Theo bầy
Hồi đầu chỉ là một khối xám lừ lừ trôi. Rõ nét dần một nghé
ba trâu, cầm đầu là một người đàn ông có gương mặt lẩn lút trong bụi rậm tóc
râu, khó đoán tuổi. Đường khuya xe vắng, nhưng cả đám bước thành hàng sát lề,
chỉ con nghé leo lên vỉa hè đang lạnh run dưới cơn mưa lá, y như mọi đứa con
nít không bao giờ chọn đường dễ để đi. Ngang qua chỗ Phốc, hình như người kia
có mỉm cười, hoặc không. Đâu phải ai cũng nhìn thấy thằng bảo vệ đang ngồi lẫn
trong khối bóng long lổ của tượng đài, nhất là nó gần như không cử động.
Đi gần hết khu quảng trường, người và trâu hình như dừng lại.
Họ đông cứng trong phút chốc, rồi đột ngột quay hướng về phía Phốc,
“Tụi em đang kiếm đường lên cầu Bắc. Anh biết chớ ?
Phốc gần như không mở miệng được, khi người kia nhè ra bãi
xác rơm, chừng như đã bị nhai lâu rồi, mút kiệt nước, không còn chút gì trong
cái bã vàng nhợt đó. Người ăn rơm lại hỏi :
“Bên kia cầu có đồng cỏ. Anh biết chớ ?”
“Tui đâu phải mấy người đâu mà biết”. Phốc nói, dời người ra
khỏi cái bóng của tượng đài, để chứng tỏ nó không thuộc về bầy họ. Nghĩa là chẳng
can chi tới cỏ và cây cầu.
“Vậy anh là ai ?”
Một câu hỏi đơn giản, đến mức Phốc trong phút chốc trở nên bớt
rụt rè, khi nói tên mình, cái xóm hẻm Chùa, công việc gác tượng đài mỗi đêm, từ
“hồi nào đó lâu lắm rồi”. Má Phốc đưa nó tới văn phòng quận, nói thằng nhỏ đây
gác tượng đài là hết sẩy, mấy chú không kiếm ra ai ngồi một chỗ mà không ngủ gục
như nó đâu. Phốc làm công việc này đã một, hay ba năm, hay chỉ vào ngày thứ
chín, nó không nhớ. Nhưng nó không tệ tới mức quên mình là Phốc, con của bà mẹ
bán chuối chiên, em của hai thằng anh xăm trổ đầy mình, là đứa té giếng trong mắt
xóm giềng.
Cho đến khi Phốc nhận thêm câu hỏi nữa, “có chắc không đó ?”
Đó là một đêm tháng Mười hoặc tháng Hai, Phốc không biết, thời
gian là thứ nằm ngoài nó. Sau câu hỏi văng ra từ một người lạ, giờ đây
đang nghiêng cái thùng khi nãy cõng sau lưng, chắt nước vào thau mẻ miệng cho
trâu uống. Tự dưng Phốc thấy không có gì chắc chắn hết, thật sự nó là con của mẹ,
sao bà hay nổi khùng vớ bất cứ gì để phang vào nó, kể cả bàn ủi nóng, vết cháy
còn nằm cổ tay đây. Và nếu nó là em của anh Vàng anh Mực, sao họ lại kẹp chân
nó vào cánh cửa, xỏ vào tai nó đầu dây chì sào phơi, giữ nó khỏi chạy chơi. Dù
biết chỉ cần đặt hột đậu trước mặt Phốc thôi, bảo giữ, nó sẽ ngồi ở đó cả ngày.
Dân xóm hẻm thở dài không biết sau này thằng nhỏ kiếm ăn kiểu gì, nhưng bà mẹ
nhìn ra công việc Phốc có thể làm tốt hơn ai: bảo vệ.
Giờ, ngay đến giống loại mình, Phốc cũng không chắc lắm, bởi
người nhai rơm khi nghe nó xưng danh, đã kêu “tên đó của chó mà”, trong lúc
nhìn chằm chằm vào nửa dưới người nó, đếm xem bốn hay hai chân.
Nhưng con trâu chửa bụng thiếu điều đụng đất kia đã lôi kéo mối
bận tâm của người nhai rơm, khi nó lừ lừ không đụng tới giọt nước nào.
“Bà chửa đang giận em”, người nhai rơm nói, không quay mặt lại,
tự Phốc nhận là ông ta đang nói với mình, “Nó không thèm ngó em từ hồi ra khỏi
quán thím Sìl. Riết rồi không biết ai chăn ai”.
Nhai Rơm kể quán nằm ở ngã ba Chia Tay, chỗ có con đường dẫn
vào thành phố. Bầy ông tạm nghỉ chân uống nước sau khi đi một chặng cũng dài.
Lúc đó bà chủ còn treo mình trên cây thang buộc lại góc mái che. Mất một tay đỡ
mái, nên tay kia không xiết được mối dây. Vậy là loay hoay. Nhai Rơm thấy mình
dư tới hai tay, sao không cho người ta mượn đỡ, nên đứng nhờ trên lưng con
trâu, giúp người nọ ngoay mấy nuộc dây chì.
Chỉ vậy thôi mà cù cưa gần nửa đêm. Thím kia giữ ông lại, đãi
ly nước sâm, nói thằng chồng mắc gió bỏ nhà đi từ đầu mùa mưa. Nhai Rơm nói chừng
này có khi thành phố đã ngớt người rồi. Thím nói thằng A Sìl chết bằm ấy còn
lâu mới về. Nhai Rơm nói đi không kịp bị kẹt lại, không chừng con Đào đẻ rớt.
Thím Sìl kêu quỷ sứ nè bắt giùm con kiến trong lưng. Nhai Rơm nói ờ vậy chút nữa
cũng được. Nhìn quanh, thấy tấm vách buồng bị đứt đinh, cả cái giường nữa, Nhai
Rơm phải trèo lên nhún thử coi, sao nó kêu làm thím ngủ không ngon.
Nếu con trâu chửa không bực bội nện móng ngoài sân, có khi
Nhai Rơm còn chẳng nhớ phải đi ra khỏi thành phố trước hừng đông, khi người ta
đơm lủ khủ ngoài đường.
“Bởi con Đào, ý em là bà chửa đó đó. Anh phải biết tên tụi
nó. Gái này là Rằm, Hậu ở kia, Phi Long nhỏ nhất. Ờ mà em đang nói gì ta,
à, chuyện con Đào. Nó sợ thành phố. Sợ người. Sợ khói thịt nướng. Cực chẳng đã
tụi này mới đi qua đây”
Giờ thì Nhai Rơm đã ngồi bẹp xuống bậc tam cấp bên dưới tượng
đài, đấm vào hai gối. Bóng cây gươm của bức tượng cách sườn ông chừng gang tay,
như một cú đâm hụt. Dưới ánh sáng ngọn đèn cao áp, có thể nhìn thấy trong bụi rậm
lóe ánh mắt trẻ thơ, nhưng Phốc không dám chắc Nhai Rơm trạc tuổi nó, bởi tấm
lưng đã còng và da thịt ở những chỗ không áo xống che, hết thảy chúng đều nhăn
rúm.
“Vậy, anh chăn mấy cái tượng này. Tụi nó có chạy được đâu mà
giữ chi mất công?”
Phốc nghe mùi rơm phả ra từ trong bụi. Và mùi mồ hôi gắt,
không thể nào phân biệt được là của trâu hay của người, nhưng tạt mạnh tới mức
khiến Phốc dạt ra thêm một chút. Phần vì chưa quen tiếng gọi anh thành thực,
cách xưng hô mà một đứa con nít xóm hẻm cũng phải cân nhắc, bởi anh té giếng
thì không thuận miệng bằng thằng.
- Má tui nói tượng làm bằng đồng xịn, mắc tiền. Người ta cưa
lấy súng lấy gậy bán ve chai. Nên tui ra đây ngồi dòm chừng.
Hai lần đám tượng quãng trường bị trộm mất mấy món cầm tay.
Không cầm gì, ngó điệu bộ thấy tượng giống như đang chơi trò nắn gió, vo chúng
lại, hăm hở ném đi. Nhưng tượng được đúc lên đâu phải để chơi. Văn phòng quận
nghĩ vậy, nên họ mướn Phốc ra ngồi.
“Nhưng cầm hoài cũng mỏi chớ”. Ông Nhai Rơm nói, trước khi giằng
vài cọng rơm từ miệng nghé, bỏ miệng nhai. Ổng quên chuyện phải dắt bầy trâu ra
khỏi đây rồi, Phốc nghĩ, khi đợt gà gáy thứ hai vừa rộ lên từ trong những cái hẻm
thành phố giấu sau lưng, nơi đám đàn ông kiếm tiền bằng cách trồng cựa sắt cho
gà.
“Cái thành phố này giờ sáng phát ớn. Hồi xưa, đèn đóm nó không
phè phỡn vầy đâu”. Miệng Nhai Rơm chỉ có rơm, nhưng giọng chuyển gắt như ngậm
giấm gạo. Một con trâu còn nhỏm đầu nhìn, tưởng ông kia gắt mình. Trừ con trâu
chửa bồn chồn nhìn quanh, mấy con còn lại nằm kềnh ra đường. Phốc nhịu lẫn tên
từng đứa, nhưng vẫn mang máng đó là những cái tên người.
“Chỗ này hồi xưa có cây quau mọc trong đám sậy. Họ dời tụi nó
đi đâu, anh biết chớ ? Sao không biết được, anh ở thành phố thì phải rõ hơn ai.
Cây quau bự chảng vậy, cưa ba ngày còn không đứt gốc, sao không biết ?”
Phốc cúi đầu sâu thêm, thấy không tròn bổn phận, khi chẳng biết
cây quau “cao như trái núi”, như Nhai Rơm miêu tả, giờ ở đâu. Phải chi hồn vía
nó không bị thất lạc mấy phần, có khi nó đã biết quau là thứ gì, ăn được không,
quý giá tới mức nào mà người ta buồn bực khi không nhìn thấy nữa
“Lúc đó em cầm trâu ngay chỗ cây quau đó. Có quau là có nước.
cái này dân chăn trâu mới biết. Quau mọc ngay bên miệng đầm sen, nắng cỡ nào
cũng không cạn. Cũng lâu quá rồi, anh biết mà, từ cái bữa tụi du đảng vác mả tấu
rượt chém bầy trâu. Cũng tại em nắm tay con ghệ thằng đại ca. Con Đào hồi đó nằm
trong bụng má nó, vậy mà thấy hết, lúc cổ má nó bị chém ngọt, em mổ bụng bắt
con, mới ló đầu ra nó khóc quá chừng, y như con nít người ta mới đẻ”.
Phốc thấy khát nước. Nó không bao giờ đuổi kịp theo một câu
chuyện không đầu cuối kiểu vậy, với cách nói liên tu bất tận kiểu vậy. Những
lúc đó, thứ nó có thể làm là thành thực lắng nghe, và cảm nhận vị của chúng.
Chuyện của dân xóm nó thường mặn, như dì Tư kể đẻ rớt trên đường chạy pháo, hoặc
cay, như con Tuyết cuộn lưng quần hủ kem trắng da, bị bắt, siêu thị chụp hình
dán ngoài cửa. Cũng có chuyện ngọt chứ không phải không, mỗi khi hồi tưởng lại
vụ cha con thằng Mãi Li tìm nhau, Phốc vẫn còn nghe vấn vít vị đường phèn trong
cổ họng. Hai thằng anh Phốc, như nó nhớ, không có chuyện nào.
Dù là mặn như chuyện của Nhai Rơm.
“Đâu phải dưng không mà con Đào sợ chỗ này. Khi nãy ngay chân
cầu Chướng vô thành phố, nó nằm vạ không chịu đi, một bước cũng không là không.
Em phải kêu tụi con Rằm đi trước, Đào làm má lẽ nào không theo giữ. Anh biết
đó, cực chẳng đã tụi em mới phải đi ngang đây. Hồ Đá bên kia người ta lấp rồi”
Đào dường như biết người ta đang nói tới mình, nguýt ngang.
Không biết hàng mi cụp xuống kia vốn ánh bạc, hay vì đèn đường dát sáng vào.
“Nó không thèm nhìn em. Riết rồi không biết ai chăn ai”, giọng
Nhai Rơm rài rạc, “nhưng không sao hết, làm huề với tụi này cũng dễ, chỉ cần
nhìn vô mắt nó. Đào cúi mặt hết cỡ thì anh cứ nằm dài dưới đất ngó lên. Cỡ anh
chắc chưa từng soi mặt vô mắt trâu ?”
Chưa. Nhưng Phốc nhiều lần soi mình vào bất cứ vũng nước nào,
sau lần cô Công Dung túm chân nhúng nó vào lu, hồi năm tuổi. Cảnh đó sau này
người bên xóm mở điện thoại cho coi, nói, mày nè Phốc. Không giãy giụa, sinh vật
đó nằm gọn trong một tay của cô bảo mẫu, và cô dường như không giận dữ là bao,
bởi trong đoạn phim người ta quay lén được, không có tiếng gầm gừ, chỉ có âm
thanh nước quẫy. Vì đoạn phim đó, cô suýt vô tù, nhưng cuộc thương lượng vào
phút cuối cùng, với khoản tiền thường bồi cao đến nỗi mẹ Phốc nghĩ con mình chỉ
bị ướt chút, mà được giá.
Phốc hết leo trèo quậy phá, hay ngồi suông, mặt không ý nghĩ.
Ai bị đuối nước cũng để lại một phần hồn cho nước, người ta nói vậy. Hồn Phốc bị
rớt trong lu một nhà trẻ tư, trôi giạt giữa cặn bụi và lăng quăng như một cọng
rong, đôi khi trổ những cái bông nhỏ xíu. Phốc hay nghĩ tới cọng hồn thất lạc của
mình, mỗi khi thấy vũng nước trên đường, trong chậu rửa chén, đều ghé mắt vô
coi, như thể mọi nước trên đời này đều thông với nhau. Một bữa, mãi cúi nhìn
thùng chứa nước mưa, nó chỏng gọng cắm đầu luôn vào, gởi thêm phần nữa cho nước
giữ.
“Có khi mấy cọng hồn kia biết cây quau ở đâu”. Phốc nói.
Nhưng Nhai Rơm đã bỏ xa cây quau, bãi sậy và đầm nước.
“Mới nhớ, em cũng có một con hồn bị sét đánh văng ra gần hồ
Đá. Mà giờ họ lấp hồ rồi. Nên tụi em phải đi qua vạt đồng khác. Không cỏ thì
nhai xác mía, nhưng không nước thì sống sao. Vậy đó, cực chẳng đã tụi em mới đi
ngang đây”.
Trong khoảnh khắc, nghĩ về một phần của linh hồn giờ chắc bị
đè dưới những khối đất đá, trước khi họ trồng nhà lên đó, Nhai Rơm chảy người
ra, và bức tượng đã đâm bóng thanh gươm vào ngực ông ngọt xớt. Không nghĩ gì hết,
Phốc đứng dậy che lấy ông, cho cái bóng sắc lẻm ấy xiên vào mình. Nó nghĩ nó
quen rồi nên không sao, những đêm ngồi gác ở đây dưới khối bóng, xê dịch tới
lui không bị bóng gậy đập đầu thì cũng bị súng ngắm ngay giữa ngực. Lúc ấy nó
nghĩ nếu những cái bóng đèn ở quãng trường bớt sáng, thì bóng của thanh gươm
cũng không dày và sâu đến mức khi bị đâm vào, nó cảm giác mình chảy máu.
Chừng như Nhai Rơm không hiểu hành động đó, tưởng thằng bảo vệ
đang che mưa cho mình. Hỏi có mưa sao, rồi ngóc đầu ngó quanh, hơi ngẩn ra. Như
vừa quên mất đây là thành phố, với ngõ hẻm mê cung, những con đường mời gọi người
ta đi đến nơi không ngờ được, những bùng binh táo tác, những bức tượng luôn phải
cầm gì đó trong tay.
“Đây là thành phố mà”, Nhai Rơm ngồi phắt dậy, “Trời hửng, thấy
người ta mọc đầy đường có khi con Đào đẻ non luôn, vì sợ. Giờ phải đi nhanh mới
kịp qua cầu”
Ông lấy cọng dây xỏ xâu những thùng chậu lủng củng, đỡ tiếp
con nghé bươi móng mãi mà không làm sao đứng dậy.
“Bị kẹt lại đây thì khó ăn nói với tụi con Đào. Anh biết đó,
tánh em rề rà. Cứ đi lòng vòng kiếm bãi sậy với cây quau. Nãy gặp chị Đĩ, chỉ hỏi
đi không, em nói đi chớ tụi này đang đi nè. Chỉ cười quá sức, biểu ghé chơi kể
cho nghe chuyện đời chỉ. Vừa đi thêm chưa bao xa, gặp anh Xỉn cắm đầu mửa trên
miệng cống. Lại thương, ngồi chờ ảnh mửa xong. Lúc nhậu thì bầy bạn, giờ mửa
không ai ngồi kế bên, anh nói có tội không. Mửa một mình, nói gì thì cũng buồn
ngang với khóc một mình”.
Nhai Rơm nói, xốc thùng nước cõng lên lưng. Phốc nhìn ngấn nước
bên trong vẫn còn săm sắp, nghĩ tới những cọng hồn không biết có trổ bông.
“Hay là bữa nào anh soi mắt trâu thử coi, mắt trâu cũng có nước,
mà vui. Nhìn vô đó, tụi mình đứa nào cũng thành con nít ở truồng. Ờ mà, anh
nghĩ coi đi đường nào thì trổ ra cầu Bắc ?”
Phốc nhìn ba ngã đường thông với quãng trường. Một về nhà nó,
một qua chợ, nhưng ngã còn lại thì không chắc sẽ dẫn tới cây cầu. Nó chỉ qua cầu
đó một lần, bên kia là một vạt đồng toàn cỏ dại, lau sậy. Mẹ Phốc vẹt đám cỏ đi
trước, vừa đi vừa chửi thề, anh Vàng anh Mun đi theo sau, vừa chửi thề vừa đi,
càn qua bãi lau sậy dày tới mức không nhìn thấy gì ở phía trước, nhưng sau lau
sậy là lau sậy khác. Rồi cả bọn theo đường cũ trở ra, đầu trắng bông sậy rụng,
may quá tìm thấy một chòm mả đã lụn gần sát đất, nghe nói là ông bà ngoại Phốc.
Phốc vẫn còn nán nhớ cho xong cái bữa mẹ biểu anh em nó sụp lạy
chòm mả, thì bầy Nhai Rơm đã dời đi. Nó hớt hãi đuổi theo, chỉ để nói mình
không biết ngã nào thì tới cây cầu.
“Đâu có sao, tụi này cứ nhắm chừng mà đi, gặp ai hỏi nấy. Anh
không muốn đi chung để soi mắt trâu chơi?”
“Tui mắc giữ tượng đài”, Phốc nói, vô cùng nghiêm túc.
Quày quả trở lại cụm tượng năm người đứng ngồi tay cầm mãi những
súng gươm cày cuốc, Phốc hơi tiếc đã không nói “đi mạnh giỏi”, như người ta thường
rơm rớm bảo trong những cuộc chia tay. Ngoái lại, bầy Nhai Rơm trở lại thành một
khối xám trôi mỗi lúc mỗi xa, và biến mất khi Phốc về lại đúng chỗ của mình. Nó
ngồi lút vào bóng đổ, nhìn những con đường người càng đầy lên đầy lên trong hừng
đông, nghĩ không biết bầy ông Nhai Rơm kiếm ra đường tới cầu Bắc chưa.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://www.viet-studies.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét