Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Vài ghi nhận về tính sáng tạo trong ca từ nhạc Thanh Bình

Vài ghi nhận về tính sáng tạo 
trong ca từ nhạc Thanh Bình
Mặc dù tài hoa của nhạc sĩ Thanh Bình đã được thực chứng qua giai điệu tha thiết, dễ đi vào lòng người và, ca từ mộc mạc, chân tình, dễ nhớ như:
“Những nẻo đường Việt Nam

Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam...” (9) 
(Thanh Bình, “Những nẻo đường Việt Nam”)
Hoặc:
“Từ miền Nam viết thư về thăm xóm làng 

Sắt son gửi trong mấy hàng 
Thăm bà con dãi dầu năm tháng 
Từ Tiền Giang thương qua Ðèo Cả thương sang
Ðêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già khuya sớm lang thang 
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối 
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười? 
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi?
Nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi...” (10) 
(Thanh Bình, “Thư về làng”)
Nhưng dường như ít người chú ý tới những nỗ lực làm mới ca từ của người nhạc sĩ tài hoa này.
Với trích đoạn ngắn kể trên của ca khúc “Thư về làng,” nhạc sĩ Thanh Bình viết khoảng đầu thập niên 1960s, khi ông dùng hai chữ “những già” (chỉ người lớn tuổi) thì hai chữ này, với tôi, đã là một cung cách sử dụng từ ngữ rất mới mẻ - tựa như lần đầu trong ca từ và, trong cả thi ca nữa.
Cũng vẫn với ca từ của ca khúc ấy, khi tác giả viết “áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười?” - Ðứng về phương diện ngữ cảnh thì chữ “tươi” không thể tương thích, gắn bó tốt đẹp hơn giữa hình ảnh mang tính liên tưởng với thôn nữ. Chưa kể, hình ảnh người thiếu nữ thẹn thùng, dùng vạt áo, để che dấu phần nào nụ cười của mình, lại là một ghi nhận tinh tế khác.
Tôi không biết, khi viết xuống những ca từ này, nhạc sĩ Thanh Bình có chọn lựa hoặc cân nhắc sâu xa không? Nhưng ở vị trí người thưởng ngoạn, tôi thấy đó là một liên tưởng thơ mộng và, phản ảnh tâm lý khác biệt giữa thiếu nữ làng quê và, thiếu nữ ở thành thị.

Tuy nhiên, khả năng làm mới ngôn ngữ, hình ảnh, để ca từ của ông có được nhiều tính thi ca hơn, đi xa hơn nữa, một khi ta lắng nghe, chú ý tới một vài từ ngữ khác, như hai chữ “lá đò” ông dùng trong câu:
“Lá đò qua sông vắng mây mù trong mắt ở” trong ca khúc “Tiếc một người.”
Cụm từ “trong mắt trong” của câu nhạc này không có gì mới mẻ, nếu không muốn nói là đã cũ, bởi nó từng được dùng trong thơ Quang Dũng ở những năm cuối 1940s, đầu thập 1950's (11) Nhưng hai chữ “lá đò” thì tôi nghĩ, trước ông, chưa một nhà thơ, nhạc sĩ nào nghĩ tới và sử dụng...
Cũng phần ca từ của ca khúc này, tác giả còn cho chúng ta những cụm từ rất mới và, rất gợi hình như “rong hồn bơ vơ” trong câu “lâu rồi nhưng vẫn nhớ vẫn rong hồn bơ bơ.” Ðộng từ “rong” mà tác giả dùng, có thể hiểu theo nghĩa: Thả nổi, thả trôi hay, buông trôi...
Qua tới phần ca từ của câu kế tiếp:
“Cánh hồng bay theo gió chết đi còn tương tư”
Thì năm chữ “chết đi còn tương tư” của tác giả “Tiếc một người,” vẫn theo tôi, không thể thơ hơn và, cũng không thể cực tả hơn, lòng đắm đuối, thủy chung của ông, trong bi kịch tình yêu chia ly, tuyệt vọng...
Là người thưởng ngoạn, căn cứ vào những tư liệu phổ cập, tôi được biết nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác không nhiều lắm. 
Thế nhưng ở bất cứ một ca khúc nào, được nhiều người yêu thích, còn tồn tại tới ngày hôm nay của Thanh Bình, nếu chú ý, ít nhiều gì chúng ta cũng tìm được những hình ảnh đầy thi tính, hiểu theo nghĩa sáng tạo, mới lạ.
Lại nữa nếu đi ngược thời gian, trở lại thời điểm khi những ca từ đó được viết xuống, ta sẽ càng thấy rõ hơn mức độ tài hoa trong sáng tác của ông!
Ở ca khúc “Tình lỡ” vốn được nhiều người nhắc nhở nhất, như thể đó là ca khúc nổi tiếng hay tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Thanh Bình, người lắng nghe nhạc ông, cũng bắt gặp nhiều hình ảnh, đúng hơn, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của tác giả. Thí dụ:
“Phương trời mình đi xa thêm xa
“Nghe vàng mùa thu sau lưng ta”
Nếu để ý, ta sẽ thấy cái mới của cụm từ “nghe vàng mùa thu sau lưng ta” nằm ở chữ “SAU.”
Bình thường, với thiên nhiên, con người có khuynh hướng nhìn tới chứ ít ai vừa đi vừa quay nhìn phía sau. Thêm nữa, cũng bình thường, câu nhạc này, nếu trong tay một nhạc sĩ sĩ khác, có thể nó sẽ được viết là “nghe vàng mùa thu trong tim ta.” Hoặc “nghe vàng mùa thu nơi phương xa”... Nhưng khi tác giả “Tình lỡ” dùng giới từ (preposition) hay trạng tự (advert) “SAU” thì:
Thứ nhất, ông chủ tâm nói về quá khứ: Mùa thu đã qua.
Thứ nhì: chữ “Sau” còn cho thấy tính chất phiếm định - Tức không chỉ rõ là một hay, nhiều mùa thu đã qua trong của cuộc tình lỡ kia. Nó như một cánh cửa mở rộng, cho người nghe cơ hội tham dự vào cấu trúc của ca từ, bằng cảm nhận chủ quan riêng, của mỗi người.
Cũng vậy, câu hát khởi đầu cho phần điệp khúc của ca khúc, tác giả viết: “Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau”
Ðây là một trong những ẩn dụ đẹp, dẫu tuyệt vọng trong “Tình lỡ.”
Một vầng trăng chẳng những đã “vỡ” mà, lại còn “thôi không theo nhau,” khiến tính chất bi thảm trở nên ai oán hơn câu thơ cổ mà chúng ta đều biết; đó là câu: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (12)
Từ nửa vầng trăng “in nơi gối chiếc” tới nửa vầng trăng “soi nơi dặm trường,” dù sao cũng vẫn có một tương quan nào đấy. Nhưng với một vầng trăng đã vỡ và, cũng không còn theo nhau nữa thì, nó đã không cho một trong hai người yêu nhau, dù ảo tưởng tới đâu, chút hy vọng mong manh, ánh sáng cuối đường hầm nào!
Ngoài ra, chúng ta cũng nên ghi nhận, Thanh Bình là người gần như đầu tiên, lập lại nguyên văn một câu nhạc (không thay đổi dù chỉ một chữ), mang ý nghĩa nhấn mạnh, xác quyết bất biến, trong một số ca khúc của ông.
Ở ca khúc “Những nẻo đường Việt Nam” là:
“Ôi những nẻo đường về đâu?
“Ôi những nẻo đường về đâu?”
Và ở “Tình lỡ” là:
“Hết rồi còn chi đâu em ơi...
“Hết rồi còn chi đâu em ơi...”

Nếu áp dụng câu nhạc kể trên vào thực tế đời thường của nhạc sĩ Thanh Bình thì, mọi thứ liên quan tới cuộc tình (những cuộc tình) của người nhạc sĩ tài hoa (nhưng bất hạnh cuối đời) này, đã thật sự không còn gì!
Tuy nhiên, dư âm của ca khúc, lại chọn cho nó một đường đi riêng. Con đường đến với tâm hồn người nghe. Và con đường đó, tôi tin, là con đường bất hoại!.
Chú thích:
(9), (10), (13) Nđd.
(11) Xem thêm bài “Kẻ ở” thơ Quang Dũng.
(12) Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Tình lỡ
Thanh Bình - Lệ Quyên
Tháng 2/2014
Du Tử Lê
Theo http://chutam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...