Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể
Cảnh sắc thiên thần của hồ Ba Bể bao nhiêu năm nay đã trở thành một sức hút kì lạ đối với du khách gần xa. Chẳng thế mà tháng 3 năm 1995, hồ Ba Bể đã được thế giới xếp hạng là một trong hai mươi hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ. Đặc biệt với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ độc đáo của riêng mình mà ngày 27 tháng 9 năm 2012, hồ Ba Bể đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt. 
Tác giả giao lưu hát then cùng với thiếu nữ Tày
Hồ Ba Bể nằm trên địa phận xã Nam Mẫu huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên đẹp và lớn nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những hồ nước ngọt đẹp và lớn trên thế giới. Nằm trên độ cao 150 mét so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi đồ sộ và những cánh rừng già nguyên sinh nên nước hồ quanh năm xanh mát, giống như viên ngọc xanh giữa núi rừng Đông Bắc. Từ trên cao nhìn xuống toàn cảnh hồ Ba Bể đẹp như một bức tranh thủy mặc. Mặt hồ lung linh, nước trong xanh tựa một thảm lụa mênh mông, lộng lẫy đêm ngày in bóng những vách núi đá vôi với muôn ngàn ngấn vỉa. Vẻ đẹp huyền diệu của cảnh sắc non nước Ba Bể cũng rất thú vị và biến hóa kì ảo. Sáng sớm, mặt nước màu xanh rêu in vời dáng núi; khi mặt trời lên, mặt nước lại đổi màu xanh lam hòa với trời cao vòi vọi và muôn ngàn cây cỏ; sang chiều màu lam biếc lại hòa với sắc trắng tinh khôi của những đám mây phiêu bồng trôi trên mặt nước; có những buổi hoàng hôn, màu nước ngọc bích của nước hồ in bóng tà dương đỏ rực, lồng lộng một vệt loang trên góc bể như thể hòn than khổng lồ đang chìm dần dưới nước. Cảnh ấy đẹp đến mê hồn.
Hồ Ba Bể theo tiếng địa phương là Slam Pé (nghĩa là ba hồ) gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Đứng từ đỉnh núi cao nhìn xuống, ta thấy ba hồ này tỏa ra ba phía như hình chân vạc (một nhánh lên phía Bắc, một nhánh sang phía Tây Nam, một nhánh về phía Đông Nam) và bị lọt thỏm, kẹp cứng bởi các vách núi đá vôi dựng đứng, bao quanh bốn bề. Ra vào lòng hồ (theo đường thủy) chỉ có cách đi thuyền theo con sông Năng từ Bảo Lạc, Nguyên Bình xuôi xuống. Theo tính toán thì mặt hồ trải dài khoảng 8 km, chỗ rộng nhất chừng 2 km, diện tích mặt nước khoảng 500 hetta, độ sâu trung bình 17 mét đến 23 mét, nơi sâu nhất là 35 mét. Trong hồ có nhiều đảo nhỏ xinh đẹp và một số hang động, thác ghềnh rất hấp dẫn. Tìm hiểu về cấu tạo địa chất hồ Ba Bể qua các tài liệu địa chất ta được biết vùng núi đá vôi ở đây có niên đại khoảng 450 triệu năm. Đây là khu vực còn lưu lại rõ nhất những dấu vết lịch sử của các thời kỳ hình thành vỏ trái đất. Theo các nhà khoa học, hồ Ba Bể được được hình thành vào cuối kỷ Camri, đây là giai đoạn diễn ra cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á. Kết quả của cuộc kiến tạo này vùng núi đá vôi ở vùng Ba Bể đã bị sụt xuống và đẩy một khối nước khổng lồ lên tận lưng chừng vách núi tạo thành hồ như ngày nay. Tuy được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm nhưng đến nay hồ Ba Bể vẫn giữ được cái vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng như thủa ban đầu. Phong cảnh của hồ lúc nào cũng hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp, mặt hồ như tấm gương khổng lồ in đậm dáng núi và mây trời giữa một không gian khoáng đạt, trong lành, xanh mát.
Du hành trên hồ Ba Bể, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng già thâm u duyên dáng trên các vách núi đá vôi hùng vĩ ngày đêm đổ bóng xuống mặt nước bao la xanh thẳm, long lanh mà còn bị quyến rũ bởi vẻ đẹp huyền ảo của các hang động, thác ghềnh, ao hồ. Theo những con thuyền độc mộc của trai bản Vài, xuôi theo sông Năng, xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham là ta đến với động Phuông. Động Phuông đẹp nổi tiếng. Cửa động cao và đẹp như vòm nhà thờ của người công giáo. Chân động là những bãi đá tự nhiên ngập chìm lấp lửng trong nước với nguyên vẹn các tia, các vỉa như thể để ghi lại những dấu vết thời gian còn phôi pha trên thân đá. Trần động có tới hàng trăm ngàn nhũ đá thả xuống lấp lánh với muôn hình vạn dạng đủ cho người ngắm thả hồn trong trí tưởng tưởng y như ở kì quan Phong Nha - Kẻ Bàng. Rời động Phuông, con thuyền độc mộc tiếp tục đưa ta tới thác Đầu Đẳng (người bản địa gọi là thác Hua Tạng). Trong hành trình kiến tạo trái đất, bà mẹ tự nhiên đã vô tình để lại một bãi đá khổng lồ nằm ngổn ngang giữa bể nước để tạo thành một thác nước kì thú. Thác Đầu Đẳng có ba bậc, mỗi một bậc chênh nhau khoảng từ 3 mét đến 4 mét, cách nhau khoảng chừng 200 mét đến 250 mét.
Quanh năm, suốt tháng thác nước chảy ầm ầm, tung bọt trắng tinh. Từ xa nhìn lại ta thấy thác nước giống như một mái tóc nàng tiên mềm mại, thướt tha, êm đềm xuôi chảy. Vẫn theo con sông Năng, chúng ta vào Pé Lầm và leo núi chừng khoảng 20 phút thì sẽ được chiêm ngưỡng Ao Tiên trên núi cao. Ao Tiên có hình bầu dục, chiều dài khoảng 200 mét, chiều ngang khoảng 100 mét, nằm trên núi với bốn bề vách đá dựng đứng viền kín xung quanh. Ao thường xuyên được cấp nước bởi mạch ngầm của các núi đá vôi xung quanh nên nước quanh năm trong xanh, mát mẻ và không bao giờ bị cạn. Trong ao có rất nhiều loại cá ngon và cũng không bao giờ bị hết. Người ta bảo xưa kia mỗi lần tiên giáng trần lại về đây tắm nên mới gọi là Ao Tiên. Và cách Ao Tiên khoảng 1500 mét là một hòn đá An Mạ (chiều ngang và chiều dọc khoảng 100 mét) nổi lên giữa lòng hồ. Cách hòn đá An Mạ khoảng 500 mét là hai hòn đảo cùng tên (Pò Già Mải theo tiếng địa phương có nghĩa là Gò Bà Góa) xinh xắn xanh rờn bóng cây, nghiêng nghiêng vươn dài cành lá trên mặt nước cùng vô vàn cành phong lan tỏa sắc khoe hương làm ta cứ ngỡ ngàng như đang đi trên một góc biển nào đó của vịnh Hạ Long giữa miền rừng núi Việt Bắc. 
Theo các nhà khoa học, do sự kết hợp độc đáo của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo nên hồ Ba Bể đã trở thành một khu vực đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng phủ kín, quanh năm xanh tốt bởi mưa ẩm nhiệt đới. Xung quanh hồ có khoảng 1268 loài thực vật bậc cao, 470 loài động vật có xương sống (trong đó có 81 loài thú, 234 loài chim, 30 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư và 107 loài cá), 367 loài bướm cùng nhiều loại động vật không xương khác. Cùng với đó, trên hồ Ba Bể còn có nhiều địa điểm liên quan đến các di tích khảo cổ và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây. Theo kết quả thăm dò, khai quật của các nhà khảo cổ chúng ta đã phát hiện ra một trong những địa bàn cư trú của người tiền sử ở nước ta cách đây khoảng từ 15000 năm – 20000 năm trước đây ở khu vực này. Điển hình là di chỉ ở hang Thẳm Thinh, động Puông với rất nhiều công cụ lao động của người tiền sử, thuộc hậu kỳ đá cũ (tính đến nay những di chỉ này vẫn là đại diện duy nhất của nền văn hoá Hoà Bình được tìm thấy ở tỉnh Bắc Kạn). Ngoài các di chỉ khảo cổ ra, trong các hang động trên hồ Ba Bể (động Puông và Hua Mạ) còn chứa đựng một số di tích của thời kì lịch sử Lê - Mạc, thế kỷ thứ XVI… Đây chính là những minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của con người trên bể nước mênh mông này. Ngày nay, cùng với những yếu tố văn hóa vật thể (di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử) thì cư dân sinh sống trên hồ Ba Bể còn duy trì nhiều nhiều sinh hoạt văn hóa phi vật thể khác, khá phong phú đa dạng. Hàng năm tại vùng hồ Ba Bể, vào ngày mùng 9 tháng Giêng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng … thường tổ chức lễ hội mùa xuân rất to. Trong các lễ hội này đồng bào thường diễn xướng rất nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng khá độc đáo như lễ rước kiệu tại đền An Mã, hát then, múa quạt và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như tung còn, bịt mắt bắt dê, chọi bò, kéo co, thổi khèn, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... Tất cả những điều này đã nói lên một điều hồ Ba Bể là một vùng đất có cảnh quan sinh thái đẹp đẽ, độc đáo và có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Đây chính là sức hút kì lạ của Ba Bể với mọi người.
Có thể nói, trên đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta, không có một thắng cảnh nào mà không được con người thổi hồn vào bằng những huyền thoại dân gian kỳ ảo để lí giải cho rõ ngọn ngành về dáng núi hình sông của xứ sở. Hồ Ba Bể cũng vậy. Có thể nói có bao nhiêu tộc người ở nơi đây, có bao nhiêu cảnh đẹp ở nơi đây là có bấy nhiêu câu chuyện li kì và hấp dẫn. Trong kho tàng truyền thuyết phong phú ấy, tiêu biểu nhất phải kể đến “Sự tích hồ Ba Bể” của người Tày xã Nam Mẫu, một trong những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này. Theo truyền thuyết, ngày xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền kéo đến rất đông. Một hôm, có một bà lão bị bệnh cùi (hủi) đến làng xin ăn. Bà mặc quần áo rách rưới, tả tơi; người mùi hôi hám khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão cùi đến xin ăn nhà nào cũng phì phào mấy tiếng “đói lắm” nhưng đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Người ta sợ bị lây bệnh cùi của bà. Duy nhất trong làng có một bà góa ở cùng người con trai đã động lòng thương hại. Bà không kinh tởm bà cùi. Bà đã kêu bà cùi vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc kho lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc vì nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía kho lúa. Bà bèn đi lại và mở cửa kho thóc ra. Bà góa không thấy bà lão cùi đâu mà thấy một con giao long lớn đang uốn mình, đầu gác lên giường đuôi thò xuống đất. Hai mẹ con bà lão kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, mẹ con bà góa thấy bà lão cùi đi ra từ kho thóc và nói: Tôi thật sự không phải là người. Tôi là giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của mọi người khi đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ hai mẹ con nhà bà. Họ đều là khẩu Phật tâm xà nên sẽ không tránh khỏi trừng phạt của một trận đại hồng thủy. Tôi cho hai mẹ con bà gói tro này. Bà hãy rãi quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn. Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà bà cứu người. Nói xong, bà lão liền biến mất. Đến hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật, bỗng nhiên, nước từ trong đất vọt lên cuồn cuộn, mặt đất vỡ tác tạo thành ba cái hồ. Mọi người vội trèo lên mái nhà, trèo lên cây để tránh nước. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả nóc nhà và cây cao. Người chết nhiều vô kể. Nước dâng tới đâu, mảnh đất nhà bà góa lại được nâng cao đến đấy. Bà góa cũng đã thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước. Lập tức vỏ chấu biến thành hai chiếc thuyền. Mặc cho mưa to gió lớn, hai mẹ con bà đã chèo thuyền đi cứu người gặp nạn. Cái làng bị nước tràn ngập và vỡ toác thành ba cái hồ rộng lớn được gọi là Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng. Do nước hồ mênh mông như bể nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ trong xanh như ngọc bích, lưu thông nhau. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ, đấy chính là ngôi nhà của mẹ con bà góa nên người địa phương gọi đó là Gò Bà Góa.
Cảnh sắc thiên thần của hồ Ba Bể bao nhiêu năm nay đã trở thành một sức hút kì lạ đối với du khách gần xa. Chẳng thế mà tháng 3 năm 1995, hồ Ba Bể đã được thế giới xếp hạng là một trong hai mươi hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ. Đặc biệt với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ độc đáo của riêng mình mà ngày 27 tháng 9 năm 2012, hồ Ba Bể đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt. Hôm nay xuôi theo con thuyền chầm chậm vào Ba Bể, giữa bốn bề mây vờn quanh núi, núi lồng trong mây, lung linh soi mình trên mặt nước hồ xanh, sóng sánh xao động theo làn gió đông cùng với những con thuyền ngư phủ thấp thoáng ẩn hiện buông câu, xen lẫn những bóng áo chàm xanh quen thuộc của các cô gái Tày duyên dáng làm ta ngỡ như lạc vào tiên cảnh! Cảnh ấy, người ấy làm ta xao xuyến mà lại nhớ tới câu ca dao xưa: "Bắc Kạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh". Vẻ đẹp của vùng đất và con người – mảnh đất của hiện thực và huyền thoại ấy cứ ngời sáng lung linh như thể chờ đợi, chào đón du khách.  
 Phan Anh
Theo  http://tacphammoi.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXHồ sơ một tử tù

Hồ sơ một tử tù Chương 1 Tác phẩm đạt giải nhì Giải thưởng văn học 10 năm Bộ công an và Hội nhà văn Việt Nam 1995-2005, được chuyển thể ...