Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Bến lòng thao thiết của nhà văn Trần Thúc Hà

Bến lòng thao thiết của nhà văn Trần Thúc Hà
Không cần những đột phá, tạo ra từ trường lệch kênh. Cứ êm ái trong mạch nguồn của nội cảm, cứ xao xót trước cảnh đời lắm nỗi, tập truyện ngắn Ánh mắt (*) của Trần Thúc Hà chậm rãi gieo vào đất lòng những giọt muối nhân sinh. Đó là ánh mắt niềm tin, hi vọng về thay đổi cơ chế của trái tim, của tình người trong xã hội nhá nhem mảng tối mảng sáng.
Chiến tranh Việt - Mỹ đã đi qua nhưng những mất mát, đau thương vẫn còn quặn thắt. Sẹo tâm hồn vẫn tấy lên nhức nhối. Đấy là nỗi đau chung của con người. Chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, dù ở phía ta hay phía địch, đều chịu cảnh bom đạn, tang thương, chia cắt, đều mang gương mặt của bi kịch, của sự chết chóc. Nó đẩy cái tình giữa người với người đến hồi bĩ cực, rơi vào tình thế oái ăm trước những lựa chọn khắc nghiệt, phải nã súng vào trán nhau, tiêu diệt lẫn nhau, phải sống trong sự hận thù, chia rẽ, tàn sát. Suy cho cùng, tổn thất phía ta hay từ phía địch đều là nỗi bất hạnh, nỗi đau khôn cùng của con người. Sau cuộc vật lộn, bắn trả nhau giữa hai bên tham chiến, trong hoàn cảnh khó khăn nơi rừng sâu, cái chết nằm trong gang tấc, Thắng và Giôn trở nên gần gũi, có sự chia sẻ, cảm thông (Trong rừng rậm). Từ chỗ còn dè chừng, nghi ngại, đề phòng lẫn nhau, thậm chí có ý nghĩ đen tối, hai con người, một lính việt cộng, một tên Mỹ đã chuyển hóa lòng căm thù, đối xử với nhau như tình đồng đội. Hành động của Thắng đối với Giôn trong những ngày lạc giữa rừng sâu, đói khát vây quanh đã toát lên vẻ đẹp tình đồng loại. Cách đối xử ấy khiến Giôn, một tên Mỹ lạnh lùng từng nhấn nút thả bom, tàn sát, san phẳng hàng trăm làng xóm cũng phải đớn đau, dằn vặt, thức tỉnh: “... sự dối trá của bộ máy tâm lý chiến, nhận ra bàn tay tội ác của mình, và kẻ nào sử dụng vũ khí có sức công phá mạnh thì máu đổ càng nhiều, tội ác càng lớn” [1; 22-23]. Trong hoàn cảnh đau thương, đầy bi đát, khao khát được sống, thèm muốn cuộc sống hòa bình càng bùng cháy mãnh liệt. Giữa họ bây giờ không tồn tại sự căm thù của hai kẻ đối lập, không có sự phân chia giai cấp. Từ điểm nhìn của người trong cuộc, miêu tả chiến tranh như nó đang diễn ra, Trần Thúc Hà đã xét lại những góc khuất của chiến tranh, của lòng người. Tình người, lòng nhân ái vẫn lóe sáng ngay trong hoàn cảnh khói lửa oái ăm, trớ trêu.
Con người không có lỗi. Lỗi là tại chiến tranh. Viên phi công hay Thẩm cũng đều chỉ là nạn nhân của chiến tranh. Căm thù là điều dễ dàng. Nhưng tha thứ mới là điều khó. Tha thứ là mục đích hướng thiện của con người. Vì vậy, tha thứ để quên đi nỗi đau, trút bỏ lòng hận thù, xây quả ngọt tươi cho tương lai. Trong truyện Bóng chiều, khai thác dòng chảy ý thức, nhà văn đẩy nhân vật tôi vào giếng sâu của sự day dứt, băn khoăn giữa hai đường rãnh đi hay không đi tìm hài cốt kẻ đã phản bội, giết đồng đội mình. Khoảnh khắc băn khoăn, do dự đầy mâu thuẫn ấy được giải quyết bằng sự tha thứ. Nhân vật tôi không muốn nỗi đau cứ mãi dày xéo tâm can, đổ bóng lên tấm lưng còng thương nhớ khôn nguôi của người mẹ già. Điểm sáng tâm hồn của nhân vật tôi là nốt nhạc đẹp mang đến nguồn sống, tấu lên niềm vui cho người mẹ của kẻ bên kia chiến tuyến. Từ suy nghĩ, hành động của nhân vật tôi trong truyện Trong rừng rậm, trong truyện Bóng chiều, Trần Thúc Hà đã mua được tấm vé về vẻ đẹp của lòng vị tha. Vị tha được xem như là quyền lực nhân bản cần có đối với mỗi con người trong bất kì thời đại nào.
Kiểu con người tự nhận thức, tự thú, sám hối, khát khao tìm sự thanh thản, mong chuộc mọi lỗi lầm được Trần Thúc Hà khai thác khá ấn tượng. Ông Khẩn trong truyện Ám ảnh là kiểu con người như thế. Tuổi trẻ bôn ba trốn chạy tội lỗi nơi đất khách quê người, đến khi ngoài 60 tuổi, cái độ tuổi khiến người ta lặng đi, ngẫm ngợi nhiều, trăn trở nhiều, có thể đánh đổi mọi thứ để được trở về quê hương, được đặt chân lên miền đất đã từng nuôi dưỡng mình thì khát khao ấy càng cháy bỏng, mãnh liệt. Ông tưởng câu chuyện xưa sẽ phai tàn. Mọi người sẽ quên đi. Nhưng không ngờ, nỗi đau chôn chặt hơn 30 năm nay vẫn sưng lên, nhức nhối trước câu nói khởi từ chấn thương sâu kín của người điên, người một thời ông từng yêu, muốn chiếm đoạt bằng mọi giá: “có phải mày không?”. Ông có thể trốn chạy, giấu kín với mọi người chuyện tố cáo oan cho thằng Tánh trước đây nhưng ông không thể trốn chạy được lương tâm mình. Trái tim ông đau đớn như bị một bàn tay vô hình bóp thắt, buốt xót, đắng cay, tê tái trước tòa án lương tâm. Ông tự dày vò mình, cảm thấy tuyệt vọng khôn cùng: “Vô vọng như người bị đắm thuyền giữa biển khơi mù mịt, như người lạc trong rừng rậm đã bao ngày đói khát kiệt quệ mà không tìm được lối ra” [1; 132].
Hay trong truyện Hội làng, vấn đề bi kịch đô thị hóa nông thôn không lạ trong văn xuôi đương đại. Có thể thấy qua một số sáng tác của các tác giả như: Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Đoàn Lê, Thu Loan, Phong Điệp... Hoàn cảnh sống mới, cùng với sự xâm nhập của quá trình đô thị hóa, người nông dân đã mạnh dạn bước ra khỏi làng kiếm tìm cuộc sống mới với hi vọng đổi đời. Để bắt nhịp với đời sống đô thị hiện đại, họ phải gồng mình, đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe. Nhưng đô thị như một cái máy ép khổng lồ, nó lấy cái mơn mởn, tươi mới phục vụ cho cái bụng không đáy của chúng, và nhai, và chỉ nhả ra, thải ra cái xác bả khô kiệt. Lài trong truyện Hội làng cũng thế, ngỡ dễ dàng kiếm tiền nuôi bản thân, hỗ trợ gia đình nhưng quần quật mười mấy năm trời, cô chẳng thu được gì từ chốn đô thị ấy ngoài sức khỏe yếu lụi và sự rúm ró, nhăn nheo và cái già sồng sộc đến. Như thế, sự trở về của cô không phải vì tiếng gọi của quê hương mà bởi cuộc sống đô thị đã tẩy chay cô, đào thải cô, đuổi cô thành kẻ bên lề. Hay như Lâm, mười mấy năm trơ mặt giữa nắng mưa bon chen mưu sinh ở thành phố cũng chẳng dư giả gì (Thằng Lâm). Chỗ ăn chỗ ở chẳng ra ổ chó, cũng chẳng ra chuồng bò. Thành phố ngày một nở mày nở mặt mà đời sống người dân lao động vẫn thế, trầy trựa, đói khát, không ngoi ra được khỏi bùn lầy hôi hám, nhếch nhác.
Từ chuyện của Lài, của Lâm, đô thị hiện lên là một không gian chật chội, phức tạp, ồn ã. Trần Thúc Hà phản ánh chân thực, khách quan đời sống của người dân lao động phổ thông cũng như sự toan tính, mưu mô của những ông chủ ở các đô thị. Chính từ cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt ấy, con người lớn lên, biết chống trả quy luật đào thải ghê sợ ấy. Lài thẳng tay tố cáo mọi gian xảo, tinh vi của các đại gia: “Các đại gia như cái máy ép nước mía, ép hết nước thì vất bã. Các đại gia ông nào cũng là những người lắm mưu mẹo bốc lột và tàn nhẫn để làm giàu” [1; 143]. Các ông chủ, hiện thân của kẻ bốc lột, trăm đường khôn khéo, vì cơ ngơi, lợi nhuận, sẵn sàng chèn ép, vắt kiệt sức khỏe lẫn tuổi trẻ những người lao động phổ thông như Lài. Do đó, việc các ông chủ bóc lột người dân rồi sau đó quay lại lấy tiền ấy đầu tư vào làng nhằm che giấu bản chất cũng như thực hiện thủ đoạn mới được Lài chỉ mặt điểm tên: “Không tin được một đại gia nào hết. Nếu họ tốt, họ đã chăm sóc chu đáo đời sống những con người tạo nên cho họ thành đại gia... Còn ông đại gia vứt ra một nhúm tiền cho Hội làng là một thủ đoạn trong cách làm ăn của họ là bày trò vì cộng đồng, cứu trợ đói nghèo vừa được tiếng vừa che đậy điều xấu xa khốn nạn trong tâm địa...” [1;143-144]. Sự thẳng thắn của Lài đã khiến vị đại gia kia dằn vặt, trăn trở. Âu cũng là khoảnh khắc người còn sót lại của đại gia mà cuộc sống vị lợi này chưa đánh cắp hết. Lâm cũng phản ứng, phản kháng lại cuộc đời nghịch lý này. Nếu Lài thực tế thì Lâm lại ảo tưởng. Lâm bịa ra/ dựng lên cuộc sống giàu sang. Nhưng cái ảo tưởng của anh không xuất phát từ nỗi bi quan, chán nản mà đi ra từ bản lĩnh của anh. Anh không chấp nhận lối sống hưởng thụ, biết khẳng định giá trị bản thân, vươn lên. Sự ảo tưởng ấy là món ăn tinh thần để anh tiếp tục quẫy cựa với thành phố này: “... tao bịa ra như vậy trước là xua đi những nỗi buồn, những điều không may mà mình bắt gặp để đứng vững tin rằng một ngày nào đó sẽ khá hơn và sau đó thấy mình là người cứu nhân độ thế mà tự sướng, tự cười cho thần kinh nó bớt căng thẳng” [1; 51]. Ảo tưởng, huyễn hoặc mà tự nâng tâm hồn mình, phấn đấu đến cùng, chống chọi thoát cảnh rách nát thì cũng đáng quý lắm chứ!
Phải chăng, thông qua kiểu nhân vật tự ý thức trên, Trần Thúc Hà vừa cảnh tỉnh con người, muốn con người tự phán xét, vừa đặt niềm tin vào bản nguyên chân thực của mình. Kết thúc bỏ ngỏ ở các truyện, tác giả buộc/ đặt người đọc tự tìm câu trả lời về giá trị của lòng sám hối, tự chắt lọc bài học về nhân phẩm cho chính mình. Việc con người có hoàn thiện, hướng thiện được mình hay không đó là cả một quá trình dằng dặc trong cuộc đời làm người.
Đời sống tâm hồn nhân vật ở tập truyện của Trần Thúc Hà có nhiều mâu thuẫn giằng xé: đằng sau sự lạnh lùng, dửng dưng, đằng sau sự nham hiểm, độc ác vẫn lóe lên tia sáng của một trái tim biết đau, biết hối hận, dằn vặt và biết yêu thương. Đó là kiểu nhân vật lưỡng diện, vừa muốn hủy hoại nhân cách vừa muốn giữ lấy bản năng lương thiện vốn có. Trong truyện Ngược gió, Trần Thúc Hà đã khám phá được chiều sâu tâm hồn, vực dậy bản nguyên lương thiện, trong ngần, thánh thiện vốn có của con người. Sau nẻo tối tăm vẫn còn đọng lại cái tình người hết sức nhân bản. Phải đặt trong hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã ấy, Trần Thúc Hà mới đẩy được dòng suối dằn vặt, hối hận của hắn tuôn về. Và đó là khoảnh khắc phản ánh đẹp nhất, trung thực nhất khi khám phá con người lưỡng diện. Người lương thiện chưa hẳn đã toàn vẹn, tuyệt vời về nhân cách. Người độc ác, xấu xa chưa hẳn đã tồi tệ tột cùng, vẫn le lói chút ánh sáng của tình người còn đọng lại trong thẳm sâu tâm hồn. Trái tim hắn, một kẻ cướp của, giết người không ghê tay, bấy lâu nay vô cảm giờ đau buốt như ai cào xé. Hắn đã thấu hiểu gánh buồn oằn vai mẹ trước cảnh cha chết không yên thân, em gái quá đỗi ngây thơ, trông khi, hắn vai rộng lưng dài lại chẳng giúp được gì, ngoài việc ở trong tù chờ thi hành án tử hình. Những giọt nước mắt muộn mằn được lẩy ra từ giếng tâm hồn ngỡ như khô cạn từ lâu. Phải chăng khi chảy giọt đau, con người ta mới thấm thía, ray rứt, đắm mình trong khoảng lặng mênh mông để khát bỏng về một điểm tựa thanh tịnh?
Trong tập truyện, mối quan hệ giữa người với người ngày càng mờ nhạt. Họ thiếu mất đi sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cho nhau. Sự thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng ngày càng tăng. Nguy cơ hơn nữa, là sự xuất hiện của lòng hận thù. Tâm hồn con người trở nên trơ lì. Chính sự đố kị lẫn sự hận thù là nguyên nhân dẫn đến tội ác, bi kịch. Người chết thì đã chết rồi nhưng không được yên thân (Ngược gió). Cổ quan tài vật vã, cheo leo, kéo đi kéo lại như số phận bi đát của người nằm bên trong, như đánh cắp lòng vị tha ở những kẻ quan cách, độc ác và tàn nhẫn. Trưởng thôn và ông bác của mình là những kẻ đi ngược chiều của ngọn gió lương tâm, khô cứng, thiếu tình thương yêu đồng loại. Còn anh Thấu, tuy cũng là kẻ từng căng mình ngược gió nhưng ý thức làm người vẫn trỗi dậy. Trong cái lốt nửa người nửa quỷ, chết là cách để anh xóa bỏ mọi lỗi lầm, mong mỏi sự tha thứ. Cho nên, chiều ngược gió của anh Thấu, của con anh Thấu khác hẳn với chiều ngược gió của trưởng thôn và ông bác. Đó là chiều ngược lòng xung động của tâm hồn, hoàn toàn tỉnh táo trước nỗi đau sắp kết thúc một cuộc đời.
Là nhà văn, đam mê là điều kiện cần nhưng nếu thiếu đi sự sáng tạo thì anh ta đang tự đẩy mình vào chỗ chết, tự đưa tang con chữ của mình. Chịu khổ, chịu đày ải trên chiến trường ký tự, sẵn sàng vắt hết tinh nhuệ, nhà văn mới tìm thấy bến đỗ phong cách của chính mình. Trần Thúc Hà chưa có sự cách tân, đổi mới về kỹ thuật tự sự nhưng giọng văn trầm đều cứ rỉ rả thấm vào lòng, người đọc vẫn say bởi cái tình, cái dư ba nhân văn cũng như sự trăn trở của tác giả trước những đứt gãy của thế cuộc. Chỉ có 9 truyện thôi, nhưng chúng ta như được chứng kiến cái tình người thăm thẳm, quyện chặt tự sâu đáy lòng về tình mẫu tử, tình thầy trò, tình bè bạn, tình đồng đội, kể cả cái tình giữa hai phía ta và địch...; chứng kiến sự biến nhịp của những trái tim han gỉ, chỉ sống cá nhân, hẹp hòi; chứng kiến sức mạnh của tình yêu thánh thiện; chứng kiến ý thức phản kháng của người dân đòi quyền lợi cũng như quyền cá nhân của mình; chứng kiến lối sống cậy quyền, uy hiếp... Tất cả tâm thức vừa chuẩn pha vừa lệch pha ấy tạo nên dòng chảy tươi mới cho nội dung truyện của Trần Thúc Hà.
Có thể xem đây là vụ cuối mùa của một nhà văn đã qua tuổi bát tuần. Một vụ cuối mùa chín, đọng, ám ảnh. Trải nghiệm đắng cay ngọt ngào trong dư ba của tâm hồn, của giọng văn sâu sắc, triết luận, tập truyện xứng đáng để đọc, neo đậu bến lòng se sắt.
Hoàng Thụy Anh
Theo http://vanhocquenha.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...