Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Buổi chiều sau cơn mưa

Buổi chiều sau cơn mưa
Mùa mưa năm nay đến chậm. Những ngày cuối mùa khô trên trời thỉnh thoảng có một vài đám mây lướt qua, cơ hồ như trêu tức những người sống trong những căn nhà nóng bức ở triền đồi.
Căn hộ của anh chị cũng nằm trong khu nhà ấy nhưng những người láng giềng không bao giờ thấy đôi vợ chồng ấy thốt lên một lời ca thán khi phải chịu cái oi nóng bức bối, điện nước cắt cúp lia chia. Quả là họ đang hạnh phúc, cái hạnh phúc của người biết lấy sự dịu dàng làm dịu đi cái tù túng của sinh hoạt đời thường. Bạn bè ai cũng tấm tắc khen, có lúc đến ghen với cái hạnh phúc bình dị của họ. Người tuổi tác, có chút từng trải thì tỏ ra phớt lờ, quá lắm họ cũng nhận xét, họ còn trẻ mà.
Mà thật, anh chị mới cưới nhau đang còn trong thời kỳ chưa hết men ngây ngất của yêu đương. Anh chị yêu nhau từ dạo còn là sinh viên ở thành phố. Ra trường công tác, không hẹn mà gặp nhau ở thị xã này. Anh làm việc ở Trung tâm thể dục thể thao và nhận làm huấn luyện viên cho đội bóng đá của một công ty. Chị là cô giáo trẻ dạy ở một trường vùng ven thị xã. Họ sống hòa thuận, êm ấm.
Thời buổi lương tiền công chức có hạn, giá cả cứ leo thang từng ngày một nhưng anh chị biết sống khiêm tốn. Tiền anh em bạn bè cho ngày cưới, anh chị bỏ ra nuôi một đôi lợn để dành. Thỉnh thoảng anh chị đưa nhau đi chơi đây đó đôi ba lần gọi là cho thoải mái của tuổi vợ chồng trẻ còn son rỗi. Mỗi bữa ngồi vào bàn ăn cơm, anh kể cho chị nghe những vui buồn về công việc ở cơ quan, về đội bóng công ty do anh huấn luyện. Chị thì tâm sự với anh về chuyện trường lớp với những đứa học trò nghịch ngợm, dễ thương. Cuộc sống như thế hỏi còn gì hơn, trông lên thì không bằng ai nhưng biết mình biết ta thì như thế cũng mĩ mãn rồi. Và có lẽ  chẳng kể lại chuyện này làm gì nếu như không có một sự việc xảy ra.
Một buổi chiều anh đi làm về muộn. Ở nhà, chị đi ra đi vào trông ngóng. Cơm canh đã nguội ngắt. Số là chiều hôm đó đội bóng công ty do anh huấn luyện bị thất bại trong vòng loại của giải. Vốn gặp nhiều thuận lợi trong cuộc đời nên anh coi trận thua này là một sự nhục nhã chưa từng thấy. Trước đây đội bóng của anh tiếng tăm vang khắp vùng, từng được mệnh danh là bất khả chiến bại. Mọi người ai cũng nể trọng anh, một ông bầu có nhiều kinh nghiệm mặc dù tuổi đời, tuổi nghề chưa có bao nhiêu. Ông Váng, Giám đốc công ty là người nổi tiếng quan liêu và kiêu ngạo, thế mà với anh ông tỏ ra trọng vọng và tin tưởng tuyệt đối. "Anh là tất cả niềm kiêu hãnh của công ty. Vinh quang của công ty này có hay không là một phần ở anh đấy"- Có lần ông đã cầm tay anh nói to như thế giữa đám đông sau trận đấu đại thắng. Cứ mỗi lúc vào phòng họp của công ty, nhìn thấy những chiếc cúp của những mùa giải trước là anh ngầm thích thú đến ngẩn ngơ...
Thế mà giải bóng năm nay, bước vào vòng loại, con đường vào bán kết, chung kết mà anh kỳ vọng đã bị nghẻn lại khi bị loại ngay từ vòng đầu. Đã đành, trận này anh em cầu thủ thi đấu có phần uể oải, để nhiều pha bóng sơ hở, về cuối trận lại thiếu tích cực gỡ bàn thua, nhưng ai sẽ hiểu cho anh điều đó. Trách nhiệm cuối cùng rồi cũng đổ lên đầu anh. Trận đấu kết thúc, anh lững thững im lặng rút lẹ để tránh trả lời các câu hỏi của cánh nhà báo thể thao.
Buồn quá, anh rẽ vào quán Phong Lan uống nước. Ngồi chờ những giọt cà phê rơi tí tách xuống ly, anh vạch ra những nhược điểm của trận đấu ban chiều. Phải rồi, anh nghĩ phải nghiêm khắc kiểm điểm tay Vĩnh thủ môn vì cậu này không đoán định được đường bóng, không xử lý ra vào hợp lý khi bóng về đột ngột. Còn tay Phương tiền đạo làm mất bàn thắng như dọn cỗ ở phút thứ hai mươi lăm là do chủ quan chứ hầu như chỉ một mình một bóng đối diện thủ môn đối phương mà hắn ta không ăn nỗi trái ấy. Lại nữa, cái tay Lâm hậu vệ không kèm được tiền đạo đối phương để nó lướt qua dễ dàng... Phen này nhất định phải trị cho ra trò cả nút. Nhưng mà làm căng lên bây giờ để làm gì nhỉ- Anh nghĩ lại. Đằng nào đội bóng của anh cũng đã bị loại khỏi mùa bóng năm nay. Ức, ức quá không chịu nỗi. Đầu anh quay cuồng bao ý nghĩ. Anh trở về nhà trong tâm trạng ấy.
Thấy anh bần thần ủ dột, chị hỏi:
- Có việc gì mà trông anh buồn dữ vậy?
- Hôm nay đội bóng của anh đại bại. Ôi thật là nhục nhã, nhục không thể chịu được!
- Đã thi thố thì phải có thắng, có bại chứ anh, thua keo này ta bày keo khác - Chị cố an ủi chồng - Gì mà anh phải sầu thảm đến thế. Mà gì đi nữa cũng nhớ bữa mà về cơm nước chứ. Để em chờ mãi chờ hoài à.
- Thì ở nhà cứ ăn trước đi, người ta đang khùng lên đây.
- Thế anh nghĩ em không khùng khi chờ anh đến mười một giờ đêm à.
- Cô nói thế mà nói được - Anh bắt đầu cáu bẳn - Cô thì chờ vài tiếng đồng hồ đã kêu ca còn tôi thì phải chờ đến một mùa bóng nữa may ra mới gỡ gạc được danh dự, uy tín. Thật là bao công sức bỏ ra.
- Thế anh lo cho quả bóng nhiều hơn em.
- Cô thì lúc nào cũng nhai đi nhai lại câu ấy. Tôi thật không sống nổi với cô. Cô không biết gì cả, tất cả đời tôi ở đó, quả bóng, niềm tin, nghĩa là tất cả - Anh gào lên, chị thấy vậy hoảng hồn lựa lời nói dịu:
- Em xin lỗi anh, em quả có quá lời với anh...
Đang cơn giận dữ, anh bỏ cơm đi qua nhà anh bạn ngũ qua đêm. Cứ thế anh lang thang hết nơi này đến nơi khác. Một tuần sau, anh trở về nhà loạng choạng trong cơn say bí tỉ. Ma men bốc lên, anh không chịu để chị săn sóc, khuyên lơn. Lại những trận cãi vả, thực ra chỉ mình anh to tiếng. Khi cơn giận tẩm thêm chất men bốc lên, anh bắt đầu lục lại quá khứ những tháng ngày chung sống. Ừ, mình đã nhầm lẫn khi chọn cô ấy. Cô ấy chẳng biết thông cảm, chia sẻ với niềm vui và nỗi buồn của mình. Cô ấy chỉ biết duy nhất cái việc gõ đầu trẻ và đóng khung trong cái xó bếp chật hẹp. Đàn bà thời nay phải năng động và nhạy cảm chứ.
Trong chếnh choáng cơn say, anh lờ mờ nghĩ đến Lan- một cổ động viên tích cực, có mặt trong tất cả các trận đấu của đội anh. Lan là nhân viên bán hàng của công ty, trẻ, đẹp, hâm mộ thể thao. Và, bất chợt thức dậy trong anh cảm xúc cái bắt tay, nụ cười duyên dáng tỏ lòng mến mộ anh, coi anh như người hùng có một không hai ở cái thị xã nhỏ bé này. Có hôm, anh còn bắt gặp ở Lan ánh mắt khác thường của phụ nữ. Phải rồi, chính Lan mới là người hiểu mình, mới có thể cảm hết nỗi đau của mình. Bất chợt anh quyết định tìm đến với Lan.
Ngay từ đầu, anh biết mình đã không lầm. Lan dịu dàng đón anh, tỏ ra đau khổ thực sự, sẵn sàng chia sẻ với anh. Đêm đó, anh ở lại căn phòng lẻ loi trống vắng của Lan. Khi đã nguôi ngoai cảm xúc, cảm thấy mệt mỏi rã rời, anh chợt thấy mình đã đi hơi quá. Giữa cái thanh vắng đáng sợ của đêm tĩnh mịch nằm bên một người đàn bà cháy bừng nỗi khát khao dục tình, anh nhớ đến vợ và thấy mình như có lỗi. Nhưng cảm giác đó thoáng qua nhanh, anh lại ôm ấp Lan trong vòng tay lực lưỡng của mình.
Anh trở về với chị và cái thời đã qua không còn nữa. Bỗng dưng tất cả với anh đều nhạt dần, nhạt dần. Cuối cùng anh đâm đơn ra Tòa án xin ly dị. Việc ấy làm chị đau khổ lắm. Chị cố khuyên răn anh, mong níu kéo lại cái hạnh phúc mong manh đã qua, nhưng rồi đến một lúc chị cay đắng nhận ra rằng, không thể sống nỗi bên sự ruồng rẫy, lạnh lùng của anh được nữa. Cuối cùng anh chị ra tòa và chia tay trong lạnh lẽo, dù bây giờ đang là mùa khô, trên trời tịnh không một đám mây. Ngay sau đó, anh về sống chung với Lan. Ban đầu dư luận bàn ra, tán vào cũng nhiều nhưng chuyện lâu hóa nhàm, đến một lúc không còn ai để ý.
Một mùa bóng nữa lại đến. Anh lao vào chuẩn bị phục thù. Mùa bóng này, anh đề đạt với giám đốc công ty dốc toàn bộ sức lực cho đội bóng với quyết tâm giật cúp. Anh bắt anh em cầu thủ tập luyện không kể giờ giấc, mưa nắng. Có một số anh em phản đối, anh dùng quyền lực giám đốc trao cho kỷ luật ráo. Từ tình cảm gắn bó trước đây với anh em cầu thủ, nay cuồng vọng say mê thắng lợi đã làm anh khô khốc đi. Nhiều cầu thủ đã nhìn anh lắc đầu, ngán ngẫm. Lan thì một mực ủng hộ anh, có hôm cô ra cả sân bãi coi anh em tập luyện. Cô chờ đón vinh quang mà không bao lâu nữa anh sẽ mang lại.
Nhưng một lần nữa vinh quang lại khước từ anh. Mùa bóng này tuy có đầu tư lớn về sức người, sức của nhưng rồi đội bóng của anh cũng trầy trật, không lọt được vào vòng bán kết. Anh thất vọng hoàn toàn, cả tinh thần lẫn thể chất đều sụp đổ. Anh nghĩ hình như trời sinh ra anh để hành hạ anh hay sao ấy. Tờ báo Thể thao trong ngày viết về đội bóng của anh với hàng tít lớn: "Về một đội bóng xuống cấp".
Chán nản, tuyệt vọng, anh lại tìm đến với men say. Trước đây, anh nổi tiếng là một huấn luyện viên giỏi, giờ nổi tiếng là tay nát rượu. Anh bỏ bê việc cơ quan, lang thang khắp các nhà hàng, quán nhậu. Ban đầu còn có người chia sẻ, dần dần ai gặp anh cũng lắc đầu, ngó lơ. Nhiều lúc anh đến phát điên lên vì không còn ai nhắc đến anh, quan tâm đến anh, người đã từng vang bóng một thời. Ngay cả Lan cũng chẳng coi anh ra gì. Không thể ngồi mãi bên ông chồng hờ suốt ngày bê tha rượu chè, cô tích cực đi theo làm cổ động viên cho đội bóng đá Câu lạc bộ Thanh niên, một đội bóng mới nổi tiếng đang có triển vọng đi sâu và giải và giật cúp. Bây giờ, anh không còn có người vợ ngồi thao thức ngóng chờ anh về như thời anh sống với người vợ cũ mà là bữa cơm do anh vụng về nấu rồi ngồi chờ Lan. Một bữa thấy Lan về chưa tới cửa đã bô bô ca ngợi đội Câu lạc bộ Thanh niên, anh nổi giận quát:
- Vào mà ăn đi còn loa cái nỗi gì nữa.
- Ô hay! - Lan kênh kiệu- Đá hay thì người ta mê, người ta ca chứ việc gì đến anh. Cứ như đội bóng của anh thì có thuê bạc triệu cũng chẳng có một tiếng vỗ tay.
- Cô im đi !- Bị xúc phạm, anh thét lên - Đàn bà gì mà suốt ngày bóng ban mãi, đến bữa không về lo nhà lo cửa.
- Thế anh lo không được à. Chính anh từng nói, thưởng thức văn nghệ thể thao nam nữ bình đẳng mà.
Cứ nghe cái giọng đanh đá chanh chua ấy, anh không nói năng gì nữa chỉ cắm cúi và vội miếng cơm rồi đi ngủ sớm.
Đêm, anh thao thức mãi. Có những lúc như thế này anh mới có dịp nghĩ lại tất cả những gì xảy ra từ khi chia tay Hiền về sống với Lan. Chẳng có gì cả, cô ta chỉ là một người hay bốc đồng, nông nổi, cạn hẹp. Cô ta yêu anh khi anh hãy còn danh giá. Còn bây giờ khi anh mất hết, cô ta lại đi tìm cái mới, cái khác lạ của cuộc đời. Anh cũng thừa biết cô đang say mê tay Hoàng, cầu thủ tiền đạo của đội Câu lạc bộ Thanh niên. Nhiều khi không cần giữ ý tứ, cô ca ngợi hết lời về hắn trước mặt anh. Có bữa anh định tát tai cho bỏ ghét nhưng rồi nghĩ lại, thôi nín nhịn cho xong.
Cho đến một hôm anh không còn nín nhịn được nữa. Anh từ bỏ căn nhà của Lan không một lời từ giã. Anh lại đi lang thang từ nhà người bạn này đến người bạn khác. Một hôm anh say mèm không biết trời trăng mây gió gì nữa, khi người ta kêu xích lô chở anh về, không hiểu sao anh nhờ bác xích lô đưa về căn hộ cũ của mình. Trong cơn mê man, anh vẫn nhận ra bàn tay ấm nóng và sự chăm sóc ân cần của Hiền. Chị chườm khăn mặt ướt lên đầu anh, nấu cháo hành cho anh ăn chóng tỉnh.
Buổi chiều tỉnh dậy, bên ngoài trời mưa giăng giăng khắp nẻo. Cơn mưa như gieo vào lòng người nỗi buồn man mác. Anh cảm thấy bối rối ngay cả trong mái nhà xưa yêu dấu của mình. Ấp úng mãi, anh kể lại tất cả cho chị nghe với sự ân hận, dằn vặt của mình. Anh mong chị rộng lòng tha thứ cho anh được trở về bên mái nhà xưa. Chăm chú nghe, mãi sau chị nghiêm túc khuyên anh:
- Anh Trường ạ, anh hãy trở về với chị ấy đi. Anh đã một lần gây đau khổ cho tôi, bây giờ đừng gây đau khổ thêm cho người khác. Anh về đi kẻo chị ấy lại chờ...
Dù đã tỉnh táo trở lại, anh vẫn loạng choạng khi bước ra khỏi căn hộ, nơi anh đã từng có Hiền - người vợ yêu quý, nơi anh đã từng có một hạnh phúc nho nhỏ mà có lẽ vĩnh viễn không còn tìm lại được. Cây lá đỏ trước nhà không biết rụng lá từ khi nào đã bắt đầu trơ trọi. Một vài chiếc lá khô vàng úa lả tả rơi trước mặt anh. Tới gần đầu phố, cơn mưa trở nên nặng hạt bắt đầu đổ xuống. Nấp trong hè phố chờ mãi cơn mưa vẫn không ngưng. Cơn mưa đầu mùa thật dữ dội. Một làn gió lạnh lẽo vô hình len vào tim anh nhức nhối, thật sâu.
MINH TỨ 
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...