Thời gian ơi sao không đổi sắc màu*
Kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng
tháng Tám thành công, tôi vừa náo nức vừa thẫn thờ hồi tưởng bầu không khí toàn
dân tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, trong biển người đó có chàng trai non
dại tập tễnh vào đời…, chợt nhận được món quà của người bạn lâu năm - nhà báo
Trần Thanh Phương - từ TP.Hồ Chí Minh gửi ra tặng: tập Lời cuối với nhà văn đã
đi xa (NXB Hội Nhà văn - sách không bán). Càng đọc càng bồi hồi.
Lời cuối với nhà văn đã đi
xa do Trần Thanh Phương sưu tầm, biên soạn tập hợp hơn 100 bài ai điếu (hoặc
tương tự) tưởng niệm, tiễn đưa các nhà văn, nhà thơ về cõi vô cùng. Từ những vì
sao lấp lánh trên bầu trời dân tộc cả trăm năm nay như Nguyễn Đình Chiểu, Dương
Khuê, Phan Châu Trinh, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Huỳnh Thúc Kháng, Ưng
Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Bính... đến những người tuổi cùng trang lứa với chúng
tôi: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Trần Thanh Giao, Nguyễn Khắc Phục - nhà văn
này, người sau cùng nhận “Lời cuối” của bạn hữu in trong tập sách, chia tay
chúng ta cách đây mới hơn 2 tháng, ngày 20-6-2016.
Làm sao không chạnh lòng gặp
lại mấy câu thốt lên từ miệng cụ Tam Nguyên Yên Đổ khi hay tin người bạn tri
âm, tiến sĩ Dương Khuê giã từ cõi thế:
Bác Dương thôi đã thôi rồi!
Nước mây man mác ngậm ngùi
lòng ta...
... Bác già tôi cũng già rồi
Biết thôi, thôi thế thì thôi
mới là!
(1902)
Hay lời cụ Ca Văn Thỉnh phát
biểu trước mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thời đất
nước còn trong vòng nô lệ, trước mặt quan Thống đốc Tây: “Thơ Vân Tiên còn thì
thinh danh cụ Đồ Chiểu vẫn còn. Mà thinh danh cụ còn thì tấm gương tài hoa, tiết
tháo của cụ không bao giờ tan vỡ” (1943).
Có những người đi xa nhưng
không bao giờ khuất bóng trong lịch sử dân tộc, bởi các vị đã để lại cho đời tấm
gương và bài học:
Trước đã giỏi thế sau nên giỏi
nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi
Thác còn thiêng thời sống phải
thiêng hơn, thang độc lập quyết đều tay xin với.
(Lời cụ Phan Bội Châu điếu cụ
Phan Châu Trinh - Huế, 1926).
Bên mộ nhà thơ Tản Đà: “Một
giọt nước mắt nhỏ trên nơi tiên sinh sắp yên nghỉ lâu dài mãi mãi, ly gián hẳn
với đời sống chật vật, phiền phức, khó khăn, mà sinh thời tiên sinh thường coi
là một giấc mộng lớn, chúng tôi có cảm giác khóc cho cả nghệ thuật nước Việt
Nam và, sao ta chả nói thế được - cho cả nghệ thuật chung cả loài người chúng
ta nữa.
… Chúng tôi, thanh niên của
thời đại mới, đang băn khoăn đi tìm lý tưởng, và lý do của hành động, và hơn hết
cả, sự trong sáng và lòng hy sinh, chúng tôi vẫn mến phục tiên sinh, và coi ở
tiên sinh hai nhân vật: một người đã đón sự sống với một triết lý giản dị và
cao thượng; một nhà thơ đã cho kẻ đọc cái giác vị thuần túy của cả một nền văn
chương Viễn Đông ngày hôm qua”
(Đinh Gia Trinh, Chủ nhiệm
báo Le Monôme, cơ quan của Tổng hội sinh viên trường Cao đẳng - Hà Nội,
7-6-1939).
Trước Cách mạng tháng Tám
1945, hầu hết các nhà văn nước ta sống nghèo, chết nghèo. Vũ Trọng Phụng, một
tài năng lớn, là điển hình. Thay mặt các đồng nghiệp cùng tiễn đưa tác giả Số
đỏ, nhà thơ Lưu Trọng Lư đau đớn cho bạn và cũng là bộc bạch nỗi niềm của số
đông, nói với nhà văn đã nằm trong huyệt: “Anh đã chết như một chiến sĩ đã đấu
tranh đến phút cuối cùng. Tuy anh ngã, mà tất cả vinh quang đã về anh, sẽ về
anh... Tử thần không thể làm gì nữa. Thôi, xin mời anh đi, và anh nên an thỏa. Ở
đây hay ở kia, anh vẫn là một người có quyền an thỏa”.
Nhà văn Nguyễn Vỹ tiếp lời
Lưu Trọng Lư, còn bức xúc hơn: “Anh Vũ Trọng Phụng, đi đưa đám ma anh, tôi buồn
lắm, tôi tủi cho anh, tôi tủi cho tất cả các bạn đi đưa anh, tôi tủi cho văn học
nước Nam mà anh là một đại biểu xứng đáng hơn hết. Nguyễn Khắc Hiếu chết cũng
quạnh hiu như anh. Nguyễn Nhược Pháp chết cũng quạnh hiu như anh. Vũ Lang chết
cũng quạnh hiu như anh. Đỗ Thúc Trâm chết cũng quạnh hiu như anh, Hoàng Tích
Chu cũng vậy!” (Hà Nội, 15-10-1939).
Càng xúc động nữa khi đọc lại
một vài đoạn điếu văn mà bản thân người viết bài này từng nhiều lần chắp tay
cúi đầu lắng nghe trong khuôn viên ngôi nhà quen thuộc số 51 phố Trần Hưng Đạo,
hay Nhà tang lễ số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội:
“Những giá trị tinh thần mà
Xuân Diệu để lại cho chúng ta là những di sản đẹp đẽ và lâu bền, có thể truyền
từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ có giá trị trong nước mà còn có giá
trị quốc tế. Tất cả những giá trị ấy đều bắt đầu từ trái tim anh, trái tim lớn
của anh như không biết đến sự phai tàn... Sao trái tim ấy hôm nay ngừng đập? Một
cây lớn nằm xuống làm cho cả khoảng trời trống vắng. Tổn thất này, biết rằng chẳng
thể náo tránh khỏi, nhưng mà sao đến sớm thế, đột ngột thế, và biết lấy gì để
bù đắp?
Diệu ơi! Anh còn nghe không
anh, anh có thấy không anh?”
(Hà Xuân Trường - Hà Nội,
21-12-1985).
Hãy cùng lắng nghe lời nhà
thơ Nguyễn Đình Thi vĩnh biệt tác giả Vang bóng một thời, người đi tìm cái
đẹp, cái thật: “...Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt Nam... Những
tùy bút của ông quả là một nhân chứng của thời đại chúng ta, từ những năm liền
trước Cách mạng cho đến suốt hơn 40 năm chiến đấu chống đế quốc xâm lược và xây
dựng chế độ xã hội mới, cuộc sống mới của chúng ta giữa muôn vàn khó khăn...
Trong những trang viết của Nguyễn Tuân, ở dưới sâu của những cái bề nổi gai góc
hoặc phiêu lãng, ở đằng sau những sự ngoa ngoắt và cả khinh bạc của một thời ngột
ngạt, quẩn quanh, tù túng, bế tắc, ở dưới sâu tất cả những cái ấy là sự đi tìm
cái đẹp và đi tìm cái thật, là nỗi khao khát cái đẹp và nỗi khao khát cái thật,
là lòng yêu cái đẹp và yêu cái thật...” (Hà Nội, 31-7-1987).
Về Chế Lan Viên, trong khi tại
TP.Hồ Chí Minh, nhà thơ Bảo Định Giang khóc bạn: “...Trong đêm tối mất nước, tập
thơ Điêu tàn của nhà thơ vừa qua tuổi thiếu niên xuất hiện trên thi
đàn “như một niềm kinh dị”, theo lời nhà phê bình Hoài Thanh. Người ta gặp
trong Điêu tàn những Tháp Chàm, những Chiêm nương, những sọ người, những
bóng ma, những nỗi đau nỗi buồn, nhưng trên tất cả những cảm hứng lãng mạn chủ
nghĩa ấy là lòng yêu nước, kiếp dân Chàm nước mất, kiếp dân mình đâu xa”,
thì cùng giờ phút ấy, tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Đình Thi thay mặt đông đảo nhà
văn, nhà thơ chen chúc trong ngôi nhà số 51 và hàng nghìn người dân đứng chật một
khúc phố Trần Hưng Đạo, đau đớn “chia tay với nhà thơ Chế Lan Viên, một trí tuệ
và một tài năng lớn của văn học ta vừa ra đi, để lại một tòa nhà lớn về thơ...
Từ năm mười bảy tuổi, C
hế Lan Viên đã đem đến cho văn học ta những câu thơ lạ lùng:
hế Lan Viên đã đem đến cho văn học ta những câu thơ lạ lùng:
Ta cùng nàng nhìn nhau không
tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm
sâu
Những câu thơ bật lên tia lửa
của một tài năng không dễ có trong đời. Tài năng lớn ấy đã gặp được Cách mạng
và đi vào Cách mạng,
Khi ta ở chỉ là nơi ta ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Với ánh sáng lớn và tình yêu
lớn ấy, Chế Lan Viên đã đem tất cả trí thông minh luôn có những sáng tạo bất ngờ
của anh tin hết mọi cách dùng thơ làm vũ khí đóng góp vào cuộc chiến đấu của
nhân dân ta...” (24-6-1989).
Đối với Tố Hữu:
“Ngục tù của thực dân đế quốc
đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải
phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi” (Thủ tướng Phan Văn Khải -
Hà Nội, 13-12-2002).
“Vào những năm 1937-1938,
khi hầu hết các nhà thơ mới đều say sưa bơi lội trong dòng sông tâm tư tình cảm
cá nhân, né tránh thân phận nô lệ mất nước của mình thì Tố Hữu từ bối cảnh của
Huế đã xuất hiện những bình thơ nói về những con người dưới đáy cùng xã hội,
nói với sự đồng cảm sâu sắc nỗi khổ đau của giai cấp cần lao. Hồn thơ Tố Hữu là
hồn thơ một thi nhân đồng thời là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho giải
phóng dân tộc, cho mọi tâm hồn đang đau khổ” (Lời Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên
- Huế Nguyễn Huy Ngọc vĩnh biệt nhà thơ Tố Hữu, người con xứ Huế, 13-12-2002).
Nhà thơ Hữu Thỉnh nói lời cuối
với Nguyễn Văn Bổng: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn xứ Quảng
anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một
bút lực dồi dào với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống... Nói đến Nguyễn Văn Bổng
là nói đến một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông pha nơi đầu sóng gió, sống
trọn một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt, đi cùng lịch sử đất
nước, luôn có mặt ở những nơi mũi nhọn, những điểm nóng... Nói đến Nguyễn Văn Bổng
là nói đến một tài năng làm báo bẩm sinh...” (13-7-2001).
Với Phạm Tiến Duật, người đồng
đội một thời quân ngũ, nay ra đi hơi sớm, Hữu Thỉnh quả quyết: “Dưới bầu trời
sinh tử của chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã vươn lên làm một bước đột phá điển
hình nhất, đưa thơ chống Mỹ lên đỉnh cao, một hiện tượng thơ ca đặc sắc của chiến
tranh: Thơ anh mang đến cho bạn đọc niềm vui lớn như những tin thắng trận từ tiền
tuyến lớn. Độc đáo và vui sáng, đầy sức lay động và ấm áp ngay cả trong những lúc
cay nghiệt nhất của chiến tranh, đó là vẻ đẹp của thơ Phạm Tiến Duật” (Hà Nội,
11-12-2007).
Tôi đã làm một việc người đọc
sách không nên làm, không được phép làm là trích dẫn miên man từ cuốn sách mình
đọc. Vậy mà tôi vẫn muốn trích nữa, dẫn thêm. Biết có cách nào tốt hơn? Những vị
đọc hay viết những lời ai điếu dù rất ngắn gọn, bằng tất cả cái tình, cái nghĩa
và chiều sâu cảm nhận về con người, sự nghiệp nhà văn vừa nằm xuống, các vị đã
bày tỏ giúp tôi nghĩa tình cùng cảm nhận của mình, mà tôi làm sao diễn tả được
như vậy? Huống nữa, đây là cuốn sách không bán. Vậy hãy cho tôi chia sẻ với
đông đảo bạn đọc thêm được chút nào hay chút ấy, chắc là được phép? - xin biện
bạch.
Chợt nhớ một lần, cách đây
đã khá lâu, nhà thơ Hữu Thỉnh và tôi cùng đi chung một chiếc xe taxi lần lượt về
nhà sau cuộc họp muộn sáng chủ nhật. Mới hôm trước, chúng tôi vừa gặp nhau
trong buổi tiễn đưa một đồng nghiệp. Tôi nói với anh Chủ tịch Hội Nhà văn: “Tôi
đã nghe, đã đọc gần như tất cả các điếu văn của anh mấy năm gần đây. Bài nào
cũng có những nét riêng, nhiều ý đặc sắc, và bài nào cũng xúc động”. Nhà thơ Hữu
Thỉnh khiêm nhường: “Những lời tiễn đưa thường vọt thẳng từ trái tim tôi”. Trái
tim và trí tuệ nữa chứ, anh!
Tập sách do nhà báo Trần
Thanh Phương sưu tầm, biên soạn, như nhan đề của nó, là Lời cuối với nhà
văn đã đi xa. Bên cạnh những phát biểu tại lễ tiễn đưa, có một số bài tưởng niệm
những người khuất bóng từ lâu, như nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nhớ Nguyễn Bính,
nhà văn Triệu Xuân viết về Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Vũ Bằng, Lê Văn Trương,
PGS-TS Trần Mạnh Tiến viết về Lan Khai…
Từ xưa tới nay, có những áng
văn chương người làm ra mà không hề nghĩ mình làm văn chương, vậy mà nhiều đôi
câu đối, vần thơ khóc bạn, văn điếu, văn tế dưới dạng kinh điển hay dân gian vẫn
cứ tự mình lan tỏa và sống mãi cùng thời gian. Không ít bài văn tế các cụ tiên
tổ chúng ta làm, nay hiện diện trong giáo trình trung học, đại học dạy các lớp
hậu sinh. Văn tế thập loại chúng sinh, cụ Tiên Điền không nói với một người
mà hướng tới số đông vì vậy càng da diết thâm trầm. Văn tế Trương Định của
cụ Đồ Chiểu lan tỏa hào khí Đồng Nai và tiết tháo người Ngũ Quảng. Ở miền
Trung, bài vè Thất thủ kinh đô có đoạn hướng về “âm hồn”, tức vong
linh những đồng bào, chiến sĩ khuyết danh ngã xuống trong trận quân đội Pháp
đánh chiếm kinh thành Huế năm 1885, thực chất là văn ai điếu dân gian.
Ở nước ngoài, như Pháp chẳng
hạn, các điếu văn vốn có từ thượng cổ, đến thời Phục hưng trở thành thể loại
văn học chính thống bên cạnh kịch cổ điển, tiểu thuyết lãng mạn, văn hiện thực,
thơ tượng trưng..., khởi đầu nhờ tài năng của Giám mục Bossuet. Trước sau Đức
Giám mục viết có mười bài điếu, ba bài trở thành bất hủ. Sang thời đương đại,
có nhà văn viết ai điếu về người vừa ra đi hay tưởng niệm vị anh hùng khuất núi
cả mấy trăm năm trước, tức là chưa từng biết nhau, quen nhau. Nhà văn André
Malraux (1901-1976), tác giả Thân phận con người, chỉ có 8 bài trong thời
gian ông làm Bộ trưởng Văn hóa, từ 1958 đến 1965. Nổi tiếng hơn cả là lời tưởng
niệm nhà yêu nước Jean Moulin, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Pháp chống phát xít
trong chiến tranh thế giới thứ hai, bị Đức sát hại, tại buổi lễ chuyển di cốt
ông vào Điện Panthéon. Xuất sắc tới mức ngày nay, khi tổng thống đương nhiệm
Pháp đọc lời ai điếu tại một dịp tương tự, có tờ báo lớn đưa lên tít: “Sau tiền
lệ Malraux, điếu văn đọc tại Điện Panthéon trở thành bài tập làm văn ngặt
nghèo”(1).
Dùng tấm gương người xưa làm
bài học dạy người nay, gợi lại lịch sử để bàn về thời cuộc, tinh túy của các
bài ai điếu, tưởng niệm là ở chỗ đó. Trong lịch sử nước ta, có những ai văn mặc
nhiên trở thành hùng văn. Bài cụ Phan Bội Châu khóc cụ Phan Châu Trinh, sau khi
ngợi ca tấm gương người vừa khuất:
Dọc ngang trời đất rực vẻ
văn minh,
Tức tối nước nhà cam đường hủ
bại.
Cá chậu chim lồng vẩn vơ thế,
áo công danh thôi vất lối tầm thường,
Rồng mây cọp gió lạ lùng
chi, miền thanh khí thử hô người trung ngoại
Cuối cùng cụ chốt lại:
Trước đã giỏi thế sau nên giỏi
nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi
Thác còn thiêng thời sống phải
thiêng hơn, thang độc lập quyết đều tay vin với.
Cụ tôn vinh người trước mà
nghĩ tới người sau. “Người sau” đây có phải là chàng Nguyễn Ái Quốc, con
trai một người bạn cùng quê với cụ, lúc này đang bôn ba tìm đường vân động nhân
dân ta cùng đứng lên “đều tay vin với” giành độc lập, tự do cho đất nước?
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh
hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà
thơ. Thời hoạt động ở nước ngoài, khi cần làm thủ tục đăng ký dự một cuộc hội
nghị lớn, Người ghi nghề nghiệp của mình là làm báo. Bài điếu văn tiễn đưa Người
về chốn vĩnh hằng, một công trình tập thể do Đống Ngạc chấp bút, sau ba lần Bộ
Chính trị họp cho ý kiến mới đi đến nhất trí thông qua, lại còn trải qua sự chỉnh
sửa ngôn từ lần cuối bởi những cây bút như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu,
Hoàng Tùng, trước khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Ban chấp hành Trung ương
và toàn Đảng đọc trước cuộc mít tinh hàng vạn người tại quảng trường Ba Đình,
Hà Nội và đồng bào chiến sĩ cả nước trong cảnh “đời tuôn nước mắt, trời tuôn
mưa”, sáng 9 tháng 9 năm 1969, bài điếu văn ấy lừng lững đi vào lịch sử như một
áng hùng văn:
“Dân tộc ta, nhân dân ta,
non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và
chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Tấm gương và bài học Bác Hồ
để lại cho đời được đúc kết thành năm lời thề Ban chấp hành Trung ương thay mặt
đồng bào, chiến sĩ cả nước thề trước anh linh Người, mau chóng biến thành sức mạnh
hành động, đưa cuộc chiến đấu chống Mỹ vô cùng gian lao của chúng ta đạt đích
giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sớm hơn so với dự kiến ban đầu của Bộ
Chính trị.
Cảm ơn tấm lòng Trần Thanh
Phương, người con Đất Mũi Cà Mau, nhà báo, nhà văn mà sức viết “dù thể loại nào
cũng để lại ấn tượng trong người đọc một giọng văn thuần phác, dung dị nhẹ
nhàng” (lời nhà văn Mai Văn Tạo). Tuy nhiên đam mê lớn nhất, đeo đẳng Trần
Thanh Phương suốt đời là sưu tầm, lưu giữ tư liệu báo chí, văn học Việt Nam,
không phải để ẵm làm của riêng mà sẵn sàng mang ra phục vụ mọi người.
Trước khi bắt tay vào sưu tập
tư liệu bộ sách Lời cuối với nhà văn đã đi xa, Trần Thanh Phương “có làm
mâm cơm, thắp nén hương xin hương hồn các nhà văn, nhà thơ quá cố cho phép tôi
được làm cái việc thiêng liêng”(2). Nói dại, một ngày kia theo quy luật muôn đời,
đến lượt Trần Thanh Phương dung dị nhẹ nhàng nằm xuống, người thay mặt anh em
nói lời cuối với anh, có thể yên tâm quả quyết: “Trần Thanh Phương, nhà sưu tầm
tư liệu văn học, báo chí tâm huyết có một không hai trong lịch sử văn chương Việt
Nam đương đại”.
* Câu cuối bài thơ Xuân Quỳnh
viết tại bệnh viện hai tháng trước ngày cùng chồng, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ,
đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Nhà văn Vũ Tú Nam đọc cả bài thơ của chị
như một phần lời ai điếu (31-8-1988).
(1) Báo Le Monde ngày
22-5-2015.
(2) Lời người biên soạn.
2-9-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét