Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Bâng khuâng chim hót vườn na

Bâng khuâng chim hót vườn na
Mùa na chín
Sao cháu không về với bà
Chào mào đã hót vườn na mỗi chiều
Sốt ruột, bà nhìn chim kêu
Tiếng chim rơi với rất nhiều hạt na
Hết hè... Cháu vẫn đang xa
Chào mào vẫn hót. Mùa na sắp tàn...
 
Tình cờ, tôi đọc được bài thơ Mùa na chín, của Lê Thái Sơn, bài thơ chứa đầy tâm trạng, trăn trở, man mác buồn. Tôi có đôi điều cảm nhận, xin các bạn yêu thơ và các em cùng suy ngẫm, sẻ chia.
Bài thơ nho nhỏ, xinh xinh, nói về tâm trạng mong nhớ của người bà với đứa cháu đang tuổi học trò, sống với cha mẹ nơi thị thành, kỳ nghỉ hè năm nào cũng về quê thăm Nội, hai câu thơ đầu:
Sao cháu không về với bà
Chào mào đã hót vườn na mỗi chiều.
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi, một câu hỏi không mong có câu trả lời, đượm buồn, có phần trách móc nhưng đầy yêu thương, nhung nhớ người của Bà, yêu con cháu với lòng vị tha, như các người bà phúc hậu trong chuyện cổ tích. Câu thơ tiếp theo thông báo một hiện tượng tự nhiên: Chim chào mào hót báo hiệu mùa quả chín, mùa học trò được nghỉ hè về quê với ông bà, chăn trâu, tắm sông, hái hoa bắt bướm trên đồng, với tình yêu quê hương  gắn với những kỷ niệm ấu thơ: cây đa, giếng nước, mái đình ... Tác giả đã dùng rất đắt từ  “đã”, chào mào đã hót, sau thời gian dài khắc khoải, mong mỏi, đợi chờ của Bà, cuối cùng thì chào cũng đã hót, na đã chín, mùa hè đã đến, đứa cháu cưng cũng sắp về, từ “đã” khẳng định điều đó là hiển nhiên, không thể khác được. Hai câu thơ tiếp theo:
Sốt ruột bà nhìn chim kêu
Tiếng chim rơi với rất nhiều hạt na

Được hòa mình trong tự nhiên, nghe gió thổi, mây bay, hoa nở, chim hót là điều rất hạnh phúc, sao Bà lại sốt ruột? phải chăng Bà đã dự cảm có cái gì đó rất mong manh. Sao không phải là chim hót mà lại là chim kêu? mà trong tiếng chim kêu đó lại có rất nhiều hạt na rơi rớt, phải chăng trong cái mất mát vì chim ăn hết nhiều na chín vườn Bà, cùng với những hạt na rơi ấy, niềm hy vọng được gặp cháu của Bà cũng đang vơi  dần đi với thời gian, với mùa na chín, với những hạt na rơi rớt.
Hai câu kết của bài thơ, là một tiếng thở dài đầy thất vọng của người bà:
Hết hè …cháu vẫn đang xa
Chào mào vẫn hót. Mùa na sắp tàn!
Mùa hè đã trôi qua, cháu vẫn không về, ngoài vườn na chào mào vẫn hót, từ “đã” hót đến “vẫn” hót là một khoảng thời gian vời vợi, khắc khoải đợi chờ. Bốn tiếng sau cùng: mùa na sắp tàn, gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn mênh mang, thăm thẳm, ai cũng đồng cảm, sẻ chia với người Bà tội nghiệp nơi quê kiểng, mong đợi cháu suốt cả Mùa quả chín, mà cháu  vẫn không về.Các em học sinh yêu quý, chốn đô thành đèn xanh đèn đỏ, có muôn vàn cám dỗ, có rất nhiều áp lực học hành, các em sẽ có nhiều lý do để để tự dối mình, nhưng đừng quên cội nguồn xa xôi, nơi quê nội, quê ngoại còn có “Mùa na chín” còn có những người ruột thịt thân yêu, đang níu kéo thời gian, giữ không cho “mùa na sắp tàn”, và cũng cũng đừng quên nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những tình cảm cao đẹp, những cảm xúc tinh tế. Đôi khi cũng cần để lòng mình bâng khuâng với những nỗi nhớ vu vơ, những nỗi buồn vô cớ, mênh mang. Các em có cảm xúc gì khi đọc xong bốn tiếng cuối bài thơ: “mùa na sắp tàn”!.
Mai Văn Loan
Theo http://c2chuyenmy.phuxuyen.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lệ Quyên và những thực tại òa vỡ

Lệ Quyên và những thực tại òa vỡ Mới đầu, do phấn son và cách trình bày, nàng đập vào mắt như một geisha. Dần dà, nàng biết khôn khéo tận dụ...