Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Trương Tửu viết về Điêu tàn của Chế Lan Viên

Trương Tửu viết về 
Điêu tàn của Chế Lan Viên
Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân: Nhân 70 năm ra mắt tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên, trên tạp chí Thơ, tôi đã giới thiệu một bài viết của Chế Lan Viên, đăng năm 1938 (mà khi ấy tôi vừa sưu tầm được), trong đó nhà thơ tác giả Điêu tàn lên tiếng đáp lại ý kiến của nhà phê bình Trương Tửu về tập thơ này.
Phải nói rằng việc tìm thấy bài viết ấy của Chế Lan Viên còn cho biết thêm một thông tin nữa ít ai biết: Trương Tửu đã từng động bút đến Điêu tàn không lâu ngay sau khi tác phẩm ấy ra đời. Và lúc vui mừng giới thiệu bài viết của Chế Lan Viên với bạn đọc yêu thơ thì tôi cũng chưa hy vọng sớm tìm lại được các bài báo ấy của Trương Tửu.
Gần đây, nhân tìm đọc lại tuần báo "Ích hữu", may mắn là tôi đã tìm được cả hai bài báo của Trương Tửu về tập Điêu tàn. Bài thứ nhất nhan đề "Một thi sĩ của Điêu Tàn"; bài thứ hai nhan đề "Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên".
... Chế Lan Viên không phải là đối tượng công kích của ngòi bút phê bình của Trương Tửu; thơ Điêu tàn được Trương Tửu đánh giá khả quan, nhưng một số ý tưởng trong bài tựa, - mà Chế Lan Viên cũng như Hàn Mặc Tử, coi như tuyên ngôn của Trường Thơ Loạn, - lại khiến cảm tình ở Trương giảm đi, hoặc, những lập luận dị thường trong tuyên ngôn kia cũng phần nào thách thức khiếu hùng biện của nhà phê bình Trương Tửu chăng?
Cố nhiên, sự phê bình của Trương Tửu là dịp rất tốt cho các đại diện ít ỏi của Trường Thơ Loạn lên tiếng chứng tỏ sự có mặt của mình giữa làng thơ mà phần đông còn thấy mấy cây bút mới này là rất lạ lẫm. Bài đáp lại của Hàn Mặc Tử thì chúng ta chưa tìm thấy, nhưng bài đáp lại của Chế Lan Viên mà chúng ta đã đọc, ít ra đã chứng tỏ điều đó.
Trước mặt công chúng và giới nghiên cứu ngày nay, cả Chế Lan Viên lẫn Trương Tửu đều là những sự nghiệp đã hoàn tất. Hai bài Trương Tửu viết về Điêu tàn cũng như bài đáp lại của Chế Lan Viên chỉ là những tình tiết nhỏ trong hành trạng của hai tác gia ấy. Song, sự hiểu biết về cả hai tác gia ấy, nhất là tác gia Trương Tửu thì hiện còn rất khiếm khuyết; trong tình hình ấy, thiết nghĩ, việc tìm lại những tình tiết như hai bài viết này là sự cần thiết, không chỉ ở phương diện văn học sử.
Giới thiệu lại cùng bạn đọc những tư liệu cách đây đã hơn bảy mươi năm, chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu hơn tiến trình phát triển của thơ hiện đại Việt Nam cũng như những bước đi đầu tiên không hề đơn giản của một tài năng lớn, luôn tạo nên những niềm sửng sốt, như nhận xét của Hoài Thanh. - Lại Nguyên Ân.
MỘT THI SĨ CỦA ĐIÊU TÀN
Đã có lần bàn về thơ, tôi viết:
"Mỗi vật, mỗi sự trong thiên nhiên và trong nhân sinh đều có một lịch sử và biểu lộ một sức mạnh. Nhỏ như hột cát mà cũng có một nguồn gốc, một biến hóa, một kết tinh của các nguyên tố. Gò mây, gợn sóng, dãy núi, rừng cây cũng đều là kết quả của một trình tự tiến hóa. Cái này làm quả cho cái kia để rồi lại làm nhân cho cái khác: luật không sinh không mất chứng thực một lẽ tuần hoàn mầu nhiệm.
Trong lẽ ấy nhà khoa học muốn thấy một sức mạnh vô ý thức, nhà tôn giáo nhận ra một Thượng đế. Thi sĩ không truy nguyên, không biện thuyết. Thi sĩ cảm thấy ở mỗi vật một linh hồn đồng điệu. Mỗi khi nghe một âm thanh của chim, của gió, của cây, của rừng, của suối, thi sĩ thấy tâm hồn rung động, lào xào, ào ạt, mênh mang. Hình như giữa phím đàn trong hồn thi nhân và cung đàn vạn vật có một giác cảm của hai nhạc điệu đồng chất. Rồi tự nhiên, một cách dễ dàng, thi sĩ cảm thấy mỗi cảnh mỗi vật ở ngoại giới làm nẩy nở một tình tứ trong tâm khảm.
Nghe chim ca tưng bừng ngoài vườn, thi sĩ vui sướng như lòng mình cũng đang ca và họa theo tiếng ca của các người vui sướng. Nghe gió rít qua kẽ lá hay sóng gầm ngoài biển, thi sĩ băn khoăn hồi hộp như lòng mình cũng đang hò thét và nghĩ đến những phong ba của kiếp người lận đận. Ngắm mây hồng bay trên không trung, thi sĩ thấy tâm hồn lâng lâng quên hết những ám ảnh của trần hoàn, ước mơ đến vô tận. Ngó đống gò cỏ úa, thi sĩ trông thấy định mệnh tàn ác và thương xót kẻ chôn mình dưới đất đen... Tóm lại, mỗi cái trông thấy, nghe thấy đều gợi mau chóng cho thi nhân một cảm xúc mật thiết với sự vật. Không một tính tình nào thi sĩ không cảm được, từ cái sầu của thiếu nữ, cái nhục của kẻ nghèo, cái đau của trẻ mồ côi đến cái hăng hái của chiến sĩ, cái hùng tráng của vĩ nhân.
Thi nhân sống ở hiện tại, sống ở dĩ vãng, sống ở tương lai. Vài thi nhân nặng trĩu những thế kỷ. Mộng của thi nhân đầy những lý tưởng. Tây thi nhân từng những vỗ về an ủi. Thi nhân là người của thống khổ, của tình yêu. Thi nhân là người nhận thấy sức mạnh của sự vật, của nhân loại. Trong thế sự tối mò, thì nhân là một bó đuốc.
Thơ là biểu thị của tinh hoa vạn vật và của tính tình nhân loại. Thơ là lý tưởng của các thời, kết tinh của các ước vọng. Bởi vậy nên, tuy huyền bí, nó vẫn thấm vào tim óc các hạng người. Nó là luồng gió ở vô tận bay lại mách cho ta biết phía xa lạ ấy có những gì. Nó là bóng ma ở dưới mồ hiện lên thì thầm với ta các chuyện quá khứ. Nó là tất cả để phô diễn tất cả.
Thơ Việt Nam có tính cách bao quát và sâu xa ấy không? Đã bao giờ ta thấy thi nhân Việt Nam họa tiếng rên rỉ của kẻ nghèo khổ giữa xã hội, ca cái oanh liệt của những anh hùng trong lịch sử, hỏi cái huyền bí của thiên nhiên? Hay thơ Việt Nam chỉ là một mớ mộng ảo phù phiếm, một đám nét vẽ mơ hồ, một tụm cảm giác nông nổi? Vẫn biết nó tuyệt sảo trong phạm vi nhỏ hẹp của nó. Nhưng nó thiếu.
Đâu, thơ của Thống Khổ?
Đâu, thơ của Hùng Vĩ?
Đâu, thơ của Huyền Bí?
Thiếu ba cái ấy tức là thiếu hết.
Hỡi thi nhân Việt Nam hiện đại! Hẵng rửa cái nhục ấy cho thi ca Việt Nam!
Hát đi những cảnh đọa đày của kẻ cơ hàn. Hát đi những bất bình phẫn uất của người chiến bại! Hát đi những linh hồn của vĩ nhân trong lịch sử! Hát đi những lẽ nhiệm màu của thiêng liêng!
Ngòi bút của thi nhân Việt Nam hiện đại từ nay nên cắm vào tim rồi hẵng gạch lên giấy những vần thơ đẫm máu!"
("Tiếng trẻ" số 8, ngày 13-1-1936; bài "Định nghĩa của thơ")
Từ ngày ấy, tôi băn khoăn chờ nổi dậy trong cái sinh lực bất tuyệt của giống nòi những nguồn thơ mãnh liệt đủ sức gây những phong ba sôi nổi trong thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi thâm tín rằng một thời khoảng lịch sử bão táp của đất nước như thời khoảng này tất nhiên phải đào tạo ra những tâm hồn bão táp biểu diễn nó bằng vần điệu tân kỳ.
Hy vọng của tôi không đến nỗi thành ảo vọng.
Tôi đã được sung sướng đọc những bài thơ thâm trầm của Nguyễn Vỹ ca hát cảnh nhỡ nhàng đau xót của kẻ ăn mày trong đêm khuya, cảnh tan vỡ bi đát của giọt sương tình ái dưới sức tàn phá của hơi gió bấc, cảnh đổ nát của lâu đài thân hữu trên bờ bể.
Tôi đã được sung sướng đọc những điệu hùng tráng lâm ly của Huy Thông hồi sinh một vài cảnh oanh linh vụn nát của những thời kỳ oanh liệt trong lịch sử, họa bản đàn ái ân đoạn tuyệt của Ngu Cơ vào tiếng địch ai hoài của Trương Lương réo rắt trong im lặng của đêm mờ.
Tôi đã được sung sướng đọc những vần thống thiết đẫm lệ của Mộng Sơn than khóc cho số kiếp đọa lạc phiêu linh của những cô hồn lang bạt bị định mệnh đánh ngã gục trên đường lữ thứ.
Tôi đã được sung sướng đọc những lời ca hùng võ của Phạm Ngọc Khuê, phát biểu một cách gần như tuyệt đối cái tinh hoa nhuần nhị của sức mạnh muôn loài, chú ý lọc sạch cái bản năng thiên bẩm của giống nòi bị vẩn đục bởi những thế tình hỗn độn.
Mỗi lần những bài thơ ấy rơi đến trước mắt tôi, là cả tâm hồn tôi rung động một hoan lạc rồi. Tôi cảm thấy trong lọ mực của các thi nhân kia đang bồng bột những sóng gió phi thường. Rồi từ lọ mực ấy phát ra những luồng sóng ạt ào trong trẻo, thổi lùa vào những kẽ ngạch tinh thần u ám của xã hội hiện thời. Các thi nhân ấy đã thấm nhập linh hồn vào linh hồn của đại thể, của xã hội đau khổ, của nhân loại tranh đấu, của tổ quốc điêu linh. Họ sống với những cái đang sống. Họ sống với những cái đang chết. Họ sống cả với những cái sắp sống. Nhưng trong cái sống rộng rãi và mãnh liệt này, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì... Một cái gì nó không gợi trong lòng ta một cảm hoài, một thương xót, một phấn khích, một hy vọng. Một cái gì ấy chỉ gợi cho ta cái không và cái chết (le Néant et la Mort).
Cái không, cái chết này là hai phản hình của cái có và cái sống. Vì cái không ấy đã có, cái chết ấy đã sống. Có trong không gian, sống trong thời gian. Cái đã có và hiện giờ không có nữa, cái đã sống và hiện giờ không sống nữa, phải phục hưng nó lại để nó dự phần vào cái di sản tinh thần vĩnh viễn của loài người.
Cái đã có ấy là Điêu Tàn, là Diệt Vong. Cái đã sống ấy là Ma, là Tinh. Người có công phục hưng hai cái đó trong lòng chúng ta là thi sĩ Chế Lan Viên.
Thơ của Chế Lan Viên là thơ của Điêu Tàn, của Ma Tinh. Thơ của U giới. Thơ của Huyền Bí. Trong thơ ấy, Điêu Tàn hiện thành một giống nòi. Ma Tinh hiện thành một đầu lâu. Cái giống nòi bị diệt vong bởi luật thích dã sinh tồn chỉ còn chút đền tháp làm di tích! Cái đầu lâu bị mốc meo trong nghĩa địa chỉ còn chút não tủy làm kỷ niệm!
Đọc Chế Lan Viên bị ám ảnh bởi cái tháp điêu tàn và cái đầu lâu điêu tàn ấy.
Có ai thấy, một chiều thu ảm đạm, nhà thơ thanh niên ủ rũ đi lang thang bên dòng nước đỏ ngầu của Sông Linh, đếm nhẩm những tiếng rơi âm thầm của gạch Chàm trong mấy cây tháp bỏ hoang?
Có ai thấy, một đêm đông giá buốt, nhà thơ thanh niên lủi thủi đi trong bãi tha ma, hà hơi vào lỗ mũi khô héo của một chiếc đầu lâu cô quạnh?
Đừng khua động! Nhà thơ thanh niên ấy đang đi tìm nguồn sống trong cái chết, nguồn có trong cái không. Cái chết, cái không đang réo rắt trong tâm hồn thi sĩ như một tiếng ca rồi biến dần thành tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú rít, rồi lại chuyển ra tiếng rên, tiếng nấc, tiếng thở dài, để rồi lại đi ngược cái vòng biến chuyển ấy.
Ông Chế Lan Viên đã quên mất cái Ta, chỉ còn sống trong cái Mê. Ông mê thấy những con voi Chàm khóc cảnh điêu tàn của giống Chiêm Thành trong ngàn sâu. Ông mê thấy người Chiêm nữ tắm mình trong ánh trăng mát mẻ của U Hoài. Ông mê thấy xương máu của các chiến sĩ Chiêm Thành ca hát dưới vùng cỏ úa. Ông mê thấy những linh hồn vong quốc của giống Hời khóc than bên Sông Linh. Ông mê thấy im lặng chuyển mình trên máu đỏ, rừng xanh lăn nhẹ khối u sầu. Ông mê thấy đầu lâu chạy bon bon trong mộ địa đi tìm cảnh sống không còn nữa. Rồi trong lúc mê ấy, ông nhúng bút vào bình mực. Bình mực sôi lên. Mực đã hóa ra máu nóng của điêu tàn, của Ma Tinh. Thế là bàn tay run rẩy của nhà thơ trẻ tuổi kia gạch lên trang giấy trinh tiết những vần thơ ma quái, kỳ dị, trong đó nhảy, múa, ca, hát, khóc, gào những vong hồn, toàn những vong hồn.
Những vong hồn này vừa hiện ra trước mắt tôi lúc tôi đọc tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Nhà thơ đã thành công. Cái không đã thành có. Cái chết đã thành hình. Và trong tâm hồn tôi đã nở một nguồn sống mới và mạnh gây ra bởi hai nguồn chết: tháp Chàm và đầu lâu.
Tôi yêu tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Tôi yêu nhà thi sĩ của Huyền Bí. Tôi đã giải phẫu trên đây cái tâm hồn ma quái, điên rồ, mê cuồng của người bị ám ảnh bởi tháp Chàm và đầu lâu.
Nhưng người ấy không chiếm được hết tình quyến luyến của tôi, vì người ấy không điên hẳn, không mê hẳn. Người ấy đã tỉnh trong một phút.
Trong phút tỉnh, người ấy đã lý thuyết hóa cái điên cái mê của mình. Một trạng thái kỳ dị của tâm hồn, người ấy đã làm thành một quan niệm về thơ. Một quan niệm sai lầm và nguy hiểm. Bài sau tôi sẽ phê bình quan niệm ấy.
Nguồn: Ích hữu, Hà Nội, s.101 (26 Janvier 1938), tr.1,6.
Lại Nguyên Ân sưu tầm và tái công bố, 2009.
Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên
Cảm tưởng cuối cùng của tôi, sau khi đọc tập Điêu tàn, là một tình thương não nuột.
Không phải tôi thương giống Chàm bị diệt vong chỉ còn để lại một vài đền tháp hoang tàn.
Không phải tôi thương lũ quỷ không đầu thường hiện hình trong bãi tha ma những đêm mù khóc cái sọ dừa khô héo.
Không phải tôi thương con chiến tượng thất cơ, thủng thỉnh bước trong ngàn sâu, "mắt mờ sau màn lệ" và "nỗi lo sầu mong nhớ quẩn theo chân".
Không phải tôi thương cô Chiêm nữ đã trôi giạt nơi trời xa nước lạ không bao giờ lại nữa.
Tôi thương thi sĩ Chế Lan Viên.
Ông Chế Lan Viên lúc này đang quằn quại trong một khủng hoảng tinh thần đáng sợ. Trên tảng trán đáng lẽ sán lạn của người thi sĩ thanh niên ấy, một khối mây đen đang tụ đọng. Và cái tâm hồn đáng lẽ trong trẻo ngây thơ kia đang làm nơi hò hẹn của hình phạt dị kỳ. Tất cả những ý nghĩ, tình cảm của khối óc trái tim ông đang bị lồng khung trong một nấm mồ lạnh lẽo. Đời sống của ông đang bị kìm kẹp trong u giới. Và mạch máu ông đang cuồn cuộn chảy những chất tủy nhờn nhánh của các sọ dừa vứt rải rác trong nghĩa địa.
Cái khủng hoảng lạ lùng ấy càng cấu xé ông hơn nữa là ông đang tìm phương pháp tự giải phóng mình mà chưa thấy. Ông trốn lên cung trăng, ông trốn lên sao Đẩu, ông trốn xuống đáy sông Linh, ông trốn vào Hư Vô..., đâu đâu ông cũng bị cái khủng hoảng kia quăng lưới lôi về. Ông hoảng hốt. Ông mê. Ông điên. Ông vội lấy cái điên khác đuổi cái điên, lấy cái mê khác trùm cái mê, lấy cái ngông đè cái hoảng hốt. Nhưng cái điệu khác, cái mê khác, cái ngông ấy chỉ làm ông bị khủng hoảng hai lần. Rồi ông rơi xuống đáy Đau Khổ. Ở hiện tại, ông thấy toàn vô nghĩa, ở tương lai ông thấy toàn buồn bã, ở dĩ vãng ông thấy toàn chán nản. Ông liền kêu cứu. Ấy thế là tập Điêu tàn ra đời.
Cho xuất bản tập Điêu tàn, ông Chế Lan Viên chỉ cốt ý tìm lấy một người tri kỷ. Người tri kỷ này, than ôi, không bao giờ ông gặp được.
Chỉ vì ông đã dại dột đặt thành quan niệm cái điên của ông và phô diễn quan niệm ấy trong bài tựa.
Ta đọc:
"Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mê, người say, người điên. Nó là tiên, là ma, là quỷ, là tinh, là yêu... Người ta không hiểu được nó."
Ông Chế Lan Viên đã khách quan hóa cái chủ thể của ông. Nên ông lầm. Vì thi sĩ bao giờ cũng có khuynh hướng chủ quan hóa cái khách thể của sự vật. Ông đã rời bỏ khuynh hướng ấy. Ông đã phản cái bản tính thiên bẩm của mình. Ông có tội với Nàng Thơ.
Ông viết: Thi sĩ không phải là người; bởi lúc mê, ông không nhận thấy rằng người nào cũng là thi sĩ. Bao nhiêu cái điên cuồng của ông, dù điên cuồng đến mức nào đi nữa, cũng chỉ là những tâm trạng nằm tiềm tàng trong thế giới vô ý thức của các tâm hồn rất thông thường. Những cái điên cuồng ấy chỉ là dấu hiệu xao xuyến của một nhu cầu giải thoát mà ai cũng có. Có khác là ông lồng nhu cầu giải thoát này vào những chế phẩm lăng tằng của trí tưởng bị đốt nóng quá độ và ông đặt nó thành vần thành điệu. Cũng như nhà cách mạng dàn nhu cầu giải thoát ấy vào những lý thuyết xã hội và thực hiện nó bằng các chiến thuật có tổ chức. Và cũng như người thường phát biểu nó bằng những tiếng cười ngạo nghễ, những khóe mắt khinh đời miệt tục.
Bởi lẽ đó thơ dễ hòa nhịp nhất với tình tứ chúng của nhân loại, dù là thơ điên, thơ mà hay thơ quỷ. Tính cách đồng cảm mãnh liệt ấy của thơ đã được chứng thực trong các thế kỷ, ở các mẫu đất có loài người sinh hoạt.
Đã có người nói thi sĩ là bộ bách khoa trữ tình của thế kỷ (une encyclopedie lyrique du siècle). Có thể nói rộng nữa: bộ bách khoa trữ tình của nhân loại. Thi sĩ là bạn của tất cả mọi người trong tất cả những trường hợp khuất khúc về tâm sự.
Chỉ có ông Chế Lan Viên dám phản đối một cách độc đoán cái chân lý ngàn tuổi ấy.
Người ta không hiểu được nó. Nó đây là thi sĩ? Không! Nó đây là ông Chế Lan Viên. Nó, ai mà hiểu được? Nó đã nói bằng trí ở một trường hợp mà nó phải nói bằng tim. Nó đã ly dị với Nàng Thơ. Nó muốn khoác áo một nhà triết học.
Nhưng tại sao lại có chỗ lầm lỡ quá đáng ấy ở ông Chế Lan Viên? Theo ý tôi, sở dĩ ông Chế Lan Viên bơi trong lầm lẫn một cách bướng bỉnh như vậy là vì tâm thần ông rối loạn quá. Rối loạn bởi ông tự gông cùm trong cái quan điểm eo hẹp của một người dân vong quốc.
Nếu ông Chế Lan Viên quả thật là người Chàm?
Đằng này không! Ông chỉ có cảm tình mật thiết với một giống nòi xấu số. Cảm tình ấy, ông cố ý đào sâu mãi. Ngờ đâu, chiếc xẻng thân yêu của ông, dở cuộc, bị gẫy nát bởi một tảng đá lớn nằm dưới cảm tình ấy. Tảng đá này là thiên nhiên. Người ta không thể mượn cho mình một linh hồn khác chất mà không mất mát chút gì. Ông Chế Lan Viên đã mất mát sự thành thực.
Cho nên những tình cảm mượn, ông không thể tả được bằng thể trữ tình nó là tiếng nói của trái tim nóng hổi. Ông phải tả bằng danh từ và hình tượng. Ta bực bội gặp dưới ngòi bút Chế Lan Viên rất nhiều danh từ trừu tượng viết bằng chữ hoa: Hư Vô, Vui Tươi, Hồn Điên, Trời Mơ, Lầm Lạc, Màu Quên, Đau Thương, Quên Lãng, Ta, U Buồn, Trần Gian, Chán Nản...Còn gì nữa? Những danh từ này là một khối nặng chết (poid mort) buộc lòng thòng vào tập Điêu tàn. Chúng chứng thực tính cách giả dối của những cảm tình mượn và nài ép.
Số kiếp tan nát của giống Hời đáng lẽ phải làm ông Chế Lan Viên khóc. Nó chỉ làm ông nhăn nhó, cố nhăn nhó. Nhăn nhó như người đàn bà bắt chước Tây Thi.
Tuy vậy, những hình tượng đặc sắc rải rác trong tập Điêu tàn, nhờ thi nghệ tài hoa của tác giả, đã có thể thay chân một cách rất đáng khen những tình cảm mà ông định diễn. Nên ông đã hồi sinh được cả một cái đã mất. Được vậy là nhờ ở khiếu trực giác linh mẫn của ông.
Tôi có thể nói không sợ ai bẻ: Ông Chế Lan Viên chỉ sống bằng trực giác. Bao nhiêu hình tượng đặc sắc - những hình tượng có cánh - ông đều tìm thấy đột ngột, nhờ trực giác, một linh cảm huyền diệu chỉ nảy nở sớm ở những tâm hồn tế nhị.
Trực giác cao hơn trái tim, nhưng phải lấy trái tim làm nền tảng. Nhà thi sĩ thuần túy là người biết xây cái nhà trên cái móng. Ở ông Chế Lan Viên, thi tứ bay vụt một cái lên mái nhà. Nó đậu ở đấy giây lâu rồi lại té nhào.
Hẵng xây cái nền tảng, thi sĩ Chế Lan Viên! Nói khác đi, hẵng trở về sống trực tiếp với trái tim. Hẵng căng cho tận lượng tất cả những sợi dây để hòa thấm lòng với tất cả những tình nhân loại của con người. Hẵng sống đã. Chỉ có sống thật thật đầy đủ, thật mãnh liệt mới tạo được cho trái tim những dịp ma luyện phi thường.
Sống đầy đủ và mãnh liệt là dùng tình yêu thuần túy đi sâu vào các kẽ ngách tối tăm của nhân tâm để khơi đào ở đó những nguồn tha thứ khoan hồng ân ái.
Sống đầy đủ và mãnh liệt là phát triển hoàn toàn cái tình thương thấm thía của trái tim, để tắm gội những cõi lòng đau khổ rải rác quanh mình vào bằng một bụi mưa trắc ẩn.
Sống đầy đủ và mãnh liệt là phát triển cả cái phản ảnh của tình yêu, tình thương. Phải biết nuôi trong lòng những cái ghét chính đáng để gây cho hành động một nguyên lực mạnh mẽ và bền vững.
Sống đầy đủ và mãnh liệt, tóm lại, là sống chung với cái sống của nhân loại bằng cái sống trong trẻo  và tưng bừng của trái tim.
Lúc đã yêu, ghét, thương, buồn - yêu, ghét, thương, buồn đến gần đứt sự sống - lúc ấy trái tim mới cảm chân thành được bề sâu thăm thẳm của nhân tâm, thế sự. Lúc ấy, thơ mới là tiếng nói của Người, thi sĩ mới là bộ bách khoa trữ tình của Nhân Loại.
Lúc ấy, ông Chế Lan Viên bình tĩnh đọc lại bài tựa quyển Điêu tàn mới nhận thấy mình đã lầm khi muốn lý thuyết hóa vội vàng một tâm trạng nhất thời chưa được căn cứ vào trái tim trác luyện.
Chẳng chóng thì chầy, ông Chế Lan Viên sẽ biết thành thực khóc cái Điêu Tàn mà hiện giờ ông mới chỉ có cảm tình, nhờ trực giác. Bấy giờ ông mới lại sẽ hiểu thêm rằng: khóc cái điêu tàn dĩ vãng chưa đủ, phải khóc cái thống khổ hiện tại nhiều hơn. Vì cái khóc kia đưa đến cái không mà cái khóc này mới dắt đến tranh đấu. Tranh đấu, ấy mới là biết sống.
Nguồn: Ích hữu, Hà Nội, s.102 & 103
(09 Fevrier 1938), tr. 1, 6.
Lại Nguyên Ân sưu tầm và tái công bố, 2009.
Trương Tửu 
Nguồn: Tạp chí Thơ HNV/vanvn.net
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đường l...