Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Những cây bút dân gian

Những cây bút dân gian
Hội nhà văn Việt Nam có khoảng hơn 1000 người, xài khá nhiều tiền thuế của dân. Theo con số ước tính của một nhà nghiên cứu, thì kể cả chi phí biến động và tài sản khác (tính theo chi phí cơ hội), con số chi phí dao động đến hàng ngàn tỷ mỗi năm. Nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thấy xuất hiện những văn nhân cỡ như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Thậm chí cỡ như Nguyễn Huy Thiệp cũng là của hiếm.
Đến khi Chủ tịch Hội NV kêu thiếu kinh phí, muốn dồn trụ sở lấy chỗ kinh doanh, thì bị ném đá ầm ầm, cũng chẳng oan uổng gì. Một người trong hội, nhà văn Phạm Ngọc Tiến từng cho rằng thật đáng xấu hổ khi nhà văn không phản ánh được một cách trung thực hiện trạng và tinh thần xã hội, không dấy lên được tinh thần phê phán và hướng thiện, không góp phần xây dựng được lương tâm trong sáng, nên tác phẩm chẳng ai muốn xem, bởi họ chán cái thứ văn chương nô lệ tiền và quyền, thứ văn chương không trung thực. Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng những điểm sáng văn chương quá hiếm hoi, lóe sáng và vụt tắt quá nhanh. May mà ở Việt Nam vẫn còn hàng vạn người viết không phụ thuộc vào ngân sách, tôi tạm gọi họ là những cây bút dân gian, và họ đã làm cho nền văn chương Việt sôi động hơn, phong phú hơn, trung thực hơn, giàu tính nhân văn hơn. Cũng rất may khi cuộc cách mạng lần thứ tư với sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, đã đưa văn chương đến với từng nhà, đến với từng người và làm người sáng tác tự do hơn. Chỉ có sự tự do đích thực mới đem lại cho đời thứ văn chương đích thực.
Tôi tin rằng kho tàng ca dao dân ca phong phú, tuyệt hay của ta có được chính là nhờ sự tự do sáng tạo ấy. Khi viết: “con vua thì lại làm vua/con sãi ở chùa lại quét lá đa” hẳn người sáng tác chẳng e ngại gì “nhà vua”. Cũng như khi một cây bút dân gian người Hà Nội viết: “Ghế thì ít, đít thì nhiều /Cho nên đấu đá là điều tất nhiên”, là ông phản ánh một hiện trạng đáng buồn trong chốn quan trường ngày nay bằng một thủ pháp so sánh đơn giản, thú vị, dễ nhớ và chẳng e ngại “quan” nào. Còn một cây bút dân gian người Hưng Yên thì viết:“Lời chào nhạt thếch nhớ mong/ Bắt tay lạnh ngắt gan lòng bàn chân”, thì có vẻ như ông đang phản ánh một hiện thực khác của xã hội, một sự thiếu niềm tin, ngay cả giữa các “đồng chí” với nhau. Tất nhiên những cây bút dân gian phản ánh hiện thực cuộc sống, với muôn hình muôn vẻ của nó, có phê phán, có tình yêu, có khổ đau, có dự báo, có ước vọng với một trái tim đầy khát vọng sống và yêu, đầy khát vọng về những điều tốt đẹp rồi sẽ tới... với nghệ thuật đôi khi cũng rất “chuyên nghiệp”, rất dị, thậm chí đi được vào lòng người như kiểu thơ Bút Tre vậy. Nếu bạn đọc những câu thơ này:“Phải tay ông gặp Thị Màu/ Chẳng sưng đầu mõ cũng nhàu vú chuông/ Thiêu thân hiến xác là thường/ Đời chê mặc kệ tôi thương Thị Màu”, hẳn bạn sẽ thấy cách cảm nhận khác thường về hình tượng chèo nổi tiếng này. Còn đây nữa:”Lạc trong đời đạo dắt ra /Lạc trong đạo sẽ có ma dắt vào”, bạn sẽ thấy có một sự biện chứng sâu xa trong câu thơ này. Đạo (đạo lý chân chính) có thể giúp người ta thoát khỏi lầm lạc trong đời, nhưng u mê trong đạo(như một sự giáo điều) thật khó mà thoát ra được.
Từ xa xưa, những cây bút dân gian đã để lại cho đời những sáng tác hay nhất với nghệ thuật bậc thầy của nó, là một phần quan trọng(thậm chí là quan trọng bậc nhất vì nó tạo nên tâm hồn Việt, bản sắc Việt thuần túy) trong kho tàng văn chương Việt, trong kho tàng văn hóa Việt. Những cây bút dân gian ngày nay đang tiếp nối truyền thống quý báu ấy. Vì vậy tôi tin rằng nền văn chương Việt và cả nền văn hóa Việt chẳng phải phụ thuộc vào hội nào cả, bởi vì nhân dân luôn là chủ thể sáng tạo bậc nhất.
Đinh Quang Vinh
Theo http://tacphammoi.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những hướng tiếp cận mới trong tập sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” Tập sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” của PGS.TS. Nguyễ...