Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Cảm nhận về đoạn thơ “Thề nguyền” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Cảm nhận về đoạn thơ “Thề nguyền” 
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một “đại kiệt tác” của nền văn học trung đại Việt Nam, Truyện Kiều xoay quanh cuộc đời và số phận của nhân vật Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn “sắc đành đòi một tài đành họa hai”. Tuy nhiên, cuộc đời của người con gái tài hoa ấy lại phải trải qua muôn vàn khó khăn, bất hạnh, sóng gió của cuộc đời. Cuộc đời Thúy Kiều toàn những khổ đau, bất trắc. Nhưng, nếu ta theo dõi từ đầu cuộc đời của Kiều, ta có thể thấy Kiều đã từng được hạnh phúc. Đó là khi gặp gỡ Kim Trọng, yêu và được yêu, tình yêu đầu đời của nàng Kiều với chàng Kim cũng đẹp như bao chuyện tình khác. Trong trích đoạn “Thề nguyền”, nhà thơ Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét tình yêu trong sáng mà da diết ấy của hai người.
Sau khi có duyên gặp mặt tại lễ tảo mộ, Kim Trọng đã khắc sâu hình bóng của nàng Kiều trong tim của mình. Vì vậy, Kim Trọng đã thuê một nhà trọ gần nhà của Vương ông, mục đích là có thể tiếp tục gặp gỡ Thúy Kiều. Cuộc gặp mặt vô tình tại lễ tảo mộ không chỉ có Kim Trọng mà Thúy Kiều cũng có sự rung động với chàng Kim thư sinh, anh tuấn. Nhân khi cả nhà về ngoại, Thúy Kiều và Kim Trọng đã lén lút gặp nhau. Khi trở về, biết bố mẹ vẫn chưa trở về, nàng Kiều đã có một quyết định rất táo bạo, đó là vượt tường để sang gặp Kim Trọng lần nữa:
“Cửa ngoài vội rủ rèm che
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”
Khi biết bố mẹ và hai em chưa có ai về nhà, Thúy Kiều đã “tranh thủ”quãng thời gian quý giá ấy để đi gặp tình lang. Hành động của nàng Kiều khá chu đáo, nàng buông rèm che để không ai phát hiện ra hành động của mình “vội rủ rèm che”. Hành động sau càng táo bạo hơn nữa, nàng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Ta có thể thấy, trong quan niệm phong kiến xưa, người con gái không được phép tự do yêu đương mà phải theo quy định “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ở đây Thúy Kiều không những phá vỡ quy định ấy mà còn rất chủ động đến với tình yêu một mình. Hành động “xăm xăm” thể hiện những bước chân rất dứt khoát, nhanh nhẹn. Như vậy, Thúy Kiều đã phá vỡ mọi rào cản phong kiến đối với tình yêu nam nữ, thể hiện được khát khao  tình yêu, khát khao hạnh phúc chính đáng của mình.
“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ đỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”
Trong đêm tối, nàng Kiều một mình vượt quãng đường ngăn cách để đến với chàng Kim. Có thể thấy “khoảng vắng đêm trường”, thời khắc đêm khuya là giây phút những đôi lứa nhớ nhung về nhau nhất. Với Thúy Kiều cũng vậy, nỗi nhớ chàng Kim đã thôi thúc nàng hành động. “Vì hoa” ở đây ta có thể hiểu là Thúy Kiều đang ám chỉ chàng Kim, một con người tài hoa, nho nhã. “Trổ đường tìm hoa” là hành trình Thúy Kiều “băng lối vườn khuya” để đến gặp tình lang của mình, nàng tranh thủ từng phút giây có thể để ở bên nhau,vì “biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Có lẽ, cuộc gặp gỡ mộ Đạm Tiên đã luôn ám ảnh Thúy Kiều, nàng luôn mơ hồ dự cảm về một tương lai đầy biến cố sẽ đến với con người đầy tài hoa như nàng. Vì vậy, nàng không muốn lãng phí một phút giây nào để sống với cảm xúc, với tình yêu của mình.
Theo http://vanmau9.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...