Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Hồi ức của một nữ nhạc sĩ

Hồi ức của một nữ nhạc sĩ
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được đọc hồi ức của một nữ nhạc sĩ. Đời nghệ sĩ, mấy ai không trải qua những nỗi truân chuyên. Những nỗi truân chuyên của nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai quả thật mới tải được hết câu thơ “Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên”.
Những hồi ức khác của các nữ nhạc sĩ hiếm hoi ở Việt Nam có “truân chuyên” hơn không, tôi chưa đọc nên không thể khẳng định. Nhưng đọc hồi ức “Lật từng mảnh ghép” của Trương Tuyết Mai, thì tôi đã thầm thốt lên: “Truân chuyên đến thế là cùng”.
Không thể ngờ được một cô gái sinh ra ở Hải Phòng, là con của một người cha đã từng là lính Hải quân Pháp tuy gốc quê Phú Yên, lại có một cuộc đời ba đào đến thế. Cái gốc của nó chính là vì người cha vì yêu nước đã xóa bỏ tư thế lính Hải quân thuộc địa đi theo lý tưởng cách mạng mà ông đã ngấm ngầm tôn thờ tự khi nào đó. Bởi vậy mà vì hoàn cảnh nhà nghèo, cô bé Trương Tuyết Mai đã phải đi làm con nuôi. Nhưng rồi không chịu được cảnh xa con, bà mẹ lại xin cô bé về “rau cháo nuôi nhau”. Chẳng đếm hết bao nhiêu cơ cực cô bé đã phải nếm trải cùng mẹ, chị và các em. Nhưng bi kịch nhất là khi cô bé được mẹ giao nhiệm vụ đi tìm cha như đã hẹn, thì đến khi tìm được cha đang chờ tập kết ở Quy Nhơn, quay trở về lại chứng kiến cảnh mẹ vừa qua đời vì bạo bệnh.
Một vận may cũng nhờ cách mạng mà chị em Trương Tuyết Mai đã kịp trở về với cha để cùng tập kết ra Bắc. Cô đã được trở về nơi sinh ra là Hải Phòng. Với bản năng đam mê âm nhạc của mình, Trương Tuyết Mai đã từng được Trường miền Nam số 4 lúc đó giao nhiệm vụ đứng chỉ huy dàn hợp xướng. Trương Tuyết Mai đã có quyền ước mơ trở thành một nữ nhạc sĩ. Và điều này đã thành hiện thực khi Trương Tuyết Mai 17 tuổi.
Đến đoạn này thì lại phải nhắc tới câu thơ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách đứng trời gần trời xa”. Cách mạng đã cho Trương Tuyết Mai biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng hiện thực này lại phải sống chung với hiện thực khắc nghiệt khác của thể chế lúc bấy giờ. Một cuộc cộng sinh chẳng dễ dãi gì giữa lãng mạn với thô bạo. Ngày đó, một câu chuyện tình giữa một nữ sinh trường nhạc trong bộ bà ba đen và chiếc khăn rằn Nam Bộ với một trí thức người Pháp dấn thân cùng cách mạng Việt Nam. Chẳng hiểu vì sao mà câu chuyện này lại xảy ra tại quán ăn Tân An cuối phố Hàng Bông mà tôi đang ngụ cư.
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi đến tận bây giờ mới biết câu chuyện tình éo le này. Người trí thức Pháp phải lòng cô nữ sinh trường nhạc Trương Tuyết Mai, lại chính là một nhân vật nổi tiếng. Ông chính là Georges Boudarel, có tên Việt Nam là Đại Đồng. Ông sinh tháng 12.1926 tại tỉnh Loire, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1947, xuống tàu sang Đông Dương làm giáo sư triết học ở Trường Trung học Pháp ngữ. Năm 1949, sau một năm ở Lào, ông tới Sài Gòn dạy ở Trường Trung học Marie Curie. Năm 1950, ông vào chiến khu theo Việt Minh. Khi đó ông mới 24 tuổi. Ở chiến khu, ông làm việc tại Cục địch vận và Đài phát thanh Nam Bộ kháng chiến. Năm 1952, ông ra Việt Bắc, làm Phó trưởng trạm cho trại tù binh Pháp 113. Sau hiệp định Genève, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Ngoại Văn ở Hà Nội.
Thời đại hôm nay, chuyện này là chuyện quá thường tình với phụ nữ Việt Nam. Nhưng ở thời điểm đó, chuyện này là chuyện “tày đình”. Câu chuyện tình “bí mật” này diễn ra nhanh chóng và bị dập tắt ngay khi nó đang nồng lửa. Ngày ấy, sau khi thất tình, ông G.Boudarel lấy vợ và sinh con. Nhưng ít lâu sau, hình như năm 1964, gia đình ông rời Việt Nam sang Tiệp Khắc sinh sống vì ông đã theo cách mạng Việt Nam chống Pháp, nên bị kết án nặng nề của Chính phủ Pháp. Năm 1966, nhờ lệnh ân xá của Tổng thống Charles de Gaulle gia đình ông mới về lại Pháp năm 1967. Ông dạy Đại học Denis Diderot (Paris 7) cho đến khi về hưu. G.Boudarel làm luận án tiến sĩ về Phan Bội Châu, là một nhà Việt Nam học có uy tín, đã từng xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị, đồng thời cũng là dịch giả, chuyển ngữ nhiều tác phẩm của Việt Nam sang tiếng Pháp. Nhưng đầu năm 1990, ông lại bị vu cáo của thế lực cực hữu ở Pháp là đã tiếp tay cho Việt Minh sát hại tù binh Pháp. Thế là lại thêm một cuộc chiến nữa của một người yêu hòa bình cho nhân loại phải chống đỡ. Tuy nhiên, câu chuyện tình này tuy đau đớn, nhưng lại có hậu. Năm 1999, khi G.Boudarel nằm bệnh, Trương Tuyết Mai đã được sang thăm ông. Bà đã viết ca khúc “Đợi chờ” tặng ông. Khi ông mất vào năm 2003, bà đã lập bàn thờ của ông ngay tại nhà riêng.
Ai cũng biết nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai rất nổi tiếng với ca khúc “Xe ta ơi! Lên đường” (phỏng thơ Huy Cận) thời chống Mỹ. Vừa là nhạc công flute, bà vừa là một người sáng tác âm nhạc. Hồi ức cũng rất thật hay khi lần đầu tiên có người đã kể lại về chuyến lưu diễn xuyên Trường Sơn của tốp văn công thuộc Đài phát thanh Giải phóng giai đoạn trước ngày thống nhất đất nước. Qua giọng kể trung thực của Trương Tuyết Mai, người đọc sẽ biết thêm về ca sĩ Thanh Hoa, nhà văn Lê Minh Khuê, nhạc sĩ Huy Tiến... và trân trọng nhất về nhạc sĩ Trần Kiết Tường.
Phần hồi ức bà viết khi về công tác tại Đài phát thanh Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, mới thấy nghị lực phi thường của thân “liễu yếu đào tơ”. Không chỉ sáng tạo thêm những ca khúc hay như “Huế - tình yêu của tôi” (thơ Đỗ Thị Thanh Bình), “Đợi chờ”, “Ba Son bình minh”..., Trương Tuyết Mai còn bươn chải giữa đời thường để nuôi ba con thành nhạc sĩ. Đó là Thảo Linh, Đan Linh và Jazzy Dạ Lan (tên thật là Thảo Hương đang hoạt động âm nhạc ở Đức). Hồi ức có những đoạn dở khóc dở cười khi thời khốn khó, bà đã từng đi buôn hạt giống rau, nuôi lợn để mưu sinh cho cả gia đình. Thương nhất là khi những chuyện làm ăn này đều thất bại vì tính cả tin của người nghệ sĩ.
Nếu có thể sửa chữa được quá khứ, tôi nghĩ rằng, mọi người đều rất muốn câu chuyện tình trên kết thúc hạnh phúc. Nhưng nếu không truân chuyên như những gì đã xảy ra, chắc gì đã có nhạc sĩ Trương Tuyết Mai?.
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: Lao động cuối tuần. Số 30
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động Từ ngày 27.2.2008 đến 6.3.2008 báo Thanh Niên liên tiếp đăng loạt bài  [1]  “Thiền sư Lê...