Gió heo may mơn man. Gió heo may se se. Từng làn
từng làn thoang thoảng trên cánh đồng đem theo phấn lúa trôi mênh mang. Rồi
những làn gió bấc từ phía núi xa, từ đỉnh Yên Tử lùa về lành lạnh trong bước
dịch chuyền của mùa thu. Bấc ra! Chim ngói đã về! Ai đó đã thốt lên như vậy.
Từng đàn như những đám mây la lả trên vòm trời rồi đáp xuống cánh đồng như mẻ
cốm đang giã, xông hương…
Gió heo may mơn man. Gió heo may se se. Từng làn từng làn thoang
thoảng trên cánh đồng đem theo phấn lúa trôi mênh mang. Rồi những làn gió bấc
từ phía núi xa, từ đỉnh Yên Tử lùa về lành lạnh trong bước dịch chuyền của mùa
thu. Bấc ra! Chim ngói đã về! Ai đó đã thốt lên như vậy. Từng đàn như những đám
mây la lả trên vòm trời rồi đáp xuống cánh đồng như mẻ cốm đang giã, xông
hương…
Đấy là hình ảnh trong ký ức tôi những năm xưa, những tháng ngày
bom đạn ì ùng đây đó thời chống Mỹ, nơi chân trời xa hay bên kia sông… như vẫn
còn vương vấn xung quanh. Bây giờ mùa thu vẫn đẹp như cái đẹp lộng lẫy, đằm
thắm vốn có của tự nhiên. Nhưng những đàn chim ngói thì đã thưa vắng khỏi bầu
trời, không còn theo ngọn bấc ra… Vào chợ quê, mọi mùa thu vẫn thấy những người
nông dân lam lũ bày bán những lồng chim ngói, chim dẽ gà, rồi những con vạc,
con bồ nông, con sếu… Nay không thể thấy tiếng chim kêu, tiếng chim gù nữa! Bởi
nơi đâu, trên các cánh đồng, dọc các triền đê, các gò bãi, đầm áng nuôi tôm cá
bên sông cũng giăng lưới bắt chim hàng loạt. Người ta còn áp dụng công nghệ,
thu tiếng chim vào băng đĩa, vào thẻ nhớ, cắm vào máy nghe nhạc, đêm đêm phát
ra để gọi lừa bẫy chim. Chim vơi nhanh trong lòng trời. Bầu trời vơi nhanh bóng
đàn chim bay qua, như nồi cơm đơm nhanh, cơm hết rồi nồi còn bốc khói hơi…
Chính vì thế khiến ta cảm thấy như mùa thu đánh rơi mất, thực ra
là ta đánh rơi mất của mùa thu một nét đẹp ngàn đời như người thôn nữ không còn
mặc cánh áo nâu tươi che chiếc yếm đào giấu bên trong cả một mùa xuân rưng rức
nụ hồng!
Đi trên cánh đồng đang nhuốm dần những gam màu xanh theo nắng hanh
hao, nhìn lên bầu trời xanh cao thăm thẳm và trống rỗng, tôi chợt nhớ ngày xưa…
ngày xưa… mà như mới đây thôi!
Tuồi thơ học ở trường làng dưới mái đình, về mùa này chúng tôi rất
thích đi trên cánh đồng ven làng đang kỳ lúa trỗ đòng và vào độ sậm sữa. Hồi ấy
nông dân quê tôi chỉ cấy các loại lúa tám đồng, lúa dự hương, lúa nếp… Hương
lúa thơm khiến bước chân nhẹ nhàng, thơ thới và tâm hồn trong treo như muốn bay
lên. Vào lớp ngồi học, hương lúa vẫn còn thoảng nơi vạt áo của nhau!
Những hôm đẹp trời, tôi thường được theo chân bác rể tôi đi đánh
bẫy chim ngói. Hai bác cháu đi trong thảm lúa còn ướt đẫm sương đêm, trong ánh
bình minh đang lên chiếu tỏa khắp cánh đồng. Tôi giúp bác khuân vác bộ đồ nghề
ra bãi sập chim trên cánh đồng sau miếu Tiên Công. Đấy là một gò đượng cao bằng
phẳng, xanh tươi thảm cỏ chỉ, cỏ gà, cỏ bánh dày. Giữa gò đượng có một bãi
vuông vức, cỏ rất mịn, mát cả bàn chân. Nơi đây từ lâu đã là bãi đánh chim của
bác và dân thường gọi là đượng Sập Chim. Bộ đồ nghề của bác chỉ mấy thứ: những
cành lá của cây móc xanh rờn (thường gọi là lá sập chim xòe như cánh chim), hai
tấm lưới rộng chục mét vuông đã bó lại, một cuộn dây gai, những cây cọc và
chiếc lồng tre nhốt sẵn con chim mồi… Tất nhiên không thể thiếu chiếc lồng to
đợi để nhốt chim mới. Tới nơi, bác tôi thoăn thoắt lấy những tấm lá lợp mái
thành một chiếc chòi nhỏ, ngụy trang cẩn thận, làm chỗ hai bác cháu ngồi. Cửa
chòi nhìn về phía bắc, đón nơi sẽ xuất hiện những đàn chim di cư về phương nam
tránh rét. Rồi bác bắt đầu sắp soạn các thứ, đóng cọc, đặt bẫy. Hai cánh bẫy
đóng khuôn lưới to như hai tấm chiếu lớn được đặt nằm ngả ra hai bên mặt bãi
phẳng phiu. Bác thử đi thử lại mấy lần để kiểm tra độ nhạy. Ở giữa hai cánh
lưới, bác buộc chân một con chim ngói mồi đã khâu kín đôi mắt và đặt nó trên
một chiếc vỉ ruồi có nối dây vào chòi để giật từ xa.
Bác dặn tôi: Phải náu mình cho kín trong những tấm lá ngụy trang
để quan sát và xem bác giật bẫy. Cháu phải nín thở, không được nói to, không
được động đậy kẻo chim phát hiện ra người. Nó bay vượt về phía sau là toi công,
lại phải chờ bầy khác… Bác kể có bận sơ đễnh vì thèm thuốc lào, tranh thủ rít
điếu cày, lơ mơ, không trông thấy đàn chim đằng xa. Thế là để vuột qua mất. Có
hôm về không hoặc chỉ được dăm ba con…
Hai bác cháu ngồi hồi lâu, nén đợi. Bác phóng tầm mắt rất xa. Khi
nhác thấy bóng những đàn chim ngói như những chiếc lá nhỏ, rồi to dần, bác bấm
vai tôi im lặng. Lúc chúng bay gần, đoán chừng cỏ vẻ vào tầm bẫy, ông giật giật
đoạn dây gắn với vỉ ruồi để thúc chim mồi. Giật mình, con chim mồi hết bay lên
lại hạ xuống, lúc trượt, lúc đậu, cánh vỗ sàn sạt như báo hiệu với đồng loại: Ở
đây đang có thức ăn! Nào đỗ xuống!
Đúng như dự đoán. Đàn chim bay từ xa bỗng lượn một vòng rộng, rồi
thẳng hướng bãi đỗ chỗ chim mồi. Tôi hồi hộp vô cùng. Nhiều lần tôi thấy bác
chỉ buộc chân con chim mồi rồi để nó đứng trong bẫy. Mỗi khi thấy có đàn chim
ngói từ xa hoặc tạt phía đông bay qua, bác lại tung con chim mồi lên rồi giật
nhanh xuống. Cứ như vậy, con chim mồi xập xòe đôi cánh. Đàn chim ngói đang say
mê sắc trời xanh phát hiện bóng bạn, không kịp phân rõ gì cả, liền lao xuống,
đậu giữa hai cánh lưới. Và lập tức bác tôi giật đánh phập, nhanh như cắt. Hai
tấm bẫy úp khít, khép lại rất nhanh. Đàn chim đã nằm gọn trong lưới. Chúng nhao
nhao giẫy phành phạch, phành phạch muốn tìm lối thoát. Sướng quá, tôi nhảy cẫng
lên vỗ tay, suýt làm xiêu ngửa cả mái chòi. Như muốn cho tôi thưởng thức cái
thích thú nhìn những con chim sa bẫy, bác đứng một lúc khá lâu rồi mới giục:
Nào! Ta vào việc gỡ chim! Tôi nhanh nhảu giúp bác gỡ lưới bắt những con chim
ngói béo mẫm. Những con chim ngói bàng hoàng không hiểu những gì đã xảy
ra.Không biết dọc đường di cư đã nhằn được ít hạt lúa non nào chưa? Không biết
chất ngọt phù sa, vị heo may có kịp tan trong mỏ trong miệng, chúng đã bị mắt
lưới xiết ghì đôi cánh? Vòng lông cườm biếc trên cổ chim nhiều chiếc rụng
tứ tung. Hạt lông cườm rơi lả tả trên thảm cỏ, lay phơ phất, gió cuốn bay đi.
Những con chim ngói lần lượt bị tóm, nhốt chặt trong lồng.
Ngắm những chú chim sa bẫy, tôi vừa thích thú đấy, song lại vừa
nặng lòng suy nghĩ. Ôi! Những chú chim vừa khôn ngoan vừa dại dột! Vừa mới trên
bầu trời xanh thẳm, mặt đất vời vợi dưới đôi mắt, sao bây giờ đã thu cánh ở
đây? Liệu có chú chim nào từng xổ lồng và bị nhốt lần thứ hai không? Đôi mắt
ngơ ngác. Đôi chân run rấy. Một lần vào, đã khép lại trời xanh!
Bà nội tôi từng kể, mẹ tôi từng bảo: Chim ngói là một kiếp của cá
mòi. Cá mòi lại là kiếp trước của chim ngói… Mùa thu, chim ngói bay từ rừng ra
cửa biển hoá cá mòi. Mùa xuân cá mòi lại bơi từ biển về rừng để biến thành chim
ngói... Không biết có phải không?
Tôi đang miên man những dòng vẩn vơ thì bác rể vỗ vai: Sập chim
thì sập vậy thôi cho thỏa cái thú vui với chim trời cá nước, cơm làm ruộng cá
kiếm ăn… Chiều về bác gái xào thịt chim với mướp và rau rút cho cháu hưởng chút
hương vị đồng quê. Chứ chả bán chác, chợ búa gì đâu!
-Thế đám chim này bác để làm gì ạ?
-Vỗ béo, đợi đến tháng ba “ngày Bụt đẻ”, đem ra dâng nhà chùa làm
lễ Phóng sinh cháu ạ! Lại thả về với trời xanh để tồn tại giống nòi chúng nó!
Ôi! Ông bác rể của tôi! Tôi vẫn còn nhớ mãi đến tận bây giờ hình
ảnh ông bần thần bên chiếc lồng tre nhìn những chú chim ngói đôi mắt long lanh
như hạt ngọc huyền cùng vòng cườm trên cổ cũng long lanh! Và mong sao những chú
chim ngói còn sót lại trong gầm trời này cứ nhiều lần vào bẫy lại nhiều lần ra
với gió bấc và ngậm vị heo may!.
DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét