Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Chuẩn bị sống mãi

Chuẩn bị sống mãi
Chỉ vài tuần sau Tuyên ngôn Độc lập, quân Pháp bắt đầu tái chiếm nước ta. Ngày 23- 9-1945, đồng bào Nam Bộ dũng cảm đứng lên chống lại kẻ thù. Trung ương nhanh chóng lập những đội quân Nam tiến vào tham gia chiến đấu. Nhưng hơn một năm sau, toàn quốc kháng chiến mới bùng nổ. Nó lâu xảy ra là do ta và Pháp còn đàm phán. Vừa đàm phán, phía ta vừa “không ngừng một phút công việc sửa soạn (...) kháng chiến” (1), phía Pháp cũng “không ngừng một phút công việc” tăng cường lực lượng và chia rẽ nội bộ ta. Đàm phán mãi cũng có kết quả, nhưng Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 bất quá là hai tờ giấy hoa hòe đậy hờ lên hai cái quyết tâm không thể lay chuyển ngược hẳn nhau: phần địch, quyết bằng mọi cách tiếp tục làm “mẹ” ta. Phần ta, quyết bằng mọi cách đá cho “mẹ” văng ra khỏi nước Việt Nam! Chỉ thị ngày 9-3-1946 của Thường vụ Trung ương nhấn mạnh: “Chúng ta HÒA (...) để giành lấy thời gian (...) đặng mau TIẾN tới độc lập hoàn toàn”(2).
Hạ tuần tháng 9-1946, quân Pháp bắt đầu tiến hành tái xâm lược miền Bắc. Sáng ngày 19- 12-1946, địch gửi tối hậu thư yêu cầu ta cơ bản giao nộp Hà Nội. Ta đã sẵn sàng trả lời cái thư láo xược ấy rồi: 8 giờ tối cùng ngày, “voi” Láng gầm lên, trút đạn pháo (của địch, bị ta tịch thu) xuống sở chỉ huy quân địch, làm hiệu nổ súng, đưa thủ đô vào 60 ngày đêm hoàn toàn độc đáo trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
“Trận Hà Nội” khai mạc toàn quốc kháng chiến. Với từ đầu chí cuối là bao nhiêu gương hy sinh cao cả, bao nhiêu mẫu mực chiến đấu anh dũng, sáng tạo, đó là một màn khai hội hết sức huy hoàng, được chấm dứt đầy ấn tượng với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô. Nên nhớ đây mục đích không phải là giữ cho được Hà Nội, mà nhằm giành thêm thời gian cho công tác chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. Với lực lượng gồm khoảng 80% là dân (thực ra ngay 20% Vệ quốc quân cũng chỉ là dân mới hóa quân) trang bị hết sức yếu kém, đánh nhau với một quân đội chuyên nghiệp thiện chiến được trang bị hoàn toàn hiện đại, mà “mua” được hai tháng, là cả một thành tích phi thường.
Trận Hà Nội đã diễn ra như một điềm tốt, báo trước thắng lợi tối hậu của cuộc kháng chiến dài nhất, gian khổ nhất và oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam. Thủ đô đã nêu được một tấm gương sáng ngời cho cả nước noi theo!
Nhắc đến Hà Nội trong những tháng ngày vô cùng vinh quang ấy, ai nấy nghĩ ngay đến tác phẩm Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Từ điển văn học (1983) chép: “...tập I hoàn thành năm 1958 (...). Tác giả dự định viết làm hai tập (...). Nhưng (...) bệnh ác đã cướp ông đi”. Tập I chủ yếu viết về Hà Nội những ngày chuẩn bị kháng chiến.
Sống mãi với thủ đô là truyện, nhưng được xây dựng hoàn toàn trên những sự kiện có thật. Nguyễn Huy Tưởng không lý tưởng hóa đời sống, mà trình bày cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Ông quan sát thật kỹ nhiều mẫu người Hà Nội khác nhau và “vẽ” họ ra thật linh động. Ông lại ở nhiều chỗ để viết nên lời văn rất gợi cảm. Tự nó, tác phẩm này của ông có giá trị đặc biệt. Đã thế, về chính 60 ngày đêm Hà Nội kháng chiến, ta có khá nhiều lời ghi của người trong cuộc hay nhân chứng, nhưng về những ngày chuẩn bị thì tương đối ít, do đó tập I của Sống mãi với thủ đô càng thêm giá trị. Sau đây là một số trích đoạn tiêu biểu.
Thế nào là dã man
Ngày 17-12-1946, sự kiện: “Tại đầu phố Hàng Bún (...) một toán lính lê-dương (...) ùa vào những nhà dân, tàn sát đàn bà trẻ em (...) bắt một số đàn bà đưa đi. Lát sau, những toán lê-dương lại kéo tới phố Yên Ninh ở gần đó (...) lùng sục các nhà dân, bắn chết và làm bị thương thêm nhiều đồng bào”(3). Lời kể của nhân chứng: “Cụ Nguyễn Đức Thái (...) nhà số 31, phố Yên Ninh (...) kể: - Nghe tiếng súng bắn dữ dội và tiếng giày đinh nện rầm rập, tôi vội chạy lên gác hai trông xuống thì thấy lính Tây đầy đường. Hễ nhìn thấy bóng người là chúng xả súng. Có em bé 3 tuổi bị chúng xọc lưỡi lê xuyên qua bụng, có cụ già bị chúng bắn vỡ đầu chết gục ngay giữa cửa...”(4). Và trong truyện Nguyễn Huy Tưởng: “Lính mũ đỏ rầm rập tiến vào (...). Cánh cửa mở ra, giữa tiếng kêu hãi hùng của một người đàn bà và hai đứa con (...). Người mẹ quỳ xuống chắp tay vái lia lịa, miệng van: ‘Quan lớn làm phúc, tha cho mẹ con chúng tôi’. Tên lính nắm lấy tóc, gật gật đầu cười. Người mẹ tưởng nó tha mình, ú ớ: ‘Trăm lạy quan lớn’. Nhưng nó cười gằn, lật mặt người đàn bà ngửa ra đằng sau. Cái cổ tròn căng thẳng thoi thóp, gợn mấy đường gân xanh. Một bàn tay chới với nắm lấy bàn tay của đứa con trai chừng năm tuổi. Đứa con gái mới hai tuổi hờn, giẫy đành đạch, hai tay bíu vào gấu quần mẹ: ‘Mợ ẵm con. Mợ ẵm con’. Tên lính thản nhiên tháo đôi hoa tai của người mẹ, đút vào túi. Mặt người đàn bà trắng như một tờ giấy, thân oãi cong lên. Môi tên lính rung rung. Nó tuốt lưỡi lê đâm gọn vào cái cổ, tay nắm tóc buông ra. Đầu người mẹ gieo mạnh xuống sàn gạch. Không một tiếng kêu. Lưỡi lê lại vung lên, đứa con lớn đứng bên xác mẹ vừa khóc vừa đưa hai bàn tay nhỏ bé lên đỡ. Một ánh chớp loáng. Hai bàn tay vụng dại nắm chầm lấy cái lưỡi lê đâm mạnh xuống, thọc sâu vào ngực nó”. Dĩ nhiên Nguyễn Huy Tưởng đâu có mặt trong căn phòng ấy lúc ấy. Nhưng khi nó rút rồi, ai vào trông thấy xác nạn nhân, mà lại không hình dung đại khái được chuyện vừa xảy ra. Vụ Hàng Bún - Yên Ninh chính thức khai mạc một “đại hội giết hiếp” mà quân đội Pháp mở trên đất nước ta. Giết đàn bà, trẻ con, người già, theo những cách cực kỳ dã man. Hiếp phụ nữ tại chỗ hoặc đem về hiếp. Hiếp xong có khi giết luôn. Ai mà không nhớ thơ Quang Dũng: “Mẹ tôi, em có gặp đâu không/ Bao xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”. Dĩ nhiên nó đã như thế từ trước, gây căm phẫn tột độ, nên trong lời gốc của bài Tiến quân ca do Văn Cao làm năm 1944 mới có câu “Thề phanh thây uống máu quân thù”. Nhưng ta hát thế thôi, chứ trên thực tế trong kháng chiến đã đối xử với tù binh Pháp đầy nhân đạo, theo lệnh trực tiếp rất sớm của chính Hồ Chủ tịch. Chủ trương “dĩ đức báo oán” ấy xuất phát từ đạo đức rất cao của dân tộc Việt Nam, và cũng từ nhu cầu binh vận và tranh thủ quần chúng Pháp.
Những gương hy sinh
“Anh cán bộ còn trẻ, bị tra tấn nhiều nên xanh lắm. Bọn mật thám dẫn anh ta ra Cửa Nam để chỉ cho chúng bắt một anh cán bộ khác đã hẹn anh ta gặp nhau ở đây (...). Vừa lúc ấy, xe điện ở Hàng Bông chạy xuống. Anh cán bộ bỗng kêu to:  ‘Chúng mày muốn tao khai thì đây này!’, rồi lao ngay vào cái xe điện. Trông thương lắm. Thật lâu, dân chúng còn đứng ngẩn ngơ nhìn cái nơi mà một người cách mạng đã hy sinh. Chưa bao giờ tôi xúc động như buổi sáng hôm ấy, chính mình được chứng kiến”. Giặc giết dân ta cách dã man, giặc tra tấn những người cách mạng rủi ro sa cơ lại còn dã man hơn. Nhờ bao nhiêu người đã kiên cường, bất khuất dưới những đòn thù ghê gớm nhất mà quá trình đất nước hồi sinh mới bắt đầu được. Trong lời tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22-12-1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán”. Tháng 12- 1946, cuộc thanh toán sắp bắt đầu rồi, anh linh liệt sĩ ơi.
“Bác phu khuân vác đứng tuổi (...) đã tình nguyện vào đội cảm tử đánh xe tăng (...). ‘Cháu không được ở với ông nữa. Cháu muốn nhờ ông một việc. Nhờ ông biên cho một lá thư về quê cho mẹ các cháu, dặn dò nuôi lấy ba đứa con, cứ nhớ lấy ngày hôm nay mà làm giỗ cháu’ (...). ‘Vâng, tôi sẽ viết. Nhưng sao lại dặn thế?’. Tu cười lặng lẽ (...). ‘Dạ. Ông cứ viết cho như thế ạ. Cháu cũng được yên chí mà mẹ con nó cũng được yên chí’. ‘Nhưng nhỡ mình sống thì thế nào?’. ‘Thế thì còn gì bằng nữa ạ’ (...). Trần Văn rút bút máy. Tu nhắc lại như thể nhờ người ta viết đơn: ‘Ông cứ bảo mẹ con nó nhớ ngày hôm nay cho cháu’”(5). Chiến đấu điển hình dù nguy hiểm đến mấy vẫn có cơ hội sống, nhưng ôm bom ba càng thì trên thực tế không có trường hợp “nhỡ sống”. Những người như Tu đứng ở một chỗ danh dự đặc biệt, nhưng “vô số anh răng đen (...) hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh, mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như họ vẫn thường thế nữa” (Nam Cao, Đôi mắt) thì cũng lạ quá. Họ như thế là vì Tổ quốc chứ không phải vì tương lai của chính con cháu họ đâu. Vì nước quên mình là rất thật ở rất nhiều người Việt Nam, và nơi một số cá nhân đã thể hiện ra thành những hành động thực sự phi thường.
Những lòng tích cực
“Nam nữ học sinh không chịu tản cư với gia đình, hăng hái xung vào các tổ tự vệ. Nhân dân các khu phố góp tiền mua súng, mua đạn. Chúng ta đang đứng trước một phong trào nhân dân tự võ trang sôi nổi chưa từng có. Nhân dân đào hào, đắp ụ, dựng chướng ngại vật, đục các lỗ giao thông xuyên nhà nọ sang nhà kia”. Đến Vệ quốc quân trang bị cũng hết sức thiếu thốn, nên trên 8.000 tự vệ ở Hà Nội đã phải “tự trang bị bằng vũ khí bỏ tiền ra mua hoặc chế tạo”(6), đại khái gồm lựu đạn, súng lục, súng trường lạc hậu, với rất ít đạn, nhiều trường hợp chỉ là gươm, giáo, mác, thậm chí dao, gậy, và những chai xăng đặc. Mua súng đạn ở đâu? Thì Hà Nội lúc ấy có một thứ chợ đen vũ khí bán chủ yếu những món mà quân Nhật và quân Tàu Tưởng đã bán lại trước khi rút. “Căm thù quân giặc, chị em chợ Đồng Xuân và tất cả các chợ Hà Nội đã nhất tề bãi thị, thề không bán lương thực cho Pháp”. Việc bãi thị rút cuộc không hiệu quả lắm, vì có một số kẻ phản bội, như ta sẽ thấy sau đây.
“Cháy nhà ra…” và “Lửa thử vàng…”
“Sinh nhìn ra thì là Phú (...) trong trung đội mình. Anh giữ bạn lại. Phú giằng tay: ‘Bỏ ra! Nó đến thì chết hết!’ (...). ‘Mình là tự vệ phải ở lại chứ’ (...). ‘Tự vệ cái con... Tự vệ này...’, Phú nắm tay đấm thẳng vào mặt Sinh và cắm đầu chạy (...). Chợt trông thấy ông Tiến Lợi, anh mừng quá. Ông ta (…) mọi ngày lúc nào cũng mũ ca-lô sao vuông, mặc toàn ka-ki, đeo súng lục, rõ ra một ông đại đội trưởng tự vệ. Nhưng lúc này (…). ‘Ông đi đâu đấy?’. Ông không nhìn Sinh, vì đang lo trông người nhà khiêng hòm xiểng lên xe xích-lô (…). Ông lên xe, giậm chân ình ình: ‘Chạy nhanh lên. Ra ga Hàng Cỏ’”. Rõ đẹp “mặt chuột” chưa! “Cửa chính của chợ Đồng Xuân mở toang (…). Một chị khăn nhung đen (…). ‘Bãi thị cho nó một buổi là nó nháo lên rồi kia mà (...). Cứ để cho chúng tôi bãi thị vài hôm là nó chết hết!’ (…). Một bà: ‘Nhưng lại có đứa lén lút đem rau, đem lợn vào bán cho nó kia kìa’”. Hóa ra chuột chạy tứ tung còn đỡ hại hơn những “đứa” này. “Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào theo, cách mạng xuống nó sẽ quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo, Tàu trắng cũng theo, và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ nốt...”.
Đây là quan điểm của một nhân vật mà một nhân vật khác tức thì phản bác: tư sản vẫn có những người theo kháng chiến đấy chứ. Đúng là vẫn có, nhưng một số rồi sẽ dinh tê, hồi cư. Họ vẫn yêu nước, nhưng việc nước lúc khó khăn họ rất sẵn lòng nhường cho người khác làm để về vùng bị tạm chiếm ở cho nó sướng thân. Tư sản mà theo kháng chiến đến cùng thì thật đáng quý.
Lạ quá, đẹp quá, Hà Nội ơi
“Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên bí mật, như đứt hơi, như giận dữ. Nó không còn lẻ tẻ nữa, mà râm ran, vội vã. Giữa phố xá vắng lặng một cách nặng nề, thứ âm thanh mới lạ ấy độc tôn. Tiếng nặng chen nhẹ, tiếng xa chen gần, như có liên lạc với nhau, chốc chốc trộn vào tiếng kê lại bàn ghế, tủ giường lục cục, rít rít, sệt sệt. Âm thanh của khẩn trương chuẩn bị (...). Hà Nội đang tự hủy mình để chặn giặc (...). Tiếng đục tường như chính tiếng đập của trái tim Hà Nội!”. Hình như trên thế giới chưa có một thành phố nào từng vang lên thứ âm thanh độc đáo này. Cư dân thủ đô đang làm cho cái tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam bỗng nhiên trở nên nghe thấy được! “Những tiếng thuổng đâm vào tường vừa chất chứa giận dữ, lại như vừa có một cái gì phơi phới. Lắng kỹ, nghe rì rầm tiếng nói tiếng cười. Những bức tường ngăn cách mọi nhà đang được mở ra (...) bao nhiêu con người không biết nhau, thành kiến với nhau (...) đang gần lại”. Hà Nội chuẩn bị đi vào chiến đấu sinh tử với thái độ “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Hà Nội nêu cao gương đoàn kết. Hãy về mà nghe con cháu sát cánh chuẩn bị làm vẻ vang nòi giống, tổ tiên ơi!
“Dưới ánh sáng điện vừa bật, những khẩu hiệu ‘Thanh niên sống chết với thủ đô’ chữ đỏ nền trắng dán la liệt khắp nơi bỗng bừng lên như chớp lòe trong một buổi hoàng hôn nắng quái trước cơn giông (...). Những khẩu hiệu (...) bỗng như cùng kêu lên, và khẽ rung rung trong cái sáng tối mập mờ. Đêm lạnh như băng. Tiếng gió buốt vù vù, vo vo trên các dây điện, mơ hồ có chứa vọng về những tiếng kêu thảm thiết của Hàng Bún - Yên Ninh (...). Đầu phố Hàng Đào (…) đỏ tươi, hai chữ CẢM TỬ (...) chiếm gần trọn bề ngang một bức tường vôi (…) trừng trừng nhìn ra Hồ Gươm, vừa là kêu gọi và cũng vừa là trả lời (...). Các phố phía trước như sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng”. Cái “Hà Nội phố” đẹp một vẻ dữ dội hiếm có này, giá Võ An Ninh đã chụp, Bùi Xuân Phái đã vẽ, Nguyễn Tuân đã ghi nhỉ. Nhưng không ảnh nghệ thuật không tranh không ký lại khiến cái giá của văn chương Nguyễn Huy Tưởng càng thêm cao.
“Kháng chiến rồi!”
Tối ngày 19-12-1946: “Chuông đồng hồ Nhà thờ Lớn (...) thong thả điểm tám tiếng (...). Họ lắng nghe, gần như nín thở. Trong cái tĩnh mạc của thành phố bỗng có tiếng sành sạch, sành sạch, tiếp theo một tiếng nổ ùng oàng vang trời (...). Quốc Vinh đứng dậy hét to như để bù những ngày giữ gìn: ‘Tiêu diệt thực dân Pháp!’. Tiếng anh chìm trong nhiều tiếng nổ lớn (...). Ngoài đường vang những tiếng reo, tiếng chân chạy, và tiếng chó sủa vang. Ai đó đang chạy, nói lớn, như với chính mình: ‘Kháng chiến rồi!’”. Tối ngày 20, từ một địa điểm tạm thời trên đường di chuyển lên Việt Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào toàn quốc! (…) thực dân Pháp (…) quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ (…). Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Nhiều người Việt Nam chuẩn bị quyết tử, để “sống mãi với thủ đô”, sống mãi với Tổ quốc!
(1), (2), (3), (6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, 1972.
(4) “Để tổ quốc quyết sinh...”, báo Quân đội Nhân dân, 3-12-2006.
(5) Tu lớn tuổi hơn Trần Văn, xưng “cháu” là theo nếp cũ, cách mạng rồi mà chưa bỏ!.
 Tháng 10-2016
Thu Tứ
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhớ chợ hoa đào Hà Nội tuổi năm trăm

Nhớ chợ hoa đào Hà Nội tuổi năm trăm Từ TP Hồ Chí Minh, mùa Tết Nguyên đán cổ truyền, nhớ cố hương Hà Nội, tôi đã chỉ nhớ sắc hoa đà...