Hơn nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam đã có biết bao bản nhạc ra đời
khi xuân sang. Có bản nhạc ngân rung từ mùa xuân ấy, rồi tan loãng cùng gió
xuân. Nhưng còn đọng lại là những khúc ca đi cùng năm tháng, xanh mãi với thời
gian. Dù xuân đi, xuân lại lại, vẫn tươi rói như thuở nào, để đến hôm nay bước
vào mùa xuân đầu tiên của thập niên thứ hai thế kỷ XXI, người nghe vẫn thổn
thức, bồi hồi nhớ lại những mùa xuân của một thời chưa xa, náo nức lạ thường...
1. Tết Kỷ Dậu 1969, đêm giao thừa, sau lời chúc Tết ấm áp của Hồ
Chủ tịch cùng bài thơ đầu Xuân của Người đã vang lên bản nhạc rộn ràng thôi
thúc phổ thơ Bác:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc
càng thắng to
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho
ngụy nhào.
Tiến lên! Tiến lên chiến
sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp xuân
nào... xuân nào vui hơn.
Bài thơ được Huy Thục phổ nhạc do tốp nữ hát qua làn sóng điện Đài
Tiếng nói Việt Nam vọng vang khắp đất nước, từ miền Bắc yêu thương vượt qua dãy
Trường Sơn đến đại ngàn Tây Nguyên, vào tới Sài Gòn, tới đồng bằng sông nước
Cửu Long. Nghẹn ngào. Xúc động trào dâng. Đồng bào, chiến sĩ ta như được tiếp
sinh lực mạnh mẽ trên đường ra trận, "đi theo ánh lửa từ trái tim
mình".
Và cảm hứng truyền dẫn tới các nhạc sĩ. Âm hưởng từ bản nhạc phổ
thơ Bác như lời hịch của núi sông vang vọng. Liên tiếp các nhạc phẩm ra đời
trong khói lửa đạn bom mà vẫn phơi phới xuân. Bài "Cùng hành quân giữa mùa
xuân" của nhạc sĩ Xuân La tươi tắn làm sao, thôi thúc làm sao:
Khi tiếng chim hót vang lên lời ca
Và khi nắng tỏa rộn bước
quân hành xa
Thì em có nghe tiếng mùa
xuân về
Giục cất bước giải phóng
cho làng quê...
Là người con của miền Nam, nhạc sĩ Xuân Hồng lại nói về anh bộ đội
với mùa xuân rất chi là... Nam Bộ trong ca khúc tươi xanh, dịu ngọt "Xuân
chiến khu":
Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi
Mùa xuân về trong chiến
khu, gió đưa cây rừng cành lá vi vu, u ú u, chim hót mừng, mùa xuân thắng lợi
Tin tưởng, lạc quan, vươn tới. Và đúng như nguyện ước hồi nào
trong chiến khu có ngày "toàn dân ta hưởng trọn mùa xuân", thì mùa
xuân ấy đã đến, đến vào mùa xuân Ất Mão 1975. Và Xuân Hồng, người con của
"Thành đồng Tổ quốc" không thể kìm nén niềm vui bất ngờ đã reo vang
cùng hàng triệu con tim nước Việt:
Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la
Cây xanh tươi ra lá trổ
hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà
Thành phố Hồ Chí Minh quê
ta, đã viết nên thiên anh hùng ca,
Thiên anh hùng ca ngàn năm
sáng chói, lưu danh tới muôn đời...
Trái tim rưng rưng cất lên đến ngẹn ngào:
Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi đẹp biết bao, biết mấy
tự hào
Sài Gòn ơi cả nước vẫy
chào
Cờ sao đang tung bay cao,
qua hết rồi những năm thương đau
Xa ba mươi năm nay đã gặp
nhau, vui sao nước mắt lại trào...
Nhạc phẩm "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" của Xuân
Hồng ra đời ngay sau ngày chiến thắng 30 tháng 4 đã đáp ứng niềm mong đợi của
đồng bào cả nước. Đó là một trong những ca khúc hay nhất, sâu sắc nhất về mùa
xuân toàn thắng lẫy lừng của dân tộc ta.
Sau một thời gian im ắng chìm vào dòng thơ, nhạc, cảm hứng bất ngờ
bừng lên trong tâm hồn nghệ sĩ đa tài Văn Cao. Bên ly rượu quê nhấm nháp cùng
trời đất chuyển mùa, tâm hồn nhà nghệ sĩ giàu suy tưởng ấy cứ miên man, miên
man... Đó là vào những ngày đầu xuân năm 1976. Trong tiết xuân dìu dịu, người
nhạc sĩ tài danh ấy lặng lẽ đến bên cây đàn dương cầm trong căn gác nhỏ ở Thủ
đô. Và từng nốt nhạc vang lên trong nắng xuân ngọt ngào êm ả:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui
nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang
đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà
đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm
hồn...
Tâm hồn nhạc sĩ lâng lâng, bay bổng trên vòm trời cảm xúc, dạt
dào, thao thiết:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh
đầu tiên một cuộc đời yên ấm
Từ đây người biết yêu
người
Từ đây người biết thương
người
Từ đây người biết yêu
người...
Mùa xuân mơ ước ấy, xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà
đang gáy trưa trên sông
Một trưa nắng thôi... hôm
nay... mênh mông.
Yên bình và lắng dịu. Đơn giản mà đằm thắm. Vậy thôi mà "mùa
xuân mơ ước ấy xưa có về đâu". Vâng, xưa có về đâu. Nay xuân mới thật là
xuân, mùa xuân về trên đất Mẹ theo cánh én dặt dìu. Yêu quê hương làm sao! Yêu
người làm sao!
Những ca khúc xuân thời đạn bom đã vượt qua "bão giông thời
gian" đi cùng năm tháng. Và mỗi độ tết đến, xuân về, các nhạc phẩm ấy lại
vọng vang trong tâm tưởng, ngân lên khắp đó đây cho ta đón xuân mới với sức
sống mới, niềm tin yêu mới...
2. Dường như mỗi mùa xuân tới, lời hát trữ tình, lãng mạn của nhạc
sĩ Trần Chung lại vang khắp nơi khắp chốn, từ thành thị tới thôn trang. Giai
điệu tình tứ lắm, như mời gọi những người yêu đến với nhau trong sắc xuân tươi
mới, nồng nàn:
Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt
trời
Nghe không gian mênh mang
trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại
tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi,
mừng xuân hát lên thôi...
Bình thường thôi, vì đấy là quy luật của đất trời, nhưng với Trần
Chung lại như một "khám phá". Em ơi, mùa xuân đến rồi đó! Mà sao bay
bổng, đắm say.
Mùa xuân cũng là mùa của tình yêu đôi lứa. Mùa của trái tim đến
với trái tim. Chúng ta đã biết tới Xuân Hồng với những khúc ca xuân thời lửa
đạn, lạ sao, lại thấy ông cho ra đời một nhạc phẩm trẻ trung, mê đắm:
Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau
Đường phố ơi hãy yên lặng
để hai người hôn nhau
Chim ơi đừng bay nhé, hoa
ơi hãy tỏa hương
Và cây ơi lay thật khẽ,
cho đôi bạn trẻ... đón xuân về...
Ôi hạnh phúc, đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp
Mùa xuân đâu chỉ có hoa
thơm và nắng hồng
Cuộc đời, còn có cả những
nụ hôn...
"Đơn sơ mà thắm nồng", "lắng sâu nhưng cháy
bỏng", đó là tình yêu của người lính.
Cùng nói về nụ hôn mùa xuân, nhạc sĩ Ngọc Châu mô tả cô gái
"nói tiếng yêu đầu tiên" "trong ánh mắt lấp lánh" ngập
ngừng, ngây thơ và sáng trong:
Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn
Và mùa xuân đã trao cho em
ánh mắt anh
Để rồi, đắm say... Để rồi
ngất ngây!
Hối hả mà thanh khiết. Trao nụ hôn đầu đời cho người yêu giữa tiết
xuân thật trong lành là... như thế đó, hứa hẹn một hạnh phúc nồng nàn đang mời
gọi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng lại lấy "Lời tỏ tình của mùa xuân"
thay lời của trái tim vì "nói yêu em là điều khó khăn", em hãy lặng
yên "ngồi nghe tôi hát". Hát về mùa xuân đã đến "với những tiếng
hát bát ngát/ Với những con người/ Cuộc đời mang con tim say trong tương
lai"... Tình yêu được mùa xuân chắp cánh bay đến những chân trời của những
khát khao nồng cháy...
Xuân đến chúng ta lại được nghe giọng hát của NSND Thanh Hoa qua
bài "Mùa xuân làng lúa, làng hoa", khúc hát ra đời hàng chục năm nay
của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Nhạc khúc trong sáng, ý nhị, thắm đượm tình quê, hồn
quê:
Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông
trong tươi thắm nắng chiều
Làng em làng hoa, hoa thơm
ngát bốn mùa
Hồ Tây đôi bên trong tình
yêu hoa lúa rộn ràng... Mùa xuân!
Lúa lên xanh thắm bên hoa em thơm ngát
Hồ Tây ơi... mùa xuân
Tình ta, đơm hoa từ lòng
đất
Đôi lứa... Tình yêu... Mùa
xuân
Làng lúa... Làng hoa...
Mùa xuân...
NSND Thanh Hoa tâm sự: cứ mỗi độ xuân về, rất nhiều nơi mời Thanh
Hoa trình diễn ca khúc này. Còn trên sóng phát thanh, truyền hình hầu như mấy
ngày tết đều phát "Mùa xuân làng lúa làng hoa". Nhạc phẩm là một
thành công đáng ghi nhớ trong sự nghiệp ca hát của Thanh Hoa.
Thời đạn bom đã lui vào dĩ vãng. Nhưng mỗi độ xuân về, những ca
khúc xuân thời kháng chiến vẫn được khán thính giả thời nay yêu thích, đón chờ,
đó là những "bài ca không bao giờ quên". Những buổi sinh hoạt đồng
đội, những buổi giao lưu các cựu chiến binh, những khúc ca ấy lại vang lên lạc
quan, yêu đời, hát cho nhau nghe với niềm tự hào về những năm tháng "Không
sống hoài, sống phí".
Và các bạn trẻ đến với nhau thì thầm "lời tỏ tình của mùa
xuân", đắm say cùng "Mùa xuân bên cửa sổ", hoặc dắt tay nhau về
"làng lúa, làng hoa" để gần nhau "Như hoa lúa cuộc đời".
Đẹp thay, những khúc ca xuân. Xanh mãi những khúc ca Xuân!.
Vũ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét