“Cá nhân bị tâm thần phân lập”
là “thứ ngôn ngữ của phi lí và nghịch lí,… hướng tới thứ ngôn ngữ nghi vấn cái
lẽ phải của ngôn ngữ logic và liên hệ nhân quả được chấp nhận chung”…
Diễn ngôn tâm thần phân lập
(discours schizophrénique) là thuật ngữ do hai triết gia và nhà nghiên cứu văn
học người Pháp là G.Deleuze và F.Guattari đề xuất trong công trình viết năm
1972, Chủ nghĩa tư bản và bệnh tâm thần phân lập: Chống Oedipe (Capitalisme et
Schizophrénie I. L’Anti-Œdipe).
Hai ông cho rằng nghệ sĩ
‘đích thực’ tất phải là một ‘cá nhân bị tâm thần phân lập’. Ngôn ngữ của những
nghệ sĩ ‘đích thực’, những ‘cá nhân bị tâm thần phân lập’ là ‘thứ ngôn ngữ của
phi lí và nghịch lí,… hướng tới thứ ngôn ngữ nghi vấn cái lẽ phải của ngôn ngữ
logic và liên hệ nhân quả được chấp nhận chung’. Nói cách khác, đây là diễn
ngôn của chủ thể tâm thần phân lập, bị diễn ngôn/quyền lực thống trị tự cho là
chân lí, lí tính, chuẩn mực ‘hắt hủi’ và đẩy ra bên lề. Thuật ngữ được đề xuất
bởi G.Deleuze và F.Guattari vốn chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng của M.Foucault.
Phân tích mối quan hệ giữa chứng điên và nền văn minh trong công trình Chứng
điên và Nền văn minh(Madness and Civilisation – 1967), Foucaul chỉ ra rằng,
chứng điên là một sản phẩm được kiến tạo bởi xã hội chứ không phải là sản phẩm
tự nhiên. Trước thế kỉ XVI, sự thác loạn tinh thần không bị coi là đồi bại về mặt
xã hội, và người điên được tự do đi lại, không bị quản thúc. Sau thời điểm này,
người điên bị quản thúc trong các nhà thương điên, bị ‘nhốt nơi gác mái’, bị
giam giữ bằng nhiều hình thức khác nhau, bị ‘nhìn’ bằng một con mắt khác, bị
‘xã hội hắt hủi’. Bởi vì, nền văn minh hiện đại đề xuất các quy chuẩn chung về
mặt tri thức và xã hội làm cơ sở để hình thành các cộng đồng. Người điên, người
già, người bệnh, phạm nhân, nghệ sĩ… thường bị tách khỏi các chuẩn tắc này, tồn
tại đồng thời và song song với phần còn lại, bị xã hội ‘lành mạnh’, ‘lí trí’,
‘tỉnh táo’ quản chế và ‘hắt hủi’. Thái độ và cơ chế ứng xử thiên lệch, bất công
này dần dần biến thành ‘vô thức tập thể’, trở thành quan điểm chung được thừa
nhận rộng rãi đến mức xem đây là biểu hiện của trình độ văn minh. Foucault và
tiếp đó, Deleuze và Guattari coi đây là biểu hiện rõ ràng nhất tình trạng ‘bệnh
hoạn’ của nền văn minh tư sản.
Cũng theo M.Foucault, diễn
ngôn phản ánh và kiến tạo tri thức, đạt hiệu lực tác động làm đổi thay xã hội,
vì vậy, nó đồng nhất với quyền lực. Sức mạnh tác động và sự nguy hiểm của diễn
ngôn/quyền lực khiến nó phải được/bị kiểm soát và điều khiển. Một trong những
cơ chế kiểm soát và điều khiển đó là đối lập giữa điên rồ và lí tính, xác lập
cơ chế bất bình đẳng, theo đó diễn ngôn của người điên bị diễn ngôn/quyền lực
thống trị loại trừ nhằm đạt mục tiêu ổn định trật tự xã hội2. Cũng như các loại
diễn ngôn bị trị/loại trừ khác như diễn ngôn nữ quyền, diễn ngôn hậu thực dân,
diễn ngôn tính dục đồng giới,… diễn ngôn tâm thần phân lập là đối tượng nhận được
sự quan tâm phân tích từ nhiều phía. Bởi vì, theo quan niệm của G.Deleuze và
F.Guattari, diễn ngôn tâm thần phân lập là nhân tố cách mạng, vừa đối lập với sự
thống trị của diễn ngôn văn hóa được chấp nhận chung, vừa giải phóng cá nhân
nghệ sĩ khỏi sự áp chế của diễn ngôn duy lí và trật tự thông thường. Bài viết
này, ở một góc độ nào đó, muốn khẳng định rằng, Bùi Giáng và kiểu thơ Bùi Giáng
chính là biểu hiện thú vị nhất của kiểu diễn ngôn tâm thần phân lập.
Là một nhà thơ ‘điên rực rỡ’,
ý thức rõ về tài năng và phẩm giá của người nghệ sĩ trong xã hội hiện đại, Bùi
Giáng thuộc về một ‘nền văn học thiểu số’, diễn ngôn thơ của ông là biểu hiện của
kiểu ‘diễn ngôn tâm thần phân lập’. Thơ tâm thần phân lập/thơ điên của Bùi
Giáng thể hiện trước hết ở chỗ, ông bất chấp những rào cản húy kị để hoàn toàn
tự do viết thỏa thích về ‘cái ấy’ của người nữ, biến nó thành một thi ảnh nổi
trội. Có thể nói, không nhà thơ Việt Nam hiện đại nào lại chơi với vần ồn dày
đặc như Bùi Giáng, và không nhà thơ nào có thể có một ngữ vựng về lộn như
Trung niên thi sĩ3. Độc giả sẽ thấy trong thơ Bùi Giáng, đồng hành cùng vần ồn nhất
định thế nào cũng xuất hiện phụ âm ‘l’ và hình ảnh người nữ. Chẳng hạn: Lấm
cồn lầm cát lầy thôn/ Xuống hang xứ sở xương dồn dập da/ Một hai ba bốn
năm và/ Trời ơi có nhớ hẻm nhà hồng nhan? (Trời không có nhớ). Người
đọc thường gặp trong thơ ông các kiểu nói lái đa dạng như: tồn lưu, lưu tồn,
tồn liên, liên tồn, lộn mồng, lộn bèo, lộn tờ và nhiều biến thể kèm theo: Lọt
cồn tận gió đi hoang/ Tồn liên ở lại xin làm dồn ra (Mưa nguồn), Dấu
sương dấu cỏ dấu bèo/ Dấu liên thồn dựng thu vèo sang đông (Tờ điên tiên
nương ngủ), Um tùm tơ cỏ khe mương liên tồn(Cô giáo bước đi). Có một số
bài thơ, chẳng hạn bài “Thằn lằn địa phương”, do sử dụng vần ồn một
cách dày đặc kết hợp với các luyến láy có phụ âm ‘l’, người đọc không khỏi mỉm
cười trước trò chơi thơ của Bùi Giáng. Ông gợi liên tưởng, tổ hợp, kết hợp, luyến
láy, nói lái, đùa giỡn với cặp ồn/l trên đối tượng thi ca là các nàng
thơ như Em mọi, gái núi, Công chúa trên rừng, thôn nữ Vĩnh Trinh, gái Quảng
Nam, Duồng Mô Din, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, Nam Phương Hoàng hậu, nường
Kỹ nữ… Đây là hiện tượng phổ biến và là đặc sắc riêng trong thơ Trung niên thi
sĩ. Tuy ám gợi ‘cái ấy’ của người nữ nhưng thơ Bùi Giáng không khêu gợi ‘căn
tính dâm của loài người’. Vì thơ ông thấm đẫm tính chất ‘rỡn chơi’. Và trò rỡn
này ban sơ, trong trắng, như lọc qua trái tim và khối óc trẻ thơ vậy.
Ngoài những bài thơ luyến
láy với vần ồn kiểu trên đây, Bùi Giáng còn thể hiện một cách vui
tươi ‘cái ấy’ của người nữ qua hình tượng lá và cỏ. Tất nhiên,
lá và cỏ trong thơ Bùi thi sĩ thường cặp đôi với khe, mép, môi, hang, hẻm, nước,
bờ, ruộng, mương và… vần ồn. Ông miêu tả lá và cỏ không
như một cái gì vốn có, tĩnh tại, bất động mà như sự phát tiết sinh động gắn với
ham muốn: Cỏ mọc khe rêu dấu ngọc ngà/ Cỏ xanh như nguyệt lục hằng
nga/ Cỏ miền Cấm Địa vô ngần cỏ/ Cỏ mở hai hàng mọc suốt qua/ Hai
hàng cỏ mọc cứ lân la/ Rất mực như nhung rất mực là/ Cấm Địa trời ơi
Trẫm nhớ quá/ Một hang lõa xõa mép lòa xòa (Trẫm nhớ em); Em mở
hai hàng/ Cỏ mọc ra/ Trẫm nhìn thơ mộng/ Cỏ chan hòa/ Um tùm một cõi/ Hương lồng
lộng/ Phơ phất tà xiêm/ Phe phẩy hoa (Trẫm ghé thăm). Một hai hai một
bồn chồn/ Trời hôn cái lá trên cồn của em (Lần thứ tư trời hôn cái lá).
Trời hay Trẫm tất nhiên thoát khỏi những quy phạm đạo đức, vì vậy cũng thoát khỏi cái án ‘dâm tục’. Nhưng Trời = Trẫm = Tôi, tất thảy đều là cái tôi trữ tình của Bùi thi sĩ. Khe, mép, môi, hang, hẻm, nước, bờ, ruộng, mương trong thơ Bùi Giáng cũng cặp đôi cặp ba cặp tư kiểu liều lĩnh hang (Cồn cũng có), ruộng em như thể sương hoàng hậu hoa (Trời không có nhớ), hẽm nhà hồng nhan (Lần thứ tư trời hôn cái lá), khép hang hố thẳm sau tà hồng xiêm (Ngủ yên bên lá), Hang thăm thẳm sợ xuân tràn ngập mây (Thời gian), Trăng đầu sóng loạn lộn là lạ mương (Lộn rừng), Ruộng em như thể ải đồn loạn quân (Ruộng em như thể), Mồng ba khe lộn ra mồng (Cõi Tô Châu), Ngõ ra thục nữ hẻm vào hồng nhan (Hái lộn hàng), Mắt thôn nữ ngó khe mương trong mình (Siêu thực tuy nhiên màu đen gái núi), Em đi bên ấy trăng tròn khép/ Hai ống mơ hồ mỏi một hang (Lý cũng như đào)… Tất cả những kết hợp lạ hóa trên đây trong thơ Bùi Giáng, xét cho cùng đều ám gợi rỡn chơi người nữ, gây cho người đọc một tiếng cười khúc khích, vui vẻ.
Trời hay Trẫm tất nhiên thoát khỏi những quy phạm đạo đức, vì vậy cũng thoát khỏi cái án ‘dâm tục’. Nhưng Trời = Trẫm = Tôi, tất thảy đều là cái tôi trữ tình của Bùi thi sĩ. Khe, mép, môi, hang, hẻm, nước, bờ, ruộng, mương trong thơ Bùi Giáng cũng cặp đôi cặp ba cặp tư kiểu liều lĩnh hang (Cồn cũng có), ruộng em như thể sương hoàng hậu hoa (Trời không có nhớ), hẽm nhà hồng nhan (Lần thứ tư trời hôn cái lá), khép hang hố thẳm sau tà hồng xiêm (Ngủ yên bên lá), Hang thăm thẳm sợ xuân tràn ngập mây (Thời gian), Trăng đầu sóng loạn lộn là lạ mương (Lộn rừng), Ruộng em như thể ải đồn loạn quân (Ruộng em như thể), Mồng ba khe lộn ra mồng (Cõi Tô Châu), Ngõ ra thục nữ hẻm vào hồng nhan (Hái lộn hàng), Mắt thôn nữ ngó khe mương trong mình (Siêu thực tuy nhiên màu đen gái núi), Em đi bên ấy trăng tròn khép/ Hai ống mơ hồ mỏi một hang (Lý cũng như đào)… Tất cả những kết hợp lạ hóa trên đây trong thơ Bùi Giáng, xét cho cùng đều ám gợi rỡn chơi người nữ, gây cho người đọc một tiếng cười khúc khích, vui vẻ.
Sự trùng điệp và biến hóa đa
dạng của vần ‘ồn’, sự trở đi trở lại của cách nói lái và ám gợi người nữ qua những
hình ảnh biểu trưng như lá, cỏ, khe, mép, môi, hang, nước, ruộng, mương… gắn với
ám gợi của người nam trong thơ Bùi Giáng cho thấy một đặc điểm của thơ
điên: khước từ những cách nói ‘văn hoa’ hợp chuẩn nhưng tự động hóa và tập thể
hóa để hướng đến một ngôn ngữ lạ hóa thể hiện rõ bản chất sự sống hồn nhiên nhi
nhiên bất diệt của con người. Hiện tượng này không phải là độc sáng, lần đầu
tiên có trong diễn ngôn văn chương và diễn ngôn xã hội nếu ta liên hệ với truyện
cười, thơ ca dân gian và thơ Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, các biểu tượng sinh thực
khí và các ám chỉ hành vi tính giao trong thơ Hồ Xuân Hương là hiện thân của
‘hoài niệm phồn thực’ mang tính vô thức và phần nào mang ý thức phái tính và nữ
quyền của nữ sĩ, thì ở Bùi Giáng, ‘cái ấy’ của người nữ với bao biến thể lấp
lóa, lồ lộ, ứ tràn là biểu tượng cho khát khao thành thực, lành mạnh của thi
sĩ. Nếu trong diễn ngôn quyền lực thống trị của giới tinh hoa, việc nói về ‘cái
ấy’ của người nữ và ‘chuyện ấy’ của người nam như một kị húy hoặc ít nhất cũng
có quy phạm (Bút Tre: Làm thơ nên tránh vần ồn…) thì Bùi Giáng biến nó
thành tự nhiên, vui tươi và lành mạnh trong thơ mình. Bằng cách này, Bùi Giáng
muốn khẳng định một kiểu giá trị đạo đức xã hội và thẩm mỹ riêng: Dù là
gái đốt than/ Cũng đẹp như suối ngàn/ Chảy từ trên núi xuống/ Xin loài người
hãy uống/ Nước từ hở hang khe/ Trong bóng tối đêm khuya/ (Hoặc trong ánh sáng
ban ngày cũng được) (Ôi một người con gái).
Thơ Bùi Giáng có không ít
bài viết về ‘sự trần trụi’ của người nữ. Dĩ nhiên, kẻ nào không biết che đậy cơ
thể, nhất là chỗ kín trước mắt người khác, kẻ ấy sẽ bị coi là điên rồ (trừ trẻ
con và những hành vi có thỏa ước như tắm ở các bãi biển…). Bùi Giáng không viết
về người điên trần trụi không mặc quần áo, nhưng thơ ông thể hiện một ham muốn
được tước bỏ xiêm áo. Có những bài thơ chỉ nhẹ nhàng ‘hở chân’ (Bỏ hai chân,
Bàn chân với nước), ngồi vén xiêm (Làm thân con gái). Có bài thơ ám gợi: ‘cồn hở
hang’ (Thúy), ‘hang hầm hở hang’ (Nam Đình nghe động). Nhiều bài viết về chuyện có/không/chưa
mặc quần (Nam Đình nghe động, Lẫn lộn lung tung, Hoàng hoa siêu thực, Tuy
nhiên), mặc quần mới (Mảnh quần), quần rách (Sa mạc phát tiết,
Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh)… Mặc hay không mặc quần, quần lành hay rách, cũ hay mới
thì điểm đến vẫn là ‘ẩn ngữ dịu dàng’ Cái không thấy mới thật kỳ/ Còn hơn
cái thấy ù lì rõ ra (Tái bút).
Các bài thơ về sự khỏa thân của Bùi Giáng cũng thật lắm lối: ‘cởi áo quần ra tắm khe nước’ (Ở trong rừng), ‘vắt quần phơi khóm trúc’ (Gái lội qua khe), ‘gái truồng thân ra’ (Duồng mô din), ‘Nhớ con gái núi thân truồng’ (Nhớ con gái núi), ‘ở truồng suốt năm’ (Nai cao nguyên). Nhân vật trữ tình trong thơ Bùi Giáng thường trần truồng ở nơi rừng rú, khe nước, hang động. Rừng rú là một ham muốn của Bùi Giáng. Những bài thơ như Gái buồn, Tóc bạc thưa rằng, Câu chuyện ở trong núi, Lộn rừng, Em Mọi nằm ngủ ở trong rừng, Lời gái núi, Em Mọi là em, Ở trong rừng,… thể hiện nỗi niềm hoài nhớ hang núi, hang rừng, rừng rú dại, rừng xanh, beo cọp gấu voi vượn, gió núi lộn rừng. Từ khước những bộ quần áo xã hội, trở về rừng tức về với bản nguyên sơ khai, hồng hoang, thiên nhiên, tự do là một ham muốn không bao giờ vơi cạn của thi sĩ Bùi Giáng.
Các bài thơ về sự khỏa thân của Bùi Giáng cũng thật lắm lối: ‘cởi áo quần ra tắm khe nước’ (Ở trong rừng), ‘vắt quần phơi khóm trúc’ (Gái lội qua khe), ‘gái truồng thân ra’ (Duồng mô din), ‘Nhớ con gái núi thân truồng’ (Nhớ con gái núi), ‘ở truồng suốt năm’ (Nai cao nguyên). Nhân vật trữ tình trong thơ Bùi Giáng thường trần truồng ở nơi rừng rú, khe nước, hang động. Rừng rú là một ham muốn của Bùi Giáng. Những bài thơ như Gái buồn, Tóc bạc thưa rằng, Câu chuyện ở trong núi, Lộn rừng, Em Mọi nằm ngủ ở trong rừng, Lời gái núi, Em Mọi là em, Ở trong rừng,… thể hiện nỗi niềm hoài nhớ hang núi, hang rừng, rừng rú dại, rừng xanh, beo cọp gấu voi vượn, gió núi lộn rừng. Từ khước những bộ quần áo xã hội, trở về rừng tức về với bản nguyên sơ khai, hồng hoang, thiên nhiên, tự do là một ham muốn không bao giờ vơi cạn của thi sĩ Bùi Giáng.
Đối với những kẻ ‘bình thường
không điên’, thơ Bùi Giáng dồn ứ những hoang tưởng kiểu Nhìn nàng tưởng tượng
bông hoa/ Nhìn hoa tưởng thấy thiết tha một nường (Nàng Tiên). Chiếu theo
con mắt nghề nghiệp của bác sĩ tâm thần, thơ Bùi Giáng còn đầy những hoang tưởng
như hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao và hoang tưởng được yêu. Bùi Giáng
tưởng tượng rằng mình sẽ bị Thần Chết bắt về thế giới bên kia. Ông nói chuyện,
tâm tình cùng Tử thần (Kính tặng Thần Chết, Tái tặng Tử Thần, Tái bút cho Tử Thần).
Chỉ ở những tâm hồn thi sĩ mới có ‘hội chứng được yêu’ rất thơ thế này: Chiêm
bao anh thấy Hoàng Hậu/Nam Phương dắt tay Marilyn/Kim Cương Nương Tử tới gõ cửa/
xin vào thăm viếng anh, thì anh/bảo rằng anh đang bận viết/lá thư cho em nên
không thể/nào đón tiếp Hoàng Hậu được thì/cảm phiền Hoàng Hậu hãy lui gót/chờ
qua ngày mai anh sẽ ân cần chiếu cố (Em Mọi ôi). Tình yêu của vô số nàng
thơ rất sống động, sống động của chất đời đương diễn ra: đó là tình yêu trần tục
của nàng Kim Cương: Thương yêu thật sự phì nhiêu/ Tự do rờ rẫm yêu kiều
của em (Thương em). Đó còn là tình yêu chân thành của người con gái trên
núi hay chính là Em Mọi nhỏ: Thương anh, em nói thật thà/ Thương anh
rất mực mà ra phụ lòng/ Nếu anh có thật thương em/ Thì xin anh hãy về
rừng với em (Lời gái núi). Trong những bài thơ này, một mình Bùi Giáng diễn
hai vai, hóa thân thành các ‘nàng’, theo đuổi, rủ rê, tỏ bày tình cảm với thi
sĩ. Quả là thi sĩ đã ‘viết Mộng ra Thơ’ và ở riêng lĩnh vực yêu đương Bùi Giáng
có thể sánh với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ở độ nồng nàn nhưng siêu thoát
hơn, vì cái khung biểu đạt của ông thoáng rộng vô cùng, vì thơ của ông là ‘thơ
điên’!
Bùi Giáng không phải là một
nhà thơ nghèo nàn về mặt ngôn ngữ, bởi Cung Tích Biền đã từng đánh giá về Bùi
Giáng là ‘Tề Thiên ngôn ngữ’… ‘Ông làm giàu nghìn lần tiếng Việt’ và
với Bùi Giáng thơ lục bát Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Nhưng với
một trạng thái tinh thần đặc biệt và là một ‘thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của
thi ca Việt Nam hiện đại’ (Thanh Tâm Tuyền), tự hủy về bản thể cũng như tự
hủy trong chính văn chương của mình, ngôn ngữ trong thơ ông chứa đựng triệu chứng ‘nghèo
nàn ngôn ngữ’ như một biểu hiện âm tính của bệnh tâm thần phân liệt. Ông
có xu hướng lặp đi lặp lại liên hồi kỳ trận những từ ngữ, những câu thơ mà ông
yêu thích và đắc ý. Một số nhà phê bình tiếc cho thơ ông quá tạp, vàng thau lẫn
lộn, thơ hay chen lẫn vô số thơ không hay, dở dang. Biết đâu đấy lại chẳng phải
là thi pháp ‘điên rực rỡ’ của thi nhân họ Bùi: những câu thơ hay nhất, xuất thần
nhất, độc đáo nhất cũng tương tự như những lời minh triết, sáng suốt thường lẫn
vào trong mớ rơm rác đáng vứt đi trong lảm nhảm liên miên của kẻ điên khùng? Phải
chăng Bùi Giáng ‘điên’ và ‘thơ điên’ của Bùi Giáng là một tự giác nhằm đối lập
với toàn bộ diễn ngôn duy lí, thực dụng, vụ lợi, bị công thức hóa và hàng hóa
hóa nhan nhản trong thời đại văn minh của chúng ta?
Có thể khẳng định, tiếng nói
của người điên là tiếng nói vô tư thuần túy bất vụ lợi và bản năng phi lí tính
nhất, nơi mà ý thức của kẻ khác không thể can dự, do đó nó đáng tin cậy hơn thứ
ngôn ngữ mặt nạ rào đón đầy cân nhắc của lí trí tỉnh táo, nơi mà mọi lời nói đều
đi qua những bộ lọc lí trí, nơi tính hợp thức bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu
tiên, ở đó chứa chất thói xu thời, thực dụng, đạo đức giả được ngụy trang tinh
vi. Xét từ góc độ này, thơ Bùi Giáng xứng đáng là thơ điên hơn ai hết.
Chứng điên và thơ điên/thơ tâm thần phân lập của ông, không nghi ngờ gì nữa, dĩ
nhiên thuộc về phía cách mạng: cách mạng ngôn ngữ thi ca Việt Nam hiện đại.
NGUYỄN VĂN THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét