Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Khi con trăng lên

Khi con trăng lên
Bước vào tuần trăng , ăn cơm xong, cái Mảy vừa rửa bát ở đầu hồi nhà sàn vừa ngửa mặt nhìn trăng. Còn lâu ông Khằm mới nổi trống xòe, biết vậy mà nó vẫn đứng ngồi không yên, nôn nao chờ đợi…Rồi tiếng trống vang lên, nó vù xuống cầu thang đi gọi cái Điu, cái Khoẹn, cái Viềng và mấy đứa khác, cùng chạy ra bãi cát bên suối.
Lúc sau, ông Khằm lững thững cầm khèn đến, tranh thủ bảo lũ trẻ múa cho đúng nhịp. Rồi các anh chị thanh niên ra. Các anh thổi khèn, đánh đàn tính cho các chị gióng hàng vào múa. Ông Khằm quay sang hướng dẫn cho đội xòe người lớn. Lũ trẻ ngồi xem. Bỗng cái Mảy bảo:
- Bọn mình cũng đứng thành hàng múa theo các chị đi.
Được ông Khằm truyền cho, lại hay bắt chước các chị, qua nhiều tuần trăng, đội xòe trẻ con do cái Mảy cầm trùm đã khá thành thạo các điệu Xòe Hoa, Xòe Quạt, Xòe Khăn, Xòe Nhạc, Xòe Nón.
Cứ đến rằm, đội xòe bản Ban do ông Khằm chỉ đạo lại diễn cho bà con xem. Sau đêm diễn vừa qua, ông bảo cái Mảy:
- Các cháu xòe vững rồi đấy, nhí nhảnh lắm. Chịu khó tập cho đều nhau hơn, rằm tới, ông sẽ xếp cho các cháu xòe một vài điệu xen kẽ với những tiết mục của các anh chị.
Cái Mảy mừng quýnh, nó đếm từng ngày cho nhanh tới rằm.
Còn hai mươi ngày nữa là đến rằm, ông Khằm mời đội xòe sang nhà chơi. Cái Mảy và lũ bạn của nó cũng được ông gọi đến. Mời mọi người ăn hoa quả vườn nhà, ông nói:
- Mai ông lên tỉnh ở với vợ chồng thằng Khạt, nay mời các cháu đến liên hoan chia tay…
Không đợi ông nói hết, cái Mảy hỏi luôn:
- Ông ơi, ông đi chúng cháu có được xòe cùng các chị không ạ?
Ông Khằm quay sang phía thanh niên:
- Các cháu cho mấy em nó diễn vài điệu nhé.
Chị San bảo:
- Ông đi chúng cháu cũng nghỉ thôi. Chẳng ai chịu ai rồi lại giẫm vào nhau cho mà xem.
- Các chị nói thế thì ai cho chúng em diễn? Cháu không cho ông đi đâu! Không cho ông đi đâu! - Cái Mảy vừa nói to vừa gạt nước mắt như ăn vạ.
Buổi chia tay chẳng vui tí nào. Mọi người lần lượt ra về. Riêng cái Mảy không chụi đứng lên, nó muốn ở lại giữ chân ông Khằm.Mẹ nó sang dỗ thế nào nó cũng không chịu về. Chị Leng con gái út ông Khằm bảo:
- Cô cứ cho em ngủ lại với cháu.
Để ông Khằm khỏi trốn đi, lúc ngủ, cái Mảy đòi nằm bên ông. Nó lấy cái khăn dài thường vấn trên đầu buộc cổ tay hai ông cháu vào nhau.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, nó thấy cổ tay nhẹ tếch, nhìn quanh không thấy ông Khằm đâu. Chi Leng đưa cho nó nắm xôi, bảo:
- Ông đi từ gà gáy. Ông nhờ chị xin lỗi em. Trước lúc bước xuống thang, quay lại nhìn em, ông khóc đấy.
Thế là hết những đêm xòe dưới trăng. Cái Mảy buồn không muốn nhìn trăng nữa. Nghĩ vậy nhưng đêm đêm nó vẫn ngước mắt lên trời. Trăng bằng cái khuyên tai là mùng ba, mùng bốn; Bằng múi khế là mùng bảy, mùng tám; Bằng già nửa tấm bánh là mùng chín, mùng mười. Thích xòe quá, nó chạy đi gọi lũ bạn ra bãi cát múa với nhau cho vui.
Múa được một lúc thì có người lội suối ùm ùm về bản.
- Ông Khằm! Ông Khằm! - Lũ trẻ reo lên, chạy đến đón ông. Ông bảo:
- Ông vừa học được bài hát múa mới, ông dạy luôn cho các cháu.
Tiếng hát vang vang của bọn trẻ khiến các anh chị thanh niên theo nhau ra bờ suối cùng tập với các em. Cái Mảy có giọng ca vang nhất được ông Khằm chọn làm lĩnh xướng cho tiết mục. Mọi người múa theo. Bài này gần với dân ca, dân vũ nên dễ thuộc.
Sau mấy buổi tập luyện, đêm rằm, đội xòe thanh thiếu nhi bản Ban múa hát phục vụ các bà con. Nhiều người vừa xem vừa nhún nhảy và hát theo giọng ca trong trẻo của cái Mảy:
Khi con trăng lên
Bản thành bản sáng
Khi con trăng lên
Suối thành suối bạc
Khi con trăng lên
Tiếng khèn rộn vang
Khi con trăng lên
Xòe mòn bãi cát
Khi con trăng lên
Bạn ơi hãy hát…
Qua rằm, ông Khằm lại lên tỉnh. Cái Mảy cùng bạn bè tiễn ông đến bờ suối bên kia. Nó dặn ông:
- Tuần trăng sau ông lại về, ông nhé.
- Ông phải về chứ. Trên tỉnh người ta không xòe, chỉ có văn công làm thôi, ông học điệu vừa rồi ở họ đấy. Đêm trăng không có xòe như canh quên tra muối.
Cái Mảy áp đầu vào ngực ông như muốn níu chân ông thêm chút nữa. Ông xoa đầu nó, bảo:
- Ông già rồi. Nhưng ông không lo. Còn các cháu, điệu xòe bản Ban ta còn mãi.
Quách Liêu 
Theo http://trannhuong.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...