Nằm bất động trên giường. Tôi tự trấn an bản thân sau những
ngày dài lê thê bị giam bởi bốn bức tường trong bệnh viện - tôi phải điều trị
thêm một tháng nữa. Tôi đã ở đây, trên cái giường số 49 này đã tròn tháng thứ
tư, chứng kiến bao nhiêu người ra vào phòng bệnh, nhất là hai chiếc giường sát
bên cạnh tôi - số 50 và 51. Cứ khoảng 1 đến 2 tuần là lại có bệnh nhân khác đến
đổi, nên tôi vừa làm quen với ai thì lại chuyển người ấy đi. Những người họ
hàng đến thăm tôi, cứ đinh ninh rằng đã ở đây bốn tháng, ắt hẳn tôi đã có bạn rồi
ấy chứ. Thế mà thực tế thì ngược lại. Bà cụ bán hoa ở giường số 50 mới chuyển
sang phòng hồi sức lúc sáng, giường số 51 trống. Tôi tự nhủ: “Hôm nay lại có ai
chuyển đến hai cái giường ấy nữa? Sao không để nó nghỉ ngơi một chút chứ?”.
Đang suy nghĩ bâng quơ, bỗng tôi giật mình với tiếng nói to của cô y tá và tiếng
xe đẩy bệnh nhân quen thuộc.
- Chuyển đến giường số 50 và 51.
Hai cái giường đó, lúc đầu thuộc sở hữu của ông chú lái xe bị
trật tay và cô sinh viên trẻ, rồi sau đó đến một người đàn ông trung niên mang
bên mình cuốn Đồi Gió Hú (Wuthering Heights) ngày nào cũng huyên thuyên về
Emily Bronti, bởi tôi cũng là một tín đồ của tiểu thuyết nên chỉ tôi trong
phòng bệnh cố mà nghe ông ấy nói và lâu lâu “vâng” vài tiếng. Tôi cũng rất tò
mò xem lại những con người nào đến. Tôi không phải đợi lâu thêm, xuất hiện trước
mắt tôi là hai đứa bé, tầm 8, 9 tuổi.
Hai đứa như trạc tuổi nhau, thằng bé cao hơn cô bé một cái đầu.
Cô gái nhỏ có đôi mắt to, trong, làn da trắng hồng khiến tôi liên tưởng đến những
thiên thần đứng cạnh Đức Chúa Giêsu Hài Đồng. Khi cười, cái miệng nhếch lên, để
lộ chiếc răng sún bên trong, còn lúc thật sự vui, em kéo căng đôi môi hồng tươi
ra hết cỡ. Tôi chưa từng thấy ai bị bệnh mà hạnh phúc như thế, trái với cậu bé
da bánh mật tóc đen óng, ánh mắt cực sâu. Cậu bé được đẩy vào sau em bé kia, có
một điều khiến tôi hoảng hốt: cậu chỉ có một tay. Cậu bé không cười và không ai
đi theo như cô bé kia. Em nhấc chân xuống xe đẩy, con người tưởng chừng như một
cơn gió thoảng qua cũng làm em ngã xuống sàn, chân em không bám vào đất mà chỉ
chạm vào và không hề có điểm tựa để em đứng. Tôi thấy cạnh bên cô bé là một người
phụ nữ xây xát ở cánh tay và đầu gối. Đó là mẹ cô. Tôi biết được rằng cậu bé
kia còn lại một tay không phải vì khuyết tật mà vì một tai nạn giao thông gần
đây.
Bắt đầu từ hôm đó, y tá đến chăm sóc hai đứa bé thường xuyên
hơn, đôi mắt cô bé ấy xa thăm thẳm, cái miệng vẫn cười rất tươi. Tôi không biết
chuyện gì đã xảy ra với cậu bé bị tai nạn. Ngày đầu tiên, cậu ấy ngoái nhìn về
phía mặt trời thì chỉ thi thoảng nhìn về phía cô bé, nhìn vẻ như rất tức giận
nhưng lại không hề tức giận, một lát sau, đôi mắt ấy dịu đi, rồi lại nhìn ra
phía mặt trời. Cô bé đã làm gì khiến cậu bé giận sao? Ý nghĩ bất chợt thoáng
qua trong đầu tôi. Ngày thứ hai, cậu vẫn như thế nhưng ánh nhìn lại pha trộn một
nỗi buồn gì đó mà chỉ chia sẻ với mặt trời. Tôi rất vui, cô bé bắt chuyện với
tôi, chúng tôi nói về tất cả các phim hoạt hình của hãng Disney, bất luận có những
chi tiết tôi chẳng biết mà cứ cười nhẹ một cái. Thế đấy, qua ngày thứ ba, thứ
tư. Tôi để ý rằng mỗi ngày cậu bé nhìn cô bé trìu mến hơn, ấm áp hơn.
Ngày thứ năm, đang tiêm thuốc, cô y tá nói với cô bé:
- Hai đứa đã làm quen với nhau chưa? Cậu bé kia cũng chịu
tiêm thuốc rất giỏi. Giá mà cậu ấy cười nhiều hơn cháu nhỉ?
- Có một bạn như cháu ở trong phòng hả cô? Cô bé tròn xoe đôi
mắt.
- Bên cạnh cháu đấy. Nói xong, cô ra ngoài.
À, tôi vẫn chưa kể chuyện cô bé bị mù bẩm sinh. Tuy vào đây
cũng vì bị thương nhẹ lúc tham gia giao thông nhưng ở lâu như thế là chờ người
hiến tặng giác mạc. Nghe cô y tá nói, cô bé mừng rỡ quay sang bên trái, rồi bên
phải hỏi:
- Cậu đang làm gì thế? Cậu bao nhiêu tuổi rồi?
Ngồi nhìn ra cửa sổ, thằng bé đáp:
- Đang ngắm mặt trời. Bằng tuổi cậu.
- Từ bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện vào mỗi buổi sáng, chơi cờ
vào mỗi buổi chiều và tiêm thuốc vào buổi tối. Cậu đi ra ngoài chơi, phải dẫn tớ
theo cùng, được chứ?
Không thấy cậu bé trả lời, em nằm xuống, tôi thấy nó buồn dữ
lắm. Vài ngày sau, thấy thằng bé giường 51 bước xuống, sang giường em bé mù bảo
rằng muốn ra ban công phòng bệnh để nhìn mặt trời rõ hơn, nó muốn có người đi
theo. Tôi cười khi thấy thằng bé có lẽ không phải nó muốn có ai đi cùng, mà là
muốn đưa cô bé ra ngoài để cảm nhận thứ ánh sáng tuyệt diệu của thiên nhiên. Bởi
từ lúc đến đây, cô bé chỉ ngồi trên giường và quanh quẩn gần đấy. Cô bé mù nắm
chặt phần áo ở lưng cậu bé, đi đằng sau. Ra tới nơi, cậu làm đúng mục đích của
mình: ngắm mặt trời. Còn cô bé chỉ có thể cảm nhận được, sau một lúc chẳng nói
năng gì, thằng bé lên tiếng:
- Mặt trời có đẹp không? Cô bé mù nói, khuôn mặt cúi gầm xuống.
- Thì cậu ngước lên đi.
Cô bé ngước lên:
- Tôi biết cậu rất thích mặt trời. Nhưng... cậu có muốn bán
nó cho tớ không, mặt trời ấy ?
Rồi cô bé lấy ra vài đồng xu năm trăm đồng:
- Tớ sẽ mua nó. Cậu lấy cái này nhé.
Cậu bé chỉ nhìn, đôi mắt vẫn sâu như thế. Tôi đẩy chúng nó
vào, vô tình tôi khiến câu chuyện dừng lại, nhưng có lẽ cậu bé cần vậy. Một cô
bé mù xin mua mặt trời. Cái giường số 49 này đã đưa tôi đến với điều này đấy. Từ
hôm ở ban công, chúng nó nói chuyện với nhau mỗi buổi sáng, chơi cờ vào mỗi buổi
chiều, tiêm thuốc khi trời tối, thằng bé hay dẫn cô bé mù ra ngoài khiến tôi
quen với hình ảnh cô bé mù lấy cậu bé mất một tay làm điểm tựa và đi quanh cái
bệnh viện nhàm chán. Sau mỗi lần ra ngoài, cậu bé có thêm một đồng xu năm trăm
đồng từ cô bé mù.
Đến một ngày, vào cuộc nói chuyện buổi sáng, tôi cố nghe. Cô
bé không hề biết rằng người bạn của mình chỉ có một tay, chẳng ai nói điều này
cả.
- Nếu tôi bán mặt trời của tôi, cậu sẽ trả cái tôi muốn chứ?
- Cậu muốn cái gì?
- Hãy mua ước mơ của
tôi.
- Mua ước mơ của cậu, tôi trả cậu cái gì?
Cậu bé muốn những đồng xu năm trăm đồng. Cô bé nhảy cẩng lên,
đưa vài đồng xu còn lại cho cậu.
- Thế khi nào tôi lấy được mặt trời, và cả ước mơ của cậu?
- Sớm thôi. Thằng bé chẳng thốt được gì. Nước mắt người mẹ
kia cứ tuôn ra dạt vào không khí khiến phòng bệnh lặng im.
Tôi nhớ là những đứa trẻ này đã nói về ước mơ của mình vào
cái hôm nào đó. Cậu bé muốn trở thành một nhà văn, viết tiểu thuyết. Còn đứa bé
kia vẫn chưa có ước muốn gì. Tôi lại nghĩ nó sẽ đòi mua luôn cả ước mơ, nhưng
không, có lẽ nó biết đó là điều duy nhất mà thằng bé còn lại.
Để an tâm hơn, sau khi nói chuyện, cậu bé quay lại, gầm giọng
nghe rất sợ:
Hôm sau, có người hiến tặng giác mạc cho cô bé. Khi nghe tin,
em vui đến nỗi chẳng cười mà la lên. Chiều phải làm phẫu thuật ngay, nên tôi để
em nghỉ ngơi, không hỏi gì thêm nhiều. Chiều. Không hiểu sao tôi lo, bâng
khuâng quá nỗi!. Cô bé vẫy tay chào tôi, đi đến phòng phẫu thuật. Nó khoe với
thằng bé, tiếc thay người ta bảo thằng bé chuyển phòng rồi. Và nó cứ đi như vậy….
Một tuần đã trôi qua, đến mùa xuân. Thằng bé qua đời vì bệnh
tim, xe đẩy đưa cậu ra xa khuất tầm mắt tôi, nhưng đồng xu trong túi áo cậu rơi
xuống sàn, người qua lại hất nó vào trong góc. Đó là tất cả những ký ức còn lại
của tôi cái ngày trước khi em bé mù được phẫu thuật mắt. Lúc đó, tôi cầm tờ báo
dưới gầm giường của cậu bé đưa thông tin: “Có một vụ tai nạn giao thông trên quốc
lộ, người mẹ vì lấy cho con gái bị mù của mình con búp bê bị rớt xuống chân, đã
tông vào chiếc xe máy khác làm chết hai người bố và mẹ, đứa con không may chỉ
còn lại một tay, đang điều trị ở bệnh viện...”.
Tôi xuất viện đã mười năm. Dưới góc nhìn của một nhà báo, tôi
nghe tiếng tăm của một nhà văn mới nổi chuyên viết tiểu thuyết nên đến dự họp
báo giới thiệu sách. Một cô gái trẻ là tác giả cuốn “Người bán mặt trời” nhìn
tôi, tôi thấy ánh mắt của cậu bé năm xưa trong đôi mắt này, hình dáng này cũng
rất quen thuộc. Đôi mắt cực sâu, miệng cười rất tươi, long lanh. Đúng vậy, cậu
bé đã bán mặt trời và ước mơ của mình của mình ở đây, trong đôi mắt của cô bé
mù...
Phan Lê Bảo Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét