Chế Lan Viên
Chế Lan Viên tên thật Phan
Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Làm thơ từ năm
12, 13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn, ký những bút danh mang tên đất của Quảng Trị:
Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Ông nói: Khi ấy chưa ý thức đó là thơ. Xuống
Bình Định, gặp Yến Lan, mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, ký bút danh Lan Viên
(Vườn Lan, không biết có do tên Yến Lan gợi nên không). Xuống Quy Nhơn, thành
người làm thơ thực sự. Bút danh Lan Viên có thêm họ Chế: Chế Lan Viên, và…
phát ngôn huênh hoang về công việc của mình: “Làm thơ là một sự phi thường”
(Trích Tựa do chính ông viết cho tập Thơ văn chọn lọc, Sở Văn hoá thông
tin Nghĩa Bình, 1992).
Năm 1937, xuất bản tập thơ đầu
ĐIÊU TÀN.
Năm 1939 ra Hà Nội học, vào
Sài Gòn làm báo. Về Thanh Hóa, rồi Huế dạy học.
Năm 1942 in tập văn xuôi Vàng
sao, viết truyện ngắn, tập Gai lửa, tiếp tục làm thơ (Tập Thơ không tên).
Tham gia Cách mạng tháng Tám
tại Quy Nhơn. Sau đó ra Huế làm báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung Bộ. Vào Đảng
năm 1949.
Thời đất nước chia cắt, sống
ở Hà Nội, tham gia ban lãnh đạo Hội Nhà Văn, đại biểu Quốc hội các khoá 4, 5,
6, 7. Hoạt động đối ngoại trên các diễn đàn văn học và trí thức ở Liên Xô,
Pháp, Nam Tư , Ấn Độ và các nước Tây Âu.
Đất nước thống nhất, về sống
ở đường Lê Văn Sỹ Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1981 chuyển ra ngoại vi thành
phố, quận Tân Bình. Tại đây, trong 8 năm cuối của đời mình, theo lời vợ ông,
nhà văn Vũ Thị Thường, ông viết một khối lượng thơ nhiều hơn cả đời thơ trước
đó. Bà Vũ Thị Thường đã soạn được bốn tập Di cảo, khoảng 700 bài (đã xuất bản
ba tập). Bản thảo vẫn đang còn.
Nhà thơ Chế Lan Viên
Cách mạng Tháng Tám thành
công, đất nước bước vào chặng lịch sử mới, Chế Lan Viên cũng như hầu hết các
nhà thơ lãng mạn của phong trào Thơ Mới cũng vào chặng sáng tác mới: tự nguyện
biến thơ mình thành công cụ vận động đồng bào đánh giặc cứu nước. Nhà thơ lãng
mạn nổi tiếng trở thành cây bút hiện thực dò tìm những bước đi đầu tiên. Nhiều
trồi trụt và ấu trĩ.
Nhưng hôm nay, sau hơn nửa
thế kỷ với biết bao biến động của đường lối văn nghệ, đọc lại không thể không
khâm phục ý chí vì đại nghĩa của lớp nhà thơ “tiền chiến” ấy. Tập thơ bao trùm
giai đoạn sáng tác chín năm kháng chiến Gửi các anh là một tập thơ mỏng,
ướm thử nhiều thủ pháp, cốt sao tải được hiện thực cuộc sống lẫn ý tưởng tác giả
khi ấy. Khó có thể coi bài nào là hoàn chỉnh, nhưng lại hé cho thấy những
khuynh hướng mới, sau này sẽ phát triển rõ trong Ánh sáng và Phù sa. Lối
viết chính luận tung hoành trong các câu thơ rộng khổ ở các bài Cành phong
lan bể, Tàu đến, Tàu đi đã được báo hiệu từ những thể nghiệm của
bài Chào mừng (viết năm 1950). Cũng như vậy, Đi ra ngoại ô thoát
thai từ Trường Sơn. Và Kết nạp Đảng trên quê mẹ từ Đưa con
ra trận. Điều đó chứng tỏ hướng tìm của Chế Lan Viên những năm kháng chiến chống
Pháp là có ý nghĩa.
Chúng ta hiểu thêm: ngay ở
những nhà thơ tài năng, để chín trong một khuynh hướng sáng tác mới cần một lao
động thơ bền bỉ hàng thập niên. So với thơ viết trước cách mạng, Gửi các
anh hàm chứa hiện thực, đôi lúc thơ làm nhiệm vụ ký sự, đôi lúc thơ thuyết
minh bình luận sự kiện quá đầy đủ và khô khan, nhưng có một bước phát triển bạn
đọc cần ghi nhận là chính từ tập thơ này Chế Lan Viên bộc lộ khuynh hướng nâng
cao phẩm chất trí tuệ cho thơ.
Càng về sau, hứng thú khi đọc
thơ Chế Lan Viên càng thiên về hứng thú trí tuệ. Và từ trí tuệ mà nảy sinh tình
cảm ở một chiều sâu mới. Bài thơ dựng lại con đường Bác Hồ tìm đường cứu nước
mang cái tên dài Người đi tìm hình của nước. Bản thân cái tên ấy là một
câu thơ hàm súc. Hình tượng thơ nằm trong hình ảnh đi tìm hình của nước,
nghĩa là tìm dạng thức tồn tại cho đất nước (Độc lập hay Liên hiệp? Cộng hòa
hay Quân chủ?…). Cách nói ấy mang tính trí tuệ và trở thành tứ của bài thơ. Bài
thơ kết thúc khi cái hình nước hiện ra, trong hòn đất Pắc Bó được Bác
Hồ nâng trên tay ngày trở về:
Kìa bóng Bác đang hôn lên
hòn đất
Trong màu hồng hình đất nước phôi thai |
Ánh sáng và Phù sa xuất
hiện năm 1960, trong mùa chín của các nhà thơ cách mạng đi từ phong trào Thơ Mới
lãng mạn với các thi phẩm của Xuân Diệu (Riêng chung) Huy Cận (Trời mỗi ngày lại
sáng) Tế Hanh (Gửi Miền Bắc) Lưu Trọng Lư (Toả sáng đôi bờ )… tạo một
không khí sầm uất cho thơ, trong chừng mực nào đã bộc lộ được mặt mạnh của
khuynh hướng mở rộng cánh tay thơ ôm chứa lấy cuộc đời. Phẩm chất trữ tình mới
và cả bút pháp thể hiện mới của Ánh sáng và Phù sa như một cú hích
cho cả nền thơ Miền Bắc hồi ấy. Nhiều cây bút trẻ bị phong cách Chế Lan Viên
thu hút. Từ đó cho đến khi mất, Chế Lan Viên đều đặn cho xuất bản Hoa ngày
thường – chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối
thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1977), Hái theo mùa (1977), Hoa
trên đá (1984). Các tập thơ vận động trên cùng một trục thi pháp Chế Lan
Viên, nhưng mỗi tập là một phát triển dung lượng chất chứa hiện thực: chuyện
đánh giặc, chuyện đời thường.
Thơ đánh giặc của Chế Lan
Viên là thơ bình luận, tranh luận về phẩm chất anh hùng của cuộc chiến đấu, về
lý tưởng cao cả và đức hy sinh to lớn của dân ta. Có thể nói trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, thơ Chế Lan Viên đã thành chỗ tựa tâm hồn cho người đánh giặc.
Còn nhớ, những ngày đầu Miền Bắc chống không lực Hoa Kỳ ngay từ 5/8/1964, tin
chiến sự như vang cùng thơ Chế Lan Viên, làm phấn chấn và thôi thúc lòng người.
Tên sông tên núi gọi lên khi ấy thấm thía, xao xuyến biết bao nhiêu:
Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu
và bảo vệ
Mây nước, cửa nhà, văn học, ngữ ngôn Một đảo vắng Hồn Ngư còn chớp bể Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn |
Tình cảm nhà thơ cộng hưởng
với tình cảm toàn dân yêu đất nước. Suốt mười năm từ 1965 đến 1975, Chế Lan
Viên đồng hành cảm xúc mình với cuộc chiến đấu thống nhất đất nước. Thơ ông vào
trận, khi hào sảng âm vang như văn Hịch tướng sĩ thời Trần: Tổ
Quốc bao giờ đẹp thế này chăng (1965), Con mắt Bạch Đằng, Con mắt
Đống Đa (1966), Suy nghĩ (1966)…
Ngày toàn thắng 30/4/1975,
Chế Lan Viên công bố bài thơ dài Ngày vĩ đại, viết 3/5/1975, in tràn một
trang nhật báo khổ to. Giọng thơ ào ạt như thuở nào Đại cáo Bình Ngô trúc
chẻ ngói tan, thần tốc thắng giặc, những thương nhớ đau đớn âm thầm nén lại bấy
nhiêu năm cắt chia, bom đạn như được ào ra trang giấy cười, khóc, xót thương, hả
hê, hào hứng.
…Vậy mà chưa đã, Núi
sông lành chỗ cắt vẫn còn đau, hai tuần sau đó, vẫn thể thơ ấy, một bài dài gần
gấp đôi xuất hiện, sâu lắng thâm trầm hơn, cảm nhận trở lại những gì dân ta, cả
phía bên này lẫn phía bên kia, đã cắn răng chịu đựng Đau sông nước muôn
phương thân vạc thân cò. Dung lượng bài thơ đủ cho tác giả bình luận mọi lĩnh vực.
Chỗ tình cảm đằm thắm, có chỗ lại lý sự, tranh luận. Cái thế tranh luận của người
chiến thắng, bút pháp tung hứng nhưng cũng rất dễ tự say lời.
Hai vế đề tài Hoa ngày
thường và chim báo bão trong thơ kháng chiến chống Mỹ và mươi
năm sau đó của Chế Lan Viên luôn luôn phát triển song hành. Biên độ cảm xúc rộng,
bút pháp biến hoá, có lúc kết hợp cả trào phúng.
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm
chiến lũy
Hình ảnh ấy, trước hết, hợp
với chính Chế Lan Viên. Không chỉ vì thơ ông có mặt kịp thời trong những khoảnh
khắc thử thách ngặt nghèo của cuộc chiến mà còn ở tầm vóc và tư thế cảm xúc.
Ông là người chủ lực trong cả nền thơ, tạo nên mạch trữ tình lịch sử, trữ tình
của những sự kiện lớn. Cảm xúc choán những biên độ rất rộng Khi Nguyễn Huệ
cưỡi voi vào Cửa Bắc đến Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi. Một đầu
là lịch sử, đầu kia đã là thân phận con người. Cả hai hình ảnh đều rất gợi cảm,
gợi nghĩ ngợi. Nhiều nhà nghiên cứu gọi Chế Lan Viên là nhà thơ trí tuệ (dù ông
không thích, nó như anh đeo kính gọng vàng!) có lẽ là do đặc tính ôm trùm
rộng xa và uyên bác này.
Kinh nghiệm một nhà thơ lớn
cho ông biết cái cách chuyển thơ trên đại lộ rất dễ thiếu đi sắc hoa hương cỏ của
những lối mòn quanh quất, nhỏ mà rất thơ. Hướng Hoa ngày thường luôn
được ông để tâm khai thác. Chế Lan Viên tận dụng tứ tuyệt để viết ngay, viết gọn
những thoáng gặp thơ hồn nhiên, không để cái thói quen “tư tưởng hoá” kịp ập
vào:
Quên mất mình vừa sáu chục
Mở trang giấy rộng viết dài Gương nhắc mái đầu chớm bạc Lại làm có bốn câu thôi |
Ông nhớ căn phòng ở sứ quán
Việt nước người trong mấy đêm tá túc cũng như từng chợt nhớ: nhớ nhà cha mẹ, cảnh
trường xưa… Những cái nhớ không đâu, những cái buồn không định… ông đều đánh dấu
vào thơ. Có khi nghĩa thơ chưa sâu nhưng nghĩa đời lại nặng, những câu thơ nhỏ
cho thấy đời một nhà thơ lớn:
Còng lưng tưới nước, vạt
rau khô
Bơm hỏng mà đâm khổ cả nhà Đêm ngủ chỉ lo toàn vật giá Xa dần truyện ngắn, bớt dần thơ |
Xa dần truyện ngắn là
bà Vũ Thị Thường, vợ ông, bớt dần thơ là ông muốn diễu mình. Dọn vào
Thành phố Hồ Chí Minh, ông không xin nhà, tự bỏ tiền mua một căn nhỏ trong hẻm.
Ít lâu sau, bán đi, mua một căn có vườn, tít ngoài Tân Bình. Nhà một tầng, cây
ăn quả xung quanh. Ông thích lắm, đặt tên chữ Hán cho sang Viên tĩnh viên.
Nhưng đất phèn, cây không lên được. Cái ý định tự trồng lấy rau mà ăn xem ra
cũng không dễ. Bài thơ trên viết năm 1985, cuộc sống vật chất toàn dân đều khó.
Tôi đến thăm, ông mặc bộ bà ba nâu, đi chân đất, dẫn đi thăm cây, nói về đất
phèn và giảng Nam Hoa Kinh. Năm (1986), Khi nhà xuất bản Văn Học phát hành
Tuyển tập Thơ Chế Lan Viên 400 trang, ông hào hứng viết thư: Thế là mình
xây xong mộ cho mình rồi. Bây giờ còn ngày nào, mình nằm gác chân lên cửa sổ
nhà mình, muốn viết gì thì viết. Lắng nghe trong câu nói tếu táo ấy, một mong
muốn thầm lặng của ông, hình như ông còn nhiều thứ phải đợi xong
nghĩa vụ với đời mới viết cho mình. Hôm đọc trên báo bài Cờ lau Đinh Bộ
Lĩnh (1988), qua tâm sự ông vua, đã thoáng thấy tâm sự ông nhà thơ:
Đã lâu ta không nghe hồn
lau gọi nữa
Xa tiếng gió xạc xào? Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ? Chỉ nghe danh vọng ầm ào? Vinh quang xí xố. |
Câu cuối cùng ở bài thơ ấy,
khi ông vua Đinh kêu lên: Hồn ta ở đâu? Ta nghe thấy khát khao của
nhà thơ Chế:
anh ấy Điêu Tàn, anh ấy
Phù Sa
anh ấy đọc hồn trời, hồn đất câu cuối cùng hỏi đâu hồn ta
(thơ Vũ Quần Phương, trang
45, Vết thời gian, Văn học - 1996)
|
Trong tập Hoa trên đá (1984),
Chế Lan Viên cũng đã quay lại với giọng nhỏ trữ tình riêng tư, như hồi nào ông
viết Ánh sáng và Phù sa. Tập trước, 1960, đánh dấu sự chuyển hướng thành
công, từ chân trời một người đến chân trời mọi người. Tập sau, một phần tư thế
kỷ đi qua, là sự kết tinh một đời thơ, thu ngoại giới vào hồn mình, thành hồn
mình. Hoa trên đá là một mốc chuyển đáng lưu ý của Chế Lan Viên. Chủ
thể cá nhân bộc lộ khá nhiều mà không cá nhân chủ nghĩa:
Đời ngoài tuổi năm mươi
Mong gì hương sắc lạ Mọc chùm hoa trên đá Mùa xuân đâu chịu lùi |
Nông nỗi cá nhân, mà buồn nữa.
Tình thế buồn nhưng người không cam phận.
Chả bề nào khuây được bể
đâu
Trừ ra bể sâu hơn bể nữa Bể gây những cuồng phong bão tố Cũng để quên mình lỡ đã thẳm sâu |
Bi kịch nhưng cũng là cái
giá phải trả cho sự biết, nhất là để biết mình. Rất nhiều bài thơ như tự vấn trở
lại những cái ngỡ như đã biết, thậm chí, đã giảng cho người khác: lẽ nào, chẳng
lẽ, ngỡ như… Một nhà thơ nổi tiếng là thông minh, uyên bác và hùng biện
như sông Hồng sông Mã, gầm reo trong đạn lửa, lúc cao niên lại muốn im lặng
mà lắng nghe tiếng thì thầm của con sông Thương nước mắt sông nhớ thương
ai mà nước chảy đôi dòng.
Bao nhiêu nỗi buồn của con
người thời thơ tránh né, tránh né để lòng yên mà đánh giặc, Chế Lan Viên tự tin
mà nhặt lại. Ngay nỗi buồn của lòng ông, kể cả cái tình thế cùng đường bị thời
gian dồn đuổi Anh như ông vua Thục / Bị đưổi khỏi thời gian ông
cũng không che dấu. Đó cũng là sự tự tin của cả nền thơ. Nỗi xúc động làm bừng
tỉnh giữa cơn say ở làng Hung hay vị cay nhoè mắt khói củi sồi năm sơ tán làng
quê ngoài Bắc, cỏ xanh ở Tháp Rùa hay lau trắng nơi biên giới… là những cảm xúc
đã nâng thành trí tuệ, một cốt cách cổ điển mới của thơ hiện đại.
Sau khi ông tạ thế, liên tiếp
ba tập Di cảo được xuất bản (1992, 1993, 1996), bạn đọc sửng sốt và
vui mừng: một Chế Lan Viên khác, thực hơn, bạo hơn, gọn hơn, chắc hơn. Do vậy,
mới hơn, trẻ hơn và rất lý thú là không hề cắt rời với thi pháp độc đáo Chế Lan
Viên. Di cảo là những bài lúc sống, ông chưa đưa in. Chưa đưa in có lẽ vì ngần
ngại năng lực tiếp thu của xã hội lúc đó…
Ông quan niệm lại nhiều thứ.
Nghệ thuật là ước lệ. Thực quá có là nghệ thuật không. Dễ mất thi vị lắm nếu cứ
thẳng thừng gọi đúng tên mọi vật:
Để khỏi nhớ ơn, người ta
bày ra chữ cám ơn
Cám ơn, một lần, hai lần, thôi thế là rảnh nợ |
Bạo để được thực, nhưng bạo
cũng lắm cái phiền. Thực ngay trong sự nhìn lại mình, vẽ ra chính mặt mình có
khi lại bị chê là giả, vì người đời đã quen khuôn mặt giả mất rồi. Chế Lan Viên
viết như bổ sung, như đính chính những điều đã viết. Nhiều cách nghĩ ta thấy lạ.
Lạ với ông. Lạ cả với nền thơ. Nghĩ thế nào về đời, về thơ mà dẫn đến cách đánh
giá chính mình như thế này:
Ôi! Con đường không ra đường
của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường |
Ông như tách khỏi mình mà khảo
sát chính mình, ở cái chỗ người ta tưởng ông đắc ý lại là chỗ ông đã xót
thương:
Khi tôi cưỡi trên mây
Thì máu người rên trên đất Mẹ hỏi tôi Con lên cao mà làm chi Mẹ ở dưới này cơ cực Về đi! |
Có người nghĩ Di cảo là
thơ sám hối của Chế Lan Viên. Tôi không thấy thế. Di cảo chỉ là sự bổ
sung. Chỉ nói nốt những điều trước kia tự ông dừng lại. Dừng lại không nói, chứ
không phải không có nó trong lòng. Di cảo đi xa hơn nhưng vẫn trong
hướng tìm của nhà thơ. Ông từng có bài thơ nói người tù Côn Đảo ban ngày trần
mình ra chịu đòn thù đánh vào hồn vào xác, nhưng đêm về thì lấy trăng sao,
hương gió mà nạp năng lượng cho trận chiến ngày mai. Bây giờ thấy ông còn có
thêm đoạn ba này: là nói thế thôi, chứ đêm kẻ thù cũng chẳng để anh yên, cái cuộc
đời ở đây phút giây nào chẳng phải căng ra mà chịu trận. Chế Lan Viên ở giai đoạn
này, gắng nói gọn, nói hết những điều ông đã thấy, đã nghĩ, đã ngập ngừng. Quen
tư duy bằng hình tượng, mọi điều nghĩ đã thành thơ phác thảo. Lúc này ông tước
mọi uốn éo tài hoa mà thơ vốn có để nói bộp vào thực chất. Bài thơ ngắn đi,
nhưng nghĩ ngợi nhiều, chìm sâu vào chiêm nghiệm.
Chiêm nghiệm cái đời người.
Chiêm nghiệm thơ. Chiêm nghiệm xã hội, chính trị, vua quan, các thứ chủ nghĩa… |
Thi pháp Di cảo hiện
đại hơn chính vì nó trình bày chất thơ để mộc từ trong lõi. Ông nói: các người
đẹp, các vĩ nhân, các thi sĩ thiên tài thì tất cả đều có con nhặng xanh đón đợi.
Ngay khi anh đang thơm tho với tuổi tên danh vọng, con nhặng xanh đã nhận ra
cái mùi chung cục của anh rồi. Tốt cho anh là anh cũng phải nhìn ra nó sớm.
Không phải chỉ tới những ngày trọng bệnh, mà thỉnh thoảng trong đời, ông lại ngẫm
nghĩ về sự sống, về cái đời người:
Ừ anh là sông trôi, là hạt
móc
Là tiếng khóc thất thanh. Nhưng anh lại Là người. Việc gì phải tủi. |
Không tủi mà còn thích thú nữa.
Nhìn lại, có lúc ông tự trách:
Được làm người khoái thế
Vậy mà anh để hồn buồn và trán luôn cau… |
… Căng mình chống chọi với
trời đông, ngạo nghễ như cây thông cũng chỉ là một cách mà cứ mềm mại buông
mình xào xạc với gió thu như cây lau lại là một cách khác, không phải không
hay. Ông lại nói: lên voi thì xuống chó, nhưng lên mới đến chó thì xuống đến đâu.
Kiểu lập tứ ấy giống như một lối chơi tu từ, nhưng ngẫm kĩ nó là chuyện đời bây
giờ đấy chứ. Chua chát! Ừ thì chua chát, đời mà, mấy khi ngọt. Người ta nói dối
nhiều nên vu cho chú Cuội tội nói dối mà phê phán để trốn được tội mình đi.
Nói dối gì, Cuội thật biết
bao nhiêu
Thế hệ nào đến cũng gặp mày nguyên tại chỗ Chỉ kẻ nhìn lên trăng thì nói dối đủ điều |
Lúc là chú bé con, hét một
tiếng trong Văn Miếu, nghe tiếng vang mà sợ, chạy. Lớn lên, nói trên Đài, hét
trong sách lại thích thú chờ tiếng vang dội lại, có khi còn chạy đuổi theo. Nay
cuối đời thèm yên tĩnh, nhìn xuống huyệt mình lại thấy có tiếng vang (!). Chế
Lan Viên ưa nghĩ ngợi, thích phát hiện những ý tưởng thâm trầm ở những sự việc
đã quá quen mòn, không ai còn để ý. Nhìn cái lá sen ngoài hồ lật theo chiều
gió, liên hệ với tâm trạng mình, ông cho nó một ý nghĩa triết học:
Phía bên này lá sen là cuộc
đời quá cũ
Danh vọng, giấy tờ, bàn tủ Hoan hô và chửi rủa Thế mà lật lá sen hồ, bỗng chốc phía bên kia Bỗng chốc là mùi hương ở bên kia lá Là ánh trăng ở trong tiếng gió Là thì thầm ánh sao khuya Trong cỏ… Gọi anh đi |
Ông tự hỏi: ông đã viết câu
thơ cổ vũ hai nghìn người đêm ấy ra trận, chỉ ba mươi người về:
Một trong ba mươi người
kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi quán bên đường nuôi đàn con nhỏ Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ! Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời Tôi ú ớ Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong Mà tôi xấu hổ |
Con người thông minh và giàu
lãng mạn, thuở đầu đời phóng ra xa tới siêu thực, cuối đời rút vào cốt lõi hiện
thực, gạt đi mọi trang trí để lần ra thực chất đời người.
Thực chất cái gọi là sự “bất
tử”:
Có nhà thơ để lại bộ lông
vằn tên tuổi
Các thế hệ sau đến độn vào đấy rơm và danh vọng Thậm chí thêm cho con vật chết khô Cả một tiếng gầm. |
Thực chất cái chết, nó đã
alô cho ông rồi, sỗ sàng, thẳng thừng. Thì nó sợ ai:
A lô! Nói gì nói nhanh lên
(…) Và nhìn gì thì nhìn đi Không ai bịt mắt Mà cũng đừng nhắm mắt Nói lên vắn tắt Rồi đi |
Nhưng thực chất thơ ông nói
tới đủ điều, ví với nhiều công việc. Mà vẫn như chưa vào thực chất thơ. Ông là
nhà thơ nghiền ngẫm về chuyện làm thơ nhiều nhất. Những bài nói về nghề bằng
văn xuôi, những chương nghĩ về thơ bằng thơ sâu sắc, tài tình. Giờ đây, thời
gian kíp lắm rồi, ông vẫn lật đi lật lại, mê mải nói thêm. Ông so thi sĩ với
hòn đá tảng, thơ nói ra (ở người) và thơ nén vào thành lửa (ở đá), cái nào hơn?
Ông nhận ra cái không hoàn toàn mới là cái còn tiến hoá. Ông chấp nhận nghịch cảnh:
nụ hoa hồng vừa nhú tươi non trên cành ông khô nhựa. Ông biết quy luật của nghề:
Ta là ta mà luôn luôn bối
rối
Tìm lại ta Đi tám cõi mười phương rồi mới tìm ra Nó ở trong nhà |
Hơn bảy trăm bài thơ Di
cảo là một cách dùng quy luật nghề để vượt lên nghịch cảnh. Ông đã thắng.
Chỉ riêng với Di cảo thôi đủ tạo dựng sự nghiệp một nhà thơ lớn.
Hà Nội, 5/5/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét