Có hai nghệ sĩ chơi Tây ban
cầm mà có cùng một chí hướng, là mở tiệm bán đàn!.
Một người mở tiệm tại phố
Hàng Gai ở Hà Nội rồi di cư vào Nam dạy đàn cho tới khi cả nước đứt dây năm
1975. Ðó là Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ có công khai phá nền tân nhạc Việt Nam.
Ông sinh năm 1915 và tạ thế năm 1995.
Người kia thì ở một cõi xa
hơn nhiều.
Ðó là Sophocles Papas, ra đời
trước Dương Thiệu Tước chừng chục năm và ra đi cũng sớm hơn mươi năm
(1894-1986). Papas là bậc thầy trứ danh và có công quảng bá nghệ thuật Tây ban
cầm trong một lớp học kéo dài hơn sáu chục năm tại thủ đô Hoa Kỳ. Y như Dương Thiệu
Tước sau này ở thủ đô Hà Nội, Papas mở tiệm bán đàn tại đường Connecticut, một
di tích lịch sử đã từng phục vụ từ tổng thống đến người dân giả.
Hai nghệ sĩ ấy còn giống
nhau một điểm, là có một đứa học trò... không giống ai!'
Ðứa học trò đã từng thọ giáo
Dương Thiệu Tước tại Sàigòn - và luôn luôn nhắc lại điều ấy - sau này sống tại
miền Ðông Hoa Kỳ. Thấy trong niên giám điện thoại có quảng cáo tiệm đàn của một
bậc thầy là Papas, cậu bé lần mò tìm tới. Chẳng lẽ Sophocles Papas còn sống hay
sao? Mà nghe nói tiệm này mở cửa mãi từ 1922...
Bước vào tiệm đàn, cậu bé thấy
choáng ngợp trước nhiều cây đàn quý và nhẹ gỡ xuống một cây, cậu bắt đầu gẫy
vài tiếng. Chiều đó, tiệm đàn hơi vắng, ngoài nhân viên bán đàn thì chỉ có một
ông già cù lần mới bước vào. Quấn khăn áo sù sụ, ông già thơ thẩn trong tiệm,
mân mê lau chùi tủ kính. Có lẽ là người phu dọn dẹp.
Ðược thể, cậu bé lả lướt vài
đường cho lão già nhà quê kia biết tài dân Việt!
- Cậu là ai, đang làm gì vậy?
Ông lão già bước lại nghiêng đầu hỏi.
- Thì đang thử đàn chứ có gì
đâu! Cậu vênh váo trả lời và... chộ bịa thêm vài ngón trước đôi mắt trợn tròn của
ông lão. Chữ “chộ bịa” này là do chính đương sự kể lại. Mà cụ là ai vậy?
- Mi có tất cả những tật xấu
nhất mà tao thấy trong đám học trò của tao!!! Tao phải dạy lại mới được. Tao là
Papas!
Chính cậu bé đã kể như vậy về
mối duyên vì sao cậu lại được học ngón đàn Sophocles Papas.
Trong thế kỷ 20, có lẽ Papas
chỉ nhường bước cho người bạn già là Andrés Segovia. Học trò Tây ban cầm của
hai nhân vật huyền thoại ấy đều phải là danh thủ xuất chúng.
Và cậu bé đó chính là Trịnh
Bách, diệu thủ guitar classic của Việt Nam!.
Không chỉ học Dương Thiệu Tước
và Sophocles Papas, Trịnh Bách còn được đến tận nhà ở xứ Tay Ban Nha theo học
Andrés Segovia. Chuyện ấy, bây giờ thì ai cũng biết. Ít người ngờ rằng anh còn
được danh thủ dương cầm Mieczyslaw Horszowski mời về nhà, và ở lại cả tháng để
học hỏi thêm về nhạc. Horszowski gọi đó là “đàm đạo”! Ông cụ sống rất thọ đến
99 tuổi và chỉ lấy vợ khi đã 89 xuân xanh. Bà vợ ông cũng là một diệu thủ dương
cầm người Ý. Bà Bice Costa chăm sóc ông chồng thiên tài như một đứa trẻ trong một
tuần trăng mật kéo dài mười năm.
Trịnh Bách tại nhà Andrés
Segovia (1981)
Thế giới của giới nghệ sĩ đó
không giống như chúng ta thường nghĩ. Trịnh Bách đã học từ những người như vậy.
Nhờ thế, mình biết thêm là các bậc đại sư về âm nhạc không truyền thụ như người
thường!
Trong một năm thọ giáo ngôi
Bắc đẩu về guitar classic của thế giới, Trịnh Bách không học đàn như ta có thể
tưởng tượng. Mỗi ngày, hai người trên hai ghế đối diện cùng đánh, lâu lâu
Maestro Segovia buông ra một câu. “Chỗ này phải trong hơn. Gẫy lại được không?
Phải sáng nữa mới được! Khoảng trống này phải rung cho đầy thì mới đẹp...”
Trong số học trò của
Segovia, nay đã là bậc thầy nổi tiếng hoàn vũ, có những danh cầm như John
Williams người Úc, Julian Bream người Anh, Christoper Parkening người Mỹ,
Michael Lorimer cũng người Mỹ, hay Alirio Diaz người Venezuela, Antonio Mebrado
người Tây Ban Nha, v.v...
Như Quỷ Cốc Tiên Sinh trong
truyện cổ, Segovia nhận xét về từng môn sinh. Giàu có nhất sẽ là Christopher
Parkening. Khó tính nhất là John Williams. Nghệ thuật nhất có lẽ là Michael
Lorimer. Còn Trịnh Bách? “Có tâm hồn nhất.”
Nên có khi bỏ đàn!
Trịnh Bách đã trình tấu ở
nhiều hội trường danh tiếng của thế giới, kể cả trong Tòa Bạch Cung. Ðôi tay của
anh được bảo hiểm bạc triệu - chẳng vậy mà người ta có chữ “diệu thủ” - cho nên
khi đi trình diễn và đem theo một cây đàn rất đặc biệt, anh không được quyền
ôm. Sợ hư tay. Hãng bảo hiểm quy định như vậy để bảo vệ tài sản được họ bảo
lãnh!
Một danh cầm như thế tất
nhiên là phải có lúc phục vụ cộng đồng. Trong một lần trình tấu cho cộng đồng
người Việt tại Virginia, đến lúc du dương thì anh giật mình. Các cụ ngồi hàng đầu
gật gù: “Cậu này lên dây đàn hoài vậy mà sao chưa thấy ca!”
Như một trường hợp khác là
Lê Ngọc Chân, bỏ việc dạy nhạc trong một đại học danh tiếng Hoa Kỳ để trở về
khôi phục âm nhạc Việt Nam, Trịnh Bách cũng đã buông đàn xuống giữa đời.
Chữ “xuống” nên được hiểu
theo nghĩa đen.
Anh trở về Việt Nam tìm hiểu
và khôi phục chèo cổ rồi nhiều bộ môn âm nhạc khác, và vất vả không ít với các
ông cán bộ. Anh đi xuống những xã ấp xa xôi hẻo lánh để tìm ra nghệ sĩ cổ truyền
đích thực, và còn kiếm tiền giúp họ sinh sống để dạy lại và giữ lại những ngón
nghệ thuật sẽ mai một. Anh vận động để một đoàn chèo được qua Mỹ trình diễn và
buồn không ít khi những nghệ sĩ thật đã bị gạt lại, để nhân tình của các quan
chức được đem chuông đi đấm nước người, và nhún nhẩy trên sân khấu chèo với bước
chân ballet học của Cuba trong tranh phục lòe loẹt.
Nếu không là tư vấn của các
định chế nổi tiếng tại Hoa Kỳ và được nhiều người Mỹ quyền thế biết tên thì có
khi Trịnh Bách đã bị trục xuất hoặc lãnh những cái mũ không thể ngờ trên đầu!
Ngày nay, bao người ca ngợi anh đã phục chế nhiều y phục cổ truyền hay bộ môn
nghệ thuật cung đình tại Huế. Ít ai ngờ là trước khi những tác phẩm ấy được chú
ý, được tòa đại sứ Hoa Kỳ triển lãm, hay được Tổng Thống Bill Clinton ghé thăm,
Trịnh Bách đã bị phiền nhiễu không ít. Nhiều vị có chức có quyền đã chụp lấy những
“phát hiện” của anh đem ra kinh doanh và muốn xóa luôn vết tích là người nghệ
sĩ.
Mấy chuyện ấy, người viết
xin nhường cho ba dấu chấm than để khỏi phải viết thêm!!!
Từ đã lâu, ở bên Mỹ, Trịnh
Bách đã chú ý tìm hiểu về trang phục cổ truyền của Việt Nam.
Anh gặp xin bà dì của người
viết để mượn xem và xem kỹ từng chút nhiều áo dài rất quý còn lại trong nhà. Dì
Ngọc Lan của người viết, bà đại sứ Vĩnh Thọ, còn giữ lại những báu vật của hai
bên nội và ngoại. Bên họ nội là tấm áo của Tôn Nhân Phủ, bên họ mẹ là chiếc áo
dài của Công Chúa Mỹ Lương, con gái vua Dục Ðức và chị vua Thành Thái. Trong đại
gia đình, các cô con gái lên xe hoa đều được mặc áo công chúa và chỉ một lần đó
thôi. Có tìm hiểu kỹ thì mới biết màu hồ thủy của áo này hay màu tím của áo kia
là những biểu tượng hay quy ước rõ rệt về phẩm phục của triều đình. Ðây là những
bảo vật sẽ phải được tặng lại cho viện bảo tàng.
Trịnh Bách cũng là người tận
tụy giúp đỡ việc cải táng thân phụ của người viết là học giả Ưng Quả. Anh đã
liên lạc với nhiều người trong họ, bên dòng Tuy Lý tại Huế, để đưa hài cốt người
quá cố ra khỏi sân vườn trước nhà cạnh phủ Túy Lý lên tới một nơi yên lành hơn,
là sân trong chùa Thiên Hòa.
Bài này được viết như một lời
tri ân và cảm phục vì từ 15 năm nay, Trịnh Bách cố đưa nghệ thuật cổ truyền của
Việt Nam tới một nơi yên lành để có thể tồn tại. Anh làm được việc ấy vì nhiều
người ngoại quốc đã biết và chú ý, nhờ đó mà thiện chí và tài năng của anh
không bị cản trở.
Hành trình từ Dương Thiệu Tước,
Papas hay Segovia có thể đã dứt vì anh chọn một con đường chông gai hơn, mà
đáng quý chừng nào. Bây giờ, Trịnh Bách đã tiệp màu với xã hội Việt Nam, lượn
xe hai bánh đi tới những ngõ ngách khốn khổ nhất để tìm ra những nghệ nhân đích
thực và tạo điều kiện cho họ dựng lại những gì đẹp nhất, đã có một thời bị coi
là phong kiến, đáng chôn vùi.
Tâm hồn ấy của Trịnh Bách
khiến chúng ta phải ngậm ngùi và bái phục.
Lê Ngọc Phượng
Nguồn trinhtoc.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét