Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Chiều hoàng hôn vừng dương Đường thi lấp lánh

Chiều hoàng hôn vừng dương 
Đường thi lấp lánh  
Trên thi đàn hiện nay, sự giao thoa hòa quyện của rất nhiều dòng thơ mới với những phá cách độc đáo lạ lẫm song hành cùng dòng thơ truyền thống đã tạo nên một vườn hoa thơ rực rỡ sắc màu đượm phấn hương. Người làm thơ và người yêu thơ càng có thêm cho mình nhiều sự chọn lựa phù hợp. Riêng Nguyễn Đức Pha và thơ Đường là một sự gặp gỡ đầy hạnh ngộ, một mối tình tri kỷ không dễ chia lìa. Sau cánh cửa mê cung dẫn đến cuộc hôn nhân của tác giả và nàng Đường thi là mối tình nặng sâu với quê hương, với cuộc sống mà ta luôn ao ước hướng về.
Với chiều sâu của nội tâm, chiều rộng của đam mê và nhiệt huyết khát khao, Nguyễn Đức Pha với tâm hồn của người lữ khách ưa khám phá đây đó, tác giả đi đến đâu cái đẹp cũng ào về ngự trị lên những trang thơ. Những bài “vịnh sen”, “vịnh liễu”, “vịnh lộc vừng”, tả “cây thông”, “cây nguyệt quế”, “cây thanh long”, “hoa quỳnh”, “hoa trinh nữ”... đều là những vần thơ ngợi ca vẻ đẹp của cảnh, của người, ca ngợi sắc hương, tâm hồn và ý chí lạc quan của mỗi cây đời sống.
Ở tuổi “cuối chiều” với “đôi điều cảm nghĩ” về những cảm xúc khi “yêu”, khi “say”, khi “thăm quê”, “nhớ bạn”, “chơi xuân”, thăm “thắng cảnh Tràng An”, thăm “Thăng Long Hà Nội”, cả khi “sợ” tuổi già đã đến sầm sập ngay sau lưng, dù ở trường cảm xúc nào Nguyễn Đức Pha vẫn giữ được cho trang thơ và trang đời của ông cái tình cái nghĩa, cái đẹp đẽ duyên dáng, thuần khiết ngay tự trong tâm hồn.
Bằng những “hoài niệm” cất giấu trong ngăn ký ức, tác giả thả trôi lòng mình về phía hoàng hôn với rất nhiều những tâm sự, những câu chuyện về một thời tuổi xanh đang đầy lên cùng năm tháng. Từ những ngày tuổi thơ chăn trâu bắt bướm, chuyện với cô bạn má hồng hẹn chờ nơi bến sông… tất cả cứ theo dòng tương tư lần lượt trở về với bao “thướt tha” mong nhớ. Điều đó tạo nên một sức sống mãnh liệt, một sự lôi cuốn kỳ lạ tới độc giả cùng Nguyễn Đức Pha. Và hình như Đức Pha sinh ra để viết thơ Đường. Thơ ông được tạo nên từ những cảm hứng rất dịu dàng thuần khiết, được thanh lọc bằng những từ ngữ chau chuốt nhiều dụng công mang tính nghệ thuật cao, giàu chiêm nghiệm, dạt dào tình cảm. Với bút pháp điểm nhãn chấm phá, sự uyển chuyển linh hoạt trong việc sử dụng câu chữ, sự vận dụng sáng tạo các danh, tính, độc, vận trong các lối viết khoán thủ, nhất thủ thanh, thủ vỹ ngâm, lục bát thuận nghịch độc, thất ngôn, ngũ ngôn bát cú, tuần hoàn bất tận thi... Đức Pha đã kế thừa và phát huy một cách nhuần nhuyễn tinh hoa thơ Đường luật, làm nên một “vừng dương” Đường thi với ánh sáng lấp lánh.
Thơ cổ bao đời tỏa ngát hương
Tinh hoa di sản sáng vừng dương
Ngàn năm lục bát hồn thơ vượng
Muôn thuở Đường thi tứ vẫn cường!
Mừng vui khôn xiết khi được chứng kiến những tháng ngày hạnh phúc đắm say của nàng Đường thị và chàng Đức Phá, bởi họ chung nhau ở cái tình cái nghĩa. Bên Phá nàng duyên dáng rực rỡ thanh cao biết bao, còn chàng Phá, nàng đáp nghĩa bằng việc nâng đôi cánh cho hồn thơ Đức Pha bay xa, vượt qua cả những “Chiều hoàng hôn” đang dần dần buông xuống.
Sau đây xin trích giới thiệu một số bài thơ của Nguyễn Đức Pha trong tác phẩm: “chiều hoàng hôn” được NXBVH ấn hành số: KHDKXB 1552-2013/CXB21-46/VH.QDXB số 1465/QD - VH ngày 1/11/2013:
NHỚ BẠN
(Thuận nghịch độc, thất ngôn, ngũ ngôn  bát cú)
Hoa đùa gió thoảng gợi niềm thương,
Cảnh ấy buồn lòng nỗi nhớ vương.
Tha thướt dáng cây hình rủ bóng,
Hữu chờ mong ngóng bạn trời phương.
Xa vời cảnh ấy tình đâu cách,
Vắng mãi vơi đầy dạ vấn vương.
Qua bến nhớ đò rời giọt nắng,
Nhòa rơi lệ đẫm ướt đêm sương.
Yên Bái, ngày 2/6/2013
THEO DÒNG TƯƠNG TƯ
(Theo ý thơ Phạm Thúy Lan - Hà Nội)
Chia sẻ tình thơ nỗi bể dâu
Để lòng vợi bớt chút ưu sầu
Bâng khuâng vẫn nhớ ngày xuân hẹn
Thổn thức đâu quên tháng hạ ngâu.
Chìm nổi bao lần còn lắng đọng
Thăng trầm mấy đận mãi in sâu
Đường chiều bóng ngả bao hoài niệm
Thao thức canh trường ngấn lệ châu.
Yên Bái, tháng 2/2013
SANG SÔNG
(Thân tặng nhà thơ Đoàn Tiếu)
Một đóa phù dung đã lấy chồng
Thuyền xuôi sang bến bỏ đò không
Sông hờn trách bạn câu thề lỡ
Bến hận chờ ai chẳng tiếc công
Năm tháng trôi dần lòng quạnh vắng
Tình ta phai nhạt bóng chiều đông
Lời yêu son sắt xin trao lại
Để khách sang sông vẹn với chồng.
Yên Bái, tháng 3/2009
VỊNH SEN
Đầm ao hè đến mướt xanh xanh
Thẳng đứng như ô chẳng mọc cành
Ngan ngát hương thơm trưa nắng hạ
Lung linh sắc thắm giữa chiều thanh
Bao đời thanh bạch nơi bùn đất
Muôn kiếp thẳng ngay chốn nước tanh
Phảng phất hương đời ai vẫn đợi
Cho mùa nắng mới đón tình anh.
Bắc Ninh, tháng 6/2010
THĂM QUÊ
Tôi lại thăm quê một buổi chiều,
Thu về lá rụng trước thềm rêu.
Đường làng vẫn thế đầy rơm cỏ,
Cổng ngõ như xưa kín rỉ meo.
Ngơ ngẩn tuổi hồng còn chạnh nhớ,
Bâng khuâng chiều tím, bóng trăng treo.
Tình quê sâu nặng như lòng mẹ,
Nghĩa cả sao quên cảnh khó nghèo.
Bắc Ninh, tháng 3/2009
THƠ ĐƯỜNG
 (Nhất thủ vận “thơ”, độc vận “chơi”)
Thơ Đường chín chín ngón cùng chơi
Thơ chọn người làm thạo mới chơi.
Thơ luật nhất vần là dạng độc
Thơ tam vĩ tiếng cũng hàng chơi.
Thơ toàn vần trắc nghe kỳ thủ
Thơ chỉ thanh bằng lối khó chơi.
Thơ Tú Xương ngàn năm vẫn tuyệt
Thơ Xuân Hương đọc để cười chơi.
Yên Bái, ngày 1/11/2012
LÀNG VĂN TỰ(1)
(Độc vận)
Nổi tiếng quê tôi đất Nguyễn Cao
Tên làng Văn Tự gốc thanh cao
Danh bia Văn chỉ ghi nho sĩ
Bằng cấp thời nay chứng chỉ cao.
Truyền thống cha ông rèn chí lớn
Tông đường tiên tổ đức nêu cao
Thật là mảnh đất nơi trời phú
Giữ lấy đạo hiền ý chí cao.
Yên Bái, ngày 1/12/2012
(1): Làng Văn Tự là tên ngày xưa của thôn Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay.
TÌM LẠI TUỔI XUÂN
(Tứ tuyệt tứ thủ)
Ta nhớ đời ta tuổi mộng mơ
Mẹ cha mất sớm sống nương nhờ
Cơm thường độn sắn kèm rau má
Áo rách quần sơ lấm bùn nhơ.
Ta nhớ đời ta vẫn khạo khờ
Muốn yêu chẳng dám tỏ lòng mơ
Vô tư mộng tưởng tình trong trắng
Khát vọng hoài mong để đợi chờ.
Ta nhớ đời ta lúc trưởng thành
Gian lao chẳng quản buổi phân tranh
Lên non đã trải bao năm tháng
Xuống thác từng quen nặng nghĩa ngành.
Ta nhớ đời ta quãng cuối chiều
Đắng cay nếm trải biết bao nhiêu
Đến nay hưu đã mười năm chẵn
Tìm lại buồn vui nhớ mọi điều.
Yên Bái, tháng 12/2012
Nguyễn Thị Linh
Theo http://thoduongdatviet.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...