Tiếng chim mùa xuân
Vào một buổi sáng có nắng rực rỡ, trong vườn
tôi chợt vang lên tiếng một con chim lạ. Thời tiết đầu xuân và lúc đó vào chặng
tám giờ.
Khu phố tôi ở tương đối yên tĩnh nên tiếng chim không bị pha lẫn vào một thứ
tạp âm nào. Nó mạnh, sắc cạnh, lảnh lót. Chỉ gồm bảy tiếng "Kéc...
kéc... kéc... kéc kéc... kéc kéc". Ba tiếng đầu ngắt quãng chậm rãi, trịnh
trọng. Bốn tiếng sau thúc mau, nhỏ dần rồi hòa mất vào sự im lặng.
Sau chừng năm bảy phút, chim lại cất lên một tràng bảy tiếng như vậy nữa.
Nhưng lần này chim không còn ở vị trí cũ, nó đã di chuyển cách đó khoảng năm
sáu thước. Tôi đi lại cửa sổ, đưa mắt nhìn ra vườn, chăm chú nhìn nơi xuất
phát tiếng chim nhưng tuyệt nhiên không thấy nó đứng nơi nào. Tôi đã hy vọng
nhìn thấy một con chim thứ hai đứng cạnh nó nữa, vì tiếng "kéc ké"
kia có thể là tiếng gọi của con chim trống. Con chim mái thường chỉ trả lời bằng
một tiếng nhỏ, ngắn, tương đương với tiếng người "em đây" "em
đứng đây" hoặc "em biết rồi, gọi hoài"... ". Những con
chim cưỡng lượn giữa cây keo mổ trái thường đối thoại với nhau như vậy. Chim
trống líu lo từng tràng tiếng hót dài và chim mái hiền thục chỉ trả lời một
đôi tiếng nhỏ.
Khu vườn của tôi thật quá nhỏ để được gọi là vườn. Nó chỉ gồm vài cây ổi,
mươi cây mãng cầu, một số cây dừa, ô ma, bụi trúc... do vậy mà sự viếng thăm
của chim mới gây nhiều xúc động nơi tôi. Không có trái chín vào mùa này, vậy
khoảng thời gian im lặng giữa hai tràng tiếng "kéc... kéc" tự nhiên
được hiểu là thời gian chim sục sạo tìm sâu.
Còn có sinh hoạt nào khác hơn? Và căn cứ theo loại tiếng kêu gióng giả của
nó, tôi hình dung thân nó chỉ lớn bằng con chim sâu, bằng nửa quả trứng gà.
Sinh ra và lớn lên ở miền nông thôn Phú Yên, tôi chưa bao giờ nghe đồng bào
quê tôi nói chim hót mà chỉ nói chim kêu. Khi được đi học, đọc trong cuốn
sách tập đọc đầu tiên câu "Chim hót véo von" thấy ngay chim hót diễn
tả tâm trạng của chim đúng hơn, hay hơn chim kêu. Đứng trên cành hay bay trên
cao, trong nắng vui và giữa gió mát, thả từng tràng líu lo, say mê không dứt...
đó là tiếng hát, tiếng hót: họa mi hót, sơn ca hót. Còn khắc khoải những tiếng
ngắn rời rạc, gióng giả mới là tiếng kêu: cuốc kêu, bìm bịp kêu... Và khi đã
cố gắng phân biệt hót và kêu, tôi lúng túng không biết ràng tiếng
"kéc... kéc" là tiếng kêu hay tiếng hót. Đa phần, đó là tiếng mô tả
niềm vui, nhưng một chút đặc tính gì đó của âm thanh khiến tôi không thể loại
bỏ tính chất gọi kêu của nó.
Thật viễn vông! Đứng nhìn ra vườn mà phân tích tiếng chim! Và dẫu chăm chú
nhìn chỉ một khu cây lá nhỏ mà vẫn không tìm thấy được nó. Chỉ nghe tiếng hót
di chuyển: thoạt đầu ở tàng cây dừa nơi ranh rào. Sau đó di chuyển về mấy cây
mãng cầu ở dọc bờ tường. Sau một khoảng im lặng hơi lâu, tiếng chim chợt nổi
lên, bất ngờ, ở mãi cuối vườn nơi những cây ổi. Rồi chuyển sang cây ô mạ Sang
cây khế. Sang mấy giàn nho xum xuê bên khóm Trịnh Phong. Và cuối cùng là một
tràng tiếng rất nhỏ nghe văng vẳng ở mãi tận cuối đường. Rồi mất tăm.
Cứ mỗi mùa xuân như vậy, có chừng ba lần con chim trở về với tôi. Nó trở
thành quen thuộc. Năm đầu tôi không mong đợi vì chim trời cá nước, dưới đôi
cánh bay, cây lá thiếu chị Vút một cái đã vượt hàng trăm thước thì con đường
nhỏ này, khu vườn nhỏ này đâu có được ghi chú trên hành trình? Không có trái
chín đặc biệt quyến rũ, không có cảnh trí đặc biệt gợi nhớ. Thành ra mỗi khi
chim bay vút mất tăm hơi là tôi coi như vĩnh viễn giã từ. Bắt chước người xưa
mà nói: Thiên tái nhất thì! Ngàn năm một thưở. Vậy mà bất ngờ, sau đó tiếng
chim trở lại. Rồi trở lại lần nữa. Trung bình ba bốn lần trong ba tháng mùa
xuân.
Nhớ có một kỳ trời động kéo dài, tôi đang bị tiết trời đổi thay mà nhức đầu sổ
mũi. Đang nằm trong giường chợt nghe tiếng "kéc... kéc". Cố gắng ngồi
dậy như để đáp ứng tiếng kêu, nhưng sợ ra cửa gió lùa, bệnh có thể nặng thêm.
Thôi, cứ nằm. Tiếng "kéc... kéc" lại trỗi lên giục giã. Kệ, cứ trì
chí. Nhưng sang nhịp "kéc... kéc" thứ tư thì không cưỡng lại được.
Phải trùm khăn đứng dậy núp sau rèm cửa sổ nhìn ra. Vẫn chỉ là khu vườn lá
xanh trong gió lao xao, với ánh nắng chảy từ lá này rót sang lá khác.
Một tiếng chim trung thành thủy chung như vậy, nhất định là tôi phải tìm hỏi
cho biết tên. Chọn hỏi những người có dính dáng đến nông thôn, càng có phong
cách quê mùa càng tin tưởng hơn. Nhưng lạ, không ai có một hiểu biết đích
xác. Chừng như ai cũng có nghe mà không chú ý lắm. Họ đưa ra tên này... tên
này... rồi tự cải chính lấy. Chẳng hạn: "Tiếng con chim chăn vịt đó
mà... Chiều chiều đến giờ lùa vịt là nó kêu. Ở đồng gò Dài thiếu gì... Uở, mà
con này kêu buổi sáng". Đó, cứ cái kiểu hăng hái mở đầu rồi rụt rè thụt
lùi như vậy đó. Một anh bạn gốc Huế nói ngoài anh người ta kêu là con chim lò
rèn, vì tiếng nó giống nhịp đập của búa nơi lò rèn. Lại có dịp để suy nghĩ về
những cái tên, về những số phận. Con chim sống giữa nông thôn thì lãnh một
cái tên bình dân: lò rèn. Thì cũng như con của chính mình, cứ thoải mái đặt
tên con Lượm, thằng Chút, con Mót, con Mừng...
Một ông bạn nghe tôi mô tả tiếng chim liền nói: "Người Pháp đặt tên nó
là chim mồ côi (l'orphelin) vì tiếng kêu buồn khắc khoải gồm bảy âm rời mà họ
diễn ra là tiếng kêu than: "Cha, mẹ, anh, chị, chết cả rồi" (père,
mère, frères, soeurs, tout est perdu).
Ít khi tôi có được những giây phút thích thú thanh thản như khi nghe câu chuyện.
Tưởng tượng một tâm hồn lãng mạn lắng nghe tiếng chim rồi diễn ra lời than thở.
Trí óc sử dụng hằng ngày thường hướng đến cái lợi, mấy ai an lạc vô ưu đem
trí óc ra nghĩ chuyện vẩn vơ -Chim mồ côi-, cái tên rất gợi hình gợi cảm,
nhưng dường như không thật đúng với con chim của tôi. Tiếng "kéc...
kéc" không có giọng bi thương của kẻ mồ côi. Giọng của kẻ thất bại than
thân thì giống hơn. Chẳng hạn than: "Tiền, của, danh vọng, tình yêu,
tiêu tan mây khói".
Nhớ có lần được biết tên hoa lẻ bạn, nay biết thêm tên chim mồ côi. Con người
cô đơn cậy hoa mượn chim gánh bớt nỗi sầu, chia sớt lòng buồn. Bình thường
lúc nhỏ người ta mê chim, lớn tuổi người ta yêu hoa. Kỷ niệm xa nhất của tôi
về chim là hồi bảy, tám tuổi, theo bác tôi đi ra ruộng vào mùa gặt tháng tám.
Những người lực điền cầm vòng hái cắt thân lúa soàn soạt. Đến giữa đám lúa, một
ông lực điền vừa hươ vòng hái thì chợt phát hiện một cái ổ cò bện quấy quá bằng
những thân lúa. Bắt được ba cò con, thấy tôi đứng trên bờ, ông đem cho một.
Tôi đem về nuôi, bón cho ăn những mảnh cá xé nhỏ. Nhưng nuôi được ba ngày thì
nó chết. Đào đất chôn, tôi vừa khóc. Nhiều đứa nhỏ không bị rủi ro như tôi,
người lớn thường cho một con chim chào mào, một con quành quạch, vừa mổ trái
mảnh bát vừa nhảy nhót trong lồng. Chỉ khi tự ý leo bắt ổ chim mới chụp nhằm
những con chim con mép mỏ viền vàng, lông lưa thưa và cái bụng lặc lè kéo đi
không nổi. Dại đem về nuôi, vài ngày nằm chết. Chừng như đứa bé nhà quê nào
cũng ít nhất một lần, cầm xác chim con mà khóc...
Một hôm tôi hỏi ông công chức hưu trí ở trước nhà - Ông hay làm thơ Đường luật-
hy vọng gặp một người tri âm:
- Hôm qua bác có để ý nghe tiếng kéc... kéc của một con chim lạ, hay ghé lại
xóm mình?
Ông ngẩn ngơ, vừa lắc đầu:
- Đâu? Có con chim nào đâu?
Một bữa sau tôi lại hỏi một anh bạn ở đầu phố Nguyễn Thiện Thuật, nơi mà con
chim nhất định đã đậu lại cất tiếng kéc... kéc trên bước đường vân dụ Nơi này
có nhiều cây phi lao và cây xà cừ cổ thụ um tùm. Nhưng anh lại cũng ngơ ngác
hỏi lại:
- Có con chim kêu tiếng vậy hả?
Vậy là tôi cô đơn. Trong việc thưởng thức tiếng chim, không ngờ mà cũng phải
Bá Nha-Tử Kỳ nữa!
Câu chuyện về một con chim trời chưa thấy rõ hình dung, chưa biết đích danh
tính, tưởng như vậy đã đủ rồi. Nào ngờ chị bạn xa cách ngót mười năm, chợt bất
ngờ ghé thăm. Chị vừa từ một thành phố xa về dự lễ an táng mẹ. Giữa câu chuyện
bùi ngùi, giọng chị chợt ngập ngừng:
- Lúc đắp mộ cho mẹ mình xong thì vừa nắng tắt. Buổi chiều nơi nghĩa trang thật
buồn. Mọi người đang âm thầm đau xót vì sắp phải từ giã mẹ thì chợt có con
chim kêu kéc... kéc... kéc... kéc một tràng dài.
Có lẽ tôi đã giật mình, nhưng phản xạ nhẹ quá bạn tôi chắc không nhận ra và
chính tôi cũng chỉ cảm thấy mơ hồ. tôi hỏi:
- Có thấy con chim không?
- Không.
- Có biết người ta kêu tên con chim đó là gì không?
- Không. Không nghe ai kêu.
"Khéo chọn chỗ để trình bày giọng hát", tôi thầm nghĩ. Nhưng rồi chợt
nghĩ thêm:"Nhưng còn nơi nào thích hợp hơn để cất giọng mồ côi?".
Một năm sau, ngẫu nhiên mà tôi phải nằm điều trị dài ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bất ngờ chưa, một buổi sáng nghe tiếng kéc... kéc... kéc ở một khu rừng cây gần
đó. Buổi chạng vạng lại kéc... kéc... kéc. Trong cảnh cô đơn và u buồn vì bệnh
hoạn, tiếng chim quen thuộc như từ Nha Trang xa cách đi theo tôi để làm bạn,
để an ủi mỗi ngày. Tôi lại có dịp để phát hiện một sự thật thô thiển mà cuộc
sống vội vã và hời hợt không cho tôi nghĩ tới: Phải tìm đến đồng vắng, rừng
xa mới thưởng thức được tiếng chim.
Không phải như hoa đứng im một chỗ đợi bước chân người, chim ngang dọc vẫy
vùng, chim gặp người chớ đâu chỉ người tìm lối gặp chim? Chỉ trong ngôi vườn
khi tôi còn nhỏ mà tôi đã gặp biết bao chim, những vị khách vô tình tự do đến
rồi đi. Bầy két ồn ào, ăn khế thả rơi lộp độp. Con cu cườm đậu ở đọt tre cao,
gáy chậm chậm, giọng nghiêm và buồn. Con chim chìa vôi ưa đứng nơi thềm giếng,
cái đuôi ngúc ngoắc không ngừng. Con bói cá đậu sát bờ sông, im lìm như đang
say ngủ. Con chim sâu nho nhỏ nhảy chuyền thoăn thoắt giữa bụi tre, miệng kêu
chạch chạch. Bầy dồng dộc treo một dãy ổ đong đưa. Bầy sẻ thường túc trực nơi
sân, tiếng cánh vù khi có nong lúa phơi và tiếng ríu rít lao xao khi chạng vạng
tối nơi lùm cây mận.
Với đóa hoa nhu mì gần gũi, người mở sách tra chữ và đặt tên. Còn với chim trời,
chỉ nhìn thấy dáng xa xa, lại gần thì bay mất: nên thường dựa theo tiếng kêu
mà đặt cho một cái tên quấy quá, lấy có: cồng cộc, bồ chao, chèo bẻo, bìm bịp...
Cả đến tên bắt cô trói cột. Chỉ với những con chim quý, cưng dưỡng trong lồng
mới tầm chương trích cú: hồng yến, hoàng anh...
Mà nghĩ cho cùng, chính nhờ xa cách mà chim tăng vẻ đẹp. Một đàn cò trắng bay
trong ráng chiều. Một bầy vịt trời bay về phương Nam. Những cánh hải âu vượt
trên sóng nước. Nếu đem đặt gần, nhìn kỹ, e rằng nét mỹ lệ giảm nhiều.
Nhớ có lần tôi dạy học, học trò đem tới lớp một con hải âu. Tôi đặt nó đứng
trên bàn, tay vuốt ve cái ức, cái lưng. Màu lông trắng, dáng thon đẹp. nhưng
nhìn cái mỏ thô bạo, đôi chân vạm vỡ, tôi không thích. Nó cứ đứng ủ rủ nhìn
xuống lớp đông một cách sợ sệt. Vừa lúc đó có một học sinh cầm lên một cái thẩu
nhỏ đựng đầy nước, trong đó có bốn, năm con cá rô bơi lội. Hôm nay giờ Khoa học,
học về lớp Cá. Cái thẩu vừa đặt lên bàn cạnh tôi thì, có thể tường tượng được
không, nhanh như chớp, con chim hải âu thò cổ tới, xớt một con cá, nuốt gọn.
Vừa hùng hục xông tới nữa. Tôi lật đật kéo lui ra xạ Nhìn đôi mắt rực sáng,
nét mặt tỉnh táo, cái đầu quay qua quay lại một cách sốt ruột, cái mình rướn
tới... nghĩ đến con cá mới nhởn nhơ bơi lội, tôi gọi người học sinh lên trả lại
con hải âu.
Hãy nhìn từ xa, dẫu là những con chim. Cảm tạ con chim "kéc... kéc"
của tôi, cho đến giờ này vẫn chưa cho gặp mặt. Mồ côi hay thất bại, tôi còn
hơn chim nữa. Không cả mồ côi cha mẹ, tôi còn mồ côi cả ngôi nhà thơ ấu, khu
vườn xanh tươi, bến sông heo hút và những ngõ xóm quanh cọ Trong chiến tranh,
nhà tôi bị bom đạn tàn rụi, nhớ quê hương, nhớ bà con làng xóm mà không dám về
thăm. Nhiều hôm ngồi nhớ, nước mắt âm thầm. Trong trí nhớ, ngôi nhà, khu vườn
hiện lên rõ ràng như trải ra trước mắt. Nhưng nếu về thăm thì cảnh còn trong
trí nhớ sẽ vĩnh viễn mất luôn.
Ngày xưa đó, cứ chạng vạng tối, có một con chim đậu ở nóc nhà thả ra từng
tràng tiếng "chóc... chóc... chóc... chóc... chóc chóc chóc". Nhanh
hơn mà dịu dàng hơn tiếng chim kéc kéc mồ côi. Chú tôi kêu là con chim đáp muỗi.
Xin các nhà thông thái đừng sửa đáp thành đớp. Chắc chắn đến tám mươi phần
trăm là con chim đó đi tìm muỗi ăn vào giấc hoàng hôn. Nhưng cái hình ảnh đớp
đó thô bạo quá cho một con chim và cho tâm hồn trẻ thơ của tôi lúc đó, tôi
còn giữ mãi, nguyên vẹn cho đến bây giờ. Bây giờ, thỉnh thoảng có những buổi
chiều ngồi nhớ nhà là nhớ hình dáng và tiếng con chim đáp muỗi.
Trần Thảo
Nguồn Văn hóa Nghệ thuật
Theo http://banvetau.com/
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét