Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

"Khúc giao mùa" và rượu cần miền sơn cước

"Khúc giao mùa" và rượu cần miền sơn cước 
(Vài dòng cảm nghĩ về tập thơ 
“Khúc giao mùa” của Nguyễn Thị Kim Thu)
Cũng như “Bông hồng không gai”, “Khúc giao mùa”* vẫn cùng một cách cảm, cách nghĩ rất nữ tính của Nguyễn Thị Kim Thu. Có điều, khác với “Bông hồng không gai”, ở tập này, chị nhắc nhiều đến Mùa Thu với những cung bậc tình cảm, những dạng thức biểu hiện tâm trạng khá phức tạp mà nếu tìm hiểu kỹ, người đọc sẽ thấy được có sự chuyển biến về chất giữa hai thời kỳ sáng tác.
“Khúc giao mùa” gồm 54 bài, trong đó có 10 bài viết về Mùa Thu hoặc những đoạn, những câu liên quan đến Mùa Thu. Vì thế, có thể xem Mùa Thu như một cái phông thiên nhiên cho những cảm xúc tâm trạng khi mà tác giả viết: “Chiều thu muộn chắt chiu từng sợ nắng/ Gom lộc đời nâng niu tán lá xanh”.
Thơ mang hồn thu nên tâm trạng là những tự khúc tạo nên những hình tượng trữ tình bảng lảng, miên man như làn nước sóng sánh mặt hồ hay vạt cỏ ven đê khi chiều buông:
“Chiều thu muộn chắt chiu từng sợi nắng
Gom lộc đời nâng niu tán lá xanh
Mùa sóng cạn mặt hồ tĩnh lặng
Trong vắt đáy hồ gợn gió mênh mang”.
(Bên đời)
Có thể nói, “Khúc giao mùa” là tập thơ đa tình, đa cảm diễn đạt trạng thái mông lung hư ảo, xóa nhòa hiện thực, đưa người đọc vào một không gian đầy hoa thơm cỏ lạ thấp thoáng những hồi ức, những ánh xạ của tình yêu. Bài “Hư vô” được diễn tả như con thuyền dập dềnh trên sóng, có lúc chao nghiêng nhưng không bị lật. Nó là một dạng ngôn ngữ ẩn dụ tình yêu qua những tác động hoàn cảnh: không gian, thời gian, xã hội, lịch sử. Đây cũng chính là dòng cảm nghĩ của chủ thể trữ tình, chứng tỏ sự từng trải với đầy ắp kỷ niệm vui buồn một thời đã sống hết mình, từng hưởng trọn niềm hạnh phúc cũng như uống đến giọt cuối cùng của chén đắng cay:
“Thinh không nhạt nhòa tiếng mõ
Ấp iu tối lạnh trưa nồng
Nợ cũ tay buồn thôi gỡ
Ngõ đời nhân thế sâu nông?”.
Thơ Nguyễn Thị Kim Thu có một mảng nhuốm màu hư ảo, gam màu nhạt nhưng chính nọ lại là cảm hứng chủ đạo của “Khúc giao mùa”. Phải là người có vốn sống phong phú và được cuộc đời ưu ái lắm mới có được những câu thơ gan ruột. Lại nữa, người viết phải làm chủ được ngòi bút, điều hòa được cảm xúc, chắt lọc từ ngữ mới diễn đạt được dòng ý tưởng luôn nhảy múa trong đầu mà không bị rối. Thơ Nguyễn Thị Kim Thu có những đoạn, những câu mới đọc thì có vẻ tĩnh lặng nhưng đọc rồi suy ngẫm, ta chợt thấy hình như bên dưới có những lớp sóng ngầm.
Đọc “Khúc giao mùa”, người ta cảm thấy, ngoài sự chuyên nghiệp ra, Nguyễn Thị Kim Thu còn gửi gắm tâm trạng của mình vào mỗi hình tượng thơ, kéo gần lại khoảng cách mong manh giữa đời và thơ. Yếu tố “huyền ảo” trong “Khúc giao mùa” đương nhiên không hẳn là nét phổ biến mang tính khuynh hướng, mà nó hình thành như một nhu cầu tự thân nhằm giải tỏa những ẩn ức nội tâm khi mà trái tim nhà thơ “quá tải” vì muốn ôm cả “nỗi khổ chúng sinh” vào mình.
Trong bài “Đợi mùa”, một cái tứ rất thơ và rất riêng, Nguyễn Thị Kim Thu đưa người đọc vào một không gian mông lung như miền ảo giác, cho họ “nhìn thấy” những dòng xúc của mình dưới dạng những triết lý nhẹ nhàng, đầy nữ tính về một hiện tượng tư nhiên trong khoảnh khắc:
“Hương cúc dại đắng niềm nhân thế
Bay dịu dàng thổn thức mùa sang”.
Cái triết lý ấy chính là sự chuyển hóa nội hàm khái niệm, biến hiện tượng “đợi mùa” tự nhiên thành triết lý nhân sinh, nhưng nó chỉ thoáng qua như ngọn gió nhẹ ve vuốt mái tóc người con gái trong một không gian thu se lạnh.
Có thể thấy, trạng thái se buồn, nỗi cô đơn và những hình thái tình cảm con người của Mùa Thu thường không cố định, bởi đó là Mùa Thu tâm lý, Mùa Thu cảm giác. Đây cũng là giọng điệu chủ đạo của “Khúc giao mùa”. Nó thầm lặng, nhuần nhị, giống như nét duyên thầm của người con gái, mảng trầm tích của dòng sông đời chảy từ quá khứ đến tương lai.
Trong dòng chảy ngầm của lớp lớp ngôn từ, một lớp ngôn từ âm tính, mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng nhưng buồn man mác, “Khúc giao mùa” trình tấu một bản nhạc bâng khuâng mà trong đó giai điệu, khúc thức cứ mỗi lúc lại hiện hình thành những đường nét, góc cạnh của một lâu đài trong sa mạc dưới dạng ảo ảnh:
“Có một chiều hoang vắng không mưa
Hồn khô khát như vạn chiều bỏng nắng
Đâu ốc đảo xanh đợi chờ trên cát trắng
Khúc xạ tim người như thực như mơ”.
(Khúc xạ)
Hình ảnh “hồn khô khát” ở đây không còn trong trạng thái chơi vơi giữa hư và thực nữa. Nó là một ẩn dụ được đẩy đến tận cùng không phải nhờ cái “tứ” khá rõ mà lại ở lớp từ dương tính nóng bỏng như nắng hạn ngày hè sau khi bị khúc xạ bởi lăng kính tâm hồn. Bài thơ là một trải nghiệm mà phía sau nó là khát vọng về một cái gì đó cao cả vượt quá kích thước con người trong cuộc nhân sinh đầy bất trắc.
Sự hấp dẫn của những bài thơ thuộc dạng này không chỉ đơn giản chỉ ở hình ảnh, vần điệu, nhạc điệu hay lớp từ ngữ độc đáo, mà nó ám ảnh người đọc ở chố mông lung, bí ẩn, tạo hiệu ứng “choáng ngợp” nhưng không thể giải thích nổi. Từ đó, ta có thể thấy, ở thời đại @ này, có một lớp công chúng vẫn dung nạp được loại thơ “ý tại ngôn ngoại” theo cách riêng của mỗi người mà chẳng cần bận tâm đến các khuynh hướng sáng tác mới được du nhập từ phương Tây như “Tân hình thức” hay “Hậu hiện đại”…
Trong đời người không tránh khỏi có những khoảnh khắc yếu lòng, tâm hồn xao động bởi sự tác động của hoàn cảnh. Hiện tượng mất cân bằng tâm lý ở một thời điểm nào đó đôi khi lại là cái cớ để người ta nhìn lại mình sau khi đã trải qua cơn “sốc phản vệ”. Tình cảm bất chợt nảy sinh nhờ công nghệ thông tin giữa những người chưa biết mặt nhau như Bạch Cư Dị từng viết “Tương phùng hà tất tằng tương thức” cũng là một vấn đề cần được nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học. Mối quan hệ “xộc xệch” được nhân vật trữ tình trong thơ tự bạch giống như lời xưng tội trước cha bề trên. Từ những dấu hiệu tuy vẫn còn mập mờ, người đọc cũng nhận ra một điều, những ràng buộc về mặt đạo đức truyền thống như là hệ miễn dịch trong cấu trúc văn hóa đang bị nền văn minh kỹ trị xâm thực, thì một chút chênh chao ấy, biết đâu lại là bước khởi đầu cho sự thanh lọc tâm hồn:
“Anh thì non tơ thế
Em, cải đã đơm ngồng
Anh, Xuân vừa chớm nụ
Em vời vợi chiều Đông (…)
Có thể nào không gửi
Đôi dòng tin cho anh
Nhớ đã thành nỗi khát
Cây buồn mơ chồi xanh”.
Và đây là khổ hay nhất, đáng đọc nhất của bài thơ:
“Mỗi ngày gặp qua mạng
Ta chơi game cuộc đời
Để bây giờ hẫng hụt
Một nỗi buồn chơ vơi”.
Một lần nữa, chúng ta lại nhận ra, kỹ thuật diễn tả trạng thái tình cảm mông lung, mờ ảo, nửa thực nửa hư như một nét đặc trưng trong phong cách Nguyễn Thị Kim Thu.
Viết “Khúc giao mùa”, Nguyễn Thị Kim Thu có khuynh hướng vận dụng thi pháp thơ Việt truyền thống thường thiên về “gợi” hơn là nói trắng ra như thơ hiện đại hoặc “Hậu hiện đại”. Cũng chính vì thế, với tâm hồn đa cảm, lúc nào tác giả cũng muốn tìm đến sự hoàn thiện nhưng không bao giờ có được. Nhưng bằng vào sự dấn thân, sống đến tận cùng của cảm giác yêu thương, chị đã tập hợp được những con chữ vô tri, thổi hồn mình vào đó, làm cho chúng sinh động hẳn lên, thay mình tìm vào nơi sâu thẳm nhất của trái tim, lôi ra những bí mật tạo hóa mà chính nhà thơ bất lực. Bí mật ấy có khi miên man, xa vắng như một hoài niệm từ tiền kiếp:
“Nếu mây buồn cứ theo gió lang thang
Đêm lạnh giá
Ngày dài không nắng
Tiếng nhạc đời thôi reo chiều quạnh vắng
Trời không xanh
Biển nhạt
Tro tàn!”.
(Biển nhạt)
Ở một mức độ nào đó, người đọc cảm nhận được, cái làm nên hồn cốt của “Khúc giao mùa” chính là những khoảnh khắc buồn vô cớ. Nó có thể là một rung cảm bất chợt hoặc những tín hiệu siêu hình, vượt ra ngoài khái niệm vật lý vốn bắt nguồn từ vô thức, chỉ lóe sáng khi bất chợt được kích hoạt rồi lại vụt tắt như mảnh sao băng giữa trời đêm. Khoảng khắc ấy, mình đối diện với chính mình, tư duy logic bị đẩy xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho trực giác. Đạt đến cảnh giới ấy, người ta muốn phá bỏ những quy tắc đạo đức, cho qua mọi ràng buộc nghĩa vụ, thả mình theo tiếng gọi trái tim. Bài “Không đề 9” là một minh chứng khá rõ trong trường hợp này:
“Có một người buồn vô cớ
Bâng khuâng nhung nhớ một người
Mây trắng trời xanh một thuở
Thu về cúc lại vàng tươi”.
Hình ảnh thơ trong “Khúc giao mùa” hầu hết là hình ảnh tâm lý thông qua cảm nhận của cái tôi trữ tình, buồn vui theo cung bậc tình cảm của chủ thể trữ tình. Những hình ảnh này không nằm trong “dải tần” mông lung mờ ảo nên không mấy khó hiểu, nó cũng có gam màu lạnh cho dù đôi khi tác giả cũng nói đến lửa:
“Hanh hao mới trọn mùa trăng
Phía trước vẫn mùa hoa sữa
Trăng thu hóa vầng trăng lửa
Heo may xào xạc cuối đường”.
(Mùa xa)
Những từ “hanh hao”, “heo may”, xào xạc”, bản thân nó đã gợi cảm giác buồn, huống hồ lại nằm trong một văn cảnh mà khổ thơ trước đó, tác giả đã phác họa một không gian nhuốm màu cô đơn với những “chiều nắng xế”, “đời dâu bể”, “bến mê”… Đọc “Mùa xa”, ta thoáng thấy trong tâm tưởng có cái gì chua chát. Nỗi buồn man mác tạo nên cảm giác hẫng hụt, không hiển lộ thành lời nhưng cũng đủ làm những tâm hồn đa cảm, đa tình khắc khoải…
“Khúc giao mùa”, ngay cái tên cũng ngầm chỉ ra, tác giả muốn gửi đi một thông điệp, rằng, điều mà chị muốn viết không phải là cái đã có, đã ổn định, an bài, mà là cái sắp xảy ra vẫn chưa thấy được hình hài. Chị lấy khoảnh khắc làm đơn vị đo lường, tuy là hiện tượng tự nhiên nhưng lại có khả năng chi phối đời sống xã hội. “Khúc giao mùa” còn được hình dung như một bản nhạc thiên nhiên với giai điệu trầm lắng mang phong cách thính phòng ngay giữa đại ngàn. “Tình yêu phong lan và đại thụ” là sự giao hòa giữa một bên là sự rung cảm con tim, một bên những âm thanh réo rắt của suối chảy, tiếng chim hót, tiếng rì rào của ngàn vạn mắt lá. Lúc này thì không còn là khoảnh khắc nữa, tác giả có đủ thời gian “ký họa” được một khung cảnh “thần tiên” mà điểm nhấn của nó chính là đôi trai gái kia đang say đắm trong niềm hoan lạc:
“Vút lên nữa một lần, trong tiếng nhạc phiêu diêu
Hòa làm một, nàng bên anh tin cậy
Mở rộng vòng tay, anh đón nàng và giữ lấy
Tình yêu, như báu vật trời trao!”.
Bài thơ tạo được giọng điệu êm đềm mà sâu lắng, trầm tĩnh mà sôi động với lớp từ chọn lọc, biến ảo qua nhiều sắc thái. Nó mê hoặc người đọc qua sự liên tưởng đa chiều bởi trong thơ có cả hội họa và âm nhạc.
Tư duy thơ của Nguyễn Thị Kim Thu luôn mạch lạc ở ngôn từ nhưng thường dính dấp ở cấu tứ. Vì thế, nó luôn dành cho người đọc sự liên tưởng phong phú về thời gian, không gian, lịch sử và đặc biệt là tâm linh. Viết về cái đã có, đang có hoặc sẽ xảy ra ở thì hiện tại, cho dù vẫn sử dụng phương pháp làm mờ nhòe cận cảnh, nhưng khác với cái sẽ xảy ra ở thì tương lai, bố cục bài thường dồn nén, cô đúc thành những mảng hình tượng mang phong cách đồng dao là dạng cấu trúc ngôn ngữ đặc trưng của người Việt vùng đất cổ:
“Ngược thời gian
Lần về quá khứ
Gặp lại lời nguyền sinh tử
Chụm than hồng
Cho nhnwgx ngày sau”.
(Có một chợ tình Khau Vai)
“Ai mềm dịu đầu môi
Ai đong đưa cỏ mắt
Ai gừng cay sung chát…
Một lần măng đắng thôi?”.
(Măng đắng)
“Một sớm nắng vàng
Một chiều mưa lũ
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Niềm vui ấp ủ”.
(Dòng sông mùa thu)
Cách “nói vần” với từ ngữ dung dị, giọng điệu nhẹ nhàng, tươi tắn nhưng vẫn phảng phất đâu đó nỗi buồn trong cấu trúc các khổ thơ trên đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho người đọc. Nó không phải là triết lý nhưng vì mang bóng dáng đồng dao vốn được lưu hành theo phương thức truyền khẩu, nên đã tạo ra một phản xạ văn hóa trong cộng đồng làng xã.
“Khúc giao mùa” là khúc nhạc trữ tình êm ái, dẫn dụ tâm hồn người vào cơn mê sảng vốn đã tiềm ẩn từ lâu trong vô thức, thức bỗng nhiên được kích hoạt, hiển hiện trong hình dạng nguyên thủy của nó như là tính “nhị phân”. “Chuyện tình bên lửa”, “Rượu cần” và “Ngỡ là” được xem là những bài tiêu biểu cho khuynh hướng này. Làm thơ bằng “vô thức” đã khó, nếu không nói là trời cho, những diễn giải từ cái “vô thức” đến “hữu thức” rồi nhận thức lý tính còn khó hơn nhiều. Tất cả mọi sự dễ dãi, thẳng tuột, cho dù là đầy đủ vần điệu đều không phải là thơ. Nói chính xác, đó chỉ là lớp ngôn từ thông tục của đời sống được văn hóa. Hiện tượng “nhị phân” từ những bài vừa dẫn ở trên tuy không nhiều nhưng có thể xem là linh hồn, là bản mệnh của “Khúc giao mùa”. Thiếu chúng, tập thơ sẽ mất sinh khí. Ta hãy đặt mình vào khoảnh khắc của chủ thể sáng tạo thì mới thấy tác giả trung thực đến tận cùng khi chị hạ bút viết đoạn kết:
“Chuyện đã qua lâu rồi
Dẫu chân trời góc bể
Có một lần như thế
Bếp lửa rừng xa xôi…”
(Chuyện tình bên lửa)
Đó là khoảnh khắc lóe sáng của bản ngã khi vô thức trỗi dậy, trườn ra khỏi những quy tắc đạo đức vốn không phải lúc nào cũng là chuẩn mực:
“Sừng trâu này nữa em thêm
Rót Đông vào Hạ, rót đêm sang ngày
Trót trao cần rượu vào tay
Thì thầm nếm chút heo may giao mùa
Nỗi buồn ai bán người mua
Giọt đời mặn muối mà chưa cay gừng”
(Rượu cần)
Chưa nói đến những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng luôn là thủ pháp làm lạ hóa câu thơ như “Rót Đông vào Hạ, rót đêm sang ngày”, hay là hình ảnh vị giác đầy gợi cảm “nếm chút heo may”… vốn là những nét đặc trưng của dòng thơ truyền thống được gọi là “cổ điển” nửa cuối thế kỷ XX, điều khiến ta nhận ra ngay vẫn là tín hiệu “giao mùa” được đan cài rất khéo vào “không gian rượu cần” miền sơn cước. Từ đó có thể thấy, hầu hết các bài thơ, cho dù tác giả không nhắc đến “giao mùa” thì nó vẫn cứ âm thầm hiện ra dưới đủ mọi hình thái vốn là đặc trưng thẩm mỹ của chị được định dạng trong cấu trúc tổng thể. Tính “nhị nguyên” trong “Khúc giao mùa” có những nét tương đồng với kiểu tư duy hình tượng thơ khi mà người viết cần thay đổi cấu trúc ngôn từ qua các dạng mô hình câu.
Cùng với kiểu tư duy hình tượng mang đậm màu sắc “âm tính” pha lẫn cấu trúc “nhị nguyên”, bài “Ngỡ là” tác giả lại có cách lập tứ như là thao tác tư duy phản biện lưỡng phân, đặt người đọc vào khu rừng của các giả thuyết hàm ý phiếm chỉ, trong đó thuyết “nhị nguyên” vẫn như một câu đố đòi phải có lời giải:
“Ngỡ là trời đã quang mưa
Bỗng đâu sấm chớp ban trưa mịt mù (…)
Ngỡ là êm ấm bốn bên
Giữa Đông lạnh giá, dưới trên gió lùa
Ngỡ là được, hóa ra thua
Nhà cao cửa rông hóa chùa đang tu!”.
Để rồi cuối cùng cái “sự ngỡ là” ấy được gói trọn trong một thao tác quy nạp chẳng khác gì câu thành ngữ thời hiện đại:
“Ngỡ là ơi! Ngỡ là ơi!
Đời còn dâu bể mặc tôi ngỡ là…”.
Tuy nhiên, “Khúc giao mùa” không chỉ được biết đến như một bản nhạc gam trầm qua lối tư duy hình tượng nhuốm màu âm tính, mà ở nửa sau của cuốn sách, Nguyễn Thị Kim Thu đã có những bài thơ viết về tình cảm gia đình thật nồng nàn ấm áp như than hồng trong bếp lửa nhà sàn những ngày đông giá. Trong số đó có thể kể đến “Nước mắt ngày giỗ mẹ”, “Mẹ chồng tôi”, “Lòng mẹ”, “Bà nhớ Lọ Lem”, “Vầng trăng ngày Hạ chí”, “Ru cha”, “Lỗi mạng”, nhưng gây ấn tượng nhất vẫn là những bài viết cho các cháu nội ngoại với giọng điệu ngộ nghĩnh, đầy cảm hứng làm người đọc sững sờ trước bởi cái “duyên” của chị với tâm hồn trẻ thơ:
“Bây giờ Bi đã biết
Thương em Bốp lắm rồi
Hễ thấy em vừa khóc
Bi đã chạy tới nơi
Chân bước mồm luôn gọi:
Anh Bi đây, Bốp ơi!”
(Anh Bi đây, Bốp ơi!)
* Thơ Nguyễn Thị Kim Thu, NXB Hội Nhà văn, 2015
Chí Linh, đầu thu, năm Ất Mùi 2/9/2015
Đặng Văn Sinh
Theo http://trannhuong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...