Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Tự do, thả mình vào cõi sống

Tự do, thả mình vào cõi sống
Nhà thơ Mai Văn Phấn là một trường hợp độc đáo của thơ ca đương đại Việt Nam khi không ngừng nỗ lực để tự vượt thoát qua nhiều khúc rẽ trên hành trình sáng tạo, cách tân. Mỗi tập thơ mới ra mắt là một lần tác giả đem đến những ngạc nhiên cho bạn đọc. Tập thơ thả (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 2015) là một ngạc nhiên mới.
Lối thơ ba câu         
Ngay từ tập thơ hoa giấu mặt (2012), Mai Văn Phấn đã đặt những bước đi khám phá đầu tiên vào con đường thơ ba câu. Đến thả, ý hướng đó dường như được tiến thêm một chặng dài. Con số 1017 bài trong tập đủ cho thấy, thơ ba câu không phải là chuyện ngẫu hứng nhất thời, mà là cả một lựa chọn đi/ đến của Mai Văn Phấn. Có thể hình dung đó là cả một kế hoạch “xây dựng vùng kinh tế”, một chiến lược “khởi nghiệp” - Startup mới của một người vốn đã rất nhiều thành công nhưng chưa bao giờ tự hài lòng với chính mình, luôn mong đòi tiếp tục khám phá – dựng mở những lãnh địa mới.
Với kiểu loại thơ ba câu, câu hỏi trước tiên ngay lập tức đặt ra, rằng liệu đây có phải là ánh xạ của thơ haiku Nhật Bản? Bỏ qua những liên tưởng về mặt hình thức, bình tĩnh đọc và đối chiếu, tôi cho rằng Mai Văn Phấn không làm thơ haiku. Vấn đề không chỉ bởi các bài thơ trong tập thả có nhan đề, không sử dụng số lượng âm tiết 17, mà cốt lõi là bởi, các dòng thơ – ý thơ được giao quyện liền mạch chứ không tách lập, cảm thức chủ đạo tươi thắm sống động chứ không u huyền.
Đến đây, vấn đề là câu hỏi, vì sao Mai Văn Phấn chọn thơ ba câu?
Không ít người viết cũng vì khát vọng cách tân chính đáng mà rơi vào hình thức chủ nghĩa. Lắm khi, cái thôi thúc đầy hấp dẫn của sự tân kì trong câu chữ, cấu trúc khiến người viết đuổi theo những hình thức văn bản không phù hợp với con người bản thể trong mình. Nhưng với Mai Văn Phấn, ông không dễ bị lôi kéo bởi hấp lực của cái độc, cái lạ, mà quan trọng, thơ ba câu dường như là cách tốt nhất để ông đi tìm/ về với/ diễn tả con người bản thể. Ba câu có sức mạnh và lợi thế riêng mà chỉ một loại hình ngắn gọn gần như đến mức tối đa như nó mới có được. Nó là cả một thế giới huyền bí với sức tối giản, khả năng tiết chế, tính khoảnh khắc, sự thanh tịnh, chất tinh lọc mà những kiểu loại thơ sử dụng dung lượng chữ lớn hơn sẽ không có. Tối giản để bao chứa. Tiết chế để bùng nổ. Khoảnh khắc để dư vang. Thanh tịnh để yêu thương. Tinh lọc để đi đến cốt lõi, tận cùng. Có lẽ vì thế, thơ ba câu là sự lựa chọn đích đáng nhất với Mai Văn Phấn - vào thời điểm này, tầm quãng sáng tạo này. Điểm đến này vừa như là một đích hướng tất yếu, vừa như là một “kế hoạch” đã được chuẩn bị bằng quá trình mấy chục năm sáng tác từ trước đến nay.
Dĩ nhiên, đích đáng cũng không có nghĩa là hoàn hảo. “Kế hoạch” trong sáng tạo một mặt đem lại những tác phẩm vừa tầm vóc vừa có tính hệ thống, nhưng mặt khác, có thể tạonên thói quen và sự lệ thuộc nhất định nào đó không có lợi cho sáng tác. Hãy thử hình dung, đọc 1 bài thơ ba câu có thể thấy rất thích thú, đọc 10 bài thơ ba câu có thể thấy rất hay, đọc 100 bài thơ ba câu có thể thấy choáng ngợp, nhưng, nếu đọc 1000 bài thơ đều tăm tắp ba câu thì có khi vấn đề sẽ phức tạp và rắc rối hơn nhiều. Mai Văn Phấn quá hiểu điều đó, nhưng đó là lựa chọn của nhà thơ.
Điệu thơ khoan hòa, thung dung mà chăm chú
(Tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2015)
Một khác biệt trong tập thả so với thơ của phần nhiều nhà thơ Việt Nam hiện thời và so với chính phần nhiều các tập thơ trước của Mai Văn Phấn là ở điệu thơ lạ, ấn tượng - ấy là điệu kể, và chỉ kể. Hơn 1000 bài thơ thì cũng là hơn 1000 “câu chuyện” được tác giả kể, và chỉ kể.
Đây là câu chuyện về Vườn mẹ: Chim chóc/ Làm tổ/ Sát mặt đất. Chim chóc không hề được tả (ví như: non, mỏi, đông đúc, lẻ loi v.v..). Người viết cũng chỉ cho biết chúng làm tổ, mà chẳng hề tả làm tổ thế nào (ví như: vội vã, miệt mài, hăng say v.v..). Chỉ biết tổ ở sát mặt đất. Có vẻ như không có gì để nói. Chỉ có thế, nhưng thật ra tất cả mã khóa nằm trong ấy. Niềm gắn bó thiết tha với đời sống này, tất cả gói ghém trong ba dòng tưởng như không nói gì ấy.
Đây là câu chuyện về Mùa hái quả: Chùm quả đầu tiên đã chín/ Người phụ nữ/ Vòng tay búi tóc. Tưởng chừng như câu thơ chỉ làm một việc đơn giản là tái hiện lại sự thể, nhưng đọc chậm, đọc kĩ, thấy toát lên một chút lam lũ và rất nhiều yêu thương ngọt ngào.
Rồi như câu chuyện Mắc võng trong vườn: Ngả lưng/ Chạm tiếng chim/ Vội co chân lại. Một động tác co chân lại thôi mà ta cảm được bao nhiêu rón rén, nâng niu đến trong veo.
Cũng như thế là câu chuyện Bình tĩnh mà bước: Trong cơn mưa/ Con đường/ Chỗ tối chỗ sáng. Bài thơ có nói gì đâu, sao ta thấy bừng ngộ tâm can mà bình tĩnh, bình thản bước đi trong đời.
Lần theo lối diễn ngôn độc đáo ấy, ta có thể thường xuyên gặp những câu chuyện kể như vậy. Khoác áo ấm: Đút tay vào túi/ Chạm mẩu giấy/ Năm trước. Heo may: Dán/ Khung tranh/ Vào tường. Gió lạnh: Từng cơn/ Chim bồ câu/ Đứng sát vào nhau. Đi vòng quanh mộ: Như diễn lại/ Vòng đời ngắn ngủi/ Người nằm trong đất. Gọt khoai tây: Gọt xong/ Cả khoai và dao/ Đều đẹp. Tan chợ: Con chó/ Người bán/ Nhìn nhau v.v..
Không gợi, không tả, nhà thơ xây dựng một lối diễn ngôn gọn ghẽ đến mức tinh lọc, ưu tiên tối cao cho từ ngữ mang nghĩa sự vật, hạn chế tối đa từ ngữ mang nghĩa tình thái. Nó khiến cho hình tượng thẩm mĩ được khách thể hóa một cách cao độ.
Thủ pháp này đã tạo thành một trường tư duy thơ riêng mới, giúp nhà thơ tránh được thói quen can thiệp để trình hiện thế giới một cách vừa đơn giản, vừa tự nhiên sống động như nó vốn thế. Nhờ thế, nhà thơ như chớp được những khoảnh khắc kì diệu của cuộc sống, chưng đúc lại và để nó đột hiện trong những câu-chuyện-thơ, một cách vừa tôn trọng, vừa trân trọng. Qua suốt hơn 500 trang sách, nhà thơ như chỉ muốn đóng vai người chỉ đường, quan sát, phát hiện, kể lại, tuyệt nhiên không hẹp lòng hay ghét bỏ trước điều gì. Con người nhà thơ yêu sống đến độ như vậy, cho nên trong thơ không mảy may một chút hờn giận, phiền trách, chỉ nguyên vẹn một giọng kể. Kể một cách khoan hòa, thung dung mà chăm chú. Nó làm thành điệu thơ chủ âm riêng có trong thảcủa Mai Văn Phấn.
Người thơ tự do, thả mình vào cõi sống
Tập thơ bắt đầu bằng những bài thơ về mùa xuân, rồi lặng lẽ nhẹ nhàng tự nhiên chuyển sang hạ, đến thu, và đông, với những góc nhìn và những khoảnh khắc khác nhau. Xuân thì ấm áp yêu thương, tinh khôi trong khiết. Mùa: Gieo xong luống đậu/ Tiếng chim nhắc/ Bầu trời trên đầu. Hạ thì tràn căng, trẻ trung, tươi tắn. Trong vòm cây cao: Con chim/ Hót một mình/ Trong vắt. Thu thì lắng sâu, khe khẽ, khiêm nhường. Hoa sữa: Biết mình/ Cánh bé tí/ Vội trổ thêm bông. Mùa đông thì tha thiết, nồng nàn. Màn sương: Ôm/ Đống củi/ Sắp thành than.
Cứ thế, nó là một chuỗi những khoảnh khắc, những phút giây, những sự thể bé nhỏ nhưng tinh hoa, được nhà thơ cất lọc đến thanh sơ, tối giản. Chúng trở thành những khoảnh khắc biết cựa mình chuyển động, để giao quyện chồng nối thành một chu trình hoàn thiện. Đó là hành trình khởi sống, yêu sống, hiểu sống.
Không ngẫu nhiên hay máy móc mà Mai Văn Phấn triển khai cấu trúc tập thơ theo lối tuyến tính như vậy. Nó chính là một ám dụ về cảm quan nhân sinh của nhà thơ. Mỗi khoảnh khắc ngưng thần mà nhà thơ chớp được như là một đột sáng của vẻ đẹp của cõi sống này, trong trẻo thánh thiện, nhưng cũng mong manh vô cùng khi nó lại chìm vào vòng quay của vận thế. Ấy có lẽ là điều mà thi nhân tha thiết nhất.
Thả mình chìm sâu vào yêu thương trong cõi sống, nhà thơ không “thả” theo nghĩa buông bỏ để tìm thảnh thơi, mà ngược lại, “thả” theo nghĩa tự do hoàn toàn trong cảm thức để mong đòi tìm đến tận cùng của thức nhận cuộc đời, cảm thấu con người. Trong chuyến thả mình vào cõi sống ấy, nhà thơ đã gặp nhiều đốn ngộ thấm thía. Chiếc cốc: Uống lúc ngắm hoa/ Giờ/ Còn thơm. Hái sen: Gặp bông/ Nở trên tay/ Về vội. Hoa đào: Rụng bớt/ Sang/ Gốc cây bên cạnh. Sáng mồng một: Nhặt được chiếc tất trẻ con/ Mềm/ Như trái chín. Ngồi một mình: Ngắm mãi/ Chiếc đinh/ Cắm sâu trong tường. Cây mới trồng:Được tưới/ Đẫm/ Hy vọng. Nghé con: Dụi mõm/ Biết ơn/ Mặt đất v.v..
Đi qua mỗi khoảnh khắc như thế, đừng bận lòng câu hỏi đúng/ sai, hãy nhẹ lòng cùng nhà thơ tự do đón nhận, tự do hít hà, tự do thả mình để hiểu mình. Không phải sự rũ bỏ ra đi, mà như một sự trở về. Trở về chính mình. Chỗ này, Mai Văn Phấn đã đến rất gần với Phật tính. Nó là cái sáng trong thanh tịnh của tâm hồn, cái mạnh mẽ của lí trí, để khước từ sự u muội và yếu hèn, nhận thấu đời sống và phận người để điềm nhiên gánh nghiệp, để cân bằng và an nhiên, để yêu thương và biết ơn cõi sống. Với thơ ca, như thế còn gì đáng quý hơn.
Nếu còn điều gì cần nói trong tập thơ này, thì có lẽ, chỉ xin chia sẻ với tác giả khi quá tha thiết, quá nồng hậu, cho nên đôi chỗ còn viết tham, viết lặp. Cũng là dễ hiểu cho lẽ quá yêu.
Phạm Văn Vũ
Nguồn vannghethainguyen.vn
Theo http://vanhoadatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Con nhà sẩm

Con nhà sẩm Giáp căn hộ nhà tôi là nhà ấy - vợ làm báo, chồng PTS, nay gọi tiến sĩ. Ngay buổi đầu họ mới dọn tới, nhìn anh chồng tôi đã ng...