Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Cái chết của một nhà văn

Cái chết của một nhà văn 
Hình như cô bé mới 18 tuổi, tít trên Đà Bắc, Hòa Bình. Và cô bé đã gửi qua meo để "Bầu bạn góp cổ phần" với trannhuong.com. Đọc truyện ma mị liêu trai và ẩn dụ, giọng văn như già trước tuổi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một cây bút mới...
I. Hắn là một nhà văn và hắn đã chết. Xác của hắn được tìm thấy trong một đêm mưa, sinh nghề tử nghiệp, hắn gặp nạn khi vừa đi uống mấy chén với bạn văn về. Tuy nhiên, cái chết này không được đẹp đẽ cho lắm, nếu không muốn nói là nó khiến cho hắn mất mặt. Sụt xuống hố ga là một điều tồi tệ. Ngưu Đầu, Mã Diện nhạo:
- Văn chương rặt một phường nhơ!
Chúng sai, mà cũng đúng. Hắn không thể phủ nhận đành nhắm mắt theo chân.
- Tay nhà văn này chết hay đấy! - Chúng lại giễu.
Quả thực, linh hồn hắn đang bốc mùi, theo đúng nghĩa đen. Và tất nhiên, phần còn lại vẫn trong trắng, nó nên thơm tho và sạch sẽ.
Nói về cái chết, bàn về cái chết là sở trường của các nhà văn. Họ đa phần đã chuẩn bị điếu văn cho mình từ lâu, áo quan thì chẳng có. Và rồi, đùng một cái, họ chết! Như hắn. Tất nhiên điều này làm họ nuối tiếc, nhưng cũng quên nó rất nhanh. Một triết gia từng nói rằng: "Đời sống mà một thứ bệnh mà chết là một phương thuốc." Phải rồi, có chi phải hãi sợ! Có lẽ giới văn nhân trước nay đều nghĩ thế.
Đường xuống địa phủ rộng thênh thang, hắn cho rằng thiết kế vậy là phải. Một năm trên trần chết không biết bao nhiêu người. Tai nạn có, tự sát có, bị thảm sát có, bị tử hình có. Đôi khi người ta giết nhau cũng chỉ vì buồn chán, cõi đời thênh thang, ai cũng là lữ khách. Gia đình chẳng còn nếp cũ, ngày một xa nhau, họ quan tâm đến đất đai nhà cửa nhiều hơn là cha mẹ đau ốm. Con người chết từ trong trái tim, sẵn sàng xách dao lên và sát hại đồng loại bất cứ lúc nào! Thiện ác mong manh, nhẹ tựa cánh lông giữa trời. Nhân quả.
Hai bên đường lơ thơ vài cọng cỏ, lạnh lẽo như thuở chớm đông, thảy đều tiêu điều hoang vắng. Vảng vất có tiếng nước rỏ, từng giọt, từng giọt. Nghe tựa tiếng giọt gianh, rốt cuộc là máu hay là nước đây? Đường thì dài, sâu hun hút mong muốn làm bạn phát điên - sự trừng phạt đầu tiên của thánh thần. Qua khỏi nơi ấy, hắn dừng lại trước cây cầu treo mang tên Đoạn Niệm, dây thừng mục nát, ván lót cái được cái chăng. Dưới kia, dòng sông đen ngòm đang cuộn siết, lòng nước lởm chởm những đá ngầm nhọn hoắt. Từ đáy vọng về tiếng kêu gào thê lương của lũ âm hồn bất hạnh rơi xuống, trở thành quỷ trấn yểm chốn đây.
Ngưu Đầu, Mã Diện xoè tay, đòi tiền qua sông. Quy tắc ngầm cũng lan tới chốn đây? Nơi kết thúc của linh hồn? Hắn lục tìm trong người nhưng không thấy dù chỉ một xu. Đã bảo chết là trút bỏ tất thảy, tiền bạc thì có nghĩa gì? Lúc còn sống dù là ai thì cũng chỉ cần một xẻng đất đổ lên đầu, thế là đi đời nhà ma!
- Thôi, tha cho hắn, hắn là một nhà văn. - Ngưu Đầu tặc lưỡi.
- Thằng ngu! - Mã Diện chửi - Tao đã bảo văn chương là đồ bỉ ổi, nó dám sai khiến cả quỷ ma!
- Hắn biết làm văn, biết làm cả thơ nữa.
- Thôi thôi ông ơi, văn chương để mà làm gì? Rặt phường điêu trá!
- Nhưng mà hắn là một nhà văn! - Ngưu Đầu quả quyết, gương mặt méo xệch đi - Hắn là một sinh vật bị ruồng bỏ.
Bên kia cầu có gì? Rủi có trượt chân thì sẽ ra sao? Lần đầu tiên hắn thấy sợ hãi thực sự. Ngưu Đầu và Mã Diện vẫn tranh cãi với nhau, và có vẻ như tay đầu trâu lì lợm đã thắng. Nó móc ra một trinh, gọi:
- Đò ơi! Đò ơi...
Và rồi, giữa màn sương mịt mờ hiện ra một con đò bé tẻo teo, người lái đò đội nón mặc áo tơi chống sào mà bơi. Hắn thấy toàn thân nhẹ bẫng, hai mắt hoa lên, thoắt cái đã thấy mình đứng trên ấy. Con đò cứ đi, nước siết đến thế mà vẫn không hề có chút suy suyển. Sang sông, thế hệ hắn là một lớp người sang sông, bị tổn thương và ngơ ngác với thế cuộc.
Quần áo trên người hắn được thay bằng bộ trang phục trắng toát, cũ kỹ tựa hồ ánh trăng cổ, đi chân trần bước vào điện Diêm La, đất sỏi sắc nhọn cứa vào da thịt làm lòng bàn chân toé máu. Những vết tích đỏ sẫm kéo dài từ ven sông tới bàn án của Diêm Vương. Đi kịp thời đại, ông ta cũng áo vest cà vạt như ai, không khác gì quan chức dương gian là mấy, chỉ có bộ mặt sắt ngàn năm không đổi. Hai bên, lũ quỷ dạ xoa mặt xanh mặt đỏ nhìn chòng chọc vào hắn, nanh ác dị thường.
- Sống làm văn sĩ, chết không được siêu sinh! - Diêm Vương phán.
Ô hay! Ngược đời chưa, vô lí chưa! Nhà văn thì không được chuyển kiếp? Hắn gân cổ định cãi lại nhưng thấy phía trước tối sầm đi, bị tóm gáy ném vào một không gian khác. Trước lúc mất đi ý thức, hắn nghe loáng thoáng được vài câu than trách của bọn quỷ:
- Trên trần dạo này thịnh dùng đồ giả, đến đồ cúng cũng giả, cứ cái đà này, anh em ta chết đói!
II. Nơi mà hắn tới là bản sao của cõi dương, đường phố, nhà xe có đủ, thậm chí còn đông đúc hơn trần gian. Sau khi nghệ sĩ chết đi thì được đưa đến đây. Hắn lững thững bước đi, hờ hững ngắm cảnh. Các linh hồn đang tự bịt mắt dối lòng. Hắn đi ngang qua một tấm kính và nhận ra mình chẳng còn hình hài. Hắn thấy cô đơn khủng khiếp, còn gì đau khổ hơn là tồn tại mà không hề tồn tại? Ở nơi này, đàn ông vẫn hút thuốc, làm thơ, uống rượu và tán gái còn phụ nữ vẫn đi mua sắm, yêu đương, viết lách và nói xấu nhau.
Khi không trông thấy bản thân, người ta lố bịch lạ kỳ.
Hắn đi qua góc phố, thấy Trịnh Công Sơn đang đàn cho giai nhân. Đôi mắt ông thăm thẳm buồn, sáng như sao, ông đang ở cõi mênh mang. Bên kia cây cầu vắt ngang con sông, Nguyễn Trãi bày bàn cờ, đối kỳ với Nguyễn Tuân. Cuộc cờ vô tận, ai là quân tốt của ai? Lý Bạch tìm trăng nơi đáy nước, Picasso cầm cọ vẽ nên những bức hoạ không đầu không cuối và chẳng mấy người hiểu nổi. Khi còn sống, họ nhận được món quà của vị thần nghệ thuật; khi đã nhắm mắt xuôi tay, họ phải mang theo nó xuống mồ, chẳng thể buông bỏ. Nghệ thuật không cho phép sự lặp lại. Thánh thần chẳng hay, các giá trị tinh thần tồn tại mãi trên đời, nào thể can ngăn người ta sao chép học đòi dù cho các nghệ sĩ không được đầu thai nữa!
Xa xa, Tú Xương ngồi nghe cô đầu với Tản Đà, lời ca hình như là bài Hành Tàng của Nguyễn Công Trứ:
"Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc 
Ngâm một câu thơ, vỗ bụng cười 
Cái công danh là cái nợ đời 
Đường thản lý, cát nhẫn chi đã vội 
Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi 
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu 
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu 
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy."
Ai cũng buồn, người sống buồn, người chết buồn, trần buồn, âm buồn, địa đàng buồn. Đâu đâu cũng mang một nỗi man mác khôn nguôi.
Đi hết phố, hắn thấy một cái công viên rất rộng, bên ngoài đề hai chữ Cơn Mê. Tên lạ quá. Hắn bước vào trong, chẳng thấy cây xanh đâu cả, chỉ có những tinh cầu xa xôi, vũ trụ bao la vô tận, sao băng nhấp nháy, tiên nữ, hoa thơm, rắn rết cóc nhái, ánh sáng và cả bóng đêm. Vô số linh hồn đang lặn ngụp trong đó, nhưng họ khác hắn, họ còn sống. Khi người ta say giấc, linh phách của họ tách ra khỏi cơ thể và lang thang tại công viên này. Đa phần, họ là nghệ sĩ, những nhà tư tưởng, những kẻ có tâm hồn mộng mơ. Hạng tầm thường, thường không có mặt ở đây, cuộc sống đã bóp nghẹt, quật nát và khiến họ rệu rã.
Còn một dạng người nữa - Kẻ không dám ngủ mơ...
III. Hắn trở gót, đi dạo ven sông. Thấp thoáng có bóng dáng gầy gò, già nua. Hắn cúi đầu hỏi:
- Thưa cụ, cụ đang ngồi đợi ai?
Ông cụ rầu rĩ trả lời:
- Ta đang đợi tri âm con ạ, ta đã chờ đợi cả ngàn năm rồi. Ở đây thì buồn tẻ, từ ngày đức vua đuổi ta đi, lúc nào cũng buồn tẻ.
- Trên trần cũng là một khối cô đơn. Con người hầu như chẳng yêu thương nhau nữa.
Ông cụ trỏ vào trái tim:
- Chúng ta thì hoang hoải từ tận linh hồn. Thế giới này không phải địa ngục đâu con, nó ở lưng chừng. Sẩy chân thì ta thành ác quỷ, vô ý thì thành thiên thần. Trớ trêu khi phải cân bằng, nghệ sĩ cứ như đang giữ một hòn lửa đỏ, và đôi khi họ luống cuống tựa anh hề.
Nói rồi, ông lão đứng dậy, bỏ lại hắn, vừa đi vừa nói những lời du dương:
- Sống cô đơn, chết cô đơn. Đời vẫn đớn đau...
30/7/2015
Quỳnh Phạm
Theo http://trannhuong.net/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...