Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

"Làng tôi" Một cố gắng mới của Nguyễn Đắc Hoa

"Làng tôi" Một cố gắng mới 
của Nguyễn Đắc Hoa 
Sau tập truyện ngắn "Lẽ đời" xuất bản vào năm 1995, mới đây, nhà báo Nguyễn Đắc Hoa, Trưởng phòng Chuyên đề và  Văn nghệ (Đài Phát thanh Phú Yên) lại "trình làng" tập tản văn và truyện ngắn "Làng tôi", do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
Bốn mươi tản văn, bài viết và năm truyện ngắn tập hợp trong "Làng tôi" cho thấy mười lăm năm qua, Nguyễn Đắc Hoa viết ít nhưng chắc lọc. Tập sách gồm ba phần: Một thời để nhớ, Đặc sản quê tôi, Truyện ngắn.
Đúng như tên gọi, Một thời để nhớ là những tản văn, bài viết đề cập đến những hồi ức, kỷ niệm khó quên của tác giả về những người, những cảnh, những sự việc... đã gặp, đã chứng kiến, trải nghiệm từ thuở ấu thơ, thời đi học cho đến những ngày làm báo hiện nay. Đó là cái bận tác giả vào TP Hồ Chí Minh và tình cờ được thưởng thức một đêm nhạc Trịnh trong nỗi hoài niệm rưng rưng người nhạc sĩ huyền thoại nhưng không xa lạ với nhiều thế hệ người Việt yêu âm nhạc (Bài hát Trịnh Công Sơn thu âm cuối cùng). Đó là những lần trong thời chiến tranh, tác giả cùng lũ bạn chăn trâu cắt cỏ thơ bé đi ăn cắp đạn của bọn lính Nam Triều Tiên về tháo mũi đổ chì làm cần câu cá và bị phát hiện (Kỷ niệm khó quên của thời đi chăn bò)... Có thể nói, xúc động nhất trong Một thời để nhớ là bài  Người mẹ thứ hai viết về bà nội của tác giả. Mẹ mất sau khi sinh anh đúng một tuần, cha  hoạt động cách mạng bị địch bắt giam, bà nội trở thành ...mẹ và trần ai khoai củ nuôi đứa cháu tội nghiệp. Qua hồi ức của người thân mà anh ghi lại, bởi vì nội mình đã rụng hết răng nên "Nội tập tôi ăn cơm bằng cách lấy một vài thìa cơm bỏ vào cối giã trầu của Nội để nghiền thành bột, rồi Nội ngậm sú vào miệng tôi, giống hệt như chim mẹ sú mồi cho con. Vì Nội ăn trầu, nên miếng cơm Nội ngậm trong miệng để sú cho tối lúc bấy giờ có màu đỏ tươi giống như những giọt máu của Nội san sẻ cho đứa cháu bất hạnh". Đó là những chi tiết khắc họa thật giản dị mà sống động tình yêu thương vô bờ của người phụ nữ Việt Nam dành cho con cháu, gia đình. Có lẽ vì thế mà khi Nguyễn Đắc Hoa gởi bài viết này tham dự cuộc thi viết ngắn chủ đề "Mẹ tôi" do Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức, anh đã đoạt giải.
Trong Đặc sản quê tôi, Nguyễn Đắc Hoa chỉ  giới thiệu cá ngừ đại dương, chả dông, bánh tráng - thịt heo, thịt chuột đồng, tôm chua, cá sặc muối, cốm rang, bánh thuẩn là những món ăn quen thuộc của Phú Yên và nhiều địa phương khác trong nước. Trong đó, "hiện đại" nhất chính là món cá ngừ đại dương tương đối phổ biến đâu khoảng mươi năm trở lại đây. Anh miêu tả khá cụ thể cách chế biến, cách ăn các "tiểu món" của món cá ngừ đại dương như mắt cá chưng cách thủy, bao tử cá làm gỏi, cháo đầu cá ngừ. Chẳng biết khả năng làm bếp của tác giả như thế nào nhưng chắc đông đảo bạn nhậu sẽ đồng cảm với anh khi đọc những dòng này "Sau những lúc chén tạc chén thù với bạn bè mà có được chén cháo đầu cá ngừ đang bốc hơi thì không mấy chốc hơi men sẽ thoát ra khỏi người và có được giấc ngủ sâu, khi dậy, cảm thấy người khoan khoái, khỏe ra." (Đến Phú Yên ăn cá ngừ đại dương).
"Làng tôi" có vỏn vẹn năm truyện ngắn: Con chó vàng, Con két biết nói, Hai đứa cháu, Trở về, Chuyến đi vào đời. Trong đó, Con chó vàng là truyện đáng chú ý nhất. Cốt truyện, diễn biến cũng đơn giản: Một con chó lạ hoắc ở đâu chạy đến, chủ nhà bảo thằng con trai lấy cơm cho ăn. Qua mấy lần quen thói, một hôm, chó đến, không nằm chờ người cho ăn mà tự tiện nhảy lên, lật lồng bàn, xơi hết phần cơm để dành cho ông chủ đang làm ruộng chưa về. Thằng con trai trách cha cả tin để bây giờ bị đói. Còn chủ nhà không biết nói gì, chỉ nhìn xa xa nghĩ ngợi mông lung. Nhưng ở đời, cái chuyện làm ơn mà mắc oán là thường, con trai còn nhỏ nên chưa "ngộ" được điều đó. Truyện tuy ngắn mà súc tích, lắng đọng.
Hãy đọc "Làng tôi" để hiểu thêm thế nào là một nhà báo đa mang và đam mê nghiệp văn chương. Tuy là công việc chữ nghĩa tay trái nhưng rõ ràng, với tập sách thứ hai này, Nguyễn  Đắc Hoa đã không làm bạn đọc thất vọng...
 Hoàng Chương
Theo http://phamngochien.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...