơ Mới.
Không hề! Thật là không hề!
Thông Reo chỉ công kích sự viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ có hề công kích Thơ mới
đâu?
Nguyên văn, Thông Reo nói:
“Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không có nghĩa”. Thông Reo
nhận cho sự viết văn không có nghĩa là một tai nạn của văn học.
Thế mà đến báo Tiếng
dân, báo ấy nói rằng: “Ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) cho Thơ mới là cái
tai nạn của văn học”!
Thế là Tiếng dân nói
sai. Tôi xin cải chính”(7).
Ngay sau đó, Phan Khôi tiếp
tục viết bài bào chữa, phản biện, nêu lý lẽ và phân tích rành mạch để khẳng định
chính kiến của mình về giá trị thơ mới:
“Báo Tiếng dân gần
đây có hai bài trong hai số tiếp nhau tuyên bố lên rằng ông Phan Khôi, là tôi,
đã bắt đầu công kích lối Thơ Mới. Tôi thấy mà rất lấy làm ngạc nhiên. Tôi không
hề có khi nào phản đối lối Thơ mới cả, cũng chưa từng bắt đầu nghĩ đến việc ấy,
sao người ta lại hô lên như vậy?
Tôi là người đề xướng ra Thơ
Mới, vì bài Tình già của tôi ra đầu hết; nếu lui một bước, tôi không
nhận lấy cái danh người đề xướng thì ít nữa tôi cũng là một người trong những
người đề xướng Thơ Mới, há có lẽ nào mới giáp mười năm mà tôi đã quay lại nó mà
phản đối hay sao?
Sợ cho anh em trong làng Thơ
mới không rõ đầu đuôi, tin lời báo Tiếng dân rồi chưởi tôi là thằng
phản phúc, nên cực chẳng đã tôi phải viết bài nầy đính chánh, - đáng thương hại
cho ngòi bút của tôi cứ luôn luôn là đính chánh.
Trong số 1594 báo Tiếng
dân viết rằng: “Ông Phan Khôi trước có hùa vui viết Thơ mới một đôi bài…
nay thấy trong làng Thơ mới của bọn trẻ có lắm bài vô nghĩa, trong Dân báo ông
Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) có bài dưới mục “Chuyện hằng ngày” (số ra ngày
25/5/1941) cho Thơ mới là một cái tai nạn của văn học, xem đó đủ thấy giá trị
Thơ mới ngày nay là thế nào”.
Đoạn đó ở trong “Lời nói đầu”
của Việt ngâm thi thoại đăng ở số báo nói trên, dưới ký là Minh Viên.
Tiếp số sau, 1595, ra ngày
12/7/1941, nơi mục “Chuyện đời”, Chuông Mai viết: “Nhà túc học và tay đàn anh
trong làng báo là ông Thông Reo (tức Phan Khôi) trước kia giữa phong triều Thơ
Mới, nhớ như ông có viết một bài về cái đề “mua sò trên xe lửa”… Nhưng mới đây
ông kinh hoảng mà la lớn: “Một tai nạn trong văn học” (bài nầy trong Dân
báo ra ngày 25/6/1941), trong bài nầy ông chỉ vạch những câu vô nghĩa
trong Thơ mới rất là rành rẽ. Xem đó đủ thấy trưng triệu đổ sụp của Thơ Mới.
Chuông Mai rất biểu đồng tình với… bạn Thông Reo mà hô lớn rằng: Xứ ta còn sản
xuất thứ Thơ mới là một điều vô phúc cho làng văn nước nhà”.
Xem đó, bạn đọc thấy Tiếng
dân nói rõ ràng rằng tôi cho Thơ mới là một tai nạn của văn học và Chuông
Mai tỏ ý muốn cùng tôi đánh đổ Thơ Mới. Mà nói như thế, báo Tiếng dân lấy
chứng cứ ở đâu? Chỉ lấy ở bài đăng dưới “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo của
Thông Reo.
Thông Reo, báo Tiếng
dân nói là hiệu của tôi, điều đó rất là vô lý, tôi không nhận. Tuy vậy,
cho đi rằng Thông Reo tức là Phan Khôi nữa, thì cũng nên xem lại thử bài ấy
Thông Reo nói những gì”(8).
Với tư duy sắc sảo, Phan
Khôi đã có nhiều trang viết đặc biệt có giá trị về tác giả, tác phẩm và về
phong trào thơ mới. Ông bình luận, trao đổi, tranh luận về thơ theo một cá
tính, bản lĩnh và cốt cách riêng. Trước sau ông vẫn gắn bó, đề cao Thơ mới
nhưng không phải không có lý khi ông sớm cảm nhận và bước đầu chỉ ra những dáng
nét tân kỳ một cách cực tả đã dần hiện diện trong chính nền Thơ mới ấy.
3. Ngay giữa đương thời
phong trào Thơ mới (1932-1945), một thế hệ các nhà thơ cũng như giới phê bình
đã có nhiều lời bàn và đánh giá cao vị thế Phan Khôi trên cả tư cách người sáng
tác, người khơi nguồn và mở đường cho Thơ mới phát triển.
Ngay sau khi Tản Đà cho in Một
lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ trên báo Đông Tây tại Hà
Nội, tác giả Thượng Minh hoan hỷ đón chào và bày tỏ niềm tin: “Xem bài Một
lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ của Phan tiên sinh, đăng trong Tập
văn mùa xuân của Đông Tây, trong óc tôi vụt nảy ra một tia hy vọng mới
về lối thơ văn đó”(9)
Đương buổi ban đầu tiếp nhận
tiếng Thơ mới Phan Khôi, Vân Bằng xác quyết Tôi thất vọng vì Phan Khôi và
mát mẻ châm biếm:
... Ông Phan Khôi là nhà đại
danh nho, đại tư tưởng, đại lý thuyết và lại là một tay đại “lô dích xiêng” nữa…
… Ông đã có phen hô hào cảnh
cáo các nhà “học phiệt” làm cho quốc dân đã được hưởng cái thú đọc bài trả lời “mát
mẻ” của ông Phạm Quỳnh.
Ông đã có phen đem tài hùng
biện ra trước tòa án dư luận, làm trạng sư cãi “thí” để “thân oan” cho “bà vua”
Võ Hậu đã chọn cung nhân bằng đàn ông, để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạo”
(theo lời ông).
Ông đã có phen đem lý thuyết
về cuốn “lô gích” (logique) là môn ông rất sở trường, và ông cũng đã đem cái
thuật “xưng hô” ra dạy đời nữa.
Vừa đây, ông lại ra công
“sáng chế” một lối thơ “tân thời, tự do đặc biệt”, không cần niêm luật, tự ý vắn
dài, làm cho nhiều người “hoài cổ” ngậm ngùi thương tiếc “tấm vé” luật Đường.
Có lẽ vì sự phát minh lối Thơ mới này mà phải mai một đi chăng?
Đó là cái công trình vĩ đại
của ông Phan Khôi đối với quốc văn là thế, cho nên văn tài ông được nhiều người
bái phục, như lời ông chủ bút báo Đông Tây Hoàng Tích Chu đã nói rằng:
“bạn Phan Khôi của ông có một bên (xin hiểu là một số người) coi là “Léon
Daudet” của Việt Nam.
Coi bấy nhiêu đó cũng đủ biết
văn tài của ông Phan Khôi “cừ” lắm rồi cũng đủ cho quốc dân mừng?”(10)…
Khác với Vân Bằng, thi sĩ trẻ
Cô Liên Hương (Lưu Trọng Lư) lại đồng cảm, tin tưởng và hy vọng vào nguồn sáng
Thơ mới qua Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài Một lối
Thơ mới trình chánh giữa làng thơ:
“Cách đây đã lâu, tiên sinh
có đưa trình chánh giữa làng thơ một lối Thơ mới. Tôi đọc bài ấy rồi tôi cứ đợi
mãi, mà sau tiên sinh không thấy ai nối gót theo, mà chính tiên sinh hình như
cũng không muốn giở dói đến việc ấy nữa…
Dám khuyên tiên sinh nên mạnh
dạn một lần nữa mà tiến lên đường.
Cái lối Thơ mới của chúng ta
là đang ở vào cái thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện, nghiên cứu. Không biết
rồi đây nó đi đến chỗ thành công hay là nửa đường bị đánh đổ. Đó là sự bí mật của
lịch sử văn hóa mai sau! Dầu thế nào đi nữa, nó cũng có giá trị là giúp cho sự
tự do phát triển thi ca, đưa thi ca đến chỗ cao xa rộng lớn, nó như thúc giục,
như khiêu khích, như kêu gọi nhà thi nhân ra làm một cuộc canh tân, dầu có thất
bại, thất bại vì lòng mong ước quá cao, thì nó cũng đã hiến cho ta một cái công
lớn: nó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đang triền miên
trong cõi chết.
Trong lúc ban đầu mà đã vội
mong ước có những tay “thầy thơ” chân chính (Véritables maitres) thật là không
thể nào được. Nhưng trái lại, nếu có ai xem thường những người sáng kiến ra cái
lối “Thơ mới” kia, tưởng e rằng cũng đắc tội với tiền đồ văn học nước nhà lắm vậy”(11).
Thơ mới đang khơi dòng. Vì
thế Chất Hằng Dương Tự Quán tiếp tục chỉ trích Phan Khôi và lối Thơ mới Phan
Khôi trong bài Ấm Hiếu không thể làm Tú Khôi, hay là Một cái tỉ hiệu luận
giữa Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu:
“Người ít tình cảm thì sự cảm
giác về cái bản ngã cũng kém cho nên Phan Khôi không hay làm thơ mà chỉ ưa
nghiên cứu về thơ. Đôi khi Phan Khôi cũng làm thơ, nhưng thơ của ông cũng “hùng
hổ” như ông... hay khắc khổ như văn xuôi của ông, hoặc nhạt nhẽo vô duyên như
hình dáng của ông.
Có lẽ vì thế mà Phan Khôi muốn
thay đổi cái hình thức của thơ mà xướng xuất ra một thể Thơ mới, nó thật ra chẳng
mói chút nào, và cũng ít người cùng ông hưởng ứng”(12).
Nhìn từ một phía khác và có
phần thiên về hình thức câu chữ, Thương Sơn trong bài Thơ mới là từ khúc lại
cho rằng lối Thơ mới Phan Khôi chẳng có gì mới cả và chứng dẫn:
“Kể ra thì trong bài Con
ve và con kiến cái lạ ở nơi cách bắt vần, cách này cũng hai câu một vần với
nhau, đến hai câu khác lại vần khác, có giống như lối vần “liên tiếp” (rimes
suivies) của Tây. Ấy, cũng vì cái giống ấy mà chúng ta tưởng lầm rằng, cách bắt
vần này mới lắm, song kỳ thực trong văn Tàu nó đã có từ lâu, nó đã cũ, tôi nói
cũ để khỏi nói xưa đó thôi.
Thì cứ xem bản dịch Tỳ
bà của Tản Đà thư điếm cũng đã thấy cách bắt vần ấy rồi, nên bản Tỳ
bà của cao Đông Gia ở tận đời Nguyễn. Đây xin trích mấy vần.
Thám hoa (đọc):
Bác chẳng thấy năm ngoái
quan nghè Bùi?
Ngã ngựa đứt băng một bên
đùi.
Lại chẳng thấy năm trước
quan đốc Phùng,
Ngã ngựa vẹt hẳn một bên
mông?
Ở đời có ba sự rất sợ,
Chở đò, đánh đu cùng cưỡi ngựa…
lại điệu từ “Bồ tát man” dịch
đăng ở Nam phong:
Bảng lảng non vàng cảnh minh
diệt
Mây in mái tóc, thân pha tuyết
Ủ dột nét mày ngài
Điểm trang cùng với ai?
Cánh hoa lồng trong kính
Mắt hoa cùng lấp lánh
Mới mẻ bức la nhu
Đôi chim ai thêu thùa?
cùng điệu “Mộc lan hoa”:
Đàn ai tiêu sái,
Khiến khách giang hồ tình ái
ngại;
Lơ lửng trăng sân,
Bóng minh minh ngỡ bóng giai
nhân...
chẳng phải là bắt vần như
bài dịch của ông Vĩnh ru!
Tôi còn nhớ như bài Tình
già cũ lắm lắm chứ có cũ vừa đâu! Ông Chất Hằng lại rõ thật là sơ ý. Ông
không thấy rằng bài ông Vĩnh cũng bài cổ thể thứ hai mà ông chép ở đoạn sau bài
là giống nhau lắm ư? Bài trên là một bài ngụ ngôn; cái lạ chắc không ở đó, mà ở
cách bắt vần, song cách bắt vần lại giống bài dưới mất, nghĩa là người ta đã
làm rồi, thì còn gì là sáng kiến nữa đâu! Họa chăng chỉ còn ở mấy chữ “suốt mùa
hè”.
Từ trên tới đây, đó là tỏ một
phần cũ của bài thơ ông Phan. Trước khi nói đến phần cũ khác của nó, ta hãy thử
xem vì sao cách bắt vần “liên tiếp” nó đã có từ lâu rồi mà người ta lại ít làm
tới, cho đến bây giờ người ta ngộ nhận rằng nó là “tân thời”. Ấy cũng vì nó
không hay gì cho lắm không êm ái bằng cách bắt vần như thơ Đường vậy, ấy nó
cũng sắp vào vòng “đào thải” rồi.
Ông Chất Hằng chép bài Tình
già sai với nguyên văn, nên chỉ chú đến cách bắt vần, mà không biết đến
cái tự do của nó. Như thế, những người đã “lại đem cái vấn đề Thơ mới ấy đặt
lên thảm xanh” chắc sẽ không khỏi nói qua nói lại. Vậy xin thay ông chép lại mấy
câu thơ gốc của “lối mới” rồi chỉ một chỗ “cũ” khác của nó, mà chỗ này quan hệ
hơn.
Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ trong gian
nhà nhỏ
Đôi cái đầu xanh kề nhau
than thở
Ôi! đôi ta tình thương nhau
thì vẫn nặng.
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ
sau
Chi cho bằng sớm liệu mà
buông nhau…
Đọc bài ấy rồi, độc giả đọc
bài này:
Lá liễu xanh,
Hoa hồng đỏ
Trăng rạng tỏ.
Thấp thoáng trong mành ai to
nhỏ,
Ai to nhỏ?
Vườn xuân cỏ cây tươi tốt,
Khí xuân đầm ấm đương hòa,
Dan díu cùng ai lời thề thốt,
Hẹn dưới hoa.
Ở trên bài đây, ta nếu
thử đề rằng Thơ mới mà gửi cho mấy tờ báo vẫn chắc rằng lối “thơ Phan
Khôi” là mới, họ sẽ đăng ngay, vì nó có theo luật lệ gì đâu, người ta cũng tự
do đặt nó ra, nó là thơ “mới” vậy. Nhưng nó “mới” từ độ mười năm nay; trong Hữu
thanh khi xưa, tôi đã thấy trích ở trong bài nói về từ khúc của ông Nguyễn
Ửng, nó là Từ khúc vậy. Từ khúc lúc ấy rất thịnh trong thi ca. Ấy là một lối
thơ tự do, nhưng “tự do” ở trong “giới hạn” âm nhạc câu thơ, tự do phải đường”(13).
Trong bài Một cuộc cách
mạng trong làng thơ, Việt Bằng đặt câu hỏi về lối Thơ mới sẽ có ảnh hưởng xấu
hay tốt trong làng thơ Nam Kỳ và đi sâu phân tích cuộc cạnh tranh giữa hai phái
mới - cũ xét từ hiện tượng Phan Khôi:
“Một người có bộ óc cách mạng,
muốn phá tan những khuôn khổ củ kỷ kia, để đem hồn thơ thi sĩ Việt Nam ra một
cõi thanh thoảng hơn. Nhà cách mạng ấy là ông Phan Khôi. Ông là người xướng lên
"một lối thơ mới". Ngoài Bắc, họ gọi lối thơ ấy là "thơ Phan
Khôi".
Lối thơ nầy, ai cũng muốn đặt
sao cũng được, không cần niêm luật như thi Đường, không cần phải có đối, có vần,
cũng chẳng cần có số chữ nhứt định. Đặt làm sao cho đọc lên nghe xuôi tai thì
thôi. Lối thơ Phan Khôi ra ngoài Bắc không được mấy người hưởng ứng. Có người
trong báo Đông Tây độ nọ, đã bắt bẻ bài thơ Tình già của
ông Phan Khôi và cho rằng làm hay đặt một bài như thế, không thể gọi là một bài
được. Người ấy nói gẫm cũng có lý, nhưng ông Phan Khôi đã cho một vố nặng, chê
tác giả bài ấy có cái óc thủ cựu quá, không chịu cải cựu hóa tân.
Ở Bắc, ở Trung, chẳng mấy
người hoan nghinh cuộc cách mạng của ông Phan Khôi. Có hoan nghinh chỉ là ở xứ
Nam Kỳ nầy!
Thơ mới! Thơ mới! Các thi sĩ
Nam Kỳ nổi lệnh đánh đuổi phái cổ điển. Vườn Thơ mới sanh sôi nảy ra nhiều lắm.
Thấy vậy, có bạn đồng nghiệp bảo: “Nam Kỳ đã có dịch thơ mới!”. Có bạn lại hâm
hở binh vực lối thơ mới.
Công cuộc cách mạng còn dở
dang, ông Phan Khôi đã rút dù từ giã làng văn, để lại đồ đảng khá đông. Đồ đảng
thờ chủ nghĩa "thơ mới" đương ghìm chống với bạn cổ điển. Ai cũng có
cái lẽ phải hết. Bên nào sẽ chiến thắng?…
Theo cái thấy ở hiện tại,
các nhà thi sĩ binh vực lối Thơ mới chưa dễ gì đánh đuổi phái cổ điển đâu! Một
đàng có gốc vững, còn một đàng thì thiếu sức. Cái óc mới không qua cái óc cũ!
Đứng ở ngoài vòng của cách mạng
nầy, ta thử hỏi: Lối Thơ mới sẽ có ảnh hưởng tốt hay xấu trong làng thơ Nam Kỳ?
Thi sĩ óc mới có thể nối chí nhà thơ đề xướng cuộc cách mạng chăng?
Lấy thiệt tế mà bàn, đem hết
các nhà thi sĩ óc mới ra, hỏi ai được bộ óc Phan Khôi chăng? Hỏi thử ai bắt chước
được đúng chăng? Chưa dễ tìm được một người đồng chí!”(14)…
Cuối cùng người viết đi đến
dự đoán một kết cục bi quan: “Không khéo hồn thơ ta tiêu tán mà làng thơ ta phải
trải qua một thời kỳ rối beng, hỗn độn”.
Trong tiểu luận Phong
trào thi ca mới: Khuynh hướng - hiện trạng - đặc sắc - khuyết điểm có ý
nghĩa tổng kết cho chặng đường đầu của phong trào thơ mới, Hà Nhân (Trần Thiêm
Thới) xác định vị thế người mở đường Phan Khôi:
“Ngày trước, trong Phụ
nữ tân văn, muốn cổ động cho lối thơ mới, ông Phan Khôi đưa bài Tình
già của ông ra với những câu:
Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa
mưa…
Nghe nó chẳng cảm xúc
được gì cả. Tiếp tay với ông Phan, Manh Manh nữ sĩ đẩy ra một tràng
thơ mới nữa, nhưng nó chỉ được cái mới chớ không có cái hay.
Nếu chẳng có báo Phong
hóa hợp sức vào thì việc cổ động biết đâu sẽ chẳng thất bại.
Binh vực và truyền bá
thơ mới được hiệu quả nhiều, bọn thi sĩ mới của báo Phong hóa có
công to lắm”(15)…
Điều đặc biệt là trong tác
phẩm Tình già trên dòng sông Nhuệ mang tính hỗn dung giữa các thể văn
phóng tác, diễn dịch, giễu nhại, hai tác giả V.T - T.K cho in lại toàn văn bài
thơ Tình già của Phan Khôi, sau đó mô phỏng trong hình thức một thiên
hồi ký, một truyện ngắn, kể lại câu chuyện tình dang dở trên dòng sông Nhuệ (Hà
Đông), đi từ “Hai mươi bốn năm xưa…” qua “Hai mươi bốn năm sau…” rồi trở lại
“Hai mươi bốn năm xưa”… Đây là đoạn kết của thiên truyện:
“... Thế mà, hai mươi bốn
năm xưa!
Trên dòng sông Nhuệ, một con
thuyền lơ lửng trôi đi. Làn gió thổi, đám mây bay, chị Hằng khi mờ khi tỏ, lẳng
lơ soi mình xuống mặt nước trong! Chừ xa xa vài tiếng chó sủa giăng và mấy hồi
chuông chùa vẳng lên khoảng không vô hạn, bốn bề đều im lặng như tờ!...
Trên dòng sông Nhuệ,
con thuyền vẫn lơ lửng trôi đi! Bên mạn thuyền, một đôi trai gái tựa mình, ngồi
ngắm dòng nước bạc. Thiếu nữ ngồi nhìn bóng mà ngẩn ngơ, tiếc cho tấm thân liễu
yếu đào tơ mắc vào vòng tình lụy, biết bao giờ gỡ thoát được ra?
Đời là đời, mà tình là tình,
cái sự thật nó vẫn khác xa, nó vẫn tục tằn, đau đớn hơn vòng mộng ảo!” (16).
Trong chiều hướng Thơ mới
đang ngày càng chiếm được ưu thế, nhà phê bình Lê Tràng Kiều tiếp tục mượn chuyện
Phan Khôi để tấn công các nhà thơ cũ và khẳng định chiến thắng của đội ngũ thơ
mới:
“Cách đây đã 6, 7 năm, lần đầu
tiên ở trong Đông Pháp thời báo, ông Phan Khôi là một nhà nho “thoát ly”,
quay giáo đánh lại Đạo Nho, viết nhiều bài để mạt sát Đạo Nho, hình như cốt
khêu tức mấy nhà nho chơi, thế rồi mà, đáng phục thay, các nhà nho vẫn hững hờ
như không. Không có một ai chạy ra tiếp chiến, đến nỗi bên nghịch đánh mãi ở chỗ
không, chán phải kêu: “Tình đời bạc bẽo thay!” .
Ý ông Phan bảo rằng: nhà nho
hèn nhát đến nỗi một cái đạo lý nuôi sống mình mấy nghìn năm bây giờ bị nạn
cũng không ai ra cứu chữa.
Kể thì tình đời bạc bẽo mà
người đời hèn nhát thật! Nói như trong một vấn đề “Thơ mới thơ cũ” đây ta cũng
có thể thấy cái tâm lý ấy một cách rõ rệt. Thử hỏi từ khi có phong trào “thơ mới”
ở Bắc Kỳ này, trong phái thơ cũ, bị người ta đưa ra công kích, có ai dám đường
hoàng viết lên báo, lên sách, một bài cỏn con để tự bào chữa cho mình, có ai
dám đường hoàng bài trừ Thơ mới mà theo các ông, là một cái dịch đáng sợ (…).
Nhưng, tôi cần phải phân vua
với các bạn một điều rằng: Với phái thơ cũ, không cần đến người như tôi ra tiếp
chiến: đã có những ngọn kiếm hùng mạnh thay tôi, ra mà chống cự với địch quân.
Một người như tôi chỉ đáng ở nhà “khua chiêng đánh trống” để ẩy người khác ra
đánh thay mình mà thôi.
Tôi sẽ ẩy ra mặt trận, lần
lượt: ông Thái Can, ông Nguyễn Vỹ, ông Nhược Pháp, ông Thế Lữ, ông Huy Thông,
ông Lưu Trọng Lư…
Nếu trên mặt trận văn học
sau này, họ cắm lá cờ Thơ mới, thổi khúc khải hoàn: thì công ấy hoàn toàn là
công của họ vậy”(17)…
Thực tế cho thấy, vào thời kỳ
toàn thịnh của phong trào Thơ mới (1936-1939), cả giới sáng tác và phê bình đều
say sưa trong chiến thắng, mải mê với những thi phẩm đang xuất hiện hàng ngày
trên thi đàn mà không nói nhiều, không bàn nhiều và cũng không cần nhớ nhiều đến
người khơi nguồn thơ mới. Chỉ đến khi phong trào Thơ mới đã dần đi vào chặng cuối,
khi cần soát xét, tổng kết lại cả nền thơ, học giới mới thức tỉnh và có nhu cầu
ôn lại lịch sử, nhận diện rõ hơn vị thế Phan Khôi trên lịch trình thơ mới.
Trong bài tổng quan Một
thời đại trong thơ ca mở đầu sách Thi nhân Việt Nam, hai ông Hoài
Thanh - Hoài Chân đặc biệt nhấn mạnh vị thế Phan Khôi cùng bài thơ Tình
già mở đầu cho phong trào Thơ mới:
“Ta hãy tìm những nguyên
nhân gần gụi hơn cùng những triệu chứng của phong trào Thơ mới.
Đã lâu, người mình làm thơ hầu
hết chỉ làm những bài tám câu, mỗi câu bảy chữ. Theo Ô. Phan Khôi, lỗi ấy phải
quy cho khoa cử (…).
Nhưng một ngày kia cuộc cách
mệnh về thi ca đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10 mars 1932 (Tức là
ngày xuất bản tờ Phụ nữ tân văn số 122 trong ấy có bài Một lối
Thơ mới trình chánh giữa làng thơ). Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra
một lỗ thủng. Ô. Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận.
Ông tự giới thiệu: “Trước kia... ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy
bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Nôm; mà năm bảy bài của tôi, không phải
nói phách, đều là năm bảy bài nghe được”. Ấy thế đó mà ông kết án thơ cũ! “Thơ
cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn”. Bởi vậy ông bày ra một lối thơ
“Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc
bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là thơ mới.
Hồi bấy giờ Phụ nữ tân
văn đương thời cực thịnh. Những lời nói của ông Phan được truyền bá đi khắp
nơi. Cái bài Thơ mới Tình già ông dẫn ra làm thí dụ, không rõ có được
ai thích không, nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc
trời vì cái táo bạo giấu giếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới
công nhiên thừa nhận.
Lần lượt những bài thơ mới,
vốn làm từ trước, được đưa lên mặt báo. Người hưởng ứng nhất là Ô. Lưu Trọng
Lư. Sau khi đăng bài của Ô. Phan Khôi chẳng bao lâu, Phụ nữ tân văn nhận
được một bức thư hoan nghênh ký cô Liên Hương (Faifo), một bài Thơ mới Trên
đường đời ký Lưu Trọng Lư và một bài nữa Vắng khách thơ ký Thanh
Tâm. Ký nhiều tên cho rộn thế thôi chứ đi lại cũng chỉ một người. Tình
già, Trên đường đời, và Vắng khách thơ là ba bài mang tên Thơ mới được
đăng báo trước nhất. Trong ba bài ấy thì bài thứ ba đã là một bài có giá trị. Kế
đó, Phụ nữ tân văn còn đăng Thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh (tức
Nguyễn Thị Kiêm), của Hồ Văn Hảo và nhiều người nữa.
Nhưng rồi phong trào Thơ mới
chuyển ra đất Bắc và được một cơ quan ngôn luận khác ủng hộ một cách đắc lực
hơn”(18)…
Mới chỉ mười năm, chưa đầy
mười năm, câu chuyện Phan Khôi và vị thế người khơi nguồn Thơ mới dường như đã
mang hơi hướng lịch sử, cảm hoài về cái buổi ban đầu vừa linh thiêng vừa bình dị
đến thế. Theo Hoài Thanh - Hoài Chân, Phan Khôi đã đóng vai trò người nhóm lửa,
người khởi đầu, người mở đường và hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng cho cả một thời
đại thi ca. Ông chấm dứt vị thế của mình ngay sau tiếng trống khai mạc cho nền
thơ nhưng dư âm của nó còn vang vọng qua suốt thời thơ mới.
Trong công trình tổng thành Nhà
văn hiện đại hướng đến tổng kết toàn diện nền văn học nửa đầu thế kỷ XX,
Vũ Ngọc Phan có riêng mục từ Phan Khôi, trong đó nhấn mạnh vị thế của ông trong
phong trào thơ mới, đánh giá cao vai trò người khơi nguồn cũng như khách quan
chỉ ra những hạn chế, những bước đi không theo kịp thời đại:
“Phan Khôi là một trong những
nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học. Ở một nhà văn cựu học như ông, người
ta đã thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều người tân học cũng phải
cho là “mới quá”. Đó thật là một sự chẳng ngờ…
… Phan Khôi không chỉ là một
tay thợ thơ, chỉ lúc có hứng ông mới làm, nên thơ ông không nhiều, nhưng làm
bài nào tư tưởng đều thành thực, ý tứ dồi dào, dễ cảm người ta. Về thơ cũ, mấy
bài thơ trên này đủ chứng cho ông là một thi sĩ có tài năng vững chãi, ngày nay
đã trở nên rất hiếm trong làng ngâm vịnh. Còn về Thơ mới lại chính ông là người
khởi xướng trước nhất.
Bài Thơ mới Tình già của
ông đăng đầu tiên trong Phụ nữ tân văn (số 122, ra ngày 10 Mars
1932), báo Phong hoá số Tết năm Quý Dậu (24 janvier 1933) có trích
đăng bài ấy như sau này (…).
… Bài này sở dĩ được truyền
tụng trong đám thanh niên trí thức mà gây nên phong trào Thơ mới là vì ý, không
phải vì âm điệu. Người ta thấy một khi thơ thoát được những câu luật bó buộc và
cân đối thì có thể diễn được nhiều ý hơn. Điều đặc biệt trong bài thơ trên này
là tính tình ăn theo với màu sắc rồi tính tình và màu sắc đều chung đúc cả
trong một cảnh thiết tha và ảm đạm. “Ngọn đèn mờ”, “Hai cái đầu xanh”, “Đôi cái
đầu bạc”, đó là những màu sắc rất thích hợp với tính tình của đôi nhân ngãi
“Hai mươi bốn năm xưa” và “Hai mươi bốn năm sau”; rồi những lời than thở của
hai người đều tỏ ra một mối tình khăng khít, chả có hai mươi bốn năm sau, nếu
chẳng quen lung, đố nhìn ra nhau! Mối tình già mà diễn ra được như thế, thật vô
cùng cảm động.
Phan Khôi còn có hai bài Thơ
mới nữa, nhan đề là Hai cảnh trên xe hoả, nhưng hai bài này kém hẳn bài
trên. Tuy đều có ngụ ý, nhưng về lời thì không còn phải là thơ nữa: lời vừa khô
khan, vừa nghèo âm điệu. Những câu như:
Người mua ăn sò ái ngại
thay,
Muốn trả tiền mà trả cho ai!
thì thật là không khác gì
hai câu văn xuôi. Cả những câu này ở bài sau cũng thế, lại thô và cộc nữa:
Xe cứ chạy,
Lũ trẻ cứ làm như ban nãy,
Hành khách trông thấy vẫn lặng
thinh.
Dù biết chúng nó chửi chúng
mình.
Đó là Phan Khôi thi sĩ”(19)...
Trong tầm nhìn của người
đương thời, Phan Khôi hiện lên trong tư cách người khai sáng, mở đường phong
trào Thơ mới cả trên phương diện sáng tác cũng như khả năng tự ý thức về thơ và
về lối thơ mới, phong trào thơ mới. Người đương thời đã cảm nhận, đánh giá
khách quan, chính xác về ông, cả về những đóng góp đột xuất cũng như những giới
hạn lịch sử mà ông khó có thể vượt qua.
Việc đánh giá về Phan Khôi gắn
với phong trào Thơ mới (1932-1945) từng diễn ra qua nhiều khúc quanh, nhiều biến
động, theo nhiều cách thức và từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Căn cứ trên hệ thống
văn bản tác phẩm của chính Phan Khôi cũng như ý kiến của người đương thời phong
trào Thơ mới đánh giá về Phan Khôi có thể thấy ông là vị thủ lĩnh, vị tướng
tiên phong, người lĩnh xướng dàn đồng ca thơ mới. Đương nhiên nếu không có Phan
Khôi thì vẫn có phong trào Thơ mới nhưng nhờ điểm tựa Phan Khôi, cú hích Phan
Khôi, trực giác Phan Khôi, tài năng Phan Khôi mà nền Thơ mới đã có ngày khai
sinh, mở ra một thời đại mới trong nền thơ Việt Nam. Thêm nữa, vẫn biết rằng
Phan Khôi không có thêm sáng tác mới, không đóng vai trò chủ tướng phê bình Thơ
mới trong giai đoạn sau nhưng người đương thời vẫn luôn ghi nhớ và đánh giá cao
vị thế người giữ vai trò đặc biệt trong phát pháo hiệu mở đầu một thời đại thi
ca. Tên tuổi Phan Khôi mãi mãi gắn với vị thế người mở đường, người dẫn đường,
người khai sáng nền Thơ mới dân tộc và hiện đại, đưa nền thơ Việt Nam thực sự
bước vào thời kỳ hội nhập Đông- Tây, phát triển trong toàn cảnh bức tranh và
tiến trình lịch sử văn học toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo:
(1) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn:
- Phong trào Thơ mới như một diễn ngôn lịch sử (1932-1945). Nghiên cứu Văn học, số 11-2013, tr.41-58.
- Phong trào Thơ mới như một diễn ngôn lịch sử (1932-1945). Nghiên cứu Văn học, số 11-2013, tr.41-58.
- Đặc điểm tựa, bạt ở
các tập thơ thời Thơ mới, trong sách Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực
văn đoàn. NXB Thanh niên, H., 2013, tr.121-133.
(2) Phan Khôi: Một lối
“thơ mới” trình chánh giữa làng thơ. Đông Tây, số Xuân, 1932…
(3) Phan Khôi: Một lối
“thơ mới” trình chánh giữa làng thơ. Phụ nữ tân văn, số 122, ra ngày
10-3-1932...
(4) Phan Khôi: Về lối
Thơ mới sau bài Tình già: vừa mở ra đã có người lo cột lại. Đông Tây, số 154,
ra ngày 12-3-1932...
(5) Ngọa Du Nhân: Thơ của
Nam Trân. Sông Hương, số 3, ra ngày 15-8-1936, tr.5.
(7) Phan Khôi: Một tai
nạn của văn học. Dân báo, số ra ngày 25-6-1941…
(8) Phan Khôi: Báo
Tiếng dân nói sai, tôi không hề công kích Thơ Mới. Dân báo, số 627, ra
ngày 23-7-1941…
(9) Thượng Minh: Đôi lời
về lối Thơ mới của Phan Khôi. Đông Tây, số 147, ra ngày 17-2-1932...
(10) Vân Bằng: Tôi thất
vọng vì Phan Khôi. An Nam tạp chí, số 39, ra ngày 30-4-1932…
(11) Cô Liên Hương: Bức
thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài Một lối Thơ mới trình chánh giữa
làng thơ. Phụ nữ tân văn, số 153, ra ngày 27-6-1932. In lại trên Phong hóa,
số 31, ra ngày 25-1-1933, tr.16.
(12) Chất Hằng Dương Tự
Quán: Ấm Hiếu không thể làm Tú Khôi, hay là Một cái tỉ hiệu luận giữa Phan
Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu. Văn học tạp chí, số 18, ra ngày 1-6-1933…
(13) Việt Bằng: Một cuộc
cách mạng trong làng thơ. Lục tỉnh tân văn, số 4438, ra ngày 20-6-1934…
(14) Thương Sơn: Thơ mới
tức là từ khúc. Văn học tạp chí, số 24, ra ngày 1-9-1933.
(15) Hà Nhân: Phong trào thi
ca mới: Khuynh hướng - hiện trạng - đặc sắc - khuyết điểm. Sống, số 28, ra
ngày 7-9-1935...
(16) V.T - T.K: Tình
già trên dòng sông Nhuệ. Hà Nội báo, số 14, ra ngày 8-4-1936,
tr.5-7.
(17) Lê Tràng Kiều: Thơ
mới.Hà Nội báo, số 19, ra ngày 13-5-1936, tr.20-21.
(18) Hoài Thanh - Hoài
Chân: Một thời đại trong thi ca, trong sách Thi nhân Việt Nam. Nguyễn
Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942... Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989,
tr.20, 22-24.
(19) Vũ Ngọc Phan: Phan
Khôi (Biệt hiệu Chương Dân), trong sách Nhà văn hiện đại, Quyển nhì. Nxb.
Tân dân, Hà Nội, 1942… In lại trong Vũ Ngọc Phan - Tác phẩm, Tập IV. Nxb.
Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, tr.85-104.
[1] Vì
tầm quan trọng của tác phẩm Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ nên
chúng tôi in lại toàn văn, lấy bản in trên báo Đông Tây làm bản trục
và có chú thích, khảo dị những chữ sai khác so với bản in trên Phụ nữ tân
văn (Sài Gòn, số 122, ra ngày 10-3-1932, tr.15-16).
- PNTV: thì hơn (NHS
chú).
[9] PNTV:
Lược bỏ đoạn: “À, có rồi,… tôi không thích”, có ký chú một
dòng đặt trong dấu đơn: (Bị bỏ một đoạn dài) (NHS chú).
[12] PNTV:
Lược bỏ câu: “Như bài Dân quạ đình công đó… hay gì” và thay bằng đoạn
dấu ba chấm (…) (NHS chú).
Hà Nội, tháng 10-2014
Nguyễn Hữu Sơn
Nguồn: Tổ quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét