Có
những lúc mệt nhoài trên những nẻo đường rong ruổi, bỗng thèm được quay về bên
mái nhà xưa, để được tĩnh tâm, chìm đắm trong miền ký ức thời thơ ấu hồn nhiên
trong trẻo, để quên hết những nhọc nhằn trong gánh nặng mưu sinh. Thực ra tôi
cũng đã từng ra đi, có lúc cũng muốn chen chân vào chốn phồn hoa đô hội, nhưng
cuối cùng lại quay về nơi tôi đã ra đi.
Sống
trên đời ai cũng mong có một mái nhà bình yên để đi về sớm tối. Ngôi nhà là nơi
trú thân gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ cho đến khi lớn lên, kể cả khi nằm
xuống của mỗi đời người. Một ngôi nhà rường cổ xưa nằm ở vùng ngoại vi thành
phố Đông Hà của tôi cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng mỗi lúc đi xa tôi lại
trông về. Ngày ba tôi còn sống, sợ sau này các con không giữ lại ngôi nhà cổ,
ông quyết định nâng cấp tu sửa ngôi nhà. Hồi đó tôi muốn can ngăn vì ông đang
bệnh nặng, nhưng ông đã quyết nên đành nhượng bộ. Cũng may nhà tu bổ xong, sau
đó ít lâu ba tôi yếu dần, rồi trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà mà ông bà
đã một đời tạo dựng. Ba tôi mất, mẹ tôi vẫn đi về trong căn nhà đơn chiếc. Tôi
biết mẹ khó có thể nguôi quên nỗi nhớ về ba, về bao kỷ niệm nơi mái nhà xưa hai
người đã sống với nhau đến tuổi thất thập của đời người.
Cũng
căn nhà này của gia đình tôi có lẽ là ngôi nhà duy nhất của cả vùng ngoại vi
thành phố Đông Hà còn tồn tại sau những đợt không kích của phía bên kia trong
chiến cuộc mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972. Hai quả đạn pháo từ Hạm đội 7
ngoài khơi đã rơi trúng căn nhà, cùng 5 quả bom tọa độ ở 4 phía cách nhau chỉ
mấy chục mét.
Thế mà kỳ lạ, ngôi nhà 4 mái vẫn đứng vững, đất đá của bom đạn hất lên phủ kín căn nhà, trở thành một chiếc hầm cho bộ đội trú quân. Sau Hiệp định Paris, gia đình tôi từ nơi di tản trở về, sửa sang lại nhà để ở. Hồi đó có phái đoàn các nước phương Tây đến thăm tỉnh Quảng Trị giải phóng, chính quyền tỉnh đưa đoàn đến thăm nhà tôi, một ngôi nhà còn sót lại sau chiến tranh. Ngày đó tôi mới lên chín tuổi, thấy thực đơn mời khách của tỉnh chỉ có dưa hấu, kẹo Hải Hà và chè Bắc Thái (khi khách ra về chị tiếp tân có để lại cho gia đình một ít làm quà).
Thế mà kỳ lạ, ngôi nhà 4 mái vẫn đứng vững, đất đá của bom đạn hất lên phủ kín căn nhà, trở thành một chiếc hầm cho bộ đội trú quân. Sau Hiệp định Paris, gia đình tôi từ nơi di tản trở về, sửa sang lại nhà để ở. Hồi đó có phái đoàn các nước phương Tây đến thăm tỉnh Quảng Trị giải phóng, chính quyền tỉnh đưa đoàn đến thăm nhà tôi, một ngôi nhà còn sót lại sau chiến tranh. Ngày đó tôi mới lên chín tuổi, thấy thực đơn mời khách của tỉnh chỉ có dưa hấu, kẹo Hải Hà và chè Bắc Thái (khi khách ra về chị tiếp tân có để lại cho gia đình một ít làm quà).
Tôi
nhớ trong khi một vị khách phương Tây hỏi chuyện chủ nhà, người phiên dịch của
đoàn định phiên dịch thì bất ngờ ba tôi nói chuyện trực tiếp với vị khách ấy
bằng tiếng Pháp, đại ý là sau chiến tranh, tất cả đều bị hủy diệt, duy chỉ lũy
tre và ngôi nhà rường này còn trụ vững được như là một tinh thần Việt không thể
khuất phục trước bạo tàn. Cả phía lãnh đạo tỉnh lẫn các vị khách nước ngoài ngớ
ra, không ngờ rằng một nông dân ở vùng giải phóng lại nói chuẩn tiếng Pháp đến
thế. Sau này khi lớn lên, tôi biết thêm nhiều người bạn của ông rất nể phục ông
về vốn tiếng Pháp và chữ Hán, mặc dù hồi trước ông chỉ mới học hết chương trình
tiểu học thời Pháp thuộc.
Ra
đi từ lũy tre làng, nghề làm báo đã đưa tôi đến nhiều vùng đất, được biết thêm
bao điều mới mẻ cảm thấy yêu thêm đất nước, quê hương của mình. Những chuyến đi
xa cho tôi có thêm nhiều người bạn, càng thấy mình có may mắn được trở về sống
và viết trên quê hương. Quê hương với tôi thật có cái gì đó rất đỗi thân thương
tưởng như có thể cầm nắm được, thế mà với bao người vẫn cứ thấy xa xôi, hiển
hiện trong nỗi nhớ khôn nguôi.
Nhớ
lần ra công tác ở quần đảo Trường Sa, bất chợt giữa bạt ngàn sóng gió trùng
dương tôi gặp bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trạm trưởng quân y đảo Trường Sa Đông.
Hỏi chuyện mới biết Phong là bạn đồng niên, quê gốc ở huyện Triệu Phong, nhưng
quê hương chỉ còn là chấm nhạt nhòa trong ký ức vì bố mẹ Phong đi tập kết, sinh
ra anh ở ngoài Bắc. Sau 1975, bố mẹ anh về công tác ở thành phố Hồ Chí Minh.
Làm việc với chỉ huy đảo, tôi biết được anh là bác sĩ giỏi được tăng cường cho
đảo và anh đã xử lý rất nhiều ca mổ khó cho lính đảo cũng như ngư dân đi biển
thành công trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề ở đảo. Khi chia tay, Phong hẹn
có dịp sẽ về thăm quê, nhưng hai năm qua rồi, anh vẫn còn ở lại với đảo xa.
Lại
nhớ lần vào thăm đất mũi Cà Mau, anh em đồng nghiệp kết nối cho tôi gặp một bác
sĩ quê ở Gio Linh, Quảng Trị là anh Trương Quang Thận. Anh em ở Báo Cà Mau đùa
anh là bác sĩ “thận” nhưng lại giỏi mổ “ngoại”. Mà thật, ở đất mũi này, anh nổi
tiếng là bác sĩ ngoại giỏi chuyên môn và có tấm lòng nhân từ, chăm lo cho sức
khỏe của người bệnh như người thân của mình. Hôm thức trắng với anh ở Cà Mau,
anh nói nhiều về tình quê, về nỗi nhớ da diết của người con tha hương. Cái vùng
đất Cát Sơn ở Trung Giang đã gắn bó với anh thuở hoa niên đầy gian khó nhưng cứ
trăn đi trở lại trong anh không thể dứt ra được. Tôi an ủi anh bằng câu thơ của
một người bạn: “Có anh đi bốn phương trời/Nơi đâu anh đến cũng trời quê
hương”, chợt thấy khóe mắt anh ngân ngấn nước.
Vâng,
cũng có những năm tháng xa quê, mới thấy nỗi hoài hương không thể dứt ra được.
Nhà báo, nhà văn Phan Quang từ quê nghèo Quảng Trị đi ra, rồi thành danh ở đất
Hà thành, đã từng đi qua không biết bao nhiêu vùng đất trên thế giới, thế mà
quê hương trong tác phẩm văn học cũng như tác phẩm báo chí của ông mới thiết
tha và diệu vợi làm sao. Dù bận trăm công nghìn việc, năm nào ông cũng dành
thời gian về thăm quê nhà Hải Thượng, Hải Lăng; khi thì ông về để thắp hương
cho tổ tiên ông bà; khi thì ông về với những thùng sách của chính ông viết để
tặng cho con em trong làng, trong xã, như là sự tri ân của ông với đất mẹ quê
hương...
Quê
hương, hai tiếng ấy với tôi bình dị như bờ tre gốc rạ, như cái giếng đầu làng,
nguồn nước mà cả làng dùng chung; là hình ảnh lam lũ của cha mẹ ta, của người
anh, người chị trên cánh đồng xa; là mái nhà chật chội, đụng đâu cũng thấy cột
kèo, không còn phù hợp với nếp sống hiện đại. Nhưng quê hương gắn với mái nhà
xưa, với bà con lối xóm, là nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên, nếm trải qua
những năm tháng gian khó nhưng bình yên bên mái ấm gia đình.
Cứ
mỗi khi thấy bất an trong lòng, tôi lại quay về bên mái nhà xưa. Nơi ấy chỉ còn
bóng mẹ đổ xuống mỗi buổi sáng chiều. Bây giờ tôi đã chuyển đến ở căn nhà mới,
nhưng hôm nào cũng về bên mái nhà xưa yêu dấu để thắp nén tâm hương, bởi như
người ta nói: “Có ngôi nhà hoàn thiện nhưng con người thì chớ để dở
dang”. Hình như đó là ý của TS Huỳnh Như Phương thì phải.
MINH
TỨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét