Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Nhớ anh Chế Lan Viên

Nhớ anh Chế Lan Viên
Cách đây 20 năm, ngày 24/6/1989, nền thơ đương đại Việt Nam chịu một tổn thất to lớn với sự ra đi của một trong những gương mặt thơ chói sáng nhất thế kỷ XX. Đó là Chế Lan Viên.
Sinh 23/10/1920 tại Diễn Châu, Nghệ An, sau đó theo gia đình vào sống và học tập ở Bình Định, Phan Ngọc Hoan tức Chế Lan Viên bắt đầu viết tiểu sử văn học của mình dưới mái lầu Tư tưởng, tức cửa Đông của thành Bình Định và là một trong những gương mặt nhiều triển vọng nhất của nhóm Bàn Thành tứ hữu gồm: Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn), Phụng (Chế Lan Viên), trong đó Chế Lan Viên là người trẻ nhất. Sau khi tập thơ Điêu tàn lần đầu ra mắt công chúng năm 1937, Chế Lan Viên đã rất nổi tiếng, có nhiều cửa chào đón anh. Nhưng anh không vội vàng trước những lời mời mọc, vì thấy chưa hoàn tất giai đoạn chuẩn bị của một nhà thơ. Năm 19 tuổi, chàng thi sĩ Chế Bồng Hoan (tên gọi thân mật của Chế Lan Viên) ra Hà Nội tu nghiệp. Rất nhanh anh bị hút vào không gian văn hoá tinh hoa của đất Bắc với dấu xưa, với sách vở và bạn bè đồng nghiệp. Nhưng Hà thành thanh lịch và quyến rũ không đủ sức níu chân anh. Chừng như cần được nếm trải cho đủ phong vị của ba miền đất nước, Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hoá dạy học. Chặng dừng chân lâu nhất của anh là cố đô Huế. Tháng 8/1945, Chế Lan Viên tham gia Cách mạng ở Quy Nhơn. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, anh hoạt động tại Liên khu 4, làm báo, làm cán bộ vận động văn hoá, nhiều lần vào sâu trong vùng địch tạm chiếm. Theo dõi hành trình văn học của anh, nhiều lần tôi tự hỏi, không hiểu vì sao trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm, ba cỗ trọng pháo của Thơ mới: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đều hầu như im tiếng. Còn chăng, với Chế Lan Viên trong giai đoạn này là một cặp lục bát rất giàu tâm sự:
Khi vui lấy núi làm vui
Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn.
Một câu thơ quý và hiếm trong bối cảnh thơ kháng chiến.
Tôi không thật thoả mãn lắm với cách giải thích sự im tiếng tạm thời nói trên khi cho đó là thời kỳ chuyển hoá tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Nói như vậy vẫn là cách nói từ bên ngoài nhìn vào. Tôi nghĩ ở đây, trong trường hợp cụ thể này, nó có cái gì thuộc về quy luật ủ chín và phát lộ của tài năng, một quy luật mà khoa tâm lý sáng tạo có thể hé mở cho chúng ta nhiều điều bí mật thú vị.
Người xưa nói, một trong những cái khó nhất ở đời là nổi tiếng sớm. Tính từ 1937, năm Điêu tàn ra đời, đến 1954, khi tập thơ Gửi các anh xuất bản, Chế Lan Viên phải mất 17 năm để vượt qua cái khó của sự nổi tiếng sớm. Nhưng nghiêm khắc mà nói, phải đến năm 1960, năm tập thơ ánh sáng và Phù sa ra mắt bạn đọc, Chế Lan Viên mới khắc hoạ trọn vẹn một phong cách thơ với hai phẩm chất nổi trội nhất là suy tưởng và triết luận. Phong cách này cho phép Chế Lan Viên huy động tổng lực ba thế mạnh của anh là văn hoá, thông tuệ, và tranh biện, tạo nên một mảng thơ đánh giặc sắc bén và đầy chất lửa của trí tuệ. Còn nhớ rằng, trong thời điểm những năm chống Mỹ, thơ của chúng ta đã quá nhiều cua chữ A, gậy Trường Sơn, rau tàu bay, mũ tai bèo… là những chất liệu thơ của người lính hái trực tiếp cái vốn sống dọc đường ra trận, thì từ một cực khác, Chế Lan Viên đã bổ sung và lấp đầy một khoảng trống của thơ với sự lộng lẫy hào quang của suy tưởng. Thơ của cánh lính chúng tôi hồi ấy có thể khoẻ, có thể tươi mới, có thể thừa sự lạc quan nhưng chưa sang, vì thiếu cái chiều sâu văn hoá. Mà chiều sâu của văn hoá mới thực là phẩm chất quan trọng nhất của văn học chuyên nghiệp. Thơ Chế Lan Viên rất sang, ngay cả khi những cảm xúc riêng tư nhất.
Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Anh Nguyễn Đình Thi có lần nói với tôi rằng đó là một trong những câu thơ tài tình nhất của Chế Lan Viên.
Chất suy tưởng này của Chế Lan Viên giàu có đến mức, ngoài sự hiển lộ rực rỡ trong thơ, nó còn dư thừa để tràn sang một loạt các tập tiểu luận, phê bình và bút ký văn học xuất sắc của anh. Nói Chế Lan Viên là nhà thơ của suy tưởng và triết luận là cách nói để nhận diện bản sắc cá nhân của nhà thơ. Trong văn học ta, người có tài nhận diện nhất là Hoài Thanh. Ông có khả năng gọi đúng tên thơ của một người trong vài từ cô đọng nhất. Tuy vậy, Chế Lan Viên không chỉ có suy tưởng và triết luận. Ông là một tập đại thành. Bên cạnh một Chế Lan Viên suy tưởng và triết luận, chúng ta còn nhiều lần gặp một Chế Lan Viên với trái tim run rẩy, nồng nàn. Trong đời, Chế Lan Viên đi nhiều, trải nhiều. Mọi sự kiện mà anh tham dự đều để lại dấu ấn trong thơ. Anh góp nhặt, chắt chiu và tỏ tường như một nhà báo. Đi thực tế, đứng trước cái bể của đời sống, người bản lĩnh không cao rất dễ đánh mất mình khi sa vào hai hiểm hoạ biến thơ thành ký hoặc thành tấu. Chế Lan Viên, với chiều sâu của suy tưởng và nhộn nhịp của tâm hồn đủ sức hướng cảm hứng sáng tạo rẽ theo một lối riêng. Anh vẫn là anh nhưng lại là anh khác. Trong bài Từ thế chi ca, có thể xem như bài thơ tuyệt mệnh của anh, những dòng cuối cùng anh là để ngợi ca sự sống.
Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên
Mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.
Chế Lan Viên nhiều năm tham gia Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, làm báo Văn nghệ và Tạp chí Tác phẩm mới, bốn khoá là Đại biểu Quốc hội. Anh đã nhiều lần được cử đi sứ một mình, đến thủ đô nhiều nước, tham dự nhiều Hội nghị quốc tế lớn để vận động trí thức thế giới ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta. Đọc loạt bài đi sứ này, chúng ta khâm phục biết bao tài hùng biện và sự thông minh siêu việt của anh, hai bông hoa nở trên thảo nguyên văn hoá mầu mỡ của Chế Lan Viên.
Từ những năm đó và với chỉ chừng đó đã đủ để làm cho Chế Lan Viên trở thành một nhà thơ lớn. Chúng ta đâu ngờ, tất cả những gì chúng ta biết được cho tới lúc đó, mới chỉ là “một nửa vầng trăng” của Chế Lan Viên. Một nửa khác, vô cùng quan trọng là ba tập Di cảo thơ được xuất bản sau khi anh mất. Chế Lan Viên có khả năng to lớn luôn đặt người đọc trong thế chờ đợi. Đọc Di cảo xong, biết rằng bậc tài danh nhất mực ấy đã ra đi mà người ta vẫn chờ đợi. Chính Hữu với chùm thơ di cảo 9 bài in trên Tạp chí Thơ số 5/2009 gần đây cũng đặt người đọc trong cái thế chờ đợi. Trong làng thơ chúng ta, Chế Lan Viên là người đủ sức làm nên ba hiện tượng ở cả ba giai đoạn của đời người: thiếu niên, tráng niên và sau khi mất.
Tôi nhớ mãi giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn năm 1994. Năm ấy có nhiều tập thơ khá được đưa vào vòng chung khảo. Sự cân nhắc các giá trị trở nên rất khó khăn. Nhưng có một chi tiết còn ít người biết là trong Ban Chung khảo có nhà thơ Lê Đạt. Lê Đạt rất chuyên nghiệp về thơ và cũng rất chuyên nghiệp về tranh luận văn học. Sau nhiều phiên thảo luận rất sôi nổi thì hình như cuộc thảo luận trong Ban Chung khảo dồn vào hai ý kiến còn khác nhau giữa anh Lê Đạt và tôi. Tôi bênh vực Chế Lan Viên, Lê Đạt ủng hộ một tập thơ khác. Số phận buộc tôi phải “thưa chuyện” với một bậc thầy. Lê Đạt nói: “Đấy, Thỉnh cứ nói xem Di cảo hay ở chỗ nào?”. Vâng, tôi đã nói về cái quyền được suy tưởng và khả năng suy tưởng của anh Chế. Chúng ta lười biếng và cả tin, luôn bằng lòng với công việc cày vỡ trên cánh đồng thơ. Cày một lần, nghĩ một lượt, coi thế là xong. Anh Chế không thế. Di cảo nói rằng việc đời không đơn giản. Cuộc sống không đơn giản. Đối với nhà thơ thì chẳng có gì gọi là xong cả. Nào có phải là chuyện trói hay không trói. Mà là tài năng. Mà là bản lĩnh. Thấy tôi hăng quá, anh Lê Đạt nhường lời, chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười của anh đa nghĩa đến mức có thể khiến cho một vài vị trong Ban Chung khảo nghĩ rằng anh đã bị thằng em thuyết phục. Cuối cùng thì cũng đến lúc phải bỏ phiếu, kết quả tập Di cảo hơn tập thơ kia 2 phiếu.
Chế Lan Viên là đầu tàu đổi mới thơ. Anh kiên quyết chống lại mọi sự dung tục, thô thiển, cùn mòn. Những năm chiến tranh, có lúc ta nghiêng về nội dung, châm chước về mặt nghệ thuật. Chế Lan Viên lúc nào cũng như lên đồng, đầy phù phép, có thể có bài không thật hay nhưng không bị rơi vào chỗ tầm thường. Cái thứ thơ giàu suy tưởng của anh rất dễ sa vào tư biện, rối rắm, siêu hình. Nhưng anh luôn vượt qua các cửa ải một cách ngoạn mục, trở thành một trong những nhà thơ đa thanh hiển đạt nhất trong số các nhà thơ hiện đại. Có những nhà thơ đa thanh nhưng chỉ thành công ở một vài phương diện. Chế Lan Viên đa thanh mà xuất sắc ở nhiều phương diện. Có lần bàn về thơ, anh viết:
Tự do quá cũng giết thơ như gò bó
Kỷ luật bắt ta tìm vàng ở ngay trong đất thó
Còn tuyệt đối tự do thì biến hoa thành cỏ
Bởi xô bồ.
Vâng, sự xô bồ biến hoa thành cỏ này nó là nguy cơ lớn nhất đẩy nền thơ đến chỗ hỗn loạn giá trị. Một khi chuẩn mực không còn, vàng thau lẫn lộn thì văn học đứng trước một vực thẳm. Anh đã lớn tiếng báo động điều này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng căn bệnh xem ra chưa đỡ được bao nhiêu.
20 năm đã trôi qua, Chế Lan Viên không một ngày vắng mặt. Anh vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta, hàng ngày tái sinh, hàng ngày tranh cãi và trả lời. Ảnh hưởng của anh rất rộng. Từ trường của anh rất mạnh. Mạnh và rộng đến mức trở thành một thách thức. Chế Lan Viên rất yêu lớp trẻ. Anh có cả một quyển sổ tay ghi chép những câu thơ hay của lớp trẻ. Có lần anh khoe với tôi mới ghi được hai câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ:
Mẹ em đi chợ về
Bóng dài rồi lại ngắn.
Anh Chế yêu những người làm thơ trẻ đến mức sẵn sàng xả thân để cứu. Và đã có người được anh cứu theo đúng nghĩa đen của từ này. Có thể ví Chế Lan Viên như biển. Yêu anh, học tập anh, ta cứ việc ra khơi, nhưng phải biết cách trở lại bờ.
Đêm 16/6/2009
Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam. Website: http://hnv.vn
Hữu Thỉnh
Chế Lan Viên, 20 năm nhớ lại
Tôi chưa bao giờ có thời gian ngồi tĩnh tâm để viết về Anh. Và thế đó mà 20 năm đã trôi qua. Tôi nghĩ rằng ngày Giỗ anh sau 20 năm anh mất, thế cũng tạm yên ủi tâm hồn anh trên một cõi trời khác, như anh viết trong Từ thế chi ca. Và yên ủi những người yêu thơ anh trên cõi đời này. Thế nên, dù bận cho số báo và những công việc “sự vụ” linh tinh khác của một cơ sở nghiên cứu, tôi vẫn thấy không yên khi không viết mấy dòng vội vàng này.
Nhớ lại, những năm sáu mươi (1960), lớp sinh viên chúng tôi rất yêu thơ Chế Lan Viên. Riêng tôi yêu thơ anh và yêu anh như yêu một tình yêu. Bất cứ bài thơ bài văn nào của Chế, chúng tôi đều đọc say sưa và thấy rất tuyệt vời. Anh phát ngôn cho dân tộc, cho lý tưởng, và cho chính anh với những suy tưởng, khổ đau và vươn lên ánh sáng.
Anh đã làm thơ với những tình ý khác lạ, những tìm tòi chắt lọc từ tâm hồn phong phú, từ tinh hoa văn hóa của anh. Kể về thơ, cũng như về văn hóa, Chế Lan Viên vượt lên như một đại diện xứng đáng cho văn hóa Việt Nam thời đại mình.
Anh đã đọc, đã học, đã chắt lọc không ngừng nghỉ tất cả những gì căn bản, cần thiết trong vốn văn hóa đồ sộ của nhân loại từ kinh kệ các tôn giáo cho đến toàn bộ thơ ca. Về dân tộc, từ thời Lý-Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đến hiện đại anh đều thông thạo, nhuần nhuyễn. Anh xem thơ là một cái nghề nghiêm túc, phải học nghề, hành nghề, thử nghiệm các thi pháp để tìm ra thi pháp tối ưu. Về phương diện đó, anh là một người lao động cật lực, và là một nhà bác học không bao giờ biết mỏi.
Tuy nhiên, cái chính vẫn là một tâm hồn lớn đối diện, đối thoại, trăn trở và sống hết mình với cuộc đời, với Tổ Quốc và nhân loại… Ở anh, đó là khát vọng và là khát vọng duy nhất.
Khoảng đầu những năm 50, anh bị lao phổi và phải sang Nam Ninh Trung Quốc chữa bệnh. Nằm trong bệnh viện nước bạn, anh làm thơ nhớ về Tổ Quốc, làm thơ để tự an ủi mình vươn lên và vẫn rất thi sĩ khi tiếp xúc với những bóng hồng - áo trắng để “che nỗi đau trong bóng nụ hoa cười”.
Về nước, thì một sét đánh ngang tai: vợ anh, người vợ đã đến với anh một thời nữ sinh và đã yêu anh, có với nhau 3 mặt con, bỏ anh đi với người khác. Chuyện thường tình trong cuộc đời phải không, nhưng đó là nỗi đau trời giáng cho một tâm hồn thi sĩ tin yêu như anh. Đành chấp nhận số phận và lập gia đình mới. Nhưng vết thương tâm hồn ấy sẽ còn đau lâu trong thơ, đau lâu đến mãi về sau. Không có vết thương ấy cộng với chất cương cường nghĩ suy tích cực, dâng hiến hết mình cho đại nghiệp thì sẽ không có những bài thơ rạng rỡ trong Ánh sáng và phù sa. Đó là những bài thơ kết hợp niềm vui – phù sa – ánh sáng, đất nước – dân tộc – lý tưởng với nỗi niềm riêng, nỗi đau riêng. Cho nên nó vượt lên chính anh, vượt lên nhiều bài thơ cùng thời để đem đến cho thơ Việt một phẩm chất chưa từng có.
Những năm anh vào Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, là những năm gian khó của đất nước và của gia đình anh. Những năm ăn bo bo, những năm tiền mất giá, lương cả hai anh chị cộng lại không bằng lương một anh công nhân dệt… Anh vẫn mê mải sáng tác, viết tiểu luận – phê bình, hoạt động xã hội rất tích cực trong cương vị một lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà Văn, một đại biểu Quốc hội…
Lúc này, tình hình xã hội - văn nghệ biết bao phức tạp, chưa rõ xấu tốt, đổi mới thật và lợi dụng đổi mới đòi những cái chưa thể có, không thể có, quay ngược lại con đường đã đi. Anh vẫn sống hết mình, viết hết mình và anh không chỉ sống cho mình, cho vợ con dù chỉ thế thôi cũng đã là quá khó rồi.
Rồi tuổi già, nhà ngặt, bệnh tình lại phát (ung thư phổi) “tai ương dồn dập đánh vu hồi”. Thế mà, những năm cuối đời anh đã in liền mấy tập thơ, tiểu luận. Anh tiếp tục “đi sứ” nước ngoài, Đức, Bồ Đào Nha, Hungari… như ngày xưa đi Pháp, Liên Xô, Trung Quốc. Ở đâu anh cũng như Nam Trân nói: “Chế Lan Viên như một ông trạng khi đi sứ”. Ứng xử, làm thơ, đọc diễn văn… tất cả đều nổi trội, gây ấn tượng, đáng lưu truyền…
Lần này anh đối diện với bệnh tình hiểm nghèo. Phẫu thuật, di căn, chữa đủ thuốc… nhưng không thể nào qua được “mệnh”…. Thơ của anh trong Di Cảo, nhiều bài nói đến việc này, vừa cao cả, anh hùng, bất khuất vừa đẫm nước mắt…
Về Thơ, từ lâu anh đã sành vận dụng cái toàn diện toàn đồ của thơ, từ ý tưởng, hình tượng, nhạc… để có những bài thơ kiệt tác. Thơ Đường đã ngấm vào anh để anh luôn luôn vận dụng bút pháp của các đại thi hào phương Đông sành về đối nghịch trong tứ thơ, lời thơ, từ ngữ…; đồng thời có cách diễn đạt hiện đại.
Thơ anh là thơ trữ tình – triết học, một truyền thống lớn của thơ phương Đông và dân tộc, hiện đại và nó kết hợp với chất người anh, những suy tưởng của anh về đời. Gần 1000 bài thơ cuối đời trong Di Cảo là sự phát triển thêm một bước một bút pháp, một thi pháp mà anh nghiền ngẫm thử nghiệm: bút pháp phóng trực tiếp vào sự việc, vào đời, tinh gọn và mau lẹ, tóm gọn lấy tứ thơ như con chim bói cá lượn vòng trên hồ rộng tam thiên mẫu bỗng phóng xuống cực nhanh…
16 tuổi bắt đầu làm thơ, 17 tuổi xuất bản tập thơ đầu làm “kinh dị” cả nền thơ, cuối đời anh vẫn còn tìm tòi – sáng tạo không biết mỏi: “tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi – Bây giờ sáu ba. Cái trang mơ ước một đời chưa với tới… Dần xa…”
Đó là một cuộc đời sáng tạo, một cuộc đời lớn gắn liền với một giai đoạn lớn của Tổ Quốc và nhân dân. Với thơ Chế Lan Viên, Tổ Quốc và nhân dân ta, những tâm tình sâu kín nhất của con người cất lên tiếng hát.
Với Chế Lan Viên, thơ thành thơ sử thi - thời sự, và còn là thơ của đời thường. Đó là truyền thống của Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh… để lại; Đó còn là kinh nghiệm của P.Eluard, N. Hikmet, Pablo Neruda… của những người cùng thời… Chưa bao giờ nền thơ có một giọng thơ mà nó làm xúc động vừa sâu xa, đa nghĩa như vậy. Nó làm thỏa mãn người đọc thơ ở nhiều phương diện, nó trở đi trở lại ám ảnh và bắt người đọc khám phá. Thơ Chế Lan Viên có một ảnh hưởng lớn trong thơ, trong văn hóa, trong cuộc đời là vì vậy…
Đó là một thi sĩ của thế kỷ 20 nhưng mở ra những chân trời thơ, bút pháp thơ cho thế kỷ 21 hiện đại. Bình tĩnh lại, lọc qua thời gian, qua các biên giới dân tộc với những rào cản ngôn ngữ mà tiếng Việt thua thiệt. Chế Lan Viên - tôi nghĩ, là một nhà thơ lớn ngang tầm dân tộc và thời đại mình.
Chủ nhật, ngày 17/5/2009
Mai Quốc Liên
Theo http://honvietquochoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...