Sắc màu trong mắt ai
Màu sắc trong thiên nhiên vốn
rất đa dạng, phong phú, điểm tô cho sự sống. Từng màu sắc đều có những ý nghĩa,
biểu tượng riêng. Màu trắng tinh khiết, màu đỏ tươi vui, màu hồng yêu đời,
màu xanh hy vọng, màu tím thủy chung, màu vàng bội bạc… Tất nhiên tùy cảm
thức của từng người mà nó trở thành thế này hoặc thế kia. Màu sắc đi vào trong
thơ ca có lẽ cũng có ý nghĩa như vậy. Và từng thời đại, màu sắc cũng có điểm
nhìn riêng.
Thơ Đường màu sắc thường nhạt
với phong cách của thủy họa. Thơ Việt Nam ta cũng ảnh hưởng nhiều thơ Đường.
Tuy nhiên đến thời đại Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, màu nhạt hình
như không còn mấy nữa.
Ở Chinh phụ ngâm, hình ảnh
chàng tuổi trẻ hiện lên rực rỡ bởi màu áo đỏ ráng pha, sắc ngựa in tuyết trắng.
Ở thơ Nguyễn Du người đọc cũng từng cảm nhận màu vàng rực rỡ của hoa cúc, màu đỏ
cháy của hoa lựu, màu đỏ thắm của rừng phong…
Đặc biệt thơ Xuân Hương màu
sắc rất gây ấn tượng. Chạm vào thơ Xuân Hương tức là chạm vào màu sắc. Màu sắc
trong thơ Xuân Hương bén ngọt như lưỡi dao cau, như in, như khắc không thể bôi
xóa được. Thơ Xuân Hương không chỉ sức sống cuồn cuộn đầy ắp, âm thanh vang
khua, xung động… mà màu sắc cũng tràn trề đến “trên mức tự nhiên”. Màu sắc ấy
biểu hiện điều gì trong mắt nhìn của bà chúa thơ Nôm?
Đi sâu vào thế giới riêng của
Xuân Hương, một thế giới lạ lẫm, hoang dại, cuồng say… thế giới ấy quyến rũ,
khơi trêu khiến cho con người bước chân vào đó không thể cưỡng lại được sự thôi
thúc kiếm tìm, khám phá.
Một trong những yếu tố mang
hấp lực lôi cuốn ấy là khung trời của màu sắc. Bảng màu trong thơ Xuân Hương đậm,
chói mắt, rất ít màu nhạt, dịu nhẹ. Những gam màu nóng, sôi nổi, cuồng nhiệt, mãnh
liệt … có tác dụng sốc người ta dậy, lôi người ta ra khỏi buồn bã, chán chường,
chấp nhận số phận… để vươn tới chân trời mơ ước, chân trời của khát vọng sống mạnh
mẽ, của yêu thương tràn ngập, của dâng hiến tự nguyện, của sự vồ vập, với ôm hạnh
phúc sợ không có nó hoặc sợ nó tuột khỏi tầm tay. Thơ Xuân Hương là vậy!
Hãy xem nàng thơ Xuân Hương
thâm nhập vào cõi chín đỏ của trăng:
Một trái trăng thu chín
mõm mòm
Nẩy vừng quế đỏ đỏ lòm lom
(Hỏi trăng I)
|
Độ chín đến mức nào mà chín
đỏ đến như vậy? Trăng thu là trăng đương rằm, đã rằm hay qua rằm một chút…
không cần biết chính xác. Chỉ biết độ sáng được đẩy lên hết mức. Dạng tròn cũng
đã trên mức tròn. Màu đậm của ánh sáng biến thành màu đỏ nội lực, sự tròn đầy gợi
sức sống căng tràn, trái chín cũng đã chín lắt lay không chín hơn được nữa. Thế
nên trái trăng thu mõm mòm ấy mới có nhiều kẻ ghé mắt dòm,
mới có lắm kẻ đứng lom khom, trăng có tình riêng với nước non kia
mà!
Và tình riêng ấy dữ dội, sôi
sục, tràn lấp, đầy ứ… không thể không trang trải, không thể không tình tự cùng
nước non được! Tình riêng ấy không thể chấp nhận sự an phận tẻ ngắt Ngày
xanh sao nỡ tạnh lòng son (Hỏi trăng II).
Muôn vàn tình ý gửi vào lời
kêu gọi tha thiết có cả sự nhún nhường trong câu hỏi sao nỡ ấy. Lòng
son then kín đợi ai từ thuở trăng cài mười ba, mười bốn đến khi quá lứa lỡ
thì phong ba vùi dập, mưa nắng phũ phàng… từng mùa trăng trôi qua hao gầy… ấy vậy
mà cái nông nổi, cái cuồng say, tấm lòng son thiết tha với đời vẫn cứ còn đó:
Và từng đêm dài trong giấc
thức canh tàn, cái hồng nhan vẫn cứ trực diện, vẫn cứ thi gan cùng non nước:
Đêm khuya văng vẳng trống
canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
(Tự tình II)
|
Cái màu son ấy thấm
đẫm tình đời, tình người cho dù gặp phải những trớ trêu, nghiệt ngã. Cái màu son ấy
giúp con người trụ vững trên đôi chân lội ngược dòng của mình. Cái màu son ấy
chinh phục người đọc…
Màu hồng tươi tắn, duyên
dáng, ngọt ngào… dễ cuốn hút mắt nhìn, Xuân Hương cũng rất chuộng:
Từng trên tuyết điểm phơ đầu
bạc
Thớt dưới sương pha đượm má hồng
(Đá ông chồng bà chồng)
|
Với Xuân Hương Đá kia
còn biết xuân già dặn, vì thế cho nên núi đá vẫn có tình, vẫn ươm hồng tình yêu
cuộc sống. Chẳng trách ngày xuân phơi phới đôi lứa trẻ trung, thả hết sức mình:
Bốn mảng quần hồng bay phấp
phới
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song
(Đánh đu)
|
Hồng hồng má phấn duyên vì
cậy
(Vịnh cái quạt I)
|
Màu hồng, màu ngọc của
tuổi trẻ đáng yêu biết bao nhiêu! Sức đương xuân, tình đương căng đầy, màu hồng ấy
nhuộm thắm thêm chất tươi trẻ trinh nguyên, chất hồn nhiên hoang sơ không dễ gì
có được trong cuộc sống bon chen, tính toán, vụ lợi…
Những màu sắc như tối,
sáng, xanh, trắng, trong, bạc tuy thuộc gam màu lạnh, nhưng Xuân Hương
cũng đã pha vào đó một thứ màu đặc biệt của riêng mình. Nó không còn là màu của
đất trời mà là màu của lửa lòng đang dậy, màu của tình nồng ăm ắp, màu của
hương xuân thơm ngát như muốn trùm phủ cả thế gian này.
Có cái tối om om trong
vòm không gian ba chiều để lắng nghe cho bằng được âm thanh thánh thót,
lõm bõm huyễn hoặc, kì diệu của những giọt tình. Có nước trong
leo lẻo, có cầu ván trắng phau phau để thấy được nét lạ lùng, dáng thanh
tân của giếng yêu thương.
Có cái xanh rì, xanh
ngăn ngắt để người chiêm ngưỡng thấy hết độ xanh chừng như có thể xuyên qua thời
gian, không gian để với tới tận cùng của ước mơ, hy vọng.
Có cái sáng banh, sáng
trắng ngày ra, hết ngày, hết tuổi xuân rồi mà kẻ phung phí thời gian vẫn chưa tỉnh
thức? Xuân Hương không chịu nổi sự vô tâm, vô cảm với đời như vậy!
Đặc biệt bài Mời trầu,
sắc màu tromg lời tự tình tạo nên giá trị thẩm mỹ cao:
Quả câu nho nhỏ miếng trầu
hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi. |
Mượn hình ảnh trầu cau để
chào mời, để bắt đầu câu chuyện, cũng là để bộc bạch một cách nửa kín, nửa hở
tình cảm của mình. Quả cau miếng trầu tuy không sang quý nhưng tấm lòng Xuân
Hương chân thật, trân trọng mới quệt rồi. Ca dao xưa đã từng thể hiện cái thiết
tha của tấm lòng, cái chân chất của tình yêu.
Miếng trầu là miếng trầu đời
Quệt vôi em quệt cả lời trăm năm. |
Không có cái chân đế vững chắc quệt
lời trăm năm của ca dao, từ quệt của Xuân Hương dễ rơi vào sự phô diễn thô
kệch và cũng không thể giúp người đọc nắm hết tình ý mạnh mẽ trong bài thơ.
Và cả cái màu tuyệt vời, cái
màu tự tạo của chính Xuân Hương cũng rất thật, rất sâu sắc. Đó là màu thắm.
Xuân Hương muốn duyên nhau phải kết và phải thắm. Bản thân màu sắc
đã là điều kì diệu trong thiên nhiên. Lại kì diệu hơn khi có được một sắc màu
hòa hợp.
Màu xanh của lá trầu, màu trắng
của ruột cau, màu bạc của vôi, màu bạc của vôi là ba thứ thuộc gam màu lạnh. Hòa
ba sắc màu riêng lẻ ấy vào nhau thì lại hóa thành màu đỏ thắm, màu của hạnh
phúc. Thắm là ăn vào nhau, lẫn vào nhau, ở trong nhau, thắm đẫm không thể
nào tách rời được.
Có lẽ huyền thoại tình yêu
trong Sự tích trầu cau xưa đã in sâu vào văn hóa Việt, máu thịt
của người Việt nên Xuân Hương không ngần ngại sử dụng nó và đẩy nó lên đến mức
tuyệt đối để diễn giải tình cảm của mình.
Xuân Hương mời trầu cũng là
mời duyên, mời tình. Lời mời ấy vừa gợi mở thật lòng, vừa thiết tha kì vọng, lại
vừa có chút răn đe người bạn tình của mình theo ba cấp độ của một câu cầu khiến
bắt đầu bằng từ đừng thông thường trong tiếng Việt. Xuân Hương vung
bút nhẹ nhàng mà sắc màu cứ đâu vào đấy trùng khít, tương hợp một cách chắc chắn
lạ thường.
Tay bút chơi đùa kiểu “kỳ
nhông” Xuân Hương quả dã phát tiết, đã vẩy nên những mảng màu pha kỳ thú. Thế
giới này tồn tại bởi tình yêu. Tình yêu là quyền năng vô biên thúc đẩy con người
ươm mơ dệt ước. Con người không dừng bước chừng nào còn chưa tìm thấy tình yêu.
Và sắc màu của tình yêu sẽ mãi mãi tồn tại đậm thắm trong mắt ai.
Xuân Hương pha màu vẽ đường
đi trước để hậu thế giang tay đón lấy hương xuân rực rỡ thơm ngát vững bước tiếp
sau. John Balaban (1) người từ bên kia đại dương xa lắc đã cho rằng
Xuân Hương có tấm lòng trắc ẩn của một vị “bồ tát” (Bodhisattvao compassion).
Có là bồ tát mới thể tất
nhân tình, mới tiếp cận được những khía cạnh tinh vi bén nhạy của tình cảm, mới
nhìn ra sức mạnh nội lực tiềm ẩn trong mọi con người. Sự hiểu nhau thấu tình đạt
lý này đủ cho ông xứng đáng dự phần vào hàng thi nhân - tình nhân tri kỉ muộn
màng của một cõi thơ Xuân Hương đầy những sắc màu rộn ràng, khua động, vang vọng…
bất diệt thiên thu.
(1)
|
John Balaban là tác giả cuốn
"Spring essence - The Poetry of Hồ Xuân Hương". NXB Copper Canyon
Press, Washington, 2000.
Lê Thu Yến
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét