Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Tranh luận và suy ngẫm về định vị văn hóa cho tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Tranh luận và suy ngẫm về định vị văn hóa 
cho tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
Kim Dung 
“từ dân gian đến với giới nghiên cứu”
Từ ngày ra đời, tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Kim Dung đã được giới văn hóa người Hoa nghiên cứu, đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỷ, từ dân gian đến với giới nghiên cứu, từ bạn đọc đại chúng đến với diễn đàn học thuật. Chỉ riêng năm 1998, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Mỹ đã có năm cuộc hội thảo quốc tế về tác phẩm của Kim Dung. Cũng năm 1998, Hiệp hội Văn học nghệ thuật Hồng Kông trao giải Kim Long cho văn hào đương đại là Kim Dung, Ba Kim và Băng Tâm. Ngày 6-7-2001, Đài thiên văn quốc gia Viện Khoa học Trung Quốc được Trung tâm tiểu hành tinh quốc tế thẩm định, đã đặt tên cho một ngôi sao là Sao Kim Dung, ngôi sao thứ hai cùng với Sao Ba Kim. Những điều đó chứng tỏ mức độ nổi tiếng và ảnh hưởng của Kim Dung ở nước ngoài.
Tiểu thuyết Kim Dung lọt vào tầm mắt của giới phê bình văn học là do hai cuộc tranh luận năm 1994 và năm 1999.
Tranh luận năm 1994 bắt nguồn từ bộ sách Kho văn của đại sư văn học Trung Quốc thế kỷ XX do tiến sĩ Vương Nhất Xuyến, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, biên soạn. Trong đó, lần đầu tiên Kim Dung được xếp vào hàng đại sư, đứng thứ tư sau Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn, Ba Kim và trên Lão Xá, Úc Đạt Phu, Trương Ái Linh, còn Mao Thuẫn xưa nay vẫn được coi là đại sư lại bị gạt ra ngoài. Hơn nữa, ngày 25-10-1994, trường Đại học Bắc Kinh trao danh hiệu Giáo sư danh dự cho Kim Dung; trong lễ trao danh hiệu, Nghiêm Gia Viêm đọc bài viết Một cuộc cách mạng văn học tiến hành lặng lẽ định vị giáo sư cho Kim Dung. Hai việc này khiến giới học thuật phản ứng kịch liệt.
Tranh luận lần hai bắt nguồn từ bài Tôi nhìn nhận Kim Dung của nhà văn Vương Sóc đăng trên báo Thanh niên Trung Quốc ngày 1-11- 1999, trong bài tác giả điểm bình tiểu thuyết Kim Dung theo lối “mạn mạ” (đánh giá thấp bằng lời lẽ thô dã). Trước sự khiêu chiến của Vương Sóc, các học giả, các nhà văn cùng rất nhiều fan của Kim Dung, fan của Vương Sóc tham gia tranh luận, khiến các giới trong xã hội, nhất là giới văn học đặc biệt quan tâm tới tiểu thuyết Kim Dung.
Thật ra, tiểu thuyết Kim Dung từ năm 1980 đã chính thức bước vào Trung Quốc đại lục. Tháng 10 năm ấy, tạp chíVõ lâm ở Quảng Châu bắt đầu đăng dài kỳ Xạ điêu anh hùng truyện. Tuy nhiên trước thập niên 90 của thế kỷ trước, tư liệu về nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung ở đại lục không nhiều. Cơn sốt nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung ở đại lục chỉ xuất hiện sau cuộc tranh luận năm 1994, bài và sách nghiên cứu mới tăng mạnh, các loại hội thảo mới được tổ chức và các loại Hội nghiên cứu Kim học mới được thành lập.
“Hiện tượng Kim Dung” có đặc tính là người nhã kẻ tục đều cùng thưởng thức. Trong thập niên 90, một mặt các loại hội thảo về Kim Dung ở trong và ngoài nước được tổ chức, hàng mấy trăm bài nghiên cứu được đăng tải, tác phẩm Kim Dung trở thành đề tài cho luận án tiến sĩ, Tiểu thuyết Kim Dung và văn hóa truyền thống trở thành chuyên mục giảng dạy của GS Lãnh Thành Kim, trường Đại học Nhân dân; năm 1995, GS Nghiêm Gia Viêm giảng giáo trình Nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung; năm 2004, NXB Giáo dục nhân dân ra bộ Ngữ văn độc bản, bài thứ 6 trong tập IV là hồi thứ 41 truyện Thiên Long bát bộcủa Kim Dung. Mặt khác, trong phạm vi toàn quốc, các đài truyền hình cùng chiếu phim cải biên từ tiểu thuyết Kim Dung. Như thế là văn hóa tinh anh giải mã “tinh thần nhân văn” thì văn hóa đại chúng giải mã “thành phần giải trí” trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
“Một cuộc cách mạng văn học tiến hành lặng lẽ”
Hồng Kông và Đài Loan là hai nơi nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung sớm nhất. Ngoài bài Bàn chung về Kim Dung, Lương Vũ Sinh do Lương Vũ Sinh lấy bút danh Đông Thạc Chi đăng trên tạp chí Hải quang văn nghệ năm 1966 là tư liệu quan trọng và sớm nhất trong lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung, nhà văn Nghê Khuông trong bài Năm điều nhìn nhận về Kim Dung tiếp tục khẳng định, cho tiểu thuyết Kim Dung là “bác đại tinh thâm”. Nhà văn Ôn Thụy An ở Đài Loan phân tích, so sánh nhân vật trong tác phẩm, giúp người đọc hiểu thêm vềKim Dung.
Ở đại lục, GS Phùng Kỳ Dung nghiêm túc đánh giá nội dung lịch sử xã hội rộng lớn và thành tựu nghệ thuật xuất sắc trong tiểu thuyết Kim Dung, cho rằng danh từ Kim học là có lý, tiểu thuyết Kim Dung là “niềm kiêu hãnh của văn hóa Trung Quốc, là niềm kiêu hãnh của văn học Trung Quốc”(1).
Năm 1990, đại lục xuất bản sách Thưởng thức, phân tích tiểu thuyết Kim Dung của Trần Mặc. Đến nay Trần Mặc đã có 12 sách chuyên nghiên cứu Kim Dung. Cảm xúc của ông là “đối với tôi, mỗi khi đọc một truyện của Kim Dung là như bắt đầu một cuộc thần du lãng mạn; cho dù tình tiết truyện đọc đã hầu thuộc, mỗi khi đọc lại vẫn cảm thấy vui sướng, tâm tình xao động”(2).
Trong lễ trao danh hiệu Giáo sư danh dự cho Kim Dung, Nghiêm Gia Viêm phát biểu: “Tiểu thuyết Kim Dung xuất hiện đánh dấu việc cố gắng vận dụng kinh nghiệm của văn học mới Trung Quốc và của văn học cận đại phương Tây để cải tạo văn học thông tục đã giành được thành tựu rất lớn. Nếu nói cách mạng văn học Ngũ Tứ đã khiến tiểu thuyết từ “nhàn thư” (sách tiêu khiển - PTC) bị coi rẻ bước vào cung điện thần thánh thì thực tiễn nghệ thuật của Kim Dung lại khiến cho tiểu thuyết võ hiệp hiện đại lần đầu tiên bước vào cung điện văn học. Đấy là một cuộc cách mạng nữa, một cuộc cách mạng tiến hành lặng lẽ. Với tư cách là một kỳtích của văn hóa Trung Hoa thế kỷ XX, tiểu thuyết Kim Dung đáng trở thành một chương rạng rỡ trong văn học sử”(3). Bài này về sau trở thành tư liệu kinh điển trong lĩnh vực nghiên cứu Kim Dung.
Đến bài Nội công của Kim Dung: cái gốc của văn học mới, Nghiêm Gia Viêm bàn về tác phẩm Kim Dung và cội nguồn văn hóa truyền thống, cho rằng nhân vật lý tưởng mà nhà văn xây dựng vừa có thể thấy nhân cách đạo đức của Nho gia, vừa thấy nhân cách tiêu dao của Đạo và Thích.
Văn hóa tinh anh giải mã “tinh thần nhân văn” thì văn hóa đại chúng giải mã “thành phần giải trí” trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Tác giả cho những nhân vật này có cá tính rõ nét, nhân cách hấp dẫn mê hồn thì đồng thời cũng cho thấy xu hướng giá trị, tâm lý thẩm mỹ của văn hóa truyền thống một cách hình tượng. “Đúng là tiểu thuyết Kim Dung bao gồm đủ các nhà Nho, Mặc, Thích, Đạo và Pháp. Rất nhiều nhân vật chính đã từng vào sinh ra tử, hành hiệp trượng nghĩa, hào khí bốc cao, cuối cùng lại lãng du nơi xa, ở ẩn trốn đời, như thế là vừa thực hiện tôn chỉ của Nho, Mặc, lại tuân theo giáo lý của Thích, Đạo”(4).
Ông Lưu Đăng Hàn, tác giả bộ Văn học sử Hồng Kông có ảnh hưởng khá lớn, viết: “Mặt tốt đẹp của văn hóa Trung Quốc, mặt tình thơ ý họa đều được biểu hiện lâm ly thống khoái trong tác phẩm của Kim Dung, trên từ luân lý triết học Nho, Đạo, Thích, dưới đến phong tục dân gian, tất cả đều hiển hiện sinh động trước mắt bạn đọc, khiến người Trung Quốc sống trong thời hiện đại từ chốn sâu trong lòng cảm thụ được cái gốc và cái hồn ấy. Về điểm này mà nói, tiểu thuyết Kim Dung bằng phương thức văn học đã hàn gắn được vết nứt giữa hiện đại và truyền thống do văn học mới Ngũ Tứ kịch liệt phản kháng ý thức truyền thống gây ra, từ đó khiến cho nội dung mỹ học truyền thống của Trung Quốc giành lại được sức sống thâm hậu”(5).
Học giả Lư Đôn Cơ viết bài trình bày cống hiến độc đáo của Kim Dung cho văn học mới, đặc biệt chỉ ra “Vi Tiểu Bảo và AQ tuy khác nhau nhưng đều được xây dựng rất khéo, chỉ có điều AQ thiên về tâm lý và nội tại, còn Vi Tiểu bảo thiên về hành động và ngoại tại”(6).
“Hư cấu rất không cao minh một số hình tượng người Trung Quốc”
Người đầu tiên trong học giới ở đại lục đánh dấu hỏi về tiểu thuyết Kim Dung là ông Yên Liệt Sơn. Ngày 2-12-1994, trên báo Nam phương cuối tuần, ông Yên đăng bài Cự tuyệt Kim Dung, trong bài ông nghi ngờ võ hiệp và tiểu thuyết võ hiệp về ba góc độ: tri thức lịch sử, xu hướng giá trị và văn hóa giải trí. Ông viết: “Lý trí và tu dưỡng học vấn của tôi ngoan cố từ chối Kim Dung (và cả Lương Vũ Sinh lẫn Cổ Long), không hề lầm lẫn và không hề hối hận. Tôi cố chấp cho rằng võ hiệp ngay từ lúc ra đời đã là quái vật đảo ngược đầu đuôi, bất kể thiên tài văn học nào dùng ngòi bút nở hoa tài tình miêu tả vô cùng sinh động anh hùng hoặc quái nhân đi bằng đầu, tôi đều không có cách nào chấp nhận nổi… Tôi không nhớ nổi cốt truyện và nhân vật, chỉ có một ấn tượng ở lại là tình tiết trùng lặp, hành văn dài dòng, cứgặp mặt là đánh nhau… Toàn bộ nhân vật đều có thù sâu hận lớn không chính đáng, tình tiết cả câu chuyện đều nhờ đó mà được đẩy tới. Như thế thì mới mẻ nỗi gì? Tiểu thuyết cũ của Trung Quốc, bất kể diễn nghĩa hay sắc tình đều theo lối đó cả, nói cho cùng là nhân quả, báo ứng. Lần đầu đọc Kim Dung là lần thể nghiệm tồi tệ. Tôi không tin những nhân vật dưới bút Kim Dung từng tồn tại chân thực trong loài người, điều tôi muốn nói là bộ phận nhân tính ở trên người những nhân vật đó. Tôi cho rằng Kim Dung đã hư cấu rất không cao minh một số hình tượng người Trung Quốc, gây hiểu lầm lớn cho thế giới, để thế giới cho rằng đó là bộ mặt vốn có của người Trung Quốc”(7).
Bình luận của Vương Sóc gây nên một cuộc tranh luận mới về Kim Dung. Ông viết: “Tiểu thuyết cũ Trung Quốc hầu hết đều có một chủ đề rõ ràng, đó là mượn danh nghĩa đạo đức để giết người, dạy dâm, dạy cướp dưới cái mũ hoằng pháp. Điều này cũng thấy rất rõ trong tiểu thuyết của Kim Dung. Hiệp dưới bút Kim Dung nếu bảo là nhà võ thuật không bằng gọi là tội phạm, mỗi một môn phái là một bang phỉ. Chúng thù giết lẫn nhau do ân oán riêng tư thì chẳng nói làm gì, điều không thể chịu đựng nổi là lại chụp cái mũ yêu nước cho hành động bạo ngược của chúng, dường như việc giết người bằng hình phạt riêng tư cũng chia làm chính nghĩa và phi chính nghĩa, vì chính nghĩa thì cho dù máu chảy thành sông cũng được. Kim tiên sinh có lẽ viết sách loại này để cho mọi người tiêu khiển, nếu bắt ông phải gánh trách nhiệm giáo hóa dân chúng thì ông nhất định chẳng chịu nào, vậy thì hà tất phải khổ sở dát vàng lên mặt một số nhân vật?”(8).
Năm 1999, tạp chí Văn đàn phương Nam đăng cuộc đối thoại giữa mấy học giả Cát Hồng Binh, Đặng Nhất Quang, Lưu Xuyên Ngạc về “Ai là đại sư của thế kỷ chúng ta?”, qua đó gọi Kim Dung là “đại sư được nâng cao”, thẩm tra nghiêm ngặt để hóa giải vòng hào quang gán cho Kim Dung. Mấy học giả này cho rằng Kim Dung chưa đủ tư cách là đại sư, tác phẩm của ông không có mấy sức mạnh để xây dựng tinh thần ở bậc cao trong xã hội.
Nửa cuối năm 1999, học giả Hà Mãn Tử liên tục đăng mấy bài trên Văn hối báo, Quang minh nhật báo, Trung Hoa độc thư báo, trình bày quan điểm: tiểu thuyết võ hiệp là văn học cũ, đề cao quan niệm cũ, đi ngược lại tinh thần nhân văn mới thời Ngũ Tứ.
Học giả Viên Lương Tuấn cho rằng thế giới võ hiệp là thế giới “nửa tiên” khác hẳn với người thường, hiệp khách võ nghệ cao cường, bay trên mái nhà, đi trên tường nhưng đáng tiếc đều là người trần mắt thịt nên là những quái vật hư cấu, không hề tồn tại, hoàn toàn phá hoại truyền thống tốt đẹp của văn học Trung Quốc, khiến văn học Trung Quốc từ miêu tả cuộc sống hiện thực chuyển sang tạo ra thế giới hư ảo. Về tiểu thuyết của Kim Dung, ông cụ thể chỉ rõ: “Mâu thuẫn giữa năm đại phái hệ không phải là mâu thuẫn tồn tại khách quan trong xã hội hiện thực mà chỉ là sự bịa đặt của nhà văn”, “vẫn là thoát ly cuộc sống hiện thực”(9).
GS Cát Hồng Binh cho rằng Kim Dung đã “tạo ra ảo giác về văn hóa hiệp nghĩa. Ông lãng mạn hóa văn hóa phong kiến cho phù hợp với tâm lý trốn tránh, ẩn náu của tầng lớp thị dân do chủ nghĩa công lợi, kim tiền bản vị trong xã hội đương đại gây ra. Thực tế là ông cho xã hội thế tục chỉ là chất độc phong kiến, còn người thời nay lại thành tâm dùng để uống cho đỡ khát. Chiêu này của ông thậm chí đã mê hoặc được số người tự cho là giáo sư đại lục - những giáo sư trở thành người ngoài rìa trong xã hội đương đại Trung Quốc đang thị trường hóa, những nhân sĩ trong giới học thuật, những người theo chủ nghĩa sĩ đại phu chịu sự chế giễu vô tình của nguyên tắc thị trường hóa Trung Quốc đương đại. Họ ngay lập tức tìm được tổ ấm về tâm lý ở Kim Dung, thế là chui sâu vào đó”(10). Cát Hồng Binh coi tác phẩm của Kim Dung là ma túy tinh thần.
Nhà nghiên cứu Vương Bân Bân có viết một đoạn rất tiêu biểu: “Thực sự bình tĩnh và nghiêm túc xem xét góc độ nghệ thuật của tiểu thuyết thì Kim Dung mắc quá nhiều lỗi… Thần hồn điên đảo, đêm ngày bất phân khi đọc Kim Dung chưa hẳn đã là cách hưởng thụ thẩm mỹ thuần chính, cao cấp nhất. Cách ấy khác hẳn về lượng và về chất so với cách nhấm nháp từng chút một khi đọc Hồng lâu mộng. Nói cho cùng, tiểu thuyết Kim Dung vẫn là “tiểu thuyết thông tục cao cấp”, vẫn là một loại “văn hóa ăn liền cao cấp”, vẫn mang dấu ấn sâu đậm của văn hóa thương nghiệp. Vì thế, đối với Kim Dung, nghiên cứu một góc độ đặc định nào đó trong một thời gian là điều hoàn toàn có thể, nhưng cho rằng tiểu thuyết Kim Dung cũng tạo nên một môn Kim học như Hồng lâu mộng tạo nên môn Hồng học thì e rằng đó là lời nói sảng sau khi thần hồn điên đảo, đêm ngày bất phân mà thôi”(11).
Từ Yên Liệt Sơn cự tuyệt Kim Dung tương đối sớm cho đến các ông Hà Mãn Tử, Cát Hồng Binh, Viên Lương Tuấn, Vương Bân Bân sau này, họ đều dị khẩu đồng thanh cho rằng thú vị ở tiểu thuyết võ hiệp ngay từ lúc sinh ra đã thấp, không đáng đọc; cho rằng tự thân loại hình văn học đã quyết định tiểu thuyết võ hiệp chắc chắn là ma túy tinh thần, không cần đọc cũng biết tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là thứ gì; cho rằng tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là thứ văn học tiếp sức sống cho văn hóa cũ, là một bát “canh mê”; cho rằng từ lúc ra đời, võ hiệp đã là một loại quái vật, không có bất kỳcơ sở hiện thực nào, nhân tính của các nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung về căn bản chưa hề tồn tại ở loài người, vì thế tiểu thuyết đólà ma túy, rác văn hóa, cần triệt để thanh trừ.
Suy ngẫm về những ý kiến khen, chê tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
Một số ý kiến khen, chê trích dẫn trên đây đã cho thấy mức độ chênh lệch rất lớn trong việc đánh giá tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Điều đó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Tại sao các nhà phê bình văn học lại bình luận hoàn toàn trái ngược nhau? Mấu chốt vấn đề ở chỗ nào? Tôi cho rằng khảo sát giá trị và ý nghĩa của tiểu thuyết Kim Dung cần xuất phát từ định vị văn hóa: tiểu thuyết Kim Dung là tinh phẩm của văn hóa đại chúng, có như thế mới đánh giá sát với thực tế. Vì thế, chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn của văn hóa tinh anh, văn hóa chủ đạo để đánh giá và nêu ra những yêu cầu không phù hợp với thực tế.
Xét những bình luận cụ thể nêu trên, tôi nhận thấy dường như phán đoán cảm tính mạnh hơn phân tích lý tính; hai là, hiện tượng “xa rời đầu đề” nghiêm trọng. Đương nhiên, còn rất nhiều vấn đề nữa như tính trì trệ lạc hậu của quan niệm phê bình, tính đơn nhất của thủ pháp phê bình, tính bá quyền của thoại ngữ phê bình, tâm thái nôn nóng của người phê bình v.v…
Về thủ pháp, quan niệm, tâm thái phê bình, GS Từ Đại cho rằng: “Trước hết là lấy quan niệm tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa để hạ thấp tiểu thuyết võ hiệp thuộc văn bản chủ nghĩa lãng mạn; hai là đứng trên lập trường tiên nghiệm mà mọi người đều quen thuộc là văn học thuần (văn học nghiêm túc) cao hơn văn học thông tục (văn học đại chúng) để ‘phong sát’ (hạn chế, cấm đoán) phẩm vị nghệ thuật của tiểu thuyết Kim Dung”. Theo ông, quan điểm phê bình phi lịch sử đã đặt tiểu thuyết võ hiệp đối lập với văn học mới một cách đơn giản, xóa nhòa ý nghĩa văn học của loại văn bản này, như thế là có hại cho thực tiễn văn học. Đồng thời ông phân tích thấu triệt tư thái của nhà phê bình như sau: “Nói chung, nhà văn là người hành hiệp đơn độc, nhiệt tình biểu đạt với thế giới tiếng nói của cái ‘tôi’ cá thể, còn nhà phê bình thì ngược lại, quen xuất hiện với tư cách ‘chúng tôi’, dường như mình đại diện cho cả xã hội… Khi nhà phê bình hữu ý hay vô tình đóng vai đại biểu của dân chúng hoặc xã hội, người ấy sẽ biến ‘thảo luận’ thành ‘thẩm phán’, trút áp lực ngoài văn học lên nhà văn, khiến sinh mệnh sáng tác của nhà văn phải gánh chịu sức nặng khó gánh chịu nổi. Vì thế, văn học phê bình chân chính chỉ có thể là ‘đối thoại’ cởi mở của ‘người khác’, bao gồm cả nhà văn trong đó, chứ không phải là một loại ‘phán quyết’ nào đó đối với hiện tượng văn học”(12).
Về tiêu chuẩn của phê bình, học giả Đặng Tập Điền nhận xét: “Trong giới nghiên cứu, phê bình tiểu thuyết Kim Dung, thường xuyên xuất hiện hai loại là phê bình văn học và giải thích văn học, tức hiện tượng phê bình dị nguyên (kiến giải khác hẳn, không thể hiểu nhau để đối thoại - PTC) và xiển thích (thuật lại và giải thích - PTC) quá mức. Hiện tượng đầu phần nhiều xuất hiện ở phe phản đối, hiện tượng sau phần nhiều xuất hiện ở phe ủng hộ”(13).
Về vấn đề nhã, tục của văn học, Đặng Tập Điền cũng cho rằng: “Văn học Trung Quốc vốn dĩ nhấn mạnh nhã, tục cùng thưởng thức, đó là cảnh giới cao nhất của văn học. Ở Trung Quốc thế kỷ XX, thực tế vẫn tồn tại quan điểm và lời kêu gọi này. Nhưng quan niệm văn học lý tưởng ấy đã khó giành được tính hợp lý hiện thực đầy đủ trong hoàn cảnh xã hội và ngữ cảnh văn hóa cụ thể. Từ cuối thập kỷ 80 đến nay, một mặt nhã, tục cùng thưởng thức được mọi người hoan nghênh; mặt khác, hầu như tất cả nhà văn và tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích đều bị giới văn học chủ lưu phê phán kịch liệt và tẩy chay theo bản năng. Vương Sóc, Kim Dung, Dư Thu Vũ… đều như thế cả”(14).
Những vấn đề nảy sinh từ các cuộc tranh luận về tiểu thuyết Kim Dung vừa phản ánh sự xung đột kịch liệt giữa quan niệm văn hóa và văn học ở thời giao tiếp giữa hai thế kỷ, vừa phản ánh sự thiếu hụt quy phạm tương quan ở giới học thuật và giới văn hóa trong nước.
* Giảng viên trường Đại học Sư phạm Thanh Hải (Trung Quốc).
(1) Phùng Kỳ Dung: Nói về nghiên cứu Kim Dung (Thay lời nói đầu) trong sách Đọc thế giới Kim Dung. NXB Thượng Hải thư điếm, năm 2000.
(2) Trần Mặc: Chuyến đi lãng mạn - Cuộc thần du tiểu thuyết Kim Dung. NXB Tam liên thư điếm Thượng Hải, năm 2000.
(3) Nghiêm Gia Viêm: Bàn về tiểu thuyết Kim Dung. NXB Đại học Bắc Kinh, năm 1999, tr.213.
(4) Nghiêm Gia Viêm: Nội công của Kim Dung - cái gốc của văn học mới trên Bình luận tác gia đương đại, số 6 năm 1999.
(5) Lưu Đăng Hàn: Hồng Kông văn học sử. NXB Nhân dân văn học, năm 1999, tr.269.
(6) Lư Đôn Cơ: Bàn về cống hiến độc đáo của Kim Dung đối với văn học Trung Quốc trên Học san Chiết Giang, số 6 năm 1999.
(7) Yên Liệt Sơn: Cự tuyệt Kim Dung trên Nam phương cuối tuần, 2-12-1994.
(8) Vương Sóc: Tôi nhìn nhận Kim Dung trên Thanh niên Trung Quốc, 1-11-1999.
(9) Viên Lương Tuấn: Lại nói về nhã, tục - lấy Kim Dung làm ví dụ trên Trung Hoa độc thư báo, 10-11- 1999.
(10) Cát Hồng Binh: Va chạm giữa quan niệm văn học khác nhau - Bàn về tranh luận giữa Kim Dung và Vương Sóc trên báo Thám sách dữ tranh minh, 30-2- 2000.
(11) Vương Bân Bân: “Hồng học”, “Lý học”, “Kim học” - chính danh cho phê bình. NXB Văn nghệ thời đại, năm 2000, tr.259.
(12) Từ Đại: Quan niệm và tư thái phê bình - cũng lấy sáng tác của Kim Dung làm thí dụ trên Văn nghệ tranh minh, số 27 năm 2000.
(13) Đặng Tập Điền: Dị nguyên phê bình và xiển thích quá mức trên Học báo Học viện sư phạm Hoài Nam, số 47 năm 2005.
(14) Đặng Tập Điền: Tính hạn hẹp của hệ thống quan niệm văn học chủ lưu hiện nay trên Văn nghệ nghiên cứu, số 55 năm 2006.
HUỆ CHUYỂN NINH*
PHẠM TÚ CHÂU trích dịch
Nguồn www.literature.net.cn
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...