Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Lam Phương: Những tình khúc làm nên tên tuổi

Lam PhươngNhững tình khúc 
làm nên tên tuổi 
Bạn đọc đã nghe một số người trong giới văn nghệ sĩ bày tỏ cảm tưởng về nhạc sĩ Lam Phương. Tựu chung, ai cũng lên tiếng khen ngợi Lam Phương là có những nét đặc biệt của người miền Nam: Trung thực, đôn hậu, giản dị trong nét nhạc cũng như trong lời ca, đi sâu vào lòng người và dễ dàng gây được những xúc động rộn ràng, tươi vui, thắm thiết.
Vẫn có những nét buồn nhưng là buồn nhẹ nhàng, không đến nỗi quá đau khổ, sầu bi. Vẫn có những nét nhớ nhung sầu muộn nhưng không quá đắng cay, tha thiết đến nỗi mất hết niềm tin, mất luôn cả hy vọng.
Trong phần hai của loạt bài viết về Lam Phương, mời bạn đọc cùng chúng tôi lướt qua một số nhạc phẩm đã đưa Lam Phương lên đài danh vọng. Và hỏi chuyện Lam Phương để biết qua về thời gian sáng tác cùng những kỷ niệm đã gắn bó với tiếng nhạc lời ca.
Theo Duyên Anh tiết lộ thì cậu Lâm đình Phùng, học nhạc với thầy Hoàng Lang (hiện sinh sống tại Thụy Sĩ, nay đã hư cả đôi mắt) đã cả gan viết bài “Chiều thu ấy” lúc mới 15 tuổi học trò. Rồi trở thành Lam Phương sáng tác
“Trăng thanh bình”“Khúc ca ngày mùa” vào năm 1954 thì cậu học trò trường Les Lauriers nghiễm nhiên là một hoàng tử của tân nhạc miền Nam.
Đây là bản “Chiều thu ấy” viết năm 1952, âm giai Do trưởng, nhịp Rumba:
“Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai. Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say. Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn. Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng...”
Bạn đọc thắc mắc là tác giả năm ấy mới có 15 tuổi học trò mà đã sớm có ái tình nở rộ như thế hay sao?
Tôi cũng có thắc mắc ấy nên hỏi Lam Phương thì chàng cười mà rằng:
Đời nghệ sĩ mà anh! Nhưng cũng nói  để anh khỏi “ghen” là tôi chỉ viết nhạc, còn về lời thì thầy tôi là nhạc sĩ Hoàng Lang soạn lời.
Bản nhạc đầu tay của Lam Phương không thấy in lại ở Mỹ, cũng không thấy trong các dữ liệu của máy điện toán nên chúng tôi phải xin thẳng tác giả gửi cho làm tài liệu và trình cùng bạn đọc trong kỳ báo này.
Bản nhạc thứ hai nổi tiếng ngay sau khi được hát trên làn sóng điện là bản “Trăng thanh bình”. Tác giả viết năm 1953 khi  mường tượng ra khung cảnh một đất nước chiến chinh, súng đạn rền nổ khắp quê hương gây nên tang tóc. Giữa khung cảnh loạn ly ấy, nhìn lên trời cao lại là bóng trăng êm đềm dịu tỏa. Lam Phương viết:
“Ngày nao súng biên cương, rền nổ khắp đồng xanh
bao la súng rền vang xa xa.
Xác thù tràn đầy khắp sơn hà tựa hồn ai trong đêm trăng tà.
Vì ai giữa đêm thâu, từng lớp sóng người rơi
Thây phơi trong rừng sâu âm u.
Trăng sầu nhìn cuộc sống dương trần còn lầm than, 

xui bao điêu tàn...”
Rồi tác giả mơ ước có ánh trăng lên, có đàn cò trắng bay về đồi xa, có lúa mừng reo cuộc sống yên lành. Bởi:
Trăng về là nguồn sống yên lành
của toàn dân yêu trăng thanh bình!”
Vẫn trong tình yêu mến quê hương thanh bình, Lam Phương viết tiếp “Nắng đẹp miền Nam”, lời của Hồ Đình Phương, nhịp Boléro mở đầu bằng những lời như kể lể, như ca ngợi quê hương ta đồng xanh lúa vàng và tình người phơi phới yêu thương:
“Đây trời bao la ánh nắng mai  hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh
Ta cùng chen vai  đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa.
Đường cày hôm qua, nay lên tràn bông lúa mới, ôi duyên dáng đồng ơi!
Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi, mình ngắm nhau cười...”
Bạn có thấy rõ ra một khung cảnh bao la bát ngát đồng quê chan hòa ánh sáng và sức cần lao vun xới cho mùa lúa đơm bông? Nào “đồng xanh”, nào “lúa vàng”, nào “đường cày”... những màu sắc đơn sơ mà đậm đà nếp sống  dân gian đồng quê mộc mạc.
Để rồi mai đây sẽ là ngày “muôn hạt chín lả lơi, mình ngắm nhau cười”, thật không có hình ảnh nào vừa đẹp vừa thân thương, tình tứ như thế!
Khi hỏi tác giả về trường hợp sáng tác, gợi hứng để sáng tác thì Lam Phương cười mà nói rằng:
Bất cứ những gì xảy ra chung quanh tôi, tôi đều ghi nhận, cảm xúc mà viết thành ca khúc. Có khi nghe tiếng mưa rơi, nghe tiếng trẻ thơ khóc ban đêm, khi đọc báo thấy tình hình đất nước biến chuyển, khi họp bạn, khi cắm trại, khi nghe kể chuyện tâm tình v.v... tôi đều có thể viết ngay thành bản nhạc.
Hỏi:
Anh viết nhạc trước, lời sau hay lời trước nhạc sau? Hoặc viết cùng một lúc?
Đáp:
Tôi thường viết chung một lúc. Tôi nghĩ sao viết vậy. Nhờ cảm xúc bén nhạy nên tôi gửi gấm được trọn vẹn lời và nhạc với nhau. Cũng khó thật đấy, anh ạ! Vì tôi thường thấy nhạc sĩ viết nhạc trước rồi sau mới đặt lời nên nhiều khi bị gò ép trong khuôn khổ chữ nghĩa, vần điệu, ý tình.
Người sử dụng nhạc khí hay ca hát cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi ôm chiếc tây ban cầm, bấm những hợp âm dễ như Do trưởng, Do thứ, Re trưởng, Re thứ,  La, Mi...Và lời ca thì bình dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hát nên không ai lấy làm lạ khi nhạc của Lam Phương thành công một cách mau lẹ, dễ dàng.
Năm 1954, Lam Phương đọc báo thấy tin đất nước chia đôi, anh  viết ngay “Chuyến đò vĩ tuyến”, trang trải tâm sự của mình cũng như nói thay tâm sự của những người đồng cảnh ngộ phải rời bỏ miền Bắc vào Nam để có được một cuộc sống tự do, thanh bình, no ấm.
Anh viết:
“Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến.
Phương nam ta sống trong thanh bình,
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.
Ơ...ới hò...
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi, ai nỡ chia đôi bò, để tình ta ngày tháng phai mong chờ.
Hò...hớ...hò...hơ...
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng...”

Hồi còn đi học,thời gian 1954-1955, óc tưởng tượng của Lam Phương đã phong phú. Anh chỉ nhớ đến rừng thôi mà đã có thể soạn thành một ca khúc theo điệu Mambo dễ thuộc, dễ hát. Đó là bản “Nhạc rừng khuya”:
“Nhạc đêm tàn hòa cùng ngàn cây trầm lắng
Nhạc reo buồn  hòa cùng đường tơ rừng vắng
Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi!
Rừng căm hờn ngày nào thù lan tràn khắp
Rừng oán thù ngày nào giặc sang tàn phá
Máu đào rơi thây phơi khắp trong rừng chiều...”
Cũng thế, bản “Đoàn người lữ thứ” ra đời. Đoàn trai lên đường, góp tay xây dựng một quê hương tươi sáng. Mặc gian nguy khốn khó, họ vững lòng tin ở tương lai để có no ấm, tự do, bác ái.
Đoạn chót viết:
“Dù đường còn xa bao la hay qua đồi cao
Biển rộng rừng sâu khi đi thân trai ngại gì
Rồi một ngày mai khi non sông say nhạc thanh bình
Chim xanh đua hót, đón mừng đoàn ta trở về”.
Năm 1955-1956, nhân dịp bãi trường, học sinh Dalat đáp chuyến xe lửa xuống cắm trại ở Nha Trang. Trên đường đi, Lam Phương nghĩ về ngôi trường cũ, bạn bè cùng lứa tuổi, ngày vui bên nhau và sẽ có khi xa cách. Tâm hồn anh chùng xuống, cảm xúc tràn ngập để viết thành ca khúc. Khi xe lửa đến ga Nha trang thì anh vừa viết xong “Ngày tạm biệt”. Chắc chắn trong chúng ta, không ai quên đoạn này:
“Ai nghe chăng ngoài kia hoa vẫn rơi
Bên xác hoa âu sầu vì tả tơi
Ngàn ve buông tiếng nỉ non như thương cho người đi.
Thôi chia tay cạn ly vui chúc đi
Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau
Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên”.
Năm 1958, anh sáng tác bản “Đèn khuya” tại khu Dakao, nhịp 4/4 chậm buồn kể lể  hợp âm Re trưởng, với nỗi buồn thê thiết khi lúc tay còn trắng tay. Nhưng nghe lời mẹ dặn dò, phải phấn đấu để sống cho nên người, anh viết:
1.-
“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi! Nghe  tiếng mưa đêm.
2.-
Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”
Hồi đầu thập niên 1960, Lam Phương nhớ đến quê xưa miền Rạch giá, nhớ đến bến đò bên kia sông nơi nhà cũ. Những kỷ niệm hiện về, những dấu yêu mất mát, những hy vọng loãng tan. Hình ảnh rõ nét nhất là bến đò xưa, cánh chim tìm về tổ ấm, cô thôn nữ gánh lúa về làng. Sông nước hững hờ trôi, chuông chiều ngân nga trong cảnh tịch mịch. Chiều chìm vào màn đêm bao phủ... “Chiều tàn” là một bức họa, một sáng tác đóng góp cho tên tuổi Lam Phương càng thêm rực sáng:
“...Chiều tàn,
Làn khói ấm mái tranh hiền bao niềm thương
Chiều ơi! Mây bơ vơ từ ngàn hướng
Lạc loài nơi chốn quê.
Gió không biên cương lạc đường về
Tràn bao ngõ tối qua mành lá nghe thở than
Gió thương những mảnh tình nghèo nàn
Cuộc đời đen tối mong hạnh phúc khi chiều lan”
Một ca khúc buồn, một câu hỏi: “Buồn không em?” Một câu trả lời dùm: “Cứ xem như là, tình yêu đã chết từ hôm qua” để cho tình tan vỡ, để cho lòng buồn thêm.
Bài “Buồn không em” phải được Chế Linh  diễn tả với giọng ca độc  đáo mới có thể truyền cho người nghe thấm thía được nỗi buồn mênh mang, vô tận:
“Buồn không em
Mùa thu tan tác lá bay gọi nhau bên thềm
Buồn không em
Những chiều cô đơn xâm chiếm hồn em.
Vài  tia nắng xuyên qua rèm
Hồng đôi má em cho lòng buồn thêm.
Những đêm xa nhà, đời lữ thứ buồn không em?
Từ khi xa tiếng chân em, kiếp sống buông trôi
Từng đêm bước lẻ loi, bạn anh là bốn phương trời
Tình câm nín bao năm rồi, giọt lệ mồ côi
Căn phong tăm tối
Chỉ bóng tôi nhìn tôi rã rời...”
Liên tiếp trong những bài sau đây, viết hồi thập niên 1960, không biết Lam Phương có thất vọng hay đau khổ vì tình không mà anh sáng tác những ca khúc rất tội nghiệp, chán chường, như thể bị  số kiếp đẩy đưa khiến đôi đàng cùng thiệt thòi, cắng đắng.
Trong “Duyên kiếp”, mở đầu nhạc sĩ đã hỏi:
“Em ơi nếu mộng không thành thì sao?”
Rõ ra là một câu nói gở! Rồi lại đặt thành những câu không có đáp số: 
“Non cao đất rộng biết đâu mà tìm? 
Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu?”
Nên chỉ còn trông đợi:
“Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu”
Và niềm an ủi để cầm hơi là câu chót:
”Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa”.
Ôm ấp “Phút giây ban đầu” để ru ta ngậm ngùi, trong khi em đã ra đi không bao giờ trở lại!
Trong “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” tỏ ý dứt khoát hơn, đường ai nấy đi, duyên nợ bấy nhiêu thôi,  không mong, không nhắc gì đến chuyện xa xưa nữa. Nhưng nhớ thì vẫn nhớ nhung ngập trời, nhớ như chưa bao giờ nhớ thế!
Trong bài này, đoạn khiến cho nhiều người nghe phải nghĩ ngợi là cái cảnh:
”Nhiều đêm chăn gối  bên người không quen biết
Trong tim em có thấy nghe cô đơn?
Tại em không nói, hay tại anh không biết
Mà tình ta tan vỡ theo thời gian...”
Lam Phương nhiều khi thắc mắc suy tư về một mối tình không biết đến bao giờ mới thực là yêu cho lòng đỡ hiu quạnh. Câu hỏi ấy, ai trả lời đây hay rồi cũng chỉ là những mơ ước xa xôi, chìm theo ngày tháng quạnh hiu, trống vắng. Lam Phương bày tỏ trong bài “Biết đến bao giờ”:
“Đời là vạn ngày sầu, biết tìm nơi chốn nào
Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu?
Nhiều khi anh cũng muốn biết, bao giờ sẽ có tình yêu
Cho lòng không thấy quạnh hiu khi đêm rừng buông xuống tịch liêu.
Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi
Từ khi anh là lính chiến không về thăm ghé nhà em
Không còn nghe tiếng cười thâu đêm, buồn ơi sao là buồn...”
Cùng với chủ đề nói đến nhớ thương, sầu thảm Lam Phương còn có bài “Trăm nhớ ngàn thương”:
Mất em rồi! Xa em rồi!
Hoa đã tàn, nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng, em đi về, về với ai...”
Trăm nhớ ngàn thương - Lam Phương - Tuyết Hồng - YouTube
Và “Thu sầu”:
“Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn ghi trên giấy...”
Thu Sầu [Lam Phương] - Ngọc Lan - YouTube
Vẫn kể đến những nhạc phẩm nổi tiếng, còn có “Tình đau”:
“Có người đôi mắt xa vời
Đi tìm hư ảo trong đời
Khi hoàng hôn tắt sau đồi
Nghe gió quyện sóng ra khơi...”
Và “Lạy trời con được bình yên”:
“Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền...”
Qua những buồn đau vì cuộc đời, vì cuộc tình ngang trái, Lam Phương cũng còn có được chút  an ủi  khi viết bài “Ngày hạnh phúc”. Nét nhạc như nhảy múa reo vui, lời ca đầy ắp ý tình hân hoan, trẻ trung, yêu thương rạng rỡ:
“Trời hôm nay thanh thanh, 
gió đưa cành mơn man tà áo
làn mây trôi vây quanh, 

ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin
Đàn chim non tung tăng 

như đón chào ngày vui thế gian
Chúc ai tìm được một bến mơ.
Mừng cho đôi uyên ương 

sớm xum vầy vui trong hạnh phúc
Và đôi tay thân yêu sẽ là nguồn sống của đời ta
Nhiều khi mong trăng lên chung chén trà kể chuyện thuở xưa
Bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ...”
Thời gian ở bên Pháp 10 năm, có lần Lam Phương viết cho nữ ca sĩ Họa Mi một bài, nói lên tâm sự của người ra đi với những nhớ thương chất ngất (1987).
Lam Phương kể tiếp rằng: Câu chuyện kết thúc khi người chồng đem hai con sang Pháp trao cho nàng và cám ơn Lam Phương đã viết bài hát đó. Rồi người chồng sau một thời gian ngắn đã trở lại Việt Nam an phận trong cảnh mù lòa.
Họa Mi nổi tiếng ở hải ngoại là nhờ hát bài “Em đi rồi”:
“Em đi rồi đường xưa có nắng không anh?
Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày?
Giờ một mình anh, lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu, chỉ đớn đau con tim
Em đi rồi, từ đây tiếng hát cô đơn
Biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người
Một lần biệt ly, chẳng biết nói năng chi
Lệ tràn bờ mi, thì đã quá chia ly...”
Thời gian ở bên Pháp, phong cảnh hữu tình rất hợp anh nên Lam Phương đã tìm được nguồn an ủi đang lúc tâm hồn trống vắng. Anh viết “Bài Tango cho em” thật mượt mà, tươi mát, đầy những yêu thương gắn bó nồng nàn. Chúng ta hãy nghe chàng tả thế này:
“Từ ngày có em về
Nhà mình toàn ánh trăng thề
Giòng nhạc tình đang tắt lâu
Tuôn trào ngọt ngào như  giòng suối.
Anh yêu phút ban đầu
Đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu
Trong mắt em buồn về mau
Em ơi, có khi nào lần gặp đây cho mai sau?
...Giờ mình có nhau rồi
đời đẹp vì tiếng em cười
vượt ngàn trùng qua bể khơi
dắt dìu  cùng về căn nhà mới.
Ta xây vách chung tình
Nhiều chông gai có tay mình
Xin cám ơn đời còn nhau
Xin  ghi phút ban đầu bằng bài Tango cho em...”
Nói đến nhạc Lam Phương, chúng ta không thể quên một bài viết ở Dalat khi người nghệ sĩ lên xứ hoa đào, ngắm nhìn đồi núi Lâm Viên, khung cảnh mờ trong sương, cái lạnh len lén vào hồn. Lam Phương không nhắc đến suối Cam Ly, thác Pongour, hồ Than Thở, rừng Ái Ân, hoa nở đầy trời, cảnh đẹp như mơ...Chàng chỉ nhắc đến một người con gái đã cho  chàng những giây phút êm đềm, đan tay trong nắng chan hòa khiến đôi mắt của nàng như cũng đẹp thêm.
Rồi người con gái ấy đi lấy chồng, để anh một mình tìm về dĩ vãng.
Thành phố thơ mộng, tươi đẹp ấy đã biến dạng dưới mắt một kẻ thất tình, hóa ra “Thành phố buồn” vì em đi rồi, còn gì để mà nói nữa?
Bài này rất nhiều người thích được nghe Chế Linh diễn tả mới cực tả được cái buồn của người cô đơn đi lang thang ven hồ, bên suối, nhớ ngất ngây biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm. Chế Linh coi bộ đau khổ, khô cằn, ca rằng:
“Thành phố buồn, nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hoà
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn, trong sương chiều anh thấy đẹp hơn...”
Thực tình mà nói thì Lam Phương không vấn vương quyến luyến gì với người đẹp xứ hoa anh đào. Đây chỉ là một dịp lên Dalat công tác, rồi chàng tức cảnh sinh tình, gói ghém một chuyện tình thơ mộng  dở dang để làm nòng cốt cho chuyện tình muôn thuở, có yêu đương, có gắn bó, có chia ly, có nhớ thương vời vợi.
Chính vì em đi rồi, bỏ rơi người tình ở lại hóa cho nên người tình nhìn cái gì cũng thấy nó u buồn, nó lạnh buốt tâm hồn, cảnh vật thành hoang vắng và ngay cả đến tiếng chuông nhà thờ ngân nga thánh thót cũng làm cho chàng cảm thấy như  đổ vỡ, thê lương:
“Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi
Quên cả tình  yêu”
Ngược dòng thời gian, lúc ở trong quân ngũ năm 1958-1959, Lam Phương đã sáng tác rất mau rất mạnh mấy chục bài về tình người  lính chiến lúc quốc gia hữu sự.
Anh nhìn cuộc chiến, chấp nhận gian nguy để làm tròn nghĩa vụ người trai thời loạn. Và anh tin tưởng sẽ có một ngày về trong tiếng cười xum họp. Anh khuyên nhủ người ở lại qua bài “Buồn chi em ơi”:
“Sầu mà chi em
Lúc non sông cần trai hùng
Buồn mà chi em
Mai anh về trong nắng êm
Đừng vì chia ly
Làm nản chí nam nhi
Vui lên đi cùng ước thề
Rồi ngày mai anh sẽ về”
Hoàng Oanh | Buồn Chi Em Ơi | Lam Phương - YouTube
Đến điệp khúc, anh giải thích thêm sự cần thiết có mặt của trai thời loạn dưới bóng quân kỳ:
“Em ơi, anh đi vì nước non mình đợi chờ
Muôn quân đang gieo lửa khói tung ngập mầu cờ
Thân trai ra đi, nợ nước đôi vai gánh nặng
Buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa.”
Lam Phương viết nhạc, dùng nhạc để khơi đậy trong lòng mọi người bổn phận tòng quân khi quốc biến. Trên Đài Quân Đội, Chương Trình Gia Binh, lúc 6 giờ sáng mỗi ngày đều có bản “Bức tâm thư” được dùng làm  đài hiệu:
“Vài hàng gửi anh trìu mến
Vừa rồi làng có truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Đi quân dịch là thương nòi giống.
Người thường tìm sang giầu tới
Lòng này thì khác tình ơi
Ước nguyền hứa duyên trao người
Cầm tay súng tòng quân tươi cười”
Khi ở trong quân ngũ rồi, chúng ta có cái tình gọi là tình  chiến binh, tình chiến hữu hay nôm na là tình lính. Lính thời chiến chinh gắn bó với nhau bảo vệ đất nước, ngăn chặn làn sóng đỏ, giữ gìn xóm làng cho được bình yên. Dù người ở tiền tuyến hay hậu phương thì cái tình trong quân ngũ bao giờ cũng  thân thiết, đậm đà.
“Tình anh lính chiến” sáng tác năm 1958 đã nói lên điều đó:
“Xuyên lá cành trăng lên lều vải
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
Thương những người mạch sống đang khơi
Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương.
Anh chiến trường, tôi nơi hậu tuyến
Đời lính chiến sui gặp nhau đây
Đôi lứa mình còn mỗi đêm nay
Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường...”
Nói đến chiến tranh là nói đến súng đạn, đến hiểm nguy rình rập, đến đổ vỡ máu xương, đến mất mát đớn đau không sao hàn gắn. Lam Phương cũng biết thế nhưng anh nhìn cuộc chiến dưới một lăng kính màu hồng. Có sa trường, có hành quân nhưng ẩn hiện trong đó là một hình bóng người con gái đã ra đi không biết tận phương nào. Để cho chàng trai lính chiến giữa khung cảnh mùa xuân tin yêu mà lòng cũng ngậm ngùi khi ngắm bóng chim đua nhau trên cành ríu rít.
“Chiều hành quân” ở đây không nghe đạn nổ, bom rơi mà chỉ nghe thấy tiếng lòng xót thương vời vợi. Chúng ta hãy nghe tác giả kể lể:
“Một chiều hành quân qua thôn xưa, 
lúc nắng xuân chưa nhạt màu
Chạnh lòng tìm người em gái cũ: 
Em tôi đã đi phương nào?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh, 
ngắm bóng chim đua trên cành
Giờ này tìm đâu hình bóng cũ, 
Em ơi! Em đi về đâu?”
Em đi về đâu không biết vì ly loạn thì hợp tan là chuyện chẳng thể lường. Anh chỉ còn biết nhớ em và cầu mong rằng em vẫn nhớ đến duyên ban đầu và lời xưa trót hứa để anh còn ôm nuôi hy vọng. Như đoạn kết nói thế này:
“Để rồi một năm nơi biên cương, 
dấn bước thân trên sa trường
Ngày thì tìm vui bên chiếc súng, 
khi đêm anh vui với đàn
Dù mộng tàn phai trong thương đau, 
vẫn nhớ mãi duyên ban đầu
Lời thề ngày xưa đã trót hứa,
Em ơi xin đừng quên!”
Cứ theo như sự suy diễn nông cạn của chúng tôi thì nếu người con gái kia có nghe được bài hát này, chắc sẽ cấp tốc đi tìm người lính chiến để xin làm đám cưới nhà binh cái một!
Vẫn trong chủ đề đời lính chiến, có hình ảnh người lính trong đêm lạnh ngoài biên cương, thức trắng đêm nhớ đến người yêu. Anh nhìn đâu cũng thấy người yêu: Nhìn sao trên trời, nhìn đồi núi mênh mang, nhìn trong bóng đêm, nhìn trong rừng cây bóng lá...nơi nào cũng ẩn hiện dáng ngọc ngà. Duy chỉ có nơi chàng đóng quân là không thấy bóng dáng nàng đâu sốt cả!
Đêm chiến tuyến trở thành “Đêm dài chiến tuyến”, Lam Phương vẽ vời thế này:
“Một đêm dài nhớ em, 
một đêm dài trắng đêm
Nhìn sao trời nhớ em, 
nhìn núi đồi thấy em, 
người anh yêu trọn đời.
Từ khi mình biết nhau, 
đời ta đẹp biết bao
Giờ vui đời chiến binh, 
bạn anh là gió sương, 
quê anh là muôn phương.”
Sang đến Mỹ, Lam Phương vẫn nhớ về đất nước nằm bên kia bờ Thái Bình Dương. Anh nhớ đến miền Nam lúa vàng bát ngát, nhớ bến sông con đò chiều êm ả, nhớ lũy tre xanh, nhớ con đê uốn mình quanh làng xóm. Và tất nhiên là phải nhớ cả đến “Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly ra mừng đón anh về”.
Lam Phương với bức tranh đậm màu dân tộc tính và niềm mơ ước khôn nguôi trong “Đường về quê hương”:
“Đến bao giờ trở về Việt Nam thăm đồng lúa vàng, 
thăm con đò chiều hoang.
Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, 
nghe gió chiều nhẹ  đưa.
Đến bao giờ ta được nhìn ta, 
ta được nhìn ta trong niềm vui thiết tha
Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly 
ra mừng đón anh về.”
Và anh mơ ước:
“Nếu mai này muôn lòng nở hoa, 
ta lìa đất mới trong niềm vui chứa chan
Quê hương yêu dấu 
với con đường thênh thang 
tưng bừng đón ta về”...
Đường Về Quê Hương (Lam Phương) - Đan Phương
Bạn đọc thân mến,
Chúng ta vừa lướt qua một số nhạc phẩm tiêu biểu đã làm nên tên tuổi Lam Phương trong  năm chục năm qua tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại.
Anh sáng tác trên 200 bản, phần lớn đều được đón nhận một cách nồng nhiệt nhờ ở nét nhạc trong sáng, nhẹ nhàng; nhờ ở lời ca trung thực, bình dị. Anh viết nhạc bằng cả một tâm hồn rung động theo cảm xúc, bằng con tim miền Nam của một Lục Vân Tiên - theo ngôn ngữ Duyên Anh - đầy ắp tình cảm chân thành và mộc mạc.
Thêm vào cái tài trời cho, anh còn có đức tính của một nghệ sĩ khiêm tốn, tự trọng, yêu đời và yêu người nên  đã gây được sự cảm mến của thính giả và khán giả ái mộ.
Điều hiếm có ở một danh tài.
Chúng ta sẽ hỏi chuyện riêng tư của Lam Phương với những điều chưa bao giờ nói ra, chưa hề tiết lộ cũng như những gì anh muốn nói cùng người mà anh mang ơn, cùng khán thính giả hằng yêu mến anh trong suốt chặng đường anh sáng tác.
Tháng 8, 2004
 Lê văn Phúc
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...